WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Bi Chừ Bên Nớ Ra Răng?

 

Từ lâu, tôi vẫn nghe thiên hạ nói ở đâu có khói ở đó có dân Tầu. Mới đây, tôi mới biết thêm rằng chỗ nào có người Tầu thì cũng có cả người Việt nữa.

Hôm rồi, tôi mới gặp một người đồng hương ở Vientiane. Nhìn cái nón lá là biết đúng đồng bào của mình rồi, muốn sáp lại nói chuyện chơi nhưng bà chị ngó bộ không vui (đang “tâm tư” thấy rõ) nên đành thôi vậy.

Nét buồn xứ Việt. Ảnh chụp tháng 4 năm 2016 tại Viêng Chăn

Nét buồn xứ Việt. Ảnh chụp tháng 4 năm 2016 tại Viêng Chăn

Rời thủ đô nước Lào, tôi quá giang xe tải xuôi Nam. Tài xế dừng bánh ở Paske – một phố thị đông đúc, nơi giao lưu của sông Xe Don và Mê Kong – và nói (y như thiệt) rằng “chỉ cần quẹo phải ngay nơi con đường phía trước chút xíu thôi là sẽ thấy khách sạn liền.”

Tôi đeo ba lô lội bộ gần hai cây số giữa trưa (nắng như đổ lửa) mà không gặp nhà trọ, guest house, phòng ngủ, hay hotel gì ráo trọi. Mồ hôi nhỏ giọt long tong từ gáy xuống lưng như đang bị mắc mưa. Chợt thấy quán ăn, tôi tắp vô liền. Lúc này mà không có cái gì uống (ngay) chắc chết, chết chắc!

- Ở đây có bán Beerlao không?

- Sao lại không!

Ôi, thiệt là mừng muốn chết luôn. Xin tạ ơn Chúa/Phật. May mà có bia, đời còn dễ thương. Lào, cũng như Miến – có thể – thua kém thiên hạ về tất cả mọi mặt nhưng Beerlao và Mayanmar Beer thì bảo đảm là nếu không nhất (chắc) cũng nhì Châu Á.

 

Bia Myanmar và đàn ông Miến Điện. Ảnh chụp ở Rangoon tháng 4 năm 2016

Bia Myanmar và đàn ông Miến Điện. Ảnh chụp ở Rangoon tháng 4 năm 2016

Tôi đang “trầm tư” về bia bọt thì chợt có một thiếu nữ tay phải cầm một cây quạt và xâu mực khô, tay trái xách một cái lò than nhỏ, đến đứng ngay cạnh bàn. Xâu mực và lò than, giữa trưa hè hầm hập, làm cả quán như nóng thêm lên vài độ … nhưng chiếc nón lá tả tơi cùng ánh mắt (cũng buồn thiu) của người đối diện khiến lòng tôi dịu xuống.

Lại thêm một người đồng hương nữa. Ở đâu có khói nơi đó có người Việt mình mà!

- Việt Nam hả?
- Dạ.
- Quê ở đâu?
- Nghệ An.
- Em qua lâu chưa?
- Dạ lâu.
- Tết rồi có về không?
- Dạ không.
- Chú qua lâu chưa?
- Mới thôi.
- Bi chừ bên nớ ra răng?

Câu hỏi thiệt bất ngờ nên khiến hơi bối rối. Tôi rời Việt Nam lâu lắm rồi (trước khi cô gái bán mực này mở mắt chào đời chắc cũng phải cỡ chục năm là ít) nên làm sao biết được “bi chừ bên nớ ra răng” ?

Sự lặng im bất chợt của tôi, tiếc thay, đã gây ra chút ngộ nhận vô cùng đáng tiếc. Có lẽ em nghĩ rằng tôi không muốn mua hàng và cũng không muốn tiếp tục trò chuyện nên lặng lẽ quay lưng, bước nhanh ra khỏi quán.

Tôi ngồi chết trân!

