WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Con đường hội họa

Bài V: Bùi Thanh Phương: “Tôi biết mình là ai”

Nghiệp vẽ đến với Bùi Thanh Phương một cách tình cờ và đầy duyên phận. Là con trai của danh họa nổi tiếng Bùi Xuân Phái nhưng cha anh lại chưa dạy anh “vẽ một ngày nào theo cách dạy truyền thống”. Tất cả đều là do anh tự học, tự mày mò trong cái “trường đại học lớn” – căn phòng chỉ vẻn vẹn vài mét vuông nơi “xưởng vẽ” của cha anh. Từ đây, anh đã bắt đầu nghiệp vẽ, xây dựng “Thế giới Phái”, ra mắt giải thưởng “Bùi Xuân Phái – Vì tình yêu Hà Nội” và sắp tới đây là Phai’s House Company.

Họa sĩ Bùi Thanh Phương.

Tự hào là hậu duệ danh hoạ họ Bùi

Anh đã sớm trở thành trợ thủ đắc lực cho cha?

Đúng vậy. Ông cụ không phải là người sáng tác và ý thức về việc bán tranh của mình. Tranh của cụ lần đầu tiên xuất hiện trước công chúng rất khiêm nhường và do tôi mang đi ký gửi tại phòng tranh nhỏ ở Bờ Hồ. Sau này, mọi giao dịch liên quan đến tác phẩm của cha đều do tôi thực hiện. Tiền bán được tranh một phần tôi mua màu và toan, còn lại đưa cho cụ. Cụ lại sẻ ra đưa cho vợ và giữ lại một ít để tiêu vặt.

Tôi đã tránh cho cụ những tình huống khó xử khi phải tự mình định đoạt giá trị vật chất cho đứa con tinh thần của mình. Đó là điều ông cụ không hề muốn. Như vậy những điều trân trọng trong đời sống nghệ thuật thì dành cho cụ còn những bức xúc trong việc bán tranh thì tôi hưởng.

Hẳn người hiểu cụ Phái nhất cũng là anh?

Thực tế, tôi gần như một cố vấn, trợ lý cho ông trong hầu hết các vấn đề mà ông cảm thấy nan giải. Khi có hai bố con ngồi nói chuyện với nhau, ông thường xưng là “mình” với tôi, đến nỗi nhiều khi thấy không hợp lý, mẹ tôi cũng phải can thiệp “Sao ông cứ xưng mình mình tớ tớ với nó? Hai bố con ngồi nói chuyện với nhau cứ như hai người bạn không bằng”.
Sinh thời cụ Phái trân trọng người bạn nào nhất?

Vài ngày trước khi Bùi Xuân Phái mất, tôi có hỏi ông về những người bạn mà ông quí mến nhất. Bùi Xuân Phái đã bối rối một lúc rồi kể tên 4 người bạn mà theo ông là có tình và thành tâm giao từ thời khốn khó nhất: nhiếp ảnh gia Trần Văn Lưu, ông Lê Chính (trình bày báo Văn Nghệ), họa sĩ Nguyễn Trọng Niết và nhà sưu tầm Nguyễn Bá Đạm. Còn một người bạn mà Bùi Xuân Phái quý trọng gọi là anh, là nhà văn Nguyễn Tuân, tôi chưa thấy ông xưng hô như thế với ai bao giờ. Bây giờ nghĩ lại thời xưa ấy, tôi nhận thấy nhà văn Nguyễn Tuân là người bạn duy nhất của Bùi Xuân Phái từ thập niên 60 – 70. Trong suốt mấy chục năm ấy, như thông lệ, cụ Nguyễn Tuân luôn có quà sêu tết cho Bùi Xuân Phái, năm thì cân giò, năm thì cân thịt bò, năm thì con cá chép, năm thì chai rượu Tây. Gia đình tôi trong mấy thập niên đó, có một cái tết “ra trò” hay không một phần cũng trông chờ vào quà sêu tết của nhà văn Nguyễn Tuân vậy.

Tôi là tôi với cả hay và kém

Anh là người con duy nhất trong gia đình theo nghiệp cha, có khi nào anh cảm thấy mệt mỏi khi phải đứng trước cái bóng quá lớn ấy?

