Kiếp Hải Hồ
Hắn bỏ ăn, ủ rũ nằm liệt. Bọn người ác độc, chẳng để hắn yên với cơn bệnh. Hết lôi ra đánh đấm với thằng này, lại đưa hắn ra nhử thằng kia, làm cho hắn dật dờ, lê lết một cách thảm hại. Nhưng, hắn vẫn phải cố gắng gồng mình, chỉ sợ bọn chó chết ném hắn ra sân, như gã Tây đen hôm nào. Trí nhớ suy tàn kéo hắn quay về một quãng thời gian vừa mới đi qua…
*****
Hắn lạch bạch, đi ra, đứng lấp ló sau cửa, nhìn nghiêng ngữa…
Làm chuyện gì, hắn cũng lấp ló như rắn mùng năm. Mà rắn mùng năm lấp ló ra làm sao, hắn cũng cóc biết!
Ôi, như chuyện cổ tích.
Hắn đếch cần. Mùng năm, mùng ba, mùng bẩy… như sẩy cái thai!
Trước nhất, làm như vừa chén xong một bữa tiệc xôm tụ, hắn đưa hàm râu như hai cái “ăng ten” ngoay ngoáy, rà quanh mép ra điều thống khoái. Hắn nhảy cóc mấy cái, đưa tay gãi gãi tai, nhìn vu vơ như dò tìm, với đôi mắt màu đen tròn lẳn, mù đục. Hắn kiểng đôi chân “ngũ đoản” ngắn ngủn, (nhưng tưởng rằng rất dài) chui ra căn nhà tối om om, ngước mặt nhìn bầu trời.
- Hà. Đã là đêm? Nhanh, nhẻ!
Những vì sao lấp lánh, ẩn hiện, càng khiến hắn bồn chồn. Hắn có linh tính: mùa hè này, nếu không thực hiện được giấc mộng hải hồ, có lẽ, hắn sẽ chẳng còn cơ hội nào khác! Tuổi đời, đã chồng chất. Còn gì nữa!
Cơn gió hạ, thổi nhè nhẹ, riu riu, lay động những bông lúa trỉu nặng, vàng óng. Như giục giã, trêu tức hắn.
“Tôi vàng rồi, chín nẫu rồi! Đã mùa gặt rồi. Những câu hát đồng dao, ngoài đường!”
Hắn đã chán muốn ói cái cuộc sống thường lập lại chốn đồng quê này!
“Đồng dao là cái chó gì!?”
“Đồng dao là quê hương. Nó vàng óng và mượt mà, như một giải lụa, trỉu nặng tình quê hương.” – Một lời thầm thì, đâu đó, thốt.
“Thứ đồng dao cứt chó!”
Kẻ sính văn thơ, nghe những trả lời, trả vốn này chắc điên tiết thứ hủ lậu bẩm sinh, nghèo kiết xác như hắn!
Họ sẽ nói, sẽ đăng đàn: đồng dao, là sự tự tình; nó như gói ghém tính đồng quê dạt dào!
“Tôi cần chó gì thứ đồng quê ngọt ngào! Tôi cần đi, cần chơi, cho biết kiếp người. Sống dị hợm đã lâu. Tôi muốn biết: Tôi là ai, ở cái không gian u ám này!”
Hắn gần như rối trí, óc tối u u, khi bị mặc khải chính mình.