Tôi muốn gọi em lại, muốn mời em ngồi chơi một lát, muốn nói với em đôi lời … nhưng chả hiểu sao cứ như kẻ bị chôn chân tại chỗ. Tôi nhìn theo dáng em đi khuất mà không dưng cảm thấy áy náy, bất an và buồn muốn khóc luôn.

Tôi rất ít máu địa phương. Tôi thành thực yêu mến tất cả mọi người, bất kể là ai. Tuy thế, nói thiệt tình (với đôi chút xấu hổ) tôi vẫn thấy mình có phần trân trọng (hơn) khi gặp được đồng bào.

Vậy mà tôi vừa làm cho một người đồng hương, một cô gái nhỏ, phải buồn bã quay lưng. Tôi giận tôi hết sức.

Khi hỏi “bên nớ ra răng” – có lẽ – em chỉ muốn biết xem thành phố quê hương (Nghệ An) của mình “bi chừ” ra sao? Có chi thay đổi nhiều không? Mọi người vẫn bình an chứ?

Em ơi, đất nước chúng ta “ra răng” là điều tôi cũng rất quan tâm nhưng chưa bao giờ được tường tận lắm, nói chi riêng đến Nghệ An – nơi mà tôi chưa đặt chân đến lần nào! Đã thế, những thông tin về quê em mà tôi được biết lại (thường) hoàn toàn trái ngược với nhau.

Khi tôi vừa sinh ra đời, vào những năm đầu của thập niên 1950 (lúc cuộc cách mạng vô sản vừa mới thành công ở nửa nước V.N) thì Nghệ An sắp trở thành … thiên đường – theo như hứa hẹn của một vị cán bộ địa phương:

“Chúng ta, toàn dân tộc ta, toàn giai cấp ta, toàn Đảng ta đã lạc quan đánh giặc thắng lợi, bắt địch phải kí với ta hiệp định Genève. Như thế là kẻ địch đã phải công nhận chính phủ nước Việt Nam dân chủ cộng hoà là một chính phủ đàng hoàng đứng ngang hàng với tất cả các chính phủ trên thế giới. Lạc quan đánh giặc xong, chính phủ ta, Đảng ta, toàn dân tộc ta, toàn giai cấp ta lại lạc quan xây dựng đất nước không kém gì các cường quốc trên thế giới…

Nhà của ta ở hiện nay sẽ phá sạch sành sanh, phá sạch không còn một dấu vết gì của nghèo nàn lạc hậu. Tất cả mọi nhà đều xây thành nhà cao tầng. Từ nhà đi ra đồng có ô tô đưa đi. Làm ruộng mệt mỏi thì ngừng tay xem xi-nê…” (Võ Văn Trực. Cọng Rêu Dưới Đáy Ao. Hà Nội: Nhà xuất bản Hội Nhà Văn và Công Ty Văn Hoá & Truyền Thông Võ Thị, 2007. Bản điện tử do talawas chủ nhật thực hiện).

Những lời hứa hẹn kể trên, tuy nghe có vẻ hơi quá “lạc quan” nhưng đã trở thành hiện thực – theo tường thuật của tác giả Võ Hoài Nam, báo Dân Trí :

Thành phố đã trở mình thay da đổi thịt thật sự! Nhà cao hàng chục tầng chót vót, nhà 4, 5 tầng như đan cửi. Cửa hiệu, hàng quán nhan nhản sáng đèn với những bảng quảng cáo sặc sỡ đủ các loại. Công sở hoành tráng. Ga Vinh, Bến xe Vinh…cũng khác hẳn ngày xưa.

Hàng cây xanh ven đường cắt tỉa gọn gàng bắt mắt. Đường phố rộng mở thênh thang và nhiều hơn trước, với những tên phố lạ hoắc mà tôi chỉ biết đọc và để đọc mà thôi! Xe máy đủ loại sắc màu nội ngoại nườm nượp hoa cả mắt! Ô tô xịn ngoại quốc bóng nhoáng lướt nhẹ trên đường phố …”

Thảo nào mà liên tiếp trong nhiều năm qua, tỉnh Nghệ An đều có tổ chức lễ dâng bánh chưng nặng hàng ngàn ký lô để tri ân thân mẫu bác Hồ.

