Trao đổi ý kiến về “Ải Nam Quan trong hiện tại”
Những tường trình về cuộc tấn công đầu tiên của quân đội Nhật Bản ở Đông Dương vào tháng 9 năm 1940 cho thấy vào chiều ngày 22.9.1940, sư đoàn 5 của tướng Nakamura đã bất ngờ tấn công quân Pháp trên một phòng tuyến dài 70 km dọc biên giới Trung–Việt với mục đích bao vây Lạng Sơn bằng hai gọng kềm. Đồng Đăng và Chima là hai cứ điểm quan trọng bị tấn công vào đêm hôm đó . Muốn tấn công Đồng Đăng, quân Nhật tất phải đi qua ải Nam Quan.
Tầm quan trọng của Đồng Đăng là do chỗ nó nằm ở giao điểm của hai trục đường bộ: từ Lạng Sơn đi Thất Khê, Cao Bằng (trong ảnh là đường 4A) và đường từ Lạng Sơn đi Bằng Tường (Quảng Tây – Trung Quốc) qua ngõ ải Nam Quan (xem ảnh 11). Người Pháp coi Lạng Sơn là cái chốt của cánh cửa mở ra phía đồng bằng Bắc Bộ (le verrou du delta tonkinois), do đó cần thiết phải bảo vệ Lạng Sơn. Tầm quan trọng của Đồng Đăng chính là ở chỗ nó án ngữ con đường đi đến Lạng Sơn, và là nơi có thể tiếp ứng cho phòng tuyến bảo vệ biên giới – mà trung tâm là ải Nam Quan. Có thể nói mất Đồng Đăng tất sẽ mất Lạng Sơn, mà mất Lạng Sơn thì đe dọa đến Hà Nội.
Quan sát các công trình kiến trúc của người Pháp ở Lạng Sơn, Đồng Đăng, chúng ta không thể loại trừ khả năng có sự hiện diện của một công trình kiến trúc tương tự như Tòa nhà kiểu Pháp ngay ở gần biên giới, do người Pháp xây dựng trong lãnh thổ của Việt Nam. Nói cách khác, một khi chưa chứng minh được lai lịch của Pháp Quốc Lầu phía sau Hữu Nghị Quan (mà tôi cho là bất minh), thì chúng ta vẫn có quyền nghi ngờ rằng tòa nhà đó trước đây là của người Pháp, nằm trong lãnh thổ của nước ta và bị phía Trung Quốc chiếm dụng. Chiếm dụng vào lúc nào, do chính phủ thời kỳ nào, đó là vấn đề chúng ta cần tiếp tục tìm hiểu. Nhưng giải thích theo kiểu của Đảng Cộng sản Trung Quốc hiện nay là một sự bịa đặt.
Nhân đây tôi cũng xin nêu ra một ví dụ về diện mạo, nhất là mặt tiền của một tòa nhà. Không ai dám nói chắc rằng tòa nhà kiểu Pháp ở Hữu Nghị Quan từ xưa đến nay vẫn có hình dáng ở mặt ngoài giống như thế. Chỉ xin đơn cử trường hợp của khách sạn Lang Bian Palace ở Dalat (về sau được gọi tên là khách sạn Dalat Palace, nay đổi tên là Sofitel Dalat Palace). Quan sát hai tấm ảnh (ảnh 12 và ảnh 13), ta thấy diện mạo bên ngoài rất khác nhau, tưởng chừng như hai toà nhà khác nhau. Trong thực tế, đó chỉ là một tòa nhà được trùng tu, cải tạo chứ không phải đập bỏ để xây lại.
Do đó, diện mạo trước kia của Tòa nhà kiểu Pháp có thể khác với diện mạo hiện nay. Việc trang trí thêm hay xóa bỏ các họa tiết trang trí ở các trụ cột không có gì là khó khăn.
3) Hữu Nghị Quan và Ải Nam Quan:
Anh Trương Nhân Tuấn viết: “Như thế, kiến trúc Nam Quan ở hình 9 chỉ mới xây vào năm 1957. (…) Nhưng nghi vấn vị trí của Nam Quan có thay đổi lúc xây lại hay không thì vẫn không chứng minh được (với các bằng chứng cụ thể, khoa học).”
