WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Léon Tolstoi, Dostoesky và Ivan Turgenev

L. Tolstoi

L. Tolstoi

Léon Tolstoi sinh ngày 28-8-1828 mất 7-11-1910 là một tiểu thuyết gia trứ danh, cũng là nhà cách mạng tranh đấu dành tự do, dân chủ, bình đẳng cho những người nghèo khổ, chống chế độ phong kiến bóc lột Nga Hoàng, giải phóng nông dân.

Mặc dù được coi như nhà tranh đấu, chính trị gia bất bạo động, nhà tư tưởng, nhà cách mạng xã hội… nhưng tại các nước Tây phương cũng như  trên thế giới người ta chỉ biết đến Tolstoi như một một nhà văn hào với những tác phẩm bất hủ vượt thời gian không gian: Chiến Tranh Và Hòa Bình, Anna Karénine , Résurrection. Nhân lần thứ 185 ngày sinh của Léon Tolstoi chúng ta sẽ so sánh ông và các nhà văn hào nổi tiếng đương thời  thế kỷ thứ 19.

Léon Tolstoi và Dostoevsky

Các nhà văn, thi sĩ  Nga nổi tiếng thế kỷ thứ 19 gồm Pushkin (1799-1837), Gogol (1809-1852), Ivan Turgenev (1818-1883), Dostoevsky (1821-1881, cũng viết là Dostoyevsky, Tolstoi (1828-1910)… người Tây phương biết nhiều nhất về ba tác giả Tolstoi, Dostoyevsky, Ivan Turgenev. Ở đây tôi xin so sánh ông với hai nhà văn nổi tiếng này.

Trước hết xin nói về Dostoevsky.

Ông và Tolstoi đã được dư luận chung các nhà phê bình Tây phương coi như hai tác giả vĩ đại nhất của văn học Nga cũng như trên văn đàn thế giới. Nay tác phẩm của hai nhà văn hào này đã được tái bản tại Nga, trên thế giới nhất là tại Mỹ và các nước Tây Phương. Dostoevsky là người có ảnh hưởng nhiều tới nền văn chương và tư tưởng mới. Nhà văn hào sinh năm 1821 tại Mạc Tư Khoa, cha là bác sĩ, học trung học tại đây, năm 1837 mẹ mất, ông lên Petersburg học ngành kỹ sư, năm 1843 ra trường  làm trong ngành một năm thì bỏ việc chuyển sang viết thiểu thuyết. Năm 1846 Dostoevsky tham gia một tổ chức chính trị, đọc sách báo cấm, bị bắt 1849 với đồng bọn, lãnh án tử hình nhưng được ân xá tại pháp trường. Ông bị kết án bốn năm lao động khổ sai tại Tây Bá Lợi Á, đến 1854 được tha nhưng phải thi hành quân dịch tại mảnh đất xa xăm này. Năm 1857 lấy Maria, đến 1859 xuất ngũ về ở miền Tây Nga, năm 1862 ra ngọai quốc lần đầu, một năm sau về nước.

Năm 1863 Dostoevsky đi ngọai quốc lần nữa rồi về Mạc Tư Khoa năm ấy dự đám táng vợ. Năm 1865 người anh chết, nợ nần chồng chất, ông phải lánh ra ngọai quốc để trốn nợ, năm 1867 Dostoevsky lấy vợ khác, Anna 22 tuổi, ông mất năm 1881, các tác phẩm tiêu biểu gồm Tội Ác Và Hình Phạt (1866), Thằng Ngốc (1868), Anh Em Nhà Karamazov (1880). Có nhiều ý kiến khác nhau về ông, có nhiều độc giả say mê hâm mộ các sáng tác của Dostoesvky cũng nhiều người chê là nhàm chán, khó hiểu. Khi truyện của ông mới được xuất bản đã bị các nhà văn đương thời chê là phóng đại, không thực, lập dị, tác giả nhiều tưởng tượng quá.

Trang 167 trong phần kết luận cuốn Fedor Dostoevsky của William J. Leatherbarrow có ghi nhận nhiều ý kiến phê bình về Dostoievsky như sau:

Nhà triết gia xã hội Nikolay Mikhailovsky (1842-1904) trong bài “Một Tài Năng Dữ Tợn “ (A Cruel Talent) viết  năm 1882 cho rằng Dostoievsky đã tạo ra những cá tính không thực với những  diễn tả tâm lý giả tạo có mục đích thỏa mãn sở thích hung dữ của mình. Ngay cả Tolstoi cũng cho rằng truyện của Dostoevsky không có vẻ gì là thực. Độc giả Tây phương hồi trước vốn quen đọc những áng văn nhẹ nhàng dễ thương của Turgenev nay cũng rất khó chịu với lối văn dữ dằn của Dostoevsky. George Moore coi ông như một nhà viết tuồng ca kịch rẻ tiền thêm chút mắm muối tâm lý.

