Điếu văn tiễn đưa thiếu tướng Nguyễn Cao Kỳ
LTS: Lễ tưởng niệm cựu phó Tổng thống VNCH, Thiếu tướng Nguyễn Cao Kỳ được tổ chức vào lúc 9 giờ sáng Chủ Nhật, 7/8/2011, tại nhà nguyện Sky Rose Chaper thuộc nghĩa trang Rose Hill Memorial Park, California với hàng trăm người tham dự.
Tro cốt của thiếu tướng Nguyễn Cao Kỳ sẽ được quàn tạm tại Rose Hill. Trước khi qua đời, ông Nguyễn Cao Kỳ có nguyện vọng được yên nghỉ tại quê ông, Sơn Tây, Hà Nội, nhưng gia đình sẽ đợi thêm một thời gian nữa, tới “một thời điểm thuận lợi hơn” mới đưa ông trở về Việt Nam. Chưa rõ thời điểm đó là khi nào, có thể là khi Việt Nam có dân chủ chăng?
Tướng Kỳ là nhân vật gây tranh cãi với luồng dư luận khen, chê trái ngưọc nhau. Nhưng ông là nhân vật lịch sử, là nhân vật cao cấp cuối cùng của VNCH, nên muốn hay không, thích hay không, thì việc qua đời của ông cũng là một sự kiện.
Tham dự đám tang tướng Kỳ có ông Bằng Phong Đặng Văn Âu, một người bạn, người em, người thuộc cấp cũ. Bài điếu văn của ông Đặng Văn Âu – đương nhiên – thể hiện tình cảm của cá nhân ông đối với người quá cố.
———————————————-
Kính thưa Hương linh Thiếu tướng Nguyễn Cao Kỳ.
Tổ tiên ta dạy rằng “Nghĩa tử là nghĩa tận” để con cháu đời sau biết phép tắc tôn trọng vong linh người về nơi chín suối. Một phần nghi lễ truyền thống của nòi giống ta trong buổi tiễn đưa là người còn sống nói lên công đức của người vừa mới lìa trần đã làm được những gì cho gia đình, cho xã hội, cho đất nước trên dương thế.
Nhân danh là một người em tình nghĩa của Thiếu tướng trong đại gia đình Quân Đội, tôi xin phép được nói đôi lời trân trọng để tiễn đưa hương linh Thiếu tướng về Niết bàn.
Chợt được tin Thiếu tướng ra đi, tôi bỗng òa lên khóc như một đứa trẻ. Tôi khóc là bởi vì từ nay bản thân tôi bị mất đi một người anh mà tôi vô cùng yêu quý và kính trọng. Tôi khóc là bởi vì đất nước Việt Nam từ nay bị mất đi một nhà ái quốc có đủ tư thế của một nhà lãnh đạo trải nghiệm, đủ dũng cảm, để thẳng thắn nói lên khát vọng của nhân dân trước mặt nhà cầm quyền. Hôm nay tôi cố nén cảm xúc để nói rõ từng lời con người thật của Thiếu tướng như tôi biết.
Nền Văn Hiến nước ta được dựng xây từ tư tưởng của ba tôn giáo lớn. Đó là Phật Giáo, Nho Giáo, Lão Giáo làm cho dân ta sống hài hòa với nhau mà chúng ta thường nghe nói đến cụm từ tam giáo đồng nguyên hay tam giáo nhất thể. Tuy là ba nguồn, nhưng mà là một. Vua Trần Thái Tông nêu lên chỗ tương đồng của Tam giáo về mặt hành thiện: “Sách Nho dạy làm điều nhân đức, kinh Lão dạy thương yêu người và vật, Phật chủ trương hãy giữ gìn giới cấm sát sinh…”.
Nhờ có cơ duyên, người em này được dịp gần gũi ông nên nhận thấy ông là người được hun đúc bởi ba dòng tư tưởng Phật, Lão, Nho. Tất cả hành động của ông đều dựa trên ba nền đạo lý đó mà ông đặt cái TÂM và cái Đức lên hàng đầu.
Ông thường kể với anh em về chuyện bà Cụ thân sinh của Ông đi Chùa Hương cầu Phật mà sinh ra ông nên ông tin tưởng mình là Con Phật. Ông không thường xuyên đi chùa, không thường xuyên đọc kinh Phật, nhưng ông là người sống với ba điều căn bản Phật dạy. Đó là: BI, TRÍ, DŨNG. Nên tôi tin ông đúng là con Phật.
