Văn hóa “đục bỏ”
Kể từ Thứ Sáu 11/03, hôm xảy ra trận động đất lịch sử tại Nhật Bản, cả thế giới đã chú tâm theo dõi các thông tin và hình ảnh cập nhật về các hư hại, thiệt hại nhân sự và các mối nguy từ các nhà máy nguyên tử năng đang bị hư hại nặng. Ngoài ra còn có các bài viết, câu chuyện hoặc các lời bình phẩm trên các diễn đàn khắp thế giới nói về tinh thần ái quốc và tự giác cao độ của người Nhật qua trận thiên tai này.
Cũng như một số sắc dân khác, một cộng đồng người Việt Nam cũng đang hiện diện sinh sống, học tập và làm việc trên đất nước Nhật Bản. Nhờ thế mà người Việt Nam ở khắp nơi trên thế giới được biết đến những câu chuyện do chính người Việt cư ngụ tại Nhật thuật lại. Trong số đó có câu chuyện thật cảm động do chính ông Hà Minh Thành thuật lại trong phần chia sẻ sau khi đọc bài viết “Nhật Bản – một đất nước thực sự vĩ đại” trên Blog của TS. Nguyễn Đình Đăng, người đang sống và làm việc tại Nhật.
Đó là câu chuyện xoay quanh tinh thần tự giác của người Nhật được thể hiện qua một đứa bé 9 tuổi. Người kể là TS. Hà Minh Thành, một công dân Nhật gốc Việt, hiện đang làm việc cho lực lượng cảnh sát Nhật Bản, được cử đến vùng thiên tai để cứu giúp người dân bị nạn nên đã có dịp tận mắt chứng kiến. Do đó câu chuyện do ông Thành kể lại là câu chuyện thật và sống động. Tuy câu chuyện được viết dưới dạng thư chia sẻ, nhưng qua lối viết chân thật, xúc tích, câu chuyện do ông Thành kể lại đã khiến không ít đọc giả bùi ngùi cảm động, rơi nước mắt và được nhiều websites, báo chí Việt ngữ khắp nơi đăng tải, trong số đó cũng có một số websites, tờ báo “lề phải” trong nước. Trong số này có tờ VnExpress, một trong số những tờ báo “lề phải” có số đọc giả cao trong nước.
Lá thư của ông Hà Minh Thành được tờ VnExpress đăng lại với cái tựa đề (tự đặt) “Cách ứng xử của cậu bé 9 tuổi”. Trong phần giới thiệu tờ báo này cho biết là đã xin phép trích đăng và biên tập cho phù hợp (không thay đổi nội dung). Thế nhưng những đọc giả “leo rào” ở trong nước và những đọc giả ngoài nước, là những người đã từng đọc qua lá thư gốc của tác giả Hà Minh Thành, đều dễ dàng nhận ra cái trò ma quỷ của báo VnExpress.
Trong khi lá thư gốc của ông Hà Minh Thành dài 2 trang A4 thì lá thư được VnExpress “biên tập cho phù hợp (không thay đổi nội dung)” (sic) thì chỉ còn … 1 trang A4, tức là bị đục bỏ… một nửa! Một cách so sánh khác là nếu “đếm từ” (Word Count) thì bài gốc được 1,537 từ, trong khi bài được “biên tập cho phù hợp” thì chỉ còn … 757 từ, tức là kém hơn bài gốc chỉ … 780 từ thôi (còn dưới một nửa)!
Đọc giả trong và ngoài nước đã từng biết báo chí “lề phải” thường hay đục bỏ nhiều đoạn khi đăng lại hoặc dịch bài viết nguyên gốc từ tiếng ngoại quốc, nhưng cũng không thể hình dung được rằng một bài viết xúc tích, gây nhiều xúc động của tác giả Hà Minh Thành, dài chỉ vỏn vẹn 2 trang giấy mà lại có thể bị đục bỏ đến quá bán. Thật là tàn nhẫn, vô lương tâm, tán tận đến thế là cùng. Đã thế còn bảo là “đã xin phép trích đăng và biên tập cho phù hợp (không thay đổi nội dung)” (nếu biết được người ta “xin phép trích đăng và biên tập” lại kiểu này thì chắc chắn cả hai ông Hà Minh Thành và TS.Nguyễn Đình Đăng chẳng bao giờ cho phép cả).
