Những suy nghĩ về đất nước [3]
Người lãnh đạo quốc gia phải hiểu rằng mối bang giao giữa nước này và nước kia là vì quyền lợi song phương; chứ không bao giờ vì lý tưởng của bất cứ chủ nghĩa nào. Cho nên không bao giờ có bạn hữu muôn đời hoặc kẻ thù truyền kiếp. Đồng Minh chỉ có tính cách giai đoạn. Bao lâu quyền lợi song phương còn thì quan hệ đồng minh còn; bao lâu quyền lợi song phương không còn thì tình nghĩa đồng minh chấm dứt. Đồng minh Hoa Kỳ – Liên Xô trong thời kỳ Đệ Nhị Thế Chiến là thí dụ điển hình nhất. Hai quốc gia này đã chung sức nhau đánh bại Đức Quốc Xã, Phát Xít Ý, Quân Phiệt Nhật. Chiến tranh chấm dứt, họ trở thành kẻ thù.
Là quốc gia nhược tiểu, người lãnh đạo phải khôn ngoan, nhất định không đứng hẳn về một phe nào, bởi vì đứng về phe xã hội chủ nghĩa thì sẽ bị hứng trọn mũi dùi tấn công của phe tư bản hoặc ngược lại. Vị trí địa lý Việt Nam giống như cô gái đẹp, chàng sở khanh nào cũng muôn ve vãn, nhòm ngó, người lãnh đạo càng phải khôn ngoan hơn. Đối nội thì phải chân thành thi hành chính sách đại đoàn kết toàn dân để có sức mạnh tự vệ. Đối ngoại thì chủ trương “Liên Lập” làm bạn với tất cả các quốc gia để không bị làm “đầy tớ” duy nhất cho bất cứ một quốc gia nào. Nếu vì hoàn cảnh phải cam chịu làm đầy tớ thì cũng phải khôn ngoan lựa chọn ông chủ nào tử tế hơn, chứ không thể chọn ông chủ hơi bất bình một tí là đòi dạy cho bài học.
Giương cao ngọn cờ “Độc Lập, Tự Do, Hạnh Phúc”, Đảng Cộng Sản Việt Nam (CSVN) giành được chiến thắng là nhờ biết lợi dụng lòng yêu nước (chủ nghĩa quốc gia) của dân tộc; chứ không phải nhờ vào lý tưởng xã hội chủ nghĩa. Bởi thế, nhà lý luận Hà Sĩ Phu gọi đảng CSVN là loài ký sinh của lòng yêu nước quả không sai. Đảng CSVN tình nguyện làm nô lệ Trung Quốc khi họ nhắm mắt thi hành chính sách cai trị bạo tàn, bất nhân, bất nghĩa qua các phong trào Cải Cách Ruộng Đất đào tận gốc trốc tận rễ, chỉnh phong, nhân văn giai phẩm, xét lại chống Đảng … gây nên thảm hoạ kinh hoàng chưa từng thấy trong lịch sử. Tình đoàn kết “môi hở răng lạnh” là sự dối trá. Hàng chục sư đoàn của Nga – Hoa dàn ra tại mỗi bên bờ Hắc Long Giang (biên giới Nga – Hoa) sẵn sàng xơi tái nhau là sự kiện minh chứng rõ ràng nhất.
Giưong cao ngọn cờ “Giải Phóng Dân Tộc”, Đảng CSVN thôn tính Miền Nam giống như bọn thổ phỉ đi xâm lăng nước khác. Không những chủ trương đầy đoạ nhân dân Miền Nam trong các trại tù khổ sai nơi vùng ma thiêng nước độc, lùa dân lên vùng kinh tế mới giữa rừng sâu, đánh tư sản mại bản để cào bằng, đảng viên cộng sản còn đấu đá lẫn nhau để tranh giành của cải, địa vị còn kinh khiếp hơn. Đã có lúc tưởng chừng như cuộc chiến tranh Bắc Nam giữa người cộng sản nổ ra. Cả nước biến thành địa ngục, khiến cho những người đi theo cộng sản như Trương Như Tảng cũng phải vượt biên đi tìm tự do. Các nhà cách mạng lão thành tỉnh giấc như Nguyễn Hộ đòi đổi hướng quay trở lại chủ nghĩa tư bản thì đều bị cầm tù hay quản chế tại gia. Một đảng cầm quyền không có đức khoan dung với kẻ thù đã đành, mà còn sát hại lẫn nhau chẳng nương tay. Thật khủng khiếp!
Năm 1979, trước khi rời Hoa Kỳ sau chuyến công du, Đặng Tiểu Bình tuyên bố sẽ về dạy cho Cộng sản Việt Nam một bài học, tôi hết sức căm phẫn và buồn cho thân phận nhược tiểu của Việt Nam mình. Ai muốn dày xéo cũng được. Ai muốn dạy bảo cũng được. Thật là một sự hỗn láo không thể dung thứ. Chẳng qua tại dân mình ưa chém giết lẫn nhau? Cho nên trong lịch sử nước mình mới có những nhân vật đi cầu viện nước ngoài để thanh toán đối thủ hầu chiếm đoạt ngai vàng? Đảng CSVN thành công là nhờ Mao Trạch Đông đánh bại Tưởng Giới Thạch, chứ không phải do tài lãnh đạo của Đảng. Giá như phe Quốc Dân Đảng chiến thắng thì nước mình tránh được tai hoạ cộng sản. Tôi cho rằng đó là định mệnh oan nghiệt của dân mình.
Lẽ ra, người lãnh đạo Đảng CSVN phải tỉnh ngộ, vì bị Trung Cộng trừng phạt bằng súng đạn chết người, mà Liên Xô thì thản nhiên đứng ngoài, mặc dầu trước đó thoả ước an ninh hỗ tương giữa Việt Nam – Liên Xô đã ký kết. Một lần nữa tình nghĩa quốc tế anh em xã hội chủ nghĩa chỉ là thứ đểu mà thôi. Trong thời gian đó, Tổng thống Hoa Kỳ – Jimmy Carter – thò bàn tay ra cứu vớt thì lãnh đạo Đảng CSVN làm cao, nhất định đòi món tiền bồi thường chiến tranh như lời Nixon đã hứa, mới nói chuyện. Nguyễn Văn Trấn, tác giả cuốn sách Viết Cho Mẹ và Quốc Hội đã phát cáu, la to lên giữa đám đông: “Bồi thường cái con c… nó đấy!”
Năm 1985, Tổng Bí thư Xô Viết – Mikhail Gorbachev – đề ra chính sách Glasnost & Perestroika (Cởi mở và Tái cấu trúc) để chỉnh đốn sự suy thoái về mọi mặt của Đảng thì tư tưởng trong Đảng CSVN có biến chuyển. Ủy viên Bộ Chính trị Trần Xuân Bách – Trưởng ban Tổ chức Đảng – được mô tả là người có triển vọng làm Tổng Bí thư Đảng, manh nha theo gót Gorbachev thì liền bị hạ bệ. Ngoại trưởng Nguyễn Cơ Thạch đọc một bài diễn văn tại Liên Hiệp Quốc hứa hẹn đổi mới, khi trở về nước ông ta bị thất sủng. Tuy nhiên, vì sự sống còn của Đảng, CSVN phải đề ra khẩu hiệu trong Đại Hội VI: “Đổi Mới hay là Chết”. Tổng Bí thư Nguyễn văn Linh thi hành chính sách “cởi trói” văn nghệ sĩ, kinh tế nhiều thành phần, nhưng vẫn xiết chặt chính trị. Nhờ chính sách “cởi trói”, các văn nghệ sĩ như Dương Thu Hương, Nguyễn Huy Thiệp, Trần Mạnh Hảo, Bùi Ngọc Tấn, Bùi Minh Quốc, Tiêu Dao Bảo Cự … cho ra đời những tác phẩm mà các văn nghệ sĩ thời Nhân Văn-Giai Phẩm không dám viết. Đồng thời những nhà cách mạng lão thành như Nguyễn Hộ, Nguyễn Văn Trấn, Trần Độ … cũng mạnh dạn lên tiếng. Nhưng đặc biệt hơn hết, nhà lý luận Hà Sĩ Phu Nguyễn Xuân Tụ “nhẹ nhàng” đánh vào tận gốc rễ chủ nghĩa: “Không phải như Cộng Sản thường nói rằng chủ nghĩa luôn luôn đúng, chỉ có người thi hành sai. Ý thức hệ Cộng Sản sai lầm ngay từ căn bản. Phải từ bỏ ý thức hệ đó thì mới xây dựng được Đất Nước”. Ông Hồ phạm nhiều sai lầm chết người trong các chiến dịch, vẫn làm Chủ tịch Nước cho tới chết. Ý thức hệ Cộng Sản sai lầm, người cầm quyền cũng ôm cứng lấy cái bộ máy cai trị (chứ không chủ nghĩa) cho tới chết. Lời nói của cố Tổng Bí thư Trường Chinh: “Đảng Cộng Sản cướp chính quyền bằng bạo lực thì Đảng Cộng Sản phải giữ chính quyền bằng bạo lực” nhằm bảo vệ độc quyền cai trị, được đàn em tuân thủ triệt để.
Đối với bọn cầm quyền không thèm đếm xỉa đến nguyện vọng quần chúng, những đóng góp trí tuệ của chính người cộng sản không lay chuyển họ nổi, những đểu cáng tình nghĩa quốc tế không thức tỉnh họ, những đổi thay của thế giới không mở mắt họ. Vậy chỉ còn con đường duy nhất để lật đổ bọn cầm quyền này thì phải tiến hành một cuộc cách mạng bạo lực vũ trang. Đó là câu kết luận của đoàn thể chúng tôi, của anh Hoàng Cơ Minh, của anh Lê Quốc Tuý. Nhưng sau khi cuộc xâm nhập nội địa của chiến sĩ Trần văn Bá, Lê Quốc Quân thất bại, Mặt Trận HCM tan vỡ, chúng tôi – Mặt Trận Việt Nam Tự Do – nhận thấy Thái Lan không còn là nơi có thể làm bàn đạp để xâm nhập nội địa thì tôi đề nghị chí hữu Chủ tịch Hà Thúc Ký và Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Kim chuyển sang đấu tranh chính trị. Giã từ phương thức đấu tranh cách mạng bí mật sang đấu tranh chính trị công khai trong hoàn cảnh ở hải ngoại càng khó khăn hơn, vì dễ bị chính phe gọi là Quốc Gia đánh phá bằng sự chụp mũ hết sức dơ bẩn. Chụp mũ do sự đố kỵ, do đầu óc chia rẽ mà ra.
So với các nhà cách mạng tiền bối như Phan Bội Châu, Phan Châu Trình, Hồ Học Lãm, Nguyễn Hải Thần và nhiều nhà ái quốc khác xuất dương tìm đường cứu nước ra khỏi bàn tay đô hộ của Thực dân Pháp, tập thể người tị nạn chúng ta có quá nhiều ưu thế: trở thành công dân của nước tạm dung có đầy đủ quyền lợi và nghĩa vụ như dân bản xứ. Từ hơn ba mươi năm qua, nếu ý thức vì sự chia rẽ mà chúng ta đánh mất quê hương, tất cả mọi người biết ăn năn, nhẫn nhịn ngồi lại với nhau một cách êm thắm để mưu cầu việc lớn thì chắc chắn đã có một Cộng Đồng hài hoà tạo nên uy tín xứng đáng cho người bản xứ kính nể biết bao.
Hoa Kỳ là nước đứng đầu thế giới. Người Việt tị nạn ở Hoa Kỳ đông đảo nhất. Nếu chúng ta biết tôn trọng nhau, tin cậy nhau thì chúng ta ngầm thoả thuận chia ra làm hai phe: Gạt qua một bên triết lý chính trị hay cương lĩnh của mỗi đảng, anh bỏ phiếu cho Đảng Cộng Hoà, tôi bỏ phiếu cho Đảng Dân Chủ, nhưng hai ta là một. Làm như thế, Đảng nào thắng cử, chúng ta đều có tiếng nói trong chính quyền. Nếu người Việt Nam nào ra ứng cử bất cứ thuộc đảng nào, hai phe ấy đều dồn phiếu cho ứng cử viên Việt Nam. Cái sai lầm của người Việt Nam tị nạn chúng ta là kêu gọi nhau bỏ phiếu cho Đảng Cộng Hoà vì cứ nghĩ Đảng Cộng Hoà chống Cộng. Nên nhớ rằng Dân chủ hay Cộng Hoà, người Mỹ đều nghĩ đến quyền lợi Đất Nước họ trước tiên.
Nếu ngay sau khi Phó Đề đốc Hoàng Cơ Minh và chiến hữu tử trận trên vùng biên giới Thái Lào, Mặt Trận công khai tuyên bố sự thật, chấm dứt lừa đồng bào bằng những lá thư của chiến hữu Chủ tịch từ chiến khu quốc nội gửi ra thăm đồng bào hải ngoại, chấm dứt những bài phóng sự trên tờ Kháng Chiến về các cuộc chạm súng giả tạo đánh đồn công an Cộng sản và công bố số tiền còn lại đã trót quyên góp của đồng bào sẽ sung vào công tác từ thiện hay hoạt động văn hoá thì niềm tin của quần chúng sẽ lên cao. Cho nên dù ngày nay Đảng Việt Tân, hậu thân của Mặt Trận, thể hiện điều gì tốt lành đi nữa, chẳng ai còn ngây thơ tin cậy. Mặt Trận HCM đã hủy hoại hoàn toàn niềm tin của những người thực tâm yêu nước chống chủ nghĩa cộng sản. Những cán bộ nhiệt thành của Mặt Trận quý giá biết bao nhiêu, bây giờ trở nên chán nản buông xuôi.
Cựu Đại sứ Bùi Diễm thành lập Nghị Hội Toàn Quốc quy tụ những cựu chuyên viên VNCH, kết nạp hàng ngũ trí thức trẻ nhiệt huyết là một dự án rất thông minh để sửa soạn cho các cuộc thương lượng với nhà cầm quyền trong nước khi hoàn cảnh cho phép. Tức thời Đại sứ Bùi Diễm bị đánh phá bằng những lập luận vô căn cứ. Sự đánh phá đó được phụ hoạ bởi những người muốn thiết lập một phòng tuyến phi cộng sản ở hải ngoại với câu khẩu hiệu “không hoà hợp, không hoà giải” với cộng sản. Những kẻ đánh phá đó chỉ vì đố kỵ, ghen ghét, chứ không phải nhằm cảnh báo điều gì Nghị Hội sẽ gây nguy hại cho công cuộc đấu tranh.
