WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Người Cali ăn Tết đúng kiểu Việt Nam

WESTMINSTER (NV) – Sài Gòn ngày 29 Tết đường phố đông như mắc cửi, từ chợ lớn đến chợ nhỏ, từ siêu thị bình dân đến siêu thị dành cho giới nhà giàu, đâu đâu cũng người là người. Ai cũng tất bật lo sắm sửa ăn Tết, trong những ngày cận kề giao thừa, dù ăn lớn ăn nhỏ, cũng phải ăn.

Không khí những ngày năm hết Tết đến ở thủ đô Little Saigon của người Việt tị nạn có lẽ cũng không kém gì so với không khí nhộn nhịp, rộn ràng ở quê hương. (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)

Ở Little Saigon, các con đường đổ về phố Bolsa, khu chợ Tết Phước Lộc Thọ cũng đông đúc như nêm.

Cũng xe là xe. Và người đi bộ. Như hội.

Nhất là vào những ngày cuối tuần khi Xuân sắp chạm ngõ.

Những năm đầu khi người Việt Nam mới đặt chân đến vùng đất này, việc ăn Tết Nguyên Ðán chỉ được tổ chức một cách tượng trưng, đơn giản. Người ta cảm thấy lòng chông chênh nhiều nỗi nhớ quê nhà, bồn chồn khắc khoải không biết khi nào mới đến ngày đoàn viên cùng gia đình, hơn là tung tăng sắm sửa, cúng kiếng.

Nhưng giờ đây, qua 35 năm, không khí những ngày năm hết Tết đến ở thủ đô Little Saigon của người Việt tị nạn có lẽ cũng không kém gì so với không khí nhộn nhịp, rộn ràng ở quê hương.

***

Sáng Thứ Bảy, 26 Tết, hòa trong dòng người từ nhiều nơi đổ về chợ hoa Phước Lộc Thọ là gia đình anh Khanh Nguyễn, cư dân thành phố Pasadena, cách Little Saigon khoảng 45 phút lái xe. Cả nhà anh Khanh, từ bố mẹ, anh chị, các con các cháu, đều đã thành lệ, năm nào cũng đi chợ hoa, vừa ăn uống, chụp hình, vừa mua đồ sắm Tết. Cả nhà ai nhìn cũng “vui như Tết.”

“Ðã 30 năm rồi, tôi chưa về Việt Nam ăn Tết, nhưng năm nào tôi cũng cùng gia đình xuống Bolsa, để hưởng chỉ một chút không khí, hương vị ngày Xuân. Như vậy thôi cũng đủ rồi,” anh Khanh Nguyễn nói với phóng viên Người Việt.

Dù nói rằng chỉ “để hưởng một chút không khí hương vị ngày Xuân,” nhưng thực ra gia đình anh Khanh Nguyễn lại ăn mừng năm mới Âm lịch rất “bài bản.”

Những ngày cuối tuần ngay trước khi Xuân về, các thành viên trong đại gia đình anh Khanh Nguyễn cùng nhau đi chợ Tết, mua mai, mua đào, mua bánh mứt, trái cây, vừa chưng vừa cúng trong nhà, vừa mang biếu cho người thân, bạn bè.

Anh Khanh cho biết, “Thứ Tư này, ngày 30 Tết, là tôi bắt đầu xin nghỉ. Năm nào cũng vậy, làm gì làm tôi cũng lấy một tuần phép đúng dịp này, rồi xin phép cho mấy đứa nhỏ nghỉ vài ngày để ở nhà đón năm mới y như lúc còn ở Việt Nam.”

Theo lời người đàn ông còn mang tâm hồn “rất Việt Nam” này thì “từ hồi ông bà cụ sang, Tết đến cả nhà cũng đi chùa, cúng kiếng y hệt như lúc còn ở Việt Nam. Không rườm rà quá, nhưng tối thiểu cũng đón giao thừa, đi chùa ngay sau giao thừa, rồi chúc Tết ông bà, lì xì.”

“Tôi thích chụp hình cho mấy đứa nhỏ trong những ngày này, cho chúng mặc quốc phục để như ý ba mẹ tôi, là giáo huấn cho tụi nó biết về ngày Tết cổ truyền là như thế nào,” anh Khanh vui vẻ cho biết thêm.

Nhiều hàng quá, nên mua cái nào ăn Tết cho ngon bây giờ? (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)

Chị Tuyết Hồng Nguyễn, một cư dân ở Garden Grove, vừa tan buổi chợ ngày 28 Tết, vừa thở hổn hển nói, “Mới mua thêm lỗ tai heo, lỗ mũi heo về làm giò thủ.”