Ngày nào, đêm nào, hắn cũng lân la ra ngã ba lộ cái, không phải để ngắm mấy cô gái quê phục phịch, chân lấm tay bùn, đùa bỡn quanh ngọn đèn đường vàng vọt với một bày cánh gián, bu quanh ngọn đèn; hay vui chơi với lũ thanh niên vô tư, hát hò suốt đêm. Hắn ra đó, để thả hồn mơ theo những chuyến xe khách băng mình trong đêm đen mù sương, để suy tưởng đến những thành phố tràn ngập ánh sáng, nhộn nhịp nếp sống văn minh, mà hắn chỉ nghe nói đến một cách mù mờ…
“Chú mày biết hông. Cuộc sống ở thành phố, là tự Ngàn năm Văn vật Đất Thiên. Ở đó, rất vui, đẹp và hùng vĩ. Cha ông ta đã để lại cả một ngàn năm Thăng Long. Rồng bay, Rồng lộn đó nha! Ở đó có tự do và mọi thứ, nếu mình muốn. Trí thức đầy rẫy, ăn cắp đầy đường, ăn mày khắp chốn và người yêu nước tràn đầy, dù bị chiếm đọat! Bọn Mũi Lõ Mắt Xanh, nó cho tao: tự do du lịch đi khắp nơi! Tuy vậy, nó đầy rẫy cạm bẫy và kiếm ăn rất khó, chứ không như vùng đồng quê mình đâu, chú mày ạ! Quơ tay ra, là có cái rau, cái cỏ, con cá, con cua, đút vào mồm là xong cái chuyện giải quyết cái bao tử phải có, như món nợ đời bắt buộc sống: sáng, trưa, chiều, tối. Tao từng đi du lịch, vòng quanh, từ Bắc chí Nam.”
“Ông đi nhiều, hiểu nhiều, sao vẫn hoài không?”
Lão Tô thật vô duyên!
Hắn chỉ hỏi thăm về kinh nghiệm chuyện giang hồ vặt của lão, chứ ai cần lão khuyên bảo! Chắc lão nói dối, chứ kẻ về từ thành phố, mà trông lão tàn tạ đến thảm hại. Bấy giờ, lão chỉ đạp chiếc xe Thống nhất thổ tả của Trung Quốc, quanh quẩn như gà, bu vào cái cối xay kiếm ăn, nói những điều bá láp. Hắn nguyền rủa thầm trong bụng và gác ngoài tai những câu chuyện lão kể, đầy tính cách hăm dọa, rủ rê.
Cho dù có thật đi nữa, hắn cũng phải đi cho biết, chứ không thể chết rũ ở cái xó hẻo lánh này, sống trong thế giới của những kẻ sống về đêm, vội vàng ẩn mình trong những căn nhà ẩm thấp, tối tăm với mùi hôi khai nồng nước đái và cứt trâu ỉa.
Hắn nhắm mắt lim dim, vê đôi râu “ăng ten”. Vui vui, hắn cất tiếng hát như một kẻ mộng du.
“Thành phố nào sống trong tôi.
Thành phố nào dĩ vãng ôi
Có trong tôi, dĩ vãng sao…?”
Hắn câm miệng, vì chưa tìm ra lời thơ bất chợt, không như Tào Ngu từng làm bài thơ một tràng… Dây đậu nấu củ đậu!
Tiếng chân trâu đủng đỉnh trên con đường ruộng gập ghềnh, hòa lẫn với tiếng lục lạc đeo trên cổ, đánh dấu thêm một ngày đã qua.
Bóng chiều xầm xập, buông xuống, gió thổi lả ngọn cây đầu ngõ. Hắn đã quyết định một cuộc phiêu lưu trích trử trong cơ thể, như một định mệnh phải theo.
Hắn vội vã phóng nhanh ra khỏi nhà, ẩn mình chờ đợi. Khi chiếc xe đò vừa ngừng lại, cho khách nghỉ ngơi ăn uống, mọi người tuôn ra khỏi xe, lời nói ầm ì như xé gió. Lợi dụng lúc mọi người ăn uống, ăn nói ì xèo, hắn len lén, ẩn mình nép sát vào đống hàng hoá, chọn một góc thật khuất, cạnh bìa, để có dịp quan sát cho tường tận.
Hắn hồi hộp. Người run lên, khi chiếc xe chuyển bánh, rồi nhanh dần, nhanh dần, đến độ chóng mặt. Dưới ánh trăng bắt đầu sáng vằng vặc, những cánh đồng lúa vùn vụt, vùn vụt, giật lùi, khiến hắn hoa cả mắt.
