WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Chuông ngân chạnh nhớ yêu đầu

Bẵng đi một dạo bốn năm đằng đẵng tôi xa hẳn cuộc thánh chiến giữa ác quỷ và thiên thần, xa hẳn sự giằng co giữa nhà chùa và yêu nữ để lọt vào thế giới của nhà tu và… đực rựa. Đó là thời kỳ tôi du học Canada, tại một đại học công giáo ở Québec. Xứ đã lạnh lẽo mà năm học đầu tôi chỉ có toàn là bạn trai nên cô đơn và buồn bã hết nói, buồn tới mức khủng hoảng, mất ngủ triền miên. Một bận cuối năm, bọn ở nhà trọ đều về quê ăn Giáng sinh hết, bỏ lại tôi một mình ở nhà trọ hơn mười ngày. Xung quanh xứ lạ quê người, nhà cửa đóng im ỉm. Buồn quá tôi lang thang ra phía sau trường, leo lên một ngọn đồi nhỏ nhìn tuyết xuống rợp trời trên thành phố dưới chân đồi. Cô đơn mãnh liệt tới mức tạo cho tôi một cảm giác đau đớn vật chất, như một mũi tên bắn thủng qua đầu. Cô đơn muốn ngất xỉu. Xung quanh chỉ có tuyết rơi và tuyết rơi. Thình lình tôi chợt thấy mình tan ra trong tuyết. Tôi và vũ trụ chỉ là một. Cảm giác tạo nên ngây ngất mãnh liệt bàng hoàng. cô đơn chợt tan biến. Tôi sảng khoái trở về gác trọ ngủ vùi một giấc hơn hai mươi bốn tiếng đồng hồ, bỏ cả cơm nước (hay đúng hơn là bánh mì và xúp). Dĩ nhiên thời gian sau tôi phải cố lôi kéo cho bằng được yêu nữ vào đời mình, khi đó cuộc sống tôi mới trở lại quân bình. Nhưng đó là loại chuyện “kéo dài xa tít tận chân trời”, xin miễn bàn sâu tán rộng ở đây. Goodbye yêu nữ!

Trở về nước, tôi thuê nhà ở Bàn cờ, sau chùa Kỳ viên, gần chùa Tam tông miếu. Giữa hai kiểng chùa những tưởng tôi được chở che khỏi ác nghiệp. Ngờ đâu cách chùa Kỳ viên mấy căn nhà lại là động của các yêu nữ. Má tôi còn lui tới chùa, còn tôi thì tuyệt nhiên không. Nếu bà là thân mẫu của thầy Mạnh tử, không rõ bà có quyết định dời nhà không nữa, và nếu dời, dời đi đâu? Nhưng cho dù không muốn dời đi nữa, mà hoàn cảnh đưa đẩy bắt buộc dời thì cũng phải dời.

Tôi dọn về Hàng xanh. Cũng lại giữa hai kiểng chùa: chùa Liên hoa và chùa Long vân tự. Hai chùa không được biết nhiều nhờ tu hành, mà nổi tiếng là vùng ẩn núp của nhiều du đãng. Má tôi không lui tới hai chùa này. Nghị gật càng có lý do để thống nhất hành động với lãnh tụ. Cách nhà không xa là thạch động của hai yêu nữ, một nữ đầm lai và một nữ kia to khỏe không kém, ngực mông rất phây phây. Lần này không phải ông già tôi điềm chỉ chỗ “đá vịt” mà là ông già vợ… của anh tôi, tức một ông suôi khác của ba tôi. Tôi bắt đầu kiểm điểm lại các nơi cư ngụ của mình, và nhận thấy có sự trùng hợp kỳ lạ: lẩn quẩn tôi vẫn ở cạnh bên, ngang hông, đối diện, xéo xéo… với “nhà chứa” và “nhà chùa”. Gần như một chướng nghiệp. Nhưng lần này có thêm một loại nhà khác nữa xen vào đời sống thân mật của mình mà tôi chưa có dịp ghi nhận: “nhà mồ”. Từ nhà tôi quẹo ra xa lộ, đi lên một đỗi không xa là nghĩa trang Quân đội. Về sau, loại nhà này cứ lởn vởn xáp lại gần chỗ tôi cư ngụ nên tôi mới bắt đầu để ý.

