Giải hòa bình Nobel 2010 & Wikileaks
Cuối năm 2010 có hai sự việc đáng quan tâm xẩy ra trên thế giới. Thứ nhất là chuyện giải hòa bình Nobel. Thứ hai là sự tiết lộ những thông tin “không tiền khoáng hậu” do mạng toàn cầu Wikileaks.
Giải hòa bình Nobel:
Giải hòa bình Nobel năm 2010 được trao cho ông Lưu Hiểu Ba (Liu Xiaobo), một nhà tranh đấu nhân quyền của Trung quốc đang bị án tù 11 năm ở trong nước. Trung quốc đã phản đối một cách quyết liệt và dùng trọng lượng kinh tế của mình thuyết phục và áp lực các nước trên thế giới không đến tham dự buổi lễ trao giải ngày 10/12/2010 tại Oslo, thủ đô Na Uy. Có tất cả 19 nước không đến tham dự trong đó có Việt Nam. Ban tổ chức đã dành một chiếc ghế trống cho ông Lưu Hiểu Ba để làm nổi bật sự vắng mặt của người được giải. Trong lịch sử 109 năm của giải đây là lần thứ 5, người được trao giải vắng mặt.
Truyền thông Tây phương đã chỉ trích thái độ của Trung quốc bằng những lời lẽ nặng nề cho rằng một nước văn minh tiến bộ đang góp phần vào việc bảo vệ trật tự thế giới như Trung quốc mà hành xử như thảo khấu vậy thì thật là một điều đáng lo (The Australian by Rowan Callick).
Động thái của Trung quốc thật đáng bị phỉ nhổ. Nhưng một câu hỏi cần đặt ra. Tại sao Trung quốc hành động như vậy. Và trong 19 nước không gởi đại diện đến tham dự buỗi lễ phát giải có phải đều vì nể sợ Trung quốc không, hay còn vì một lý do nào khác?
Na Uy có thiện chí muốn dùng chút uy tín của giải Nobel để xây đắp hòa bình thế giới. Trao giải cho Lê Đức Thọ năm 1973 với hy vọng đảng Cộng sản Việt Nam thi hành nghiêm chỉnh Hiệp Định Paris. Trao giải cho Yasser Arafat và thủ tướng Do Thái năm 1994 với hy vọng giải quyết được mối tranh chấp sinh tử giữa hai cựu thù. Trao giải cho tổng thống Barack Obama năm 2009 theo lối “hoàng tử tốt áo” khi ông ta chưa đóng góp gì cho hòa bình thế giới với hy vọng ông sẽ giải quyết cuộc tranh chấp giữa thế giới Tây phương và thế giới Hồi giáo một cách ôn hoà.
Như vậy sự chọn lựa của Ủy Ban Hòa Bình Nobel nhuốm màu sắc chính trị và do đó đánh mất uy tín và giá trị của giải hòa bình Nobel. Và Trung quốc có lý do để coi thường.
Với thành tích đấu tranh cho nhân quyền, ông Lưu Hiếu Ba xứng đáng được giải (mặc dù so thành tích đấu tranh bất bạo động Hòa Thượng Thích Quảng Độ xứng đáng hơn nhiều), nhưng Trung quốc không thể không thấy Ủy ban Hòa bình Nobel dùng đòn chính trị khi chọn ông Lưu Hiểu Ba để làm bỉ mặt mình.
Trong số những nước không gởi đại diện đến tham dự lễ trao giải có nhiều nước không phải sợ Trung quốc mà là một cách gián tiếp coi thường cái giải Nobel đã mất giá trị (như Liên bang Nga, Saudi Arabia, Pakistan, Ai Cập, Philippines …).
Cuộc tranh luận về giải hòa bình Nobel năm 2010 làm mất uy tín của Trung quốc đến mức độ nào chưa biết, nhưng hẳn là một bước ngoặc của gỉải Hòa bình Nobel.
