WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Hỗn loạn và mơ hồ trong hàng ngũ lãnh đạo cách mạng Libya

Chaos and Uncertainty in Libya’s Revolutionary Leadership

Juliane von Mittelstaedt và Volkhard Windfuhr, SPIEGEL, 03/30/2011

Cộng đồng quốc tế đang dùng không kích và tên lửa để bảo vệ các lý tưởng tự do, nhân quyền và dân chủ ở Libya. Nhưng phải chăng bản thân những người nổi loạn cũng đang chiến đấu cho những giá trị đó.

Ảnh: Reuster

Tổng tham mưu trưởng cách mạng Libya tiếp các vị khách trong một tòa biệt thự không xa sân bay Benghazi. Khi cuộc nổi dậy bắt đầu, Abdul Fattah Younis được hoan hô trên đường phố vì đã cho lính của ông cướp căn cứ quân sự của thành phố, nhờ đó tước quyền kiểm soát của Moammar Gadhafi đối với phần phía đông của đất nước.

Bây giờ, Younis đã tìm thấy nơi trú ngụ ấm êm trong một phòng khách với những tấm rèm thêu kim tuyến và thảm nhung lộng lẫy. Khi viên tướng này muốn biết điều gì đang xảy ra ngoài kia, ông xem kênh truyền hình tiếng A rập của đài BBC và gọi các phụ tá trên một điện thoại vệ tinh. Đó là mối liên kết của ông với thế giới bên ngoài, một mối liên kết ông sử dụng để giúp đỡ những cuộc không kích của Mỹ và Pháp, mà ông theo dõi đường đi trên một bản đồ với những vị trí tiền tiêu mới.

Ngày mai, Younis sẽ ngủ trong một ngôi nhà khác nữa với vợ của ông và đứa con gái, đang ngồi im lặng bên cạnh ông. Những ngày này, Benghazi là nơi trú ẩn của những đội quân của cả hai bên, cả quân nổi dậy lẫn những người trung thành với Gadhafi. Những phát súng chọc thủng màn đêm yên lặng. Khi mặt trời lên, các nhà xác vả các phòng cấp cứu đầy ngập người.

Vốn là bộ trưởng Nội vụ của Libya, Younis lãnh đạo cuộc chiến đấu chống Gadhafi từ ngày 22 tháng Hai. Cho tới thời điểm đó, người đàn ông 66 tuổi rắn chắc với mớ tóc bạc trằng đã dùng gần hết toàn bộ cuộc đời mình phục vụ cho nhà độc tài. Và vì lý do đó, sự đào ngũ của ông đánh dấu một bước ngoặt lớn trong cuộc cách mạng này. Lúc này, đóng bộ quân phục dã chiến màu xanh lá cây, ông tự xưng là tổng tham mưu trưởng. Đây không phải là cuộc cách mạng đầu tiên của ông, do đó ông biết rằng bây giờ mọi sự phụ thuộc vào các lãnh đạo quân sự hơn là các chính khách.

Tạo dáng để chụp ảnh

Các lực lượng đặc biệt của Younis đã biến mất, hoặc bỏ chạy hoặc lao ra mặt trận. Bây giờ, ông đang tập hợp một đạo quân để giải phóng Libya. Ông nói, các phụ tá của ông đã huấn luyện 15.000 người trong mấy tuần qua. Trong sân vận động Banghazi, họ tập bắn, phóng tên lửa và lái tăng. Họ được học để tránh những sai lầm trong những ngày đầu cách mạng, khi những chiến sĩ trẻ – được gọi là Shabab – vô tình giết lẫn nhau, phá tan những xe tăng bắt được, và bắn rơi máy bay của quân mình. Mặc dầu Younis đã nói nhiều về những người lính này trong nhiều tuần nhưng vẫn có rất ít khác biệt so với tình trạng hỗn loạn ban đầu. Ngay cả với sự yểm hộ của không kích, các tiến bộ đã dừng lại và tạm thời. Họ dường như thích thú với việc tạo dáng để chụp ảnh bên xác những chiếc xe tăng hơn.

Từ khi các cuộc không kích bắt đầu, cuộc cách mạng này đã trở thành một cuộc chiến tranh có sự trợ giúp của nước ngoài được hợp pháp hóa bằng nghị quyết của Liên Hiệp Quốc và, kể từ tuần lễ đó, lãnh đạo bởi NATO. Các máy bay phương tây, dù là của Mỹ, Pháp, Tây Ban Nha hay Canada, đã bay hàng trăm chuyến, bỏ bom các đoàn xe vận tải các căn cứ quân sự, các đoàn xe tăng và những dinh thự quan trọng ở Tripoli của Gadhafi.