Nhìn lại thì chúng ta thấy ngay là vừa dạo đầu sau câu chào của ông Hà Minh Thành đến TS.Đăng thì ngay lập tức gần một đoạn ngắn đầu tiên bị đục bỏ. Kế đến đoạn thứ hai thì bị đục bỏ một nửa; đoạn thứ ba thì biến mất. Đoạn thứ tư và năm thì chỉ một hai chữ không đáng kể, nhưng đến đoạn thứ sáu thì phân nửa bị đục bỏ và đoạn thứ bảy và đoạn cuối cùng, kể cả lời chào cũng như tên của tác giả đã biến mất hoàn toàn. Tại sao lại có chuyện “biên tập” lại một cách kỳ quặc như vậy. Hay là nội dung lá thư gốc có “vấn đề”? Vậy thì chúng ta hãy nhìn lại những đoạn, ngôn từ bị đục bỏ để xem “vấn đề” là gì.
Các đoạn văn, từ ngữ bị cắt xén đục bỏ vô tội vạ ở trang thứ nhất thì có các từ khóa (Key words) như: Nguyễn Hữu Viện, Hoàn Cầu Thời Báo, Trung Quốc, kinh tế Trung Quốc, người Việt mình,… trong khi phần bị đục bỏ ở trang thứ hai hoàn toàn không có các từ khóa này. Tên của ông Nguyễn Hữu Viện, một “Việt kiều phản động” tại Pháp thì có lẽ làng báo lề phải trong nước đã biết qua rồi. Vậy việc né tránh, không muốn nhắc đến tên ông thì cũng có thể hiểu được, nhưng việc nhắc đến tờ “Hoàn Cầu Thời Báo Trung Quốc” là điều kiêng kỵ chăng? Hay kiêng kỵ chăng là việc tác giả thuật lại câu nói trung thực của ký giả Hoàn Cầu Thời Báo, sau khi chứng kiến những đồng tiền giấy vương vãi khắp nơi nhưng người dân Nhật không màng tư lợi, ham của mà nhặt lấy, đã khiến ký giả này thốt lên rằng:
“50 năm nữa , kinh tế Trung Quốc chắc chắn sẽ đứng đầu thế giới, nhưng vĩnh viễn Trung Quốc không thể được gọi là cường quốc vì 50 năm nữa người Trung Quốc cũng chưa thể có trình độ dân trí và ý thức đạo đức công dân cao như người Nhật hiện tại. Tôi hổ thẹn mình là con cháu của Khổng Tử nhưng không hiểu cái đạo Nhân Nghĩa làm người bằng họ”.
Câu nói thật lòng này có thể chạm tự ái người Trung Quốc, nhưng lại thốt ra từ của miệng của một người Trung Quốc, thì làm sao nhà nước cộng sản Trung Quốc có thể “bắt tội” nhà nước CSVN được. Người của họ thốt ra, thì họ chịu chứ có gì kiêng húy đâu mà phải sợ đến thế. Ngoài ra khi lập lại lời của phóng viên Hoàn Cầu Thời Báo, ông Hà Minh Thành cũng có nói “Người Trung Quốc 50 năm nữa không bằng họ còn người Việt mình không biết bao nhiêu năm nữa mới có dân trí như vậy”, thì cũng đúng quá chứ, đâu có gì là sai trái mà phải mạnh tay đục bỏ.
Còn gần nửa đoạn sau của lá thư chẳng mắc mớ liên quan gì đến “bọn phản động” mà cũng bị đục bỏ không thương tiếc, đã khiến cho lá thư mất đi nhiều cảm xúc mà tác giả đã trân trọng dành cho nó. Nhưng tệ hại nhất là việc lấy đi lời chào và phần ký tên của tác giả ở bên dưới, đã làm méo mó, chấm dứt lá thư trong hụt hẫng của người đọc.
Không biết những vị trong Ban Tuyên Giáo nghĩ gì khi lệnh cho “báo chí lề phải” cắt xén, đục bỏ vô tội vạ bài vở của người ta theo kiểu vô luân như thế này. Cho đăng lại lá thư của TS.Hà Minh Thành với tựa đề “Cách ứng xử của cậu bé 9 tuổi” mang đầy tính giáo dục, nhưng cách hành xử của VnExpress khi cho đăng lại lá thư này rất kém văn hóa, vô giáo dục, quá tương phản với cách ứng xử của cậu bé 9 tuổi ấy.
