WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Tản mạn về từ Hán-Việt

3.2 Một số cách dùng có thể đã hiện diện trong thư tịch cổ đại TQ, nhưng phạm trù nghĩa đã thay đổi phần nào khi người Nhật dùng và duy trì nghĩa này cho đến nay – các từ HNHV có dấu hoa thị ở sau trong bảng liệt kê – nói cách khác hơn là chính người Nhật, qua những cải cách tân học (Tây học), đã tạo cơ sở vững chắc và chính xác hơn trong cách dùng các từ này:

Kinh tế 經濟: nghĩa cũ (kinh bang tế thế/sửa nước cứu đời, kinh thế tế dân/trị đời giúp dân …) – “kinh quốc tế dân …” [a] bao gồm chính trị, kinh tế, xã hội khác với nghĩa bây giờ (dịch tiếng Anh economy)

Cách mạng/mệnh 革命: nghĩa cũ là đổi mệnh vua (vua chịu mệnh trời), đổi triều vua (Đào Duy Anh) – “thực thi biến cách ứng thiên mệnh. Cổ đại nhận vi (̣nghĩ rằng) đế vương thụ mệnh ư thiên, nhân xưng triều đại canh thế vi cách mệnh (vì thế gọi thay đổi triều đại là cách mệnh) [b] ; hiện nay cách mạng/revolution nghĩa là đổi chế độ cũ…

Bác vật 博 物: nghĩa cũ là thông thái, hiểu biết nhiều (bác cổ thông kim, uyên bác)  – “bác thức đa tri…” [c]; Bác vật (học) chỉ khoa học tự nhiên (natural science). Không thấy tiếng Việt dùng các từ này nữa so với thời các cụ Đào Duy Anh, Gustave Hue …

Theo học giả Phùng/Bằng Chí Vĩ thì các danh từ sau cũng có quá trình đổi nghĩa và cách dùng tương tự (xem phụ chú 6): đầu cơ, giai cấp, cơ quan, tinh thần, nội các, phát minh, chủ nghĩa, đồng tình (thông cảm), văn hoá, văn minh, di truyền, thẩm vấn, sinh sản (sản xuất), nguyên soái, xâm lược, câu lưu …

Lao động労働rōdō/勞動/劳动: nghĩa cũ là điều khiển hoạt động/cử động “thao tác hoạt động…” [d] - để ý lao động viết theo kiểu Nhật 労働 và động (dòng BK) rút gọn9 thành dō. Lao 労là Nhật Bản Hán Tự 日本漢字 (chữ Nhật gốc Hán) cũng như chữ Nôm truyền thống ở Việt Nam; chữ lao 労còn hiện diện trong tự điển dị thể tự – xem trang này http://dict.variants.moe.edu.tw/yitia/fra/fra00396.htm

Phát minh 發明/发明: nghĩa cũ là gợi ý “khải phát, khai khuếch [e]

v.v…

3.3 Tiếng Anh thuộc ngữ hệ Ấn Âu hay loại hình ngôn ngữ hoà kết (flexional/flectional) với khả năng dùng hậu tố/tiếp vĩ ngữ (suffix) và tiền tố/tiếp đầu ngữ (prefix) rất khác với loại hình ngôn ngữ đơn lập (isolating hay analytic) như tiếng Việt, tiếng Trung (Quốc). Tiếng Anh boy (bé trai) chỉ có một dạng (hình vị/morpheme) là boy – dạng này có tỷ số hình-vị-và-chữ (morpheme-word ratio) là 1:1; hay trong trường hợp số nhiều là boys thì tỷ số hình-vị-và-chữ là 2:1. Trường hợp chữ international (quốc tế) thì tỷ số hình-vị-và-chữ lên đến 3:1. Tiếng Hán, Việt (ngôn ngữ đơn lập) hầu như không có các trường họp trên và tỷ số hình vị và chữ thường là 1:1. Hậu tố -ise (hay -ize) dùng để làm động từ rất thông dụng như Americanise (Mỹ hoá, Mỹ quốc hoá 美國化), Vietnamise (Việt hoá), internationalise (quốc tế hoá 国際化), normalise (bình thường hoá, TQ dùng chính thường hoá, Nhật dùng chính quy hoá)… và đương nhiên chữ hoá 化 (tiếng Hàn dùng hwa) được dùng cho hậu tố -ise; người Nhật đã tạo ra các chữ mới dùng hoá như là một hậu tố trong các ngôn ngữ đơn lập. Hậu tố -ism cũng được dịch là chủ nghĩa như Communism trong tiếng Nhật là 共産主義 (Kyōsan shugi, tiếng Nhật rút gọn9 phụ âm sau -ng như Kinh Đô 京都 thành Kyoto, Cộng thành kyo-), nhập vào TQ và VN là Cộng Sản chủ nghĩa, tiếng Hàn là 공산주의 (gongsanjuui); Capitalism là 資本主義 Shihon shugi (Nhật) nhập vào tiếng Trung (Quốc) và VN là Tư bản chủ nghĩa so với tiếng Hàn 자본주의 (jabonjuui). Nationalism thường được dịch là 民族主義 (tiếng Nhật dùng dạng Kanji/Hán tự) hay ナショナリズム (Nashonarizumu, tiếng Nhật dùng kiểu Katakana) – nhập vào tiếng Hán và VN thành Dân Tộc chủ nghĩa (hay Quốc gia chủ nghĩa) so với tiếng Hàn 민족주의 (minjogjuui hay kukgajuui).