Ảnh: Doãn Hoà

Ảnh: Doãn Hoà

Cùng lúc, UB Nhân dân tỉnh Nghệ An đã tổ chức bắn pháo hoa tại Quảng Trường Hồ Chí Minh để mừng Đảng, mừng Xuân Bính Thân năm 2016.

Hoà với nỗi hân hoan chung của cả tỉnh là niềm vui riêng của Sở Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn Nghệ An  – như tin loan của báo Người Lao Động:

“Chiều 25-2, UBND tỉnh Nghệ An tổ chức lễ công bố quyết định bổ nhiệm ông Hoàng Nghĩa Hiếu – Tỉnh ủy viên, nguyên Bí thư huyện ủy Yên Thành – giữ chức Phó giám đốc  Sở Nông nghiệp  và Phát triển nông thôn (NN & PTNT) nhiệm kỳ 2015-2020.

Chiều và tối cùng ngày, tại Nhà khách Nghệ An đã diễn ra tiệc giao lưu ăn uống chúc mừng vị tân Phó giám đốc này.”

Ảnh: Facebook

Ảnh: Facebook

Em gái bán mực khô mà tôi gặp trưa nay – tiếc thay – không thể có mặt trong “đêm giao lưu ăn uống chúc mừng” đình đám này. Em cũng không có cái “diễm phúc” được tham dự buổi lễ dâng bánh chưng tri ân thân mẫu Hồ Chủ Tịch, và lỡ dịp xem bắn pháo hoa (tại Quảng Trường Hồ Chí Minh) để mừng Đảng, mừng Xuân Bính Thân năm 2016.

Em không phải kẻ duy nhất bị bỏ quên hay bị đứng ngoài mấy cuộc vui chơi, lễ lạc, hay những “bữa tiệc đời” của tỉnh Nghệ An đâu. Ở Lào, cũng như ở Thái, tôi đã gặp vô số những thanh niên và thiếu nữ Việt Nam đang tha phương cầu thực y như em vậy. Họ lầm lũi đi sau những chiếc xe kem, xe nước dừa, xe bán trái cây… Họ tất bật suốt ngày trong những quán ăn nóng bức. Họ nhễ nhại mồ hôi giữa những công trường ngập nắng. Tất cả nếu không phải là dân Nghệ An thì cũng quê … Hà Tĩnh!

Hôm 28 tháng 2 năm 2016 vừa qua, tôi có đến nhà thờ St. Joseph, Bangkok, để tham dự lễ tạ ơn với sự hiện diện của Giám Mục Nguyễn Thái Hợp, OP. Tôi đứng giữa sân giáo đường, bao quanh bởi hàng ngàn đồng hương từ hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh mà tưởng là mình đang lạc giữa một rừng người ngoại quốc. Các em phát âm nhanh quá nên tôi nghe (tiếng Việt) mà không hiểu gì ráo trọi!

Qua một bài tiểu luận ngắn (Những cơ hội và thách thức cho lao động và di dân VN tại Thái Lan) Linh Mục Antôn Lê Ngọc Đức, SVD, cho hay:

“Lao động di dân Việt Nam tại Thái Lan … hầu hết đến từ các tỉnh miền bắc và miền trung, trong đó Hà Tĩnh và Nghệ An chiếm phần đa số.”

Trong danh sách 200 người trúng cử Ban Chấp Hành Trung Ương Đảng Khoá XII, rất nhiều người (hơn hai mươi vị) cũng đều quê quán ở Nghệ An hay Hà Tĩnh. Dường như có sự trùng hợp, và tương đồng, giữa số lượng qúi vị đảng viên “trúng cử Trung Ương” với đám con dân địa phương phải sống đời phiêu dạt!