Tôi chưa bao giờ cảm thấy mệt mỏi khi đứng trước cái bóng quá lớn là cha mình, mà tôi luôn tự hào và cố gắng với tâm niệm xứng đáng là hậu duệ của họa sĩ họ Bùi. Tôi sống và làm việc với một niềm tin và tình yêu của riêng của tôi. Câu nói “Tôi là tôi với tất cả những cái kém và cái hay” của cha đã an ủi tôi rất nhiều.

Nhưng anh cũng đã phải từ bỏ đề tài mà anh rất yêu thích là “Phố”. Anh lo ngại mình không vượt qua được cái bóng của cha hay không thể khẳng định, ngoài phố Phái, còn có một phố Phương?

Đề tài phố, nhất là phố Hà Nội là đề tài tôi yêu thích nhất, và cũng là dễ vẽ, dễ đẹp hơn các đề tài khác. Muốn vẽ phố cổ Hà Nội cho đẹp thì chẳng có cách nào khác là phải nhìn bằng cái lăng kính của Bùi Xuân Phái, góc độ của Bùi Xuân Phái mà nếu như vậy thì cái áo mình mặc lại là cái áo mình đi mượn rồi, vì thế từ nhiều năm nay tôi đã hoàn toàn rơi vào khủng hoảng và không vẽ phố cổ Hà Nội nữa. Mặt khác, Hà Nội cũng không còn cảnh phố cổ nữa để cho mà vẽ. Các họa sĩ bây giờ vẽ phố cổ Hà Nội chỉ có thể dựa theo ảnh tư liệu hoặc vẽ phịa nên không có xúc cảm gì nhiều. Ngày xưa ông Phái vẽ, ông có bao giờ muốn cố gắng để khẳng định phố Phái đâu. Vì thế tôi tự thấy buồn cười nếu tôi vật vã làm việc để muốn khẳng định… phố Phương.

Liệu theo đuổi đề tài khác, anh có dám chắc mình thành công?

Họa sĩ thường chẳng ai dại gì mà tuyên bố mình sẽ chỉ vẽ đề tài này khác trong toàn bộ cuộc đời mình. Cảm hứng sáng tác nó đến với mình bất chợt như tình yêu, nó đến mà có hẹn trước hay biết trước bao giờ đâu. Tôi nhớ có lần Bùi Xuân Phái đã nói hóm hỉnh ” Với nghệ thuật, mình phải đi theo nó chứ không phải là nó đi theo mình”.

Vậy cụ Phái dạy anh vẽ, hay anh tự học?

Bùi Xuân Phái chưa bao giờ dạy tôi vẽ một ngày nào theo như cách dạy học truyền thống. Ở tuổi 12, tự tôi mò mẫm đi xin học vẽ ở Cung thiếu nhi. Cách tôi học được nhiều ở Bùi Xuân Phái là hằng ngày tôi ngồi bên cạnh bảng mầu của ông để xem ông vẽ và nghe ông nói chuyện về hội họa, nghe các quan niệm về nghệ thuật của các họa sĩ mỗi khi họ đến thăm ông. Căn phòng của Bùi Xuân Phái ngày ấy đối với tôi là một trường đại học lớn.

Anh quan niệm thế nào về một người nghệ sĩ chân chính?

Ở thời các ông Nguyễn Sáng, Bùi Xuân Phái, khi nhận định về một họa sĩ nào đấy, các ông thường chỉ dùng cụm từ “họa sĩ này hay”. Nếu được nhận định như vậy bởi các maitre thì người họa sĩ đó đã thành công lắm rồi. Các ông thường khen ngợi là HAY chứ không phải là giỏi (giỏi thường chỉ là khéo tay). Tiêu chí về một họa sĩ chân chính nghe có vẻ bao la và dễ khiến người ta ba hoa tán phét. Tôi nỗ lực, gắng sức mỗi ngày chỉ mong sao trong sự nghiệp của mình để lại được một hoặc hai bức tranh HAY cho đời, thế cũng là đủ cho một cuộc đời, phải không bạn?

Nghệ thuật đòi hỏi sự sáng tạo và cá tính, anh có tạo được một thế giới riêng trong nghệ thuật không bị ảnh hưởng mà vẫn đạt được cái đỉnh nghệ thuật như cha mình?

Tôi nghĩ làm nghệ thuật phải tránh được bức xúc và phải có niềm tin, không bị cuốn theo những giá trị trước mắt. Không phải thấy hoạ sỹ khác kiếm được 5.000 đô hay 10.000 đô một bức tranh mà bức xúc và chạy theo phong cách của người khác để không còn cõi riêng.

