WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Báo Ba Lan phỏng vấn nhà văn Liêu Diệc Vũ

 

Tác giả: Paweł Sulik, phóng viên của Radio TOK. Bản tiếng Ba Lan lấy từ Polityka.pl

Mạc Việt Hồng chuyển ngữ

Nhà văn Trung Quốc Liêu Diệc Vũ tỵ nạn ở Đức. Ảnh DR

 

Paweł Sulik: Đầu tháng Bẩy vừa qua ông đã chạy khỏi Trung Quốc, tại sao vậy?

Liêu Diệc Vũ: Từ lâu mật vụ đã theo dõi và cảnh báo tôi rằng, tôi không được phép xuất bản bất kỳ cuốn sách nào ở phương Tây cũng như Đài Loan. Những nhà phát hành sách ở nước ngoài đã phải nhiều lần trì hoãn việc xuất bản vì lo ngại cho an ninh cá nhân của tôi. Tình trạng này diễn ra không biết tới khi nào, khiến tôi quyết định chạy trốn.

Paweł Sulik: Bằng cách nào, thưa ông?

Liêu Diệc Vũ: Tôi không thể tiết lộ một cách chi tiết, bởi sẽ nguy hại cho những người đã giúp tôi. Tôi chỉ có thể nói rằng, Vân Nam là một tỉnh nghèo, mà ở đó, tôi quen rất nhiều người thuộc tầng lớp lao động. Nhờ sự quen biết đó, mà tôi có thể vượt qua biên giới Việt Nam dễ dàng, không gây bất kỳ sự chú ý nào. Từ đó, tôi tới Warsaw và sau đó là Berlin, nơi tôi đang sống hiện nay. Nhà xuất bản người Đức chờ đón tôi ở sân Bay đã đứng ngây người ra rất lâu vì không tin rằng tôi đã chạy thoát.

Paweł Sulik: Có phải ở trong tù, ông gặp một người – sau này ông viết trong cuốn sách của mình – đã cố gắng trong nhiều năm nhưng không thể trốn thoát được khỏi Trung Quốc?

Liêu Diệc Vũ: Vâng, tôi nhớ rất rõ. Tôi đã quen nhiều người từng lên kế hoạch chạy trốn. Khác với họ, tôi hành động phù hợp với pháp luật. Tôi không muốn vượt biên trái phép, vì biết rằng, có thể gặp những chuyện như hồi tháng Năm, khi tôi nhận được lời mời tham dự Liên hoan Văn học tại Úc châu. Chính quyền đã trao tận tay tôi tờ quyết định từ chối xuất cảnh vì lý do an ninh. Do vậy, lần này tôi chuẩn bị chuyến đi một cách bí mật.

Paweł Sulik: Công an đã đối xử với ông thế nào?

Liêu Diệc Vũ: 20 năm qua tôi đã nghiệm ra rằng, dù những người thẩm vấn đã thay đổi nhiều lần, người già về hưu, những người trẻ thế chỗ, nhưng cách thẩm vấn thì không khác gì: Kéo dài bất tận.

Đã 2 lần họ tịch thu bản thảo cuốn hồi ký viết về thời gian ở tù của tôi. Lần thứ 3 tôi may mắn lấy lại được từ ổ cứng và gửi nó ra nước ngoài, cuốn sách được xuất bản dưới cái tên là “Lời chứng”. Chính quyền nhiều lần thúc ép tôi phải ký cam đoan, sẽ không xuất bản sách về đàn áp Kito giáo ở Trung Quốc. Họ hứa rằng, nếu tôi chịu hợp tác, tôi sẽ được hậu đãi.

Paweł Sulik: Cuốn sách bị cấm tại Trung Quốc “Dẫn dắt những người chết”, đã lột tả sự thật về đời sống xã hội của tầng lớp đáy cùng. Cuốn sách đã được xây dựng ra sao?

Liêu Diệc Vũ: Sau năm 1989, tôi bị tống vào tù vì bài thơ “Thảm Sát” nói về những biến cố xảy ra trên quảng trường Thiên An Môn. Ở đó, tôi tiếp xúc với đủ loại tội phạm: giết người, trộm cắp và hãm hiếp. Trong môi trường khép kín và đầy bạo lực, những tù nhân ở đây, qua những trải nghiệm của mình, đã kể lại hàng trăm câu chuyện. Qua đó, tôi biết được những bạn tù của mình đã phạm tội như thế nào. Thật là tàn ác, tôi bắt đầu phản ứng lại, những câu chuyện vượt quá sức chịu đựng của tôi. Tôi đã nói với họ rằng, tôi không còn muốn nghe những chuyện như thế nữa, nhưng chẳng ăn thua gì.