Mặc dù chưa thể chứng minh được một cách thật sự khoa học rằng vị trí của Nam Quan đã thay đổi khi cửa ải được xây lại, nhưng ngược lại cũng không có đủ bằng chứng khoa học để chứng minh rằng Hữu Nghị Quan đã được xây dựng ngay tại vị trí cũ của ải Nam Quan. Tôi đã nêu 5 lý do để hoài nghi về vị trí của hai cửa quan. Nếu có ai bác bỏ được cả 5 lý do đó, mới có thể khẳng định: vị trí của Ải Nam Quan và vị trí của Hữu Nghị Quan là một. Sự hoài nghi này là hoài nghi khoa học, hoài nghi có phương pháp, không phải hoài nghi do thành kiến, tình cảm hay do tự ái dân tộc.
Ngoài những lý do đó, còn có rất nhiều dấu hiệu khiến chúng ta phải nghi ngờ. Trước hết là hai bức tường thành hai bên Ải Nam Quan. Tại Hữu Nghị Quan hiện nay, du khách đã chụp được ảnh của một trong hai bức tường thành (ảnh 14). Bức tường trong tấm ảnh này rõ ràng là bức tường ở phía tây của Hữu Nghị Quan. Nhìn từ phía Trung Quốc, bức tường này nằm phía bên phải của cửa quan. Tôi đã cố tìm xem có tấm ảnh nào chụp bức tường ở phía đông hay không, nhưng không tìm thấy. Không rõ có độc giả nào chụp được ảnh của bức tường ở phía đông của Hữu Nghị Quan hiện nay? Ngoài bức tường được bảo quản tốt như trong tấm ảnh nói trên, trong vùng phụ cận Hữu Nghị Quan còn có bức tường hoang phế như trong tấm ảnh 15.
Phải chăng đây là chứng tích của việc bỏ tường cũ, xây lại tường mới? Bên cạnh những tấm ảnh chụp con đường bậc thang và bức tường hoang phế, còn có những tấm ảnh trong đó ta thấy có vòm cổng cũ bị lấp kín (ảnh 16).
Các tấm ảnh trên nằm trong bộ sưu tập của một du khách người Hoa tên là Peiqianlong được dán lên trang mạng Flickr.com vào đầu năm 2007 dưới tiêu đề You Yi Guan outing (Du ngoạn Hữu Nghị Quan). Về phía người Việt chúng ta, có lẽ không ai có thể đặt chân được đến những nơi đó.
Hãy thử so sánh vòm cổng trong ảnh 16 với vòm cổng của Trấn Nam Quan được nhìn thấy trong tấm ảnh 17 do Chân Mây sưu tầm. Mặc dù tác giả không xác định được thời điểm chụp ảnh này, chúng ta có thể ước đoán rằng tấm ảnh được chụp vào nửa đầu thập niên 1950, trước khi phía Trung Quốc xây dựng lại Hữu Nghị Quan. Có thể so sánh nó với ảnh 18, chụp vào tháng 12 năm 1949:
Theo tác giả Chân Mây, tấm ảnh này được trưng bày ngay trong phòng trưng bày lịch sử tại Hữu Nghị Quan. Những tấm ảnh này cho thấy suy đoán sau đây của anh Trương Nhân Tuấn là chưa chính xác: “Vùng biên giới Việt Trung đã có những trận chiến khá lớn giữa quân đội Nhật và Hoa hay giữa Nhật và Pháp. Các trận chiến này ít nghe nói tới. Trong các trận đánh này có thể kiến trúc Nam Quan cũ đã bị Nhật đánh sập.” Như tôi đã từng nhận xét ngay trong bài viết “Ải Nam quan trong lịch sử”, chiến tranh có thể làm cho ải Nam Quan bị hư hại nhưng không thể phá hủy hoàn toàn cửa ải này và hai bức tường hai bên. Hư hại do chiến tranh có thể chỉ là cái cớ để phía Trung Quốc tìm cách bỏ cửa ải cũ, tường cũ để xây dựng lại cửa ải mới, tường mới nhằm thực hiện âm mưu chiếm đất.
Trong những năm gần đây, Hữu Nghị Quan đã biến thành một khu tham quan du lịch. Nếu nhà cầm quyền Trung Quốc cho phép du khách – nhất là du khách Việt Nam và các nước khác, được tự do du ngoạn và chụp ảnh ở khu vực Hữu Nghị Quan và vùng phụ cận, tôi tin chắc chúng ta sẽ có được vô số bằng chứng về vị trí cũ của ải Nam Quan cũng như các bức ảnh toàn cảnh của Hữu Nghị Quan ngày nay.