Còn trong nghệ thuật không nên so sánh thế hệ của cha tôi và tôi nhiều như thế. Ví dụ trong văn học, các nhà văn đương đại chắc gì đã viết hay hơn các cụ. Phải chấp nhận với nhau rằng, kể cả mỹ thuật thế giới cũng chưa chắc đã có cái đỉnh như các danh hoạ thời trước chứ không riêng ở Việt Nam.

Nhiều hoạ sỹ mong muốn được chịu ảnh hưởng từ cha tôi nhưng tôi lại vùng vẫy để thoát ra khỏi sự ảnh hưởng ấy và đã thoát vài năm nay. Tôi không vẽ những đề tài mà ông cụ đã thành công như Phố chẳng hạn vì nếu tôi vẽ, tôi biết chắc chắn mình sẽ nhìn phố dưới cách nhìn của cha. Bởi tôi biết chỉ có nhìn góc nhìn của ông cụ thì con phố nó mới đẹp được. Mà Hà Nội cũng chẳng còn phố cổ mà vẽ.

Theo đuổi nghề cầm cọ đã lâu, gần đây Bùi Thanh Phương mới được nhắc nhiều trên báo chí. Anh có cho đây là niềm an ủi?

Thực sự, đọc bài báo khen mình, tôi thấy rất phù du và chẳng để làm gì cả. Người nghệ sĩ nên tự biết mình đang ở đâu. Tôi cũng biết mình là ai khi tôi xem tranh của các họa sĩ đương đại chứ. Tuy nhiên tôi tự nhận mình là thứ quả còn xanh, chưa bao giờ tôi thực sự hài lòng về tác phẩm nào của mình cả. Có rất nhiều hoạ sĩ được khen trên báo giới, song đó chỉ là ngôn ngữ, mà ngôn ngữ thì có tâng bốc hay chê bai thì nó cũng sẽ chẳng làm cho bức tranh đẹp lên hay xấu đi. Nó vẫn thế. Tôi nghiệm thấy, những bức tranh đẹp nhất của Bùi Xuân Phái lại rơi vào thời kỳ thập niên 60, 70, những năm tháng mà thời đó báo chí không bao giờ đoái hoài gì tới nghệ thuật của ông. Mọi người bây giờ bảo bức nào của ông cũng đẹp, thế khi xưa, bức tranh đó cũng vẫn thế mà ?

Cũng vì lẽ đó, nhiều khi báo giới hại anh em hoạ sĩ lắm. Có nhiều người vẽ cũng chỉ tạm được thôi, gọi là góp vui cho vườn hoa hội hoạ thêm lạ,thêm phong phú. Nhưng 20 năm trước, tranh của họ còn khá hơn bây giờ, thế mà vẫn được ca ngợi mãi về một cái đĩa hát đã chạy mòn nhẵn.

Tôi cứ nhìn các bậc tiền bối như ông Phái, Nghiêm, Sáng… làm việc miệt mài cả đời mà có mấy khi được giới truyền thông nhắc tới đâu. Tài năng là điều rất khó nói. Như ông cụ nhà tôi, đến cuối đời vẫn còn hoài nghi tác phẩm của mình. Mỗi khi vẽ xong một bức, cụ lại đứng ngắm nghía, không hài lòng, lại xoá đi,cụ xóa tranh cũng hăm hở như vẽ tranh vậy. Thấy ông xóa tranh, tôi tiếc đứt ruột mà không thể can ngăn được. Nói thế để thấy rằng, người tài năng vẫn luôn tự hoài nghi và nó rất cần thiết với nghệ sĩ, giúp họ tự đẽo gọt ,lựa bỏ đi những gì thừa.

Vậy, mỹ thuật đương đại có điều gì khiến anh lo ngại?

