Hoà giải hoà hợp (?!)
“…không phải tán thành hoà giải hoà hợp mà chính là dị ứng, chống hoà giải hoà hợp mới rơi vào bẫy của những người cộng sản, tự làm cho mình yếu đi…”
Đọc tựa đề trên đây, chắc sẽ có bạn đọc hải ngoại chép miệng: Lại hoà giải hoà hợp! Lại nghị quyết 36! Lại cái bẫy của cộng sản!… Vì thế tôi mới để tựa đề với dấu hỏi (?) và dấu than (!).
Nguyễn Hữu Liêm vừa có bài viết rất đáng chú ý trên Danchimviet.com: “Cho một ngôn ngữ chính trị mới: trường hợp Đàn chim Việt”. Tác giả cho rằng “Bản sắc chính trị của một khối quần chúng, ngoài những mệnh lệnh và lòng nhiệt thành, thường được quyết định bởi một số những thói quen ngôn ngữ.”
Từ đó đi đến nhận định: “Tùy vào thói quen ngôn ngữ chính trị mà cộng đồng chính trị được thành hình, duy trì, tiếp nối. Hiện nay, đối với người Việt, ở trong nước và hải ngoại, đã hình thành hai cộng đồng ngôn ngữ chính trị mà thực chất chúng chỉ là sự tiếp nối của thói quen ngôn từ chính trị của hai phía từ thời chiến tranh trước 1975. Vì đây là hiện tượng của thói quen ngôn ngữ, nên chế độ Cộng sản vẫn chưa có khả năng thay đổi bản chất cai trị; cũng như thế cho cộng đồng người Việt hải ngoại, phần lớn là từ phía Việt Nam Cộng Hoà, vẫn không thay đổi tư duy chính trị của họ được. Cả hai bên đang tiếp tục dương cao khẩu hiệu thời chiến bằng ngôn từ chủ nghĩa và tình cảm quá khứ nhằm biện minh cho chính nghĩa của phe mình. Cho đến khi nào thói quen ngôn ngữ này được vượt bỏ thì chính trị Việt Nam, nhất là ở quốc nội, mới được thay đổi đúng theo nhu cầu của thời đại. Cả người cộng sản lẫn “chống cộng” cả hai đều đang bị dính chặt vào đọa lực quá khứ trên bình diện ngôn từ”.
Nguyễn Hữu Liêm nhận định chính xác về tình hình đối đầu thể hiện trong ngôn ngữ giữa hai phe sau chiến tranh nhưng tôi e rằng khi nhấn mạnh tính quyết định của thói quen ngôn ngữ chỉ là một cách nói có tính cường điệu để chỉ ra một tình hình đáng buồn. Thực chất vẫn là do tư duy hay não trạng quyết định. Có một số trường hợp, ngôn ngữ quyết định não trạng. Thí dụ trong một đám đông đang đi biểu tình ôn hoà, có kẻ hô lên “Đả đảo! Đả đảo! Giết! Giết!”, có thể đám đông sẽ bị kích động và trở nên hung hăng, đập phá. Một thí dụ khác, những lời nói khiếm nhã trong lúc tức giận có thể gây ra đổ vỡ trong suy nghĩ và tình cảm giữa những người thân thiết. Tuy nhiên, thông thường não trạng quyết định ngôn ngữ và trong chính trị lại càng như thế.
Có tình hình như Nguyễn Hữu Liêm nhận định chính là do cả hai phía cộng sản và chống cộng đều chưa thay đổi tư duy và nguyên nhân tôi cho là vì “hội chứng chính nghĩa”, điều mà tôi đã nhiều lần phân tích trong các bài viết, và trong đoạn trích trên, Nguyễn Hữu Liêm cũng có nhắc tới như một lý do. Nếu tư duy thay đổi, chắc chắn ngôn ngữ sẽ thay đổi.
Vài thí dụ rõ ràng từ trong nước: Trước khi có chủ trương đổi mới, trong kinh tế người ta dùng các từ “con buôn”, “con phe” “tư sản bóc lột”, “ngăn sông cấm chợ”, “độc quyền quản lý sản phẩm”, “kinh tế quốc doanh là chủ đạo”…, sau đó người ta ca ngợi “doanh nhân”, thậm chí “doanh nhân là anh hùng của thời đại”, “tự do lưu thông hàng hóa”, “giá cả do thị trường quyết định”, “kinh tế tư nhân đóng vai trò quan trọng”, “khách hàng là thượng đế”… Trước đây người ta gọi người Việt tị nạn cộng sản là “bọn phản động bỏ nước ra đi”, “bọn ôm chân đế quốc”…, bây giờ người ta trân trọng “khúc ruột ngàn dặm”, “Việt kiều yêu nước”… Những gì ngôn ngữ chưa thay đổi, chính là tư duy chưa thay đổi liên quan đến việc duy trì sự độc tôn lãnh đạo của đảng. Một số từ được sử dụng nhưng còn dè dặt như “nhân quyền”, “xã hội dân sự”… thể hiện sự ngập ngừng bối rối trong nhận thức và thực hiện chính sách.