Chỉ tay của các em, chắc chắn, đều có đường xuất ngoại nhưng (e) thiếu đường may mắn. Tuy thế, nghĩ cho cùng, các em vẫn còn may hơn nhiều người còn ở lại tại làng quê. Báo Tuổi Trẻ Online vừa ái ngại cho hay:

“Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính xuất cấp không thu tiền 1.566 tấn gạo hỗ trợ tỉnh Nghệ An để cứu đói cho nhân dân trong thời gian giáp hạt … Được biết, việc xuất cấp gạo cứu đói này xuất phát từ đề nghị của UBND tỉnh Nghệ An, có sự nhất trí của ba bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Tài chính, Kế hoạch – Đầu tư.”

Nghệ An vừa bắn pháo hoa, vừa tổ chức đủ thứ lễ lạc/tiệc tùng, vừa lái những chiếc “ô tô xịn ngoại quốc bóng nhoáng,” và vừa xin cứu đói. Nghệ An ngày nay, nói nào ngay, chỉ là hình ảnh của một Việt Nam thu nhỏ. Em ơi, từ phương xa, làm sao chúng ta biết được “bi chừ bên đó ra răng!”

Câu hỏi gửi trời xanh, gửi người sau, người trước
Ai trả lời dùm đất nước sẽ về đâu

© Tưởng Năng Tiến

8 Phản hồi cho “Bi Chừ Bên Nớ Ra Răng?”

  1. Tudo.com says:

    Trích:(Tôi đứng giữa sân giáo đường, bao quanh bởi hàng ngàn đồng hương từ hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh mà tưởng là mình đang lạc giữa một rừng người ngoại quốc. Các em phát âm nhanh quá nên tôi nghe (tiếng Việt) mà không hiểu gì ráo trọi!)

    Đọc đoạn văn thượng dẫn, tui nghĩ ông Tiến không quen nghe tiếng Nghệ An nên không hiểu là phải, nhưng khi đọc đến đoạn ông trích dẫn từ Báo Tuổi Trẻ Online dưới đây:

    “Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính xuất cấp không thu tiền 1.566 tấn gạo hỗ trợ tỉnh Nghệ An để cứu đói cho nhân dân trong thời gian giáp hạt … Được biết, việc xuất cấp gạo cứu đói này xuất phát từ đề nghị của UBND tỉnh Nghệ An, có sự nhất trí của ba bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Tài chính, Kế hoạch – Đầu tư.”
    . . . thì tui cũng chã hiểu gì ráo trơn, và cứ nghĩ hoài không biết nó khác nhau thế nào giữa sự “xuất cấp không thu tiền và xuất cấp. . .có thu tiền” để cứu đói ?
    Rồi đề nghị của UBND là có sự nhất trí của Ba bộ, nhưng kê ra tới Bốn bộ, vậy còn bộ kia chỉ. . .ăn theo cho. . .vui?
    Bí quá, tui phải . . . Lên kế hoạch hoành tráng- lập phương án ấn tượng- rồi triển khai tê lê phone di động không người lái điều động âm thanh- trình báo thẳng tới. . .chuyên gia rành chữ nghĩa chính sách của nhà nước để được. . .tư vấn động viên nghĩa ngữ là đàn anh Tonydo, nhưng sau khi nghe ảnh cười ha hả. . . ha hả, xong mới gằn giọng:

    -You dốt bỏ mẹ đi thôi! Đó là loại chữ Việt của. . .VC đâu cần phải hiểu, hiểu chửa hiểu chưa?
    -Dzà hiểu rồi khổng cần hiểu.

    Bây giờ xin có lời tâm sự với cô gái Nghệ An:

    “Bi Chừ Bên Nớ Ra Răng?”
    Lãnh đạo dư của trồng (thêm) Răng ăn nhiều
    Răng ông Trọng lú còn nguyên
    Còn dân bị đánh thì. . . Răng hết rồi!

  2. Le Trach says:

    Gap mot dong huong, muon ban mot con kho muc, ma ong TNT khong mua giup mot con, con viet bai tan huou tan vuon ve tinh dong bao. Ro chan.