Hiện nay, nhiều hoạ sĩ sáng tạo theo kiểu tự nhốt mình trong xưởng vẽ rồi… phịa ra tất cả mà không cần ghi chép tư liệu từ cuộc sống. Có vẻ như hội hoạ Việt Nam ngày càng xa rời Trường phái Paris mà chúng ta được thừa hưởng từ người Pháp. Cách vẽ kiểu tưởng tượng, không đúng mà cũng không sai chỉ hay hay theo hội chứng và mode nhất thời, không cần đạt chuẩn mực nào cả. Trong khi đó, trí tưởng tượng của con người là có hạn và rất yếu, cách tốt nhất để tránh nhàm chán là bám vào hiện thực, vào thiên nhiên. Thí dụ, mỗi khi tôi vẽ chân dung thiếu nữ thì cô gái ấy nếu không là người mình thầm yêu thì cũng là bạn gái, có tên để gọi chứ không phải là từ thế giới tưởng tượng nào. Cái này, tôi thừa hưởng từ cha, nghệ thuật của Bùi Xuân Phái thành công là nhờ sự chân thành và trong tình yêu cũng thế, chân thành mà ngô nghê vẫn gây xúc động hơn sự giả dối bóng bẩy.

Giả thưởng Bùi Xuân Phái – Vì tình yêu Hà Nội

Nghe nói anh đang cùng hai người bạn tích lũy tiền để thành lập giải thưởng mang tên cha anh, họa sĩ Bùi Xuân Phái?

Khi tôi ngỏ ý muốn thành lập giải thưởng Bùi Xuân Phái, tôi đã nhận được sự tán thưởng của các bạn tôi là các nhà sưu tập lớn, đó là Trần Hậu Tuấn và Bùi Quốc Chí. Ban đầu, chúng tôi dự kiến số tiền gửi ngân hàng sẽ vào khoảng 30 ngàn đô la Mỹ, như vậy lãi xuất hằng năm sẽ được hơn một ngàn. Số tiền lãi ấy sẽ vĩnh viễn giành cho “giải thưởng Bùi Xuân Phái”. Nhưng hiện tại, chúng tôi còn đang thảo luận thêm, bởi ý kiến của Trần Hậu Tuấn muốn giải thưởng có sức nặng hơn, nghĩa là, số tiền gửi vào nhà băng sẽ phải nhiều hơn thế. Chúng tôi dự tính, giải thưởng này sẽ chính thức được trao lần đầu tiên vào ngày sinh của cụ Bùi Xuân Phái (1.9.1920 -1.9.2008). Hằng năm vào ngày 1 tháng 9 sẽ là ngày trao giải thưởng này.

Anh có thể cho biết rõ hơn về đối tượng và cơ cấu của giải thưởng Bùi Xuân Phái?

Cơ cấu của giải sẽ do những thành viên trong nhóm thành lập giải thưởng soạn thảo và đối tượng được trao giải sẽ là người có tác phẩm xuất sắc nhất trong năm thuộc lãnh vực Văn học và Nghệ thuật. Nhưng tôi nghĩ, trong tương lai, Giải thưởng Bùi Xuân Phái sẽ được trao cho một tổ chức văn hóa có uy tín điều hành.

Lập nên giải thưởng Bùi Xuân Phái – Vì tình yêu Hà Nội cũng là một cách vinh danh Bùi Xuân Phái. Tuy nhiên, thực tế tiêu chí của giải thưởng này đang dừng lại ở mức định hình?

Tôi không nói là không hài lòng. Ở trong bối cảnh như hiện nay thì những gương mặt đã chọn để trao giải là vì họ có những ý tưởng rất hay. Tuy nhiên, nếu chỉ khép lại giải thưởng này cho hội hoạ thì sẽ rất mệt để tìm các gương mặt. Tuy nhiên, cũng là một nghệ sỹ, tôi luôn mong muốn có những tác phẩm đẹp. Mấy chục năm rồi chưa có công trình mỹ thuật nào tầm cỡ.

Box thông tin:

Trao tặng giải thưởng Bùi Xuân Phái cho 5 tác phẩm

Chiều nay 31/8, Báo Thể thao & Văn hóa cùng đại diện của gia đình cố họa sĩ Bùi Xuân Phái đã lần đầu tiên công bố và trao Giải thưởng “Bùi Xuân Phái – vì tình yêu Hà Nội” cho 5 tác phẩm.

Ngày 31/8 cũng chính là ngày sinh của danh họa Bùi Xuân Phái. Giải thưởng “Bùi Xuân Phái – vì tình yêu Hà Nội” sẽ trở thành giải thưởng thường niên và được trao vào đúng vào ngày này hàng năm dành cho các tác giả, tác phẩm, công trình, hoạt động, ý tưởng có hàm lượng nghệ thuật và khoa học cao, gắn bó với các mặt của đời sống Hà Nội và thấm đượm một tình yêu Hà Nội.