Tờ Spectator trong một bài điểm sách cuốn Thằng Ngốc (1887) cho rằng cái gọi là hiện thực của tác giả chỉ là một sự méo mó lệch lạc có ít nhiều xấu xí đưa ra cho thiên hạ thưởng lãm… Chúng ta dễ đồng tình với những nhận xét này vì tác phẩm của Dostoevsky không nằm trong truyền thống hiện thực, nó không để ý tới khía cạnh xã hội, thực tại vật chất và mô tả tự nhiên, ta thấy trong tiểu thuyết của tác giả so với các cây viết lớn hiện thực đương thời như Tolstoi, Turgenev, Goncharov. Nó không tạo ra những phẩm chất bình thường mà chỉ thể hiện những cảm xúc mạnh phóng đại những hình ảnh thực tế, luôn tập trung những cá tính cực đoan trong những hoàn cảnh bất thường thí dụ thế giới trong cuốn The Devils của Dostoevsky khác xa với thế giới trong cuốn Anna Karenina của Tolstoi mặc dù cả hai cùng diễn tả một giới người của xã hội cùng một thời trong lịch sử Nga.

Nhưng sau này đánh giá lại Dostoevsky, nhiều người đề cao văn chương của ông. Các thế hệ kế tiếp gồm những triết gia, tiểu thuyết gia, nhà phê bình…  đã nghiêng về văn nghiệp Dostoevsky và đã ca tụng ông không tiếc lời. Nhiều độc giả cũng tìm thấy những cái hay, sâu sắc trong nghệ thuật Dostoevsky. Cũng trong phần kết luận cuốn Fedor Dostoevsky trên, trang 166, Leatherbarrow ghi nhận những lời ca ngợi Dostoevsky như: một trăm năm sau khi Dostoevsky qua đời, tác phẩm của ông mang nhiều ý nghĩa đối với độc giả. Các thế hệ và các trường nghiên cứu tư tưởng đã duyệt lại những cuốn tiểu thuyết của ông đôi khi tìm được những sự hiểu biết lạ lùng. Những cuộc nghiên cứu đánh giá lại Dostoevsky không ngừng nghỉ kể trên là cách đo lường sự quan trọng và sinh khí công trình của Dostoevsky. Không phải chỉ giới hạn trong phạm vi hàn lâm viện, mỗi thế hệ mới các độc giả trí thức lại tìm thấy trong những cuốn tiểu thuyết vĩ đại của ông sự rung động và xúc động trong chiều hướng nghệ thuật cao.

Dostoevsky hình như không sợ bị rơi vào tình trạng cổ điển, một hóa thạch văn chương. Công trình sáng tác văn học của ông nói trực tiếp và khẩn cấp cho thời hiện đại và đóng góp lớn lao cả về hình thức và diễn tả tâm lý cho sự sáng tác văn chương ngày nay. Có thể vì vậy mà tác giả Steiner lý luận rằng Dostoevsky đã tiến sâu vào cơ cấu của tư tưởng hiện đại hơn là Tolstoi. Thế nhưng sự quan trọng của văn nghiệp Dostoevsky và các ý kiến phê bình, nhận xét rất khác biệt cho thấy người độc giả lần đầu tiên thưởng thức văn Dostoevsky sẽ nản lòng thế nào. Các kệ sách của thư viện nặng trĩu muốn xệ xuống vì những cuốn khảo cứu mâu thuẫn nhau về Dostoevsky như: Dostoevsky người Thiên Chúa giáo, Dostoevsky nhà hiện sinh, Dostoevsky nhà  tâm lý, Dostoevsky nhà tư tưởng lớn…  mà chẳng chú ý gì về nghệ thuật văn chương của tác giả, và những cuốn khác nói Dostoevsky nhà sáng tác văn chương siêu đẳng và tư tưởng thấp kém của ông không có giá trị gì mấy. Có lẽ ý nghĩa chân thực của Dostoevsky nằm ở chỗ ông có khả năng lấy được vô vàn những câu trả lời từ sinh hoạt trí thức của thế kỷ 20. Đó là những lời ca tụng Dostoevsky của những nhà nghiên cứu phê bình, thế kỷ 20.

Những tác phẩm hay của Dostoevsky là những cuốn tiểu thuyết có luận đề thể hiện nhiều cá tính khác thường. Những đặc tính phức tạp và mạnh bạo dữ dằn thường thấy trong những bi kịch. Chủ đề cơ bản trong những tác phẩm của ông thường là sự vật lộn giữa cái thiện và cái ác trong tâm hồn con người để giành quyền làm chủ. Tác giả nỗ lực giải quyết cuộc tranh đấu này bằng cách đưa tới cứu rỗi qua sự đau khổ được tôi luyện.

Cuốn tiểu thuyết lớn sau cùng Anh Em Nhà Karamazov cho thấy ông là một trong những người mở đường của nghệ thuật hướng nội và là người bàn luận độc đáo về tôn giáo. Dostoevsky cũng là người diễn tả thân phận con người, đã khởi xướng nhiều ý tưởng trong trào lưu triết học mang tên thuyết hiện sinh.

Nhiều người ca tụng Dostoevsky như một trong những tiểu thuyết gia lớn nhất của Âu châu, những người khác như nhà phê bình nổi tiếng Nga Vladimir Nabokov nói: về phương diện văn chương tài năng cá nhân của Dostoevsky chỉ là một nhà văn xoàng, ông sáng tác những áng văn nhạt nhẽo, Dostoevsky là người đề xướng cổ động đạo đức tôn giáo trong văn chương của mình. Nobokov lý luận trong một bài giảng của ông tại Đại học Cornell rằng việc giao giảng tôn giáo của Dostoevsky hơn là phẩm chất nghệ thuật là lý do chính khiến ông đã được ca ngợi như  một nhà tiên tri tại Nga. Dostoevsky có ảnh hưởng tới tác giả Hemingway, James Joyce. Hemingway ghi nhận Dostoevsky đã có ảnh hưởng lớn đến văn của ông.

