Tản mạn 30 tháng 4: Những Người Hợm Hĩnh
If a man does not keep pace with his companions, perhaps it is because he hears a different drummer. Let him step to the music which he hears, however measured or far away. - Henry David Thoreau
(Nếu ai không kịp bước với đồng hành của mình, có lẽ vì người ấy đang nghe một hồi trống dục khác. Hãy để cho họ bước theo tiếng gọi của âm ba dù xa vắng hay được cảm nhận bằng một nhịp điệu khác thường)
Không hiểu trong cơn đau Bô-Xít rã rời, xé nát tâm can, tưởng chừng như vắt từng giọt máu, cắt từng khúc ruột, tàn phá non sông, người Việt - trước nỗi bất lực ê chề bản thân – còn muốn giữ căn cước của mình không?
Hơn mấy chục ngàn năm trước, khi thuở trời đất trong buổi giao mùa kết hợp, mây nước còn nên thơ, dòng giống Lạc Việt (Âu Cơ) đã một phen đan tâm chia tay, năm chục người anh em đi xuống biển, năm chục người khác lên non. Năm 1954, Cộng sản cùng các thế lực đen tối đã ký kết hiệp định Genève, dã tâm chia đôi đất nước, hơn một triệu người dân miền Bắc đã một lần nữa ra đi không hẹn ngày trở lại.
Rồi đến ngày 30 tháng Tư Đen, và những năm tháng tang thương sau đó, hơn mấy triệu người Việt ào ạt và lần lượt ra đi, bất chấp cái chết trên biển cả, tìm kiếp sống lưu vong nơi đất khách quê người, quên đi nơi chôn nhau cắt rún của mình. Có phải họ đang tuân theo một lời nguyền truyền kiếp, lặp lại chuyện lịch sử phân chia của dân tộc: một nửa ở lại trên núi hít bụi đỏ, một nửa đi xuống biền vượt biên – hay là họ đi tìm lẽ sống để bảo tồn, cứu rỗi dòng giống khỏi nạn diệt vong của những người anh em còn sống trên cao nguyên?
Vì sao qua bao nhiêu ngàn năm khói bụi, đất nước vẫn còn nhiều oan khiên, bụi hồng nhuộm đỏ cả giang sơn, đến thế kỷ 21 này, lại bị phủ lên một lớp bụi bô xít tàn độc không biết đến bao giờ mới gột rửa được?
Ngày nay để duy trì sự sống còn, cân bình tâm lý, hơn ba triệu người Việt ở khắp năm châu bốn bể có nên quên đi khúc ruột ngàn dặm của mình không? Hoặc giả những người dân trong nước, đang rầm rộ với nếp sống thao túng thị trường của Trung Quốc, hãy bắt đầu tìm quên thân phận đồng hóa lai căng của mình một phen nữa để bắt đầu làm quen với quyết định buôn sông bán núi của nhà nước họ? Để rồi một thời gian không lâu sau Việt Nam sẽ trở thành một thuộc địa của bá triều Trung Quốc?
Tôi không hiểu mình nên mừng vì đã chọn Hoa Kỳ làm quê hương thứ hai mà quên cha nó đi cái thân phận Việt khốn nạn, cũng như cái đất nước đầy nghiệp chướng của mình? Có phải vì vậy mà trong bài “Trở lại quận Cam: Nơi cánh cửa thứ nhất” của anh Nguyễn hữu Liêm, tác giả đã khuyến cáo chúng ta như những hạt cát biển nhuộm ánh trăng vàng hãy quên đi nỗi ô nhục của nước non, tìm đến bến bờ khác vì tất cả quê hương sẽ bị xóa tan đi như bể dâu:
Không gì còn mãi. Biển xanh của người trong nắng khói mong manh
Biến tan; những hạt cát nhuộm trăng từ bỏ chính mình
Và nơi đó biển dâu sẽ thay mặt
Cắt đi với chiếc hái trắng mầu từ những vùng biển khác.
(Trích từ The Seven Mysteries of Life của Guy Murchie, 1999)
Vì người Việt như những con dã tràng se cát biển Đông sẽ không làm nên công cán gì?