Đó là một quyết định đạo đức. có ý nghĩa giúp đỡ nhân dân vùng lên chống một trong những nền độc tài man rợ nhất trong thế giới A rập. Nhưng không có đường quay trở lại. Nếu phương Tây có ý định giải phóng đất nước này khỏi ách độc tài của nó, thì thật sự chỉ có ba lựa chọn: tiêu diệt các lực lượng của Gadhafi bằng những cuộc ném bom ồ ạt; gửi lực lượng mặt đất đến, hoặc trang bị cho quân nổi dậy vũ khi hạng nặng. Những người nổi dậy đã bác bỏ thương lượng hòa bình với Gadhafi.

Đối với cộng đồng quốc tế, can thiệp vào xung đột ở Libya là nhằm bảo vệ những giá trị cơ bản của tự do, nhân quyền và quyền tự quyết. Nhưng vấn đề là: Phải chăng tất cả những người có tiếng nói ở Benghazi cũng quan tâm đến tự do, nhân quyền và quyền tự quyết như thế?

Một kẻ cơ hội?

Lần đầu tiên Tướng Younis tham gia vào một cuộc cách mạng là năm 1969, trong một cuộc nổi dậy chống lại nhà vua. Lúc đó ông là một sĩ quan 24 tuổi, và ông đánh chiếm thành công đài phát thanh Benghazi. Cuộc cách mạng đó đã mở lối cho Đại tá Gadhafi lên nắm chính quyền, một người đã tự gọi mình là “vua của các vua truyền thống của châu Phi.”

Younis lên đến cấp tướng. Trong 41 năm, ông đã đứng đầu các lực lượng đặc biệt Libya, từ cuối một cuộc cách mạng đến đầu một cuộc cách mạng khác. Ông là một người trung kiên hiếm hoi trong một đất nước cai trị bởi một nhà lãnh đạo hoang tưởng, kẻ nhìn thấy kẻ thù ở khắp mọi nơi. Trong ba năm rưỡi qua, Younis còn là bộ trưởng nội vụ, và nhiều người coi ông là người mạnh thứ hai trong nước sau Gadhafi. Tuy nhiên, ông nói, ông không bao giờ là chính khách, và trong bốn tháng rưỡi, ông đã từ chối nhận cương vị ấy. Ông nói, ông chỉ chịu nhận với điều kiện rằng ông sẽ không bao giờ bắn vào nhân dân ông.

Tuy nhiên vẫn có nhiều người không tin Younis, đặc biệt là thanh niên Libya, những người coi ông như một kẻ cơ hội đã chờ sáu ngày trước khi trở cờ. Nhưng có lẽ Younis quả thật đã chán ngấy Gadhafi. Có lẽ ông thật sự muốn trở thành anh hùng trong cuộc chiến tranh giải phóng này chăng?

Younis nhắc lại việc ông đã gửi một bức thư cho Gadhafi trong tháng Giêng cảnh báo ông ta về tình trạng bất bình trong nước và về nỗi tức giận bị kích bởi sự tăng vọt giá thực phẩm. Ông nói Gadhafi gửi trả lại bức thư đó cho ông trong đó nội dung bị gạch chéo bằng bút đỏ. Một bức thư cảnh báo – đó là hình thức phản đối của Younis.

Bây giờ Younis là người cách mạng lần thứ hai – nhưng, lần này ông nói ông đấu tranh cho dân chủ. Khi được hỏi ông ủng hộ kiểu dân chủ nào, Younis nói: “Tôi mơ ước về một nền dân chủ chính hiệu trong đó người Libya chúng tôi có thể hưởng một cuộc sống năm-sao. Libya kiếm được 150 tỷ $ (106 tỷ €) từ dầu mỏ trong một ngày. Và thử nhìn xem tình trạng của Benghazi ra sao!”

Cuộc chiến đấu có thể kéo dài nhiều tháng

Younis tin rằng thiết lập một nền dân chủ ở Libya không khó khăn chút nào cả. “Chúng tôi không có đảng chính trị nào, không có những dân tộc thiểu số linh tinh và các tín ngưỡng tôn giáo khác,” ông  nói, “cho nên chuyện đó sẽ hoàn toàn không thành vấn đề.” Một khi ước mơ của ông đạt được, ông nói thêm, ông có ý định rút khỏi đời sống xã hội và dùng thời gian của mình để đọc sách.

