WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Đi tìm cái tôi đã mất

13.
Con người có 2 mắt đều hướng ra cái thế giới vật chất bên ngoài, không có con mắt nào hướng vào trong để ngắm nghía, kiểm soát cái thế giới tinh thần của nó nên nó bị mù một nửa, cũng như nó không có cái tai bên trong nên không thể nghe được những tiếng thì thầm rất nhỏ mỗi đêm trong chính mình. Hai cái khuyết tật bẩm sinh ấy đã làm con người thiếu hoàn chỉnh, là nguyên do mọi đổ vỡ của nhiều danh nhân dũng tướng vào những năm cuối đời. Nhưng cũng có một số ít người có khả năng nhìn được sự vận động cả trong lẫn ngoài, nghe được những tiếng động rất nhỏ cả ngoài lẫn trong. Họ không có cấu tạo vật chất đặc biệt nào mà chỉ bằng cái năng lực tinh thần rất mạnh đã bù đắp được những khiếm khuyết bẩm sinh. Nhiều tập hồi ký của các danh nhân cả chính trị lẫn văn hoá đều thiếu cái phần còn nhày nhụa của họ, cái phần thú vật của con người nơi sản sinh ra những tội ác chưa hình thành, cái què quặt, cái buồn cười đã được kiềm chế đúng lúc, đã được giấu nhẹm, cái phần họ muốn quên đi và rất dễ trở thành lang sói với đồng loại nếu trong đồng chí, đồng nghiệp còn có người biết đến và nhớ tới.

Cuộc chiến đấu lớn, có tính bi kịch giữa mình với mình bao giờ cũng hoành tráng, cũng đẹp, rực rỡ những màu sắc đối nghịch vì nó đã bộc lộ đầy đủ nhất cái phẩm chất LÀM NGƯỜI trong mỗi CON NGƯỜI. Không phải bất cứ ai cũng tạo ra được trận chiến thần thánh ấy, vì chiến trường ở ngay trong lòng mình, mình vừa là kẻ thách đấu vừa là kẻ dám nhận đấu, dẫu thua cũng là cái thua của thần thánh. Một công việc trang trọng đến thế, hùng tráng đến thế mà lại dám nghĩ là công việc của số đông, của những người chưa hề chuẩn bị một cái nhìn bên trong, một cái nghe bên trong cho riêng mình, cả đời họ sống trong tự mãn, trong u mê, bất thần mời gọi hãy nhìn lại mình, hãy nhìn lại người để có được những phán xét và điều chỉnh chuẩn xác ! Ông tổng bí thư đã mở một cuộc chiến ảo nên ông cũng chỉ nhận được những kết quả ảo.

Một đảng, một thể chế chính trị lấy phê bình và tự phê bình làm vũ khí sắc bén để giải quyết mọi mâu thuẫn nội bộ, giả thử nó lại không còn dùng được nữa thì các mâu thuẫn sẽ được hoá giải bằng cách nào ? Đảng đối lập không có, dư luận đối lập qua báo chí và các cuộc biểu tình quần chúng cũng không có, vậy làm cách nào để biết và điều chỉnh mọi sự rắc rối, thậm chí cả bạo loạn nữa nếu nó xảy ra ? Vẫn có cách, là phải tạo ra một tình hình chính trị luôn căng thẳng (một cuộc chiến tranh có thể xảy ra, một cuộc bạo loạn có thể xảy ra) để buộc các công dân phải sống trong những quy chế nghiêm ngặt của thời chiến, ở các chế độ toàn trị chỉ có hai cơ quan mà quyền uy bao trùm cả xã hội. Đó là cơ quan tư tưởng, tuyên truyền và cơ quan công an. Một để chặn, một để chống. Còn khi đã có chuyện bất thường xảy ra thì chỉ có một biện pháp : đàn áp, bắt giữ, lập toà án xét xử những kẻ cầm đầu. Cách giải quyết vừa nhanh gọn lại mau ổn định, không dây dưa, phiền toái vì có quá nhiều luật lệ, qua nhiều lý lẽ như ở các nước tư bản. Những rối loạn vặt vãnh thật ra là nước là không khí của các nhà cầm quyền độc tài. Họ đâu có sợ loạn. Họ còn bày ra những cuộc chiến cung đình như ở Liên Xô và các nước Đông Âu, hay một cuộc chiến giữa nhân dân với nhau như đã làm ở Trung Quốc. Không có mùi vị của thuốc súng, của máu người và những tiếng la hét cuồng nộ của đám đông thì người cầm quyền biết thở bằng gì !

