Cuối đời và mất hút
Tôi cùng chồng và đứa con trai mười tuổi, trở về thành phố cũ, vào một buổi sáng mùa thu, trong dịp buôn bán, sau bốn năm sang thành phố khác sinh sống, làm ăn.
Nơi này, đã từng gợi trong tôi những khủng hoảng tinh thần triền miên, khi chung sống với chồng.
Sau công việc, tôi hối chồng con, ghé tiệm hoa. Rồi vội đi thăm mộ, nằm trên một ngọn đồi cao về hướng tây thành phố.
- Có những lúc, thời gian trôi thật chậm như vòng quay quả đất, em nhỉ?
Tôi tránh ánh mắt chồng, quay cửa xe nhìn bâng quơ…
&
… Lãm uống nốt hớp rượu cạn đáy, ném mạnh chai vào tường. Một tiếng vỡ khô khan. Lãm hờ hững nhìn quanh. Đôi mắt lừ đừ của kẻ bất cần đời. Phòng ăn, bàn ghế nằm chỏng gọng lăn lóc. Phòng khách, ly chén vỡ từng mảnh rớt vung vãi. Những tô mì ăn liền bằng giấy còn đầy ắp những sợi mì khô cứng, vun tràn; cắm vào đó những đôi đũa xiên xẹo, như những nấm mộ nhỏ không người chăm sóc. Nhiều đót thuốc lá nằm lọt trong tấm thảm như những con sâu lông đen nhám nhúa. Vài tờ báo, cái áo thun, chiếc quần lót, đôi tất vo tròn ngổn ngang. Cái ti-vi cũ, thỉnh thoảng màn ảnh chớp nhá, mở liên tục, ngay cả những khi Lãm đi vắng. Cô phát ngôn viên, đang loan báo thời tiết xấu, có thể bão tuyết đêm nay.
Lãm đọc lá thư của mẹ Phượng lần nữa, từ bên nhà gửi sang. Anh vò tờ giấy ném sọt rác. Ám ảnh tự tử lại trở về nơi anh.
Lãm đóng cửa, đeo găng tay bước ra khỏi nhà.
Gió thổi từng cơn buốt lạnh khô khốc. Lãm quay người, đi giật lùi ra đường đến chỗ đậu xe. Trời tháng giêng, tuyết đầy đường trắng xóa. Lãm phủi tuyết, mở cửa chun vào xe, đề máy. Vài tiếng khục khặc, im hẳn. Lãm chun ra, đạp cánh cửa. Cửa xe ập mạnh. Những lọn tuyết trắng phau từ trên nóc xe đổ xối xả bám quanh ống quần anh. Một vệt lõm to như đôi giầy tuyết in đậm trên cánh cửa xe.
- Phượng ơi? Toàn ơi?
Lãm thấy bớt lạnh. Anh lội bộ, đến tiệm rượu, cách nhà khoảng sáu block đường.
Gã chủ quán, có bộ râu như cái ghi đông xe đạp, ngơ ngác khi Lãm ôm thùng bia hộp cùng chai rượu cô-nhắc loại lớn nhất. Anh quăng tờ giấy một trăm lên quày, bỏ đi. Gã gọi, nhưng anh như không nghe, mở cửa bước nhanh. Gã nhún vai, se bộ râu dị hợm vảnh ngược thêm, lẩm bẩm:
- Thằng thật kỳ. Ngày nào cũng say. Hôm nay sang dữ!
Lãm là khách hàng quen mặt hơn tháng nay. Chiều nào, Lãm cũng ghé mua một thùng bia.
Rượu thấm dần. Từng mạch máu li ti như đang bung nở, chạy rần rật.
Lãm vẫn bước…
Tới block đường thứ nhất, Lãm ngồi xuống, nép mình vào cột đèn tránh gió, khum tay mồi điếu thuốc mấy lần mới được. Lãm khui lon bia, uống một hơi gần cạn đáy. Ám ảnh tự tử nổi lên…
- Lãm? Anh tính thế nào khi về bển. Ở nhà mẹ anh hay ở nhà em?
- Anh nghĩ mình nên ở khách sạn, tiện nhất, không phiền hà ai. Mấy đứa bạn anh về thường bảo thế. Mình sống biệt lập quen rồi, ở chung đụng khó lắm.
- Ừ. Sao cũng được. Nhà chúng mình cũng gần nhau. Có gì lái xe “hon đa” lên xuống.
- Dĩ nhiên là vậy. Việt Nam bây giờ thay đổi dữ lắm, xe cộ không là vấn đề khó khăn như khi tụi mình chưa vượt biên.
- Lãm nè. Chuyến này về chắc vui lắm? Bao năm rồi nhỉ? Ừ, mười hai năm chứ ít ỏi gì. Phượng nhớ mẹ và anh chị ghê. Mấy con nhỏ bạn nữa. Không biết bây giờ chúng làm ăn, con cái ra sao. Ôi thời gian! Lãm thế nào?
- Anh chỉ nhớ những dòng sông, con lạch, cái mương, căn nhà, ruộng lúa trổ ngọn đòng đòng khắp cánh đồng. Và nhất là…
- Anh kỳ ghê! Nhớ gì không nhớ, nhớ vu vơ! Con sông, cánh đồng… có gì mà đáng nhớ?
- Cô Phượng yêu mến của tôi ơi! Anh chưa nói hết, cô đã nhảy vào miệng tôi ngồi rồi. Và nhất là…
- Là gì cơ?
- Là những gì như em đang nghĩ.
Phượng cười ngặt ngẽo, đấm lưng chồng thình thịch, trìu mến. Thằng Toàn nằm ngủ trong lòng Phượng, giật mình tỉnh giấc khóc. Phượng vỗ vỗ lưng con.
Chiếc Boeing 747 vẫn lướt êm trên bầu trời…
&
Lãm đứng dậy cắp nách chai rượu, tay ôm thùng bia bước đi.
Lãm vẫn bước…
Tới block đường thứ nhì, Lãm ngồi xuống, nép mình vào cột đèn tránh gió, khum tay mồi thuốc. Lãm khui lon bia thứ hai uống. Một chiếc xe chạy ngang, bắn bùn tuyết văng tung tóe. Ám ảnh tự tử lại nổi lên…
- Phượng này… Gia đình anh thế nào? Mẹ và mấy bà chị có khó dễ em? – Lãm vừa nói, vừa mặc quần sau cuộc giao hoan.