Tuy nhiên, có lẽ sẽ còn lâu trước khi Younis có thể đặt dấu tay của mình lên danh mục các sách cần đọc. Tiền đặt cược của Gadhafi vô cùng cao. Ông ta không dễ dàng sớm từ bỏ và cuộc chiến đấu sẽ có thể kéo lê nhiều tháng.

Lúc này, có vẻ như binh lính của Gadhafi khó có khả năng chiếm Benghazi, thành trì của cuộc nổi dậy. Nhưng cũng giống như những người nổi dậy không có khả năng chiếm Tripoli. Thật ra, nếu nhân dân thủ đô không nổi dậy, cuộc chiến này sẽ kéo dài.

Nhưng Younis vẫn lạc quan. “Trong hai hay ba tuần nữa,” ông nói, “cán cân quyền lực sẽ nghiêng về phía chúng tôi” Ông nói về các đường tiếp viện, về các vị trí và những người bắn tỉa – tất cả trong khi cố làm toát ra cái vẻ điềm tĩnh của một nhà quân sự chuyên nghiệp. Ông không sợ gì hơn một sự ngừng đột ngột các cuộc không kích, bởi vì ông tin rằng nó sẽ khiến cho cuộc kháng chiến bị nghiền nát.

Nhưng, ông tuyên bố nếu như chúng vẫn tiếp tục, thì thành phố quê hương của Gadhafi sẽ bị chiếm trong nhiều nhất là 10 ngày, và Tripoli chẳng bao lâu sẽ theo sau. Younis chỉ tin cuộc chiến sẽ kết thúc một khi Gadhafi chết hoặc bỏ trốn, có lẽ đến Chad ở miền bắc. Ông đoán cơ hội cho điều sau xảy ra là 75 phần trăm.

Điều gì xảy ra sau đó thì tùy theo dự đoán của mọi người. Libya là mảnh đất không chính trị. Không có chính đảng hay công đoàn nào, và hình thức tổ chức chính trị cao nhất là các câu lạc bộ bóng đá. Cái duy nhất mà đất nước này có thể nhớ đến là tầng lớp lãnh đạo đặc quyền đặc lợi xung quanh Gadhafi và con cái ông ta.

Một không khí sợ hãi đang lớn lên ở Benghazi

Thật ra, sau sáu tuần cách mạng, tiếng nói không còn được cất lên bởi tuổi trẻ, các luật sư và giáo sư như từ lúc ban đầu nữa, mà còn cả một số lượng đang tăng lên những kẻ đào ngũ từ chế độ cũ. Phần lớn những người này, mặc sơ mi là phẳng và đeo cà vạt, là những bộ trưởng, đại sứ, sĩ quan quân đội hay thương gia, và nhiều người trong số họ có quan hệ với Saif al-Islam, một trong những người con của Gadhafi. Tất cả bọn họ có cuộc sống tốt đẹp dưới chế độ Gadhafi, và bây giờ muốn tận dụng những gì còn sót lại. Từ khi các cuộc không kích bắt đầu, đã rõ rằng Gadhafi đang đến hồi kết thúc. Thế là họ quay sang tuyến đầu.

Hội đồng Chuyển tiếp Quốc gia Libya được thành lập trong những ngày đầu cách mạng coi như sẽ được thay thế bằng một chính phủ. Ngay bây giờ có những người đã tự xưng là bộ trưởng mà không thể giải thích được ai đã bổ nhiệm họ. Cuộc nổi dậy có những phát ngôn viên báo chí, đến lượt những người này có người phó của mình. Tại trung tâm truyền thông ở Benghazi, một người đàn ông chạy lăng xăng, đeo huân chương quân công của cha trên ngực, người khác đưa ra những cạc vi dit điểm vàng. Cuộc cách mạng này bề ngoài có vẻ đã đẻ ra một mạng lưới vô tận các quan chức cả thực lẫn ảo, và it ai biết họ làm gì hoặc liệu họ có chút ảnh hưởng thực tế nào không.

“Các bộ trưởng mới nên nhận những nhiệm vụ phù hợp với năng lực của họ, nhưng lúc này tôi không có tư cách để nói chính xác điều đó nên như thế nào,” Ahmed Khalifa, một phát ngôn viên của quân nổi dậy có bộ tóc mầu sáng với chiếc áo cộc tay đính khuy vàng nói. Mỗi ngày ở trung tâm truyền thông Benghazi, Khalifa đọc con số người chết, bị thương và bị bắt, cùng với tên của các địa điểm diễn ra những sự kiện đó.