Nếu các đoàn thể chính trị thực sự có sức mạnh, có niềm tự tin thì việc gì mà không dám đối đầu với chiêu bài “hoà giải hoà hợp dân tộc” của chính quyền trong nước rêu rao. Tại sao các đoàn thể chính trị không phản công bằng cách mời các đại diện cộng sản để mặt đối mặt đặt vần đề: “Nào, các ông kêu gọi hoà giải hoà hợp dân tộc, các ông đang nắm quyền trong tay, vậy các ông hãy có một vài động thái để chứng tỏ thiện chí của các ông. Ví dụ thả linh mục Nguyễn Văn Lý, luật sư Lê Thị Công Nhân … cho chúng tôi thấy trước, thì chúng tôi sẽ tiếp tay với chính quyền” để xem phản ứng của cộng sản như thế nào? Tôi nghĩ rằng sở dĩ không có tổ chức chính trị nào có đởm lược đề làm điều đó vì sợ đoàn thể khác chụp cho cái mũ “đi đêm với Việt Cộng”. “Trust but verify” là khí cụ để phản công. Từ chối “hoà giải, hoà hợp” là thụ động, né tránh. Dồn nhà cầm quyền vào chính cái khẩu hiệu họ đưa ra, tức là chứng tỏ ta có chính nghĩa trước con mắt thế giới. Trong đấu trang quân sự hay đấu tranh chính trị mà chỉ biết “thủ thế” thì kết qua là từ hoà đến thua thôi!
Trước năm 1975, Miền Bắc xua quân xâm lăng Miền Nam, họ là kẻ gây chiến, nhưng họ dựng lên những phong trào phản chiến, phong trào đòi hoà bình để biến Miền Nam thành kẻ hiếu chiến, làm mất chính nghĩa bảo vệ tự do của Miền Nam trong dư luận quốc tế. Ngày nay chính quyền cộng sản vẫn còn chủ trương phân biệt đối xử bằng chủ nghĩa lý lịch, bỏ tù người bất đồng chính kiến, vận động các chính quyền lân bang đập bỏ tượng thuyền nhân, nhưng họ lại trương ra cái hư chiêu bằng biểu ngữ “hoà giải hoà hợp dân tộc”. Nên nhớ, cái mà đảng cầm quyền đang lo sợ là “diễn biến hoà bình”, nay họ được người chống Cộng ở hải ngoại cũng chống diễn biến hoà bình, thì còn gì thích hợp với họ cho bằng. Nói tóm lại, trước kia Miền Nam có chính nghĩa nhưng bị kẻ thù biến thành phi nghĩa (hiếu chiến). Một lần nữa, những thành phần mệnh danh chống Cộng không khoan nhượng cản bước bất cứ đoàn thể nào, cá nhân nào chủ trương diễn biến hoà bình. Chúng ta lại thua thêm một phen nữa!
Đôi khi tôi tử hỏi: “Phải chăng những người chống Cộng không khoan nhượng này kém đầu óc thông minh hay vì họ sợ CSVN sụp đổ thì mất mục tiêu đấu tranh hoặc tồi tệ hơn họ là công cụ của người cầm quyền trong nước?”. Tôi từng gặp nhiều ông sĩ quan cấp Tá về Việt Nam du hí, làm ăn, nhưng khi trở lại Hoa Kỳ thì cũng phất Cờ Vàng trong các cuộc biểu tình hăng hái lắm. Chẳng ai còn lên án người Việt tị nạn về Việt Nam thăm nhà hay làm ăn như hồi đầu, mà sao hạng người này lại phải đóng kịch khả ố như vậy? Dưới chế độ hà khắc của cộng sản, người dân chịu phận hèn thì hiểu được. Ở xứ sở tự do, tại sao lại phải hèn?
*
Khi Hoàng văn Hoan đào thoát khỏi Việt Nam sang Bắc Kinh, Trương Như Tảng vượt biển tìm tự do, có một số nhà làm chính trị chống Cộng bèn nghĩ đến giải pháp Hoan – Tảng. Biết tôi có mối liên hệ với Tướng Nguyễn Cao Kỳ, một đoàn thể chống Cộng cử hai cán bộ đến gặp tôi để nhờ tôi giới thiệu họ với Tướng Kỳ. Mục đích của tổ chức này là nhờ Tướng Kỳ đại diện họ sang Bắc Kinh gặp gỡ Hoàng Văn Hoan để bàn bạc thành lập một Liên minh chống Cộng sản Hà Nội. Mọi phí tổn di chuyển, ẩm thực, tiêu dùng đều do Tổ Chức đài thọ. Sau khi nghe hai anh cán bộ trình bày chủ trương của Tổ Chức, Tướng Kỳ đã trả lời như sau: “Trong vài trường hợp, kẻ thù của kẻ thù là bạn mình. Nhưng trong trường hợp này, tôi nghĩ rằng cái ý tưởng đó không đúng, bởi vì liên minh với Cộng sản Trung Quốc để hạ bệ Cộng Sản Hà Nội thì sự tác hại còn nguy hiểm hơn. Đừng bao giờ quên Trung Quốc là kẻ thù truyền kiếp của dân ta cả ngàn năm”. Sau lời khuyến cáo của Tướng Kỳ, cái ý tưởng thành lập Liên Minh Hoan – Tảng dần dần xẹp đi, không còn nghe ai nói đến nữa. Tướng Kỳ thường bày tỏ với tôi mối quan tâm của ông ta đối với hiểm hoạ Bắc Phương.
Thuật lại mẩu chuyện này, tôi muốn cho người cầm quyền trong nước hiểu rằng Tướng Kỳ là người luôn luôn lo ngại Việt Nam biến thành Giao Chỉ Quận. Cho nên, mỗi lần đi nói chuyện ở các trường Đại Học Hoa Kỳ, Tướng Kỳ đều ra sức vận động chính phủ Hoa Kỳ nên trở lại Việt Nam và kêu gọi Nhà Nước Việt Nam thực thi đại đoàn kết dân tộc. Tướng Kỳ tin rằng chỉ Hoa Kỳ mới có khả năng làm lực đối trọng chống lại mưu toan bành trướng của Trung Cộng. Do đó, đối tượng mà tôi nhắm đến trong bài viết này là những nhà lãnh đạo đang có trách nhiệm với Đất Nước cần phải biết đến tinh thần tự chủ của Tướng Kỳ trong quá khứ đã lãnh đạo Miền Nam vào thời điểm khó khăn như thế nào. Bởi vì, tôi nghĩ, chỉ có những người đang thực sự nắm quyền mới có khả năng thay đổi hướng đi của Đất Nước. Hoặc họ không chịu thay đổi thì nhân dân sẽ đứng lên thay đổi họ. Cộng đồng Hải ngoại bênh hay chống không ảnh hưởng, vì chẳng ai có thực lực.
Năm 1994, ông Nguyễn Văn Quý – Cựu sĩ quan cấp Tá Không Quân VNCH – tổ chức một buổi nói chuyện cho Thiếu tướng Nguyễn Cao Kỳ với các anh em cựu quân nhân VN và cựu chiến binh Hoa Kỳ từng tham chiến ở Việt Nam tại thành phố Denver, tiểu bang Colorado. Nội dung bài nói chuyện có ba điểm: (1) Vinh danh các chiến sĩ trong Quân Lực VNCH và cám ơn những cựu chiến binh Hoa Kỳ đã chiến đấu cho VN, (2) Nêu lên những sai lầm trong chính sách của Hoa Kỳ ở Việt Nam thời bấy giờ, (3) Chiến tranh đã chấm dứt, Hoa Kỳ nên thiết lập bang giao với Việt Nam. Phần ba (3) của buổi nói chuyện làm cho một số cư dân địa phương, trong đó có cả cựu quân nhân Quân Lực VNCH, la ó phản đối và hô khẩu hiệu “Nguyễn Cao Kỳ đâm sau lưng chiến sĩ”! “Nguyễn Cao Kỳ đón gió trở cờ” (vì tội cổ suý Hoa Kỳ trở lại Việt Nam). Nghị sĩ Phạm Nam Sách liền chớp cơ hội, viết một bài báo mạt sát Tướng Kỳ là “Chó nhảy bàn độc”. Nghị sĩ Phạm Nam Sách, có tên trong liên danh Bông Lúa của Đại Việt Cách Mạng do cụ Hà Thúc Ký lãnh đạo. Vì thế, ông Sách và tôi có mối liên hệ quen biết. Tôi đã tìm gặp anh Sách sau khi đọc bài báo để nêu thắc mắc:
– Này anh Sách, có phải anh nhiếc Tướng Kỳ là “Chó Nhảy Bàn Độc”, bởi vì anh khinh Tướng Kỳ là kẻ ít học, ngu dốt, nhờ gặp thời mà bước lên địa vị lãnh đạo quốc gia?
Không một chút do dự, anh Sách đáp ngắn gọn:
– Đúng thế!
Trong cách trả lời của anh Sách, tôi nhận thấy cái thái độ tự kiêu của kẻ cả, nên tôi lại hỏi:
– Nếu tôi bảo anh viết bài báo ấy cũng là dốt thì anh nghĩ sao?
– Cậu thử chứng minh cho mình nghe xem! Giọng nói anh Sách không thay đổi, vẫn kẻ cả!
– Thật ra, những gì ông Kỳ nói trong buổi diễn thuyết không có gì gọi là sáng kiến, mà đó chỉ là hành động đẩy một cánh cửa đã hé mở. Nếu anh cẩn thận một chút, nghiên cứu chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ trong tương lai sẽ ra sao thì anh không viết một bài báo nặng lời như thế. Mới đây trên tờ Foreign Affairs đăng lời phát biểu của cựu Ngoại trưởng James Baker (dưới trào Reagan) thảo luận với những học giả chuyên gia về chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ, có nội dung như sau: “Thế kỷ 21, chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ sẽ phải đặt trọng tâm vào phần đất Á Châu”. Thế thì chuyện Hoa Kỳ trở lại Việt Nam chỉ còn là vấn đề thời gian. Theo nhận định của tôi, Hoa Kỳ thiết lập bang giao với Việt Nam để ngăn chặn hiểm hoạ Trung Quốc – một lân bang luôn luôn ôm mộng bá quyền – là tốt cho nhân dân mình. Tại sao anh lên tiếng phản đối? Anh là người viết có tên tuổi trong cộng đồng, một bài viết của anh rất có ảnh hưởng đến tư tưởng quần chúng. Lần sau anh nên thận trọng hơn để không lộ ra cái dốt và nên dùng ngôn từ nhã nhặn của người cầm bút lễ độ có trách nhiệm. Nhất là đối với ông Kỳ, là người mà anh đã chịu ơn trước năm 1975.
Biết mình đã hố, nhưng anh Sách vẫn cố bào chữa một cách yếu ớt:
– Chính sách của Mỹ là một chuyện của Mỹ; chủ trương của mình là một chuyện của mình. Cậu cứ tưởng mọi việc Mỹ làm là đúng cả sao?
– Không! Tôi không hề nghĩ mọi việc Hoa Kỳ làm đều đúng cả. Nhưng riêng trong việc Hoa Kỳ trở lại Việt Nam, tôi nghĩ là đúng, vì nước mình cần có một thế lực đối trọng với Phương Bắc để giúp mình bảo vệ lãnh thổ. Hơn nữa, nơi nào có Hoa Kỳ đặt chân đến thì nơi đó dần dần sẽ phải có dân chủ.
– Cậu nói thế sao được? Rồi mai mốt tụi Việt Cộng có toà Đại sứ, toà Tổng Lãnh sự ở đây. Cờ đỏ sao vàng bay phấp phới khắp nơi thì mình sống làm sao nổi?
– Xin hỏi anh câu chót, không cần anh trả lời: Mục đích Chống Cộng của anh là để nhân dân ta trong nước no ấm, có tự do dân chủ hay anh định lập một phòng tuyến “phi Việt cộng” trên cái xứ sở mà quyền lập hội, lập đảng được Hiến pháp bảo vệ và tôn trọng?”. Cờ đỏ sao vàng của Việt Cộng bay thì cũng giống như cờ đỏ năm sao vàng Trung Cộng bay, mặc kệ nó, việc gì mà mình sống không nổi? Chúng ta không quan tâm việc Hoa Kỳ cấm vận Cuba. Nhưng Hoa Kỳ cô lập Việt Nam thì Việt Nam sẽ bám vào Trung Cộng làm khổ dân mình.
Tôi cho rằng nhà trí thức Phạm Nam Sách là người chống Cộng do cảm tính mà ra (vì dị ứng với lá Cờ Đỏ Sao Vàng?), nên không có cái viễn kiến nhìn xa trông rộng để biết rằng sự hiện diện của Hoa Kỳ là có lợi cho tương lai dân Việt Nam. Năm 2003 Nhà Nước Việt Nam cử ông Thứ trưởng Nguyễn Đình Bin sang mời Tướng Kỳ về Việt Nam để nhìn thấy sự đổi thay của Đất Nước. Tướng Kỳ gọi điện thoại thông báo ý định của ông với Đại sứ Bùi Diễm, Trung tá KQ Vũ Đức Vinh thì hai ông bạn này khuyên Tướng Kỳ không nên về vì không thể tin vào thiện chí của người cộng sản, họ chỉ lợi dụng tên tuổi ông Tướng. Sự hoài nghi của hai người bạn Tướng Kỳ là đúng, vì lo ngại thanh danh của Tướng Kỳ bị đốt cháy. Ông Võ Long Triều không những tán thành, mà còn viết cho Tướng Kỳ một bản tuyên bố để đọc khi đặt chân xuống Sài Gòn. Riêng tôi, khi được hỏi, đã trả lời như sau: “Chính quyền Việt Nam gửi một ông Thứ trưởng sang mời ông Tướng, tất nhiên họ có nhu cầu tìm hiểu đường hướng ngoại giao với Hoa Kỳ qua kinh nghiệm của ông Tướng. Ông là nhà lãnh đạo duy nhất của Miền Nam còn sống sót có thể giúp họ sự hiểu biết chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ tường tận hơn. Thủ tướng Trần Thiện Khiêm là người “ngậm miệng” từ lâu nay, ai mà cậy miệng ông ta được? Tôi nghĩ ông Tướng chỉ có thể đóng vai trò như một “counselor” (ông Cố vấn), nhưng ông vốn là người quyền biến thì tùy hoàn cảnh mà ứng phó. Ông đâu phải giống như Cựu Hoàng Bảo Đại thuở xưa ngự giá hồi loan mà đọc bản tuyên bố? Cái lo nhất của tôi là lo cho sinh mạng của ông, vì nội tình cộng sản có phe đổi mới, có phe bảo thủ thân Trung Cộng. Nhất là phe thân Trung Cộng biết ông có mối lo Giao Chỉ Quận thì họ không ưa ông lắm đâu. Nghĩa là ông đang sửa soạn đi vào hang cọp đấy!”.