- Em là đứa con dâu sướng nhất trong một xã hội mà lắm bà mẹ chồng hành hạ con dâu. Em là con dâu Việt kiều: Khúc ruột ngàn dặm của mẹ Việt Nam! – Phượng cười thỏa mãn.
- Phượng đùa hay nhỉ. Sáng mai cả nhà đi tắm biển. Nhớ đem theo cái phao con vịt cho thằng Toàn tập bơi.
- Em quên mất. Đoảng quá! Ngày mai, em có cái hẹn bên nhà đãi mấy con nhỏ bạn thân. Hay anh xin lỗi ba má, cho em hẹn lại khi khác nhá. Để thằng Toàn ở nhà với em. Nó đi với anh, em không an lòng chút nào. Cái tánh anh ưa quên và vô tâm lắm.
- Ừ, thì thôi. Để hôm khác vậy. Mình về chơi cả tháng. Nhưng thằng Toàn phải đi với anh. Có bà nội nó chăm sóc. Nó cần thấy biển quê hương nó. Biển là nguồn cội, là máu mủ quê hương. Biển đã ấp ủ, yêu thương ta.
- Ừ. Em quên. Điều đó hẳn nhiên. Ngủ.
Phượng mặc quần lót, để trần khoe thân thể mềm mại trắng màu sữa. Cái quạt máy vẫn quay nhạt nhão, kèn kẹt. Đêm vẫn còn oi. Tiếng xe máy thỉnh thoảng nổ ròn trong đêm, mất hút. Phượng mở tung cánh cửa nhìn xuống lòng đường, sau khi tắt đèn. Đêm sâu hun hút. Nàng ôm chồng hôn lần nữa, cảm giác ân ái còn lẩn quất trong thân thể ngồn ngộn với đôi vú căng tròn. Lãm vuốt ngực vợ, nhay nhẹ đầu vú, tham lam.
- Con Hằng nó xin vài trăm… – Phượng ghì mạnh đầu chồng. Lãm mải miết gật…
Lãm đứng dậy cắp nách chai rượu, tay ôm thùng bia. Tuyết bắt đầu rơi lất phất. Những cột đèn đã bật sáng, vàng dợt. Lãm kéo cao cổ áo.
Lãm vẫn bước…
Tới block đường thứ ba, Lãm ngồi xuống, khui lon bia, khum tay mồi thuốc. Một người tấp xe vào lề, bước xuống hỏi Lãm.
- Ông có cần tôi chở một đoạn đường? Trời rét thế này, coi chừng chết cóng. Chúa ơi!
Lãm khoát tay, ậm ừ, cám ơn. Anh đưa lon bia mời. Người đàn ông da trắng lắc đầu, bỏ đi. Ông nghĩ, Lãm là một gã say, trong một thành phố có lắm dân da đỏ này. Lãm cười buồn buồn, nghĩ đến thân phận hiện tại của mình, cũng chẳng khác những gã da đỏ sống trong lòng thành phố, có sáu tháng mùa đông tuyết ngập trời. Mấy tháng nay, Lãm biếng hớt tóc và cạo râu, chắc nhìn vào giống các gã da đỏ say sưa lắm. Lãm khui thêm lon bia, nốc ừng ực, nhìn theo người đàn ông tử tế.
Lãm biết, những người da đỏ thường hay say bất cứ giờ giấc nào có thể, nếu họ kiếm ra tiền. Họ uống để say, để quên đi niềm đau tủi nhục khi bị người da trắng khinh bỉ và kỳ thị. Họ uống, để quên đi nỗi nhục nhằn lưu vong trên chính quê hương họ. Đôi lúc, có kẻ đã say và đã ngủ trên tuyết, để rồi vĩnh viễn đi vào cõi vĩnh hằng không một người tiếc thương, kể cả những kẻ đã chiếm quê hương họ, ruồng bỏ họ bằng những đồng dollars chu cấp hàng tháng, như một khuyến khích. Để một ngày nào đó, giống da đỏ sẽ đi vào lãng quên của mọi giống dân khác sắc màu. Còn Lãm? Anh uống cho say để làm gì? Lãm tự hỏi và chợt nhớ tới Phượng, tới thằng Toàn…
- Tại sao con lấy nó hở, Phượng? Con cũng biết, một thằng đàn ông, thua kém vợ về mọi phương diện là một thằng đàn ông tồi! Chữ nghĩa, nghề nghiệp không rành. Làm sao nó nuôi vợ con sung sướng suốt đời trên đất người chứ? – Mẹ Phượng nói.
- Đúng thế. Lãm, là một thằng đàn ông tồi! Mày ngu lắm mới lấy nó làm chồng, Phượng à. Đàn ông bị vợ cầm quyền trong hãng xưởng, suốt đời sẽ không ngóc đầu nổi. – Hoa, chị Phượng tiếp lời.
- Mẹ! Bảo một đàn ông là tồi, như chị Hoa nói thì là đó là sai lầm lố bịch. Tụi con thương yêu nhau là đủ. Tạo hóa sinh ra người đàn ông và đàn bà là để họ được yêu nhau, chứ không qua bằng cấp và đồng tiền. Từ khi con lấy Lãm, Lãm chịu thua thiệt bạn bè. Tiền bạc nhiều mà làm gì, khi vợ chồng sống không hạnh phúc, phải không mẹ?
- Xí, ấy là tình yêu? Đó là những con bò thời nay! Mày sống ở bển mười mấy năm, giúp gì cho gia đình? Mày đã gửi về được bao nhiêu? Mày có nhớ, ai đã tần tảo bán buôn kiếm từng xu lo cho mày đi vượt biên ngày trước, trong khi cả gia đình còn năm-sáu đứa? Phượng, mày là đứa con bất hiếu. Người ta đi ngoại quốc ai ai cũng giàu, cũng có tiền gửi về thân nhân này nọ.
- Tụi em lương ba cọc ba đồng, lại thất nghiệp lên xuống. Con người ai ai cũng có cái số cả! Chị nghĩ, em đi qua đó nhặt tiền?