Khalifa nói, những bộ trưởng này, là những chuyên gia – giáo sư, luật sư và doanh nhân – từ khắp đất nước, nhưng cũng sẽ có cả những người từ nước ngoài đang trên đường về nước. Tuy nhiên. Tên của họ vẫn còn là bí mật. “Bây giờ mà công bố họ ra là coi như tự sát,” Khalifa giải thích. Tuy nhiên, khi được hỏi chính xác bí mật nào chính phủ nên giữ, thì anh không có câu trả lời. Về sự khác nhau về chất giữa hội đồng quốc gia tự phong và một chính phủ tự phong, anh nói, “Hội đồng Quốc gia có nhiều đặc tính chung hơn, trong khi chính phủ chuyên môn hơn.”

Thẳng từ các cuộc cách mạng xô viết.

Tuy nhiên, không lâu sau đó, có tin rằng rốt cuộc sẽ không có một chính phủ. Thay vào đó, Hội đồng Quốc gia sẽ chuyển thành một “hội đồng xử lý khủng hoảng.”

Trong khi đó, một tổng thống tạm và một thủ tướng tạm đã yên vị, cả hai tranh đua vào chức vị đó. Thủ tướng mới là Mahmoud Jibril, công việc của ông là lãnh đạo cái chính phủ có thể tồn tại hay có thể không tồn tại. Jibril đã tốn nhiều thời gian đi công du nước ngoài, đã gặp Bernard-Henri Lévy và Nicolas Sarkozy ở Pháp, và Tổng thư ký Liên minh A rập Amr Moussa và các lãnh đạo quân sự Ai cập ở Cairo. Ông kia, người mà nhân dân gọi là “tổng thống mới của chúng tôi” là Mustafa Abdel-Jalil, chủ tịch của Hội đồng Quốc gia.

Một việc đoàn kết hai ông này lại là cả hai đều là những người đã phục vụ chế độ cũ một thời gian dài. Jiril là một quan chức kinh tế, còn Abdel-Jalil là bộ trưởng tư pháp.

Abdel-Jalil đội một chiếc mũ len đỏ và các ve của chiếc áo khoác bằng len của ông găm những màu sắc cách mạng. Những người lính gác cửa của ông mặc đồng phục may vội và đeo băng đạn ở thắt lưng. Một tấm thảm cầu nguyện được gấp để trên bàn và cái bướu do cầu nguyện trên trán Abdel-Jalil chứng tỏ ông là một tín đồ Hồi giáo sùng đạo. Ông không cạo râu, mắt ông khép hờ mệt mỏi, và đang trả lời phỏng vấn từng đợt mười phút một. Những câu ông nói có thể đã được lấy ra thẳng từ một quyển sổ tay hướng dẫn cách mạng xô viết. “Hội đồng Quốc gia được hợp pháp hóa bởi các ủy ban địa phương bao gồm những người cách mạng trong các thành phố và làng mạc được giải phóng,” ông tuyên bố.

Nghe Abdel-Jalil nói, cứ như thể việc những người nổi dậy giành quyền kiểm soát hoàn toàn đất nước chỉ là vấn đề về các chi tiết kỹ thuật. Ông đã gặp đặc phái viên của Liên Hiệp Qưốc, và, Abdel-Jalil nói, gần như tất cả các nước trên thế giới đã thiết lập quan hệ với ông. Ông tin rằng các lực lượng của ông sẽ chiếm Tripoli trong vài tuần lễ, và nói các lãnh đạo đang trong quá trình đi đến một ý tưởng nơi nào cần phải thực hiện ngay việc gì- về y tế, cơ sở hạ tầng và tái thiết những công trình xây dựng bị hư hại. Cho đến nay họ mới đạt được rất it, và việc quản lý thành phố, các trường học, các đại học và sản xuất dầu đã phải đình đốn cả.

Được hỏi bao giờ sẽ tổ chức các cuộc bầu cử, vị tổng thống trả lời, “Chúng tôi không quan tâm đến những chi tiết đó.”