Cuối cùng, tôi nhận ra, viết lại những câu chuyện đó là cách để tự giải thoát mình. Từ lúc nào đó, tôi bắt đầu cảm thấy gắn bó với những kẻ phạm tội và như sống trong những câu chuyện của họ. Ít nhất trong đầu tôi có 300 mẩu chuyện như vậy. Một phần tôi đã viết trong cuốn sách “Dẫn dắt những người chết”, phần còn lại sẽ được tiếp tục vào một thời điểm thích hợp. Những người tù mà tôi đã gặp không chỉ là những kẻ giết người hay trộm cướp, mà còn có cả những nhà sư hay những nhạc sĩ đường phố.

Paweł Sulik: Ở các quyển sách của ông có thể thấy, dân Trung Quốc rất thống khổ?

Liêu Diệc Vũ: Khách du lịch hay các nhà chính trị ngoại quốc chỉ nhìn thấy những tòa nhà cao tầng và từ đó cho rằng đất nước chúng tôi giầu có và phát triển nhanh. Nhưng đó chỉ là phần nổi, còn phần chìm của nó hoàn toàn khác: Tăm tối và bị quên lãng. Ở đó, những người như chúng tôi, đáy tầng của xã hội, sống như những con chuột trong bóng tối. Đó là 2 hình ảnh trái ngược của Trung Quốc, là 2 đất nước khác nhau. Ngày nay, chính quyền chỉ muốn các nhà văn viết về thành công thôi, như Olympic hay triển lãm Expo Thượng Hải, chẳng hạn. Nhưng tôi lại phơi ra những chuyện khác, đó là cái tát thẳng vào mặt chính quyền. Thực tế rất đáng xấu hổ nhưng lại vắng bóng trong ý thức của công chúng.

Paweł Sulik: Do đâu mà xảy ra tình trạng ‘hai bức tranh’ như vậy?

Liêu Diệc Vũ: Sự chênh lệch giầu nghèo ở Trung Quốc đã trở nên quá lớn. Tôi sinh ra trong thời kỳ vô cùng nghèo đói, nhưng khi đó ai cũng nghèo, người ta hy sinh để cầu mong một cuộc sống tốt đẹp hơn. Bây giờ thì chẳng có chút hy vọng nào, ký ức về nạn đói khủng khiếp đã được phủ kín, và những người giầu có sống ngay bên cạnh những kẻ nghèo khó. Mặt khác, cảm giác chung của cả xã hội là bất an. Mặc dù nhà nước cũng nới lỏng một số lĩnh vực nhưng không ai cảm thấy an toàn và chính những người giầu có nhất lại thường di tản ra nước ngoài.

Paweł Sulik: Cho tới năm 1989, ông không hề lên án chính quyền?

Liêu Diệc Vũ: Lúc đó tình hình ở Trung Quốc hoàn toàn khác… Sau cái chết của Mao, mọi người đều hy vọng đất nước sẽ phát triển theo chiều hướng tốt đẹp. Sau những thử nghiệm khủng khiếp của cuộc Đại Nhảy Vọt và Cách mạng Văn hóa, cuộc sống những năm 80 dường như đã trở lại bình thường. Trung Quốc trở nên lớn mạnh trên trường quốc tế và người dân cảm thấy tự hào. Phần lớn người Trung Quốc đều tin tưởng rằng, một sự thay đổi từ từ sẽ tốt hơn.

Thật bất hạnh, những người muốn đẩy nhanh sự thay đổi bằng các cuộc xuống đường đã bị sát hại bởi chính Tổ quốc thân yêu của mình, chứ không phải từ kẻ thù bên ngoài. Chúng tôi thực sự bị sốc! 3000 người đã chết trên quảng trường Thiên An Môn, hàng chục ngàn người bị cầm tù và hàng chục ngàn khác phải bỏ chạy khỏi Trung Quốc để tránh sự trả thù. Đó là một năm mang tính đột phá. Những người chỉ vì yêu nước mà phải bỏ mạng, nên sau đó, dưới thời Đặng Tiểu Bình, họ chuyển sang say mê tiền bạc. Tình trạng đó kéo dài cho tới ngày nay.