Gió lồng lộng, làm hắn ù tai. Hắn có cảm giác vừa vui, vừa sợ. Hắn ép sát người vào cái bao tải bố, bộ râu “ăng ten” ngọ ngoạy lên xuống như đánh hơi, dò tìm.
“Thây kệ. Mẹ kiếp đời.Tới đâu thì tới, lo gì!”
Hắn nhủ thầm để tự trấn tĩnh, lủi dần vào góc tối.
*
Gió chợt ngưng, không khí lắng đọng, màn đêm vẫn còn. Tiếng còi xe inh ỏi làm hắn giật bắn người. Hắn vội vàng nhìn chung quanh. Ánh đèn sáng choang, đường phố tấp nập. Cái gì cũng có vẻ vội vã, ồn ào, khác xa hắn tưởng tượng trước lúc ra đi.
Không khí sặc sụa mùi xăng nhớt, khiến hắn ngạt thở. Bất chợt, bao tải hắn đang nép bóng, bị ai nhấc bổng, khiến hắn mặt mũi tối tăm, kinh hãi tột độ. Hắn nhảy vụt vào khoảng không gian tối tăm trước mặt, cắm đầu, cắm cổ phóng bất kể; cho đến lúc mệt lả, hắn mới dám ngừng lại.
Trời lờ mờ, gần sáng…
Tìm một góc thật tối, hắn lủi vào thở hổn hển. Hắn thấy đói bụng, khát nước. Hắn mon men theo gờ tường, lần theo ánh sáng xa xa, hy vọng có một chút gì đó nhấm nháp. Thỉnh thoảng, tiếng giày khua vang dội inh tai, nhưng hắn cảm thấy quen quen. Có lẽ, hắn không còn sợ, vì cơn đói đang kêu gào.
Bản chất liều lĩnh, bạt mạng thôi thúc, hắn mạnh dạn lần theo mùi thức ăn. Rồi ngấu nghiến miếng dưa hấu bỏ dỡ, và vài thứ thức ăn thừa thải, một cách ngon lành. Ăn hơi no, quen thói lãng du, hắn phỉnh bụng, vo tròn cuốn rốn, nằm nghếch mép, chân nọ gối lên trên đầu gối chân kia, tay chống đầu, ngo ngoe “ăng ten”, đưa đôi mắt đen đục nhìn trời, tìm ánh sao đêm còn sót lại.
Nơi đây, ánh đèn hấp dẫn quá, đầy màu sắc mộng mị quá, khiến hắn cao hứng, bật dậy, đi lòng vòng, cố tìm những đồng hương tha phương cầu thực, đã ra khỏi vùng quê tăm tốí, như một bệnh dịch quốc nạn tràn khan (như hắn nghĩ)!
Hắn chợt dừng lại, trước ngôi Đình, cũ mốc thít, chữ viết lem nhem trên cái cổng: Ba Nhã (Bát Nhã?). Một đám đông đang tụ tập trong một cái Đình cổ quái.
Hắn buột miệng chửi thề:
“Ôi. Sao, tối u u? Mẹ cha ơi! Đình điếc gì, mà đéo có đèn nhang, hương hỏa, lại tối âm u như điện Diêm vương? Mà sao lạ kìa. Đình, chỉ có Ba chân! Thường, Đình, nhỏ bốn côt, Đình hơi lớn; sáu, tám cột, cứ nhân số chẳn, là cột Đình lớn, nhỏ!”
Đằng này cột Đình, chỉ có Ba chân. Từ bắc xuống nam!
Hắn thấy là lạ! Chỏ mắt nhìn sâu vào.
Sao nhiều ông Từ vậy?
Có Đình nào mà ông Từ trụ trì nhiều đến thế, còn lấy chó gì cho dân chúng quanh vùng ăn ké!?
Đếm đi, đếm lại. Lúc thì mười bốn ông, lúc mười lăm ông, như con số phù phép.