Rồi đất nước chiến tranh dai dẳng cho tới lúc Sài gòn sập tiệm. Tôi tình cờ đi tu nghiệp ở Pháp trước cái ngày hắc ám đó hai tháng. Vợ con tôi nhào đại lên một chiếc tàu Đại hàn đậu ngoài Tân cảng nên kịp di tản may mắn vào phút chót. Tôi và vợ con tốt phước, tôi cho là phần lớn cũng nhờ công đức của má tôi hay đi chùa lạy Phật. Mà tôi không kẹt nhưng má tôi kẹt. Một tay bà bồng ẵm hai đúa con tôi từ nhỏ, tụi nhỏ theo má chạy mất! Bặt tin hai tháng sau, bà buồn rầu lâm bệnh rồi trút hơi thở cuối cùng tại nhà tôi. Ba tôi chôn cất bà tại Nghĩa trang Tương tế. Như vậy chưa yên, nghĩa trang bị giải tỏa sau đó, bà được mai táng lần thứ hai trong khuỷnh vườn nhỏ của ông suôi (thứ hai) tại Thủ đức. Như vậy không biết đã yên chưa. Ba tôi thì đang lâm bệnh nặng sợ không qua khỏi tuổi tám lăm. Người nhà đã nhắc hòm sẵn. Khi xưa ba tôi thường dặn tao có chết tụi bây chôn thẳng xuống đất làm phân bón, khỏi cần hòm (ông đã bán cái hòm tự đóng cho mình để có tiền xây xài). Từ ngày nhà nước kêu gọi mọi người bón phân cho chế độ, ông đổi ý đòi chôn cất có hòm đàng hoàng. Tôi còn nhớ những ngày ở ngang nhà Bảy Trào, khi đóng đồ mộc trong trại ba tôi thường hát nghêu ngao: “Ôi quỷ vô thường đâu có vị người tri kỷ, còn đó âm dương lại đưa rước vô chừng”. Lần trước được tin má chết tôi không khóc, lần này nếu được tin ba chết có lẽ tôi cũng sẽ không khóc . “Thế gian tiếu ngã bất tang thương, ngã tiếu thế gian khấp đoạn trường”, đó cũng là một câu ba tôi thường hay hát.

Tôi ở Paris ngót nghét cũng đã mười năm, trong ba căn nhà khác nhau, nhà nào cũng ở gần nghĩa địa. Lần đầu tiên ở đường Pyrénées, gần nghĩa địa Père Lachaise. Lần thứ hai ở đường Odessa gần nghĩa địa Montparnasse. Lần thứ ba về Bagnolet, trở lại nghĩa địa Père Lachaise, cộng thêm nghĩa địa Bagnolet. Tôi thường tự nhủ như vậy cũng tiện, lúc biết mình sắp chết có thể đi bộ ra nhà mồ, tiết kiệm được một vé métro. Ở đây tôi không quen một vị sư nào nên chẳng biết chùa nào mà đi. Nhà chứa thì ở tại các khu dành riêng, yêu nữ và khách hàng mặc cả lộ liễu coi chẳng văn nghệ một chút nào. Tôi ngán ngẩm và hơn nữa cũng chẳng có nhu cầu. Thằng lớn thằng bé gì cũng đã mỏi mệt sau mấy mươi năm thế sự thăng trầm. Nhà chùa: vãn! Nhà chứa: vãn. Chỉ còn lại nhà mồ. Tôi giật mình!