Giải thưởng “Bùi Xuân Phái – Vì tình yêu Hà Nội” là một giải thưởng mở mang tính xã hội hóa, được bình chọn và đề cử của Hội đồng Giám khảo và cộng đồng.

Hệ thống sẽ bao gồm Giải thưởng chính thức trị giá 15 triệu đồng, một số tặng thưởng bằng tiền mặt hoặc giá trị hiện vật theo từng năm và có một tặng thưởng do khán giả bình chọn.

Năm 2008 Giải thưởng Bùi Xuân Phái chính thức được ra mắt và trao giải thưởng cho 5 tác phẩm sau :

1. Bộ tiểu thuyết đồ sộ về triều Trần trong 175 năm lịch sử của tác giả Hoàng Quốc Hải gồm “Bão táp cung đình”, “Thăng Long nổi giận”, “Huyền Trân Công chúa” và “Vương triều sụp đổ”.
2. Dự án Thành phố sông Hồng của tác giả Văn Thơ. Dự án nhằm chỉnh trị lòng sông Hồng đoạn qua Hà Nội và TP Sông Hồng, thực hiện nắn lại đê, kè bê tông hai bờ xung quanh bãi giữa tạo quỹ đất xây dựng một thành phố mới.
3. Con đường gốm sứ của nữ nhà báo Nguyễn Thu Thủy và nhóm cộng sự. Dải đê dọc Hà Nội dài 6 km ven sông Hồng từ An Dương xuống đến Phà Đen sẽ là những bức tường mang tính nghệ thuật.
Các tác phẩm trải dài dọc con đường mang nét đẹp trong di sản nghệ thuật, tranh gốm của các nghệ sĩ đương đại của Việt Nam và quốc tế; tranh gốm dân gian và tranh của thiếu nhi.
4. Vở Cải lương “Cung phi Điểm Bích” của tác giả Hoàng Công Khanh, đạo diễn Quỳnh Mai và dàn diễn viên nghệ sĩ Nhà hát Cải lương Việt Nam. Liên tục có tới 70 buổi diễn trong vòng 2 tháng tại Thủ Đô, có tới hơn 1.500 tăng ni Phật tử cũng tới rạp để xem vở diễn.
5. Phác thảo khổng lồ “Chiến lũy và hoa” của họa sĩ trẻ Doãn Sơn khổ 2 m15 x 9m3 với những hình ảnh không quên của ngày đầu toàn quốc kháng chiến năm 1946.

Nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc – một trong 5 vị giám khảo của Giải thưởng “Bùi Xuân Phái – Vì tình yêu Hà Nội” cho biết: “Giá trị vật chất của giải thưởng không cao nhưng lớn về tinh thần. Giải thưởng là sự quan tâm của chính người dân, nghệ sĩ, cộng đồng tới vẻ đẹp và con người với tình yêu Hà Nội”.
(http://www.tienphong.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=135462&ChannelID=7)

Triển lãm “Giải thưởng Bùi Xuân Phái – Vì tình yêu Hà Nội”

Chiều 22-11, Tại Nhà triển lãm số 45 Tràng Tiền – Hà Nội đã khai mạc Triển lãm “Giải thưởng Bùi Xuân Phái – Vì tình yêu Hà Nội” . Đây là giải thưởng về Văn hoá nghệ thuật do Quỹ Bùi Xuân Phái và báo Thể thao và Văn hóa tổ chức hằng năm, vào dịp kỷ niệm Ngày sinh của danh họa Bùi Xuân Phái.

Quỹ này dành trao cho những tác giả, tác phẩm, công trình có những đóng góp xuất sắc vào việc tôn vinh Hà Nội, thể hiện tình yêu sâu lắng với mảnh đất và con người Thăng Long.

Với hình thức đa phương tiện, triển lãm trưng bày năm tác phẩm vừa được giải thưởng đầu tiên gồm: Bộ tiểu thuyết lịch sử bốn tập về triều Trần (Nhà văn Hoàng Quốc Hải); Dự án “Thành phố Sông Hồng” và Dự án “Quy hoạch chỉnh trị sông Hồng, sông Ðuống” (họa sĩ Văn Thơ), “Dự án Con đường gốm sứ ven sông Hồng” (họa sĩ Nguyễn Thu Thủy); Vở cải lương “Cung phi Ðiểm Bích” (tác giả Hoàng Công Khanh, đạo diễn Quỳnh Mai và tập thể diễn viên Nhà hát cải lương Việt Nam); Phác thảo bức tranh sơn dầu khổ lớn “Hà Nội chiến lũy và hoa” (họa sĩ Nguyễn Doãn Sơn).