1/ Về Bi: Ông là người có lòng nhân đức, thương người, không bao giờ ông mưu mô hại một người nào. Nếu ông xử bắn Tạ Vinh thì cũng chỉ vì mục đích bài trừ nạn đầu cơ tích trữ lúa gạo để giúp đồng bào khỏi bị đói. Dù giết một người để cứu muôn người, nhưng ông đã thao thức trắng đêm chỉ vì cái quyết định lấy đi một mạng người.
2/ Về Trí: Nhận lãnh trách nhiệm lãnh đạo Đất Nước khi mới 34 tuổi trong một thời điểm cực kỳ nhiễu nhương, đảo chính, chỉnh lý liên miên từ khi nền Đệ Nhất Cộng Hòa bị giật sập, mà không ai nghĩ ông có thể đứng vững quá ba bảy hăm mốt ngày. Nếu không phải là người cơ trí lỗi lạc thì làm sao ông có thể dẹp yên cuộc rối loạn Miền Trung mà không đổ máu, trong khi ba vị Tướng Lục quân được gửi ra trước đó đều bị bó tay? Người đời chê ông ít học vì họ không có hiểu biết lịch sử. Đinh Bộ Lĩnh xuất thân là một cậu bé chăn trâu, học hành gì mà dẹp được loạn 12 sứ quân? Hoàng Đế Quang Trung Nguyễn Huệ chỉ là người theo hai đi thâu thuế chợ ở Bình Định, bằng cấp gì mà đại phá quân Thanh trong chớp mắt?
3/ Về Dũng: Ông từng chinh Nam phạt Bắc từ khi còn là sĩ quan cấp nhỏ cho đến khi làm Thủ tướng. Ông coi cái chết nhẹ tựa lông hồng. Ông dám chống chủ trương của chế độ đưa chính trị vào Quân Đội sẽ phát sinh ra nạn bè phái, chia rẽ, cậy thần cậy thế.
Ông không phải là người lui tới cửa Khổng sân Trình, nhưng nhờ thấm nhuần nền Nho học của tổ tiên, suốt đời ông đã hành xử như một bậc chính nhân quân tử “Phú quý bất năng dâm, bần tiện bất năng di, uy vũ bất năng khuất” (giàu không ham, nghèo không hèn và vũ lực không sợ.
Chưa bao giờ ông là học trò của Lão tử, nhưng cuộc đời ông phản ảnh đúng với câu: “Đạo khả đạo, phi thường Đạo. Danh khả danh, phi thường Danh”. Đạo mà ta có thể nói đến được, thì không còn là Đạo nữa. Danh mà ta có thể gọi được, không phải là Danh thật sự”. Ông xem công danh sự nghiệp như phù vân, gió thổi. Công danh hay sự nghiệp mà ông có là do hoàn cảnh lịch sử, tình thế nước nhà mang đến cho ông; chứ ông không mưu cầu. Ông giống như nhân vật Trương Vô Kỵ, Lệnh Hồ Xung không hề khổ công đi tìm bí kíp võ lâm, mà cửu âm chân kinh, cửu dương chân kinh, càn khôn đại nả di cứ tự nhiên rơi vào tay rất tình cờ; trong khi các môn phái chém giết nhau để đoạt cho bằng được. Vì lẽ đó mà con người nào suốt đời lận đận với nợ áo cơm, đuổi theo công danh sự nghiệp thì không bao giờ có thể hiểu CÁI TÂM của ông được. Bởi vậy khi tôi nói cho ông nghe người nào đó nặng lời mạt sát ông thì ông đều khuyên tôi rằng đừng nên trách họ vì họ chưa thể hiểu việc ông làm.
Trong bài Tọa thiền luận, vua Trần thái Tông so sánh pháp môn tu luyện của Tam giáo và nêu lên sự tương đồng: “Đức Thích-Ca vào núi Tuyết sơn Himalayas, ngồi ngay ngắn trong sáu năm, chim thước, chim khách làm tổ trên đầu, cỏ mọc xuyên qua bắp vế mà thân tâm vẫn bình thản. Tử Cơ Đạo gia, tức Nam Quách Tử Cơ trong Nam hoa kinh của Trang tử ngồi tựa ghế, thân như cây khô, lòng như tro nguội. Nhan Hồi, người học trò Đức Khổng phu tử ngồi quên, chân tay rời rã, thông minh dẹp bỏ, lìa xa cả trí cả ngu để hòa chung với Đạo lớn. Ba bậc Thánh hiền của Tam giáo đời xưa đó đều nhờ ngồi định mà có thành tựu.”. Ông không tìm nơi thanh vắng để tu thiền. Ông là người đi tu giữa chợ, giữ vững cái đức liêm chính, bao dung của mình.