- Mày nói gì thì nói. Tao không đồng ý mày lấy thằng Lãm. Mày mà còn sống với nó, tao và mấy chị em của mày suốt đời vẫn khổ. Hãy bỏ nó đi! Kiếm thằng khác, lập lại cuộc đời! Thời buổi mạt rệp này, vợ chồng bỏ nhau như thay một cái áo. Con gái nó lấy chồng ngoại quốc thiếu gì! Mày thấy đó, cái nhà sắp sập nay mai. Con Hằng đã nhiều lần, dấu gia đình, lén lút làm đĩ kiếm thêm tiền từ mấy thằng Việt kiều. Người ta về ai ai cũng có tiền ăn chơi. Còn thằng chồng dở hơi của mày được gì? Dân Việt kiều gì mà trở về quê hương, suốt ngày cứ cú rú bên nhà dãy cỏ, đi mò tôm bắt cá, làm ruộng!
- Đời là một mặt nạ trét nhiều phấn son! – Phượng chống chế.
Lãm đứng bên ngoài, tình cờ nghe câu chuyện; thấy cay cay ở mắt. Giỏ vú sửa trên tay, chính anh trèo hái bên nhà định đem biếu mẹ vợ, chợt nặng trĩu. Lãm cúi đầu rút lui, im lặng. Quả là anh thua vợ về mọi mặt. Hai người làm chung ở một hãng nhỏ, chuyên ráp nối xe đạp, lương không mấy cao. Phượng vào hãng sau Lãm hai năm, nhưng giỏi sinh ngữ nhờ mấy năm Lãm nuôi ăn học, cô đã nhanh chóng lên làm cai…
Lãm đứng dậy cắp nách chai rượu, tay ôm thùng bia chập choạng bước.
Tuyết rơi nhanh và đặc khoảng không gian trước mặt. Tới block thứ tư, Lãm dừng lại ngồi xuống bệ đường. Anh ngơ ngác nhìn những chiếc xe xúc tuyết trong đêm. Lãm khui lon bia tu ừng ực như khát nước lâu ngày. Thêm lon nữa, thấy đầu nằng nặng. Lãm ngập ngừng một thoáng. Ám ảnh tự tử lại nổi lên. Lãm nốc lon bia một hơi, cạn. Giọt nước vàng sóng đổ nhỉ nhão trên chiếc áo lạnh khó thấm nước. Chỉ một chốc, nó đông đặc lại như một hạt kim cương có bọt, vô giá trị…
- Ông đi đâu tới giờ này mới về? Đồ khốn nạn bê tha! Có phải đi tìm mấy con đĩ? Việt kiều trăm ông về Việt Nam, gần trăm ông đi chơi đĩ, đi thử của lạ. Chà, mấy đứa con gái mới lớn. – Phượng vừa chửi, vừa khóc. Lãm đóng cửa phòng khách sạn, nhìn vợ. Anh đau, thấm thía. Vở kịch vừa mới bắt đầu, mà màn hạ quá nhanh chóng, ngoài sự tưởng tượng.
- Phượng này! Chúng ta sống hạnh phúc bấy lâu là nhờ vào đâu? Anh đi thăm mấy thằng bạn cũ. Tụi nó kéo anh bắt đi nhậu. Sao em thay đổi nhanh chóng thế, hở Phượng? Em không còn yêu anh? Em đã quên những gì từng nói? Thằng Toàn đâu?
- Yêu với không yêu. Rõ không xấu hổ. Nghèo trơ vách không lo, ở đó ăn nói mông lung! Thằng Toàn có còn mắc mớ gì tới anh nữa đâu, mà anh hỏi tới nó. Nó sẽ ở bên ngoại, cho tới ngày về bển. Anh nghe chưa!
Lãm sấn tới định tát Phượng nhưng anh ghìm kịp. Lãm hét lên:
- Nghèo? Mình nghèo từ bao giờ thế? Cuộc sống ở đây khác cuộc sống bên ấy? Bên ấy có bao giờ mình nghèo, mình thiếu thốn? Biết bao nhiêu cho đủ, cho vừa những người bên này, hở Phượng?
- Em không cần biết! Em chỉ biết căn nhà mẹ em sắp sập và con Hằng đi làm đĩ kiếm tiền mua sắm áo quần, từ những thằng Việt kiều. Ngày mai em sẽ đi ra ngân hàng lấy tiền. – Phượng khóc rấm rức, hằn học nhìn chồng.
- Tiền ngoài ngân hàng?
- Thẻ tín dụng. Có bao nhiêu em rút mượn hết.
- Nhưng tiền đâu trả chứ? Chuyến về lần này mình đã tiêu quá nhiều, em biết không? Tiền đổ vào túi tham không đáy biết bao giờ cho thỏa. Anh không muốn mang nợ khi trở về bên ấy.
- Người ta nào? Dù gì cũng là mẹ vợ, anh chị em vợ anh. Còn tiền dưỡng hưu nữa chi. Về bển, anh bán hết để trả nợ.
- Em kỳ quá! Má và chị Hoa nói gì em cũng tin cả. Em thấy đó, mười mấy năm nay, mỗi khi gửi tiền về, có lần nào anh gửi không đều cho nhà hai bên? Mẹ anh bao nhiêu, mẹ em cũng bấy nhiêu, ngay cả khi em chưa đi làm. Vậy sao má anh càng ngày càng làm ăn khấm khá, còn má em chẳng khá giả chút nào? Bà chỉ nhắm vào chúng mình mà sống bấy lâu, không thiết làm ăn buôn bán với số vốn mình thường gửi về. Còn con Hằng nó muốn làm đĩ là tại cái tánh nó vốn đĩ thỏa bấy lâu. Nó lại lười, suốt ngày chạy nhong nhỏng theo lũ bạn đua đòi chưng diện ngoài đường. Cả anh đây mà nó còn muốn nhào vô để kiếm ít tiền, em nhớ không, Phượng?
Phượng lặng thinh, khóc. Nàng nhớ mấy hôm trước, bất chợt lái xe xuống nhà Lãm. Khi ấy, Lãm đang trông coi đám thợ gặt và thấy Hằng đến từ lúc nào, cứ đứng cắp tay Lãm chỉ chỏ. Phượng đứng nép mình lén nhìn chồng và em. Phượng không ghen vì biết tánh Lãm ít khi chả chớt phụ nữ. Phượng thấy, thỉnh thoảng Lãm giựt tay ra, tránh đi về phía thợ. Lãm vờ la toáng lên khi thấy những con cá rô nhảy sóng sánh trên mặt ruộng trơ gốc rạ, nước xâm xấp, khi thợ gặt khua tay vung liềm, gọi mấy đứa cháu chạy lại bắt. Con Hằng liền liền đi theo. Thấy vậy, Phượng mới ra mặt gọi Lãm như vờ không thấy cảnh em vợ nắm tay anh rể. Lãm đùa, bảo vợ:
- Cô em vợ này, đi đâu cũng nắm tay đeo đẻo, làm anh ngượng muốn chết!