Nhân vật của ông có tính tiêu biểu nhưng không có tính hiện thực như ở Tolstoi, nhân vật của Dostoevsky tượng trưng cho một ý tưởng mà nó thể hiện, ông là người đi tiên phong của văn chương biểu tượng (literary symbolism) nhất là biểu tượng Nga (Russian symbolism). Dostoevsky và Tolstoi chưa bao giờ gặp nhau, họ ca ngợi, chỉ trích và có ảnh hưởng với nhau, Dostoevsky khen cuốn Anna Karenina của Tolstoi là kiệt tác. Tolstoi nói đọc một ít chương của cuốn Tội Ác Và Hình Phạt cũng sẽ biết kết thúc ra sao. Được tin Dostoevsky mất, Tostoi bật khóc, khi Tolstoi tắt thở tại ga xe lửa, người ta thấy gần giường nằm ông có cuốn Anh Em Nhà Karamazov.

Nhiều tác giả, triết gia đề cao Dostoevky là một nhà tư  tưởng vĩ đại. Tội Ác Và Hình Phạt đưa Dostoevsky lên địa vị tác giả lớn tại Nga, Will Durant trong cuốn Lạc Thú Của Triết Học (Pleasures of philosophy) nói Dostoievsky là một trong những cha đẻ của trào lưu triết học Hiện sinh qua cuốn Hồi Ký Viết Dưới Hầm (Notes From Underground). Theo Dostoevsky lý lẽ không phải là định lý chỉ đạo cuối cùng của nhân loại. Sau khi bị lưu đầy đi Omsk tại Tây Bá Lợi Á năm 1849, Dostoevsky chú trọng vào những ý niệm đau khổ, tuyệt vọng trong nhiều tác phẩm của ông. Triết gia Nietzche nói Dostoevsky là nhà tâm lý duy nhất mà tôi học được, ông là món quà bất ngờ, gia tài ngẫu nhiên của đời tôi.

Nhà triết gia Freud trong bài Dostoevsky và tội giết cha mẹ nói những tác phẩm lớn trên thế giới đều đã đề cập đến tội giết cha mẹ, Anh Em Nhà Karamazov là một trong những cuốn tiểu thuyết lớn nhất thế giới.

Các nhà triết gia, nghiên cứu phê bình đề cao Dostoevsky có những tư tưởng cao siêu việt, những cuốn tiểu thuyết của Dostoevsky tuyệt diệu, cao siêu vượt thời gian không bị rơi vào tình trạng cổ điển như Tolstoi. Có điều đáng nói là nhiều độc giả nghe ca tụng về Dostoevsky, họ muốn biết văn chương của ông hay ở đâu, như thế nào? nhưng không thấy các nhà nghiên cứu ca tụng Dostoevsky  đưa ra những phân tích cụ thể về những điểm tuyệt diệu trong truyện của ông. Vì tác phẩm của ông chỉ là tiểu thuyết mà tiểu thuyết chỉ là nghệ thuật. Phân tích văn Dostoevsky phải phân tích những cái hay của nghệ thuật Dostoevsky, thí dụ nó rung động được độc giả  trong một chiều hướng nào hoặc tâm lý nhân vật sâu sắc, hiện thực ra sao … Trên thực tế người ta không thấy ai phân tích diễn tả được những cái hay tuyệt vời trong nghệ thuật Dostoevsky một cách cụ thể mà chỉ thấy những lới tán dương ca ngợi tận mây xanh nhất là về mặt tư tưởng.

Đa số các nhà nghiên cứu phê bình đề cao, ca tụng Dostoevsky như một nhà tư tưởng lớn và như vậy ông là một triết gia, không phải là một tiểu thuyết gia. Sự thực Dostoevsky không thể là một triết gia vì tác phẩm của ông chỉ là tiểu thuyết như Anh Em Karamazov, Tôi Ác Và Hình Phạt… không phải là những cuốn sách triết học, thí dụ Hữu Thể Và Hư Vô (L’être et le néant) của J.P Sartre chẳng  hạn. Như thế các nhà nghiên cứu Dostoevsky đã lạc đề, thay vì đặt trọng tâm vào phê bình nghiên cứu nghệ thuật văn chương Dostoevsky họ đã bước sang lãnh vực triết học trong khi bàn về nghệ thuật văn chương Dostoevsky. Nhiều nhà nghiên cứu Dostoevsky đã vẽ rắn thêm chân, họ gán cho Dostoevsky những tư tưởng, những ý nghĩa mà chưa chắc ông đã nói thế. Tiểu thuyết của ông rất khó hiểu và viết thừa nhiều hơn Tolstoi và các tác giả cổ điển Nga, chính ông đã lạc đề, nghệ thuật trước hết để mua vui giải trí hơn là những nghị luận bàn về tư tưởng, triết học.

