Phản hồi: ‘Người Á Châu trong thư viện’
Tình cờ đọc được bài dịch của một đoạn Video có tên: “Người Á châu trong thư viện” được đăng tài trên Đàn Chim Việt,bài dịch thuật lại lời của một cô sinh viên gốc USA có tên Alexandra Wallace đang học tại Đại học UCLA –Hoa Kỳ. Cô sinh viên này bày tỏ sự khó chịu trước lối cư xử của các du sinh Á châu cùng trường,kể cả gia đình của họ trong một số vấn đề ví dụ như việc các bậc phụ huynh thường thay con em mình làm những công việc nội trợ. Cô ta nói rằng: “Họ không dạy cho con em họ cách tự lập. Bạn biết không, một điều nữa mà tôi muốn nói tiếp là họ không dạy cho con cái của họ cách cư xử”.
Alexandra tự hào khi mình sinh ra- lớn lên, và được thụ hưởng nền văn hóa tiến bộ và nhân bản của Hoa Kỳ. Những yếu tố đó đã tạo nên sự khác biết trong lối sống giữa cô và các chủng dân đến từ châu Á. Cô cho rằng: Nếu có một ai đó đến học tại trường Đại học ở Hoa Kỳ thì nên có cách cư xử theo “phong cách Mỹ”.
Có lẽ không cần nói, chúng ta cũng nhận thấy một cách rõ ràng thái độ khinh miệt mà cô sinh viên này dành cho người Châu Á và gia đình của họ. Bằng lời lẽ mà tôi cho rằng cố giảm nhẹ tính nghiêm trọng của sự việc và tránh né để những chỉ trích kia không mang màu sắc phân biệt chủng tộc, Cô Alexandra đã dội một gáo nước lạnh vào mặt chủng dân Á châu chúng ta.
Duyên cớ để cô gái Mỹ có những đánh giá như thế xuất phát từ những hành động thiếu ý thức của các du sinh. Tôi không biện minh cho những hành động của các “du sinh Á châu” tại trường UCLA là đúng, cách nhìn nhận và thái độ của nữ sinh viên HK là sai. Phải công nhận rằng việc sữ dụng điện thoại bừa bãi tại nơi công cộng làm ảnh hưởng đến cộng đồng là một lối hành xử thiếu văn hóa…Đúng – Họ là những người châu Á đã hành xử thật lỗ mãn,nhưng nhóm người châu Á này không nói lên được điều gì cả và cũng không đại diện cho ai cả. Điều mà tôi muốn minh định ở đây rằng “cô gái Mỹ” đã có cái nhìn phiến diện và phần nhiều là cảm tính xuất phát từ những định kiến ban đầu. Việc lồng ghép hai hình ảnh “Người á châu” và “Những hành động trong thư viện” để đánh giá rằng đó là văn hóa Á đông là một lối suy nghĩ hẹp hòi – “quơ đũa cả nắm”. Sự việc cô sinh viên HK cho rằng: Các du sinh Á châu không được gia đình giáo dục để có lối cư xử văn minh hơn không chỉ đơn giản là chỉ trích một nhóm người, cô ấy muốn ám chỉ tất cả những người Châu Á,rằng chúng ta là những dân tộc từ xứ sở chậm tiến, đến để học hỏi tri thức văn hóa của một quốc gia bậc nhất thế giới ngày hôm nay. Và rằng chúng ta phải tuân thủ mọi giá trị mà người dân xứ này theo đuổi,những kẻ có văn hóa thấp kém như chúng ta phải tập dần để phù hợp với lối sống có nhận thức cao trên đất nước của họ.
Thật ấu trĩ khi đánh giá thấp văn hóa người Á đông qua những việc làm tồi tệ mà các du sinh thể hiện tại trường đại học UCLA Hoa Kỳ. Alexandra phải hiểu rằng: Những du sinh Á châu tại Hoa Kỳ không đại diện cho văn hóa và lỗi ứng xữ của người phương Đông,vì vậy càng không nên đặt ra sự so sánh giữa “hành động châu Á” và “phong cách Mỹ”. Việc chỉ trích chủng dân khác có những hành động thiếu khôn ngoan- lịch sự và thiếu trách nhiệm rồi, qua đó khẳng định họ cần có lối cư xử theo phong cách USA đồng nghĩa với việc đánh giá văn hóa Mỹ là tiêu chuẩn cho mọi hành động-văn hóa Mỹ là ưu việt nhất, là thước đo của văn minh nhân loại.