Hằng ngường ngượng bỏ về, quên chào cả chị. Phượng hỏi Lãm.
- Con Hằng nó nói gì với anh mà nắm tay ra chiều thân thiết vậy?
- Dì nó muốn xin anh tiền. Anh bảo về hỏi Phượng. Vậy mà cứ nắm tay đeo đẻo! Em không nghi anh chứ?
- Con này láo thiệt! Mới cho hôm trước, còn xin gì nữa. – Phượng ôm chồng hôn…
- Vay bằng cạc tín dụng, nó ‘chạc’ mười mấy phân lãi. Thế này, mình còn mấy ngàn, cho mẹ, bắt bà lấy đó làm vốn. Chuyến này về bển anh phải cày hai ‘dóp’ có tiền về hùn vốn với chú Tư, lập trại chăn nuôi. Chứ ở bển không nghề nghiệp, lạc loài lơ láo trên xứ người, làm sao sống tới già? – Lãm nhìn Phượng khẩn nài. Phượng vẫn khóc rưng rức. Nàng quên đi những dự phóng tương lai mà chính nàng đã đưa ra, khi về thăm nhà chồng khi thấy chú của Lãm làm ăn phát đạt. Hôm sau, Phượng ra nhà băng vay tiền, cho mẹ xây nhà. Không đủ, Phượng vay thêm bà con, bạn bè…
Lãm đứng dậy, tay cắp chai rượu, tay xách thùng bia, chập choạng bước. Cái mũ len đầy tuyết trắng phếu, nhọn như cây đinh đóng ngược vào đầu. Lãm đứng lại phủi mũ, hất tuyết rớt bám đầy mặt. Lãm chà xát khuôn mặt, bóp nắn hai tay cho máu chạy đều.
Đến block đường thứ năm, Lãm dừng lại, tò mò nhìn gã da đỏ ngồi thu lu cạnh thùng rác. Trán gã bê bết máu, đóng từng vệt khô có vẩy. Cái miệng gã sưng vù, trông như mỏ chuột chù. Da mặt gã sần sùi, đóng cục. Dấu vết tàn phá của những thứ bia rượu rẻ tiền và những chất cồn có thể uống được, theo thời gian chồng chất. Thân thể gã tròng đến năm-sáu cái áo len. Cái mũ nồi gã đội, có lẽ chưa hề giặt từ khi theo chủ, bốc mùi ngai ngái của thuốc, của nước tiểu, của bia rượu.
- Cho… tao xin một lon. Làm ơn… Phẹt!
Gã da đỏ phun bãi nước dãi vấy đầy máu xuống nền tuyết trắng, ngửa mặt, lờ đờ nhìn Lãm. Hàm râu gã đóng băng, chất nhờn từ mũi chảy xuống và tuyết bám lấm tấm quanh mép. Gã nói mồm cưng cứng, lắp bắp vì lạnh, vì đau, vì thiếu chất men thường nhật? Nhìn cái mỏ chuột chù tuyết bám quanh của gã, Lãm hình tưởng tới đứa bé vụng về vừa ăn xong một vốc kem ngon. Chợt Lãm khựng lại khi ám ảnh tự tử nổi lên. Đúng rồi! Giống cái mỏ chuột chù vừa ăn phải bả độc sủi đầy bọt trắng phếu.
- A! Tao tưởng mày chết rồi chớ! Mới bị đòn trong bar à? Đù mẹ! Hết tiền vô trỏng làm chi, để mấy thằng da trắng nó khinh, nó dộng cho vỡ trán. Chờ cuối tháng lãnh lương xỉn một chầu cho đã, cho tiện nghen cha nội. Nè, uống đi! Đù mẹ! Uống cho chóng chết, cho chóng thoát cái đời chó má này! – Lãm đưa lon bia, nói trật vuột với mớ Anh ngữ học được bốn tháng, chẳng mong gã da đỏ hiểu. Chợt Lãm rụt tay lại. Gã da đỏ ngỡ ngàng, tiếc rẻ.
- Không! Nhiêu đây đâu đủ “dose” cho mày say để ngủ quên đến chết. Nè cầm lấy! – Lãm ngả nghiêng, rút tiền từ ví.
Gã da đỏ cầm lấy. Gã cũng hững hờ như Lãm. Như thể Lãm đại diện chính phủ cung cấp chi phiếu hàng tháng để gã uống rượu bấy lâu. Gã xăm soi tờ giấy dưới ánh đèn lù mù. Tuyết càng lúc đổ nhanh từng sợi lớn đan nhau như một mạng nhện khổng lồ, giăng mắc khó thoát. Gió thổi u u rét cắt tai. Lãm nhìn tờ giấy một trăm hỏi gã.
- Đủ chưa ông bạn?
- ?… đủ rồi. Mày… cho tao xin điếu thuốc!
- Get away! Going to the hell!
Lãm vừa chửi, vừa co chân chập choạng đá gã da đỏ. Anh dựa cột đèn thở phò phò như trâu kéo, cười hả hê, điên dại, nhìn gã da đỏ ôm lưng bỏ chạy. Gió kéo mạnh, thổi giật, kêu như cái còi tu hú, thuở bé Lãm thường nắn bằng đất sét hình con chim và thổi khi thả diều. Anh chợt nhớ cánh đồng quê nhà về thăm mới đây. Ôi, gió quê hương sao mà thơm ngọt! Gió ở đây, như những ngọn dao cắt vào da thịt đau buốt, ê chề. Lúa trổ ngọn đòng đòng mùa này chưa nhỉ? Mới tháng giêng! Tháng giêng là tháng ăn chơi…
Lãm bước loạng choạng sang bên kia đường. Tiếng còi ré lên. Một gã da đen, nãy giờ chạy xe lòng vòng quanh khu đường 97, tìm gái ăn sương không được. Gã thò đầu, nhe hàm răng trắng đến phát sợ, chửi xối vào mặt Lãm như xả xui.