4. Các từ HNNV (Hán-Nhật-Nhật-Việt)

Một số từ HV không thấy Trung Quốc dùng mà chỉ ở Nhật và VN, thí dụ như các từ đại tá, thiếu tá, đại uý … Tiếng Hán hiện đại gọi đại tá10 (Colonel) là 陸軍上校 Lục Quân thượng hiệu hay thượng hiệu, 團長đoàn trưởng … chứ không như cách gọi quân hàm của VN và Nhật. Đại Tá tiếng Nhật là 大佐 taisa. Tự điển ‘Petit Dictionnaire francais-annamite’ của Trương Vĩnh Ký (1884) định nghĩa colonel là Chánh tổng-binh, quản cơ, quản vệ và Đại Nam Quốc Âm Tự Vị của Paulus Của (1895) thì không ghi các từ đại tá, thiếu tá … Cho đến thập niên 1930 thì Gustave Hue đã ghi chép các từ đại tá, thiếu tá trong cuốn Dictionnaire vietnamien-chinois-francais (1937). Học giả Đào Duy Anh còn ghi là đại tá ‘chức quan võ trên chức trung tá, cũng gọi là thượng tá’ trong cuốn Hán Việt Tự Điển (1931). Thiếu tá tiếng Nhật là 少佐  shosa so với cách gọi thiếu hiệu少校của TQ. Hiện nay, thượng tá là cấp bậc trên trung tá nhưng dưới đại tá, phản ánh phần nào ảnh hưởng của Trung Quốc (thượng hiệu) ở miền Bắc so với thời VNCH vẫn duy trì ảnh hưởng Nhật Bản và không có cấp bậc này. Vào những năm Pháp bắt đầu xâm lăng VN cũng là thời kỳ quân đội Nhật tổ chức lại hệ thống cấp bậc (dùng đại tá, thiếu tá … từ năm 1867); sau đó bốn thập niên phong trào Đông Du cố gắng giới thiệu các thay đổi và canh tân ở Nhật vào VN và giải thích được sau đó các từ HNNV lại nhập vào tiếng Việt.

Cách dùng phi trường (sân bay) trong tiếng Việt cũng đáng chú ý: tiếng Nhật là không cảng 空港 kūkō (rút gọn phụ âm cuối9, kōng gǎng BK trở thành kūkō) hay phi hành trường 飛行場 hikōjō (phụ âm đầu b/p BK trở thành h, phụ âm h BK trở thành k và rút gọn phụ âm cuối9 ); tiếng Hàn cũng dùng không cảng 공항 (gonghang, vẫn duy trì phụ âm cuối -ng) khác với tiếng Hán là cơ trường 機場/机场 hay phi cơ trường 飛機場/飞机场. Kỹ sư 技師 tiếng Nhật11 – tiếng Việt cũng vậy so với tiếng Hán là công trình sư 工程師 – so với kỹ gia 기사 (gisa/kisa tiếng Hàn). Trương Vĩnh Ký (sđd, 1884) dịch kỹ sư (ingénieur tiếng Pháp) là bác-vật, Đào Duy Anh (sđd, 1931) ghi nhận kỹ sư như là công trình sư.