Chuẩn bị cho ngày Tết, chị Tuyết Hồng cũng mua hoa về cắm, mua trái cây về chưng. Chị Hồng không chưng trái cây ngũ quả kiểu ‘cầu, sung, dừa, đủ, xài,” như ông bà hay nói mà thấy “bưởi đẹp quá thì chưng bưởi, thanh long tươi quá thì chưng thanh long.”

“Năm nay, ngoài nồi khổ qua hầm thịt, tôi cũng kho thịt với trứng, mà là trứng vịt hẳn hoi chứ không phải trứng gà, bởi ông xã tôi nói thèm mùi trứng vịt kho.” Chị Hồng tiết lộ thêm.

Bên nhà mẹ chị Tuyết Hồng thì món ăn ngày Xuân có thêm gà hầm măng. “Phải hầm gà, không được hầm với vịt, vì ngày đầu năm không nên ăn vịt, nếu không sẽ lạch bạch, chậm chạp như vịt suốt năm.” Chị Hồng “nghiêm giọng” nói thêm, “Ngày đầu năm cũng không được ăn cháo, không hên.”

Có lẽ vì cháo hay dành cho người bệnh ăn nên sợ ăn cháo sẽ bệnh hoạn cả năm chăng?

Chị Hồng cho rằng mình “thích ăn bánh tét,” nhưng “bánh chưng đặt trên bàn thờ nhìn đẹp hơn” thế nên chị mua cả bánh chưng lẫn bánh tét cho đề huề.

Ngày mùng Một Tết, sau lễ ở nhà thờ lúc 7 giờ tối, tất cả các gia đình anh chị em của chị Tuyết Hồng sẽ tụ họp lại nhà bố mẹ chị, cùng chúc Tết, lì xì và ăn bữa cơm sum họp ngày đầu năm.

Không chuẩn bị chu đáo như gia đình anh Khanh Nguyễn, hay chị Tuyết Hồng, cô Giang Trần, cư dân thành phố Anaheim, “ăn Tết một cách đại khái.”

Giang cho biết những năm trước đây, khi còn ở chung nhà với bố mẹ chồng thì mẹ chồng cô lo sắm sửa mọi thứ trong nhà, và vợ chồng cô “ăn ké theo.” Năm nay ra ở riêng, Giang cũng đi mua bánh chưng, củ kiệu cho “ra dáng ngày Tết” nhưng chủ yếu “cũng là cho có.” Tuy nhiên, cuối tuần vừa qua, Giang cũng đi chợ hoa Phước Lộc Thọ, ngắm hoa, chụp hình, và “để ngửi mùi pháo Tết.”

Về kế hoạch những ngày đầu năm sắp tới, Giang Trần cũng “sẽ thức khuya đón giao thừa cho giống Tết, rồi… đi ngủ vì sáng mùng Một vẫn phải đi làm như thường lệ, không được nghỉ.”

“Có thể sẽ hẹn hò với vài người bạn bè tụ lại ăn Tết vào Chủ Nhật, mùng 4 cho vui,” Giang dự tính.

Trong khi mọi người nô nức chuẩn bị Tết, cô Trần Diễm Châu, cũng là một cư dân ở thành phố Anaheim, lại “tiu nghỉu” nói, “Năm nay vào chương trình học khó quá, nên bao nhiêu thời gian đổ dồn hết vào chuyện học, không còn thời gian, đầu óc đâu mà nghĩ đến lo sắm sửa.”

Những năm trước, Diễm Châu cũng chuẩn bị ăn Tết khá kỹ lưỡng cho gia đình, như “tìm chỗ đặt người ta gói bánh chưng bánh tét trước cả tháng, rồi trang hoàng nhà cửa, mua hoa, mua trái cây về chưng.”

Châu nói một cách tiếc rẻ, “Năm nay nghe mọi người nói chợ Tết Phước Lộc Thọ vui lắm, tôi cũng nôn nao quá chừng nhưng bài vở nhiều quá, biết làm sao bây giờ! Ðành nhịn ăn năm nay, năm sau ăn bù!”

Tuy nói vậy, nhưng Diễm Châu cho biết, tuần trước cô đã cùng mẹ mình đi mua “thịt heo tươi” ở chợ Tam Biên trên đường Bolsa mang về “hầm giò, nấu phá lấu, cho vào tủ lạnh, đến Tết sẽ mang ra ăn.”

***

Nhìn nè, bao lì xì hình này đẹp nè! (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)

Chủ Nhật 27 Tết, trời bỗng nổi mưa, xám xịt. Thế nhưng các ngả đường đổ về trung tâm Bolsa, Phước Lộc Thọ vẫn đông nghịt xe.

