Nobel Văn chương 2010: Mario Vargas Llosa, Gaugin và Kỳ Đồng
Viết thêm.
1- Kỳ Đồng
Phần trên đây về Kỳ Đồng chỉ giới hạn trong những điều mà Mario Vargas Llosa đã viết trong The Way to Paradise.
Bác sĩ Hồ Văn Hiền, MD, viết khá đầy đủ về Kỳ Đồng, về Gaugin và về tình bạn của họ trong bài viết “Revolutionaries in politics and in Art: the Marvelous Child and the Old Painter: The stories of Kỳ Đồng and Gaugin” (December 2, 2009).
BS Hồ Văn Hiền đã giải thích khá hợp lý khi cho rằng các tác giả nước ngoài thường gọi nhầm Kỳ Đồng là hoàng tử (Prince) Nguyễn Văn Cẩm vì ông thường gặp gỡ và thân tình với vua Hàm Nghi, thời gian vua bị lưu đày ở Algeria. Nhưng không hợp lý khi cho rằng, do sự nhầm lẫn của lính hộ tống, Kỳ Đồng đã được giải xuống Marquesas thay vì đến Đảo Quỷ Guiana. Luận cứ của Mario Vargas Llosa hợp lý hơn.
Kỳ Đồng tên thật Nguyễn Văn Cẩm (8 tháng 10,1875-1929) người làng Trung Lập, Tiên Hưng, Hưng Yên (nay là Văn Cẩm, Hưng Hà, Thái Bình). Thông minh và học giỏi, mới tám tuổi đã dự thi khảo khóa chuẩn bị cho kỳ thi hương năm sau tại Nam Định đậu ưu hạng. Vua Tự Đức sắc phong “Kỳ Đồng”. Đứa trẻ kỳ tài. Chính phủ Pháp cấp học bổng cho ông theo học tại Alger . Người Việt nam đầu tiên đỗ tú tài Pháp. Từ chối bổng lộc và địa vị ưu đãi của Pháp, gây phong trào chống Pháp trong những lao động ở đồn điền và quan hệ với Đề Thám. Ông bi kết án đi đày. Chết ở Marquesas năm 1929. Vào tuổi 54.
Hai hình chụp dưới đây cũng trích từ nguồn tài liệu của BS Hiền.
Năm 2006, Giáo sư Lorraine Paterson, thuộc Đại Học Cornell, đã đến Papeete, Tahiti, để phỏng vấn những người cháu của Kỳ Đồng và đã được cho xem bản gốc kịch bản do ông sáng tác bằng Pháp ngữ năm 1902. “Les Amours d’Un Vieux Peintre aux Iles Marquises” (Paris: A Tempera Edition, 1989). Được dịch ra tiếng Việt 1990.
2- Tahiti
Đảo lớn nhất trong quần đảo French Polynesia ở Nam Thái Bình Dương. Nằm giữa tam gíác Hawaii, Úc và Chile (Nam Mỹ). Thủ đô Papeete. Dân số ở đây khoảng 200 ngàn người là nơi đông dân nhất trong các hải đảo, chiếm 68%. Gồm người châu Âu, Tàu và tạp chủng. Tiếng Pháp là ngôn ngữ chính.
Tahiti được nổi tiếng vì được hầu hết các nhà thám hiểm hàng hải thế giới đặt chân đến trong thế kỷ 17, 18. Trong đó có James Cook, thuyền trưởng nổi tiếng người Anh, người đã khám phá Úc, Tân Tây Lan và đã đến Hawaii. Cook sau đó bị thổ dân Hawaii giết chết. Charles Darwin cũng đã từng ghé qua đây.
Nhà thám hiểm người Pháp, Louis Antoin Bougainville, sau khi đến đây (1768) đã viết tác phẩm Du Hành Quanh Thế Giới .“Voyage Autour du Monde”. Từ đó thế giới có thêm tên. Tahiti thiên đường hạ giới. Ông mô tả . Ờ đó đàn ông, đàn bà sống hạnh phúc vô tư, cách xa nền văn minh mục nát châu Âu. Chính người di dân châu Âu và các phái bộ truyền giáo đã hủy hoại phong tục tập quán, đời sống hoang sơ thần tiên ở đây. Họ đến đây mang theo các dịch bệnh thương hàn, đậu mùa, bệnh phong tình…mà trong năm 1796 đã giết hại 10 ngàn trong dân số 16 ngàn. Ngày nay Tahiti là nơi du lịch đông khách rất đắt đỏ. Chỉ còn là thiên đường cho tuần trăng mật của những cặp tân hôn.