Nghe lời cảnh giác của tôi, Tướng Kỳ mỉm cười: “Câu nói của anh làm tôi nhớ hồi xưa trước khi đi bay những phi vụ thả biệt kích ở ngoài Bắc hoặc sau đó bay Bắc Phạt, anh em cũng lo lắng cho tôi như vậy. Nếu vì Đất Nước mà phải hy sinh tính mạng thì tôi cũng phải làm”. Tôi nói: “Ngày đó ông thi hành phi vụ Bắc Phạt bằng 24 phi cơ được sinh viên, học sinh thành phố Huế tiễn đưa như những chàng Kinh Kha sang Tần, hôm nay ông đơn thương độc mã đi vào lòng địch thì bị những gào thét phản đối. Ông có buồn không? Ông còn nhớ cái câu ông nói ‘bạc như dân, bất nhân như lính’ khi các Tướng lãnh giết anh em ông Diệm sau đảo chánh 1 Tháng 11 năm 1963 không? Liệu ông muốn cứu Việt Nam thoát khỏi nguy cơ Giao Chỉ Quận có được nhân dân cám ơn ông không?” Chẳng trả lời các câu hỏi của tôi, Tướng Kỳ nhún vai như biểu lộ một lời tâm sự: “Chí ta, ta biết; lòng ta, ta hay!”. Ở địa vị một cựu Tướng lãnh hoạt bát, có thành tích chống Cộng lẫy lừng trong quá khứ, nếu Tướng Kỳ thích được Cộng Đồng tung hô, cứ hô hào chống Cộng như người khác để được mời đọc diễn văn trong các dịp lễ như Ngày Quân Lực, Ngày Quốc Hận là việc quá dễ dàng. Nhưng thử hỏi, hành động như thế thì làm sao thay đổi tình trạng Đất Nước? Nếu lý luận rằng đã có biết bao nhiêu nhà tranh đấu trong nước ngoài nước góp ý với Đảng mà chẳng ăn thua, thì Tướng Kỳ làm sao có thể lay chuyển cộng sản? Đừng quên lời dạy của cha ông: “Tận nhân lực, tri thiên mạng”. Thấy việc khó mà khoanh tay thì sao gọi là hào kiệt trên đời? Làm lịch sử không dành cho những ai chọn con đường đấu tranh đã được người ta trải thảm. Nếu đảng CSVN nghe lời nhà trí thức Hà Sĩ Phu từ thế kỷ trước mà “chia tay ý thức hệ” thì Tướng Kỳ đâu phải bôn ba vì chuyện Nước Non? Ông không đòi lật đổ chế độ như những người chẳng có chút thực lực nào, ông chỉ đề nghị với người cầm quyền thay đổi đường lối để tránh hiểm hoạ bành trướng từ Phương Bắc, thì có gì là sai trái? Có gì gọi là nịnh bợ cộng sản? Có gì gọi là đâm sau lưng chiến sĩ?
Trước khi về nước, ông dừng chân tại Bangkok, Thái Lan hai hôm. Ở Sài Gòn có tờ báo Công An cộng sản đăng bài bôi nhọ đời tư ông. Ông gọi điện thoại về cho tôi biết ông đã hỏi Bộ Ngoại Giao Việt Nam có muốn ông về nước hay không. Tại sao lại có trò chơi bẩn như thế? Bộ Ngoại giao trả lời rằng họ cũng đang điên đầu vì bài báo này, Họ hứa sẽ can thiệp để không có chuyện này xảy ra nữa.
Về tới Sài Gòn, Tướng Kỳ trả lời cô ký giả Hồng Nga của đài BBC: “Tôi không bao giờ chấp nhận chủ nghĩa cộng sản”. Nghe câu trả lời khẳng khái của ông qua máy computer, tôi rất lấy làm hài lòng: “Tướng Kỳ vẫn là con người khí phách của thời trai trẻ”. Đã mấy ai về Việt Nam dám ngang nhiên nói như vậy? Ngày hôm sau, ông mở cuộc họp báo tại khách sạn Sheraton. Ông tự giới thiệu ông nguyên là Phó Tổng thống Việt Nam Cộng Hoà cho những ký giả trẻ biết, nhưng đồng thời ý ông muốn xác định sự chính thống (legitimacy) là Miền Nam có một chính phủ dân cử hợp Pháp, hợp Hiến, chứ không phải là Ngụy Quyền. Một ký giả hỏi có phải ông xin Nhà Nước để về Việt Nam và Nhà Nước đã cho ông về. Ông đáp: “Nếu vì Đất Nước mà xin thì có gì xấu và nếu vì Đất Nước mà cho thì có thì đáng hãnh diện? Hãy bỏ cái tinh thần Xin – Cho Lý Toét Xã Xệ ấy đi. Nhà Nước này có cái gì cho tôi mà bảo tôi phải xin?” Một ký giả khác hỏi: “Ông nghĩ thế nào người Việt ở nước ngoài la ó, đả đảo sự trở về của ông?”. Tướng Kỳ đáp: “Tôi về vì Đất Nước này, chứ không phải tôi về vì mấy ông Hải ngoại hay vì mấy ông Chính quyền”. Một câu hỏi tiếp theo được đặt ra: “Ông nói ông về vì Đất Nước. Xin hỏi, ông mang gì về Đất Nước?”. Không cần nghĩ ngợi, Tướng Kỳ đáp ngay: “Tôi mang Nguyễn Cao Kỳ về đây”.
Trả lời một cách tự tin như thế, vì ông tự hào về quá trình phụng sự Đất Nước của ông. Tôi đăng lại bài trả lời của Tướng Kỳ với cô ký giả Oriana Fallaci người Ý – một ký giả thân Cộng – vào năm 1967 khi ông đang là Phó Tổng Thống Việt Nam Cộng Hoà, 37 tuổi, để những người lãnh đạo trong nước hiểu tư duy của Tướng Kỳ.
Gặp lại tướng Nguyễn Cao Kỳ năm 1967
Nhà báo, tác giả người Ý Oriana Fallaci là người đã thực hiện các cuộc phỏng vấn với các nhân vật chính trị nổi tiếng như Henry Kissinger, giáo chủ Shah của Iran – Ayatollah Khomeini, Willy Brandt, Nguyễn Cao Kỳ, Yasser Arafat, Indira Gandhi, Golda Meir, Nguyễn Văn Thiệu, Sean Connery, và nhiều người khác.
Fallaci: Tướng Kỳ này, có phải ông đang nói về cách mạng không?
Nguyễn Cao Kỳ: Ðã hẳn. Ðiều người Mỹ không biết là Miền Nam cần một cuộc Cách mạng để ngang hàng với lý tưởng cách mạng ở Miền Bắc, để chứng tỏ không phải chỉ ở Miền Bắc mới cần công chính… Tôi không màng những cuộc bầu cử mà Mỹ đòi hỏi phải có. Hầu hết những người được bầu ra ở Miền Nam không phải là những kẻ dân muốn chọn, họ không đại diện cho ai cả. Những cuộc bầu cử vừa rồi của chúng tôi là một cách phung phí thì giờ và tiền bạc, một trò hề… Tôi cũng đã ra ứng cử, đã đắc cử như một Phó Tổng Thống của một chế độ đã được chọn ra như thế, nghĩa là tôi cũng có trách nhiệm với trò hề đó. Nhưng ít ra thì tôi cũng thấy được cái xấu xa quỷ quái chỗ nào. Và tôi nói luật pháp phải thay đổi, vì những luật lệ hiện hành của chúng tôi là luật bảo vệ nhà giàu. Chúng tôi cần những luật lệ bảo vệ người nghèo.
Fallaci: Tướng Kỳ này, đó chính là điều Hồ chí Minh nói, điều Việt Cộng nói. Ðó là xã hội chủ nghĩa, là Mác-xít.
Nguyễn Cao Kỳ: Thì có ai chối đâu? Tôi đâu có ngán mấy chữ “xã hội chủ nghĩa”. Chính người Mỹ đã làm cho mấy chữ đó trở thành xấu xa… Cô bảo tôi là một tay Mác-xít. Ðây không phải là lần đầu tiên một người Âu Tây bảo tôi như thế. Như vậy, có thể tôi là một tay Mác-xít. Thì đã sao? Tôi không hề biết Marx, Engels, hoặc bất cứ một lý thuyết gia nào gốc Âu châu. Họ lập thuyết và tôi không hơi đâu mất thì giờ với lý thuyết. Thành thật mà nói, tôi không đọc sách. Tôi cũng không xấu hổ nhận rằng tôi ít học. Sức học của tôi chưa quá Trung học. Tôi là một phi công, sống chết với máy bay chứ không phải với sách của Marx hay của Engels. Tôi không cần bận tâm chuyện Marx đã khám phá ra rằng nhà nghèo không cần phải nghèo mãi. Tôi không cần khám phá của Marx mới biết điều sơ đẳng đó. Tôi là người da vàng, người Á châu, tôi hiểu đất nước tôi hơn những người da trắng đã viết ra sách vở.
Fallaci: Tướng Kỳ ơi, nói gì thì nói, sự thật là nếu ông đọc những sách đó thì ông sẽ ý thức rằng ông đang nói những điều mà chính những người ông đang đánh nhau với cũng nói y hệt. Ông có thể cho tôi biết tại sao ông chống Cộng Sản không?
Nguyễn Cao Kỳ: Tôi chỉ biết Cộng Sản trong xứ tôi thôi. Và tôi không thích thứ Cộng Sản ấy. Tôi không thích thấy một đứa con nhân danh Đảng đấu tố cha mẹ mình. Tôi không thích một Đảng nhân danh ý thức hệ để đạp đổ gia đình và những tình cảm gia tộc. Tôi không thích một xã hội trong đó mỗi người là một đảng viên. Do đó, dù tôi chống cái tự do đã gây nên hỗn độn và ngăn trở thực hiện công bằng xã hội, nhưng tôi cũng chống độc tài nữa. Tôi không biết phải nói sao về điều ấy. Ðó là lý do tại sao tôi chống Cộng. Nhưng dĩ nhiên tôi không chống Cộng khi họ phân chia tài sản, và tôi đồng ý trăm phần trăm với họ khi họ tước đất của người giàu đem phân phát cho người nghèo. Khi họ trao súng cho nông dân và bảo: “Hãy đấu tranh cho một cuộc đời tốt đẹp hơn. Khi họ tước bỏ những đặc quyền đặc lợi giai cấp, khi họ nói rằng phân chia giai cấp là sai. Như Khổng Tử từng nói, chúng ta phải nâng kẻ nghèo lên và hạ người giàu đến một mức mà mọi người có thể hoàn toàn hoà hợp chung sống. Tôi chống vì họ không làm nhu họ đã nói.
Fallaci: Tướng Kỳ này, có lúc nào ông nghĩ rằng ông đã lựa chọn sai chỗ đứng không? Có bao giờ ông nghĩ rằng ông có thể hợp với Hồ chí Minh không?
Nguyễn Cao Kỳ: Vâng… nếu số phần của tôi khác thì tôi đã đứng về phía ông ấy rồi. Nhưng theo ông ấy thì bây giờ tôi là gì? Tôi có thể chỉ là một cán bộ quèn câm nín trong guồng máy đảng, chẳng làm nên tích sự gì. Còn ở phía bên này, tôi là Nguyễn Cao Kỳ; và tôi có thể làm được việc này việc khác. Dĩ nhiên, một con én không làm nên mùa Xuân nhưng con én ít ra cũng báo hiệu mùa Xuân… Ðôi khi người ta hỏi tôi: anh có muốn biết qua về Hồ Chí Minh không? Thành thật mà nói tôi không muốn, và cô biết tại sao không? Vì ông ấy thuộc thế hệ khác. Dĩ nhiên ông ấy là một lãnh tụ tài ba, nhưng ông ấy già rồi. Ông ấy ngoài bảy mươi còn tôi thì mới 37… Những người như Hồ Chí Minh không thuộc thế kỷ này, hệ thống chính trị của họ cũng đã lỗi thời… (Lời nhận định này là một tiên tri ở thế kỷ trước được nói ra từ một quân nhân trẻ bị chê ít học. Ghi chú của người viết)
Fallaci: Nhưng Tướng Kỳ ơi, nếu ngày nào đây, ông thấy ông không thể thực hiện cuộc cách mạng của ông, rằng ông đã chọn lầm phe, ông có sẵn sàng nhảy qua bên kia không?
Nguyễn Cao Kỳ: Không. Ðã chọn thì phải đi đến cùng. Sớm muộn gì, nếu tôi thấy tôi đã chọn nhầm thế đứng thì tôi thà chết còn hơn là đổi phe… Tôi thà chết hơn là phải thú nhận mình đã chọn lầm đường đi…
Fallaci: Ông thực sự tin ông sẽ thành công, hay ông chỉ mơ ông thành công?
Nguyễn Cao Kỳ: Tôi tin vào vận mạng của tôi, cho nên tôi tin tôi sẽ thành công, trừ trường hợp chúng (không phải là cộng sản) giết tôi. Nếu chúng không giết tôi thì tôi chắc thắng vì tôi không thuộc phe thiểu số. Ðại khối quần chúng – người nghèo, nông dân – ủng hộ tôi.Cảm tưởng của cô Oriana Fallaci sau cuộc phỏng vấn là: “Nguyễn Cao Kỳ đáng… là lãnh tụ của một vùng đất thiếu lãnh tụ một cách đau đớn”. Quý vị sẽ nhận thấy điều đó khi ngỡ ngàng lắng nghe ông ta khoảng hơn 10 phút. Tướng Kỳ không phải là một anh chàng ngố, ông ta có điều muốn nói, và ông nói huỵch toẹt mà không sợ vạ miệng”. (Dịch sang tiếng Việt do Giới Tử thực hiện).