Wikileaks:
Cuộc tranh luận về giải hòa bình Nobel chưa chấm dứt thì xẩy ra vụ Wikileaks. Wikileaks là một tổ chức bất vụ lợi quốc tế (International Non-Profit Organization) do một công dân Úc, ông Julian Assange làm giám đốc. Web wikileaks thường chuyển tải các tin tức mật hay không mật trên thế giới của nhiều quốc gia và quan hệ liên quốc gia. Ông Assange hành động với mục đích trong sáng hóa sinh hoạt trong một quốc gia, quan hệ quốc tế và đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế tài chánh, nói cách khác là hoạt động của các ngân hàng.
“Trong sáng” là mục đích căn bản của tự do ngôn luận giúp dư luận tiếp cận với thông tin chính xác để trọng tài sinh hoạt quốc gia, quốc tế, và các đại cơ sở tài chánh. Tuy nhiên trên thực tế quan hệ quốc tế (chính tri, ngoại giao, tài chánh) không thể vận hành nếu mọi thông tin đều được “trong sáng hóa” quá sớm. Cho nên giữ kín một số thông tin “tế nhị” để bảo đảm trật tự quốc gia và rộng hơn là trật tự thế giới là một điều cần thiết. Vấn đề là thông tin tế nhị nào cần giữ kín và giữ kín trong bao lâu?
Câu hỏi này được các quốc gia dân chủ trả lời bằng luật và bằng định chế chính trị. Tại Hoa Kỳ bộ luật “Freedom of Information Act” (ban hành năm 1966, tu chính năm 1996 và năm 2005) cho phép công dân Mỹ yêu cầu chính quyền liên bang cung cấp cho họ những thông tin được giữ kín sau một thời gian luật định. Và Quốc hội trong những buổi điều trần kín có thể yêu cầu hành pháp tiết lộ những điều họ muốn biết trong nhiệm vụ kiểm soát.
Nếu sự việc diễn ra trong trật tự đó thì không có vấn đề gì. Vấn đề là đảng phái và tư lợi. Đảng cầm quyền và cá nhân cầm quyền thường lạm dụng sự ém tin để làm lợi cho đảng phái hay cá nhân mình. Trong khi đó các cơ sở tài chánh, nhất là các đại Ngân hàng dùng sự ém tin để sinh lợi phi pháp.
Nếu các thông tin đã được chính quyền Bill Clinton và GeorgeW. Bush khai thác một cách đứng đắn và chuyên nghiệp có thể các cơ quan an ninh Hoa Kỳ đã ngăn chận được cuộc khủng bố 911 năm 2001. Nếu các thông tin về khả năng chế tạo vũ khí giết người tập thể của Saddam Hussein đã được công khai hóa nhiều hơn thì có thể Hoa Kỳ đã tránh được cuộc chiến tranh tốn kém tại Iraq. Và nếu thông tin về điều hành nội bộ của các cơ sở kinh tế tài chánh Hoa Kỳ đã được báo chí biết nhiều hơn có thể đã tránh được cuộc khủng hoảng địa ốc, tín dụng và tình trạng suy thoái kinh tế cuối năm 2008 kéo dài đến hôm nay.
Điều làm người ta lo ngại đối với vụ Wikileaks là cá nhân với phương tiện kỹ thuật điện toán trong tay có thể trở thành những “cá nhân khổng lồ” (dịch chữ super-empowered individuals của nhà kinh tế Thomas L. Friedman trong bài viết “We’ve only got one America” , International Herals Tribune 16/12/2010) sánh ngang quyền lực của một chính quyền hay của các đại Ngân hàng và –qua đó- làm thay đổi trật tự thế giới.
Ngoài những chuyện “trà dư tửu hậu” của các nhà chính trị hay các viên chức ngoại giao, các tiết lộ chính trị của Wikileaks không làm ai ngạc nhiên vì ai cũng đoán biết là như vậy, nhưng sự việc được tiết lộ công khai trên giấy trắng mực đen lại là một vấn đề khác.