Phải chăng ba vị Thánh Hiền tĩnh tọa đã phái ông xuống trần để cứu giúp nước Việt Nam? Bởi vì nơi con người ông là một sự kết hợp tam giáo đồng nguyên hay tam giáo nhất thể. Bước xuống đời vào thời buổi tao loạn, ông không tự nguyện vào cuộc chiến chinh, người ta bắt ông vào lính, nhưng khi đã dấn thân thì ông sống hết mình, ông trở thành Người Lính đích thực, sống trọn vẹn với ý nghĩa của cái motto “Tổ Quốc, Danh Dự, Trách Nhiệm”.
Bất cứ việc gì ông làm, ông đều vì quyền lợi Tổ Quốc mà làm. Ra trường, ông phục vụ ở Bộ Binh một thời gian trước khi sang Không Quân. Mặc dầu cấp chỉ huy là người Pháp, ông dám quyết định thả những người dân bị bắt oan. Là một vị Chỉ huy trưởng Liên Phi Đoàn Vận tải, một đơn vị thường xuyên xuất ngoại, phi hành đoàn được phép mua một ít hàng hóa mang về bán kiếm lời, ai nấy đều làm, nhưng độc nhất chỉ có ông không bao giờ buôn một thứ gì, ngoại trừ một lần duy nhất mua cái radio transitor biếu Bà Cụ thân sinh. Ông cho thuộc cấp sang bay cho hãng Air Vietnam mà ông không hề đòi họ biếu một quả táo, một quả nho. Cả đời ông không hề lợi dụng quyền hạn của mình để ăn cắp tài sản quốc gia đút vào tư túi mình. Cho đến khi lìa trần, ông chẳng hề có một tài sản nào, nên ông rời trần thế với tấm thân rất nhẹ, không bị đau đớn thể chất lẫn tinh thần. Cái đức tính thanh liêm của ông không một ai có thể nghi ngờ.
Khi chính phủ dân sự của Quốc trưởng Phan Khắc Sửu và Thủ tướng Phan Huy Quát vì bất hòa, trao quyền lại cho Quân Đội. Trong Đại hội, ông đề nghị Trung tướng Thiệu đứng ra thành lập Chính phủ, Hội trường vỗ tay hoan hô tán thưởng. Nhưng Tướng Thiệu nhất định không nhận. Người thứ hai ông đề nghị là Tướng Nguyễn Chánh Thi, cũng như Tướng Thiệu, Tướng Thi nhất định không nhận lời. Đại Hội tưởng chừng như bế tắc, vì không ai chịu gách vác trọng trách. Tướng Thiệu, Tướng Thi không dám nhận vì họ thấy tình hình quá khó khăn, chứ không phải hai ông chê chức Thủ tướng. Cuối cùng Quân Lực đề cử ông thì vì tinh thần trách nhiệm nên ông phải nhận lời, tuy ông cũng thừa biết có nhiều khó khăn trở ngại trước mặt. Lúc bấy giờ không một ai nghĩ Chính phủ của ông có thể tồn tại được một tháng. Thế mà ông đã đứng vững, người dân bắt đầu tin tưởng ông, ảnh hưởng của ông đã có tiếng vang trên trường quốc tế. Báo chí thuộc phe phản chiến, thân cộng sản cũng phải thán phục ông. Bằng cớ là ký giả người Ý Oriana Fallaci sau khi phỏng vấn ông, đã kết luận: “Nguyễn Cao Kỳ đáng… là lãnh tụ của một vùng đất thiếu lãnh tụ một cách đau đớn. Qúy vị sẽ nhận thấy điều đó khi ngỡ ngàng lắng nghe ông ta khoảng hơn 10 phút. Tướng Kỳ không phải là một anh chàng ngố, ông ấy có điều muốn nói, và ông nói huỵch toẹt mà không sợ vạ miệng.”