Câu nhận xét sau cùng của cô Oriana Fallaci phản ảnh đúng cá tính của Tướng Kỳ: Không bao giờ ngại ngùng khi phải nói lên ý nghĩ của mình. Năm 2004, ngồi tại Sài Gòn, Tướng Kỳ nói lên nhận định của ông về Đất Nước với những người cộng sản cao cấp: “Cái khủng hoảng lớn lao nhất của các anh hiện giờ là không có lãnh đạo, vì các anh chủ trương tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách. Cho nên, cuối cùng chả có cá nhân nào lãnh đạo ”. Nhận xét của Tướng Kỳ rất chính xác, bởi vì chính cựu Thủ tướng Phan Văn Khải từng thú nhận: “Trên bảo dưới không nghe”. Tôi nêu ra đây những đặc tính của Tướng Kỳ để các nhà lãnh đạo Việt Nam hiện hành thấy tại sao cô ký giả thân Cộng Oriana Fallaci có câu kết luận như trên sau khi phỏng vấn ông ta:
1. Thanh liêm: Liên Phi đoàn Vận tải là đơn vị thực hiện nhiều công tác xuất ngoại hàng tháng: Hongkong, Singapore, Mã Lai, Đài Loan, Nhật Bản… là những nơi tràn ngập hàng hoá mà dân Sài Gòn cần. Không Quân VN cho phép phi hành đoàn mỗi người mua một ít hàng hoá giới hạn để bán kiếm lời. Riêng Tướng Kỳ – không có người thứ hai – chẳng hề mua bất cứ một món gì, ngoại trừ một lần duy nhất mua cho Mẹ một cái radio transitor hiệu Phillips. Dù là cấp chỉ huy, lương lính rất thiếu thốn, nhưng Tướng Kỳ chấp nhận sống thanh bạch. Khi ông làm Tư Lệnh Không Quân, Đại tướng Nguyễn Khánh tặng ông tấm ngân phiếu một triệu đồng (tiền VNCH). Bỗng nhiên trở thành triệu phú, ông cầm tấm ngân phiếu khoe với mọi người chung quanh, giữ trong túi được hai hôm rồi đem tặng một triệu đồng đó vào qũy xã hội KQ. Những phi công trong đơn vị được ông ký giấy cho sang bay Air Vietnam (Hàng không dân sự), chẳng ai phải đút lót cho ông một đồng xu nào. Làm Thủ tướng, ông quyết tâm diệt trừ tham nhũng. Tạ Vinh bị án tử hình, Ba Tàu Chợ Lớn mang vào căn cứ Tân Sơn Nhất tặng ông hai trăm (200) triệu đồng, ông không nhận. Ông Bố Tổng thống Kennedy nói: “Người nào cũng mua được tùy theo cái giá. Một triệu đồng không mua được. Mười triệu đồng không mua được. Nhưng một trăm triệu đồng thì rồi cũng mua được”. Suốt hai năm làm Thủ tướng, quyền hạn tuyệt đối nằm trong tay, không có một cơ chế nào kiểm soát, ông không hề mang tiếng mua quan bán chức, hà lạm công quỹ. Khi thôi làm Thủ tướng, ông ký bàn giao cho người kế nhiệm Nguyễn văn Lộc đầy đủ qũy đen mà ông có quyền tiêu không cần chứng minh. Nghệ thuật hối lộ của gian thương Chợ Lớn rất cao siêu, nếu người cầm quyền không giữ mình trong sạch, rất dễ bị cám dỗ. Chỉ một chữ ký cho phép độc quyền nhập cảng như xe gắn máy Honda, sữa bột Guigoz là có thể bỏ túi hàng trăm triệu đồng. Là Thủ tướng, Phó Tổng thống, Tướng Kỳ không có một căn nhà riêng, không có tài khoản trong ngân hàng là điều độc nhất vô nhị.
2. Dũng cảm: Là quân nhân tác chiến, Tướng Kỳ luôn luôn đi đầu trong các cuộc hành quân nguy hiểm. Không những thế, ông dám vì lợi ích Đất Nước mà nói lên điều công chính. Trong cuộc họp đơn vị trưởng, ông nói thẳng với ông Đại tá Tư Lệnh KQ: “Tôi không chấp nhận đưa đảng phái vào Quân đội, vì như thế những phần tử bất tài nhưng khéo nịnh hót chạy theo Đảng để thăng quan tiến chức thì Quân đội sẽ bất mãn, không còn tinh thần chiến đấu chống lại kẻ thù”. Kinh nghiệm bản thân cho tôi biết, có rất nhiều quân nhân rất can đảm ngoài chiến trường, nhưng lại rất rụt rè, không dám chống lại điều sai trái của cấp trên, vì sợ bị thiệt thòi cho bản thân. Dưới thời Tổng thống Ngô Đình Diệm, sự phản đối của Tướng Kỳ dễ bị đi tù như chơi. May mà ông Cố vấn Ngô Đình Nhu hiểu bản chất Tướng Kỳ là phi chính tri, một cấp chỉ huy giỏi, nên bỏ qua nội vụ. Sau Cách mạng 1 Tháng 11 năm 1963, tu sĩ Phật giáo tranh đấu rất hống hách. Bất cứ chính quyền nào lập lên đều bị họ kết tội “Chính phủ Diệm, không Diệm”. Các Tướng lãnh ưa làm chính trị, các chính khách xôi thịt đều o bế các Thầy. Riêng Tướng Kỳ khi lên làm Thủ tướng, ông ra lệnh trả tự do cho các đảng viên Cần Lao, trả lại tài sản của Cần Lao bị các chính phủ trước tịch thu. Các Thầy chùa tranh đấu gây rối loạn, ông mời vào nhà ông trong căn cứ Tân Sơn Nhất, nhìn thằng vào mặt các Thầy, ông nói: “Về chính trị tôi không bằng Tổng thống Ngô Đình Diệm, nhưng tôi can đảm hơn ông Diệm. Các Thầy đừng tưởng giết được ông Diệm là có thể giết được tôi. Trước khi tôi chết, tôi sẽ đem từng Thầy ra tôi bắn. Các Thầy nghe rõ chưa?”. Nghe Tướng Kỳ nghiêm sắc mặt nói như thế, Thượng toạ Thích Tâm Châu nhẹ nhàng trấn an: “Thiếu tướng đừng nóng nảy. Chúng ta là người đồng đạo cả mà!”. Ông đáp: “Tôi là con Phật, các Thầy chỉ là đồ đệ Phật. Tôi đã giúp đỡ các Thầy tiền để xây chùa Vĩnh Nghiêm, không phải vì tôi sợ các Thầy. Tôi muốn các Thầy trở về chùa, làm công tác Phật sự, tu hành chứ không được dính vào chính trị”. Kề từ đó, các Thầy không dám gây rối, bởi vì họ biết ông Kỳ nói là ông Kỳ làm.
3. Bảo vệ chủ quyền Quốc Gia: Khi sang dự hội nghị Thượng đỉnh với Lyndon Jonhson tại Honolulu, đọc một bài diễn văn nói về chính sách quốc gia, Tướng Kỳ được Tổng thống Hoa Kỳ khen nói tiếng Anh thạo như một chú Mỹ con. Nếu là nhà chính trị khéo ngoại giao, Tướng Kỳ sẽ trả lời: “Cám ơn Ngài đã quá khen”. Nhưng không, Tướng Kỳ đã nhìn thẳng vào Tổng thống Johnson mà đáp lại rằng: “tôi sẽ không bao giờ là đứa Mỹ con”. Tổng thống Johnson kể từ phút đó tỏ ra rất trọng vọng Tướng Kỳ. Năm 1966, khi mang quân ra dẹp loạn ở Miền Trung, viên Cố vấn Quân Đoàn I là Trung tướng Lewis Walt, Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ, đòi gặp để biết Tướng Kỳ dự định làm gì. Ông từ chối vì bận hành quân, không tiếp. Tướng Walt ra lệnh cho phi cơ F-4C lên uy hiếp phi cơ của ta, Tướng Kỳ ra lệnh cho pháo binh Việt Nam chĩa đại bác vào căn cứ Chu Lai, hễ thấy chiếc phi cơ F-4C nào di chuyển trên phi đạo là bắn ngay. Tướng Lewis Walt phải nhượng bộ. Khi dẹp loạn xong, Tướng Walt xin gặp, Tướng Kỳ chấp thuận. Tướng Walt bước vào phòng, đứng thế nghiêm, đưa tay lên trán chào. Tướng Kỳ vẫn chăm chú đọc xấp hồ sơ trên bàn một lúc lâu mới ngẩng mặt lên hất hàm hỏi: “Trung tướng muốn gặp tôi có chuyện gì?” Tướng Walt đáp: “Vùng I Chiến thuật là vùng trách nhiệm của tôi. Tôi có quyền biết các hoạt động quân sự trong vùng”. Tướng Kỳ hỏi: “Trung tướng có bao nhiêu năm quân vụ? Trung tướng có hiểu hệ thống quân giai là gì không?” Tướng Walt ngạc nhiên: “Tôi có 23 năm quân vụ, tại sao ông Thủ tướng hỏi tôi câu đó?”. Tướng Kỳ chậm rãi giải thích: “Có bao giờ cấp chỉ huy phải báo cáo cho thuộc cấp biết việc gì mình sắp làm không? Tôi là Thủ tướng của VNCH, ông là Cố vấn Vùng I. Ông có biết tôi chỉ cần nhấc điện thoại gọi Tổng thống Johnson để nói tôi không hài lòng về sự hiện diện của ông ở đây thì ông sẽ phải cuốn gói về nước trong vòng 24 giờ không?” Trung tướng Walt đáp “hiểu”, rồi đưa tay lên chào, quay 180 độ bước ra khỏi phòng hành quân. Đại tá Dương Thiệu Hùng, Trung tá Lưu Kim Cương và các sĩ quan hiện diện thấy chủ Tướng của mình ứng xử với ông Tướng đồng minh như thế, thì hãnh diện lắm. Năm sau, Tướng Walt mãn nhiệm kỳ, Tướng Kỳ bay ra Đà Nẵng gắn huy chương cho Tướng Walt. Ba năm sau gặp nhau lại tại thủ đô Hoa Thịnh Đốn trong buổi dạ tiệc, Tướng Walt lúc bấy giờ trở thành Tư lệnh Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ đến bắt tay Tướng Kỳ và nói lớn với tất cả quan khách: “Tôi rất cám ơn Phó Tổng thống Nguyễn Cao Kỳ vì ông đã dạy cho tôi một bài học quý giá về sự lãnh đạo và chỉ huy”. Người Mỹ rất biết đánh giá lãnh đạo Miền Nam. Tuy là Phó Tổng thống nhưng Nixon đón tiếp Tướng Kỳ tại Toà Bạch Ốc; còn Tướng Thiệu là Tổng thống thì Nixon đón ở San Clemente, tiểu bang California mà thôi. Phó Tổng thống là chức vụ ngồi chơi xơi nước, chỉ lo phần nghi lễ, nhưng Đại sứ Bunker thường xuyên vào căn cứ Tân Sơn Nhất để nhờ Tướng Kỳ thuyết phục Tổng thống Thiệu làm một số dự án mà ông Thiệu đã hứa nhưng không bao giờ thực hiện. Khi phái đoàn thương thuyết VNCH ở Paris gặp trở ngại với ông Đại sứ Averell Harriman, Tổng thống Thiệu yêu cầu Tướng Kỳ sang giải quyết. Đại sứ Harriman là một viên chức ngoại giao lão thành của Hoa Kỳ, từng đại diện Tổng thống Roosevelt tham dự hội nghị Yalta với Staline, Churchill, nên đối với Việt Nam ông ta thường tỏ ra cao ngạo, hách dịch. Mỗi khi phái đoàn Việt Nam Cộng Hoà phát biểu, ông ta bỏ máy nghe ra khỏi tai. Biết tin Tướng Kỳ vừa đến Pairs, ông đòi gặp Tướng Kỳ ngay, nhưng Tướng Kỳ từ chối, viện cớ đi xa hãy còn mệt. Thực ra, đó là chủ tâm của Tướng Kỳ. Hôm sau, Harriman đến tận lâu đài Tướng Kỳ đang cư ngụ để thăm xã giao và thảo luận một số vấn đề. Hai người ngồi vào bàn an vị, người hầu cận đặt hai tách trà xuống mặt bàn, vừa bước ra khỏi, Tướng Kỳ bắt đầu: “Thưa ông Đại sứ, tôi nghe nhân viên của tôi phàn nàn ông Đại sứ có xu hướng bênh vực quan điểm của kẻ thù chúng tôi. Tôi không tin điều đó, nay trước mặt tôi, ông Đại sứ hãy xác nhận cho tôi biết ông đứng ở phía nào. Nếu ông Đại sứ đứng về phía bên kia, xin mời ông uống hết tách nước trà này, rồi ra về. Chúng ta không có gì để nói với nhau”. Nghe xong câu hỏi của Tướng Kỳ, Đại sứ Averell Harriman đứng lên bắt tay Tướng Kỳ và nói: “General, you deserve your reputation”. (Thưa Tướng quân, Ngài xứng đáng với uy danh của Ngài). Một lần nữa, Tướng Kỳ đã làm cho một nhà ngoại giao lão thành của Hoa Kỳ phải kính nể.