Hắn cóm róm, nhập vào dòng người, ngồi cuối hàng ghế đầy cây cỏ cao châm đít. Hắn nhìn lên, ý nghĩ lạ lùng trong đời; một cái Đình có Ba Chân, mười bốn ông Từ ngồi, rồi lại thấy, mười lăm ông!
Một ông Từ nói giọng rất… minh triết.
“Các bạn thân mến ạ! Nói về Đất nước chúng ta, trước tiên phải nói về cái Hồn. Cái Hồn của dân tộc. Đó là dân tộc tính! Dân tộc Ta anh hùng, ngàn năm giữ Nước và dựng Nước. Chúng ta đang sống trong một chu kỳ, lập lại theo vòng quay lịch sử loài người, là: có lao tâm, lao lực đồng cam cực khổ, thì sau mới có kết quả sung sướng. Vòng quay ấy, đang lập lại trên quê hương chúng ta. Chúng ta, những người đã lao khổ nhiều trăm, ngàn năm chống quân thù. Nay chúng ta phải thừa hưởng thành tích lịch sử đó. Giờ, chúng ta làm lụng không nhọc nhằn như trăm, ngàn năm xưa, mà vẫn hưởng như những gì chúng ta đòi hỏi! “Giờ” sự thật đã thành! Quê hương ta đã thanh bình. Giặc ngoại xâm đã không còn. Nạn cướp bóc, đĩ điếm đã vơi đi nhiều. Do đó… chúng ta không cần phải canh gác cho nhau, khi mọi người đi ngủ về đêm! Hãy tung hô: Vạn tuế!”
“Vạn tuế. Vạn vạn tuế…”
“À, thì ra, người ta đang nói đến cái sự đảo điên của con người, sau khi được khai phóng của cái kiếp nô lệ từ bấy lâu nay!” – Hắn cũng vạn tuế!
Hắn sung sướng, khi biết rằng: tự do đã trải khắp mọi nơi, trên mọi miền đất nước! Và, mọi người như hắn, được quyền hải hồ, chu du khắp nơi như mong muốn, sau mấy chục năm dài tù túng như hắn, ở một miền quê thầm lặng đầy áp bức.
Như vậy, lão Tô đâu nói dối?
Hắn chưa nghĩ hết, đã nghe tiếng chạy rầm rập và tiếng la ó vang trời. Mọi người cùng chạy. Chạy thụt mạng! Những tiếng quát, những cái dùi cui đập đùi đụi không thành tiếng, vì bị lớp bì vô tình che chở, cho sự dã man!
Hắn vừa chạy, vừa quay lại nhìn cái đám người dã man nào đó đã dùng bạo lực.
Sao cũng mười bốn, mười lăm ông Từ khi nãy, rêu rao sự thịnh vượng, tự do của đất nước! Hắn có lóa mắt không?
Hắn phóng lên bằng đôi tay mỏng manh, xoay tròn theo những lằn sáng lấp loáng cho đến lúc mệt nhoài. Hắn bám cành cây to, nhìn xuống.
Bọn người chạy tứ tán, mất tiêu.
Thoát hiểm!
Hắn lại hồn nhiên như bản chất nhà quê, gác chân vô tư lự, cất tiếng hát vang, quên hẳn thế giới bên ngoài.
Sột sọat, sột sọat. Thình thịch, thình thịch…
Hừm!
Thằng người nào đó, vừa vươn tay định đâm bổ vào đầu hắn, khiến hắn bừng tỉnh, nhảy tránh sang bên. Tiện đà nhảy, hắn đạp cho thằng người mất dạy vài đá. Nhưng thằng người này mạnh quá, kẹp hắn cứng ngắc giữa hai ngón tay hộ pháp, cười khanh khách, dúi đầu hắn vào cái lỗ đen ngòm. Lẽ ra cái lỗ đen ngòm ấy là sự hãi hùng, nhưng như cảm thấy yên tâm và cũng để thoát cảnh đau đớn, hắn chui tọt vào lỗ, tuôn vào một góc thở dốc. Vừa kịp hồi tỉnh, hắn nhìn quanh lấm lét, chợt ngó thấy thằng Tây lai đỏ quạch, nhe răng hỏi hắn:
- Mày đến từ đâu?