  3. Nguyễn Văn says:

    - Việt Nam hả?
    - Dạ.
    - Quê ở đâu?
    - Nghệ An.
    - Em qua lâu chưa?
    - Dạ lâu.
    - Tết rồi có về không?
    - Dạ không.
    - Chú qua lâu chưa?
    - Mới thôi.
    - Bi chừ bên nớ ra răng?

    Đang đối thoại hỏi han mà ông lặng thinh không trả lời. Tác giả làm cô gái tưởng ông vô cảm không muốn chia xẻ nên lặng lẽ quay đi.
    Cái cô gái muốn ban đầu có thể là muốn bán mực cho khách. Nhưng khi biết khách là đồng hương (mới qua) thì cô muốn biết tin tức quê nhà, nhưng cô đã thất vọng…quay đi.
    Người Việt sống xứ người có mấy ai vui? Hai người phụ nữ tác giả gặp trên đường đều buồn thiu và mang tâm tư, thấy rõ qua nét mặt người phụ nữ ban đầu và câu hỏi nhớ nhung “Bi chừ bên nớ ra răng?” của cô gái.
    Phải đi bán kiếm ăn thì có lẽ cuộc sống kinh tế cũng chật vật khó khăn nên mới buồn. Nhưng có lẽ nỗi buồn của họ không chỉ là vậy mà còn mang nỗi nhớ quê hương. Nơi đất khách quê người còn gì vui khi gặp người đồng hương? Tác giả đi nhiều biết nhiều mà cũng vui huống chi cô gái nghèo sống xa quê nhà đã lâu? Nhưng chỉ một câu cuối cùng mà niềm vui thoáng gặp trở thành nỗi buồn phải quay đi. Quay lưng đi chắc là cô buồn lắm?! Có khi còn hơn cả khi chưa gặp đồng hương!?

    Tôi nhìn theo dáng em đi khuất…” Tôi trách tác giả sao lại hờ hững đối xử với một cô gái đồng hương như thế. Nhìn dáng em đi khuất để rồi…buồn viết ra trải lòng cho thanh thản nhưng cô gái buồn biết có ai an ủi cô?

    nv

  4. Austin Pham says:

    Đọc bài của anh sao xốn xang quá!
    Đồng bào mình lưu lạc bốn phương, vì miếng cơm manh áo mà phải quên cả cõi đi về.
    Bi chừ bên nớ ra răng? Nghe mà muốn khóc.

  5. Ở ĐÂU CŨNG VẬY

    Ở đâu cũng vậy mà thôi
    Cũng toàn ngôn ngữ tuyên truyền khác chi
    Ngoa ngôn nào có lạ gì
    Nó thành lẽ sống nói chi bây giờ

    Thông minh sao lại hóa khờ
    Dân ta như vậy bao giờ mới nên
    Giống đàn bò cứ lênh đênh
    Trên đồng xưa đó gặm toàn cỏ khô

    Cuộc đời nay biết thế nào
    Cái ngu hỏi biết bao giờ thoát ra
    Đã non thế kỷ quả là
    Ai gây nên nỗi sa đà thề kia

    Chẳng qua lịch sử trật chìa
    Con người thành ngợm lia chia vậy mà
    Trước sau đều thảy xót xa
    Ai làm tới mức thật là cũng hay

    Gạt nhau bất kể đêm ngày
    Châu đầu cố giựt nhau toàn miếng ăn
    Tinh thần ý thức còn răng
    Mà còn toàn đám lèng èng vậy thôi

    Khom lưng uốn gối hết rồi
    Độc tài toàn trị quả hồi lên hương
    Chừng nào mới thấy tỏ tường
    Nhân đân đất nước mọi đường lâm nguy

    PHƯƠNG NGÀN
    (19/5/16)

  6. Tran Vinh says:

    Việt nam thế kỷ 21 : “ Bố ơi, Mẹ ơi, sao nhà mình không có bánh Trung Thu vậy ? “

    06 tháng Chín năm 2014 – Tác Giả: Phi Khanh/Người Việt : Có thể nói rằng phần đông trẻ em miền núi không có mùa Tết Trung Thu, tuổi thơ của chúng chỉ biết đến hái lượm phụ giúp gia đình và những chén cơm độn khoai sắn, những lớp học mà trường không ra trường, chuồng bò không ra chuồng bò, ngay cả cô giáo, thầy giáo cũng đói rát cả ruột thì lấy đâu cho học sinh ấm bụng mà học tập.