4. Lòng khoan dung độ lượng: Khi Nội các dân sự Phan Khắc Sửu – Phan Huy Quát trao quyền lại cho Quân Đội, trong cuộc họp của Hội đồng Quân Lực nhằm chọn người ra làm Thủ tướng, Tướng Kỳ đề nghị Trung tướng Nguyễn Văn Thiệu, vì ông Thiệu đang giữ chức Phó Thủ tướng kiêm Tổng trường Quốc Phòng trong Nội các dân sự, vừa có kinh nghiệm, vừa cao niên. Ông Thiệu là một người khôn ngoan, biết tình hình Đất Nước quá khó khăn không thể đảm đương nổi, nên nhất mực từ chối dù được nhiều người yêu cầu. Cuối cùng ông Thiệu phát cáu, nói: “Nếu ai còn đề nghị tôi nữa thì tôi sẽ bỏ phòng họp ra về, để anh em tự lo liệu với nhau”. Kế đó, Tướng Kỳ đề nghị Trung tướng Nguyễn Chánh Thi, nhưng cũng giống như Tướng Thiệu, Tướng Thi nhất mực từ chối. Sau giờ giải lao vào họp lại, Tướng Thiệu tuyên bố: “Buổi họp hôm nay quyết định sự sống còn của Quốc Gia, chúng ta không thể lẩn tránh trách nhiệm trước lịch sử, tôi vừa mới bàn với Tướng Nguyễn Chánh Thi và hai chúng tôi đồng ý đề nghị Thiếu tướng Nguyễn Cao Kỳ chấp nhận đứng ra thành lập chính phủ”. Tướng Thiệu vừa dứt lời, toàn thể Đại hội vỗ tay hoan hô. Lời nói nghiêm trọng của Tướng Thiệu đã khiến cho Tướng Kỳ không thể khước từ. Ông nói: “Là quân nhân, tôi sẵn sàng tuân lệnh anh em để nhận lãnh trách nhiệm. Kỷ luật là sức mạnh Quân Đội, tôi yêu cầu tất cả anh em hãy hy sinh, đoàn kết để mang lại ổn định và dồn nỗ lực đánh bại kẻ thù”. Mọi người rât cảm động trước những lời nói tâm huyết của Tướng Kỳ. Tuy là một sĩ quan trẻ, mới 35 tuổi, không có kinh nghiệm chính trị, nhưng Tướng Kỳ đã thành lập một chính phủ – Nội các Chiến tranh – được đồng minh đánh giá là một chính phủ quân bình Trung Nam Bắc gồm quân nhân và dân sự đều là những chuyên viên trẻ, có lý tưởng. Quả nhiên, Tướng Kỳ đã đem lại sự ổn định. Từ đó không còn có những cuộc đảo chánh, chỉnh lý như trước nữa. Thấy Tướng Kỳ bình định tình hình không mấy khó khăn, có lẽ Tướng Nguyễn Chánh Thi cảm thấy hối tiếc vì đã từ chối lời đề nghị của Tướng Kỳ đứng ra thành lập chính phủ, nên Tướng Thi cấu kết với thầy chùa Thích Trí Quang manh tâm gây áp lực Chính quyền Trung Ương. Thủ tướng Nguyễn Cao Kỳ gửi văn thư yêu cầu Tướng Thi chú tâm lo việc bình định, an ninh lãnh thổ, không nên dính dáng vào chính trị. Tướng Nguyễn Chánh Thi tức giận, dùng bút chì mỡ mầu đỏ phê hai chữ “Con C…” thật lớn trên tờ văn thư, rồi gửi trả về Trung Ương. Tuần sau, Tướng Kỳ hướng dẫn phái đoàn Quốc phòng ra Trung thanh tra. Lẽ ra Tư Lệnh Vùng hay Tỉnh trưởng phải đích thân thuyết trình, Tướng Thi dùng ông Phó Tỉnh trưởng Hành chánh thuyết trình, lại có luận điệu chê bai chính quyền Trung Ương, nhưng Tướng Kỳ vẫn bình thản. Khi tiễn phái đoàn về Sài Gòn, phi cơ vừa lăn bánh, Tướng Thi và ông Phó Tỉnh trưởng đưa hai tay lên cao, đập vào nhau như kiểu Mỹ “Hi Five” để tỏ vè hài lòng vì đã “chơi” ông Thủ tướng một quả đau. Ngồi trong lòng phi cơ nhìn xuyên qua cửa kính, Tướng Kỳ nom thấy hành động đắc chí của ông Tư Lệnh Vùng I, liền ra lệnh cho Trung tướng Nguyễn Hữu Có – Phó Thủ tướng kiêm Tổng trưởng Quốc phòng – đánh điện về Sài Gòn bãi chức Tướng Thi. Phong trào tranh đấu Phật Giáo nổi lên, áp lực Chính quyền Trung Ương phải trả lại chức Tư Lệnh Vùng I cho Tướng Nguyễn Chánh Thi. Ba ông Tướng Bộ Binh gồm Nguyễn Văn Chuân, Huỳnh Văn Cao, Tôn Thất Đính lần lượt thay Tướng Thi làm Tư Lệnh Quân đoàn I, nhưng cả ba ông đều không chịu nổi áp lực của Phật Giáo tranh đấu. Cuối cùng, Tướng Kỳ gửi Đại tá Nguyễn Ngọc Loan và Tướng Cao Văn Viên bay trước ra Đà Nẵng và hôm sau Tướng Kỳ ra tận nơi để dẹp loạn. Xong xuôi, Tướng Thi cùng một số quân nhân theo phe tranh đấu bị bắt dẫn độ về Sài Gòn. Nếu gặp phải ông Thủ tướng khác, Tướng Thi có thể bị tội tử hình chiếu theo quân luật vì tội phản nghịch. Các quân nhân tòng phạm cũng được tha, cho giải ngũ. Quân nhân đào ngũ trong thời chiến còn bị tử hình, huống chi là phản nghịch có vũ trang. Tướng Nguyễn Chánh Thi được cho đi Hoa Kỳ sống lưu vong. Trước khi rời Việt Nam, Tướng Thi nói: “Tôi sang Mỹ để chữa bệnh… thối mũi!”. Người ta chê Tướng Kỳ không chính trị. Tướng Kỳ không sử dụng tiểu xảo chính trị bá đạo thì đúng. Tôi thuật chuyện này để độc giả đánh giá Tướng Kỳ cái mưu lược của ông ta. Khi Tướng Loan bắt Trí Quang từ Huế về Sài Gòn. Ông sư này ra trước công viên Thống Nhất tuyệt thực. Tướng Kỳ gọi bác sĩ Nguyễn Duy Tài, chủ bệnh viện Duy Tân vào Tân Sơn Nhất ra lệnh: “Tôi yều cầu bác sĩ chăm lo sức khoẻ cho ông Trí Quang, bằng cách nào đó tôi không cần biết, nhưng Trí Quang phải được lên cân, da dẻ phải hồng hào. Nếu bác sĩ không làm được chuyên đó, tôi sẽ đem bác sĩ ra bắn”. Bác sĩ Tài vâng vâng, dạ dạ lo sức khoẻ cho Trí Quang. Sau hai tháng tuyệt thực, Trí Quang vẫn khoẻ, da dẻ hồng hao hơn trước. Các đệ tự của Thầy không tin Thầy tuyệt thực thật sự. Thế là Thầy lẳng lặng trở về chùa. Từ đó Trí Quang không diễn lại trò tuyệt thực nữa. Tướng Kỳ cũng không bỏ tù Trí Quang.
5. Biệt tài thu phục nhân tâm: Khi thành lập chính phủ, Tướng Kỳ vẫn giữ Bác sĩ Trần Văn Đỗ làm Ngoại trưởng từ chính phủ Phan Huy Quát. Cụ Đỗ là nhà trí thức yêu nước đáng kính trọng, nhưng theo Tướng Kỳ thì Cụ không thích hợp là nhà ngoại giao của giai đoạn này. Tướng Kỳ hẹn với Cụ bao giờ tìm được người thích ứng thì sẽ để Cụ về nghỉ ngơi. Tạm thời, Tướng Kỳ đảm nhiệm chính sách ngoại giao vì ông coi mặt trận ngoại giao cũng quan trọng không kém mặt trận quân sự. Vì thế, dù tình hình quốc nội chưa hoàn toàn ổn định, Tướng Kỳ là vị Thủ tướng công du ngoại quốc nhiều lần nhất. Nào là Tân Tây Lan, Nam Hàn, Đài Loan, Thái Lan, và Mã Lai Á … nhưng đáng kể nhất là Úc Châu. Lãnh tụ đối lập Úc là Arthur Calwell, một ông già trạc 70 tuổi, cực lực chống người gốc Châu Á đã gọi Tướng Kỳ bằng những thậm xưng như: một tên đồ tể, một kẻ sát nhi (baby killer), một nhà độc tài. Thủ tướng Holt đón Tướng Kỳ ở phi trường, trên đường đến chỗ họp báo, ông Holt cho Tướng Kỳ biết những cố vấn thân cận và ngay cả bà vợ ông ta cũng chống sự hiện diện của Tướng Kỳ. Người ký giả đầu tiên đặt câu hỏi: “Ông Calwell gọi ông bằng những danh từ nhục mạ, phản ứng của ông ra sao?”. Tướng Kỳ đáp: “Này, các ông cũng biết tôi là một người Á Châu, và một câu châm ngôn xưa của Á châu có nói: ‘Nếu ta kính trọng người già, ta sẽ sống lâu’. Đối với ông Calwell, tôi coi ông như ông bố tôi. Bất cứ điều gì ông nói về tôi, không sao hết, tôi vẫn kính trọng ông bởi vì ông ta là… một ông già!”. Mọi người đều cười. Ngày hôm sau một tờ báo nổi tiếng tại Úc cho in ngay trên trang nhất một bức hí hoạ, Tướng Kỳ với khuôn mặt trẻ thơ, tươi cười đẩy xe lăn cho ông già Calwell đang càu nhàu và nhăn nhó. Hàng ngày, Tướng Kỳ họp báo và để báo chí tự do phỏng vấn. Qua những câu trả lời của Tướng Kỳ rất lưu loát và thành thật, giới truyền thông Úc tỏ ra thấu hỉểu vì sao Miền Nam phải chiến đấu. Có lần một ký giả lớn tiếng: “Ông không đại diện nhân dân Miền Nam, vì ba phần tư đất đai đã nằm trong tay Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam”. Tướng Kỳ mời ký giả đó theo ông về Việt Nam và cung cấp phương tiện cho ông ta đi khắp các tỉnh Miền Nam. Sau hai tháng, người ký giả đó trở về Úc, viết những bài đăng trên tờ báo cộng sản Úc lên án Đảng Cộng sản Úc đánh lừa dư luận, vì Miền Nam thật sự có tự do và an ninh. Mỗi lần Tướng Kỳ di chuyển, cả trăm ngàn dân Úc biểu tình phản đối chiến tranh. Nơi nào ông cũng bước ra khỏi xe, tới nói chuyện thẳng với đoàn biểu tình và giải thích cho họ hiểu chính nghĩa của nhân dân Miền Nam là tự vệ. Ngày rời Úc, cũng tờ báo mấy hôm trước lại cho in lên trang nhất một bức hí hoạ khác. Lần này Tướng Kỳ đứng ở giữa võ đài quyền anh. Calwell bị đo ván, nằm ngửa dưới chân, trong khi trọng tài, có tên là “Công Luận”, cầm tay Tướng Kỳ giơ lên cao, biểu dương cho sự chiến thắng. Năm sau, ông Calwell bị Đảng đối lập đẩy ra khỏi vai trò lãnh đạo và sự nghiệp chính trị của Calwell chấm dứt từ đó. Thủ tướng Holt rất hài lòng nói với Tướng Kỳ khi chia tay: “Ngài quả là nhà Ngoại giao có biệt tài hùng biện. Vợ chồng tôi rất hãnh diện vì sự hiện diện của Ngài trên Đất Nước chúng tôi”. Năm 1971, trong chức vụ Phó Tổng thống được Nixon đón tiếp tại Toà Bạch Ốc. Cũng cả trăm ngàn thanh niên sinh viên biểu tình đả đảo, Tướng Kỳ đòi ra gặp họ, nhưng nhân viên mật vụ bảo vệ yếu nhân không chấp thuận. Ông đề nghị mời chừng một trăm đại diện vào phòng khách để ông tiếp. Mở đầu, Tướng Kỳ nói: “Nếu tôi là thanh niên Hoa Kỳ, tôi cũng chống chiến tranh, bởi vì không lý do gì các bạn phải đến một nơi xa xôi để hy sinh mạng sống. Nhưng các bạn đừng quên rằng sự hy sinh của dân tộc tôi cũng là hy sinh cho sự tự do của các bạn, Bởi vì nếu Đất Nước tôi rơi vào tay cộng sản thì các quốc gia lân bang sẽ lần lượt rơi vào tay cộng sản. Các bạn nghĩ thế nào khi toàn quả địa cầu này bị nhuộm đỏ? Sau 45 phút trò chuyện, Tướng Kỳ xin lỗi phải đi vì sắp tới giờ hẹn với Tổng thống Nixon. Toàn thể cử toạ đã nhiệt liệt vỗ tay tán thưởng. Các nhân viên mật vụ đều nói: Tổng thống Nixon cần có một người giỏi thuyết phục quần chúng như Thiếu Tường Kỳ.