Lãm lầm lũi bước, đổ nghiêng lên bậc đường. Anh ngồi bệt xuống, lưng dựa cột đèn, hai chân xuôi dài bê bết. Lãm khui lon bia, khum tay mồi thuốc, lơ đãng nhìn tuyết rơi phủ ngợp cả mặt. Ám ảnh tự tử lại nổi lên…
- Nó kìa! Nó kìa…
Lãm nhìn sang bên kia đường. Gã da đỏ ban nãy, quay trở lại cùng hai gã khác. Lãm bực bội cắp chai rượu, xách thùng bia lảo đảo bỏ chạy.
- Ê! Ê! Tụi tao mua rượu mời lại mày mà. Thằng kia… Thằng kia! Trở lại, bạn thân mến! – Ba gã da đỏ tiu nghỉu đứng lại. Gã da đỏ có cái miệng nhọn, sưng vếu như mỏ chuột chù, nói:
- Đù mẹ! Thằng nhát hít! Vậy mà hồi nãy nó đá tao mấy cái thật đau.
Lãm bước vào nhà. Anh cởi mũ, cởi áo, đá giầy vất bừa trên thảm. Lãm lấy lon bia cuối cùng khui uống, mới hay tự nãy giờ xách thùng bia gần như trống rỗng. Lãm ngồi bết xuống thảm; lơ đãng nhìn vu vơ qua khuôn cửa. Tuyết rơi ngợp trời. Gió đập cánh cửa khép hờ từng chập. Thỉnh thoảng gió mở cánh cửa rộng toang hoắc, lùa vào những ngọn gió buốt da. Lãm nhìn cánh cửa, không buồn rời bước. Lãm móc ví, lấy xấp giấy bạc hơn một ngàn đồng còn lại, sau một tháng uống rượu liên tục, do Phượng để lại, đếm miên man…
- Đây là phần thưởng tôi dành cho ông. Lẽ ra tôi tặng ông thêm, nhưng tôi phải giữ lại để nuôi thằng Toàn.
- Phượng! Anh ngu xuẩn. Anh nóng giận trong nhất thời, sao em giận đến thế? Chúng mình dù sao cũng lấy nhau gần mười năm. Mình bỏ nhau, thằng Toàn sẽ sống ra sao? Anh hứa , anh sẽ bỏ qua tất cả. Chúng mình sẽ làm lại cuộc đời, đi tìm việc khác sinh sống. Trời sinh voi sinh cỏ mà Phượng.
- Muộn rồi, ông Lãm ạ. Ông cũng biết ở xứ này ông không được quyền đánh tôi, dù tôi có làm gì đi chăng nữa. Cái gì trời sanh voi sanh cỏ? Câu này xưa rồi ông ạ. Thời đại này của đồng dollars và danh vọng. Có tiền là có tất cả. Bao năm theo ông, tôi chẳng học được cái gì, ngoài những thứ mông lung, huyền ảo của một kẻ lưu vong, mặc cảm thua thiệt. Sống nhiều năm ở ngoại quốc, ông cứ mơ mộng đâu đâu. Cái gì là quê hương tôi, đất cày lên sỏi đá? Cái gì mái nhà tranh xưa với khói bếp lam chiều? Cái gì con lạch nhỏ với dòng sông đục ngầu mùa nước lũ? Những thứ xa vời! Đồng dollars ông biết không, ông Lãm?
- Nguyên do nào làm em thay đổi nhanh chóng thế, Phượng?
- Chẳng nguyên nhân nào cả ông Lãm ạ. Trời đất còn nổi cơn gió bụi, núi có ngọn mỗi lúc mỗi cao, có ngọn sụp, sông có bên lở bên bồi theo thời gian, huống chi con người. Tôi khuyên ông hãy sống thực tế hơn chút nữa, ông Lãm. Ông chờ ngày ra tòa lãnh giấy ly dị. Mình đi, Toàn. – Phượng nắm tay kéo thằng Toàn đi khỏi nhà, sau khi ghé lấy mớ quần áo còn lại. Thằng Toàn nhìn cha, muốn khóc…
Lãm cười như mếu, lấy bật lửa đốt tờ một trăm. Anh đốt thêm vài tờ nữa. Lãm khum tay mồi điếu thuốc bằng tờ giấy bạc. Lãm nhìn tờ giấy bạc cháy âm ỉ, vừa vứt, tắt dần, còn một nửa trên tấm thảm nhung đỏ êm chân.
- Tiền! Tiền là cái chi? Ôi, đồng dollars xanh vạn năng! Mày đã làm tan hoang bao gia đình? Mày là rác, là tấm giấy lộn, sao lắm người cứ ôm giữ và lao theo chết vì mày?
Lãm bước vào nhà, móc chùm chìa khóa ngay cửa. Anh đưa mũi tìm kiếm hương vị xào nấu, như tìm kiếm ấm áp nơi gia đình bấy lâu ở quê người, từ khi lấy Phượng. Không một mùi thức ăn hành tỏi, thoang thoảng trong nhà. Phượng lại đi chơi và không nấu nướng. Lãm thở dài chán nản, mở tủ lạnh lấy lon bia. Căn nhà lạnh tanh, như bao ngày từ khi vợ chồng Lãm từ bên nhà trở qua. Lãm quay điện thoại, gọi người mang bánh pizza, sau một ngày mệt nhọc mười bốn tiếng ở hai sở làm. Mấy tháng nay, Phượng thay đổi nhanh chóng. Nàng trang điểm khéo léo hơn, diện áo đẹp chỉ dành những cuối tuần đi chơi và dùng những thỏi son có màu sắc gợi dục hơn, mỗi khi cùng Lãm tới sở. Phượng thường ở lại sở nhiều giờ như tránh né Lãm. Lãm có hỏi, Phượng nói.
- Em muốn làm thêm giờ, kiếm tiền!
- Nhưng hãng đâu có việc? – Lãm nhìn Phượng dò xét.
- Anh biết gì mà hỏi! Có kẻ nào dưới quyền, dám hỏi xách mé như anh? Anh về trước đi, lát nữa em nhờ ông Joe đưa về. Ô-kê!? – Phượng nhấm mạnh âm chữ “ô-kê” – mệnh lệnh của người trên sai bảo kẻ thừa hành – như nàng thường nói với nhân công trong xưởng. Lãm cúi đầu, bước ra khỏi văn phòng, lái xe về nhà ăn uống qua loa, rồi tới hãng khác cho kịp giờ, tránh ánh mắt soi mói của Joe. Gã chủ trẻ như anh, nhưng còn độc thân sau một đời ly dị.