5. Ghi chú và phê bình thêm

Để cho đầy đủ hơn, các bạn đọc (nếu thấy thích thú) nên cẩn thận tra cứu thêm nhiều dữ kiện từ các bài viết có sẵn trên mạng về đề tài (rất lớn rộng) ‘du nhập tiếng Anh vào tiếng Hán, Nhật, Hàn, Việt … hay từ vay mượn/ngoại lai ngữ/loanwords…’ –  như những bài viết của học giả Feng Zhiwei/Phùng (Bằng) Chí Vĩ “The structure of Chinese loanwords” (cấu trúc của các từ vay mượn trong tiếng Hán) trang http://www.lingviko.net/feng/structure-zwfeng.pdf hay bài viết của Gao Ruikua (cũng là luận văn Thạc Sĩ, Anhui University, 2005) “Analysis of Language Borrowing between English, Chinese and Japanese” – xem trang này http://www.docstoc.com/docs/2390150/Analysis-of-Language-Borrowing-Between-English-Japanese-and-Chinese

- các bài viết qua chủ đề “English loanwords in Japanese” có thể tra trên mạng dễ dàng, như của tác giả Gillian Kay (1995) hay của tác giả Bobby Ruijgrok (2009) trang http://bobbyruijgrok.com/gulibu/lipapers_files/English%20loanwords%20in%20Japanese.pdf hay https://www.csun.edu/~bashforth/301_PDF/301_P_P/EnglishLoanWordsJapanese.pdf

v.v…

1) Lợi Mã Đậu 利瑪竇 (Ricci, vần đầu Ri ~ li hay Lợi 利, Mã Đậu 瑪竇là phiên âm của Matteo) là tên Hán hoá (đơn âm hoá) của giáo sĩ Ý sang Trung Quốc truyền giáo và chết vì bịnh ở Bắc Kinh – Matteo Ricci (1552-1610) – rất được giới nho gia TQ đương thời kính trọng và tôn làm Thái Tây Nho Sĩ 泰西儒士. Lợi Mã Đậu (nhờ vào Từ Quang Khải 徐光啟, 1562-1633) là người đầu tiên dịch Tứ Thư Ngũ Kinh ra tiếng Âu Châu (La Tinh) cũng như đem các khái niệm khoa học (Hình học, Số học, Thiên văn học …) của Tây phương vào TQ – xem trang này http://zh.wikipedia.org/zh-tw/%E5%88%A9%E7%8E%9B%E7%AA%A6

Ảnh: wikipedia

Hình bìa cuốn “Kỷ Hà nguyên bổn” (Hình học căn bản, dịch từ Elements của Euclid mà Matteo Ricci học ở La Mã trước khi qua TQ) với hình của Lợi Mã Đậu (trái) và Từ Quang Khải (phải).

Một điểm đáng chú ý là trong cuốn “Danh Từ Khoa Học” của học giả Hoàng Xuân Hãn/HXH (NXB Khoa Học Tùng Thư, in lần thứ nhất, 1942), ông cũng dịch Géométrie là Hình học. ‘Hình học’ đã được dùng trong các tự điển HV của Đào Duy Anh/ ĐDA (1931), Gustave Hue (1937). Tuy nhiên, HXH dùng ‘cấp số nhân’ thay vì ‘kỷ hà cấp số’幾何級數 (progression géométrique, geometric progression/series) như ĐDA; tiếng Hàn cũng dựa vào tiếng Hán là 기하 급수 (giha geubsu) khác hẳn với tiếng Nhật dịch là đẳng tỷ số liệt 等比数列.

2) đấy là chưa kể những chữ hiếm đọc là tân như bộ nạch hợp với chữ Tân (hài thanh) có nghĩa là cảm lạnh/run lên (ague) cũng đọc là tân 㾕 – theo Khang Hy: 【 集韻】 斯人切, 音辛 [Tập Vận] tư nhân thiết, âm Tân …v.v… Thí dụ như xem một tự điển TQ khá phổ thông trên mạng, âm tân HV (xīn BK) có tất cả 97 cách viết khác nhau – xem trang này http://www.chinalanguage.com/dictionaries/