Ngày 20/03/2011
© Lê Minh
© Đàn Chim Việt
———————————————————–
Nguyên văn lá thư gốc:
(Những chữ được tô đỏ trong bài viết bên dưới của TS.Hà Minh Thành là những chữ đã bị BBT tờ VnExpress đục bỏ để “phù hợp” với chủ trương)
Xin chào anh Đăng.
Xin được giới thiệu tôi tên là Hà Minh Thành. Qua anh Nguyễn Hữu Viện tôi mới được biết anh và trang tin của anh dù tôi làm việc cách chỗ của anh cũng không bao xa. Xin hân hạnh được làm quen với anh.
Hiện tại tôi đang được tăng phái công tác hỗ trợ cho cảnh sát tỉnh Fukushima, chỗ tui đang làm cách nhà máy điện hạt nhân Fukushima 1 khoảng 25 km. Gọi là lên đây hỗ trợ giữ an ninh chứ mấy ngày nay chỉ đi nhặt xác người không thôi. Dân địa phương họ tự động thành lập các đội tự quản, tương trợ lẫn nhau. Giả sử có ai muốn ăn cắp ăn trộm cũng khó. Vấn đề an ninh không lo lắm.Người chết nhiều quá, tụi tôi chỉ còn lấy dấu tay, chụp hình và trùm mền lại rồi giao người đem đi thiêu. Ngày đầu còn mặc niệm, có cảnh sát tăng phái còn khóc nhưng bây giờ thì không còn thời gian để mà mặc niệm và khóc nữa. Hôm qua còn không có chỗ để mà thiêu họ nữa đó anh. Khủng khiếp. Ký giả của Hoàn Cầu Thời Báo Trung Quốc Vương Hy Văn hôm qua theo tôi một ngày để lấy tin khi đi ngang qua một ngôi nhà bị sập mà tiền giấy có lẽ từ ngôi nhà đó trôi ướt nằm tứ tán cả bãi đất chắc cũng vài chục triệu yen nhưng mà chẳng ai thèm nhặt đã phải thốt lên “50 năm nữa , kinh tế Trung Quốc chắc chắn sẽ đứng đầu thế giới, nhưng vĩnh viễn Trung Quốc không thể được gọi là cường quốc vì 50 năm nữa người Trung Quốc cũng chưa thể có trình độ dân trí và ý thức đạo đức công dân cao như người Nhật hiện tại. Tôi hổ thẹn mình là con cháu của Khổng Tử nhưng không hiểu cái đạo Nhân Nghĩa làm người bằng họ.”
Người Trung Quốc 50 năm nữa không bằng họ còn người Việt mình không biết bao nhiêu năm nữa mới có dân trí như vậy. Mấy ngày nay tôi chứng kiến nhiều câu chuyện cảm động về tình người trong hoạn nạn lắm nhưng có một chuyện khiến tôi cảm động nhất đã khiến một người lớn như tôi từng có bằng Tiến sĩ công học ở Đại học Đông Bắc (Tohoku Dai) cũng phải hổ thẹn về một bài học làm người.
Câu chuyện tối hôm kia tôi được phái tới một trường tiểu học phụ giúp hội tự trị ở đó để phân phát thực phẩm cho các người bị nạn. Trong cái hàng rồng rắn những người xếp hàng tôi chú ý đến một đứa nhỏ chừng 9 tuổi, trên người chỉ có chiếc ao thun và quần đùi. Trời rất lạnh mà nó lại xếp hàng cuối cùng, tôi sợ đến phiên của nó thì chắc chẳng còn thức ăn. Nên mới lại hỏi thăm. Nó kể nó đang học ở trường trong giờ thể dục thì động đất và sóng thần đến, cha của nó làm việc gần đó đã chạy đến trường, từ ban công lầu 3 của trường nó nhìn thấy chiếc xe và cha nó bị nước cuốn trôi, 100% khả năng chắc là chết rồi. Hỏi mẹ nó đâu, nó nói nhà nó nằm ngay bờ biển, mẹ và em của nó chắc cũng không chạy kịp. Thằng nhỏ quay người lau vội dòng nước mắt khi nghe tôi hỏi đến thân nhân. Nhìn thấy nó lạnh run lập cập tôi mới cởi cái áo khoác cảnh sát trùm lên người nó. Vô tình bao lương khô khẩu phần ăn tối của tôi bị rơi ra ngoài,tôi nhặt lên đưa cho nó và nói: “Đợi tới phiên của con chắc hết thức ăn, khẩu phần của chú đó, chú ăn rồi, con ăn đi cho đỡ đói”.