Paweł Sulik: Những người Công giáo Trung Quốc mà ông kể trong cuốn sách “Chúa mầu đỏ” họ là ai?

Liêu Diệc Vũ: Ở Trung Quốc có khoảng 10 triệu người theo Thiên chúa giáo nhưng chính quyền chỉ kiểm soát được một số thông qua Giáo hội quốc doanh. Tôi tiếp cận được với những người từng bị đàn áp vì duy trì một số truyền thống, nghi thức tôn giáo. Phần lớn họ phải lập những nhóm tín ngưỡng bất hợp pháp bằng tiền riêng của mình. Có những nhà thờ hoạt động theo cách riêng. Như trường hợp Pháp Luân Công chẳng hạn, giáo phái được thành lập bởi những người tìm kiếm sự tốt đẹp và công lý trong một xã hội đầy dối trá. Không thể tìm thấy những giá trị như vậy trong xã hội đương đại Trung Quốc nên họ đến với tôn giáo và tâm linh.

Paweł Sulik: Năm ngoái, người bạn của ông là Lưu Hiểu Ba đoạt giải Nobel về Hòa bình, ông nghĩ gì về điều này?

Liêu Diệc Vũ: Thật vui, vì thế giới đã quan tâm tới anh ấy. Tôi cũng nhận được giấy mời tới dự lễ trao giải, nhưng tôi biết, nếu tôi rời Trung Quốc, thì chính quyền sẽ không cho phép tôi quay trở lại. Tôi từng tin rằng, sau giải thưởng Nobel cho Lưu Hiểu Ba đất nước Trung Quốc sẽ bắt đầu thay đổi. Thật đáng tiếc, sự thay đổi duy nhất là chính quyền gia tăng đàn áp. Cách mạng Hoa Nhài ở Bắc Phi đã dẫn đến những phản ứng điên cuồng của chính quyền Trung Quốc.

Paweł Sulik: Điên cuồng ư?

Liêu Diệc Vũ: Vâng. Nhà chức trách ra tay bắt giữ, có khi chỉ vì nghe tin một nhóm người kêu gọi biểu tình trên Internet. Tình hình ở các quốc gia Ả Rập không mảy may ảnh hưởng gì tới Trung Quốc, nhưng chính quyền đã trở nên quá nhạy cảm trong mấy tháng gần đây trước mọi chỉ trích công khai. Bức tranh biểu tình ở Tunisia và Ai Cập đã kích thích mạnh mẽ trí tưởng tượng của nhà cầm quyền, khiến cho quốc gia này trở nên ngột ngạt tới mức tôi phải bỏ chạy để có thể tiếp tục viết lách.

Paweł Sulik: Ông có nghĩ rằng, một lúc nào đó, tình hình ở Trung Quốc sẽ thay đổi để ông có thể trở lại đó?

Liêu Diệc Vũ: Sẽ không nhanh chóng đâu. Đừng nghĩ rằng nó sẽ nhanh như ở Libya. Trung Quốc là một nước lớn và hùng mạnh. Đất nước đó có quân đội lớn và được đào tạo bài bản, và biến cố Thiên An Môn đã cho thấy, quân đội này có thể được sử dụng để chống lại chính nhân dân của mình. Chính phủ đã xác định, bằng mọi giá duy trì quyền lực. Giống như năm 1989, những thay đổi ở châu Âu đã không đem đến sự chuyển đổi ở Trung Quốc, cách mạng ở Bắc Phi hiện nay cũng vậy.

Paweł Sulik: Vậy châu Âu có ảnh hưởng gì tới Trung Quốc?

Liêu Diệc Vũ: Một mặt, có thể thấy, Na Uy, một nước nhỏ và không có quân đội hùng mạnh như Trung Quốc nhưng đã dám trao giải Nobel Hòa Bình cho Lưu Hiểu Ba, bất chấp những sức ép từ phía Bắc Kinh. Đó là điều tuyệt vời.

Nhưng mặt khác, sự giao lưu kinh tế rất lớn giữa Trung Quốc và châu Âu cho thấy sự thiếu vắng những chế tài về đầu tư của châu Âu đối với đất nước chúng tôi. Ở Trung Quốc, mọi thứ đều có thể giải quyết được. Người ta có thể làm giàu bất chấp những bất hạnh của người khác. Thật không may, các doanh nghiệp châu Âu ở Trung Quốc lại nhanh chóng học tập điều này.