3) năm 1905 các nhà ái quốc Phan Bội Châu, Đặng Tử Kính, Tăng Bạt Hổ đã đến Hoành Tân bằng đường thuỷ để xin ngoại viện. Qua các lời khuyên (bút đàm) của Lương Khải Siêu và một số chính khách ở Nhật, cụ Phan Bội Châu đã chuyển hướng ‘cầu viện’ sang ‘cầu học’. Đây không phải là liên hệ đầu tiên giữa Việt Nam và Nhật Bản, ít nhất là đầu thế kỷ 15 đã có người Nhật đến Hội An buôn bán; phố cổ Hội An nay còn để lại nhiều dấu ấn về giao lưu văn hoá và kinh tế thời đó. Bài này chỉ giới thiệu khung cảnh tổng quát về giao lưu văn hoá qua ngôn ngữ (từ HNHV, HNNV …) – đây là một chủ đề đáng được tra cứu thêm như qua những bài viết của các nhà ái quốc và học trò của phong trào Đông Du nói trên.

4) anime (phim hoạt hình) đã mở rộng thị trường cổ điển của phim hoạt hình dành cho con nít (cartoon) đến mọi lứa tuổi và đến khắp nơi trên thế giới (và trở thành một loại văn hoá toàn cầu/global culture) anime xuất hiện sau thời kỳ phổ thông của manga (truyện tranh Nhật Bản) – xem thêm chi tiết trang http://vi.wikipedia.org/wiki/Anime .

5) “Từ vựng gốc Hán trong tiếng Việt” tác giả GS Lê Đình Khẩn – NXB Đại Học Quốc Gia Thành Phố HCM (2002)

6) bài viết “The Semantic Loanwords and Phonemic Loanwords in Chinese Language” tác giả Feng Zhiwei – trình bày trong Hội Thảo quốc tế kỳ 11 tổ chức tại Tokyo (2004) – có thể đọc toàn bài từ trang này  http://ling.cuc.edu.cn/htliu/feng/loanword-zwfeng.pdf

7) xem chi tiết các thảo luận trên các trang mạng bách khoa TQ như  http://zh.wikipedia.org/w/index.php?title=%E5%92%8C%E5%88%B6%E6%B1%89%E8%AF%AD&variant=zh-cn hay  http://baike.baidu.com/view/817962.htm

Bạn đọc có thể xem thêm các bài viết liên hệ như 現代漢語中的日語 “ 外來語” 問題 (Hiện Đại Hán Ngữ trúng đích Nhật Ngữ “ngoại lai ngữ” vấn đề) của tác giả Vương Bân Bân 王彬彬 trang http://www.zhaojun.com/youci/riyu.htm hay bài viết bằng tiếng Nhật http://freett.com/nandon/lunwen1.htm

8) Ngoại Lai Ngữ 外來語 là các từ vay mượn (tiếng ngoại quốc) – giọng BK bây giờ là wài lái yǔ so với âm HV Ngoại Lai Ngữ, và Nhật là Gailaigo. Theo thống kê của tác giả Monique Cheung khi tra các tự điển tiếng Nhật thì số lượng Gailaigo càng ngày càng tăng – xem chi tiết trang  http://www.slidefinder.net/j/japanese_loanwords_monique/17176589

Năm                Số lượng (phần trăm) Gailaigo trong tự điển tiếng Nhật

1859                1.4 %

1956                3.5 %

1972                7.8 %

Hiện nay          ước độ 10 %

Bảng liệt kê các từ vay mượn – xem trang này http://en.wikipedia.org/wiki/List_of_gairaigo_and_wasei-eigo_terms thí dụ như

アベック                    abekku             avec  (từ tiếng Pháp, nghĩa là cặp/đôi tình nhân)

アイスクリーム       aisu kurīmu      ice cream (từ tiếng Anh, nghĩa là kem/kà lem)

v.v…

9) tiếng Nhật không có phụ âm sau -ng so với tiếng Trung (Hoa) hay VN. Quá trình rút gọn phụ âm sau -ng  cho ra dạng Tokyo: Đông Kinh 東京, giọng BK bây giờ là dōng jīng, trở thành To-Kyo. Ngôn ngữ con người luôn luôn thay đổi, theo thời gian để cho các tiếng cổ và theo không gian để cho các tiếng địa phương (phương ngữ, thổ ngữ…). Sự thay đổi này còn được ghi trên giấy tờ rõ ràng như tên thành phố Bắc Kinh, Nam Kinh : thế hệ bây giờ thường đọc là Bây-Ching (theo giọng Phổ Thông BK, bĕijīng  北京 ) hay Nan-Ching (Nánjīng BK 南京 ), Phu-Chiên (Fújiàn BK 福建 ) … nhưng các báo chí sách vở từ trăm năm qua vẫn thường ghi là Peking, Nanking … và ta vẫn cứ gọi là Bắc Kinh, Nam Kinh, Phúc Kiến … khi nói chuyện hàng ngày. Âm bắc HV còn duy trì âm cổ cuối –k (cũng như một số giọng miền Nam TH như Quảng Đông, Hẹ) và phụ âm cổ đầu k- của Kinh (thay vì ngạc hoá thành một dạng ch-). Đây là một thí dụ cho thấy các biến âm đã được duy trì qua báo chí và phương ngữ (vẫn giữ âm cổ hơn) cũng như trong âm Hán Việt, Hán Hàn, Hán Nhật (phản ánh thời kỳ giao lưu). Đây là một đề tài rất thú vị nhưng không nằm trong phạm vi của phần 1 này.