Đêm đêm, nằm chung gối, dù làm hai hãng mệt mỏi, Lãm vẫn nhẫn nhịn vui đùa cùng Phượng và thằng Toàn. Phượng im thin thít, giận dỗi mặc chồng mơn trớn. Nàng hất tay nếu Lãm đi quá đà trên thân thể, đoạn lấy mền gối ra sofa ngủ với thằng Toàn. Một đêm, Lãm ôm hôn, ve vuốt Phượng như thường lệ mỗi khi muốn cùng Phượng làm tình. Phượng hứ mấy tiếng thối thác, nhưng cũng cởi quần áo. Phượng nằm lõa thể, hai chân dạng ra, mắt lẫn tránh, thúc hối.
- Muốn làm! Làm lẹ đến, lẹ đại rồi còn ngủ, mai đi làm. Thọc đi!
Hai tai anh đỏ thật nhanh và nóng bỏng. Tim nhói lên, như thể bị ai đâm kim thật mạnh và nhanh. Lãm lãnh cảm từ đó, dù còn yêu Phượng tha thiết. Lần duy nhất đó và Lãm không bao giờ đòi hỏi ở Phượng sự va chạm thân thể. Tim Lãm đã vỡ vụn và tự ái của một giống đực truyền giống vì thế đã chết, từ đó.
Phượng thường ở lại sở nhiều giờ hơn, ngay cả những cuối tuần. Lãm cũng chẳng hề hỏi vợ hay đòi xem tấm chi phiếu Phượng lãnh mỗi hai tuần lễ. Phượng bắt đầu săn sóc thân thể, dù nàng vẫn còn trẻ và đẹp. Phượng đi cắt mắt, sửa lại sống mũi cao hơn, nhuộm màu tóc thật vàng và căng vú no tròn hơn bằng những tháng lương èo uột.
Một hôm, Lãm rời hãng sau khi vào văn phòng gặp vợ. Nửa tiếng sau, Lãm quay trở lại hãng, lén mở cửa vào văn phòng.
Joe đứng cạnh bàn, quần tuột xuống mắt cá chân, vòng đôi tay rắn chắc đầy lông, ôm xiết tấm lưng thon của Phượng. Joe đưa đôi tay thô bạo lần xuống tốc váy Phượng. Gã từ từ kéo cái quần lót bé xíu của Phượng xuống. Gã úp mặt vào đó. Phượng cũng thế, đôi bàn tay mười ngón thuôn tháp nhỏ, sơn màu đỏ bầm khắng khít đan vào nhau, bá cổ gã chủ trẻ, hai mắt lim dim rã rượi, miệng rên rỉ gợi dục. Phượng dạng chân thêm, khi gã da trắng xê dịch vướng cạnh bàn. Hai con rắn hổ mặt người đang oằn oại, rên xiết, chồng quấn lên nhau.
Dồn dập. Dồn dập. Hai thân thể dồn dập. Thống khoái. Họ dồn dập… Thở…
Lãm phóng tới với ống sắt nhỏ trong tay, phang vun vút lên đầu, lưng gã chủ và vợ. Phượng la ré lên, quơ vội cái quần lót màu rượu vang đỏ sậm, bé tí như hai ngón tay chụm lại, chun vội xuống gầm bàn, ánh mắt thù hằn nhìn Lãm…
…Lãm mở nút chai rượu tu ừng ực. Cô đơn và ám ảnh tự tử hiện lên nơi anh dữ dội hơn. Lãm nhìn quanh, lượm mảnh vỡ của cổ chai rượu ném khi nãy. Cái ti-vi chợt rè rè, làn sóng nhảy liên tục, chớp nhá chớp nhá. Gió u u…
- Lãm. Tao thành thật xin lỗi mày! Khi một người đàn bà đã hết yêu, mày đừng hy vọng gì nữa. Cũng như, nếu sau này tao không làm Phượng hài lòng về mọi thứ. Tao cũng sẽ như mày ngày hôm nay. Tao sẽ cố gắng săn sóc thằng Toàn thay thế mày. Tao luôn luôn chờ mày trở lại hãng, bất cứ lúc nào mày muốn và sẽ tăng lương thêm để mày giúp gia đình còn ở bên kia. Lãm, tao xin lỗi mày lần nữa, dù rằng… tao không có lỗi trong vụ này!
- Cút cha mày đi, thằng giả dối đê tiện!
- Mày là thằng đàn ông bất tài. Xã hội này không chấp nhận những con người nóng nảy. Xã hội này chỉ dành cho những con người thích đối thoại. Tuy nhiên, vì Phượng tao bỏ qua tất cả những gì đã xẩy ra. Còn chuyện của Phượng và mày, chúng mày nên giải quyết êm đẹp. - Joe nói trước khi Lãm bước vào tòa án…
- Con không thích ông Joe.
- Sao vậy con của ba Lãm?
- Ông Joe thường ôm mẹ Phượng, dẫn vào phòng tắm. Con còn nghe tiếng mẹ Phượng rên và khóc nữa ba Lãm ơi! Ba Lãm, chừng nào mẹ Phượng trở về với mình?
Lãm ôm thằng Toàn khóc, khi dắt con về nhà chơi ở những ngày cuối tuần. Thằng bé năm tuổi. Cái tuổi thiên thần đày đọa.
- Tòa phán rằng, bị can Đỗ Văn Lãm, công dân Canada, đã hiểu lầm những lời nói của chủ là ông Joe Davis. Vì thế, bị can bất mãn đi đến sử dụng bạo lực, đả thương ông Joe và bà Đỗ Thị Phượng. Tại hiện trường có người làm chứng là bà Tammy Steelman, nguyên thư ký của hãng. Nhân chứng thứ hai là bà Đỗ Thị Phượng, cũng là nhân công của hãng và là vợ của bị can. Tuy nhiên, nạn nhân là ông Joe Davis, đã bãi nại, không truy tố bị can Đỗ Văn Lãm trước tòa án. Tòa chỉ xử theo nguyên đơn của bà Đỗ Thị Phượng, truy tố ông Đỗ Văn Lãm đã hành hung vợ hai lần. Lần đầu tiên tại sở làm, có hai nhân chứng, là ông Joe Davis và bà Tammy Stellman. Lần thứ hai tại nhà, có hai nhân chứng là nhân viên cảnh sát thành phố. Tòa chấp nhận đơn ly dị của bà Đỗ Thị Phượng. Toà cho rằng: bị can Đỗ Văn Lãm vì ngôn ngữ bất đồng, không thông hiểu luật lệ nên hành động thiếu suy xét. Nay, Tòa tuyên án phạt Đỗ Văn Lãm một năm tù treo. Tòa khuyến cáo bị can Đỗ Văn Lãm…
- Tôi vô tội! Tôi vô tội!