Thành thật mà nói,đọc xong bài chuyển ngữ, tôi không khỏi suy nghĩ và cảm thấy khó chịu vì bản thân tôi cũng là một người Á châu. Thiết nghĩ,khi nhận định một vấn đề gì đó,muốn nó khách quan và không phiến diện,chúng ta cần đặt vấn đề trong một không gian chung và phối kiểm nó với nhiều dữ kiện theo nhiều cách khác nhau. Bất kỳ vấn đề gì cũng có nhiều mặt, nó không tồn tại độc lập mà bị sự chi phối tác động của nhiều yếu tố khác nữa. Cho nên nhìn nhận một vấn đề bằng nhãn quan khoa học, biện chứng, ở nhiều giác độ thì sẽ cho kết quả nhận thức sâu sắc và khách quan hơn.
Như chúng ta đã biết, thành quả khoa học kỹ thuật ngày hôm nay mà phương Tây đạt được bắt nguồn từ cuộc Cách mạng công nghiệp từ khoảng cuối TK XVIII-đầu TK XIX, ban đầu từ Anh quốc sau đó lan rộng và bùng nổ toàn lục địa Âu châu rồi chuyển sang Bắc Mỹ. Chính nhờ sớm bước vào nghiên cứu Khoa học Kỹ thuật, đã biến các quốc gia Tây Âu- Bắc Mỹ từ những nước Nông nghiệp thành những cường quốc về Công nghiệp và quân sự.Những loại vũ khí có tính chính xác và gây sát thương cao đã được nghiên cứu và chế tạo hàng loạt, mở màn cho những cuộc viễn chinh đẫm máu và thời gian khai thác thuộc địa lâu dài.
Phương Đông-tập hợp các quốc gia với nền văn hóa thượng thặng đã chậm chân trong sự phát triển khoa học kỹ thuật -trở thành nạn nhân của các quốc gia Tây Âu. Kể từ thời điểm đó đến nay, hầu hết các quốc gia Phương Đông chìm trong đói nghèo và lạc hậu. Một quốc gia kinh tế kém phát triển, đời sống người dân bấp bênh thì làm sao văn hóa được chú trọng một cách đúng mức. Chỉ một số quốc gia may mắn xây dựng được thể chế Dân chủ thoát khỏi sự trì trệ,đưa dân tộc mình thăng tiến và phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc…thì mới có điều kiện để canh tân văn hóa. Các nước này đã cũng cố và phát huy mạnh mẽ văn hóa truyền thống của dân tộc. Công dân ở các quốc gia này có ý thức dân tộc và lối hành xử tự trọng, văn minh.
Các nước đế quốc xâm chiếm các thuộc địa Á Đông như Ấn Độ,Việt Nam, Trung Hoa. Họ lợi dụng chiêu bài khai hóa hay bảo hộ các xứ sở chậm tiến nhưng trên thực tế, các quốc gia này thiết lập các chính quyền thuộc địa, sử dụng sực mạnh vũ lực đề đè bẹp sự đối kháng của cư dân bản địa. Khi đặt chân vào những xứ sở có nền Văn minh độc đáo như Trung Hoa và Ấn Độ, người phương Tây không đủ tự tin, văn hóa của họ không đủ sức làm lu mờ và đánh bại nền văn hóa Á đông, chính vì thế giải pháp quân sự được dùng đến ngoài việc cướp đoạt tài sản, nó còn là giải pháp tối ưu cho việc áp đặt một “chân lý tuyết đối”.