14.
Tập thể không làm ra văn chương vì nó không có cảm nghĩ riêng, tâm sự riêng, tính cách riêng. Nó là vô danh. Một tâm sự mãn nguyện, những tiếng cười hoan lạc, một kiếp người quá đầy đủ cũng không thể có chỗ đứng trong văn chương. Vì văn chương bao giờ cũng thuộc về những tiêng kêu của con người để đòi lại những gì còn thiếu : thiếu tự do, thiếu công bằng, thiếu hạnh phúc… Đời người là bể khổ, những khao khát về tinh thần của con người là vô cùng nên mới cần có văn chương và nghệ thuật để bù lại. Còn mọi thứ đều được biết, đều đầy đủ, đều mãn nguyện thì tôn giáo không còn, triết học không còn, và tất nhiên văn chương cũng không thể còn. Nó sẽ chết vì bị ngạt, vì không còn những khoảng trống huyền bí để suy nghĩ, để mơ mộng và để thở. Những gì mà chủ nghĩa cộng sản hứa sẽ thành hiện thực trong tương lai thì cái hiện thực ấy sẽ giết chết cả loài người. Vì thượng đế đâu cần những con dòi béo quay lúc nhúc dưới chân Ngài. Cũng may đó chỉ là những lời nói dối, tự dối mình và dối người của những con người đã phải sống nhiều trăm năm trong cùng khổ, trong tuyệt vọng. Còn hướng tới thiên đàng ư ? Là thiên đàng trần gian hay thiên đàng thượng giới cũng không một ai có thể sống nổi. Sống không lo nghĩ, không mong muốn, không đấu tranh là kiếp sống con dòi rồi. Chả lẽ những con dòi cũng có thể cất cao những cái đầu múp míp của chúng để làm ra triết học và thơ ca !

Những điều viết trên đây không do tôi tưởng tượng ra mà do những trải nghiệm bản thân mà có. Những năm còn trẻ cả vợ lẫn chồng đều ăn lương quân đội, lại phải nuôi dưỡng những bốn đứa con, nhà ở ven bãi sông năm nào cũng phải chạy lụt, lại quá chật có 15 mét vuông. Ăn thì mì hai phần gạo một phần, gạo phải nhặt sạn cả buổi mới dám nấu thành cơm. Còn thức ăn ư ? Chả nói nữa ai cũng ăn như thế, ăn dưa ăn mắm suốt mấy chục năm đã hoá quen. Cả nhà chỉ có hai cái giường, một cái bàn, hai cái ghế, tiếp khách ở đấy, mời cơm khách ở đấy, con học bài cũng ở đấy, và ông bố viết văn cũng chỉ có cái bàn ấy. Đêm đêm nằm cạnh hai thằng con trai lớn đạp ngang, quẫy dọc, rắm đánh thối um, vừa quạt cho hai thằng con ngủ tôi vừa mơ mộng đến một ngày nào đó, các con đã trưởng thành, tôi có được một phòng riêng để viết và tiếp bạn, mỗi bữa cơm đều có cá hoặc thịt, có cả chút rượu nữa càng hay. Tôi không phải lo nuôi con, không phải lo cả trăm thứ vặt vãnh để tồn tại, chỉ có đọc sách, ngẫm nghĩ, đi chơi đây đó với bạn bè và viết, ắt hẳn tôi sẽ viết được một hai cuốn sách để đời. Bây giờ tôi đã ngoài bảy chục tuổi, đã có đầy đủ những gì tôi khao khát, có thể nói còn hơn cả khao khát. Tôi đã sống đầy đủ, sang trọng nữa, hơn nhiều nhà văn tôi được biết ở các nước Đông Âu. Và tôi đã nghĩ nếu chủ nghĩa cộng sản thành công ở Việt Nam thì cũng chỉ cho được tôi đến thế. Khốn nỗi, lúc này tôi đâu còn năng lực làm việc bằng trí tuệ nữa mà cũng chả có nhu cầu nào phải đòi hỏi. Cuộc sống được vỗ béo của một kẻ ăn không ngồi rồi đã giết chết mọi tư tưởng ở trong tôi, rồi giết luôn đến đội quân chữ nghĩa, chúng đã hoá ra rỗng tuếch, vô hồn. Nhà văn mà hết chữ thì chỉ là cái xác chết. Xác chết con người với xác chết con dòi có gì là khác mà phải phân biệt !