Thằng bé nhận túi lương khô của em, khom người cảm ơn. Tôi nghĩ bình thường tưởng nó sẽ ăn ngấu nghiến ngay lúc đó nhưng không phải, nó ôm bao lương khô đi thẳng lên chỗ những người đang phát thực phẩm và để bao lương khô vào thùng thực phẩm đang phân phát rồi lại quay lại xếp hàng. Tôi sửng sốt và ngạc nhiên vô cùng , mới hỏi nó tại sao con không ăn mà lại đem bỏ vào đó. Nỏ trả lời: “Bởi vì còn có nhiều người chắc đói hơn con. Bỏ vào đó để các cô chú phát chung cho công bằng chú ạ”.
Tôi nghe xong vội quay mặt đi chỗ khác để khóc để nó và mọi người đang xếp hàng không nhìn thấy. Thật cảm động. Không ngờ một đứa nhỏ 9 tuổi mới học lớp 3 đã có thể dạy một thằng có ăn có học từng có bằng tiến sĩ như tôi một bài học làm người trong lúc khốn khó nhất. Một bài học vô cùng cảm động về sự hy sinh. Tôi nghĩ một dân tộc với những đứa trẻ 9 tuổi đã biết nhẫn nại, chịu gian khổ và chấp nhận hy sinh cho người khác chắc chắn là một dân tộc vĩ đại. Đất nước này giờ đây đang đứng ở trong những giờ phút nguy cấp nhất của sự điêu tàn, nhưng chắc chắn nó sẽ hồi sinh mạnh hơn nhờ những công dân biết hy sinh bản thân ngay từ tuổi niên thiếu.
Lên đây rồi bây giờ tôi mới thấm thía câu nói của vị thiền sư phụ của tôi ở Tokyo trước khi lâm chung dạy lại cho tôi đó là “Nhân sinh nhất mộng , bất luận kiến tâm, Tâm vô sở cầu thị Phật“. Cái sự hy sinh vì người một cách vô ngã của đứa nhỏ 9 tuổi khiến tôi ngộ ra được những điều cả cuộc đời bon chen của mình tôi chưa nhận thấy được. Tôi nhường khẩu phần ăn tối của tôi cho thằng bé để nhận của nó một lời cám ơn, còn nó cho đi cả buổi ăn tối của nó một cách vô tư không so đo dù nó đói còn thê thảm hơn tôi nhiều và chắc còn phải đói nhiều trong cả cuộc đời vì không gia đình nữa. Những công án thiền của Bích Nham Lục, Vô môn quan hoàn toàn vô nghĩa so với hành động của một đứa bé 9 tuổi. Xưa nay tôi không phục lắm người Nhật từ khi còn đi học, làm kỹ sư rồi làm cảnh sát thì phải luôn tiếp xúc với những người Nhật ở mặt trái của xã hội. Nhưng mà hành động của người dân Nhật trong vùng động đất bây giờ đã khiến tôi phục họ thật sự.