Tuy được sự viện trợ của Hoa Kỳ để chống lại Miền Bắc, nhưng ông tỏ ra là người có tinh thần độc lập, tự tin, chứ không phải là bù nhìn như người ta tưởng. Ở Hội nghị thượng đỉnh Honolulu, Tổng thống Lyndon Johnson khen ông nói tiếng Anh giỏi như chú Mỹ con; ông phản bác ngay: “Không! Tôi là người Việt Nam”. Trong vụ dẹp loạn ở Miền Trung, Tướng Tư lệnh Thủy Quân Lục Chiến Lewis Walt hạch xách ông tại sao mang quân ra Vùng I mà không thông báo trước, ông cũng đã dạy Tướng Walt một bài học về lãnh đạo chỉ huy. Sau cuộc kinh lý Úc Châu, ông đã làm cho phong trào phản chiến Úc xẹp xuống, vì ông chứng minh cuộc chiến đấu bảo vệ Miền Nam là có chính nghĩa. Từ đó, các lãnh đạo thế giới bắt đầu nhìn ông bằng thái độ trọng vọng. Các lãnh tụ trong vùng như Tưởng Giới Thạch, Marcos, Phác Chính Hy, Quốc vương Thái lan rất lấy làm hài lòng về cung cách ứng xử của ông đối với Hoa Kỳ, cường quốc số 1 lãnh đạo Thế giới Tự do. Đặc biệt Thủ tướng Tungku Abdul Rahman đã đề nghị Hoàng gia Mã Lai phong cho ông tước vị TUN vào năm 1965 mà tới năm 2008 họ lục trong hồ sơ mới tìm thấy quên tấn phong ông. Hoàng gia Mã Lai không nhớ, ông cũng chẳng cần nhắc để được tấn phong thì đủ biết con người không màng danh vọng, chức tước.
Dẹp xong biến loạn Miền Trung, ông tổ chức bầu cử Quốc hội Lập Hiến, viết Hiến Pháp mới để khai sinh nền Đệ Nhị Cộng Hòa. Năm sau ông tổ chức bầu Tổng thống, Thượng Hạ Viện. Các Tướng Tư lệnh Vùng và Tư lệnh Quân Binh Chủng đã quyết định chọn ông là người đại diện Quân Đội để tranh cử. Nhưng vì muốn thắt chặt tình đoàn kết, ông đã nhường địa vị đó cho Tướng Thiệu và tỏ ý muốn trở về với anh em Không Quân là đơn vị mà ông gắn bó và yêu thương nhất. Nếu không có sự kiện Tướng Hoàng Xuân Lãm khẩn thiết yêu cầu bằng câu nói chí tình giữa Đại hội: “Hoan hô tinh thần hy sinh của anh Kỳ. Nếu anh Kỳ đã thương Quân Đội thì xin hãy thương cho trót. Xin anh vui lòng đứng phó cho anh Thiệu thì liên danh Quân đội mới mong thắng cử. Nếu anh Kỳ không nhận lời thì tôi xin trả cặp lon Tướng này lại và xin ra khỏi Quân Đội”. Tướng Trần văn Minh, quyền Tư lệnh Không Quân lúc bấy giờ, hưởng ứng lời đề nghị của Tướng Hoàng Xuân Lãm, yêu cầu Đại hội cho một tràn pháo tay để ca ngợi tinh thần “Esprit de Corps” của ông. Cả Hội trường vỗ tay và ông đã chấp thuận. Người ta bảo ông nhường cho Trung tướng Thiệu là do áp lực của Hoa Kỳ là không đúng. Bằng cớ là Trưởng nhiệm sở Tình báo CIA là Williams Colby đã vào Tân Sơn Nhất yêu cầu ông hủy bỏ quyết định ấy, vì Hoa Kỳ đã chuẩn bị ủng hộ ông. Để chứng tỏ tính độc lập, ông cho rằng lời yêu cầu của Colby là xen vào nội bộ nước nhà, nên ông đã từ chối. Ông không vì tiếc cái chức Tổng thống mà trở thành người không giữ lời hứa.
Thưa ông Tướng,
Trong lịch sử Việt Nam, chưa có một vị nào được đình thần phong cho chức vua mà lại khước từ. Tôi chỉ biết có vị vua nhường ngôi cho con để lên làm Thái Thượng Hoàng mà thôi. Trong vụ Tết Mậu thân, nếu ông là người say mê quyền lực thì việc lật Tổng thống Nguyễn văn Thiệu không phải là điều khó khăn. Trong giờ phút lâm chung của Đất Nước, lần đầu tiên tôi mới nghe ông mở lời xin Cụ Trần văn Hương bổ nhiệm cho ông chức vụ Tổng Tham Mưu trưởng để ông có quyền điều động binh lính. Tuy bị Cụ Hương khước từ, ông vẫn dùng trực thăng riêng để hướng dẫn cho khu trục oanh kích các ổ trọng pháo của địch. Khi thế cùng lực kiệt thì ông mới quyết định bay ra Hạm đội 7; chứ không phải lẩn trốn trách nhiệm của người làm Tướng như kẻ ác ý cáo buộc. Người ta buộc tội ông hèn nhát, không chịu chết để giữ tròn danh tiết; nhưng Tướng Ngô Quang Trưởng được ông cứu khỏi bị tù đày thì được người ta ca tụng là vị Tướng anh hùng! Ông không thèm lên tiếng bào chữa, phân trần. Thế mới biết ông là người đại lượng, chỉ âm thầm nói một mình: “Chí ta, ta biết; lòng ta, ta hay!”