Không phải tác phẩm của ông chứa đựng nhiều tư tưởng cao mà đáng được ca ngợi vì trên thế giới, Đông cũng như  Tây đã có vô số các nhà tư tưởng siêu việt, nhân vật của Dostoevsky có tính biểu tượng và cá tính thường là được phóng đại lên.  Người ta nói Dostoevsky là nhà tiểu thuyết tâm lý sâu sắc nhưng có điều là nhân vật của ông không thực mà chỉ là những nhân vật mang tính biểu tượng, thí dụ hai cha con cùng mê một ả trong Anh Em Karamazov, giết nhau vì một ả hoặc một chàng si tình trong Le Joueur (The Gambler) ngủ ngoài cửa phòng cô tiểu thư để tỏ lòng trung thành trong khi cô ta đang ngủ với tình nhân. Chàng si tình nói với cô anh sẵn sàng nhẩy vào đầu toa xe lửa nếu nàng muốn nhưng cũng không chinh phục được cô hoặc trong Người Chồng Muôn Thuở, một anh bị cắm sừng từ đầu chí cuối.  Nhân vật của Dostoevsky thường mang tính bệnh hoạn, nhiều cá tình ngông cuồng, nếu nói  Dostoevsky là nhà văn hào diễn tả tâm lý sâu sắc cũng không hoàn toàn khách quan vì nhân vật của ông không thực mà chỉ mang tính biểu tượng.

Nhiều độc giả thưởng thức văn Dostoevsky một cách vất vả tỏ ra khó hiểu khi thấy có những người ca tụng tác giả, có thể đó chỉ là một trào lưu của những người tỏ ra mình hiểu Dostoevsky, một tác giả tuyệt vời, người nọ đua người kia ca tụng mà thực ra chính họ cũng chưa chắc đã hiểu rõ nhà tiểu thuyết gia bí hiểm này. Cũng có thể người ta thấy hay ở chỗ kỳ dị. Dù sao cũng phải nói tác giả rất thành công ở những tiểu thuyết ngắn short novel (người Pháp gọi là nouvelles) như Dân Chơi (The Gambler), Người Chồng Muôn Thủa (Eternel Husband), văn phong sáng sủa, nhân vật có cá tính, nội dung độc đáo, tuyệt  diệu…

Bài viết “Cuộc quyết đấu giữa Marx và Dostoevsky” của tác giả Ý Alberto Moravia do Ngân Xuyên dịch đăng trên một trang điện tử có đề cao khía cạnh nhân bản của Dostoevsky qua cuốn tiểu thuyết nổi tiếng Tội Ác Và Hình Phạt. Tôi xin tóm lược bài viết như sau

Dưới thời Staline tại Liên Xô, Dostoevsky bị đặt ra ngoài vòng pháp luật, sách của ông không được in lại nhưng người ta vẫn chuyền tay nhau đọc những cuốn sách in từ xưa đã cũ mèm, rách nát. Dostoevsky bị coi là phản động, bảo vệ Nga Hoàng và Chính thống giáo. Trong cuốn truyện nổi tiếng xuất sắc nhất của Dostoevsky, Tội Ác Và Hình Phạt, Raskolnikov giết mụ già cho vay lãi chống lại bất công xã hội, Raskolnikov mơ ước sự công bằng chống bóc lột như Mác Xít. Mụ cho vay lãi là giai cấp tư sản bóc lột, Raskolnikov vì lợi ích của loài người mà giết mụ cho vay lãi cũng như Mác xít chủ trương thủ tiêu giai cấp tư sản tuy nhiên có khác nhau.

Marx biện minh cho việc giết mụ già để tạo công bằng xã hội, không còn cảnh người bóc lột người, biện hộ cho việc giết mụ ta, Dostoevsky tin Thượng đế cho rằng Raskolnikov sai lầm cũng như Marx đã sai lầm, ta không thể giết người dù việc này có lợi cho xã hội, cái khác nhau giữa Marx và Dostoevsky là sự đánh giá khác nhau về tội ác.  Dostoevsky tin Chính thống giáo cho rằng tội ác ở việc giết mụ ta chứ không phải ở mụ ấy, Marx cho tội ác ở chỗ mụ già bóc lột, điều ác theo Chính thống giáo còn nằm ở chỗ Raskolnikov giết cả nhân chứng để phi tang. Marx thì cho chỉ có vấn đề cái ác xã hội thôi và chỉ có cách mạng mới tiêu diệt được nó, Dostoevsky cho điều ác nằm ở chỗ dùng bạo lực. Các nhà Mác Xít nhờ những biện hộ lịch sử xã hội của họ để có thể rửa sạch cả lương tâm đen tối nhất, Dostoevsky bác bỏ kiểu rửa tẩy tội ác ấy, không thể hủy được tội ác.

Ta đã chứng kiến cuộc chạy đua giữa Dostoevsky và Marx tại Nga, vòng đầu Dostoevsky thắng, ông tạo lên kiệt tác phẩm, vòng hai Marx thắng vì lý thuyết của ông tạo ra cách mạng, hình như đến vòng ba Dostoevsky thắng trở lại khi Thủ tướng Nga Khrushchev lên án tội ác của chế độ Staline.