10) thời Pháp xâm chiếm VN, ta đã có các Đại tá Henri Rivière, Đại uý Francis Garnier … trong quân đội viễn chinh Pháp – xem thêm chi tiết trang http://vi.wikipedia.org/wiki/Francis_Garnier …v.v…  ”Tự điển Hán Việt” (Đào Duy Anh, 1931): có ghi ‘thượng hiệu, chức quan võ cấp thứ tư trên chức trung hiệu dưới chức thiếu tướng’ so với cách định nghĩa của Hoàng Thúc Trâm trong “Hán Việt Tân Tự Điển” (1950) thì ‘thượng hiệu: chức võ quan hồi Trung Hoa Dân Quốc, ngang với đại tá của Nhật Bản’ … Tuy nhiên vào SàiGòn qua cuốn “Tự Điển Hán Việt” của Nguyễn Văn Khôn (1960) thì không thấy dùng thượng hiệu nhưng có ghi đại tá. Vấn đề trở nên phức tạp hơn khi quân hàm có lúc dùng từ HNHV và có lúc không dùng nữa (tuỳ theo tình hình chính trị …): như cấp bậc đại tướng 大將 đã từng hiện diện trong quân đội TQ từ năm 1955 đến năm 1965, sau cách mạng văn hoá (thời Mao Trạch Đông) thì hệ thống quân hàm được tái lập từ năm 1988 nhưng từ năm 1994 thì không còn chức ‘nhất cấp thượng tướng 一級上將’ nữa – xem thêm chi tiết trang http://zh.wikipedia.org/zh-tw/%E5%A4%A7%E5%B0%86

Quân hàm Đại Tướng (A) màu xanh và (B) màu vàng. Ảnh: wikipedia

(a)    Quân hàm Đại tướng Lục quân Mỹ (tướng bốn sao –  four-star general)

(b)   Quân hàm Đại tướng QĐND VN  – xem trang này http://vi.wikipedia.org/wiki/%C4%90%E1%BA%A1i_t%C6%B0%E1%BB%9Bng

Cước chú:

[a] Từ Nguyên (bản cập nhật 1979, Bắc Kinh) trang 2436, cột 3

[b] Từ Nguyên trang 3364, cột 2

[c] Từ Nguyên trang 0428, cột 3

[d] Từ Nguyên trang 0380, cột 2

11) tiếng Nhật còn dùng dạng ký âm エンジニア  enjinia của tiếng Anh engineer để chỉ kỹ sư. Phạm trù nghĩa của chữ engineer thật ra cũng thay đổi theo thời gian (tiếng La Tinh thế kỷ 15 nghĩa là người phát minh) và không gian: tiếng Mỹ (American English) còn dùng engineer để chỉ tài xế lái đầu máy xe lửa (engine-driver).

(Còn tiếp)

© Nguyễn Cung Thông

© Đàn Chim Việt Online

Pages: 1 2

4 Phản hồi cho “Tản mạn về từ Hán-Việt”

  1. Nguyễn Cung Thông says:

    Bác LeQuoc Trinh kính,

    Vâng, tiếng Việt thuộc ngữ hệ Môn-Khme (chỉ là danh xưng thôi chứ tiếng Việt có nhiều người nói nhất trong ngữ hệ này) so với tiếng Trung (Hoa) thuộc ngữ hệ Hán-Tạng. Rất dễ hiểu lầm hay không ý thức được khả năng giao lưu văn hoá ngôn ngữ thời cổ đại khi dùng từ Hán Việt, thật ra có thể là từ VHHV (Việt Hán Hán Việt, gốc Việt cổ nhập vào tiếng Hán và sau đó nhập ngược vào tiếng Việt – như mèo Mẹo Mão, *tlu/klu tru/trâu Sửu, *kui cúi (heo) Hợi …), từ HNNV (Hán Nhật Nhật Việt, người Nhật chế ra từ mới dựa vào chữ Hán, nhập vào tiếng Việt – như đại tá, thiếu tá, kỹ sư …) …v.v…