Khi Tướng Nguyễn Ngọc Loan bị bọn phản chiến tố cáo về tội sát nhân và đòi đưa ra tòa án trục xuất khỏi Hoa Kỳ. Không một Tướng lãnh nào đứng ra bênh vực, bào chữa cho Tướng Loan. Chỉ có một mình ông ký một affidavit nhận trách nhiệm là người chỉ thị có cấp chỉ huy ở chiến trường có quyền xử bắn tại chỗ bất cứ tên khủng bố nào. Nhờ lời biện luận của ông trước tòa rằng Tướng Loan bắn một tên khủng bố; chứ không bắn người lính mặc quân phục nên Tướng Loan không vi phạm quy ước Genève. Tòa bèn phán quyết tha bổng Tướng Loan.
Câu nói chí tình của ông với Tướng Loan làm tôi ghi nhớ mãi cho tới chết: “Nếu Mỹ trục xuất anh, dù tới ở bất cứ một nước lạc hậu nào, tôi cũng đi với anh”. Cái tình huynh đệ chi binh, cái tinh thần “không bỏ anh em, không bỏ bạn bè” của ông thật là tuyệt vời. Trái lại, khi ông dấn thân đi làm chuyện đất nước, thì có người anh em từng bay hợp đoàn với ông đã bỏ ông. Trong đám tang Tướng Loan, nhiếp ảnh gia chụp tấm hình Tướng Loan bắn tên khủng bố đã đến xin lỗi vong hồn Tướng Loan và viết một bài ai điếu bày tỏ sự hối tiếc đăng trên tờ tuần báo Newsweek rất cảm động. Giờ phút này, thử hỏi có người Việt Nam nào đã nhẫn tâm vu cho một người yêu nước như ông là phản quốc, là chạy theo cộng sản, dám bày tỏ sự hối tiếc như nhiếp ảnh gia kia không?
Từ thế kỷ trước, ông đã nhìn thấy tham vọng bành trướng của Trung Cộng. Ông đã ra sức vận động Hoa Kỳ xóa bỏ thù hận chiến tranh để quay lại giúp Việt Nam. Vài ông Nghị sĩ, Dân biểu Chống Cộng không nhìn ra nguy cơ bị Hán hóa, đã nặng lời với ông bằng những ngôn từ vô văn hóa. Họ quên rằng họ có cái chức danh Nghị sĩ, Dân biểu là nhờ ông dẹp yên loạn Miền Trung, nên mới có Quốc hội. Năm 2004, ông về nước để cảnh báo cho nhà cầm quyền cái mối họa Phương Bắc, thì một ông Tiến Sĩ đầu têu ra tuyên cáo miệt thị ông là người không có căn bản học vấn. Từ đó, một làn sóng dư luận a dua theo phụ họa. Ông vẫn thản nhiên tiến bước, mặc kệ những hò hét ồn ào, đoàn lữ hành cứ đi.
Phải là một con người có tấm lòng yêu nước vô cùng to lớn như ông mới có thể an nhiên tự tại giữa cơn gió tanh mưa máu. Tôi nhắc lại lời Chúa Jésus phán hơn hai ngàn năm trước rằng “ai cảm thấy mình vô tội thì cứ việc ném đá vào người đàn bà ấy đi”, nhưng vẫn có những con người đầy rẫy tội lỗi tiếp tục ném những hòn đá bẩn thỉu vào ông để chứng tỏ kiên định lập trường. Tuy ông là con của Phật, nhưng ông đã biết đem yêu thương vào nơi oán thù, đem thứ tha vào nơi lăng nhục như Đức Chúa Jésus.
Nay ông đã khuất, vâng ông đã khuất; chứ ông không chết, bởi vì ông vẫn thường nhắc câu nói bất hủ của danh tướng MacAthur: “Người lính già không bao giờ chết, họ chỉ khuất đi mà thôi!”. (Old soldiers never died, they just fade away). Đúng thế! Người lính trước gục ngã, người lính sau tiến lên. Sau khi ông khuất đi, tôi tin rằng còn có những người lính dũng cảm tiếp nối giấc mơ của ông.