Nhật Bản-một quốc gia sớm thực hiện cải cách theo mô hình công nghiệp Châu Âu,trong một thời gian ngắn hạn, họ đã xây dựng trên đất nước Phù tang một nền khoa học kỹ thuật hiện đại,nền kinh tế phát triển, bên cạnh đó còn chú trọng phát huy văn hóa truyền thống kỳ đặc của họ tạo cho con người xứ sở này lối ứng xữ và và văn hóa giao tiếp vô cùng lịch lãm. Vào thời kỳ các Đế quốc đua nhau tranh dành thuộc địa,thuật ngữ “mọi da trắng” được người Nhật dành để chỉ giống dân Tây Âu với tất cả sự kinh bỉ. Qua những thành công của mình, người Nhật đã chứng minh được,dân tộc Nhật không những không thua kém mà còn vượt trội hơn Âu châu rất nhiều. Nhưng cách nói như thế có thực sự công bằng và đúng đắn không?
Ngày hôm nay, một thảm họa kép động đất, sóng thần vừa xảy ra tại Nhật Bản đã tàn phá nghiêm trọng cường quốc kinh tế đứng hàng thứ 3 trên Thế giới. Tổng số thiệt hại được ước tính lên đến hàng trăm tỉ USD, đó quả là thử thách không nhỏ đối với người dân nước Nhật. Trong thời gian thảm họa sóng thần xảy ra,tại các khu vực bị tàn phá, an ninh không được bảo đảm nhưng không có vụ vi phạm pháp luật nghiêm trọng nào xảy ra. Người Nhật với tinh thần Dân tộc và ý thức Quốc gia, họ sẵn sàng hi sinh lợi ích của bản thân và gia đình để bảo vệ lợi ích và danh dự quốc gia. Ý thức vì cộng đồng đã giúp cho người Nhật giảm thiểu tối đa những thương vong đáng tiếc. Cả Thế giới lại một lần nữa chứng kiến “Tinh thần Nhật Bản” với sự kính trọng và ngưỡng mộ tận thâm tâm. Người Nhật đã chứng minh cho cả thế giới thấy rằng họ có một nền văn hóa và nhận thức cực cao. Chúng ta còn nhớ khi xảy ra trận bão Katrina tai Hoa kỳ, trong lúc rối loạn, an ninh không được kiểm soát, những chuyện tồi tệ nhất những hành vi tội ác và vi phạm luật pháp đáng ghê tởm đã xảy ra,. Người Mỹ đã không làm được những việc mà ngày hôm nay người Nhật đã làm.
Mặc dầu đã xảy ra những điều tồi tệ nhưng tất cả những con người công chính và sáng suốt không ai có thể đánh giá những chuyện đó là “Phong cách Mỹ” hay “văn hóa Mỹ” được
Văn minh Phương Tây đã cống hiến cho nhân loại nhiều thành tựu to lớn.Từ Triết học,âm nhạc,hội họa, kiến trúc-điêu khắc,văn hoc-thơ ca, chính trị-quân sự thì ở Châu Á,người phương Đông với hai nền văn minh lớn là Ấn Độ và Trung Hoa cũng không thua kém. Văn hóa Đông-Tây đều đạt được những đỉnh cao và đã cống hiến cho loài người những giá trị Chân Thiện Mỹ giúp nhân loại có được nền văn minh của ngày hôm nay. Nhưng nền văn minh nào, văn hóa nào cũng vậy, luôn song song tồn tại sự tốt đẹp và cái bất toàn. Một số người thường nhìn vào những điều khiếm khuyết ở người khác mà không nhìn vào những điều tốt đẹp ở họ. Càng không thể nhìn những hành động của một nhóm người để đánh giá văn hóa của một chủng dân, và khẳng định rằng họ cần hành xử theo phong cách gì cho đúng đắn.