    Không thiếu những thầy cô giáo rủ học sinh cải thiện bữa ăn bằng cách tranh thủ nghỉ trưa sớm một chút rồi xuống suối bắt cá, bắt nhái về luộc, hấp, xào… Ðã có nhiều cái chết thương tâm do lũ quét…
    Một học sinh tên Phí, 10 tuổi : ““Chỉ kiếm ăn mà còn phải vất vả như rứa thôi thì chuyện vui Trung Thu nghe xa quá xá là xa, tụi cháu chưa bao giờ biết bánh Trung Thu là cái chi cả, chỉ có thằng bạn ở đầu xóm hắn ra phố chơi, lượm được cái hộp đựng bánh ở nhà bà con mang về chứa bánh chưng, đứa nào có bánh chưng thì sang nó mượn để đựng một chút rồi trả lại, gọi là bánh Trung Thu đó!”

    *** 08 tháng Chín năm 2014 – RFA : Người ta hay nói về vẻ thơ mộng của mùa thu Hà Nội, vẻ quyến rũ của núi rừng Tây Bắc mùa thu hoặc vẻ bồn chồn, ngập ngừng vào thu của thành phố vốn dĩ nhộn nhịp và hối hả như Sài Gòn, nhưng ít ai nói về mùa thu miền Tây Nam Bộ, cách Sài Gòn không xa cho lắm, Ít cơ hội cảm nhận mùa thu .

    Theo một người mẹ tên Thu của bốn đứa trẻ ở Năm Căn, Cà Mau, trẻ em miệt Tây Nam Bộ ít có cơ hội cảm nhận mùa thu cũng như ít có điều kiện để được hưởng một cái Tết Trung Thu đúng nghĩa. Ngoại trừ một số trẻ em con nhà khá giả, cha mẹ có đủ tiền bạc thì chúng được hưởng Tết Trung Thu ấm áp, vui vẻ, còn những em bé nhà nghèo chiếm số đông hiện tại không có Tết Trung Thu vì nhiều lý do khác nhau, nhưng lý do lớn nhất vẫn là bởi thiếu thốn mọi bề.

    Theo bé Duyên, ở Đất Mũi, Tết Trung Thu là một thứ gì đó quá xa lạ đối với trẻ con ở Đất Mũi mặc dù mỗi khi nghe tiếng trống múa lân vang vọng đâu đó, em vẫn náo nức muốn đi xem. Nhưng hoàn cảnh gia đình em cũng như nhiều bạn trong xóm chài của em không cho phép những đứa bé được vui chơi. Vì mỗi ngày, em cùng các bạn trong xóm phải đi bắt ốc cùng với cha mẹ, đa phần các bạn đều nghỉ học hồi còn lớp một, lớp hai, riêng em may mắn vẫn đang đi học nhưng thời gian đi học và phụ giúp gia đình không cho phép em vui chơi bất kể lúc nào, kể cả việc xem truyền hình mỗi tối.

    Theo chân Duyên về nhà, chúng tôi bắt gặp một khu xóm trên Đất Mũi hiện ra trước mắt làm ngỡ ngàng rằng mình đang lọt vào tiền sử, nhà cửa xiêu vẹo, tạm bợ trên những thân cột bằng gỗ đước cắm xuống lòng sông, xuyên qua lớp sình đen đúa và cho cảm giác những ngôi nhà xụp xệ này có thể bị nhấn chìm xuống sình và nước đen bất kì giờ nào. Dường như trong xóm không thấy bóng dáng đàn ông, chỉ toàn phụ nữ và trẻ con, hỏi ra mới biết là đàn ông đã ra khơi hoặc đi làm thuê ở xa, ít có người đàn ông nào trụ nổi ở nhà bởi cái đói và sự khó khăn thôi thúc đôi chân họ phải đi càng xa càng tốt.