Giấc mơ của ông là đoàn kết dân tộc để có sức mạnh chống lại sự xâm lăng của ngoại bang. Ông nhận thức rằng Đất Nước mình không may rơi vào cuộc tương tranh giữa Tư Bản – Cộng Sản. Chúng ta được hai thế lực đó phong cho một bên là người lính tiền phong và một bên là người lính tiền đồn để được phát khí giới, tiền bạc nhằm thanh toán lẫn nhau. Thực chất chúng ta chỉ là những tên lính đánh thuê, khi một bên bị hết nguồn cung cấp thì đành thua trận. Vậy thì kẻ chiến thắng có gì là vinh quang, kẻ chiến bại có gì là nhục nhã? Tại sao anh em một nhà, cùng máu huyết mà lại không thể làm hòa với nhau khi nhận ra thân phận lính đánh thuê của mình?
Vợ chồng hòa thuận còn tát cạn Biển Đông. Huống hồ tám mươi triệu người hòa thuận thì sợ gì ngoại bang xâm lăng? Chính vì sợ nước mất vào tay giặc mà ông về nước để thúc đẩy người cầm quyền phải hòa giải với dân tộc. Ông nói rất rõ: “Khi ngọn cờ cộng sản đang phất phới trên đỉnh cao, ông là người Chống Cộng số 1. Bây giờ ngọn cờ ấy đã rơi xuống bùn thì việc gì ông lại chạy theo cộng sản?”. Ông nói lời nói đó không phải để tự thanh minh. Đó là lời ông nhắn với người đang cầm quyền lá cờ cộng sản đã rơi xuống bùn rồi, hãy bỏ Điều 4 Hiến Pháp đi!
Về nước hô hào Hòa Giải Hòa Hợp Dân Tộc, ông đã làm cho người cầm quyền bối rối, bởi vì ông vẫn nhắc đi nhắc lại với họ rằng một dân tộc cứ xung đột nhau, cứ chém giết lẫn nhau, nếu nước không mất thì dân nước đó cũng sẽ đi làm đầy tớ, làm nô lệ mà thôi. Thử hỏi nhân dân Việt Nam có chấp nhận làm đầy tớ ngoại bang hay không? Cho nên phương án “hòa giải hòa hợp” của ông không phải là một sự đầu hàng, mà là một chiến lược buộc người cầm quyền phải tiến tới để quốc gia sống còn. Ông chứng minh sở dĩ Hoa Kỳ đứng đầu nhân loại là nhờ mọi người dân tuy không cùng một chủng tộc nhưng biết đoàn kết bảo vệ giá trị Nhân Văn để cho người đương quyền Việt Nam nhìn thấy mà noi theo nhằm xây dựng một Nhà Nước Pháp Quyền, chứ không phải đi theo Hoa Kỳ là trở thành nô lệ của Hoa Kỳ. Chỉ có ông Tướng là người đủ tư thế nói điều đó, vì trong quá khứ ông đã chứng tỏ con người độc lập làm cho Hoa Kỳ phải nể trọng.
Bản thân ông là biểu tượng của sự hòa giải hòa hợp. Chắc hẳn mọi người còn nhớ đến vụ Phong trào Fulro ở Tây Nguyên nổi dậy đòi quyền tự trị, ông không dùng vũ lực để đàn áp. Ông bay lên tận nơi, trực tiếp nói chuyện với lãnh tụ phong trào. Ông không chấp nhận quyền tự trị, nhưng ông sẵn sàng giúp đỡ phương tiện sinh sống cho người thiểu số để Kinh Thượng chung sống đề huề. Do đó, Nội các của ông là Nội các đầu tiên có Bộ Sắc Tộc do ông Paul Nur làm Bộ trưởng. Dẹp xong Biến Động Miền Trung, ông không đưa những người cầm đầu phản loạn ra Tòa án Quân sự xử tử hình theo quân pháp. Ông lấy lượng khoan hồng mà đãi kẻ bại, vì thế ông đã đoàn kết được quân đội.