- Hỏi làm gì, mặc xác tao! – Hắn hùng hổ đáp trả, ra vẻ anh chị lão luyện.
- Thôi bố ơi. Sừng sộ làm gì! Chà. Bảnh dữ. Bộ cánh áo màu vàng đẹp quá há! Vài ba hôm nữa, tha hồ mà lên võ đài, chảnh chẹo với thiên hạ.
- Võ đài gì? Tao chu du thiên hạ, để biết đời!
- Mày không biết, đang bị bắt, nhốt?
- Bắt, nhốt?
- Ừa!
Thấy thái độ khoan thai của tên Tây lai, hắn dịu giọng hỏi nhỏ:
- Mày có vẻ quen thuộc quá hả. Bọn chúng bắt mình làm gì?
- Mai rồi khắc biết! Tốt nhất, là bây giờ nằm im. Hễ thấy cái chỗ cửa kia hé ra, thì ráng mà tuôn chạy. May ra còn sống thêm một mùa trăng!
Hắn im lặng. Chong mắt nhìn về hướng cửa có cái lỗ, hắn vừa tuồn vào. Nó nhỏ xíu một đường độc đạo, và trong cùng thì rộng bao la, bịt bùng như ống phễu. Mùi cỏ mục, xộc vào mũi hắn hăng hắc.
Cánh cửa ấy im lìm.
Chỉ biết, chỗ hắn đang ở, thỉnh thoảng lại tròng trành dữ dội, như thể có cơn động đất, lở đê gần lắm. Hắn nhìn quanh lần nữa, khi mắt đã quen bóng tối. Góc đối diện, một gã Tây đen đúa khác, bắt đầu hát, khi hắn nhìn ra gã. Gã hát giọng trầm buồn ai oán. Tiếng hát của gã khản đục, vậy mà gã, cứ gân cổ như con mụ khóc mướn nghe đến thảm não.
Hắn lơ mơ, thầm nghĩ có một cái gì đó không bình an chút nào, khi có ba gã đàn ông bị nhốt trong cái đáy phểu. Không như cái gã, ăn ở đâu, ỉa ở đâu, tự cho mình là Liêm sĩ, về quê ỉa một bải, ở nơi chốn bình an!
Sáng bảnh mắt.
Hắn còn đang dật dờ, thì bị tên mất dạy nào đó chộp đầu, lôi hắn dậy.
Thằng gian ác, đưa chai “bò cụng”, bảo:
“Uống đi!”
“Thuốc chuột hả?”
“Có đéo mà thuốc chuột. Lỗ vốn sao!”.
Nó tiếp, khi hắn tu xong chai “bò cụng”:
“Phê chưa?”
“Sao phải phê?”
Thấy hắn chưa “phê”, thằng mất dạy, nắm hai cổ áo hắn, kê sát mặt, thổi phù phù, làm không khí rung động dữ dội.
Hắn vẫn đứng vững, ngạc nhiên trò chơi dị hợm!
Thấy hắn chưa “phê”, thằng gian ác lấy sợi võng nơi ba cột trụ Đình, tròng vào cổ hắn; và cứ thế quay vòng vòng, cười hỉ hả.
Hắn vùng tay chân chống đỡ đủ kiểu, đến độ mắt hoa, tai ù, đôi râu “ăng ten” quặp xuống, như sự kết thúc của đôi đủa sau bản hòa tấu đại thính phòng.
Chừng được buông ra, chưa kịp thở, định đưa tay tóm lại đôi râu “ăng ten” cho ngay ngắn, đã bị một tên lõi con nhe nanh đấm đá túi bụi. Hắn quay đầu tháo chạy giữa tiếng cười the thé của bọn dã man và tiếng cười của thằng oắt con hỗn láo. Một tên lại lôi hắn lên, và thêm lần nữa, hắn lại vùng vẫy tán loạn, vì bị nắm đau điếng, xón cả đái ra ngoài mà hắn không biết. Thằng mất dạy lõi con nào đó, thả hắn xuống. Hắn trợn trạo xoa hàm râu “ăng ten”, chưa kịp dịu cơn đau, đã bị một thằng lỏi khác vào đánh tiếp.