Trong khoảng thời gian thất nghiệp tôi thường ra nghĩa địa Père Lachaise ngồi nghiền ngẫm sự đời. Hình như kinh Phật cũng có khuyên người ta thỉnh thoảng nên ra nghĩa địa mà suy tư đời sống và kiếp người. Suy tư chán mà tôi chẳng thấy mình được soi sáng thêm một chút nào. Tôi quay ra tìm kiếm mối liên hệ giữa ba yếu tố không ngớt quanh quẩn trong cuộc sống của tôi: nhà chùa, nhà chứa, nhà mồ. Tôi cố tìm vị trí thích hợp tương đối của nhà này đối với nhà kia. Tôi xoay chỗ tuần tự các nhà, rồi ngắm nghía các mô thức do mình đề ra: nhà chùa-nhà chứa-nhà mồ, nhà chùa-nhà mồ-nhà chứa, nhà chứa-nhà mồ-nhà chùa, nhà chứa-nhà chùa-nhà mồ, nhà mồ-nhà chứa-nhà chùa, nhà mồ-nhà chùa-nhà chứa. Hết. Cả thảy sáu mô thức, không thể hơn được. Với mỗi mô thức tôi bóp trán cố hình dung một cảnh ngộ phù hợp với hoàn cảnh đó tuần tự theo đời sống của một kiếp người: Lúc thất nghiệp tôi có khối thì giờ để bóp trán. Nhưng rồi không có cái nào ổn hết. Nếu thuận theo cái lý của Kiều thì diễn tiến hợp lý phải là: nhà chứa-nhà chùa-nhà mồ. May nhờ có Giác Duyên trực sẵn ở sông Tiền đường để vớt lên, bằng không thì Kiều đã đi tàu suốt ra nghĩa địa, sè sè nấm đất bên đàng, dàu dàu ngọn cỏ nửa vàng nửa xanh. Nhưng hoàn cảnh đó chỉ thích hợp với yêu nữ. Gặp trường hợp đực rựa như tôi mới tính làm sao? Có lẽ tôi sẽ đi tu và dựng một cái am mây nằm giữa nhà chứa và nhà mồ. Biết đâu nhờ chó dắt tôi có thể vớt được Kiều mang về chùa (để làm gì? nghi lắm!) Hoặc giả có thể chờ khi trăng lặn, hồ ly tinh sẽ đội mồ trút xác biến thành con gái Bảy Hoàng đột nhập vào chùa tìm chàng thư sinh mặt trắng (để làm gì? bí mật!) Hoặc giả yêu nữ và hồ ly tinh đụng độ nhau rồi đánh ghen ngay tại chùa chờ ông đạo ra… giảng hòa? Cũng không ổn. Bóp trán một hồi nữa tôi nhức đầu như thể Tề thiên bị vòng kim cô xiết chặt. Tôi bỏ cuộc. Nhưng chính lúc đó tôi nhận thức tâm mình còn quá vọng chấp, còn quá phân biệt (có cái nhà chùa, có cái nhà chứa, có cái nhà mồ), thành thử cứ oan khổ triền miên không dứt. Có thể chăng ba nhà chỉ là một nhà? Mà một nhà cũng không phải là một nhà? Nếu má tôi còn sống chắc chắn bà sẽ rầy tôi: “Con đừng nói tầm bậy mà có tội với Trời Phật”. Nếu ba tôi có đây kể như ông sẽ chửi tôi: “Mầy mà tu kiểu đó thì tao đốt chùa!” Má tôi đúng, ba tôi đúng, tôi sai? Má tôi sai, ba tôi sai, tôi đúng? Má tôi sai, ba tôi sai, tôi sai?

Trả lời có lẽ giờ đây chỉ còn chăng ngọn lửa chập chờn trên mái chùa đang bốc cháy trong tâm tưởng của tôi.

© Kiệt Tấn

Pages: 1 2 3

Phản hồi