Ông có một người bạn cùng quê Sơn Tây, chơi với nhau từ thuở thơ ấu, vẫn thủy chung với bạn dù khi ông đạt đỉnh cao trên chiếc ghế quyền lực. Mỗi cuối tuần, người bạn ấy vẫn thường vào trong căn cứ Tân Sơn Nhất uống rượu cùng ông. Ở Hoa Kỳ, người bạn ấy qua đời trước, đích thân ông đưa vai khiêng quan tài của bạn. Người bạn ấy là nhạc sĩ Phạm Đình Chương. Nay ông qua đời, hương linh người bạn Phạm Đình Chương rất thấu hiểu tâm nguyện của ông khi còn trên trần thế, đã nhờ hai người lính thuộc hai chiến tuyến khác nhau mang dòng họ Phạm Đình để khẳng định ông là một Nhà Ái Quốc chân chính. Tuần trước Trung tá Nhẩy Dù Việt Nam Cộng Hòa Phạm Đình Cung ngồi giữa Thủ Đô Người Việt Tỵ Nạn nổi tiếng Chống Cộng nói với quần chúng khắp bốn phương rằng Tướng Nguyễn Cao Kỳ là người yêu nước. Hôm kia, tôi nhận được một bức thư của người lính cộng sản từng tham dự chiến trường Tây Nguyên trước năm 1975 nay đã xé thẻ đảng, nhờ tôi đọc trong buổi lễ này để xác nhận với đồng bào rằng Tướng Nguyễn Cao Kỳ là người yêu nước. Đây là bức thư của người cựu chiến binh cộng sản Phạm Đình Trọng, tôi xin phép đọc cho ông và mọi người cùng nghe:
“ Kính gửi Anh Đặng Văn Âu
Với những trọng trách trước lịch sử, trước thời cuộc mà ông gánh vác, Nguyễn Cao Kỳ là nhân vật lịch sử đậm nét của một trang sử Việt Nam thời nghiệt ngã, đau thương. Với những cá tính mạnh mẽ, rất đàn ông, Nguyễn Cao Kỳ là một nhân vật tiểu thuyết điển hình của bộ tiểu thuyết lịch sử hấp dẫn. Hơn tất cả những điều đó, với ứng xử của ông sau 1975, Nguyễn Cao Kỳ là một người yêu nước thiết thực, tỉnh táo và cao cả. Trong khi những người cùng hoàn cảnh với ông vẫn mãi chìm nghỉm, lún sâu trong hận thù ý thức hệ, trong hằn học thất thế để càng chia rẽ dân tộc thì Nguyễn Cao Kỳ coi Tổ quốc Việt Nam là trên hết, coi làm lành vết thương trong trái tim người Mẹ Việt Nam là khẩn thiết nhất, Nguyễn Cao Kỳ là người đi trước và cho đến nay vẫn là người Việt Nam duy nhất vượt lên trên ý thức hệ, vượt lên trên hận thù, mặc cảm cá nhân của người thất thế, là người đầu tiên có việc làm thiết thực xoa dịu trái tim đau chia rẽ, li tán dân tộc của người Mẹ Việt Nam. Nguyễn Cao Kỳ về Việt Nam không phải về với những người cộng sản mà là về với người Mẹ Việt Nam đau khổ, về hàn gắn vết thương trong trái tim người Mẹ Việt Nam.
Ở trong nước, tôi đã thấy những người lãnh đạo đảng cộng sản mồm nói hòa giải, hòa hợp dân tộc nhưng trong thực tế họ vẫn âm thầm khoét sâu thêm hố ngăn cách, li tán dân tộc. Sang Mĩ, tôi lại thấy những người Việt xa nước cũng đang cuồng nhiệt, hăng hái, kích động bài xích hòa hợp dân tộc, đào bới sâu thêm hố chia rẽ, li tán dân tộc. Tôi càng thấy tầm cao chính trị và tình cảm dân tộc rộng lớn bao dung, vị tha của ông Nguyễn Cao Kỳ. Đây là thể hiện rõ nhất lòng yêu nước, là đóng góp lớn nhất, quí nhất của con người lịch sử Nguyễn Cao Kỳ.
Tôi nhờ Anh Đặng Văn Âu chuyển hộ tôi lời chia buồn sâu sắc, muộn màng nhưng chân thực của tôi tới gia đình Tướng Nguyễn Cao Kỳ và đặc biệt cô Nguyễn Cao Kỳ Duyên. Tôi mong có dịp được gặp cô Nguyễn Cao Kỳ Duyên để tôi được biết thêm về những nét đời thường của nhân vật lịch sử độc đáo nhất trong lịch sử Việt Nam mà từ lâu tôi đã rất quan tâm và bây giờ là sự yêu mến, kính trọng.
Cảm ơn Anh Đặng Văn Âu.
Kính.
Phạm Đình Trọng. Nhà văn”
Thưa Thiếu tướng,
Tôi nghĩ người bạn cố tri Phạm Đình Chương của ông tế nhị lắm. Hương linh nhạc sĩ phải tìm cho được hai người lính từ hai phía, không những mang cùng họ Phạm Đình với mình, mà còn mang hai cái tên cũng vô cùng ý nghĩa. Một là Cung tức là Cung Kính và một là Trọng tức là Trọng Vọng. Hai người lính đó từng chĩa súng bắn vào nhau, nay hai người lính đó cùng bày tỏ Cung Kính và Trọng Vọng ông thì không phải là sự tình cờ! Cuộc chiến đã tàn, hai người lính tiêu biểu của hai phía đã nhận ra con đường ông đi là đúng; chứ không còn là con đường “bi đát” nữa!
