WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Kịch bản 75: Xin cùng nhau viết lại lịch sử

Đêm không ngủ:

Khi tiếng kêu tuyệt vọng của đại tá Vũ Thế Quang, tư lệnh phó sư đoàn 23 yêu cầu không quân dội bom trên đầu, thị xã Ban mê Thuột đang ở những giờ phút cuối.

Đó là đêm 13 tháng 3 năm 1975.

Sau khi đánh thăm dò lấy được Phước Long, tiếp theo trận chính thức mở màn hạ xong Ban Mê Thuột, từ cao nguyên Văn Tiến Dũng báo tin chiến thắng về Hà Nội. Lê Duẩn cho lệnh phát động chiến dịch Hồ chí Minh. Bắc quân mở 3 mặt trận tổng tấn công miền Nam. Từ Phước Long đánh xuống Sài Gòn. Từ Cao nguyên cắt ngang duyên hải và từ Hỏa tuyến đánh thẳng vào Thừa thiên.

Đó là đêm 13 tháng 3 năm 1975.

Tổng Thống Thiệu vẫn còn ngồi trên bàn viết ở cánh phải dinh Độc lập. Ông xem lại xấp hồ sơ của bộ tổng tham mưu trình bày về khả năng giữ đất theo mức quân viện do trung tướng Đồng Văn Khuyên trình lên đầu tháng 2. Tài liệu này ban tham mưu Mỹ và Việt ước tính với tình trạng viện trợ cắt giảm hiện nay thì sẽ phải bỏ gần hết lãnh thổ vùng I và II.

Hồ sơ màu đỏ của tướng Ted Serong đề nghị các cuộc triệt thoái chiến lược khẩn cấp. Tuy nhiên viên tướng Úc chuyên về nghiên cứu chiến trường ghi rõ kế hoạch của ông phải thi hành từ cuối năm 1974. Qua đến 1975 thì vô phương vì quá muộn. Trên bàn viết có những hàng chữ gạch xóa. Bỏ Pleiku, tái chiếm Ban Mê Thuột ? Bỏ Huế, giữ Huế? Đem dù về Sài Gòn. Bọn Mỹ phản bội. Từ chức hay ở lại?

Vị tổng thống miền Nam viết xuống những suy tư trong hoàn cảnh hết sức bối rối cô đơn. Đó là đêm 13 tháng 3 năm 1975

Quay qua xấp hồ sơ mầu xanh của bộ tổng tham mưu mới được đại tá Đỗ Đức Tâm trình hồi chiều. Tổng Thống Thiệu hờ hững cầm lên đọc đoạn mở đầu :

Kế Hoạch Diên Hồng 75

“Giải pháp sau cùng cho miền Nam ”. Chiến tranh nhân dân chống chiến tranh nhân dân. Đi vào chỗ chết để tìm đường sống.

Ông Thiệu sững sờ đọc đi đọc lại các tựa đề. Đây là văn tài liệu viết báo chứ đâu phải văn thư trình tổng thống. Không có gì chứng tỏ đại tướng Cao Văn Viên đã duyệt qua báo cáo này.

Ông bắt đầu giở từng trang. Toàn bộ kế hoạch do 5 đại tá của bộ Tổng tham mưu soạn thảo với các giải pháp hết sức quyết liệt để cứu miền Nam vào những giờ phút tuyệt vọng.

Ông Thiệu ngả người xuống ghế salon, và mở từng trang ra đọc. Đêm hôm đó ông hoàn toàn không ngủ.

Đó là đêm 13 tháng 3 năm 1975

Bình minh của tổng thống.

Sáng sớm ngày 14/3/75, vị tổng thống miền Nam mới chợp mắt trên ghế salon ngay trong văn phòng. Bà Thiệu từ trên lầu 3 phía hậu dinh đi xuống hai lần nhưng không dám làm ông thức giấc.

Khi những tia nắng sáng soi vào hành lang, tổng thống Thiệu tỉnh giấc, lập tức ra lệnh cho đại tá Võ Văn Cầm, chánh văn phòng hủy bỏ chuyến bay dự trù cho buổi họp tại Cam Ranh. Đại tá Cầm nhận lệnh tất tả về lại văn phòng kêu điện thoại. Buổi họp Cam Ranh dự trù có tướng Phú quân đoàn II, tướng Quang cố vấn an ninh, đại tướng Viên và thủ tướng Khiêm sẽ không thực hiện như đã dự trù.

Tổng thống quyết định chủ tọa một buổi họp khác tại bộ tổng tham mưu tổ chức cấp thời lúc 11 giờ trưa.

Hội nghị Diên Hồng của quân lực VNCH.