Tình hình quanh nhà máy điện hạt nhân vẫn còn an ninh, hiện tại tụi tôi đã được phát sẵn khẩu trang và đồng phục nylon. Ông Kan sáng nay họp báo dự tính đến tình huống xấu nhất là bỏ cả vùng miền Đông. Tôi không phải chuyên ngành về nguyên tử lực như anh nên không hiểu lắm về tác hại của phóng xạ. Nhưng tôi nghĩ cũng đang nguy hiểm. Tụi TEPCO vụ này chủ quan quá. Anh Đăng nếu được nên sắp xếp cho vợ con về VN trước thì tốt nhất.Tôi sợ tới lúc xấu nhất không còn vé máy bay. Tôi thì bà xã người Nhật, con gái cũng mới ra trường y tá và cũng đang hoạt động cứu trợ thiện nguyện ngay tại Fukushima này.Tôi hỏi con gái tôi “Tình hình có vẻ nguy hiểm , con có muốn đi VN lánh nạn không”. Nhỏ con gái của tôi trả lời “Đi đâu bây giờ, xung quanh con với cha người ta chết với bị thương hàng hàng lớp lớp. Không lẽ bỏ chạy. Thôi kệ, tới đâu hay tới đó.” Tôi gọi điện thoại về hỏi bà vợ tôi tính sao, có cần chạy qua quê chồng trú tạm lánh nạn một mình không thì bà xã tôi nói với tôi rằng người Nhật của họ thì 36 kế của Tôn Tử binh pháp họ chỉ dùng được tới cái kế 35. Cái chước cuối cùng “Tẩu vi thượng sách” không có chỗ dùng vì cái xứ đảo này không có chỗ nào để mà chạy nữa. Cùng lắm chịu chết thôi. Thôi thì tôi thân phận dính líu tới cái tổ quốc thứ hai này rồi. Vợ con gì cũng không chạy không lẽ một mình tôi bỏ nhiệm sở. Già rồi có hít chút phóng xạ vô nữa cũng chẳng sao cả. Mang cái ơn nghĩa với đất nước này cũng nhiều thôi thì bây giờ cùng đến lúc có cơ hội để trả ơn cho họ vậy.
Hy vọng không có gì xảy ra, khoảng 3 tuần nữa có thể trở về Saitama. Hy vọng được gặp anh Đăng nếu anh còn ở Nhật, anh em mình tâm sự nhiều hơn. Tôi năm nay 56 tuổi. Chắc cở tuổi của anh.
Chúc anh và gia quyến an toàn.
Hà Minh Thành
Bất cứ một hành động, một bài viết báo, một phát biểu nào của CSVN, Ban Tuyên Giáo trung ương luôn luôn khép nép, kính cẩn và lễ phép để làm sao không được làm buồn lòng sư phụ Tàu cộng!!! Đúng là những nhà TAY SAI DZĨ ĐẠI nhất từ khi lập quốc cho đến nay VN mới có được!!!! Những điều này mà không được ghi vào sách sử của VN để sau này cho con cháu học, thì thật là thiếu sót lớn. Xin ông Dương Trung Quốc đừng quên nhé!!! Xin có 2 câu vè:
Đối với dân thì Ác, đối với Tàu Lác thì Hèn.
Gieo gi gat do, cong san thi chi gieo thu han va doi tra…
Khi mà ”trái” đúng, ”phải” sai,
Nói mần chi nữa ngườita gai mắt hè???
Nhậu say ”cho chó ăn chè”
Là lẻ tấtyếu, nên đặt vè cho vui…
Tại sao lại đục bỏ những đoạn văn này? Ai chỉ đạo đục bỏ? Tôi thường xuyên đọc báo online, khá tin tưởng vào VNExpress, nào ngờ. Ngay cả những đoạn văn đầy tình người mà người ta cũng không muốn cho đọc nữa thì người ta muốn hướng dư luận đi đâu? Sự thực có “đớn đau” tới đâu cũng là sự thực, biết để thấy mình còn kém mà học, mà rèn luyện chứ! Hô khẩu hiệu hoài thì đến bao giờ mới khá. Có còn ký giả có lương tri nữa không, hay tất cả chỉ là …những con cừu lề phải?
Xin mời quý vị đọc hai đỏan văn sau để thấy sự khác biệt giữa văn hoá của Nhật Bản và văn hoá Xã Hội Cướp Ngày ( XHCN) của bác Hồ….
Văn Hoá của con cháu thần Mặt Trời:
trích thư của Hà Minh Thành từ Fukushima, Japan
…..
Câu chuyện tối hôm kia tôi được phái tới một trường tiểu học phụ giúp hội tự trị ở đó để phân phát thực phẩm cho các người bị nạn. Trong cái hàng rồng rắn những người xếp hàng tôi chú ý đến một đứa nhỏ chừng 9 tuổi, trên người chỉ có chiếc ao thun và quần đùi. Trời rất lạnh mà nó lại xếp hàng cuối cùng, tôi sợ đến phiên của nó thì chắc chẳng còn thức ăn. Nên mới lại hỏi thăm. Nó kể nó đang học ở trường trong giờ thể dục thì động đất và sóng thần đến, cha của nó làm việc gần đó đã chạy đến trường, từ ban công lầu 3 của trường nó nhìn thấy chiếc xe và cha nó bị nước cuốn trôi, 100% khả năng chắc là chết rồi. Hỏi mẹ nó đâu, nó nói nhà nó nằm ngay bờ biển, mẹ và em của nó chắc cũng không chạy kịp. Thằng nhỏ quay người lau vội dòng nước mắt khi nghe tôi hỏi đến thân nhân.