Tôi nhớ mãi lời của Thiếu tướng dặn dò: “Một người có lý tưởng mà dám thực hiện lý tưởng thì không có gì phải sợ hãi”. Tôi từng làm Chủ nhiệm tờ Lý Tưởng tục bản ở Houston do Thiếu tướng sáng lập khi mới lên làm Tư lệnh Không Quân. Tôi dùng câu “Không Bỏ Anh Em, Không Bỏ Bạn Bè” làm châm ngôn. Khi tôi đăng một bài báo có tính nhạy cảm đối với một đoàn thể, một chiến hữu cộng sự của tôi và tôi bị chụp mũ cộng sản. Bạn tôi oan ức nhảy cầu xa lộ tự tử để phản đối kẻ xúc phạm thanh danh mình. Tôi bị dọa bắn, dọa giết. Tôi đã không sợ hãi, thực hiện ngay một tờ báo mang tên Thần Phong, là danh xưng Biệt Đội thả biệt kích ra Bắc của Thiếu tướng, để tố giác, hài tội đoàn thể đó!
Suốt thời gian qua, tôi đã lên tiếng để chống lại những cáo buộc hàm hồ của các người dám nhục mạ Thiếu tướng, một nhà ái quốc. Tôi cũng đã bị hăm dọa, nhưng tôi cũng không sợ, vì tôi tin ở lý tưởng của ông và của tôi. Dù chết, tôi vẫn đeo đuổi cái phương châm “Không bỏ anh em, không bỏ bạn bè”. Người yêu nước phải quyết làm sao thực hiện cho kỳ được dân tộc này hòa giải hòa hợp với nhau để có sức mạnh chống trả ngoại xâm. Chỉ có những người không yêu Tổ Quốc mới có chủ tâm phá hoại sự nghiệp đoàn kết dân tộc.
Tôi chắc chắn Thiếu tướng ở trên kia đang nhâm nhi ly rượu với người bạn cố tri Phạm Đình Chương đã đưa hai người lính từ hai phía đến nói lời ân tình với Thiếu tướng. Tôi mừng cho Thiếu tướng gặp lại bạn xưa. Lịch sử nước ta có nhiều vị anh hùng, nhưng chỉ có Đức Trần Hưng Đạo được đời sau phong Thánh, vì lúc sinh tiền Ngài đã không nghe theo lời cha là Trần Liễu giành lấy ngôi vua của Trần Thái Tông và Ngài đã đốt quyển sách ghi danh những tên Việt gian làm nội gián cho quân Nguyên mà người ta dâng cho Ngài. Ông Tướng thì tự động nhường ngôi vua (tức là chức Tổng thống) cho Trung tướng Nguyễn văn Thiệu và tha chết cho những Tướng Tư lệnh Vùng I và Tướng Tư lệnh Sư đoàn I làm loạn chống chính phủ. Nếu Việt Nam không bị Hán hóa vì nhà cầm quyền biết nghe lời Thiếu tướng để thực tâm thi hành chính sách hòa giải hòa hợp dân tộc thì người đời sau sẽ lập đền thờ tưởng nhớ đến công đức của ông. Xin vong hồn ông linh thiêng phù hộ độ trì cho dân tộc này chấm dứt xung đột, hận thù để Non Sông Việt Nam không bị biến thành châu quận của Bắc Phương.
Kính lạy vong hồn ông.
Bằng Phong Đặng văn Âu, đứa em tình nghĩa của Thiếu tướng.
© Đàn Chim Việt
Ông Kỳ đã tỉnh thức, đã nhận biết sai lầm khi đánh thuê cho giặc. Ông đã nói thẳng: “Tuớng tá vnch là đánh thuê” Ông Kỳ đã sai và ông biết mình đã dại khi nối giáo cho giặc.
Đánh thuê thì làm gì có chính nghĩa, thua là đúng thôi.
Nay ông Kỳ đã tỉnh ngộ và nhận ra rằng trở về để góp phần hàn gắn, xây dựng đất nuớc là chính nghĩa của thời đại.
Trước khi về thế giới bên kia, ông Kỳ đã đã trở về và tìm thấy Tổ Quốc Danh Dự Trách Nhiệm đích thực của một nguời con nuớc Việt.
Ngả nón phục ông!
longlive4loveVN