Biết có chạy, có nhịn cũng vô ích!
Hắn nghĩ: hoặc sống, hoặc chết là chặng cuối cùng.
Bực mình, với vóc dáng một anh nông dân thuần thành, hắn đưa cái càm thường cạp khoai mì, khoai lang, cạp thằng lõi một cái, tiện thể hất vai, ném nó ra xa.
Lũ người bu quanh, thích thú reo cười ầm ỉ.
- Một ăn năm. Một ăn năm, đứa nào bắt?
Bây giờ, hắn thấu hiểu ý nghĩa võ đài, của tênTây lai đỏ quạch, khuyên hắn. Hắn đâm ra hối hận, buồn chán. Nhất là, sau lần hắn đá cho cái gã Tây đen hay hát ư ử, một đạp của kiểu Thái “kick boxing”, hộc cả nước dãi. Vì bại, mà thằng người dã man nổi cáu, ném gã Tây đen như than ra sân. Hắn nhìn theo, vừa kinh hoàng, vừa ray rứt.
*****
Tiếng tăm hắn, càng lúc càng vang xa, dữ dội! Hắn có đôi tay và đôi chân cày ruộng của một nông dân tay lấm, chân bùn vô địch thiên hạ!
Da đen, Da đỏ… Bì Bạch, gặp hắn là Da vàng đều khiếp vía khi gặp nhau trên võ đài!
Là vô địch không đối thủ, nên thằng chủ hắn, tuyên bố: Bó một chân tận đùi đến cứng ngắc, để hắn khỏi có cú giò lái tán đởm kinh hồn, để thách thức thiên hạ trên võ đài!
“Thằng Da vàng của tao là Độc cô cầu bại!”
Với cái chân lệch bệch, cứng ngắc không cân xứng với thân hình nông dân, vì mạng sống, hắn dồn sức sống và sự chịu đựng qua đôi tay và bộ hàm của mình đánh trả địch. Và hắn vẫn thắng!
Một đêm, hắn hoàn toàn kiệt lực. Bọn người đem hắn ra sân cho nằm phơi sương dưỡng sức!
Hắn chỉ chờ có thế!
Hắn len lén, lách mình qua kẽ cái lỗ rồi tháo chạy. Hắn tuôn chạy suốt đêm, như ma mị; hắn nhắm mắt hướng về phía phảng phất của mùi lúa, đang trổ ngọn đòng đòng thơm ngát mùi quê hương. Nhưng hoài bão của hắn làm sao thành tựu nổi, sau những ngày đấu võ đài. Hắn lê lết qua con lộ còn ướt đẫm sương đêm, ngóng cổ trông chờ hình dáng quen thuộc của chiếc xe đò mà ngày xưa hắn ra đi với giấc mộng hải hồ.
Ô kìa! Chiếc xe đò năm xưa dạo nào, đang chạy đến, qua cái cua ngặt.
Hắn yếu quá! Chiếc xe thản nhiên lao đến và hắn thu hết tàn hơi phóng lên bằng đôi tay mỏng dính, quay tròn, lấp lánh ánh trăng trong suốt, mượt mà như dải lụa… thắt cổ. Hắn ngã chổng vó, nằm tô hô giữa lằn bánh xe vô tình.
Trước khi thở hắt ra hơi cuối cùng, hắn đã nghĩ ra điều dị thường mà đơn giản, của đời sống mỏng manh này.
“Hình như, loài người sinh ra đã có bản tính ác độc, bắt đầu bằng những trò chơi. Và những gã đầu đen là những thằng người giàu những trò chơi thú tính…”
Vancouver.
Viết cho sinh nhật: 03/2010.
Bài do tác giả gửi tới