Bài này có thể coi như điển hình của lối văn chương ca tụng Dostoevsky, đã có nhiều đề tài, sách vở, bài viết về Dostoevsky với những lời lẽ đao to búa lớn thổi phồng nhà thiên tài lên tận mây xanh nhưng trên thực tế không được độc giả lưu ý tán thành cho lắm. Tác giả đã so sánh Dostoevsky với Marx một cách lạc lõng, gượng ép bằng lối đem một tiểu thuyết gia đối chiếu với một lý thuyết gia triết lý chính trị, kinh tế lớn trên thế giới. Mặc dù sống cùng thời với Marx nhưng Dostoevsky không quan tâm, chẳng để ý tới tới tư tưởng đường lối của nhà triết gia, chính trị này, thế mà Alberto Moravia lại làm như Dostoevsky đang tranh luận với Marx.

Truyện Tội Ác Và Hình Phạt viết năm 1866 được coi như chủ đề chính của bài này thực ra không được coi là kiệt tác hay nhất của Dostoevsky như Alberto nói mà cuốn Anh Em Nhà Karamazov mới được dư luận chung của nhiều người coi là tác phẩm tiêu biểu xuất sắc nhất. Giống như  nhận xét của George Moore ở trên về văn chương Dostoevsky, ở đây nói về Tội Ác Và Hình Phạt, cuốn  tiểu thuyết luận đề nổi tiếng của Dostoevsky mang nhiều kịch tính diễn tả một luận đề phức tạp to tát nhưng có vẻ gượng ép. Một anh sinh viên giết một bà già cho vay lãi nặng vì lợí ích của xã hội, của loài người, giết luôn cả nhân chứng để rồi sau này tự thú trước công lý. Một tác phẩm văn chương như Tội Ác Và Hình Phạt không để mua vui giải trí cho người đọc nhưng Dostoevsky đem ra giải quyết những vấn đề to tát của xã hội, loài người khiến cho tự nó lạc đề đi ra ngoài phạm vi nghệ thuật. Nhiều nhà phê bình ca ngợi Tội Ác Hình Phạt như một tác phẩm tuyệt vời nhất thế giới nhưng trên thực tế không thấy họ phân tích chi tiết những cái hay mà chỉ tán tụng một cách mơ hồ.

Tội Ác Và Hình Phạt cũng như Anh Em Nhà Karamazov, Thằng Ngốc… là những cuốn tiểu thuyết lớn tiêu biểu cho sự nghiệp văn chương Dostoievsky nói chung viết thừa, rườm rà dài dòng văn tự và khó hiểu khiến cho nhiều độc giả đã bỏ dở nửa chừng không đọc tiếp.

Mặc dù văn chương Léon Tolstoi được coi là cổ điển nhưng hai cuốn Chiến Tranh Và Hòa Bình, Anna Karenina của ông vẫn được coi là hai cuốn best seller trên thế giới. Các nhà phê bình đánh giá nghệ thuật của Tolstoi hiện thực như  Morris Philipson trong cuốn Ông Bá Tước Muốn Làm Người Nông Dân trang 70 có nói về hai cuốn Chiến Tranh Và Hòa Bình, Anna Karenine như sau.

“Những cuốn này không có vẻ gì là nghệ thuật, bề ngoài của nó như chính là cuộc đời.

Lý do đơn giản: đặc tính trước nhất của nghệ thuật hiện thực là làm thể hiện rõ cái tiềm ẩn mà người đời không nói ra được.

…Bởi vậy cái đẹp trong một tác phẩm nghệ thuật bắt nguồn từ chỗ nó thể hiện đúng với tạo hóa vạn vật và sự thật là cái mà tất cả mọi người có thể nhận thấy khi người ta chỉ cho họ thấy. Nhưng chỉ người nghệ sĩ đại tài mới chỉ nó ra cho ta thấy.”

Những tác phẩm trường giang đại hải của Léon Tolstoi đã làm sống lại một giai đoạn lịch sử hoặc xã hội của nước Nga một cách hiện thực. Chiến Tranh Và Hòa Bình diễn tả thời loạn trong cuộc chiến tranh Nga Pháp 1812. Anna Karenina, cuốn tiểu thuyết luận đề diễn tả bộ mặt hủ lậu của thành kiến xã hội lỗi thời so với Tây phương. Với Phục Sinh, Tolstoi đi vào hiện thực xã hội cho thấy bộ mặt trái của chế độ quí tộc phong kiến đã làm suy bại nước Nga mà trước hết nền tư  pháp thối nát, giới quí tộc ăn trên ngồi chốc bóc lột, nông dân  đang chết lần mòn vì đói khổ.

Đa số tác phẩm lớn của Dostoevsky đều rườm rà dông dài, thừa thãi nhiều so với Tolstoi, nhiều cuốn chỉ cần đọc nửa sau cũng đủ. Nhiều nhà nghiên cứu nói Dostoevsky phân tích tâm lý sâu sắc nhưng các nhân vật của ông có tính tiêu biểu, tượng trưng cho một giới nào không hiện thực như ở Tolstoi. Nhân vật của Tolstoi trước hết không bệnh hoạn như các nhân vật của Dostoevsky, phần nhiều thể hiện con người của tác giả hoặc bạn bè và những người thân trong gia đình, Tolstoi đã thể hiện con người thật của mình trong tác phẩm, tâm lý nhân vật rất thực. Tình yêu trong truyện của Dostoevsky thường là những mối tình bỏng cháy, có thể những nét ấy đã làm say mê người đọc vì tính chất lạ. Thể hiện nhân vật biểu tượng như ở Dostoevsky và diễn tả tâm lý con người như Tolstoi khác nhau ở chỗ một bên là biểu tượng và bên kia là hiện thực giống như cổ nhân bên Trung Hoa nói vẽ ma dễ, vẽ người khó vì ma không ai thấy, người thì ai cũng thấy vẽ sai sẽ bị chê ngay.