Các tác phẩm này tuy khác nhau về loại hình, về thể loại nhưng đều gặp nhau ở một điểm chung nhất, đó là, tình yêu sâu lắng với Hà Nội, là sự gắn bó máu thịt với mảnh đất Thăng Long ngàn năm văn hiến.

Triển lãm khai mạc ngày 22/11 và kết thúc vào 28/11 tại Nhà triển lãm 45 Tràng Tiền – Hà Nội.

http://www.vnmedia.vn/newsdetail.asp?NewsId=150006&CatId=58

Đưa Phái House ra thế giới

Di sản cha để lại giúp gia đình anh sống thoải mái và anh cũng thực hiện được nhiều kế hoạch như xây dựng Thế Giới Phái, Giải Thưởng Bùi Xuân Phái…?

Di sản của cha giúp gia đình đạt đến mức độ nào đấy về tài chính song đó cũng là lúc tôi nhận ra tiền không phải là thứ quyết định hạnh phúc. So với ngày cha còn sống, diện tích đất của gia đình đã tăng lên 8 lần, nhưng tình cảm thì lại không tăng theo được như thế. Ngày xưa, ông cụ nhà tôi vừa vẽ tranh vừa tiếp khách, vì lúc nào nhà cũng chật người đến thăm, pha ấm trà, khách ngồi ề a cả ngày luôn. Bây giờ, hình ảnh thân tình đó là rất hiếm, khách muốn đến chơi nhà phải gọi điện trước và nêu lý do. Có thể đời sống thời hiện đại này đã tự làm nghèo thế giới tinh thần và tình người của chúng ta đi chăng. Nhưng dẫu sao, đầy đủ về kinh tế cũng giúp mình vẽ tự do hơn, thoải mái hơn mà không còn bị những bức xúc mưu sinh câu thúc nữa.

Anh đầu tư mở phòng triển tư nhân “Thế giới Phái” đã lâu song có vẻ vẫn ít người biết. Vì sao thế?

Toà nhà của Thế giới Phái phải đi vào con ngõ nhỏ nên không tiện để khách ghé thăm, nếu có chỉ là người quen hoặc khách hâm mộ tranh ông. Tôi muốn mua lại ngôi nhà ở mặt tiền để mở rộng “Thế giới Phái” song đó là cửa hàng của nhà nước, không được phép bán.

Anh có kế hoạch gì cho Thế Giới Phái phong phú hơn?

Tôi muốn xây dựng thêm phòng bảo tàng, trong đó trưng bày tượng sáp của cụ Phái và các bạn bè như Nguyễn Tuân, Văn Cao, và Trịnh Công Sơn… Bên cạnh đó, tôi sẽ bày các dụng cụ của họ như giá vẽ, bút và các thứ khác. Tôi cũng dự định mở những buổi party, xen lẫn với hội thảo để người mộ điệu có thể trao đổi thông tin, chiêm ngưỡng danh phẩm mà họ thích. Cuộc sống cần được chia sẻ như thế, nếu không thật vô tích sự và nhàm chán.

Đang làm công việc sáng tác, ông quyết định kinh doanh trong lĩnh vực hội hoạ?

Kinh doanh thuần tuý thì không phải là mục tiêu của tôi. Mà xuất phát từ sự kiện hãng Sotheby’s bán đấu giá tranh giả của hoạ sĩ Bùi Xuân Phái vừa qua, cùng với những thực tế khác liên quan đến uy tín, giá cả của tác phẩm hội hoạ VN trên các sàn đấu giá khu vực và quốc tế, tôi quyết định thành lập Phai’s House Company (Công ty Nhà của Phái).

Phai’s house Company chuẩn bị ra mắt sẽ thế nào?

