WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Những món tiền xây mộ Tổ

Một ngôi mộ ở VN. Ảnh mang tính minh họa

1/ Tiền của tôi

Khi trở thành nhà văn có chút tiếng tăm trong một cộng đồng ít người đọc sách tôi hay được các bậc ” thời vang bóng” gọi tới tư gia nghe họ kể về quá khứ để chấp bút viết hồi ký.

- Tại sao các bác các chú không gọi ai mà lại gọi tao? Tôi hỏi con em út. Nó trả lời: vì anh thích tráng ca hơn tình ca.
Mẹ tôi thì bảo: số tử vi của con là làm nô bộc suốt đời.

Thằng Bình, bác sĩ phụ khoa đang tăm tia em gái tôi thì nói: nghề của ông anh vinh hiển hơn nghề em. Khám thai, nạo thai, hút thai, đỡ đẻ, chữa bệnh lậu cho các quý cô, quý bà. Khi hoàn thành công việc, chẳng lẽ lại ghi tên mình vào cái chỗ đó? Anh thì được ghi danh lên bìa sách, oai quá chứ còn gì.

Nghe kể, ghi chép các sự kiện, thời gian, ở các bậc ” thời vang bóng” cũng nhàn. Im lặng, thi thoảng buông ra câu hỏi ngây ngô ví như: lúc khó khăn nguy hiểm đó, chú (hoặc bác) nghĩ tới điều gì? Tôi biết chắc câu trả lời bao giờ cũng có cụm từ: khí phách, trung kiên, xả thân, tự hào, kiêu hãnh, tin tưởng, tương lai…

Xã hội mà tôi sống chứa đầy bất trắc. Chói sáng quá thì bị dập tắt, tối quá thì bị dẫm đạp, khinh bỉ. Vì vậy, tôi chọn sự nhờ nhờ. Tôi có thể hát được chầu văn, cải lương, quan họ, chèo, tuồng, rock, hiphop theo yêu cầu mọi thứ khán giả, từ bình dân, trung lưu, cao cấp, trí thức, lưu manh…vì thế, tôi có lộc. Số tiền ứng trước để viết hồi ký bằng cả hai năm lương của ba tôi (một giáo sư bị thất sủng) khi buộc miệng nói đùa: quần Jeans Mỹ thực hiện thế giới đại đồng trước cả ông Marx.

Khi biết tôi có nhiều tiền, ba tôi nói: con về quê góp tiền xây mộ tổ cho họ nhà mình. Coi như đại diện cho ba, mẹ.

Và thế là tôi tung tẩy về quê. Ngồi nhìn khung cảnh qua cửa xe tôi hát..:” sáng hôm nay trên quê hương tôi. Quê hương xinh xinh quê hương hữu tình. Quê hương xinh xinh quê hương hòa bình …”

2/ Tiền của nhiều người

Tình gia tộc ở quê vẫn còn sâu đậm lắm dù ít nhiều cũng bị sự xâm nhập của nền văn minh đô thị cưỡng chế.

Sản phẩm của nền văn minh này là làng có quán Karaoke, quán nhậu, nhà tầng, nghiện hút, đĩ điếm, café Internet…

Về quê bao giờ tôi cũng tới nhà chị Lụa đầu tiên. Chị là người chăm nuôi tôi từ nhỏ khi tôi xa ba, mẹ trong năm tháng chiến tranh. Chị Lụa đẹp lắm và lanh chanh như con chim sâu.

Tôi bảo: ngày xưa, chị đi thi hoa hậu thì dứt khoát được vương miệm. Chị cười: không đâu em ơi! Hỏi về kiến thức, chị chịu thôi. Chị chẳng phân biệt được sông Hồng, sông Lô. Thủ đô nước Ý có phải là Paris không? Mà cái màn trình diễn áo tắm thì chị chào thua. Chân lội ruộng đỉa cắn thành sẹo, hắc lào thâm cả đùi, xấu hổ chết.

Tôi thấy chị nói đúng, nên lảng sang chuyện khác: sắp tới ngày giỗ anh rồi. Nhanh thật đấy!

Chị trả lời: em còn nhớ ngày giỗ chồng chị kia à? Chị nghĩ, những người chết bao giờ cũng trẻ. Mấy hôm nay, toàn mơ thấy anh về. Bụng bị banh ra, ruột gan lòng thòng, nhưng không thấy máu, cứ trắng nhởn. Tỉnh dậy, toát hết mồ hôi. Anh nói với chị: bán mấy cái nhẫn lấy tiền góp vào xây mộ tổ, trai hay gái đều phải có lòng với tổ tiên, đừng lo cho anh. Bên cạnh anh bây giờ toàn là đồng đội, vui hơn, thanh bình hơn trên đó rất nhiều. Chị đã bán nhẫn cùng mấy lứa lợn đủ số tiền để góp em à.