6. Trọng chữ Tín: Vừa lo công tác ngoại giao, vừa dẹp loạn, Tướng Kỳ tổ chức thành công Quốc Hội Lập Hiến để khai sinh nền Đệ Nhị Cộng Hoà. Năm 1967, tổ chức bầu cử Tổng thống. Ban đầu Tướng Thiệu và Tướng Kỳ đứng hai liên danh riêng rẽ. Tướng Kỳ chọn kỹ sư Nguyễn Văn Lộc làm Phó; Tướng Thiệu chọn ông Trình Quốc Khánh làm Phó. Quân Đội sợ rằng hai ông Tướng đứng hai liên danh riêng rẽ thì sẽ thua liên danh Trương Đình Dzu tả khuynh được Phật Giáo và bọn phản chiến ủng hộ. Không thuyết phục được Tướng Thiệu giữ chức Tổng Tham mưu trưởng, còn để Tướng Kỳ một mình tranh chức Tổng thống, Hội Đồng Quân Lực phải triệu tập phiên họp khoáng đại để đồng thanh quyết nghị loại Tướng Thiệu ra khỏi Quân Đội để mặc ông Thiệu ứng cử trong tư cách dân sự, Tướng Cao văn Viên sẽ tạm thời giữ chức Chủ tịch Ủy Ban Lãnh Đạo Quốc Gia. Trong lúc Đại Hội đang diễn tiến, Tướng Thiệu và Tướng Kỳ ngồi ngoài chờ quyết định của Đại hội. Tướng Kỳ bình thản hút thuốc lá vì đã biết trước kết quả; còn Tướng Thiệu tỏ ra lo lắng, mồ hôi lấm tấm trên trán. Sau gần một giờ đồng hồ, cửa phòng họp mở ra. Tướng Thiệu dường như đoán biết số phận của mình, người ông bỗng nhiên rũ xuống như cái cây sắp đổ. Tướng Kỳ chợt cảm thấy thương tâm, đưa tay xua và nói: “Thôi, tôi trở về Không Quân, nhường cho ông Thiệu đại diện Quân Đội ra tranh cử, các anh khỏi cần đọc quyết định”. Lúc bấy giờ gương mặt Tướng Thiệu lộ vẻ hân hoan chưa từng thấy, giống như được hồi sinh. Sau câu tuyên bố của Tướng Kỳ, Tướng Hoàng Xuân Lãm vừa khóc, vừa nói: “Tướng Kỳ vì tình đoàn kết Quân Đội đã hy sinh thì xin hy sinh cho trót. Xin Tướng Kỳ hãy đứng Phó cho Tướng Thiệu thì may ra mới thắng liên danh dân sự. Thiếu tướng Trần Văn Minh – Tư Lệnh Phó KQ lúc bấy giờ – vội vàng yêu cầu Đại Hội vỗ tay hoan nghênh ý kiến của Tướng Hoàng Xuân Lãm. Thế là Tướng Kỳ trở thành Phó Tổng thống cho Tướng Thiệu với kết quả cuộc bầu cử đạt chưa tới 40 phần trăm số phiếu cử tri. Khi nghe tin Tướng Kỳ nhường Tướng Thiệu ra tranh cử Tổng thống, William Colby – Trưởng tình báo CIA tại Việt Nam – lái xe vào Tân Sơn Nhất trách Tướng Kỳ tại sao nhường cho ông Thiệu, trong khi Hoa Kỳ đã có kế hoạch sửa soạn ủng hộ Tướng Kỳ. Colby đề nghị Tướng Kỳ thay đổi quyết định. Không muốn ngoại bang xen vào nội tình Việt Nam, Tướng Kỳ cương quyết không thay đổi quyết định. Sau đó, các dân biểu Quốc Hội Lập Hiến gồm ông Phan Khắc Sửu, Lê Phước Sang và một số dân biểu vào Tân Sơn Nhất cố thuyết phục Tướng Kỳ thay đổi quyết định, vì họ nhận thấy Tướng Thiệu không có khả năng lãnh đạo như Tướng Kỳ. Họ sẽ bỏ phiếu không phê chuẩn kết quả bầu cử và tổ chức bầu cử lại. Tướng Kỳ sẽ đứng liên danh riêng. Tướng Kỳ cũng nhất định không chịu, ông ra lệnh Tướng Loan vào ngồi chuồng cu Quốc Hội, hễ dân biểu nào bỏ phiếu chống thì bắt nhốt. Lúc bấy giờ báo chí Sài Gòn chế diễu bằng hàng chữ: “Cảnh sát đi vào toà nhà Quốc Hội, công lý bỏ đi ra”. Dư luận quần chúng lúc bấy giờ đồn đãi rằng Tướng Kỳ phải nhường Tướng Thiệu đứng đầu liên danh vì Tướng Thiệu được lòng Đại sứ Bunker hơn. Sự thật không phải như vậy. Tôi được biết sự thật như vừa kể trên là do Tướng Nguyễn Ngọc Loan thuật lại, vì Tướng Loan và một số Tướng lãnh khác rất lấy làm bất mãn về quyết định của Tướng Kỳ nhường Tướng Thiệu. Khi đắc cử rồi, Tướng Thiệu phản lại lời cam kết, hủy bỏ Quân Ủy hội (một hình thức như Bộ Chính Trị của cộng sản) do Tướng Kỳ làm Chủ tịch gồm 4 Tướng Tư Lệnh Quân Đoàn và các Tướng Tư Lệnh Quân Binh Chủng. Chẳng những thế, Tướng Thiệu còn xúc tiến thành lập Đảng Dân Chủ, mặc dầu sau Cách Mạng 1963 Tướng Thiệu và Tướng Khiêm đã tuyên thệ vào Đảng Đại Việt do lãnh tụ Nguyễn Tôn Hoàn và Hà Thúc Ký chấp nhận lời thề. Nói tóm lại, Tướng Thiệu chỉ lo bảo vệ chiếc ghế của mình, cái thế đoàn kết Quân Đội do Tướng Kỳ tạo dựng không còn, vua tham nhũng là Tướng Đặng văn Quang được Tướng Thiệu cử làm Cố vấn An ninh Quốc gia để điều hành các việc làm ăn phi pháp. Biến cố Tết Mậu Thân, Tướng Thiệu kẹt ở quê vợ tại Mỹ Tho, một mình Tướng Kỳ vừa lên truyền hình trấn an đồng bào vừa điều động quân sĩ bảo vệ thủ đô và các tình. Các sĩ quan thân cận của Tướng Kỳ như Trung tá Phó Quốc Chụ, Trung tá Lê Ngọc Trụ đòi cho Tướng Thiệu “đi nghỉ mát dài hạn” để đưa Tướng Kỳ lên thay, nhưng Tướng Kỳ không muốn dùng đường lối bá đạo. Năm 1967 được Tướng Kỳ nhường cho ra tranh cử Tổng thống, năm 1971 Tướng Thiệu trả ơn bằng cách làm một đạo luật buộc ứng cử viên Tổng thống phải có hàng trăm chữ ký giới thiệu của Tỉnh trưởng hay đại diện dân cử. Theo tiết lộ của ông Nguyễn văn Ngân với báo Ngày Nay ở Houston thì mục đích của đạo luật này nhằm loại Tướng Kỳ. Mặc dầu có đủ chữ ký giới thiệu, Tướng Kỳ thấy Tướng Thiệu trở mặt khi chọn Trần Văn Hương đứng chung liên danh và lại giở trò chơi chính trị bẩn thỉu, ông không ra tranh cử, đồng thời liên danh của Tướng Dương Văn Minh cũng rút tên, để cho ông Thiệu độc cử. Sự “Độc Cử” của Tổng thống Thiệu làm mất Chính Nghĩa của nền Dân Chủ ở Miền Nam kể từ đó. Tình hình Đất Nước càng ngày càng nguy ngập, năm 1974 Tướng Thiệu còn mưu toan dùng các Nghị sĩ, Dân biểu gia nô thay đổi Hiến Pháp để ông có thể ra tranh cử nhiệm kỳ III. Lên truyền hình cam kết trở về Quân Đội chiến đấu bên cạnh anh em đồng đội, hôm sau Tướng Thiệu cùng Tướng Khiêm lặng lẽ lên tàu bay chuồn sang Đài Loan. Dù William Colby hay các dân biểu Lập Hiến cố thuyết phục, Tướng Kỳ vẫn nhường Tướng Thiệu ra tranh chức Tổng thống là vì trọng Chữ Tín. Năm 2004 về nước, Tướng Kỳ thuyết phục nhà cầm quyền Việt Nam nên có mối quan hệ bang giao tốt đẹp và thành thật với Hoa Kỳ để quân bình áp lực từ Phương Bắc, Tướng Kỳ đã cam kết với các nhà lãnh đạo Việt Nam, nếu họ nghe lời khuyên của ông thì khi các lãnh đạo Việt Nam công du tìm hiểu Hoa Kỳ, ông sẽ chào đón họ ở Hoa Kỳ để yểm trợ tinh thần. Dẫu biết trước rằng đồng hương hải ngoại chống đối, Tướng Kỳ vẫn thực thi lời hứa hẹn để cho các nhà lãnh đạo Việt Nam hiểu rằng ông là con người nói và làm đi đôi. Tướng Kỳ không hề tuyên bố ông đại diện Cộng Đồng hải ngoại để đón tiếp lãnh đạo Việt Nam. Tôi đã xem đi xem lại cái DVD của buổi tiếp tân chào đón Nguyễn Minh Triết ở California rất nhiều lần.
7. Một lòng vì Đất Nước: Bị Tướng Thiệu loại ra ngoài vòng chính trị, Tướng Kỳ vay Ngân Hàng Quốc Gia Việt Nam 25 triệu đồng, ra Khánh Dương khai khẩn đất hoang lập đồn điền. Ngày 9 tháng 3, năm 1975 Đại tá Lý Bá Phẩm, Tỉnh trưởng Nha Trang, dùng trực thăng bay đến Khánh Dương cầu cứu Tướng Kỳ giúp ông kêu viện binh để phòng ngự thành phố. Mặc dầu không còn giữ trọng trách gì với Đất Nước, khi nghe tin Ban Mê Thuột mất, Tướng Kỳ bay về Sài Gòn gặp Tướng Cao Văn Viên để yêu cầu Tướng Thiệu cấp phát cho ông một binh đoàn thiết giáp đi giải cứu Ban Mê Thuột. Tướng Thiệu là người đa nghi, sợ Tướng Kỳ âm mưu đảo chánh, nên từ chối. Đáng lý chẳng còn giữ trọng trách gì, Tướng Kỳ nên chuồn ra ngoại quốc với vợ con, tìm một cuộc sống an nhàn sau khi đã phụng sự Đất Nước quá đủ. Nhưng Tướng Kỳ vẫn nuôi hy vọng “còn nước còn tát”. Ông lên trường Chỉ huy Tham mưu Long Bình kêu gọi anh em trở về đơn vị tác chiến. Các sĩ quan cấp Trung đoàn trưởng quá phấn khởi trước lời hô hào của ông, nhưng tình hình càng ngày càng trở nên tồi tệ. Sáng ngày 29 Tháng 4, ông còn bay lên vùng để chỉ điểm cho phi cơ Khu trục oanh kích các dàn hoả tiễn bắn vào căn cứ Tân Sơn Nhất, sau đó bay sang Tổng Tham mưu, cố gắng liên lạc với Tướng Nguyễn Khoa Nam bằng đường điện thoại nóng, nhưng không còn ai trả lời. Nếu lúc bấy giờ có tiếng của Tướng Nam trả lời, ông sẽ bay xuống Vùng IV để bảo vệ cứ điểm cuối cùng. Nhưng nhờ sự hết lòng với Đất Nước cho đến phút cuối, Tướng Kỳ đã cứu được Trung tướng Ngô Quang Trưởng đang bị Tướng Thiệu giam lỏng ở đó vì tội bỏ Vùng I. Đồng thời ông cũng ra lệnh cho phi công bay trở lại Bộ Tư Lệnh Không Quân để đón Đại tá Vũ Văn Ước đưa ra Hạm Đội 7. Thiết tha với tình đoàn kết Quân Đội, coi thường công danh nên Tướng Kỳ mới nhường cho Tướng Thiệu ra tranh cử Tổng thống. Nếu Tướng Kỳ là Tổng thống, là Tổng Tư Lệnh Quân Đội, chẳng bao giờ ông bỏ binh lính để chạy thoát thân, thì có thể ông đã bỏ mạng vào Tháng Tư năm 1975. Cho nên, ông thường tâm tình với anh em quanh ông: “Định mệnh xui tôi nhường cho ông Thiệu là Trời Phật muốn cho tôi sống để làm nghĩa vụ với Đất Nước. Vậy tôi còn ở trên đời ngày nào, tôi còn hiến mình cho Đất Nước ngày đo”. Đối với Tướng Kỳ, công danh là phù vân. Nhà báo Đỗ Văn của Đài BBC có lời nhận xét về Tướng Kỳ rất chính xác: “Ông Kỳ coi cái chức Tổng Thống không bằng bát phở ngon”. Có lẽ nuôi chí nguyện như vậy, Tướng Kỳ cứ dấn thân vì Đất Nước mà ông cho rằng đó là việc làm đúng. Thành hay bại là do Thiên Cơ. Nhưng tối thiểu ở Miền Nam, người Quốc Gia có một vị lãnh đạo nhìn thấy trước nguy cơ Giao Chỉ Quận đã liều thân về trong nước để cảnh báo trực tiếp với những người có trách nhiệm lãnh đạo quốc gia.
*
Lịch sử là việc đã qua. Không ai có khả năng thay đổi lịch sử. Nhưng nếu hiểu hoàn cảnh lịch sử đã đưa Đất Nước ta đến tình trạng ngày hôm nay, thì ta phải có nghĩa vụ tháo gỡ những lỗi lầm của các bậc tiền nhân. Nếu chúng ta có đấng Minh Quân như Minh Trị Thiên Hoàng của Nhật Bản, biết nghe lời điều trần của Nguyễn Trường Tộ để canh tân xứ sở thì nước ta không bị rơi vào sự đô hộ của người Pháp. Nếu nước ta bị Thực dân Anh đô hộ thì nước ta không bị rơi vào tai hoạ cộng sản, vì thực tế cho ta thấy không một thuộc địa nào của Anh bị cộng sản hoá. Nếu những nhà lãnh đạo cộng sản có đủ trí tuệ, có đủ lòng yêu nước và dũng cảm thì phải từ bỏ cái ý thực hệ cộng sản khi thấy đa số nhân loại đã ném chủ nghĩa tàn ác ấy vào thùng rác. Bất cứ người dân Việt nào đều mong muốn lật đổ bọn cầm quyền này. Thậm chí cộng sản Nguyễn Minh Triết, cộng sản Nguyễn Tấn Dũng nếu là người dân thường bị sống dưới ách cai trị của bộ máy bạo quyền này cũng muốn lật đổ, bởi vì họ là những người sống dưới chế độ Việt Nam Cộng Hoà tự do hơn hẳn Miền Bắc mà họ cũng đã nhúng tay vào việc lật đổ Việt Nam Cộng Hoà. Nghĩa là chỉ có kẻ có chức, có quyền là muốn duy trì chế độ này mà thôi.
Chủ nghĩa cộng sản lấy hận thù giai cấp làm động lực đấu tranh, đã gây nên sự phân hoá khủng khiếp trong lòng dân tộc. Kinh nghiệm lịch sử cho thấy khi nào nội bộ dân tộc chia rẽ thì ngoại bang lợi dụng để xâm lăng. Nhà Minh của Trung Hoa lấy danh nghĩa “Phù Trần Diệt Hồ” xâm lăng nước ta. Nhà Thanh lấy danh nghĩa “Phù Lê Diệt Trịnh” xâm lăng nước ta. Sự kiện ấy đã trở thành quy luật. Chủ trương chia rẽ dân tộc của người Cộng sản Việt Nam chắc chắn sẽ không thoát hậu quả bị xâm lăng, vì bị sống bên cạnh một kẻ không ngừng nuôi tham vọng bành trướng. Vấn đề đặt ra là làm cách nào để ngăn hiểm hoạ đó. Những phần tử chống Cộng triệt để, quyết liệt đòi giải thể chế độ cộng sản khiến cho tôi nghi ngờ, vì trước năm 1975 họ không có quyết tâm đó và bây giờ họ chẳng có thực lực gì. Hoặc những người có thành tích chống Cộng trước năm 75, nhưng nay lại có những hành động chống Cộng nặng phần trình diễn, cố biến hải ngoại thành một phòng tuyến phi cộng sản thì cũng không làm thay đổi số phận đồng bào trong nước. Chính vì suy nghĩ như thế, tôi ủng hộ bất cứ ai – không nhất thiết phải là ông Nguyễn Cao Kỳ – tìm cách thay đổi chế độ hiện hành, bất luận bằng đường lối nào. Đã có nhiều nhà trí thức dấn thân về giúp chế độ trong các lãnh vực ngân hàng, luật pháp, quản trị, giáo dục … trước cả Thiếu tướng Nguyễn Cao Kỳ, vì họ nghĩ đó là đường lối khả thi, hợp khả năng để thay đổi chế độ. Nhưng họ chỉ làm trong âm thầm vì không muốn bị các phần tử chống Cộng tố giác họ là tay sai cộng sản.
Tướng Kỳ không phải là chuyên viên như các nhà trí thức, ông là nhà lãnh đạo có kinh nghiệm giải quyết các vấn đề tham nhũng, tôn giáo, người Thượng Tây Nguyên, đoàn kết, cơ chế là những vấn đề Nhà Nước Viết Nam hiện nay đang phải đối diện mà ở hải ngoại này không một ai có thể hơn ông được. Ông ra đi giữa thanh thiên bạch nhật, không đòi hỏi một ai yểm trợ tinh thần hay tài chánh. Và ông đã nói ông chỉ là người bắc nhịp cầu đầu tiên, rồi thế hệ sau tiếp nối, chứ không hề nuôi tham vọng nào khác. Lời nói của ông khả tín vì ông đã từng coi chức Tổng thống không hơn bát phở ngon.