Tôi đang liên hệ với luật sư để làm thủ tục thành lập công ty với đầy đủ các điều lệ, pháp lý. Mong muốn của chúng tôi là đưa tranh Việt tham gia các sàn đấu giá quốc tế. Tại đây, giá bán tranh cao hơn rất nhiều so với trong nước, nhưng kinh phí cho mỗi lần đem tranh đi đấu giá hoặc triển lãm cũng phải từ 10.000 USD – 20.000USD. Tháng 5/2009, tôi sẽ mang bốn hoạ phẩm của cha cùng các bức tranh tôi vẽ chân dung ông đến một hội chợ mỹ thuật thế giới được tổ chức tại Hồng Kông. Tôi đã đóng một nửa tiền lệ phí cho một gian hàng tại đây. Mũi lao đã được phóng đi và không thể lấy lại được nữa nên phải tiếp tục cuộc chơi thôi. Và cuộc chơi này, nếu không muốn sập tiệm thì không được phép mắc sai lầm dù chỉ một lần.

Thực tế đó trong con mắt ông ra sao?

Thị trường tranh trong nước kém phát triển. Nhà sưu tầm, gallery nhìn chung an phận, tư duy hàng xén. Tranh giả, tranh nhái tràn lan làm hại uy tín hoạ sĩ và gây tâm lí bất an, mất tin tưởng cho người sáng tác lẫn người mua. Thiếu quy chế cho các hoạt động này, thiếu môi trường và cọ xát cho các hoạt động chuyên môn, học thuật. Tranh VN ra ngoài luôn chịu giá thấp hơn trên các sàn đấu giá dù chất lượng không thua kém. Mà ở đó, tiếng nói của hoạ sĩ và nhà chuyên môn VN không được coi trọng v.v.

Ông có “tham vọng” gì với công ty có thể sẽ chóng gây chú ý với cái tên hoạ sĩ bậc thầy này?

Tham gia các sàn đấu giá quốc tế, tổ chức triển lãm của các hoạ sĩ đã ít nhiều thành công trong và ngoài nước, giới thiệu các gương mặt của mỹ thuật VN quá khứ và đương đại, phấn đấu cho những giá trị có tính chất thương hiệu và uy tín của tranh VN đối với thị trường nước ngoài, giới thiệu những gương mặt hoạ sĩ tiêu biểu, nổi tiếng ở nước ngoài với giới nghệ sĩ và công chúng VN.

Nguyện vọng, mục tiêu hoạt động của công ty muốn bao quát một phạm vi rộng lớn. E rằng quá sức chăng?

Trong dự định của tôi thì phải thực hiện từng bước một. Bởi có tiềm lực, uy tín và thành công mới có thể đi tiếp những chặng đường lớn hơn. Để chuẩn bị cho hoạt động đầu tiên, tôi đã ký một hợp đồng thuê không gian tổ chức triển lãm tranh của hai cha con Bùi Xuân Phái và Bùi Thanh Phương tại Hong Kong vào giữa năm 2009. Đây là thách thức lớn vì chi phí rất cao, thời gian triển lãm chỉ có 3 ngày. Làm sao có thể bán được tranh để thu lại được một phần? Nhưng cơ bản là tôi muốn mua kinh nghiệm, xác định ra biển lớn thì phải mày mò, chứ chỉ mang tâm lí con buôn thì sẽ thụt vòi mất! Tôi xác định việc tổ chức triển lãm để giới thiệu tranh Bùi Xuân Phái sẽ đưa đến một cái nhìn rõ ràng, chân xác hơn về tác phẩm, giá trị của ông trong bối cảnh thật giả lẫn lộn hiện nay.

Hình như ở ta chưa từng có mô hình công ty hoạt động như vậy mà chủ yếu việc buôn bán tranh được thực hiện bởi các nhà sưu tầm, gallery và tự thân hoạ sĩ. Liệu sự khai phá này có gặp quá nhiều “vạn sự khởi đầu nan”?

“Liều” đi những bước đầu tiên thì gian nan vất vả là tất yếu! Để có thể hoàn thành những mục tiêu đề ra thì bắt buộc không được sai lầm, curator (giám tuyển) phải có năng lực, uy tín, công ty phải tập hợp, xây dựng được nguồn dữ liệu, thông tin chính xác và phong phú về hội hoạ VN, thế giới liên tục nắm bắt, phân tích tình hình thị trường tranh quốc tế v.v. Nhưng những điều kiện tiên quyết cũng chính là tiềm lực. Tôi hy vọng có thể kêu gọi được các “đại gia” vào Hội đồng quản trị để có quỹ cho các hoạt động.