Lãm nhìn anh thông dịch viên, nhìn tôi như van lơn, cầu khẩn. Anh hét lên giữa tòa. Tôi cũng xúc động, nhưng tránh ánh mắt Lãm. Cán búa công lý của quan tòa gõ lốc cốc, trịnh trọng…
- Tòa cũng khuyến cáo rằng: bị can Đỗ Văn Lãm nên dời nhà sống xa gia đình bà Đỗ Thị Phượng, trong vòng sáu dặm vuông trong phạm vi thành phố, từ khi tòa ban bản án này…
Lãm ngửa cổ tu một ngụm rượu lớn, anh phun phì phì vào gương mặt phì nộm lão quan tòa dơ dáng, bẩn thỉu. Lãm phun phì phì vào bộ mặt nhơ nhớp không một xúc cảm của mụ đàn bà, có cái tên Tammy Steelman nào đó ở hãng, anh không biết. Lãm phun phì phì vào công lý xã hội của một xứ sở được gọi là tự do, nhân bản.
Lãm phun… Chợt Lãm khựng lại… Anh biết đã thua Joe mọi mặt. Anh nuốt hớp rượu cay đắng còn lại vào lòng, ấm ức. Lãm lắp bắp trong cơn say, lưỡi cứng đờ.
- Tôi vô tội! Tôi vô tội…
- Ông có tội! Ông có tội!
- Tòa cũng khuyến cáo rằng…
- Tôi vô tội! Tôi vô tội…
- Ông có tội! Ông có tội!
- Ai? Ai đó? Thằng nào bảo tao có tội? Thằng khốn nạn nàào… Không một thằng nào có đủ tư cách bảo tao có tội! Thằng nào lấp ló, ra đây!
Lãm lờ đờ nhìn quanh quất, tìm kiếm. Anh nắm cổ chai rượu vỡ, quơ quơ.
- Ông có tội! Ba Lãm có tội! Tội của ba Lãm là để ông Joe ôm xiết mẹ vào lòng, đánh mẹ khóc rấm rức trong nhà tắm. Ba Lãm không còn thương Toàn.
Lãm giật mình. Anh thấy thằng Toàn ngồi cạnh ti-vi tự lúc nào. Tay nó cầm cái máy game Nintendo bỏ quên tuần trước khi về thăm Lãm, đang chăm chăm nhìn Lãm như sắp khóc. Lãm bò đến định ôm con. Thằng Toàn thoáng cái mất hút như một ảo thuật gia đại tài. Lãm cầm cổ chai rượu vỡ, ngẫn ngơ:
-Ừ, Ba Lãm của Toàn có tội! Chỉ có Toàn là đủ tư cách kết tội ba Lãm! Và chỉ có tòa án của lương tâm mới đúng là tòa án tối cao nhất, thanh khiết nhất của thế kỷ này.
Lãm khóc. Lãm nốc rượu ừng ực.
Lãm bần thần, đưa cổ chai rượu vỡ. Nhìn. Lãm từ từ đưa xuống, đưa xuống… Cổ tay.
Ngoài trời tuyết đổ mạnh và nhanh. Gió vẫn thổi u u như cái còi tu hú thuở nào. Gió vẫn thổi u u như con tim đang đập rộn ràng của Lãm, trước giây phút quyết định.
Lãm cắn răng, cứa mạnh cổ tay. Một tia máu bắn vọt ra, xịt tạt vào màn ảnh ti-vi đang rè rè. Tia máu dội lại, phun vào mặt Lãm, đỏ loét. Lãm lết lết, ngồi dựa vách thở. Lãm nôn thốc tháo, vì mùi tanh tanh của máu chưa khô, vì những lời phán xét của lão quan tòa bị thịt.
Những sợi mì gói Lãm thường ăn dở bữa, còn sót trong bao tử tuôn ra khỏi mồm Lãm, đong đưa như những con trùn còn sống ngo ngoe. Lãm thở khoan khoái khi nôn xong. Anh thoáng cười, dựa vách nhìn ra màn đêm, khó nhọc mồi điếu thuốc. Lãm không thấy đau ở cổ tay. Lãm chỉ thấy xương sống đang lạnh. Lạnh dần.
Lãm nhìn mảnh sân nhỏ và con đường trước nhà phủ tuyết trắng xóa.
Gió giật. Lãm chợt nhớ quê hương. Nhớ khôn cùng. Từng con sông, cái lạch nhỏ, cây cầu con, mái nhà tranh lần lần ẩn hiện và mẹ Lãm đứng cắp thúng trông chờ con.
Hình ảnh Phượng và thằng Toàn đã nhạt nhòe, mất hẳn trong anh.
Chợt nhiên, Lãm thấy mảnh sân nhỏ, khoảng đường trước nhà, bị gió cuốn bay, mất hút tận chân trời. Mảng cỏ lộ dần… lộ dần. Lãm dụi mắt. Nhìn. Mảnh sân, khoảng đường trước nhà chợt biến thành cánh đồng bao la, xanh tươi một màu lúa. Lúa bắt đầu trổ ngọn đòng đòng, xanh mướt. Gió lộng thổi. Cánh đồng quê hương hiện ra… hiện ra… trước mắt Lãm. Ôi! Gió! Gió quê hương thơm nồng mùi lúa chín!
Lãm nhận ra đầu óc mình đã bắt đầu trống rỗng, tê mê. Và cố mở mắt thật lớn nhìn cánh đồng trước mắt.
Thoáng chốc, những ngọn đòng đòng chuyển sang vàng mướt rũ hột lả lơi trong gió. Lãm cố gắng thu gọn hình ảnh thân thuộc lần cuối, khi sống lưng buốt lạnh chạy rần rật, từ dưới xuyên lên tới óc và thoát ra ngoài đến tận cùng vũ trụ.
Lãm biết, anh đang về với quê hương như lời mẹ nhủ. Mùa gặt nhộn nhịp đã tới, những câu hò đồng dao…
Lãm cười, thỏa mãn. Khép mắt lại. Lơi tay. Chai rượu gần cạn đáy lăn trên tấm thảm đỏ nhung mềm. Lãm thở hắt ra, miệng nở hoa.