    Quang cảnh xóm Lò ở Đất Mũi và những khu xóm nghèo ở huyện Năm Căn, Cà Mau khiến chúng tôi chỉ biết lắc đầu thở dài và thầm thán phục những cuộc đời nghèo khổ vĩ đại. Cái nghèo, sự khốn cùng đã đạt đến tầm mức vĩ đại và không thể bình luận gì thêm. Tự dưng, tiếng trống thu đâu đó vọng lại nghe rưng rức nỗi buồn và đầm đìa tiếng khóc của những người mẹ trẻ, của những đứa bé trót sinh ra nơi vùng đất nghèo khổ, u uẩn này.

    Đã có nhiều mùa thu như thế đi qua miệt Tây Nam Bộ.

  7. Tran Vinh says:

    Nước nghèo, dân phải đi làm lao động ở hơn 40 quốc gia , điển hình như ở Đài Loan dưới đây :

    6/2/16- RFA: Trích- Theo thống kê của Bộ lao động Đài Loan đến nay có hơn 566.000 người lao động Việt Nam đang có mặt tại Đài Loan. Những lao động Việt Nam tại đây có tuổi đời khá trẻ, họ chủ yếu làm các ngành nghề như lao động sản xuất, lao động ngành nông, lâm, ngư nghiệp, xây dựng, dịch vụ…

    Dù sống trên xứ người, nhưng những lao động này luôn ước mong một tương lai tốt đẹp đến với người Việt Nam ở khắp nơi, đặc biệt là những lao động Việt Nam ở nước ngoài. Bởi những người Việt khi đi lao động ở xứ người, một số ít trong họ thường đánh mất hình ảnh đẹp của người Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế.

    Anh Phạm Hoài mong muốn rằng: “Em mong muốn người Việt Nam đi ra ngoài thì cũng nên giữ hình ảnh của dân tộc Việt Nam, bởi vì em thấy hầu như nước nào cũng vậy, không chỉ ở Đài Loan mà ở Hàn Quốc, Nhật, rồi các nước khác… em thấy báo chí họ đưa tin về người Việt Nam nào là ăn trộm, rồi nhiều vấn đề khác, mất hình ảnh lắm.”

    Cô Hồng chia sẻ: “Em mong Việt Nam nhanh chóng thoát khỏi độc tài để có một cơ hội phát triển lớn mạnh một chút, không còn trình trạng xuất khẩu lao động ồ ạt như bây giờ nữa. Để những người lao động trẻ như bọn em có thể cống hiến cho đất nước, chứ không phải cống hiến cho một nước sở tại Đài Loan chẳng hạn, bọn em có sức trẻ, có trí tuệ, nhưng bọn em cống hiến cho những đất nước khác chứ không phải Việt Nam.”

    ***11/03/2015 – Theo trang mạng công an nhân dân của Việt nam, có các tổ chức đưa lao động Việt Nam sang Trung Quốc lao động bất hợp pháp. Theo kết quả khảo sát tại 10 địa phương giáp biên giới phía Bắc, từ năm 2011 đến nay đã có khoảng 20 vạn người đi lao động thời vụ tại Trung Quốc. Các tỉnh có số người đi lao động nhiều gồm Lạng Sơn, Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Giang… trung bình mỗi ngày có vài nghìn người sang Trung Quốc lao động làm thuê.

    Lao động Việt Nam sang Trung Quốc theo hình thức này đa số là lao động phổ thông làm các công việc như: bốc vác, vận chuyển hàng hóa, làm thuê tại các trang trại lớn trồng cây lương thực, cây ăn quả,…

  8. tt says:

    Ông TNT viết : ” Từ lâu, tôi vẫn nghe thiên hạ nói ở đâu có khói ở đó có dân Tầu..” Bây giờ ở Việt Nam chắc dân Việt ( không phải là Việt Cộng) sẽ nói : ” Ở đâu có Tàu Cộng ở đó có xả độc !”

Leave a Reply to Le Trach