Những mối liên hệ tốt đẹp với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO)

Ngồi gần Abdel-Jalil là một người mặc bộ com lê màu sô cô la tên là Ali al- Essawi, 44 tuổi, cựu bộ trưởng kinh tế và gần đây là đại sứ ở Ấn Độ. Bây giờ ông ta tự nhận là bộ trưởng ngoại giao, mặc dầu hoàn toàn không rõ tại sao – có lẽ vì ông là người duy nhất ở đây biết nói tiếng Anh. Ông nói ông đã có mối liên hệ tuyệt vời với Tổ chức Y tế Thế giới.

Hầu hết những người chỉ huy ở đây đều là con của chế độ cũ, và điều đáng hỏi là họ muốn tạo ra một nhà nước loại nào. Có thể là nền dân chủ sẽ chiếm ưu thế sau 41 năm ở nơi mà chính trị bị cấm đoán? Hay cuối cùng cách mạng sẽ thất bại, ngay cả khi nó thắng lợi trong việc đánh đổ Gadhafi? Và có lẽ điều nguy hiểm nhất cho tất cả: Có thể đất nước này, lên kết vội vã bởi sức mạnh dưới thời Gadhafi, cuối cùng sẽ tan rã, trở lại thành những bộ phận hợp thành của nó, những bộ lạc, những băng nhóm tội ác, các tướng lĩnh và các nhóm Jihad, được vũ trang tốt bằng vũ khí phương Tây?

Ahmed Khalifa, phát ngôn viên tự nguyện, nói cả 30 bộ lạc của Libya đã thề ủng hộ Hội đồng Quốc gia, trừ bộ lạc của Gadhafi. “Nhân dân Libya đoàn kết,” anh nói. “Chúng tôi có nhiều người ủng hộ ở Tripoli khi chúng tôi  ở đây. Không có sự chia rẽ giữa đông và tây, chắc chắn không có!” Khi nói đến đoàn kết dân tộc, Khalifa nói rất chắc chắn. Và không thể tìm thấy một ai nhìn sự vật theo cách khác.

Trên khắp miền đông đã được giải phóng, các buổi phát thanh của quân nổi dậy phát đi cả những thắng lợi tưởng tượng và những câu chuyện khủng khiếp. Đầu tiên chúng nói Khamis al-Gadhafi đã bị giết bởi một phi công cảm tử, và Ras Lanuf và Misrata “80 phần trăm” bị bắt lại. Một buồi phát thanh khác nói 2.000 công nhân nước ngoài ở Ai Cập bị trói và bị ném xuống cảng, trong khi một phóng sự khác lại tường thuật rằng cũng chính những người ấy bị dùng làm bia đỡ đạn. Một video hiện tại đang lưu hành khẳng định những thành viên của lữ đoàn Khamis bắt những lính đánh thuê châu Phi ăn thịt chó chết. Chắng có tin nào có thể kiểm chứng.

Bên bờ vực sụp đổ

Sáu tuần sau khi cuộc cách mạng bắt đầu, Benghazi, thủ đô tự do của Libya đang rơi xuống ngờ vực và sợ hãi. Ngày càng nhiều cửa hiệu đóng cửa, và phần lớn người dân không còn dám cho số điện thoại của họ nữa. không ai muốn nói một điều gì ngoài những câu cách mạng cửa miệng – không nói điều gì chống lại những người nổi dậy và không điều gì chống chính phủ ở Tripoli. Một trong nhiều tin đồn nói Gadhafi có những gián điệp nằm trong Hội đồng Quốc gia – nếu không tại sao chính những người trẻ bây giờ lại đang bị giảm bớt?

Một nhà biếm họa và một diễn viên giễu nhại Gadhafi tại một cuộc biểu tình nay đã chết. Mohammed Nabbous, người điều hành đài truyền hình của quân nổi dậy bị một tên lính bắn tỉa giết chết hôm 19/3 ở giữa Benghazi khi anh quay phim cảnh một chiếc phản lực cơ chiến đấu của Gadhaafi bị bắn rơi. Fathi Turbel, viên luật sư mà việc ông bị bắt làm xúc động những người cách mạng khi thanh niên biểu tình đòi thả ông, đã biến mất.