Nhìn thấy nó lạnh run lập cập tôi mới cởi cái áo khoác cảnh sát trùm lên người nó. Vô tình bao lương khô khẩu phần ăn tối của tôi bị rơi ra ngoài, tôi nhặt lên đưa cho nó và nói: “Đợi tới phiên của con chắc hết thức ăn, khẩu phần của chú đó, chú ăn rồi, con ăn đi cho đỡ đói.”
Thằng bé nhận túi lương khô của tôi, khom người cảm ơn. Tôi nghĩ bình thường tưởng nó sẽ ăn ngấu nghiến ngay lúc đó nhưng không phải, nó ôm bao lương khô đi thẳng lên chỗ những người đang phát thực phẩm và để bao lương khô vào thùng thực phẩm đang phân phát rồi lại quay lại xếp hàng.Tôi sửng sốt và ngạc nhiên vô cùng, mới hỏi nó tại sao con không ăn mà lại đem bỏ vào đó. Nỏ trả lời: “Bởi vì còn có nhiều người chắc đói hơn con. Bỏ vào đó để các cô chú phát chung cho công bằng chú ạ.”
Tôi nghe xong vội quay mặt đi chỗ khác để khóc để nó và mọi người đang xếp hàng không nhìn thấy. Thật cảm động. Không ngờ một đứa nhỏ 9 tuổi mới học lớp 3 đã có thể dạy một thằng có ăn có học từng có bằng tiến sĩ như tôi một bài học làm người trong lúc khốn khó nhất. Một bài học vô cùng cảm động về sự hy sinh. Tôi nghĩ một dân tộc với những đứa trẻ 9 tuổi đã biết nhẫn nại, chịu gian khổ và chấp nhận hy sinh cho người khác chắc chắn là một dân tộc vĩ đại. Đất nước này giờ đây đang đứng ở trong những giờ phút nguy cấp nhất của sự điêu tàn, nhưng chắc chắn nó sẽ hồi sinh mạnh hơn nhờ những công dân biết hy sinh ngay từ tuổi niên thiếu…..
Hà Minh Thành
Văn hoá XHCN Việt Nam 100 năm trồng người:
Quốc lộ 1A tắc nghẽn 6 giờ vì bia ( VnExpress 26/1/2011)
Sáng nay, xe tải chở đầy bia đâm vào thành cầu Bến Thủy (Nghệ An) rồi bị lật, hàng nghìn thùng bia rơi xuống đường gây nên cảnh tắc nghẽn và hỗn loạn vì người dân tranh nhau nhặt.
Theo một số nhân chứng, xe tải đang chạy trên cầu Bến Thủy nối Nghệ An và Hà Tĩnh thì bị mất lái, đâm vào thành cầu và lật. Hàng nghìn thùng bia, lon bia tràn xuống đường.
Người dân thành phố Vinh và huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) đã chạy đến nhặt bia gây nên cảnh náo loạn. Mặc dù cảnh sát giao thông có mặt để giải tỏa tắc nghẽn, chủ xe cố gắng ngăn cản người dân để bảo vệ tài sản, nhưng quốc lộ 1A vẫn tắc nghẽn trong hơn 6 giờ liền.
Đoạn ùn tắc kéo dài gần 5 km từ huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) sang tận khu vực ĐH Vinh (Nghệ An).
Trung tá Hoàng Phi Quyền, Đội phó Cảnh sát giao thông thành phố Vinh (Nghệ An) cho biết, sau khi xe bị lật và gây ra cảnh hỗn loạn, toàn bộ lực lượng cảnh sát giao thông thành phố Vinh đã có mặt. Đến 10h45 trưa nay, khi người dân vãn dần, quốc lộ 1A mới bắt đầu thông xe trở lại.