Dostoevsky không được coi là một vĩ nhân như Tolstoi mà chỉ được nhìn nhận như một nhà tư tưởng, một nhà văn hào lớn, trên thực tế ảnh hưởng của Dostoevsky không  nhiều như người ta tán tụng và số độc giả hâm mộ ông cũng không quá đông như một số nhà nghiên cứu nói. Số người hiểu Dostoevsky không nhiều, mặc dù được các nhà phê bình ca tụng nhưng trên thực tế Dostoevsky không được quảng đại quần chúng chúng đón nhận vì văn ông phức tạp. Khác với Tolstoi, Dostoievsky có rất nhiều huyền thoại như trong cuốn Fedor Dostoevsky tác giả William J. Leatherbarrow kết luận thuyết vô định trong Tội Ác Và Hình Phạt giống như thuyết tương đối của Einstein và ảnh hưởng tới thuyết này.

Như trên có nhà nghiên cứu nói Dostoevsky không bị rơi vào tình trạng cổ điển, tác giả Steiner lý luận rằng Dostoevsky đã tiến sâu vào cơ cấu của tư tưởng hiện đại hơn là Tolstoi nhưng trên thực tế hai cuốn Chiến Tranh Và Hòa Bình, Anna Karenina của Tolstoi vẫn được độc giả trên thế giới đón nhận nhiệt tình. Điều này cho thấy văn chương Tolstoi có tính vượt thời gian không gian, sáng tác của ông cho tới nay cũng vẫn còn được nhiều người nồng nhiệt đón nhận tại nhiều nước trên thế giới như thế không thể nói Tolstoi bị rơi vào cổ điển hoặc không đi sâu vào tư tưởng hiện đại như Dostoevsky.

Ngoài ra Léon Tolstoi là một nhà tranh đấu cho tự do, dân chủ, tiến bộ chống chế độ bóc lột của giới quí tộc Nga, người đã khởi xướng đường lối bất bạo động, ông  còn là nhà cái cách tôn giáo, nhà sư phạm… Từ sau cách mạng vô sản 1917 tới nay, chính quyền Liên xô vẫn phải giành cho Tolstoi một sự kính trọng, một địa vị xứng đáng trong chương trình giáo dục tại các trường trung học cũng như đại học tại Liên Bang Sô Viết vì ông quá lớn. Tolstoi không những có địa vị lớn tại Nga từ sau năm 1917, ông còn là một vĩ nhân trên thế giới. Ngược lại Dostoevsky đã bị Sô Viết đặt ra ngoài vòng văn hóa nghệ thuật, không được chính quyền ưu ái như đã nói ở trên trước hết ông không có địa vị lớn trong lòng người dân như Tolstoi, chỉ là một tiểu thuyết gia có thiên tài.

Nhưng dù Dostoevsky bị một số nhà nghiên cứu phê bình đánh giá không thuận lợi, dù ông không được nhiều người đọc đón nhận cho lắm, dù hâm mộ hay không thích nhà văn hào này ta phải nhìn nhận một sự thật: Léon Tolstoi và Dostoevsky là hai tác giả không những được ca ngợi nồng nhiệt tại Nga mà cũng đã được coi là hai khuôn mặt lớn nhất trên văn đàn thế giới. Tolstoi và Dostoevsky đã được dư luận giới nghiên cứu phê bình Tây phương, dư luận độc giả quốc tế coi như hai nhà văn hào vĩ đại vào bậc nhất trên thế giới từ trước đến nay khi mỗi người với thiên tài riêng, với nghệ thuật riêng, tư tưởng riêng đã tạo lên hai đóa hoa đẹp tuyệt vời cho khu vườn văn học của nhân loại.

Léon Tolstoi và Ivan Turgenev

Ông là tác giả được người mình ưa chuộng tại Sài Gòn năm xưa qua những truyện ngắn tình cảm lãng mạn như Mối Tình Đầu, Faust, Asya… hồi xưa chúng ta quen gọi theo kiểu Pháp là Ivan Tourgueniev.

Ivan Turgenev là nhà văn Nga đầu tiên được người Tây phương chú ý nhưng về sau bị Dostoevsky và Léon Tolstoi làm lu mờ, tuy nhiên ông vẫn còn là một tác giả lớn trong văn chương cổ điển Nga thế kỷ thứ 19.

Turgenev sinh tại Orel năm 1818 trong một gia đình địa chủ giầu có quí tộc Nga, cha là Đại tá ngự lâm quân của Nga Hoàng, mất 1834, mẹ là một bà địa chủ, rất độc đoán với nông nô và con cái khiến ông bị ảnh hưởng tâm thần.