1. Về tham nhũng: là người từng ra tay diệt tham nhũng và có quá khứ trong sạch, Tướng Kỳ có đủ tư thế để nói với nhà cầm quyền phải diệt trừ tham nhũng. Ý thức lực lượng tham nhũng sẽ phản ứng vì động đến quyền lợi sinh tử của họ, ông đề nghị ân xá cho những ai đã phạm vào tham nhũng, nhưng kể từ sau ngày N. trở đi, bất cứ ai tham nhũng dù ở địa vị nào đều phải bị luật pháp trừng trị. Muốn hành động đó có hiệu quả, Nhà Nước phải thi hành chính sách cai trị trong sáng (transparency), nhà báo có quyền phanh phui các vụ nhũng lạm.
2. Về Tôn giáo: Ông nói, không nên có chính sách hà khắc đối với tôn giáo. Quản chế Hoà thượng Huyền Quang, Quảng Độ là việc làm không cần thiết, chỉ tạo nên hình ảnh xấu đối với thế giới, vì các Ngài ra ngoài phố Sài Gòn nóng nực, bụi bậm như thế này thì chỉ chừng một giờ đồng hồ là các Ngài phải trở về chùa thôi. Khi nào tôn giáo thực sự nguy hại đến nền an ninh quốc gia thì hãy đối phó. Tôi (Tướng Kỳ) từng thẳng tay đàn áp Phật Giáo tranh đấu Miền Trung, mà tôi chưa bao giờ bị mang tiếng đàn áp tôn giáo.
3. Về người Thượng Tây Nguyên: Từng đối phó với phong trào Fulro đòi tự trị, tôi (Tướng Kỳ) đích thân bay lên Tây Nguyên để gặp gỡ họ và nói với họ rằng chính phủ sẵn sàng giúp đỡ họ, nhưng chính phủ không thể thoả mãn đòi hỏi tự trị vì không muốn có một quốc gia trong một quốc gia. Lần đầu tiên trong chính phủ của tôi có Bộ Sắc Tộc, ông Paul Nur làm Tổng trưởng. Tinh thần hoà giải dân tộc, đoàn kết của Tướng Kỳ đã đem lại cuộc sống hài hoà giữa Kinh – Thượng.
4. Đoàn kết dân tộc: Tôi (Tướng Kỳ) cho rằng chủ trương đoàn kết dân tộc là một chủ trương đúng, vì đó là nền tảng của sức mạnh quốc gia. Nếu vì còn có những vướng mắc giữa những người sống chưa thể giải quyết ngay được thì hãy hoà giải với người chết trước, bằng cách trùng tu Nghĩa trang Quân đội VNCH ở Biên Hoà, dựng lễ đài tưởng niệm tất cả chiến sĩ của mọi quốc tịch đã bỏ mình trong cuộc chiến này. Hằng năm sẽ có những nhà lãnh đạo của các quốc gia liên hệ đến phúng viếng thì sẽ tạo cho nước Việt Nam một bộ mặt văn minh. Tại sao lại cứ phải phản đối người ta can thiệp vào nội bộ nước mình, nếu mình thương dân?
5. Cải tổ bộ máy cai trị: Sở dĩ có tình trạng giằng co không thể giải quyết kịp thời những vấn đề cấp bách là tại vì bộ máy cai trị quá phức tạp, chồng chéo. Người dân phải chịu cảnh “một cổ ba tròng” của Ủy ban Nhân Dân, Nhà Nước, Mặt Trận Tổ Quốc là phi lý. Tinh giản cơ cấu để có người trách nhiệm vấn đề, chứ không thể đồng đổ cho bóng, bóng đổ cho đồng. Thời Việt Nam Cộng Hoà cũng có những trì trệ do đầu óc thư lại của công chức (bureaucracy). Viện trợ Hoa Kỳ xây cho Việt Nam Cộng Hoà một trường Đại học Y khoa mới, khang trang nhưng chưa chịu mở cửa cho sinh viên vào học, bởi vì giữa ông Khoa trưởng và ông Tổng trưởng Y Tế chưa thể đồng ý với nhau về chương trình giảng dạy theo Mỹ hay theo Pháp. Tướng Kỳ nói: “Tôi không biết gì về Y khoa, dạy theo phương pháp Mỹ hay Pháp gì thì tùy các ông, tuần sau tôi sẽ đên cắt băng khánh thành, trường phải mở cửa. Nếu không, tôi sẽ bãi chức cả hai ông”. Tướng Kỳ đã đem kinh nghiệm bản thân đó nói cho người cầm quyền biết để giải quyết sự trì trệ.
Tôi quan niệm rằng nếu người Việt hải ngoại còn thương xót số phận đồng bào mình nơi quê nhà thì phải làm điều gì đó để thay đổi đường lối cai trị của nhà cầm quyền trong nước, chứ không phải cứ ở nước ngoài, rồi hằng tuần phô trương bằng những hành động có tính cách trình diễn, mặc áo thụng vái nhau mà có thể giải thể Đảng Cộng Sản. Nhưng nếu quý vị vì háo danh, thèm xưng tụng lẫn nhau, đọc diễn văn này nọ cũng không sao cả, miễn là đừng tự cho mình làm như thế mới là chống Cộng để rồi lên án người khác làm khác mình là tay sai cộng sản. Hành động cả vú lấp miệng em như thế là hèn.
Khác với những trí thức ngồi ở hải ngoại viết bài kêu gọi dân chủ nhân quyền, Tướng Kỳ về hẳn trong nước để nói trực tiếp với người đang có trách nhiệm điều hành quốc gia bằng kinh nghiệm của mình. Ông không hề bảo đảm những sự đóng góp của ông với nhà cầm quyền sẽ có kết quả. Ông nói: “Nếu vận nước hưng thì nhà cầm quyền nghe lời tôi để mang lại cho nhân dân một đời sống xứng đáng hơn”. Đúng thế! Tướng Kỳ đâu có quyền lực gì để bắt buộc họ thay đổi? Ông chỉ làm cái công việc như xưa kia Nguyễn Trường Tộ đem sự hiểu biết của mình thu thập được từ nước ngoài để dâng bản điều trần lên vua quan Nhà Nguyễn vậy thôi. Một nhà lãnh đạo như Tướng Kỳ, coi thường công danh phú quý, trong sạch từ lúc trẻ đến lúc ở địa cao nhất nước, đâu có động cơ nào khác thúc đẩy ông phải về Việt Nam để ông bị hứng chịu nhiều điều thị phi, tai tiếng ngoài động cơ của lòng ái quốc? Suốt cả cuộc đời, ông không hề cấu kết, âm mưu với bất cứ ai để đá người này hất người kia nhằm dành giật địa vị hoặc nịnh hót thượng cấp để thăng quan tiến chức. Việc gì tới tay, nhận thấy đó là trách nhiệm của mình, thì ông làm. Giống như khi Hội Đồng Quân Lực yêu cầu đứng ra thành lập chính phủ giữa lúc tình hình cực kỳ khó khăn không ai dám nhận thì ông nhận mà không cần so đo toan tính lợi hại thiệt hơn cho bản thân. Thiết nghĩ bất cứ người Việt Nam nào yêu nước, có kiến thức và kinh nghiệm lãnh đạo, nếu được Nhà Nước mời về thì phải nên về để chuyển hoá xứ sở. Người nào chỉ ngồi ở hải ngoại nói thánh nói tướng đòi giải thế chế độ thì e rằng người ấy mắc chứng bệnh hoang tưởng chăng? Có tổ chức nào, đoàn thể nào chủ trương chống Cộng triệt để đã ngăn cản được làn sóng người tị nạn về du lịch Việt Nam càng ngày càng nhiều? Người Mỹ nói: “If you can not beat them, you better join them”. “Join them” đâu có nghĩa là làm đầy tớ? “Join them” ở đây có nghĩa là dấn thân theo phong cách kẻ sĩ, chứ không phải ở vào thế qụy lụy đi xin việc. “Join them” với tư cách là công dân Mỹ theo chiều hướng chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ hiện nay mà chúng ta không thể đi ngược lại được. “Join them” là để tiếp tay với những phần tử trong Đảng có xu hướng cải cách xã hội, chứ không có nghĩa tiếp tay với bộ máy Công An đàn áp nhân dân. Tướng Kỳ đã nói với Thiếu tướng Phạm Chuyên – Xếp Công An Hà Nội – rằng “khi ông cầm quyền, ông cũng muốn có một hệ thống Công An như họ để bảo vệ an ninh cho người dân, chứ không phải để bắt nạt, đàn áp dân. Các anh hãy làm tốt cho dân thì chẳng ai chống các anh cả”. Khi có hai nhà báo trẻ cộng sản đến thăm ông và nói rằng dù sao cũng phải cám ơn Đảng, vì nhờ sự “đổi mới” của Đảng mà đời sống nhân dân càng ngày càng khá hơn. Tướng Kỳ mắng ngay: “Các anh bảo ai phải cám ơn ai? Đảng của các anh đổi cũ, chứ đổi mới cái gì? Lần sau đến gặp tôi, các anh đừng mang cái luận điệu ấy ra nói nữa, nghe rõ chưa?” Giáo sư Nguyễn Tô – người sĩ quan cùng Khoá I Nam Định với Tướng Kỳ không di cư vào Nam năm 1954 – đã phải bấm tay Tướng Kỳ để nhắc ông biết rằng ông đang ở giữa thành phố Hà Nội, chứ không phải là đang ngồi ở hải ngoại. Bất cứ phát biểu nào của Tướng Kỳ với bất cứ ai trong nước đều đến tai người cầm quyền. Có nhiều điều Tướng Kỳ nói quá đúng với hiện tình Đất Nước, người nghe hết sức tán đồng, nhưng chỉ biết lắc đầu cười: “Biết thế, nhưng khó quá ông Tướng ơi!” Tình trạng Đất Nước là như thế đấy. Ai cũng thấy sự phi lý. Ai cũng thấy cần thay đổi. Nhưng không ai có cái dũng để làm.
Có những phần tử chống Cộng chỉ dựa theo thông tin của báo chí cộng sản để công kích Tướng Kỳ, bất phân phải trái, đúng sai. Tướng Kỳ phát biểu: “Trong một giai đoạn nào đó, cần thi hành chính sách độc tài để xây dựng một giai cấp trung lưu, khi người dân không còn vì miếng ăn mà lệ thuộc vào chính quyền nữa, thì tự khắc họ đòi hỏi quyền tự do, dân chủ”. Rồi ông tiếp: “Đài Loan, Singapore, Đại Hàn, Thái Lan là những thí dụ điển hình. Chế độ độc đảng chưa chắc đã là xấu nếu người lãnh đạo biết hành động vì nước, vì dân”. Báo chí cộng sản cắt xén toàn bộ câu phát biểu của Tướng Kỳ, họ chỉ đăng “Tướng Kỳ ủng hộ độc đảng” là cái phần có lợi cho họ. Thế là hải ngoại rộ lên làn sóng chống đối. Điều lạ lùng là người chống Cộng đều coi nhà báo cộng sản là bồi bút của chế độ, lại dựa vào thông tin của bồi bút để chống Tướng Kỳ. Nên nhớ khi Tướng Kỳ được (hay bị?) Hội Đồng Quân Lực trao trách nhiệm thành lập chính phủ, ông cũng đã một mình quyết định mọi việc như một nhà độc tài, nhưng ông đã mang lại sự ổn định và tổ chức bầu cử Quốc Hội Lập Hiến để khai sinh nền Đệ Nhị Việt Nam Cộng Hoà. Ông là người lãnh đạo Quân Đội VNCH làm nên Ngày Quân Lực 19 Tháng 6. Nếu ông thiếu nghị lực và khả năng để dẹp yên Biến Động Miền Trung năm 1966 thì Miền Nam không có nền Đệ Nhị Cộng Hoà, không có Thượng Nghị viện, Quốc Hội để có các ông Nghị sĩ, dân biểu chống đối ông ngày hôm nay. Nói tóm lại, Tướng Kỳ là cha đẻ Nền Đệ Nhị Cộng Hoà. Thiếu tá Liên Thành chỉ nói đến Tướng Nguyễn Ngọc Loan trong sách Biến Động Miền Trung, nhưng không có Tướng Nguyễn Cao Kỳ lãnh đạo đất nước lúc bấy giờ thì ai biết dùng Tướng Nguyễn Ngọc Loan? Nguyên cái việc dẹp bàn thờ Phật do bọn tranh đấu sách động, Tướng Loan cũng phải hỏi chỉ thị và phương cách hành động của Tướng Kỳ, Thiếu tá Liên Thành đâu có biết điều đó! Hay biết mà không tiện nói ra vì không khí chính trị chống Cộng ở California quá căng thẳng?
Sau khi nghe Phạm Thế Duyệt – Chủ tịch Mặt Trận Tổ Quốc – thuyết trình dự án xoá đói giảm nghèo, xây dựng một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, Tướng Kỳ đã đáp lời: “Nếu Đảng Cộng Sản Việt Nam làm được như lời ông Chủ tịch nói, tôi sẵn sàng đứng lên hoan hô Đảng Cộng Sản”. Nguyên văn câu nói được thâu vào DVD là như thế, nhưng báo chí hải ngoại bỏ chữ “NẾU” để kích động sự chống đối của quần chúng. Tôi cho rằng người làm công tác truyền thông ở hải ngoại thiếu lương thiện. Năm 37 tuổi, trả lời nhà báo Oriana Fallaci, Tướng Kỳ đã nói ông không thèm quan tâm đến cái chủ nghĩa Mác-xít, nếu đảng nào mà làm cho dân giàu, nước mạnh, hạnh phúc thì ông đều ủng hộ. Tư tưởng của Tướng Kỳ đều nhất quán từ lúc trẻ đến lúc già minh bạch như thế thì sao dám bảo đón gió, trở cờ, đâm sau lưng chiến sĩ?
Người ta thường nói: “Hãy để lịch sử phán xét”. Sau hơn bốn thập niên, lịch sử đã mách bảo cho ta biết Tổng thống Ngô Đình Diệm – Cha đẻ Nền Đệ Nhất Cộng Hoà – vì lòng yêu nước cương quyết bảo vệ chủ quyền Quốc Gia, không đồng ý để cho quân lính Hoa Kỳ vào Việt Nam mà bị bọn Tướng lãnh tôi tớ do Hoa Kỳ mua chuộc giết chết. Tôi không phải là nhà sử học, nhưng tôi biết được một số dữ kiện của Tướng Nguyễn Cao Kỳ – Cha đẻ Nền Đệ Nhị Cộng Hoà – vì lòng yêu nước mà phải về Việt Nam để cảnh giác với đảng cầm quyền về nguy cơ Giao Chỉ Quận. Những dữ kiện tôi nêu ra trong bài viết này là Sự Thật, vì những nhân chứng của từng vụ việc hãy còn tại thế. Các DVD thu hình họp báo, phỏng vấn Tướng Kỳ tôi còn lưu trữ.