Những ngôi chợ Việt Nam quanh vùng Little Saigon tràn ngập những mặt hàng ăn Tết, nào bánh chưng, bánh tét, nào mứt bí tăm bí cây, mứt dừa khô, dừa gừng dẻo, nào hạt dưa, hạt bí, mứt me, mứt mãng cầu, mứt hạt sen. Lại thêm tôm khô, củ kiệu, dưa món, dưa hành, bánh tổ…

Những trái cây hay được người Việt mua chưng trên bàn thờ tổ tiên cũng được đổ về, như những trái mãng cầu xiêm còn chưa kịp nở gai, những trái thơm nhỏ như trái cam… Ra chợ hoa, người ta còn bắt gặp những chậu “mai tứ quý” đầy nhóc nụ, chưa biết có kịp nở đúng ngày mùng Một hay không, nên phần lớn người đi sắm Tết vẫn chọn mua đào hồng, đào thế, hay cúc vàng, và các chậu lan về cho thêm sắc ngày Xuân.

Trong chợ Thuận Phát, một người phụ nữ mua cả bao nếp 50 pounds để “về nhà gói bánh chưng.” Người phụ nữ cho biết, “Nhiều năm rồi, năm nào nhà tôi cũng cùng nhau gói bánh ăn trong nhà!”

Trong khi đó, có người đứng đắn đo nên mua một cái bánh chưng hay mua đòn bánh tét, lại phải thêm hũ củ kiệu hay là hũ dưa món, bởi “tôi ở trọ một mình, mua nhiều sợ ăn không hết! Nhưng không mua thì lại không ra không khí ngày Tết!”

Trong chợ Phước Lộc Thọ, các hàng quán đặc nghẹt người, phần lớn là khách từ các nơi đổ về, vì như một vị khách vừa ngồi thưởng thức các món ốc len xào dừa, ốc gạo, hội vịt lộn vừa nói, “Trên đất Mỹ này, không đâu có không khí Tết đậm đà như Little Saigon.”

Có những người phụ nữ trẻ dẫn theo con nhỏ vào chợ tìm mua cho bé những bộ trang phục áo dài, khăn đóng. Bên quầy hàng khác, có những người thanh niên đứng lựa mua bao đựng tiền lì xì.

Và lạ lùng nhất có lẽ là những người đứng canh chừng “police” cho các bàn ‘bầu cua cá cọp’ chung chi, khi vừa thấy thấp thoáng đèn xe cảnh sát thì đám người tự động tan ra, chỉ còn trơ trọi cái bàn! Hay khi những dây pháo vừa nổ vang trời dứt tiếng, khói còn chưa kịp tan, lại có người đàn ông vừa đạp xe vừa rao “Mua pháo không? Ai mua pháo không?”

***

“Ði chợ Tết lúc nào tôi cũng có nhiều cảm xúc lắm! Tôi nhớ Việt Nam, tôi nhớ tôi lúc nhỏ và nhớ nhiều thứ lắm!” Anh Khanh Nguyễn chia sẻ.

30 năm chưa một lần ăn Tết tại quê nhà, nên không khí Tết, mùi pháo Tết nơi Phước Lộc Thọ, chợ Bến Thành khiến anh Khanh luôn cảm thấy nôn nao. Anh nói tiếp, “Giờ các con tôi đã lớn, tôi cắt nghĩa cho tụi nó, biết những hình ảnh này gợi nhớ cho daddy hồi nhỏ khoái quần áo mới, trong khi bên này quần áo mới đâu có nghĩa lý gì, mua là có liền. Còn khi xưa chỉ có được quần áo mới mỗi khi đến Tết, rồi mong được chúc Tết để nhận lì xì…”

Chị Tuyết Hồng Nguyễn, dù sau một năm bận rộn, vất vả cũng vẫn nói, “Làm gì làm cũng phải ăn Tết chứ! Mình sang đây chỉ còn mỗi cái Tết, nên kệ, cứ xả láng luôn!”

Tiếng người phụ nữ cười vang như Tết.

Trên đường Bolsa, ngang qua chợ Bến Thành, một cô gái tuổi đôi mươi lần đầu tiên ăn Tết xa quê, nói với người lái xe, “Quay kiếng xuống cho con ngửi mùi pháo một chút!”

Chiếc xe chạy về, mang theo cả một trời đầy hương Tết.

Nguồn: Ngọc Lan, Người Việt

1 Phản hồi cho “Người Cali ăn Tết đúng kiểu Việt Nam”

  1. Mr Thành says:

    Tôi tự hào mình là người Việt Nam. Mang trong mình dòng máu dân tộc, thế hệ trẻ của Việt Nam hôm nay. Tôi mong rằng, tôi cũng như các bạn không vì một cái bóng gì đó, để quên đi rằng mình cần phải làm, phải học. Người Việt cần phải có “cái Tâm và cái Tầm” “sứng đáng”. Phải mạnh về Tư Duy mới phát trển mạnh được kinh tế. Có được như vậy bạn mới có tiếng nói + với một tâm hồn đẹp = Việt Nam hùng mạnh là chúng ta đó.

Leave a Reply to Mr Thành