Box thông tin:

Để mở đầu cho hoạt động của Phai’s House, trong tháng 3 năm 2009, tại 31 Cửa Đông đã diễn ra triển lãm trưng bày những bức ảnh quý giá về Bùi Xuân Phái cùng bè bạn, mang tinh thần “Bùi Xuân Phái – Vì tình yêu Hà Nội”. Triển lãm kéo dài 1 tháng, đem lại nhiều bức ảnh quý giá, mới mẻ, giúp công chúng thêm hiểu và gần gũi hơn với thế hệ những gương mặt làm rạng danh nền nghệ thuật nước nhà như Bùi Xuân Phái, Văn Cao, Nguyễn Tuân…
(Tổng hợp từ các báo: Vietimes, VTCnews, Tổ Quốc, Sành Điệu… cùng website và blog cá nhân của hoạ sĩ Bùi Thanh phương)

Nguồn: buixuanphai.com và buithanhphuong.com

© Bùi Thanh Phương

Pages: 1 2 3 4 5

3 Phản hồi cho “Con đường hội họa”

  1. Mạc phi Đăng says:

    Nhìn gương mặt hằn những nét sợ hãi của ông Phái, tôi thấy ông Phái có tấm lòng; nhưng ông Phái cũng nên chấp nhận ông ta là một trong số những thằng hèn của dân VN Bắc Việt thời bấy giờ!

  2. Đạo Nhân says:

    Qủa thật cụ Phái rất xứng đáng được ngưỡng mộ,tôn vinh và khắc tên trong bảng vàng của DANH HỌA cùng vài danh họa thế giới.Danh Họa Bùi Xuân Phái.Ngoài việc những bức họa vô giá đã được giới sưu tầm đã và đang làm chủ,không biết hiện nay trên toàn thế giới,đặc biệt các nước thuộc Châu Âu như Pháp,Anh cùng số ít vài quốc gia nhiều tiền lắm của như Mỹ,Canada liệu có được mấy đại gia bản xứ các nước trên, đã và đang treo các họa phẩm của cụ nơi phòng khách.? Chân thành cảm ơn HS BTP ,con trai của danh họa VN BXP ,đã có bài viết dài rất giá trị, nhưng hình như vẫn còn quá ngắn cho người đọc luôn mong mỏi được biết thật nhiều về tất cả những gì có thể lúc danh họa sinh thời…Là người VN đang lưu lạc khắp 4 phương ,rất nhiều chúng ta đã được cái quyền tự hào về danh họa VN BXP.Cái đẹp của tranh do danh họa vẽ không phải ai cũng cảm ,và nhìn được bằng đôi mắt có nghệ thuật.Nhưng cái vĩnh cửu và đi vào hồn người VN là những điều khi sinh thời,danh họa VN BXP đã sống giản dị ,khiêm cung,đầy tình người với mọi người và sáng tạo dưới một chế độ ban phát tem phiếu,đói khổ cùng cực và luôn phải sống,vẽ,viết bằng nhiều áp đặt một chiều do lệnh,nghị quyết từ những con người bất trí ,luôn dùng sự khủng bố : sổ gạo và trại cải tạo để lãnh đạo toàn dân,đến nỗi nhà văn lớn là cụ Nguyễn Tuân phải thốt lên: tao sống được là do biết sợ.chúng (ĐCSVN)….Trong bài viết trên,HS BTP có đề cập đến sự quan hệ thân thiết giữa danh họa và nhà văn lớn NT đi cùng những cái Tết có chất đạm do NT biếu tết. Danh họa BXP đã vượt qua được rất nhiều thứ tạm gọi man rợ nhất do ĐCSVN áp đặt ,mà tiêu biểu nhất là tay giết người bằng thơ là Tố Hữu làm thủ lãnh trong lãnh vực VHNT thời ấy. Rất mong đựơc đón đọc thêm như hồi ký của danh họa BXP cùng những gì có thể viết về cụ.Xin chân thành cảm ơn BBT của ĐCV đã cung cấp các bài hay để độc giả bên ngoài VN có thêm cái hay lạ của Hà Nội nhân kiệt .Trân Trọng kính chào

  3. Lữ Út says:

    Xem ra 15 năm của Kiều đâu có thấm vào đâu!
    “Bắt phanh trần phải phanh trần,
    Cho thanh cao mới được phần thanh cao”
    We have to spit to the face of those commi.

Phản hồi