Báo chí tư nhân tái xuất ở Myanmar
Gần 20 tờ báo tư nhân sẽ được xuất bản tại Myanmar trong thời gian tới. Các hãng tin lớn như NHK (Nhật Bản) và AP (Mỹ) cũng đã lập văn phòng tại quốc gia mới mở cửa này.
Báo chí tư nhân đã quay lại Myanmar sau gần 50 năm vắng bóng. Đầu tháng 4, The Voice, Golden Fresh Land, The Union và Standard Time đã lên kệ và trở thành những tờ báo đầu tiên không bị nhà nước kiểm soát kể từ năm 1964. Nhiều năm nay, người dân nước này chỉ được tiếp cận duy nhất tờ New Light of Myanmar.
Khin Maung Lay, Tổng Biên tập Golden Fresh Land cho biết: “Chúng tôi đã đợi ngày này nửa thế kỷ rồi”. Toàn bộ 80.000 tờ báo đầu tiên của họ đã được bán hết trong buổi sáng. “Việc này cho thấy mọi người mong ngóng được đọc báo đến chừng nào. Sáng nay, tôi đã gần như bật khóc khi chứng kiến cảnh đó”, ông nói.
Khin Maung Win – Phó giám đốc Democratic Voice of Burma – một tổ chức truyền thông phi chính phủ có trụ sở tại Na Uy cho biết: “Dĩ nhiên, việc này còn lâu mới được hoàn hảo. Nhưng chỉ cần so sánh với thời của chúng tôi cách đây 50 năm đã là rất khác rồi”.
Báo chí Myanmar đã bị can thiệp triệt để sau cuộc đảo chính quân sự năm 1962. Các tờ báo phải đóng cửa hoặc chịu sự kiểm soát nhà nước, bắt đầu từ năm 1964.
Việc Myanmar phụ thuộc vào báo in khiến cả thế giới nhớ đến thời chưa có Internet. Mọi người đều phải theo dõi sự kiện hàng ngày qua các tờ báo chuyền tay. Một số hãng truyền thông lớn như Eleven Media đành phải lách luật bằng cách cập nhật tin tức qua website.
Tuy vậy, tỷ lệ sử dụng Internet tại Myanmar chỉ là 1% và kết nối mạng tại nhà được coi là xa xỉ ở thành thị. Myanmar vẫn là một trong những quốc gia nghèo nhất Đông Nam Á. Vì vậy, các tờ báo mới ra chỉ có giá dưới 25 cent (5.200 đồng).
D-Wave cũng là một trong những tờ được phép xuất bản đợt này. Đây là ấn bản do Liên đoàn quốc gia vì dân chủ (NLD) của bà Aung San Suu Kyi phát hành. Hình ảnh của lãnh đạo phe đối lập này đã bị cấm công khai nhiều năm gần đây. Nhưng hiện tại, Suu Kyi gần như xuất hiện trên mọi trang bìa mỗi tuần.
Các nhà báo tại Myanmar đang thúc giục Chính phủ tự do hóa mạnh mẽ hơn ngành truyền thông, Win Tin – nhà tư vấn cho D-Wave kiêm người phát ngôn kỳ cựu của NLD cho biết. Theo ông, cả Chính phủ và báo chí đều phải phụ thuộc lẫn nhau. Win Tin nói: “Chính phủ hiện tại vẫn cố kiểm soát quá nhiều thứ. Chúng tôi không biết họ còn có ý định gì không khi tự do hóa báo chí”.
Việc kiểm duyệt thông tin đã chính thức bị gỡ bỏ từ tháng 8 năm ngoái và vào tháng 12, Myanmar cũng tuyên bố sẽ cấp phép cho báo chí tư nhân kể từ ngày 1/4 năm nay.
Họ cũng cho phép hai hãng truyền thông nước ngoài là NHK (Nhật Bản) và AP (Mỹ) mở chi nhánh tại Yangon hồi đầu tháng. Kyodo News Agency (Nhật Bản) và nhiều hãng khác cũng sẽ lập văn phòng tại đây sau khi qua xét duyệt.
Viễn thông cũng là ngành công nghiệp béo bở khi rất nhiều tên tuổi lớn trên thế giới đang đấu thầu hai giấy phép kinh doanh tại đây. Trong đó, nổi bật là hai liên minh Vodafone (Anh) – China Mobile (Trung Quốc) và tỷ phú George Soros – Digicel (Jamaica) – Serge Pun. Nếu thành công, họ sẽ được phép xây dựng và điều hành mạng lưới di động trên khắp Myanmar trong vòng 15 năm.
Thùy Linh- VnExpress (tổng hợp)
Tin này được báo chí ở Việt Nam loan tin. Thế thì tại sao tại Việt Nam không cho tư nhân làm ra và không ai đặt câu hỏi tại sao Myammar cho tư nhân ra báo mà Việt Nam không cho? Phải chăng là Việt Nam theo chính sách tuyên truyền kiểu Xô Viết nói láo quá chừng nên không dám để tư nhân ra báo? Còn ở Myammar thì quân nhân dù độc tài họ chỉ cấm dân chỉ trích chính quyền thôi mà không dùng tuyên truyền dựng nên một thế giới ảo để mà mắt dân nên khi cho dân được ra báo cũng không gây sụp đổ chính quyền. Tại miền Nam thời xưa có lúc cũng là quân nhân cầm quyền và cũng vẫn có báo chí tư nhân.