Gần đây đã có những lời phê phán về Trịnh Công Sơn, cho ông là một kẻ xu thời hèn hạ, một người nghệ sĩ đã được đùm bọc, sống nhờ tình thương và ơn nghĩa bạn bè của cả hai thế cuộc, trông cậy vào ơn mưa mốc của đương quyền đã dùng ông. Tôi không dám phê phán người nghệ sĩ tài hoa này, nhưng muốn nói đến một nhạc sĩ khác, sống dưới sự kềm kẹp của chế độ, tuy cho mình là một người hèn, nhưng theo tôi, chính ông mới là một sĩ phu Bắc Hà: Tô Hải: Hồi Ký của Một Thằng Hèn. Có lẽ, một số những nghệ sĩ, trí thức khác giống như những con đà điểu chỉ thích rúc đầu vào cát, không phải đối đầu với những sự kiện xảy ra quanh mình. Tôi có cảm tưởng rằng những thí thức như Trịnh Công Sơn – thời xưa – và như anh Liêm, Cao ngọc Quỳnh – thời nay – không thích nghe, không thấy và không thích nói những chuyện tiêu cực về đất nước. Nhưng thật ra, chính họ mới là những người ưa chủ xướng, đặt ra chuẩn mực và tiền đề cho những cuộc tranh cãi. Hãy nghe lời phê bình của Nguyễn hữu Liêm nói về một mẫu người thời đại (lý tưởng) Cao Ngọc Quỳnh:
“Đây là loại người dù là đang phản đối lại chế độ chính trị cộng sản hiện nay, họ vẫn là linh hồn của những người đã và đang chiến thắng, từ lịch sử đến cuộc đời. Họ không ủy mị, không bi đát, không ám ảnh, không hoài vọng quá khứ. Họ là của ý chí hiếu sống và chiến thắng. Họ chỉ biết chinh phục cuộc đời trong hiện tại – bằng mọi cách và mọi giá. Tương lai người Việt ở Hoa Kỳ, và cả ở Việt Nam, chắc là sẽ vào tay lớp người thứ hai này.”
Tôi cũng chẳng lạ gì với lối nói bốc phét của Cao Ngọc Quỳnh, một tật thói cố hữu của một số người sinh trưởng ở miền Bắc, nhất là khi họ đã kinh qua những cuộc bươn chải “không bình thường” dưới các chế độ Cộng sản – Tư bản. Qua cách nói chuyện của anh, chẳng cần đến những nhà phân tâm học, người tinh ý có thể thấy ở anh một tâm hồn rất yếu ớt, lẻ loi và lạc lõng (ở đây những người quen biết anh xin đừng nhầm lẫn giữa những bạn nhậu và bạn tri kỷ, thật sự hiểu biết anh). Hãy nghe anh Quỳnh tuyên bố (qua lời viện dẫn của anh Liêm):
“Tại sao lại cứ bị dính chặt lấy Việt Nam? Có cả triệu thằng nó đang lo chuyện đất nước đó. Ở xứ Mỹ nầy, có quá nhiều cơ hội để làm giàu, để thưởng thức cuộc đời. Hãy tận hưởng những gì xứ Mỹ này đang đem cho bạn. Hãy thoát ra khỏi nỗi ám ảnh Việt Nam.”
Anh là một người đang cố tranh thủ che đậy một trống vắng đến từ trải nghiệm đau thương trong cuộc sống. Tâm tư anh Quỳnh bị xung đột vì chưa giác ngộ được với lẽ sống hay nhân sinh quan của mình, vì chính anh – không khác gì những thành phần hồ hỡi nửa người, nửa ngợm, nửa đười ươi – chưa bao giờ thực sự sống – dù đã ở Mỹ lâu năm – hay thấu triệt được cái xã hội Cờ Huê này. Có phải vì anh không tìm được cho mình một điểm tựa, một chỗ đứng, chao đảo giữa thân thế, gốc gác và một lý tưởng khả dĩ có thể mang lại an bình cho nội tâm trong những đêm canh trống vắng, vật vưỡng với cơn say và những lúc dã rượu, tỉnh táo, nằm vắt tay lên trán nên (tưởng chừng) đã có những đoạn tuyệt quyết liệt đến như vậy.