Cánh đồng trước mắt biến dạng, thành mảnh sân nhỏ tuyết trắng cao ngang gối, con đường chợt tối tăm nhòa một ánh đèn đường vàng lạnh âm u.
Cơn bão tuyết khác bắt đầu kéo đến. Tiếng gào u u của gió, như cái còi tu hú thuở xa xưa còn bé, Lãm thường thổi mỗi khi đi thả diều, từ từ… tắt trong anh.
Gió nổi mạnh.
…Tôi đứng từ xa, tránh những ánh mắt im lìm của bạn bè Lãm, thỉnh thoảng lia tới như những sắc dao chém vào mặt. Tôi nhìn Lãm lần cuối trong chiếc quan tài kẽm, trước khi bị đẩy vào phòng thiêu.
Dù không nhìn thấy mặt Lãm trong chiếc quan tài, nhưng tôi vẫn có thể hình dung miệng anh đang mỉm nụ cười buồn, trên khuôn mặt vốn đều đặn, khi chết, qua vài bạn bè tả lại. Tôi chắc chắn thế! Chắc chắn không sai một mảy may! Tôi quen Lãm và Phượng khá lâu và thân. Tôi quen họ khi Lãm chưa cưới Phượng. Thuở ấy, ba đứa chúng tôi từng lang thang đếm nổi buồn của tuổi trẻ lưu vong, khi thành phố nhỏ này ngo ngoe ba-bốn chục người đồng hương. Tôi cũng yêu Lãm, như Phượng. Yêu tha thiết… Nhưng Lãm đã chọn Phượng, khi anh tỏ tình, cầu hôn. Phượng thường tâm sự cùng tôi:
- Tao yêu Lãm, vì hắn thật thà và độ lượng. Đó là bản lãnh của một người đàn ông cần có!
- Tôi nhìn Phượng đồng tình.
- Tại sao Lãm yêu em? – Tôi hỏi, khi đi chơi cùng Lãm một ngày vắng Phượng.
- Lãm yêu em, bởi Lãm yêu em. Định nghĩa tình yêu nó cũ từ ngàn xưa, nhưng bảo cắt nghĩa nó ra sao, ai cũng đành chào thua. Mấy ông thi sĩ, nhà văn thường là giải nghĩa về tình yêu nhiều nhất, nhưng có ông nào đúng. Mấy ông ấy đang yêu thì đúng hơn. Khó lắm cưng à.
- Nhưng em là con nhỏ đanh đá lắm, Lãm ơi.
- Đanh đá là một đức tính cần có của phụ nữ ngày nay. Cưng cũng biết, mấy thằng đàn ông, có thằng nào mà không du côn, mất dạy? Cá tánh mạnh là điều cần thiết, để nhìn lại chính mình. Nhưng em sẽ là một người vợ ngoan hiền, phải không cưng?
Tôi đành chấp nhận số phận thua bạn, không giận Phượng và Lãm; Mà càng lúc càng thân họ hơn. Vâng, tôi thua Phượng về mọi mặt, cả sắc đẹp và nết. Tôi là con nhỏ đanh đá như Lãm, Phượng thường nói. Đời đã từng tung hứng, đã từng hất đá tôi, bởi những gã đàn ông với trò ong bướm sau những thỏa thuê. Vì thế, tôi thường phản công lại, bằng những lời cay đắng và hành động độc địa… Cho đến khi gặp và yêu Lãm. Lãm, Phượng nghĩ gì, nói gì tôi đều đoán được hết. Chúng tôi là ba người. Nhưng lại là một.
Tôi còn nhớ vào một đêm mùa hè, Lãm ôm hôn tôi quấn quýt trong một công viên ngoại ô thành phố, Lãm nói:
- Nếu sau này, cưng không còn yêu anh nữa, có lẽ Lãm sẽ tự tử chết mất.
Giờ Lãm đã chết. Lãm chết khi anh chưa tới ba mươi tuổi đời. Và tôi – con đàn bà đanh đá, cay độc – đã không dám làm trọn vẹn lời thề, một đêm mùa hè gần mười năm trước.
Tôi chợt biết mình khóc hồi nào không hay.
Chiếc quan tài bố thí của chính phủ từ từ lăn, chun qua ô vuông nhỏ âm u, cuối đời và mất hút.
Tôi định ném một cục đất tưởng tượng theo quan tài Lãm, nhưng chợt dừng tay trong não bộ. Mảnh đất này Lãm đã chối bỏ nó, tôi có gửi theo cũng bằng thừa.
…Giờ đây, đứng bên mộ Lãm vào một chiều thu, còn lơ thơ những cánh lá trắc bá đang đổi sang màu đỏ sậm, chết chóc, sắp lìa cành, trên một ngọn đồi cao trống gió. Cắm bó hoa, thắp ba nén hương, tôi khấn thầm:
- Vĩnh biệt Lãm. Chúc Lãm ngủ ngon mãi mãi. Lãm đã về với quê hương như từng mong muốn, phải không? Đấy là niềm hạnh phúc lớn của con người khi vĩnh viễn ra đi.
Còn tôi? Sao mãi bốn năm sau mới đến thăm mộ Lãm. Tôi có hờ hững? Không! Lãm có biết, tôi vẫn còn yêu Lãm muôn đời? Lãm ơi! Xin anh hãy tha thứ cho em…
Tôi nhìn chồng, nước mắt tuôn rơi. Chồng tôi đứng cạnh đứa con trai tôi, đang cúi đầu mặc niệm người đã khuất. Tôi u uất nói:
- Hãy thắp một nén hương lòng xin Lãm tha thứ chúng ta!
Trời mùa thu ảm đạm và nhiều gió. Gió mùa thu cũng ảm đạm như vướng chút sáo diều. Gió vẫn thổi u u như cái còi tu hú nắn bằng đất sét hình con chim; Lãm thường thổi mỗi khi đi thả diều, ngồi nghênh ngang trên lưng trâu thuở ấu thời. Lãm đã thường thư thả kể cho tôi và thằng Toàn nghe mỗi tối, mắt lim dim tiếc nối, sau những ngày cực nhọc ở hãng.
Gió vẫn thổi u u như cái còi tu hú đầy ắp kỷ niệm muôn đời khắc nghiệt trong tiềm thức tôi.
Phác thảo 1995- Hoàn tất 05/01/2000
Bài do tác giả gửi đăng