Bác Tính, anh ba tôi. Giảng viên trường đại học xây dựng. Khi tổng động viên bác sang Lào giúp bạn xây cầu cống, dính mìn phỉ Vàng Pao cụt một chân, giờ làm bí thư huyện. Bác chống nạng, (trên vai có con vẹt hệt tên cướp biển trong truyện “Đảo giấu vàng”) mà tôi đọc khi còn nhỏ. Con vẹt của bác chỉ biết chửi bậy, nó không biết phép lịch sự. Hình như với nó, chửi bậy, nói tục là sự giải tỏa những ẩn ức của loài chim. Hoặc nó làm người phát ngôn viên hộ ông chủ mặt lúc nào cũng cau có như người mắc bệnh táo bón và lòi rom.

Bác cho tôi xem bản thiết kế mộ tổ. Hoành tráng, có rồng, có lân, sư tử, hổ. Thằng Tình con bác, phóng viên báo “Nói Khẽ” thì thầm vào tai tôi: mộ này đặt tại Trung Quốc thì hợp hơn.

Bác Tính bảo: ngoài việc vẽ thiết kế, tao sẽ góp vào 35 triệu. Thằng Tình hỏi: Ba có nhiều tiền nhỉ? Bác nói: tiền này ngoài luồng. Muốn hỏi, thì hỏi lương của Chủ tịch Tỉnh là bao nhiêu mà con đi du học tự túc sang Mỹ? Mày đừng hỏi xuất xứ của tiền. Hỏi như cứt!

Con vẹt trên vai bác gật gù: hỏi như cứt! Hỏi như cứt! Hỏi như cứt!…

Chú Cả Đẫn về làng sau tôi một ngày. Chú đi cùng với hai thằng mặt sẹo chỉ nhìn hình dạng bên ngoài, người ngu cũng biết đó là dân dao búa.

Chú Cả Đẫn học võ từ bé. Các môn phái như Thiếu Lâm, Bình Định, Vịnh Xuân, Karate…chú đều thụ giáo. Chú có thâm niên đi tù, mà nguyên nhân do chú đùng đùng lên cơn hiệp sĩ ác tính. Khổ! Người chú đánh toàn con ông cháu cha, đi tù là đúng, chẳng có gì phải thắc mắc, rách việc!

Chú nói với bác Tính: thằng em sẵn sàng góp bạc tỉ cho việc xây mộ tổ. Còn bây giờ phải lượn ra thị xã thuê phòng ở hotel. Yên tâm đi, tiền của thằng này trong sạch. Không thì các cụ vật hộc máu mồm.

Bác Tính gắt: thằng du côn! Mày tưởng nhiều tiền mà muốn làm chó gì cũng được à!

Chú Cả Đẫn cười khì, nói với tôi: bài báo mày viết ca ngợi cái công trình cho người nước ngoài khai thác trên vùng cao, thối không ngửi nổi. Thằng liếm đít!

Con vẹt xoay tròn trên vai bác Tỉnh: thằng liếm đít! Thằng liếm đít! Thằng liếm đít!

Bác Uy Thứ trưởng Bộ “Không khí & Nước lã” đi xe về làng. Bác nói: tôi đã đặt tiệc cho cả họ ngoài thị xã rồi. Mỗi mâm năm người có rượu ngoại. (Cách đây hơn tuần) tôi thấy Bác lên tivi kêu gọi mọi người nên mua hàng nội để phát triển nền kinh tế nước nhà.

Bác Tính bảo: chẳng lẽ lại ra nhà hàng? Bác Uy xua tay: không! Nhà hàng sẽ mang vào tận nơi cho mình. Ra nhà hàng là thiếu gắn bó với tình làng nghĩa xóm, ông bà tổ tiên. Tôi hoạch định một cách vĩ mô để làm phục sinh những giá trị văn hóa làng xã truyền thống.

Chị Thuận – làm tiếp viên khách sạn “Nồng Nàn” ngơ ngác hỏi tôi: bác nói gì, chị không hiểu? Nghe có vẻ bí hiểm.

Cô Lan – hành nghề khóc thuê nói như mếu: bác Uy nhà ta mà đọc điếu văn thì tuyệt! …

Thằng Tình nói chen ngang: em nghe nói chị khóc hay lắm nên có của ăn của để. Hoan hô dòng họ nhà ta ai cũng kiếm tiền bằng chính khả năng của mình. Kiểu này chẳng mấy chốc dân giàu nước mạnh tổ quốc quang vinh.

Cỗ bàn sang trọng chẳng kém gì các nhà hàng ở thành phố lớn.

Họp họ tôi mới biết người trong họ tộc của mình làm nhiều ngành nghề khác nhau. Quan chức, trí thức, văn nghệ sĩ, công nông, công an, bộ đội, phe phẩy, du côn, làm đĩ, khóc thuê, bán máu…chỉ thiếu mỗi ca sĩ và diễn viên.