Cha mất khi Ivan Turgenev mười sáu tuổi, ông theo học Đại học Mạc Tư Khoa một năm rồi lên Petersburg, học môn văn chương Nga và triết lý. Năm 1838 -1840 sang Bá Linh học triết lý, lịch sử, về nước ông chống chế độ nông nô, quãng đời sau của Ivan Turgenev sống tại Baden-Baden (Đức) và ở Paris. Nhà văn hào không lập gia đình, có một con gái với một người nông nô, người bạn văn thân thiết của ông là Gustave Flaubert, liên hệ của ông với Tolstoi và Dostoevsky thường căng thẳng. Turgenev có khuynh hướng thân Âu châu nên chán ghét Léon Tolstoi và Dostoevsky, ông xích mích với Tolstoi năm 1861 bị ông này thách đấu súng nhưng về sau xin lỗi. Hai bên không nói chuyện với nhau mười bẩy năm. Dostoevsky nhạo báng Turgenev trong cuốn The Devils (1872), năm 1880 hai người hòa nhau.

Mới đầu Turgenev sáng tác thi ca, năm 1847 ông nổi tiếng với tập truyện ngắn Phác Họa Của Người Thợ Săn, đây là viên đá đầu tiên của văn chương hiện thực Nga, nó cho thấy người dân quê thông minh có tài năng nghệ thuật nhưng bị bóp nghẹt và kiềm chế bởi chế độ nông nô. Tác giả dựa trên quan sát đời sống người nông dân và thiên nhiên khi đi săn trong rừng thuộc điền sản của mẹ. Cuốn sách này có ảnh hưởng đến dư luận đưa tới việc bãi bỏ chế độ nông nô, có người cho nó đã khiến Nga Hoàng Alexander III quyết định hủy bỏ chế độ này. Ivan Turgenev cho nó là chế độ  tàn ác, chính tác giả coi Phác Họa Của Người Thợ Săn là cuốn sách quan trọng của văn học Nga, Tolstoi cũng ca ngợi cuốn này.

Ivan Turgenev là người diễn tả đời sống chân thực của người Nga thế kỷ 19 và có khuynh hướng đưa thôn quê vào thời đại mới. Khi còn học ở Đức ông thấy cần phải Tây phương hóa nước Nga, Turgenev không quan tâm về tôn giáo như Dostoevsky và Tolstoi, ông diễn tả khía cạnh xã hội và phong trào cải cách. Turgenev không chủ trương cách mạng hoặc phục hưng tinh thần quốc gia mà lấy phương pháp canh tân để thoát khỏi lạc hậu. Turgenev chịu ảnh hưởng của Gogol.

Đề tài của Ivan Turgenev hướng về xã hội Nga từ 1840 đến 1870, ông tả chân giới quí tộc và trí thức Nga, quan sát nghiên cứu các vấn đề văn hóa xã hội. Ông viết theo lối kể truyện như một cuốn nhật ký, hành văn lưu loát sáng sủa lôi cuốn, tế nhị nên được nhiều người hâm mộ. Ivan Turgenev không trước tác những tiểu thuyết trường giang đại hải như Dostoevsky, Tolstoi và các tác giả Nga khác. Truyện  dài nhất và cũng là tác phẩm nổi tiếng nhất của ông là cuốn Cha Con (Fathers and Sons) viết 1862, một trong những trước tác lớn của văn chương thế kỷ thứ 19,  Khói (Smoke) viết năm 1867 còn lại đa số là truyện ngắn.

Ivan Turgenev chủ trương cải cách xã hội theo Tây phương, năm 1855 ông trở thành phát ngôn viên của cuộc cải cách, quan niệm nước Nga cần tiếp thu các tư tưởng Tây phương để thực hiện tiến bộ xã hội. Năm 1870 hồi chiến tranh Pháp-Thổ, Turgenev qua Pháp sống ở gần Paris cho tới chết năm 1883. Những truyện khác được Tây phương biết đến gồm Rudin, 1856, Mái Ấm Trưởng Giả (A Nest of the Gentry) viết 1859, Chiều Hôm Trước (On The Eve) viết 1860…

Năm 1883 Turgenev khuyên Tolstoi trở lại với văn chương, sau đó Tolstoi viết Cái Chết Của Ivan Ilyich và Cầm Tấu Khúc Kreutzer.

Nhận xét về Ivan Turgenev, hai tác giả Henry James và Joseph Conrad ca ngợi ông hơn Tolstoi và Dostoevsky, James khen văn chương của Turgenev lịch sự, tế nhị hạng nhất. Nhà phê bình Nga nổi tiếng Nabokov nói Turgenev không phải là một văn hào nhưng được xếp trong số bốn nhà văn Nga thế kỷ 19, ông đứng sau Tolstoi, Gogol, Chekhov nhưng đứng trước Dostoevsky. Nhận xét của nhiều tác giả về Turgenev cũng như về các nhà văn sĩ Nga nổi tiếng thế kỷ 19 không đồng nhất nhưng theo dư luận chung Ivan Turgenev mặc dù được Tây phương chú ý trước nhất nhưng không được xếp ngang hàng với Tolstoi và Dostoevsky .

Văn chương Tolstoi tuy nhiên chưa hoàn toàn hiện thực nếu so với khuynh hướng cận đại như Sholokhov với Sông Don Thanh Bình, Gheorghiu với Giờ Thứ  25, John Steinbeck với Chùm Nho Uất Hận. Chiến Tranh Và Hòa Bình, Phục Sinh của Tolstoi chưa diễn tả được những đau khổ cùng cực của con người như Sholokhov đã diễn tả cuộc chiến tàn bạo, đẫm máu giữa dân Cô Dắc vùng sông Don và chính quyền Bolshevik.  Gheorghiu đã diễn tả thân phận vô cùng bi thảm của con người thời ly loạn và hậu chiến.