    Vài hàng thân gởi các bác còn quan tâm đến cội nguồn tiếng Việt

    Nguyễn Cung Thông

  2. B says:

    Cũng cần nói thêm rằng vài từ Hán Việt đã hiểu khác với nghĩa nguyên thủy của nó, ví dụ “quốc gia” được hiểu là đất nước hay tổ quốc. Thực ra “quốc gia” là ” nhà nước” hay nhà cầm quyền, nghĩa là đất nước thuộc về gia đình hay giòng họ nào đó, ví dụ như “nhà Nguyễn”, “nhà Lê”….. Vì thế câu ” Quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách” cũng hiểu sai.
    Tương tự, ” nhạn” là con ngỗng chứ không phải là chim én hay nhạn củ tiếng Việt. ” Thược dược ” của VN là ” Đại lệ Cúc” của Tàu. ” Thược dược” của Tàu là hoa ” Mẫu Đơn” của VN”….

  3. Cuong says:

    Cái gì mà “gốc Hán”? cái gốc của nó là cái gốc mà ai cũng biết là gốc Hán…tuy nhiên vẫn chưa chắc là sự thật. Theo tui biết danh từ “Việt” có trước danh từ “Hán”. Người “thổ cư” ở đất Việt từ 4-5 ngàn năm trước, còn cái từ Hán là từ Hãn là từ người trung thổ lai tạp với “mọi” phương bắc mà ra… phải có 1 rồi mới có 2, tối ngày cứ nói thằng lớn có trước rồi đẻ ra thằng nhỏ…vậy thằng lớn là thằng China lúc nó còn bé thì nó từ đâu mà đến, nó là gốc Việt rồi đi lai tạp mà ra đó anh hai!

  4. LeQuocTrinh says:

    Cám ơn bác Nguyễn Cung Thông đã viết một bài xúc tích trình bày sự liên hệ của chữ Hán Việt trong văn hoá, ngôn ngữ Việt Nam.

    Tôi hoàn toàn đồng ý bối cảnh đất nước VN nhỏ hẹp, ít dân, hiền hoà, cần cù sống bên cạnh một nước khổng lồ, đông dân nhất thế giới, hung hăng và quỷ quyệt, cho nên trong suốt mấy ngàn năm văn hiến đã phải hy sinh xương máu để dựng nước, giữ nước và chấp nhận ảnh hưởng văn hoá Trung Hoa phần nào (chữ Hán Việt).

    Tuy nhiên, cũng may nhờ sự hội nhập của những nhà truyền đạo Âu Châu (linh mục Bá Đa Lộc) mà dân VN ta thích ứng nhanh với chữ Quốc Ngữ, sử dụng chữ viết La Tinh (ABC) để truyền bá sâu rộng văn hoá, phong tục, tạo mối dây đoàn kết dân tộc vững bền.

    Tiện đây tôi xin phép hói bác NC Thông rằng: có phải tiếng (nói) Việt Lạc xuất phát từ hơn bốn ngàn năm văn hiến, hoàn toàn không có liên hệ rễ má gì với tiếng Tàu (TQ)?

    Ví dụ khi tôi nói: “tôi ăn cơm; tôi uống nước; con gà, con mèo, con heo, vv…” hay một số thành ngữ “đèo heo hút gió ; vắng chủ nhà, gà mọc đuôi tôm” chẳng hạn . Thì đó có phải hoàn toàn ngôn ngữ Việt Lạc, không hề dính dáng gì đến chữ Hán?

    Ít nhất tôi cũng phải có niềm tự hào rằng chúng ta, dân tộc Lạc Việt, không hề mất gốc, cha ông chúng ta đã đổ xương máu hy sinh suốt 2000 năm “dựng nước, giữ nước” để chúng ta ngày nay bảo tồn được ngôn ngữ, phong tục và nền văn hoá mang sắc thái Việt Nam.

    Mến chào bác,

Phản hồi