Tôi cho rằng, Trung Quốc cần học hỏi nhiều từ những người châu Âu. Các giá trị nhân quyền phải được đem tới từ châu Âu, chứ không chỉ có tiền bạc.

© Đàn Chim Việt (Bản tiếng Việt)

 

4 Phản hồi cho “Báo Ba Lan phỏng vấn nhà văn Liêu Diệc Vũ”

  1. Minh Đức says:

    Trích: Sẽ không nhanh chóng đâu. Đừng nghĩ rằng nó sẽ nhanh như ở Libya. Trung Quốc là một nước lớn và hùng mạnh. Đất nước đó có quân đội lớn và được đào tạo bài bản, và biến cố Thiên An Môn đã cho thấy, quân đội này có thể được sử dụng để chống lại chính nhân dân của mình

    Ông Liêu Diệc Vũ không tin là sẽ có một cuộc biến động từ phía người dân làm chế độ tại Trung Quốc thay đổi. Trung Quốc không giống Lybia. Nhưng khi dân Lybia bắt đầu nổi dậy thì một người lãnh đạo cao cấp ngành tình báo Do Thái nói Gaddafi sẽ không bị lật đổ vì Lybia không giống như Ai Cập. Gaddafi nắm toàn thể cơ quan an ninh, quân đội, còn người dân tay không thì không thể chống lại với quân đội đầy đủ súng ống. Nhưng rồi lại chính người trong quân đội Lybia cũng chống lại Lybia. Quân đội Trung Quốc có khả năng đàn áp sinh viên tại Thiên An Môn thật, nhưng lúc đó, một số vị tướng đã không chịu nghe lời Đặng Tiểu Bình, không chịu bắn vào sinh viên và nếu Triệu Tử Dương không bị tước quyền nhanh chóng thì có thể các vị tướng đã làm đảo chánh, bắt giữ Đặng Tiểu Bình.

  2. NGOẠI CẢM says:

    Cọng sản Á Châu không những gây tội ác với nguời sống mà còn gây tội ác với nguời chết . Sau đây là bằng chứng tội ác :

    1. Cọng sản Trung Quốc phạt tội xác chết :
    Liêu Diệc Vũ (Liao Yiwu) có kể lại :
    “Thập niên 1950, cặp vợ chồng(cuả chế độ cũ) gắn trốn tránh CS Trung quốc chận bắt . Ngày nọ, trên đuờng chạy trốn, nguời vợ biết truớc mình sẽ chết vì bệnh phổi mới nói với
    chồng chônmình tại quê nhà. Nguơờ chồng muớn và trả hậu anh em nọ. Mô ộnguiờ đi đầu xách đèn lồng, nguời kia trùm từ đầu tới chân vưà theo sau vưà cỏng xác với miệng mũi tai
    nhét bít đầy thuỷ ngân. Hai anh em đi đuợc bả cây số thì bị cọng sãn bắt… chúng cột họ lạị, lưng đối lưng (kẹp xác chết ở giưã) . Nguơờ anh mang trên cổ tấm dấu đen với hàng chử:
    ” Đây là tôi mọi cuả Xác chết Phản động” ( The Corpse Walkers, THE CORPSE WALKER , Liao Yiwu, tr.37)

    2.Cọng sản Việt Nam phạt vạ nguời chết:
    Tại Nhatrang năm 1976 một nguời bán hàng tại chợ đầm quẫn trí, bèn tự tử vì mất hết tài sãn trong đợt đầu ” cải tạo công thuơng nghiệp” . Cọng sãn điạ phuơng phạt và nguời
    vợ vì “nguời chồng phạm tội tự tử.”

    • Minh Đức says:

      Tại miền Bắc sau 54, khi nhà nào có người tự tử thì chính quyền bắt gia đình phải đóng tiền phạt gọi là Tiền Ngu. Chính quyền nói là vì ngu nên tự tử. Xã hội chủ nghĩa tốt đẹp như thế mà không chịu sống lại đi tự tử.

  3. Minh minh says:

    Thấy giống vn quá, cũng tù đầy, cũng bắt bớ VN nhiều người chạy sang thái lan và Campuchia bao giờ Tquoc đổ thì vn mới đổ được chứ hoa nhài hoa nhoét gì thì ở xa quá không ăn thua gì

Leave a Reply to Minh minh