Ban đêm không ai dám ra ngoài , vì những vòng súng máy bắn ầm ầm xuyên qua những đường phố trống rỗng. các thành viên Hội đồng Quốc gia không còn thấy xuất hiện trước công chúng nữa và rất khó tiếp cận họ để xin phỏng vấn. “Có những đội tử thần ở cả hai bên,” Nasser Buisier, trốn sang Mỹ khi mới 17 tuổi, nhưng đã trở về tham gia cách mạng, nói. Cha của Buisier là cựu bộ trưởng thông tin, nhưng cũng là một người phê phán Gadhafi, và con trai ông không có nhiều điều tích cực để nói về hàng ngũ lãnh đạo mới. “Phần lớn bọn họ không bao giờ phải hy sinh, họ là một phần của chế độ và tôi không tin họ muốn có những cuộc bầu cử,” Buisier nói. Anh tin Hội đồng Quốc gia đang trên bờ vực sụp đổ và một khi điều đó xảy ra, tốt hơn hết là anh không ở Benghazi.

Buisier sắp sửa trở lại Mỹ, nhưng không muốn nói chính xác khi nào. Anh sợ anh bị vào sổ đen. Gần đây anh đã dự bốn đám tang liền trong một ngày, cả của những người nổi dậy và những người ủng hộ chế độ. Bệnh viện trung tâm Benghazi nhận vào năm, đôi khi 10, bệnh nhân mỗi ngày với những vết thương do đạn bắn. Hai xe tải nhỏ không mui trang bị súng máy gác ở cửa vào bệnh viện và các bức ảnh người mất tích dán trên các bức tường.

“Chúng tôi biết bọn chúng ở đâu”

Nghe nói có 8.000 người ở Benghazi là gián điệp của chính phủ – những người nổi dậy thấy tên của họ trong những hồ sơ do công an chìm giữ. Những người trẻ tuổi có vũ trang đi lang thang trong thành phố ban đêm, bắt những người ủng hộ chế độ, nhưng cũng xảy ra cả những vụ trả thù cá nhân nữa.

Salah Sharif, một người gác tù cũ, vừa mới được tìm thấy bị chết với nửa đầu bị thổi bay đi. Chính thức, anh ta bị coi là tự sát. “Tất nhiên là hắn bị giết,” một người đàn ông ngồi bẩy năm trong tù và chịu khổ nhục dưới tay Sharif nói. “Hắn chuyên môn tra tấn và hỏi cung người ta. Đặc biệt là những người Islamist.”

Khoảng 100 người trung thành với chế độ gần đây đã bị ngồi tù. Những thanh niên vũ trang đang tìm nhà và cũng đang bắt những người Phi hạ Sahara, bắt kỳ ai bị họ coi là lính đánh thuê và bất kỳ người nào đơn giản bị họ gán cho là gián điệp, nhốt họ vào một nhà giam chung trước đây dùng để giam những người chống đối. Sau đó họ được đưa ra khoe với một xe những nhà báo. Những người tù ngồi trong các xà lim tối sặc sụa mùi phân và nước tiểu. Họ nói họ từ Mali, Chad, Sudan đến, rằng họ là những công nhân xây dựng và bị lôi ra khỏi nhà.

Tâm trạng của những người nổi dậy, hoan hỉ hả hê và vô tư lự những ngày đầu, nay đã thay đổi. Những tiếng nói hùng hồn của họ nay ngày càng trở nên căng thẳng, và họ gạt bỏ mọi lời chỉ trích như tuyên truyền. Một cựu chỉ huy không quân – bây giờ là người phát ngôn cho các lực lượng vũ trang cách mạng” – nói, “bất kỳ ai chiến đấu chống lại quân đội cách mạng của chúng tôi là đang chiến đấu chống lại nhân dân và sẽ bị xử lý thích đáng.”

Một người khác, cũng là thành viên Hội đồng Quốc gia, nói về “những kẻ thù của cách mạng” và tuyên bố rằng bất kỳ ai không tham gia vào phía những người nổi dậy sẽ được nếm luật pháp cách mạng: “Chúng tôi biết chúng ở đâu và chúng tôi sẽ tìm ra chúng.”

Đây cũng chính là những lời đe dọa, hết lời này đến lời khác, mà Gadhafi dùng để hăm dọa các kẻ thù của hắn.

Ella Ornstein và Josh Ward dịch từ tiếng Đức

© Hiếu Tân

1 Phản hồi cho “Hỗn loạn và mơ hồ trong hàng ngũ lãnh đạo cách mạng Libya”

  1. dongque_d says:

    Liên quân là kẻ xâm lược
    chẳng qua là dầu mỏ
    khi liên quân thắng bố con tổng thống lybi lại phải mượng cái thòng lọng của thổng thống SADAN HUSEN(IRAQUE)

Leave a Reply to dongque_d