3- Marquesas
Hòn đảo đẹp nhất thế gian. Mây mù che phủ núi đồi lởm chởm, cây rừng xanh tươi. Cũng nằm trong quần thể Polynesia thuộc Pháp, cách xa Tahiti khoảng 930 miles, hướng Đông Bắc. Người bản xứ gọi là “Te Hernua Enata” (Đất của đàn ông). Người Tây Ban Nha đặt chân đến đây vào năm 1595. Nhưng sau nhiều tranh chấp, cho đến bây giờ thì thuộc Pháp.
Marquesas nổi tiếng bởi hai cư dân thiên tài kỳ lạ: nhà văn Mỹ Herman Melville và hoạ sĩ Pháp Paul Gaugin.
Herman Melville (1819-1891), sinh tại New York, Hoa Kỳ. Rời trường lúc 15 tuổi làm nhân viên ngân hàng, công việc ở nông trại, làm giáo viên. Năm 1837 làm bồi tàu. Theo tàu săn cá voi Acusher đi về nam Thái Bình Dương năm 1841. Khi tàu tạm dừng ở Marquesas, với một người bạn thủy thủ ông bỏ tàu trốn lên bờ và sống ở đó nhiều năm với bộ lạc Typee ăn thịt người. Sau, ông trốn đến Tahiti. Ở đó ông theo tàu hải quân Hoa Kỳ và trở về Boston năm 1844. Thời gian ở Marquesas cho ông nhiều cảm hứng và kinh nghiệm để viết những tác phẩm hấp dẫn. Trong đó nổi tiếng nhất là chuyện phiêu lưu mạo hiểm săn cá voi, được đưa lên màn ảnh, Moby Dick hay là The Whale (1851).
4. Guiana. Đảo Quỷ. Devil’s Island.
Thường quen thuộc với tên Pháp Guyana, Ile du Diable. Nằm trong vùng duyên hải Nam Mỹ, gần Brazil. Đây là nơi khí hậu nóng ẩm khắc nghiệt. Khi chiếm đảo, người Pháp đưa định cư 12000 người, hơn một năm sau chỉ mấy trăm người sống sót. Nước Pháp “văn minh”, tự hào là cái nôi của văn học và cách mạng, biến nơi này thành địa ngục trần gian. Nơi giam giữ tù đày khổ sai hơn 70 ngàn người từ 1852-1939. Trong số này có bao nhiều người yêu nước Việt Nam? Không có thống kê nào cho biết còn bao nhiêu người sống sót trở về. Nhưng có một người tù nổi tiếng nhất trong lịch sử nhân loại. Trong 13 năm bị giam giữ canh gác nghiêm ngặt, đã kiên trì vượt ngục 9 lần. Cuối cùng với ý chí sinh tồn, với thông minh mưu trí và can đảm, ông đã vượt thoát và tìm được tự do ở Venezuela. Đó là Papillon, bí danh của Henri de Charrier. Bị kết án oan chung thân với một tội danh không hề phạm, năm 1930, Papillon bị đày đến đảo này. Henri Charrier đã kể lại sự thật trong truyện Papillon (Bướm). Xuất bản năm 1970. Chuyện thật mà như là một truyện hư cấu khó tin đã làm chấn động và xúc động hàng triệu người trên thế giới. Hàng triệu ấn bản đã được đón mua. Đây là truyện được bán nhiều nhất mọi thời. Nhưng điều quan trọng hơn, tác phẩm này là lời tố cáo mạnh mẽ và hiệu lực trước công luận về hệ thống tù ngục đọa đày vô nhân đạo của nước Pháp.
Nếu không có may mắn như một phép lạ, Kỳ Đồng đã bị hành xác và chôn xương ở đây.
Tham khảo
-Nobel Prize. Nobel Prize in Literature. Wikipedia
-Nobel Prize 2010. Wikipedia
-Mario Vargas Llosa. Wikipedia. The Guardian
-Paul Gaugin. Lucicafe.com/library. Webmuseum, Paris.
The Columbia Encyclopedia
-Vincent van Gogh. Luciacafe.com/library. Wikipedia
-Herman Melville. Cambridge Encyclopedia
-The Way to Paradise. Afred Hicking. The Guardian 15 Nov 2003. Maya Jaggi. The Guardian.co.uk 10 July 2010
-The Stories of Kỳ Đồng and Gaugin. Hien Ho MD. Loraine Parterson. Cornell University
-Tahiti. Marquesas. Guiana. Wikipedia
© Ninh Hạ
Hey I know this is off topic but I was wondering if you knew of any widgets I could add to my blog that automatically tweet my newest twitter updates. I’ve been looking for a plug-in like this for quite some time and was hoping maybe you would have some experience with something like this. Please let me know if you run into anything. I truly enjoy reading your blog and I look forward to your new updates.