Trong những chuyện trà dư tửu hậu có chuyện bà Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton hỏi các viên chức ngoại giao Hoa Kỳ ở Argentina thử dò xem bà tổng thống Cristina Fernandez có uống thuốc gì không mà sao quá nhạy cảm trong các quyết định quan trọng. Chuyện trà dư tửu hậu khác là viên chức bộ Hoa Kỳ bề ngoài miêu tả Liên bang Nga bằng những lời hoa mỹ ngoại giao, vẫn thường “kháo” với nhau rằng Liên bang Nga thực chất là một nước Mafia (“virtual mafia state”) công an trị trong đó tổng thống Dmitry Medvedev chỉ là anh chàng “Robin” tay sai của “Batman” Valdimir Putin. Các nhà ngọai giao Mỹ còn đi xa hơn khi thì thầm khen ngợi các cô y tá gốc Ukraine săn sóc đại tá Muanmar Qaddafi “ngon quá” với sự thèm thuồng.
Tiết lộ chính trị của Wikileaks làm mất uy tín của Hoa Kỳ là bộ ngoại giao yêu cầu viên chức Hoa Kỳ moi hồ sơ sinh học (như dấu chỉ tay, DNA …) của các viên chức ngoại giao các nước khác làm việc tại trụ sở Liên hiệp quốc, kể cả ông Tổng thư ký Ban Ki-moon. Tiết lộ khác cho biết Hoa Kỳ hiện tồn trữ vũ khí nguyên tử tại Bỉ, Hòa Lan, Đức và Thổ Nhĩ Kỳ làm ảnh hưởng đến chính sách chống sự lan tràn vũ khí nguyên tử của Hoa Kỳ. Và Hoa Kỳ ngầm nói với Slovenia rằng nếu chịu nhận một tù nhân tại nhà tù Guantanamo thì tổng thống Slovenia có thể hội kiến tổng thống Obama.
Các tiết lộ khác có tính tình báo nhạy cảm. Như Trung quốc gọi Bắc Hàn là “thằng bé hư” (spolied child) và cho biết họ không “care” nếu Bắc Hàn sụp đổ và Nam Bắc Hàn thống nhất dưới chế độ chính trị của Nam Hàn. Giật gân hơn là tiết lộ Saudi Arabia chính thức ủng hộ Iran, nhưng đã ngầm yêu cầu Hoa Kỳ dùng sức mạnh quân sự để chận đứng chương trình chế tạo bom nguyên tử của Iran. Vua Addullah của Saudi Arabia qua một điện văn mật gởi chính phủ Hoa Kỳ viết nguyên văn, hãy “chặt đầu con rắn” (cut the head off the snake).
Cuộc tranh luận về lợi và hại của Wikileaks đang còn sôi nổi. Người khen Julian Assange đã hành động ngoạn mục giúp ổn định một số điểm nóng trên thế giới như làm cho Bắc Hàn bớt hung hăng, Do Thái bớt bị thế giới chê là quá khích về thái độ cứng rắn đối với chương trình nguyên tử của Iran. Kẻ chê cho rằng Julian Assange hành động một cách vô trách nhiệm làm giảm uy tín của các đại cường trên thế giới như Hoa Kỳ, Trung quốc, Liên bang Nga, tạo sự bất ổn định trên thế giới.
Đúng hay sai còn để hạ hồi phân giải. Nhưng một điều dễ thấy là thế giới trong sáng thì không ai cần Wkileaks. Nhưng một thế giới không trong sáng, hành động của Wikileaks có thể là một cần thiết .
Thượng bất chính thì hạ tất loạn.
Jan 2, 2011
© Trần Bình Nam
© Đàn Chim Việt
—————————————-
Tài liệu tham khảo:
1. We’ve only got one America by Thomas L. Friedman, International Herald Tribune 16 Dec. 2010
2. What Wikileaks revealed: from soporific to sizzling, The Economist Dec. 4 -10th, 2001
Thật đáng xấu hổ cho bọn cộng sản còn sót lại trên hành tinh này, việc này thật đáng làm vì bọ cộng sản thiểu số còn lại rất thâm độc và thú tính, sao mấy hôm nay trang danlambao không truy cập vào dc. toàn bị chặn, cộng sản ơi chán chúng mày quá.