Quay lại với vấn đề các du sinh Châu Á. Hầu hết các du sinh này đến từ các nước như Trung Quốc,Việt Nam – các quốc gia bị cai trị bởi chế độ độc tài cộng sản. Các nước Á châu trong đó có Trung hoa và Việt Nam, là những xứ sở có nền tảng văn hóa phát triển lâu đời và người dân có lối hành xử văn minh, nhưng trong một thời gian dài bị cai trị bởi hệ thống chính trị độc tài Cộng sản mọi giá trị bị đảo lộn,đạo đức và sự liêm si bị coi thường, sự giả dối và hãnh tiến thống trị đã để lại một hệ lụy kinh hoàng, văn hóa và đạo đức, lương tri và trách nhiệm nhường chổ cho giá trị vật chất. Các nhà lãnh đạo của những quốc gia này là nhóm người thực dụng, tham nhũng,họ đặt lợi ích của gia tộc họ và đảng cầm quyền lên trên lợi ích dân tộc, họ chỉ lo cũng cố địa vị và tương lai của con cháu họ, còn tương lai của đất nước và dân tộc là chuyện của ai đó,không liên quan đến họ.Họ không màng đến việc chấn hưng văn hóa nước nhà, tôn vinh bản sắc dân tộc, họ góp phần làm hủy hoại văn hóa truyền thống và đạo đức của dân tộc bằng lối sống suy đồi vong bản.
Những “du sinh Á châu” đến nước Mỹ hầu hết là con em của các vị lãnh đạo này, hoặc là những thành phần giàu có nhận hưởng đặc quyền đặc lợi từ chế độ… những con người này được đưa ra nước ngoài học tập để quay trở về cai trị dân chúng hà khắc hơn, tinh vi hơn thì làm sao không thể hiện những hành động kệch kỡm như vậy được. Ở các quốc gia văn minh,họ nhìn loại người này như những con người thiếu ý thức, trì độn, chậm tiến… còn ở trong nước, người dân với văn hóa truyền thống lại xem hạn người này như một thứ quái thai,lai căn, hỗn tạp, cũng chẳng biết những con người này được dẫn dắt và hành xữ bởi nền văn hóa nào và họ đứng ở vị trí nào trong Thế giới ngày hôm nay. Tôi sẽ hoàn toàn đồng ý nếu Alexandra Wallace phàn nàn và khinh bỉ hành động của những du sinh đến từ các quốc gia cộng sản-độc tài chứ không phải nhắm vào người dân châu Á. Xin một lần nữa được nhắc lại, “cô bé Mỹ” của chúng ta nên đính chính câu nói của mình rằng: “Du sinh các nước độc tài trong thư viện” thay cho “Người Á châu trong thư viện” thì sẽ chính xác, công bình và thuyết phục hơn.
© Huỳnh Trọng Hiếu
© Đàn Chim Việt
Ông Hiêu đúng khi nhận xét việc cô gái Mỹ lồng ghép hai hình ảnh “người Á Châu”và “những hình ảnh trong thư viện” để rút ra kết luận về văn hóa Á Châu là lối suy nghĩ hẹp hòi, ấu trĩ. Nhưng ông cũng lại mắc đúng cái lối suy nghĩ đó khi ông cho rằng hầu hêt những sinh viên này đến từ những nước như Trung quốc và Việt nam (là hai nước Cộng sảnđộc tài Đảng trị)để từ đó ông muốn cô gái Mỹ kia đính chính lại câu nói của mình là “du sinh các nước độc tài trong thư viện”.
Đành rằng có thể nhiều du sinh từ VN, TQ mắc cái lỗi “trong thư viện” nhưng căn cứ vào đâu để ông có thể kết luận “những du sinh Châu Á”đó chủ yếu đến từ hai nước độc tài Đảng trị này? Tôi hoàn toàn không có ý định bào chữa hay bảo vệ “thanh danh” của hai nước CS kể trên nhưng nếu bỏ hai đoạn cuốicùng thì có lẽ bài viết của ông sẽ “khoa học, biên chứng “ và “chính xác, công bình và thuyết phục hơn”.
Và, hihi, từ lúc nào mà ông Hiếu gọi “cô bé Mỹ của chúng ta” thay vì “cô gái Mỹ” vậy???
Thôi đi ông Hiếu. Con sâu làm rầu nồi canh. Sâu cộng sản lại càng khiếp hơn. Liệu có “gắp” chúng ra khỏi nồi canh được không ? Nghĩ và cùng làm đi. Bọn cộng sản không cải tạo được đâu. Chỉ có thể làm như Hoa Lài mà thôi.