Trở lại với cụm từ “hoà giải hoà hợp”. Rõ ràng đây là một từ có nội dung đẹp, tốt lành, có thể sử dụng trong nhiều trường hợp, nhiều lãnh vực. Thế nhưng bây giờ nó trở thành một từ bị nhiều người hoài nghi, thậm chí căm ghét. Nguyên nhân là người ta cho rằng đảng cộng sản đã độc chiếm từ này với một nội hàm xấu xa che đậy nhiều âm mưu thủ đoạn và nó chẳng khác gì là một cái bẫy giương ra cho những người chống cộng.
Sau đây chúng ta thử bình tĩnh phân tích lại những vấn đề liên quan đến từ này, không chỉ là từ, là ngôn ngữ, mà còn bao hàm nhiều vấn đề liên quan đến chính trị, tâm trạng, sách lược đấu tranh dân chủ chống chế độ độc tài toàn trị.
Định nghĩa thế nào là hoà giải hoà hợp có lẽ quá rõ ràng và ít ai tranh cãi. Vấn đề là ai có nhu cầu hoà giải hoà hợp?
Trong quan hệ giữa người với người, quan hệ xã hội, có hai người trở lên là đã có nhu cầu hoà giải hoà hợp vì không ai giống ai, nhiều khi khác biệt sâu sắc có thể đưa đến mâu thuẫn, xung đột. Từ trong gia đình giữa vợ chồng, cha con, anh em đến những người yêu nhau, bà con, hàng xóm; cho đến giữa những người khác địa phương, chủng tộc, tôn giáo, văn hóa; mở rộng ra giữa các dân tộc, các châu lục, các nền văn minh trên thế giới, ai không cần đến hoà giải hoà hợp để có được cuộc sống chung êm đẹp, thân ái, hoà bình?
Trong mối quan hệ giữa người Việt, kể cả trong và ngoài nước hay giữa trong và ngoài nước, có nhu cầu hoà giải hoà hợp không? Có người nói không. Thực chất vấn đề như thế nào? Ta thử xem xét một số trường hợp có tính tiêu biểu:
Không kể đến những lời phê phán về một số Việt kiều muốn về nước để du hí rẻ tiền, để tìm vợ trẻ, có những người muốn về nước để thăm quê hương, bà con, bạn hữu, để làm từ thiện, làm ăn kinh doanh, thậm chí muốn về ở hẳn, trong khi nhiều người chống lại những điều đó, công khai lên tiếng hay âm thầm phản đối. Có cần hoà giải?
Các tổ chức chính trị hải ngoại tuy cùng mục đích chống độc tài cộng sản nhưng vẫn công kích nhau thậm tệ, thậm chí chia rẽ ngay trong từng tổ chức, tiêu biểu là Thông Luận và Việt Tân. Có cần hoà giải?
Các vụ chống đối các báo Viet Weekly, Người Việt ở Mỹ , các cá nhân Trịnh Hội-Kỳ Duyên, Madison Nguyễn …do mâu thuẫn quan điểm và cách nhìn nhận vấn đề đã diễn ra có khi vô cùng gay gắt. Có cần hoà giải?
Đàn Chim Việt, một trang web tự hào là cơ quan ngôn luận dân chủ tự do hàng đầu, tạo điều kiện cho mọi tiếng nói không phân biệt chính kiến, đã đi đến chỗ phân ly thành hai trang web cùng mang tên Đàn Chim Việt. Có cần hoà giải?
Trong Phật giáo có hai giáo hội, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam và Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, có lúc đã đi đến chỗ đối đầu căng thẳng. Ngay trong GHPGVNTN cũng đã bắt đầu có chia rẽ, mâu thuẫn trầm trọng. Trong Thiên Chúa Giáo, sự kiện nóng hổi, Hồng y Phạm Minh Mẫn yêu cầu không treo cờ vàng ba sọc đỏ trong Ngày Giới Trẻ Thế Giới tổ chức tại Úc đã dấy lên bao lời phản đối, phê phán, thậm chí có người quy ngay Hồng y là tay sai cộng sản. Trang web Giao Điểm có vô số bài công kích Thiên Chúa Giáo một cách nặng nề… Có cần hoà giải?