Nhưng đây chỉ là mong muốn của những người Việt yêu nước mà thôi – một mong muốn rất khó trở thành hiện thực. Xem bản sơ đồ hướng dẫn du lịch (ảnh 19), chúng ta thấy trong phạm vi của Hữu Nghị Quan có rất nhiều doanh trại quân đội và các pháo đài; do đó du khách không thể tự do đi lại và chụp ảnh như trong một công viên bình thường được.
4) Về những tài liệu được gọi là “lịch sử” của phía Trung Quốc:
Tấm bia gỗ viết bằng 3 thứ tiếng (Hán, Anh và Việt) mà một nhà báo ở miền Bắc đã gửi cho anh Trương Nhân Tuấn thật ra cũng không khác gì tấm bảng quảng cáo mà tôi giới thiệu (ảnh 20).
Tôi gọi đó là bảng quảng cáo vì những điều ghi trên đó ít có giá trị khoa học. Những tấm bảng quảng cáo như thế có nhan nhản trong khu vực của Hữu Nghị Quan, nội dung nhằm giới thiệu cái-gọi-là “lịch sử” của Hữu Nghị Quan, trong đó xen lẫn giữa sự thật là những điều không đáng tin. Vì vậy khi xem xét chúng, cần phải phân biệt thật và giả, không thể tin một cách dễ dàng được.
Hãy thử trích một đoạn trong tấm bia gỗ mà anh Trương Nhân Tuấn giới thiệu:
“Hữu Nghị Quan xây vào thời nhà Hán, đến nay đã vào khoảng 2000 năm, đã từng đổi tên 6 lần, tên trước là Ung Kê Quan, sau lại đổi tên Giới Đầu Quan, Đại Nam Quan, đến đầu nhà Minh lại đổi tên Trấn Nam Quan, tháng 1/1953 đổi tên Hữu Nghị Quan.” Không rõ căn cứ vào đâu mà phía Trung Quốc cho rằng “Hữu Nghị Quan” xây vào đời nhà Hán”? Bởi lẽ vào thời đó, ranh giới giữa Việt Nam và Trung Quốc chưa lùi đến tận vùng biên giới như sau này, làm sao lại có cái-gọi-là Ung Kê Quan tại nơi đó?
Theo Đào Duy Anh trong cuốn Đất nước Việt Nam qua các đời, địa bàn của nước Âu Lạc bao gồm “cả dải đất miền Bắc Việt Nam từ Hoành Sơn cho đến miền Nam tỉnh Quảng Tây”. Về sau, Triệu Đà chiếm Âu Lạc, chia thành hai quận Giao Chỉ và Cửu Chân. Khi nhà Hán diệt nhà Triệu (năm 111 trước công nguyên), họ chiếm đất Âu Lạc, nhưng vẫn giữ nguyên hai quận Giao Chỉ và Cửu Chân. Nhà Hán chiếm thêm đất ở phía Nam hai quận của nước ta, đặt làm quận Nhật Nam, sau đó đem ba quận mới chiếm gộp với bốn quận ở miền nam Trung Quốc là Nam Hải, Thương Ngô, Uất Lâm, Hợp Phố và hai quận ở đảo Hải Nam là Châu Nhai và Đạm Nhĩ để hình thành bộ Giao Chỉ.
Quận Giao Chỉ là một trong 9 quận của bộ Giao Chỉ. Phạm vi của quận Giao Chỉ – quận phía bắc của nước ta thời đó, rộng đến đâu? Học giả Đào Duy Anh viết: “Như thế thì đất quận Giao Chỉ ở thời Hán là đất Bắc Bộ ngày nay, trừ miền tây-bắc còn ở ngoài phạm vi thống trị của nhà Hán, một góc tây-nam tỉnh Ninh Bình bấy giờ là địa đầu của quận Cửu Chân và một dải bờ biển từ Thái Bình đến huyện Kim Sơn tỉnh Ninh Bình, bấy giờ chưa được bồi đắp; lại phải thêm vào đấy một vùng về phía tây-nam tỉnh Quảng Tây.”
Tóm lại, quận Giao Chỉ bao gồm cả một phần đất của Quảng Tây ngày nay.