So với Tolstoi, Turgenev cùng một khuynh hướng hiện thực như Tolstoi, những đoản  thiên lãng mạn của ông bay bướm, nhẹ nhàng tế nhị nhưng Turgenev chỉ  viết đoản thiên, tiểu thuyết ngắn (short novel) không có những tác phẩm vĩ đại như Tolstoi. Vả lại dù Turgenev cũng có khuynh hướng giải phóng nông nô, cải cách canh tân xã hội nhưng không phải là nhà tranh đấu dấn thân như Tolstoi, không có địa vị lớn trong quần chúng, nông dân Nga như Tolstoi. Như chúng ta đã biết, Tolstoi đã lấy đường lối bất bạo động trong thời gian chống chế độ độc tài, phong kiến đã được người dân vô cùng ngưỡng mộ, họ coi ông là Nga hoàng thứ hai.

Léon Tolstoi không chỉ là một nhà văn hào, một tiểu thuyết gia trứ danh, mà còn  là một vĩ nhân được người Nga cũng như cả thế giới quí trọng , di sản của ông để lại cho nước Nga phong phú vĩ đại. Những tác phẩm tiêu biểu của Tolstoi không chỉ là những cuốn tiểu thuyết bất hủ mà còn được coi như những công trình văn hóa của nhân loại vượt thời gian và không gian, được dịch ra hầu hết các thứ tiếng trên thế giới.

Từ sau cách mạng vô sản 1917 Cộng Sản Sô Viết cũng vẫn giữ nguyên địa vị cho Tolstoi, họ phải dành cho nhà văn hào một chỗ đứng xứng đáng trong nền văn hóa giáo dục Nga. Sở dĩ như vậy vì ông đã được mọi từng lớp xã hội từ người nông dân  cho tới giới quí tộc trí thức, tư sản… ngưỡng mộ, họ không thể và không dám gạt bỏ ông như trường hợp Dostoevsky.  Vả lại Tolstoi đã cùng nông dân chống chế độ bóc lột của giới quí tộc, địa chủ Nga, ông  cũng không công nhận quyền tư hữu đất đai như  Sô viết nhưng với tinh thần bất bạo động, lấy tình thương để giành thắng lợi, trái ngược với chủ trương dùng bạo lực đổ máu như của Lénine.

Léon Tolstoi là một nhà cách mạng xã hội nhưng lấy đấu tranh bất bạo động kết hợp với đạo đức vì bản tính ông như một nhà hiền triết. Thực tế cho thấy phương thức bất bạo động của Tolstoi không thành công so với chính sách dùng bạo lực của Lénine như thế nhà văn hào không phải là chính trị gia mưu lược. Sự nghiệp chính trị của ông không thành công, nhưng chính ông cũng không muốn trở thành nhà lãnh đạo.

Ngày nay đối với Tây phương cũng như trên thế giới, người ta chỉ biết Tolstoi như một nhà văn hào lớn qua những tác phẩm vĩ đại vượt thời gian hơn là biết về sự nghiệp chính trị, giáo dục của ông. Nhiều nhà nghiên cứu phê bình cho rằng tác phẩm của Tolstoi ít nhiều giảng đạo lý, kinh điển làm mất giá trị văn chương nhưng dù vậy ông vẫn được nhiều  độc giả trên thế giới ngưỡng mộ vì  tác phẩm luôn có nghệ thuật cao.

© Trọng Đạt

© Đàn Chim Việt

 

 

 

1 Phản hồi cho “Léon Tolstoi, Dostoesky và Ivan Turgenev”

  1. Trần Hiếu Nghĩa says:

    Xin lỗi các bạn, hơi lạc đề, tâm sự cùng các bạn đôi lời :
    Thư gửi Tổng thống các nước, các Tổng bí thư của các Đảng, và những người cầm quyền trên mọi lĩnh vực, trên toàn thế giới !
    Nhân dân Toàn thế giới , không trừ một ai, đều mong muốn có hòa bình ! Nhưng chiến tranh vẫn luôn luôn xảy ra ! nguồn gốc của chiến tranh có nhiều, song yếu tố quan trọng nhất là Vũ khí ! Vì vậy, nếu trên toàn thế giới, không trừ một nước nào, tự nguyện tiêu hủy toàn bộ vũ khí… giết người, bất kể đó là loại vũ khí gì dùng để giết người, thì sẽ không ai có vũ khí để giết người ! hoà bình sẽ đến với nhân loại !
    Loài người phát minh ra các loại Vũ khí là để tự vệ hoặc giết nhau, Nếu tất cả đều không ai có Vũ khí thì không ai giết ai, cũng không cần tự vệ nữa !
    Nhân loại, khi không ai có vũ khí , hòa bình là vĩnh viễn !
    Kính mong ai đọc thư này, hãy chia sẻ ước muốn này, một ngày không xa, ước muốn này có thể trở thành hiện thực trên toàn thế giới ! – Trân trọng !
    Các bạn ạ ! không ai đánh thuế ước mơ, bạn cũng hãy ước mơ đi ! vì hòa bình mà ! mọi cái đều có thể có, có thể không ! nay có thể sai, đến một lúc nào đó có thể đúng !

Leave a Reply to Trần Hiếu Nghĩa