Có trí thức, văn nghệ sĩ hải ngoại muốn về nước góp phần xây dựng quê hương trong lãnh vực chuyên môn, xuất bản sách, trình diễn văn nghệ cho đồng bào thưởng thức. Bao nhiêu người đã bị dè bỉu, lên án?
Giữa trí thức, văn nghệ sĩ trong và ngoài nước, rất nhiều trường hợp đã trở thành chuyện nhức nhối. Nguyễn Đắc Xuân và Nhã Ca lên án nhau, đe dọa không phải chỉ trong đời này mà còn truyền đến cả đời sau con cháu. Nguyễn Văn Trung với Nguyễn Trọng Văn, Lữ Phương giải quyết đến bao giờ mới xong khúc mắc qua những lời lẽ không lấy gì đẹp đẽ đối với trí thức? Vũ Hạnh và những nhà văn Việt Nam Cộng Hoà hiện ở nước ngoài hay ngay cả với một số nhà văn trong nước bao giờ mới hết ân oán?
Hoàng Phủ Ngọc Tường, Nguyễn Đắc Xuân, Trịnh Công Sơn bao giờ mới hết chuyện bi kịch “đao phủ Mậu Thân”, “ăn cơm quốc gia thờ ma cộng sản”, “đâm sau lưng chiến sĩ”…, không những chỉ thể hiện ở các bài viết trên mạng mà còn trong tâm trạng, tâm thức của không ít người Việt hải ngoại. Rồi Đào Hiếu có “lạc đường” hay không lạc đường. Rồi Phạm Duy, nhạc sĩ tài hoa nổi tiếng, muốn về sống và chết trên quê hương những ngày cuối đời cũng chịu không ít lời dè bỉu. Ngay cả thiền sư Nhất Hạnh, người được coi là thiền sư Việt Nam có ảnh hưởng lớn nhất ở nước ngoài, có hàng vạn môn đệ khắp nơi trên thế giới, về nước để rao giảng Phật Pháp, cầu nguyện giải oan cũng không tránh khỏi điều tiếng thị phi. Nói chi đến Nguyễn Cao Kỳ với những lời lẽ ngông nghênh, đao to búa lớn… Có cần bình tâm nhìn lại mọi chuyện một cách tỉnh táo, trên bình diện rộng lớn hơn, với tinh thần bao dung hơn?
Như thế nếu ai nói không hề có nhu cầu hoà giải hoà hợp trong cộng đồng người Việt trong và ngoài nước quả là không có sức thuyết phục hoặc chỉ là trường hợp cá nhân đơn lẻ, mà không chắc đã là như thế nếu phân tích cho hết ngọn ngành hoặc khi có va chạm cụ thể. Nhưng tại sao nhiều người vẫn nói?
Gần đây có lẽ là do Nghị quyết 36 của chính quyền cộng sản đối với người Việt ở nước ngoài, nhấn mạnh đến tinh thần và những biện pháp hoà giải hoà hợp, cộng với những hồi ức xa hơn về chính sách hoà giải hoà hợp của cộng sản trong quá khứ, thực chất là triệt tiêu đối lập, đã làm cho người Việt hải ngoại dị ứng với từ hoà giải hoà hợp. Quan trọng nữa là nhận thức cho rằng mọi tội lỗi trong lịch sử hiện đại đều do thủ phạm là những người cộng sản, còn tuyệt đại bộ phận nhân dân đều là nạn nhân, cho nên giữa nhân dân không cần hoà giải mà chỉ có hoặc là tiêu diệt những người cộng sản, hoặc là chính người cộng sản phải có trách nhiệm hoà giải.
Nếu cho rằng kết quả của lịch sử trong những cuộc phân tranh của người Việt như hiện nay, tất cả đều do người cộng sản quyết định và thực hiện thì quả là quá “đề cao cộng sản.” Kể cả tinh thần yêu nước của nhân dân, chống đối sự đô hộ của Pháp, sự can thiệp của Mỹ, chống bất công áp bức, khát vọng độc lập dân tộc, nhất nhất đều do cộng sản giật dây thì thật quá đáng. Làm sao lúc khởi đầu chỉ có năm bảy đảng viên, cho đến nay trên 3 triệu người, cũng chỉ là một số nhỏ trong nhân dân, họ có tài ba thần kỳ gì để điều khiển toàn bộ nhân dân trên đất nước này, dù họ có thủ đoạn quỷ quyệt tàn bạo tới đâu. Có điều gì mà nhân dân, những người không cộng sản, cũng phải chịu trách nhiệm, về tình hình hiện nay của đất nước. Đây là một vấn đề phức tạp cần đến chuyên đề riêng và chuyện tranh cãi e cũng khó hồi kết thúc nếu não trạng những người trong cuộc không thay đổi.