Cũng thế, tôi cũng không trách cách viết khiêu khích của anh Liêm, phải nói trắng ra rằng chúng tôi đồng sàng dị mộng, chia sẻ với nhau nhiều, đồng thuận trên một căn bản dân chủ và đa nguyên cốt lõi. Trong lúc mình tìm động hoa vàng ngủ say, thì có phải anh Liêm xem trăng sao, dựa vào tử vi bói toán mang đến tư duy nhật nguyệt xoay vần, toan tính đội đá vá trời, muốn cải tà quy chánh, cảm hóa được đảng Cộng sản với các sinh hoạt vận động tri thức, giáo dục hay xã hội của mình? Do đó anh Quỳnh (và cả anh Liêm, người đang tung hứng anh tận mây xanh), đã có những lập luận giả tạo, không chín chắn (half-baked ideas just to satisfy their egocentric, high-minded stances, basking in their elevated status, standing apart from the maddening crowd).
Cả hai người, một người là triết gia suy tư, ưa sống trong ảo vọng xa cách của mình, một người là kẻ dấn thân lì lợm, thích lăn xả vào cuộc đời, ỉ vào tài thích nghi và tháo vát của mình, đang lao mình vào cỗ máy kinh tài của địa ốc Mỹ, cả hai đều quên béng đi rằng chính những lối làm ăn thổi phồng, kích động trị giá nhà đất đã đưa Hoa Kỳ và thế giới vào một cơn lốc khủng hoảng kinh tế, làm tiêu tán gia cang và sự nghiệp của nhiều người. Cả hai cứ ngỡ rằng khi nuôi dự tính duy ý chí, tích cực đóng góp cho đất nước bằng cách làm ngơ với tội ác của chế độ thì mọi chuyện – nhất là đồng đôla – sẽ mang lại hạnh phúc cho mọi nhà (cho Việt-Nam).
Không hiểu sự ngây thơ mà anh Liêm (Paul Ricoeur) gọi là hồn nhiên thứ nhất hay là ý định trung dung muốn làm ăn trong nước là động cơ thúc đẩy hai người với những nhận định nhập nhằng, chưa thành hình giữa ý thức hệ Cộng sản – Tư bản của mình?
Do vậy, nhiều người cho rằng nếu sống trưởng thành (coming of age) trước 75, khi miền Nam còn cố hun đúc cho người dân khái niệm phôi thai về dân chủ – bất kể chuyện bất tài vô tướng của một số nhân vật lãnh đạo - thì anh Liêm có thể sẽ thuộc thành phần thứ ba. Một thành phần, được dung dưỡng, hun đúc bởi không khí tương đối tự do của miền Nam, đã mang ảo tưởng đấu tranh cho chính nghĩa quốc gia dân tộc nhưng chính họ đã góp tay cho Đảng Cộng sản làm vây cánh cho sự phản bội khốc liệt với chính những lý tưởng mà họ đã hô hào.
Riêng tôi cho rằng không nên đồng hóa chuyện nối giáo cho giặc vào thời đó với những ý tưởng, lập trường phóng túng của đời nay vì nó sẽ không giải quyết được chuyện gì cho tiến trình dân chủ hóa trong giai đoạn này (nhất là những ai – khác với Cao Ngọc Quỳnh – chưa quên được Việt Nam, thích cưu mang một nỗ lực gì đó – ngoài chuyện đầu tư, kinh tế – cho đất nước); bởi vì trong một xã hội dân sự như Hoa Kỳ, người tử tế cần hành xử căn cứ trên giá trị nội tại của dân chủ. Chúng ta, những người mang ước vọng dân chủ, chỉ có thể cho mình là dân chủ khi biết thực hành những điều mình tin tưởng và kêu gọi, thay vì chụp mũ hay gán nhãn hiệu cho những người có tư duy khác với mình.
Do vậy, tôi không đả phá hoàn toàn các nhận định trong bài “Trở lại quận Cam: Nơi Cánh Cửa Thứ Nhất”, bởi vì chính tôi đã từng nói với Cao ngọc Quỳnh: “Một bệnh chứng của người Việt có tuổi, những người còn mang nặng hành trang Quốc-Cộng, là nỗi ám ảnh triền miên vì chuyện bất cập của quê hương. Điều này làm chúng ta trở nên những người không bình thường, thiếu quân bình trong cuộc sống, bởi vì chúng ta bỏ quá nhiều thời gian cho những chuyện mình không gây được ảnh hưởng gì thay vì dành nó cho cuộc sống sở tại, hữu ích hơn.”
© 2009 Đàn Chim Việt