Thằng Hinh con bác Uy sống ở ngoại quốc hơn hai mươi năm giờ mới về làng. Nó bảo với tôi: vừa đặt chân về nước tao đã bị ăn tát. Tôi hỏi: sao? Nó trả lời: tao vỗ vào lưng cô tiếp viên hỏi mượn bản đồ du lịch Việt Nam. Ngờ đâu, lại vỗ vào ngực, mắt tao cận nặng. Với lại cô này lưng với ngực đều phẳng như nhau, mắt có tinh cũng nhầm, thế mà được tuyển vào làm tiếp viên hàng không.

Tôi bảo: chắc có người đỡ đầu. Ở bên đó mày làm gì, cuộc sống thế nào? Nó trả lời: học xong, tao thành lập công ty chuyên đánh hàng đồ lót phụ nữ cung cấp cho chị em toàn lãnh thổ EU. Tao có biệt danh: Hinh Xi Líp – Coóc Xê – nghe như tên thánh oai không? Tôi bảo: oai! Lẫm liệt. Nó nói tiếp: ngủ với lũ con gái Tây, tao phát hiện tám mươi phần trăm chúng nó mặc quần áo lót của công ty tao. Làm ăn như vậy là quá thành công, mặt tao luôn được úp vào cái ngàn vàng, cái thiên đường mà nhiều gã đàn ông thèm khát…

Bác Tính cho căng bản vẽ thiết kế quần thể mộ tổ cho mọi người cùng chiêm ngưỡng. Ai cũng khen. Anh Cả Đẫn nói: nên thêm mấy khẩu thần công cho giống lăng tẩm triều Nguyễn. Bác Uy góp lời: phải thả sen vào hồ cho thanh cao thoát tục. Thằng Tình đế vào: tiền đóng góp theo tính toán sơ bộ đủ khả năng mở một vườn bách thú nhỏ trong khu mộ tổ. Trong tương lai khu mộ họ mình sẽ trở thành điểm du lịch.

Bác Tính oang oang: không được! Chỗ các cụ nằm phải tĩnh lặng. Cây cối um tùm, trai gái có chỗ kéo nhau vào làm trò rửng mỡ. Làm thế là trát phân lên mặt các cụ.

Con vẹt trên vai bác kêu lên: trát phân lên mặt các cụ! Trát phân lên mặt các cụ! Trát phân lên mặt các cụ!

© Trần Ngọc Tuấn (Cộng hòa Séc)

© Đàn Chim Việt

6 Phản hồi cho “Những món tiền xây mộ Tổ”

  1. Trung Kiên says:

    Trích đoạn;…” Bác Tính bảo: ngoài việc vẽ thiết kế, tao sẽ góp vào 35 triệu. Thằng Tình hỏi: Ba có nhiều tiền nhỉ? Bác nói: tiền này ngoài luồng. Muốn hỏi, thì hỏi lương của Chủ tịch Tỉnh là bao nhiêu mà con đi du học tự túc sang Mỹ? Mày đừng hỏi xuất xứ của tiền. Hỏi như cứt!…Con vẹt trên vai bác gật gù: hỏi như cứt! Hỏi như cứt! Hỏi như cứt!…

    Xin hỏi;…Tiền ăn cướp của dân của nước thì “Xây một tổ” hay trát “kít” lên mặt ông bà vậy kà???

  2. truong to linh says:

    hay rất hay chúc anh Tuấn nhé …sẽ gặp và uống cafee….

  3. BaWa says:

    Từ ”mô” mà tới nấm mồ
    Lăng to, mộ lớn… khởi đầu từ ”mô”?!,
    Có mồ thì phải có ”mô”
    Không mồ thì được, mà không ”mô” thì tiệt nòi!!!

  4. Thanh-Luong says:

    Du lang to mo lon , nhung dong tien dung de xay lang khong trong sach cung nhu trat phan len mat to tien minh .

  5. LẠI MẠNH CƯỜNG says:

    hahhhhaaa
    Đã bao năm qua tôi vẫn ưa đọc văn thơ Tuấn còi !
    Tôi rất thích lối khôi hài đen thông minh của Tuấn !

    Tôi khoái nhất bài thơ KHÁT hắn sáng tác từ trong nước và gò lưng viết tặng tôi theo yêu cầu, ở nhà (Đinh văn) Lý toét tại thành phố Main kế cận Frankfurt am Main.
    Tôi vẫn còn giữ kỹ bài thơ này Tuấn ạ, Rất tiếc lười đi lục lại để gõ phím cho bạn đọc thưởng thức văn tài Tuấn còi.

    Câu cuối truyện trên thật đắt giá Tuấn ạ !

    Thỉnh thoảng nói chuyện qua điện thoại với Culi Phạm Văn Man (Điểm Tin Báo chí Plzen), nhắc về những ngày tháng cũ mà bùi ngùi. Cuối hè năm rồi gặp lại gia đình Hải đốm và Dzũng ở Adam.

    Chúc nhiều sức khoẻ nhé. Mong có dịp gặp lại ở Tiệp

    Lão Ngoan Đồng

Mục phản hồi đã đóng