Thực tế hiện nay là không thể tiêu diệt những người cộng sản và họ cũng không chịu hoà giải hoà hợp theo cách mọi người mong muốn. Vậy làm thế nào? Từ đây cũng có vấn để đặt ra là hoà giải với ai và hoà giải như thế nào?
Nói tổng quát là hoà giải hoà hợp dân tộc, nghĩa là giữa mọi thành phần dân tộc, trong đó có những người cộng sản và người Việt ở nước ngoài. Nhưng vì những người cộng sản đã trở thành giai cấp thống trị nên trước tiên là hoà giải hoà hợp giữa các thành phần dân tộc không có người cộng sản, nghĩa là những người bị trị. Đây là tuyệt đại đa số nhân dân nhưng lâu nay đã bị chia rẽ nên mất đi sức mạnh. Trước đây trong lịch sử, khi có ngoại xâm, chỉ có toàn dân đoàn kết một lòng mới có thể chống lại địch, bây giờ là nội xâm, một cách nói, nếu nhân dân không đoàn kết, cũng không thể nào chống lại được chế độ độc tài toàn trị.
Những người Việt ở nước ngoài, mấy ai tự hào đã hiểu được hoàn cảnh sống và tâm tư, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân trong nước, từ nông dân, công nhân, doanh nhân cho đến trí thức, văn nghệ sĩ và các tầng lớp khác? Ai đã hiểu được đời sống thực ở các thành thị, nông thôn, miền núi? Ai đã biết những thay đổi trên khắp vùng, miền của đất nước, những gì tốt và không tốt? Ai hiểu được thấu đáo sự vận hành chi phối nghiệt ngã đời sống người dân trong chế độ độc tài toàn trị? Không đủ hiểu biết, hoặc chỉ có một số thông tin trên báo chí, làm sao có thể hoà giải hoà hợp? Sao lại nói không cần đến hoà giải hoà hợp giữa nhân dân khi muốn cùng chung sức chống lại chế độ độc tài?
Không thể hoà giải với kẻ ác hay với giai cấp thống trị mà chỉ có thể hoà giải với kẻ ác đã hoàn lương hay kẻ thống trị đã từ bỏ lòng tham quyền lực. Nhưng muốn thế phải có cách cảm hóa kẻ ác và chuyển hóa kẻ thống trị. Cách duy nhất là có sức mạnh và có chính nghĩa. Hiện nay nhân dân Việt Nam có chính nghĩa nhưng chưa đủ sức mạnh vì bị chia rẽ, vì bị nỗi sợ khống chế. Có thể vượt qua tình trạng này nếu nâng cao dân trí, nâng cao nhận thức về dân chủ và có được sự hoà giải hoà hợp giữa các thành phần dân tộc trong mục đích chung đấu tranh cho tự do dân chủ.
Những người cộng sản quá khôn ngoan khi đưa ra chiêu bài hoà giải hoà hợp. Nó có hiệu quả lôi cuốn những người có thiện chí hay nhẹ dạ, đồng thời cũng làm phân hóa những người chống đối. Với sự chống đối của nhiều người Việt ở hải ngoại, những người cộng sản mặc nhiên độc quyền về hoà giải hoà hợp. Thực ra không phải tán thành hoà giải hoà hợp mà chính là dị ứng, chống hoà giải hoà hợp mới rơi vào bẫy của những người cộng sản, tự làm cho mình yếu đi. Một phương thức lợi hại lại đem trao cho đối phương độc quyền sử dụng có phải là điều phi lý? Tại sao không tương kế tựu kế, dùng hoà giải hoà hợp như một biện pháp để củng cố sức mạnh dân tộc và như một phương thức diễn biến hoà bình trên mọi lãnh vực. Chính diễn biến hoà bình là một trong những điều người cộng sản lo sợ nhất chứ không phải là những lời phê phán, tố cáo dù rầm rộ tới đâu.
Đại bộ phận nhân dân có thể chống lại sự thống trị của một thiểu số người không? Câu hỏi lịch sử đó có lời đáp thế nào tùy thuộc vào sự tỉnh táo và nhận thức của nhân dân chứ không ai khác. Đó cũng chính là số phận của đất nước.
Tháng 7-2008
© Tiêu Dao Bảo Cự
Sống chung với Việt Cộng như cõng cọp mà đi.
Đoàn-kết với Việt Cộng như ôm rắn mà ngũ.
Hòa-hợp với Việt Công chĩ có những người điên.
Người San Jose