15.
Tôi có một tuổi thơ rất buồn, lại sống với những người có số phận buồn nên mới 14, 15 tuổi đã nhìn đời như một ông già. Tức là một cái nhìn không mấy lạc quan. Cái xã hội tôi đang sống không mấy hoàn hảo, những người tôi gặp cũng không được hoàn hảo. Tôi quen thuộc với những gì không hoàn hảo tới mức gặp những gì quá đẹp, quá chu toàn tôi đều ngờ, đều sợ. Người truyền cho tôi cái nỗi sợ bẩm sinh ấy là mẹ tôi. Bà đã qua một đời chồng rồi mới gặp được bố tôi. Đời chồng trước mọi sự đều tốt đẹp, ông ấy còn trẻ, có địa vị trong xã hội, nhà giàu, lấy nhau được một năm lại sinh con trai. Mà rồi chỉ ở với nhau được ba năm phải bỏ. Đời chồng sau thì dở, dở cả mọi đằng. Bố tôi cũng còn trẻ, làm tham biện ở phủ thống sứ, nhưng ông đã có vợ và hai con nên phải làm lẽ và lấy giấu. Mẹ tôi bảo thế là đúng số, là đã an phận, nhưng lại lo bố tôi sẽ bỏ khi cuộc ăn chơi này gây thêm phiền phức cho cái gia đình chính thức của ông. Hai anh em tôi là bản sao nguyên mẫu của bà. Những gì nhận được từ tuổi thơ mãi mãi hằn dấu lên cho đến hết cuộc đời chúng tôi. Nhìn bên ngoài tôi có tướng con nhà phong lưu nhưng cái ruột của tôi lại thuộc về con cái của những gia đình nghèo, lại chả có thế thân gì nên rất biết phận, cho thì nhận, không cho cũng không đòi, chỉ cầu không có ai quấy nhiễu là mừng. Em trai kém tôi năm tuổi, lấy vợ muộn, về hưu sớm, lúc trẻ thì thay anh hầu hạ mẹ, về già thì đi chợ nấu cơm, giặt quần áo thay vợ chăm sóc các con. Cả đời chỉ biết cười, cái cười nhẫn nhục, bằng lòng với những gì mình có.

Tôi thì khác, một cuộc sống bên ngoài ai cũng biết là khiêm tốn, nhẫn nại, ít làm phiền người khác và chả dám gây sự với một ai. Nhưng cuộc sống bên trong cũng có nhiều tham vọng, làm quan hay làm anh nhà giàu thì không dám vì tôi không có bản lĩnh tiến thân bằng hoạn lộ hay kinh doanh. Tôi chỉ có một ao ước duy nhất là được viết văn cho đến già. Với cái tài tôi tự biết, tôi phải sống rất lâu và viết rất nhiều may ra mới được một hai cuốn sách hay, mà cũng chỉ hay trong cái thời của nó chứ không thể hay ở mọi thời. Tôi tự nhận tôi là người có một con mắt bên trong và một cái tai bên trong từ nhỏ. Để quan sát, nghe ngóng những người khác họ yêu mình hay ghét mình. Càng lớn tuổi cái khả năng tự xét mình của tôi càng sắc nhọn. Và tôi đã nhận ra cái lợi của phép giấu mình. Trang Tử đã nói : Con chim bay cao thì tránh được tên, được bẫy, con chuột đào hang sâu thì tránh được cái hoạ bị khói hun.

Pages: 1 2 3 4 5 6

Phản hồi