Cựu Thủ tướng Cộng sản Võ Văn Kiệt nói: “Nhắc đến ngày 30 Tháng 4 có một triệu người vui, một triệu người buồn”. Cựu Thủ tướng Việt Nam Cộng Hoà Nguyễn Cao Kỳ nói rõ hơn: “Đất Nước Việt Nam bị chia cắt không phải do ý muốn của nhân dân Việt Nam, mà do sự quyết định của thế lực quốc tế. Một bên được Đế quốc Đỏ trao cho khí giới bắt làm người lính Tiền Phong; một bên được Đế quốc Trắng trao cho khí giới bảo làm người lính Tiền Đồn. Tiền phong hay Tiền Đồn đều là quân cờ. Khi đã ý thức rõ thân phận nhược tiểu của mình, kẻ chiến thắng chẳng nên lấy đó làm vinh và kẻ chiến bại đừng nên lấy đó làm nhục, vì thắng hay bại gì thì cũng do sự quyết định của thế lực quốc tế”. Tướng Kỳ từng là người lãnh đạo quốc gia, từng xông pha ngoài mặt trận có đủ tư thế nói ra sự thật đó. Dụng ý của ông là ngầm nói với người cầm quyền nên chấm dứt sự huyênh hoang cái gọi là sự nghiệp “Chống Mỹ Cứu Nước”. Tiếng súng im rồi, đừng “ăn mày dĩ vãng” nữa, hãy thi hành chính sách đại đoàn kết dân tộc để có sức mạnh hầu có thể gìn giữ cõi bờ của cha ông để lại.
Đôi khi anh em hỏi ông có bao giờ ông cảm thấy bị tổn thương bởi những kẻ từng được ông ban ơn, nay họ dùng những lời nói bạc nghĩa để hỗn láo với ông? Tướng Kỳ chỉ cười đáp: “Đừng trách móc họ, bởi vì họ không thể hiểu việc tôi làm, họ không ý thức điều họ đang nói và nói với ai”. Tôi hỏi: “Ông có bao giờ đọc Kinh Thánh của Cơ Đốc giáo không”. Thay vì trả lời câu hỏi của tôi, ông hỏi ngược lại: “Không! Tại sao anh hỏi tôi câu đó?”. Tôi đáp: “Vì câu ông nói vừa rồi cũng tương tự như câu Chúa Jesus đã nói với tông đồ của Ngài”. Tướng Kỳ biết và nhớ những ai đã vô lễ với ông, gieo tiếng ác cho ông, nhưng ông tha thứ tất cả. Bởi thế, suốt năm năm qua, từ ngày ông về Việt Nam, có nhiều dư luận xấu đối với ông mà ông không cải chính, không phân trần. Ai muốn hiểu biết, đến gặp gỡ ông, ông đều giảng cho nghe thì đều vỡ lẽ. Người có bằng cấp cao thường chê Tướng Kỳ ít học và ông không phủ nhận điều đó. Ít học, nhưng có cái nhìn xa và đã điều khiển việc nước được như ông thì khó có người thứ hai. Nguyễn Huệ thuở nhỏ theo hai anh Nguyễn Nhạc, Nguyễn Lữ đi thâu thuế chợ ở Quy Nhơn, chưa hề tốt nghiệp một trường quân sự nào, nhưng tài đánh giặc bách chiến bách thắng như Ngài thì chỉ có một trong lịch sử Việt Nam. Tướng Kỳ là con Phật, nhưng hành động của ông lại phản ảnh bài Kinh Hoà Bình của Thánh Phăngxicô, dòng tu khổ hạnh mà có thể Tướng Kỳ chưa từng biết đến:
“Lạy Chúa từ nhân! Xin cho con biết mến yêu và phung sự Chúa trong mọi người.
Lạy Chúa xin hãy dùng con như khí cụ bình an của Chúa.
Để con đem thương vào nơi oán thù,
Đem thứ tha vào nơi lăng nhục,
Đem an bình vào nơi tranh chấp,
Đem chân lý vào chốn lỗi lầm.
Để con đem tin kính vào nơi nghi nan, chiếu trông cậy vào nơi thất vọng,
Để con dọi ánh sáng vào nơi tối tăm,
Đem niềm vui đến chốn u sầu.”
Tấm lòng yêu nước, thương dân của Tướng Kỳ chưa thể xoay chuyển tư duy của các nhà lãnh đạo vì họ còn vướng mắc nào Quyền nào Lợi, nhưng ông đã làm cho những người lính bên kia chiến tuyến một thời chống lại Miền Nam đã san sẻ tấm lòng của ông, vì chính trong lòng họ cũng muốn vượt qua sự thù hận. Dù sao thì ông cũng đã “tận nhân lực” để “tri thiên mệnh”, lịch sử sẽ nhớ đến ông như một Nguyễn Trường Tộ thứ hai.
Nhân dịp ra Hà Nội thăm bạn bè, Thiếu tướng Kỳ đã nhờ Thiếu tướng Phạm Chuyên đưa chai rượu đến tặng những anh em văn nghệ sĩ để nhâm nhi. Nhà thơ Bằng Việt đã sáng tác những dòng dưới đây và bài thơ đã được đưa lên trang báo trong nước.
Rượu của Nguyễn Cao Kỳ
Vị thiếu tướng công an cầm chai rượu ra bàn: / “Ông Nguyễn Cao Kỳ mới về gửi tặng” /Mọi người đang vui, gật gù bảo uống
Nhưng một người bảo “Không!”
Vì sao không? Rượu cứ ngon là rượu! / Whisky Mỹ hay Vodka Nga, giờ có mặc cảm gì, / Chiến tranh lạnh qua rồi, ba mươi năm sau chống Mỹ / Đây là chén rượu thăm quê của tướng Nguyễn Cao Kỳ!
Nhưng vẫn có một người không chịu uống!
Vì sao không? Chẳng cố chấp quá ư? / Cậu là lính phòng không, chúng tớ đều cựu chiến binh cả chứ! / Cũng bom đạn, cũng Trường Sơn, cũng vào sinh ra tử, / Sống đến hôm nay, đâu phải để hận thù!
Có phải tự đáy lòng không vượt qua mặc cảm? / Không vượt qua nỗi buồn của cuộc chiến tranh xưa, / Không vượt qua chính mình, không vượt qua quá khứ, / Vết thương cũ còn đau khi gió chuyển sang mùa…
Đám đông ồn ào của chúng tôi cứ uống / Anh bạn chỉ ngồi im, cũng chẳng nói thêm gì, / Và bữa rượu bỗng dưng thành đắng đót / Chẳng phải tại vì ai, kể cả Nguyễn Cao Kỳ!
2007
Bằng Việt
Cuộc chiến thảm khốc đã để lại trong lòng mỗi người Việt Nam vết thương khó lành. Tôi xin chia sẻ với những đồng đội đã không kịp thoát thân trong ngày mất nước, nên phải chịu đoạ đầy, lăng nhục trong các trại tập trung. Nhưng đó là cái giá phải trả của người thua cuộc. Nếu tôi không nhanh chân như quý vị, tôi cũng phải bị trả giá. Người thua cuộc trả giá đã đành, nhưng kẻ nằm sương gối đất làm người thắng cuộc cũng bị trả giá. Cho nên cảnh tượng: “Đầu đường Đại tá vá xe, cuối đường Trung tá bán chè đậu đen” cũng đau đớn, nhức nhối lắm chứ! Vậy thì tại sao hai bên không hoá giải (hoa dấu sắc, không phải hoa dấu huyền) mối oan cừu? Trời hay Phật dù có phép thần thông cũng không thể giúp chúng ta vượt qua nỗi đau dai dẳng đó. Chỉ có mỗi một người Việt Nam tự hàn gắn lấy vết thương thì nhà cầm quyền này sẽ bị cô lập mà phải đổi thay.
center>*
HỘI NGHỊ DIÊN HỒNG
Nếu mười mấy năm trước Đảng Cộng Sản Việt Nam nghe lời khuyên của nhà trí thức Hà Sĩ Phu để “Chia Tay Ý Thức Hệ” thì Tướng Nguyễn Cao Kỳ không phải nhọc công về nước để cảnh báo Đảng Cầm Quyền về nguy cơ Giao Chỉ Quận. Bây giờ sự lấn lướt của Trung Cộng đã quá rõ và người cầm quyền lại quá nhu nhược. Chưa lúc nào trong lịch sử nước nhà mà lại có người cầm quyền xua Công An, Đầu Gấu đánh đập người dân biểu lộ sự bất bình vì sự hống hách của Phương Bắc như những người cầm quyền hôm nay. Vị Cha Già của Quân Đội Nhân Dân Cộng Sản – Đại tướng Võ Nguyên Giáp – lên tiếng can ngăn về vụ Bauxite Tây Nguyên, họ bỏ ngoài tai. Kiến nghị của giáo sư Nguyễn Huệ Chi cùng phụ hoạ với Tướng Giáp đã được hàng trăm nhà trí thức, cựu chiến binh cao cấp ký tên ủng hộ, họ cũng bỏ ngoài tai. Chẳng còn nghi ngờ gì nữa để nói rằng “Giao Chỉ Quận” không còn là mối nguy cơ nữa, mà nướcViệt Nam mình đã lệ thuộc vào Trung Quốc thực sự rồi. Với nền khoa học tiến bộ ngày nay, Trung Quốc không cần phải phái có quan Thái Thú sang cai trị. Họ chỉ cần ngồi ở Trung Nam Hải ở Bắc Kinh dùng dụng cụ viễn khiển (remote control) là có thể điều hành mọi việc như ý muốn.
Hơn ba mươi bốn năm qua, người Việt Quốc Gia bị Cộng Sản đánh bật ra khỏi nước Việt Nam Cộng Hoà mà vẫn không tỉnh ngộ, vẫn cái thói chia rẽ nhau càng tệ hại hơn. Chưa bao giờ nền “văn hoá chửi” thô bỉ được phát triển tột độ như thời gian qua, mà lại được khởi xướng bởi kẻ có địa vị, có bằng cấp Đại học! Đến nay, không phải chỉ có Miền Nam rơi vào tay Cộng Sản Việt Nam; toàn bộ cả nước đã thực sự rơi vào tay Cộng Sản Trung Quốc rồi! Vậy xin hỏi người Việt Nam đã tỉnh ngộ chưa? Liệu có đủ lòng yêu nước, đủ trí tuệ và đủ dũng cảm để xoá bỏ được tị hiềm, ganh ghét, thù hận, ý thức hệ mà hội tụ nhau lại thành một khối duy nhất nhằm làm tấm gương soi gây hứng khởi cho đồng bào trong nước? Tại sao người Việt Nam ở khắp bốn bể năm châu phất lên ngọn cờ Quang Trung Đại Đế từng đánh tan quân Minh hồi thế kỷ thứ 18?
Thông tin cho biết đa số nhân dân Việt Nam bây giờ tôn thờ chủ nghĩa “mackenoism´(tức là mặc-kệ-nó) vì bị đánh lừa quá nhiều lần. Tưởng rằng hy sinh xương máu, tài sản để đánh đuổi Thực dân Pháp, mang lại “Độc Lập, Tự Do, Hạnh Phúc” thì bị thống trị bởi một chủ nghĩa tàn ác, lưu manh nhất nhân loại. Tưởng rằng lật đổ chế độ độc tài gia đình trị của Tổng thống Ngô Đình Diệm để dồn nỗ lực chống lại làn sóng Đỏ thì bị một tập đoàn Tướng lãnh cấu kết với tôn giáo phá tan hoang từ hạ tầng cơ sở đến thượng tầng kiến trúc. Phải chăng tâm lý quần chúng ngày nay không còn quan tậm đến vận mệnh đất nước là vì không tin ở tương lai tươi sáng hơn? Những đại gia giàu của cải đang tìm đường đưa con cái chạy sang các nước tư bản, còn dân nghèo đành phải chấp nhận Hán hoá.
Những người trong nước còn quan tâm đến tương lai dân tộc, chắc chắn rất muốn tạo một Hội Nghị Diên Hồng, nhưng chính quyền này sẽ giải tán hoặc bỏ tù. Tại sao ở hải ngoại, những nhà tranh đấu cho Tự Do Dân Chủ có phương tiện, có hoàn cảnh lại không liên lạc nhau để tiến hành một Hội Nghị Diên Hồng ở hải ngoại?
Người viết chỉ nêu lên để gợi ý cho các đoàn thể, tổ chức, đảng phái suy nghĩ và bàn bạc với nhau. Phương thức tổ chức như thế nào là do quyết định của mọi người. Nếu thành đại sự cứu nước thì điều đáng mừng, nhược bằng thất bại thì đời sau những đứa con mang dòng máu Việt lưu lạc khắp hoàn cầu còn chút hãnh diện vì cha ông họ ít nhất đã có một nỗ lực đối với sự diệt chủng. Hy vọng xin đặt vào tay những kẻ đại tài, đại trí, đại dũng.
Tháng trước, tôi có nói với Thiếu tướng Nguyễn Cao Kỳ: “Ông đã tận lực với đất nước đến như thế là đã đủ, nợ tang bồng ông đã trả cho non sông. Bài thơ của thi sĩ Bằng Việt đã nói trọn vẹn tấm lòng của ông”.
Bài viết đã quá dài. Xin hẹn với độc giả bài viết phần 4, với chủ đề: “Nhân Dân Nào, Chính Quyền Đó”.
© Đàn Chim Việt
Muon hieu ro va biet ro ve lich su cung nhu nhung nhan vat lich su phai co nhung tai lieu trung-thuc va phai doc nhieu tai lieu de co the kiem chung . Thuong thi nguoi ta chi doc hay biet mot phan nao , do do de co nhung thanh-kien tieu cuc ve mot nhan vat nao do …Chung ta phai co gang tranh so xuat do , neu chung ta that su quan tam lich-su…..
Bai viet cua ong da lam toi hieu ro va kinh phuc tuong Ky khong con bi hoang mang boi nhieu thong tin bat nhao chong Cong o hai ngoai. Xin luu y nhung nha “chong Cong” rang du luan quan chung co du kha nang danh gia chinh xac cac bai viet co gia tri, no se ton tai nhu nhung tu lieu lich su qui gia