Ông điện thoại liên lạc thẳng cho tướng Trần Văn Hai, tư lệnh sư đoàn 7 tại căn cứ Đồng Tâm. Đại tá Trần Thanh Điền đứng bên nghe được những lời sau cùng tổng thống Thiệu nói với vị tướng sư đoàn 7 bộ binh.

“Tôi nhờ anh Điền đem bà xã và gia đình xuống Đồng Tâm.
Anh lo hộ cho gia đình tôi trú ngụ dưới đó. Sau cuộc chiến này tôi sẽ gặp lại”.

Đại tá Vũ Quang Chiêm, chánh võ phòng và đại tá Điền, trưởng khối cận vệ cùng nhìn nhau. Tiếng nói của tổng thống Thiệu nghe hơi lạ. Qua một đêm, ông Thiệu hình như trở thành người khác.

Ban hành thêm một số chỉ thị, ông cầm xấp hồ sơ bìa xanh của bộ tổng tham mưu đi lên lầu. Đại tá Võ văn Cầm bước theo, tay cầm giấy bút ghi lại các khẩu lệnh.

Tổng thống vừa đi vừa nói.

”Việc bàn giao giữa nội các của ông Khiêm và ông Cẩn cho làm gấp. Anh phụ nhà tôi kiếm một bộ quân phục với cấp bậc thời kỳ lãnh đạo quốc gia cho tôi. Xem chừng chật rồi.

Mời phó tổng thống, thủ tướng Khiêm và ông Nguyễn Bá Cẩn chiều nay họp với tôi trong bộ tổng tham mưu.

Tôi muốn tất cả các sĩ quan từ cấp đại tá trở lên họp mặt tại trại Trần Hưng Đạo trưa nay. Trình với đại tướng Viên thu xếp cho mọi người ăn trưa. Cơm tay cầm được rồi. Trung tướng Đồng Văn Khuyên chuẩn bị cho tôi tài liệu đầy đủ về tiếp vận. Nói với các tướng lãnh từ nay tuyệt đối không thông báo công việc và tin tức cho Hoa Kỳ.”

Đại tá Cầm bèn hỏi lại:

Như vậy sẽ phải tin cho đại tướng tổng tham mưu trưởng…

Dừng lại ở cửa phòng, ông Thiệu nói chậm rãi:

Không, từ nay tôi sẽ kiêm tổng tham mưu trưởng, đại tướng Viên sẽ là cố vấn cho tôi. Tôi sẽ làm việc bên bộ tổng tham mưu.
Tôi giao cho các anh giữ dinh Độc Lập với cụ Hương. Đánh xong trận này tôi sẽ trở lại.”

Quả thực cũng như ông Điền và ông Chiêm, đại tá Cầm sững sờ khi thấy ông Thiệu trở thành một người khác

Phiên họp lịch sử.

Lần đầu tiên cờ 3 sao của trung tướng Nguyễn văn Thiệu bay trở lại trên tòa lầu chính. Từ nhiều năm qua cờ 4 sao của đại tướng Viên đã không được treo theo lệnh của chính vị tổng tham mưu trưởng.

Câu lạc bộ sĩ quan trở thành nơi họp đại hội đồng quân lực gồm tất cả các đại tá và tướng lãnh tại bộ tổng tham mưu. Hơn một trung đội quân cảnh được huy động gác vòng trong vòng ngoài.

Một trăm ổ bánh mì Bưu điện đặt trên bàn nhưng dường như không ai đụng đến.

Ngồi sau một bàn nhỏ đơn độc từ phía trên ngó xuống, trung tướng Thiệu mặc quân phục 3 sao bắt đầu bằng giọng bình dân cố hữu nhưng có phần xúc động.

“Cố vấn Mỹ bảo tôi bỏ đất. Cố vấn Úc cũng bảo tôi bỏ đất. Pháp bảo tôi hòa giải với cộng sản. Hoa Kỳ bảo tôi phải ra đi. Chính khách Saigon đề nghị lập chính phủ liên hiệp. Cộng sản bảo rằng không nói chuyện với Thiệu. Cũng không liên hiệp với cụ Hương.

Nixon không còn nữa, Ford không phải là tổng thống do dân bầu nên không quyết định. Hoa Kỳ đã dứt khoát quay lưng lại Việt Nam.

Tất cả đều nói là Thiệu cản trở hòa bình. Thiệu phải ra đi.

Đêm hôm qua tôi đã chuẩn bị đi Cam Ranh để ban hành lệnh tái phối trí rất quan trọng. Nhưng nay tôi quyết định ở lại.

Không phải chỉ là không đi Cam Ranh. Tôi sẽ không đi đâu cả. Tôi quyết định ở lại và sống chết với anh em.

Vừa nói đến đây, ông Thiệu nghẹn lời và cả hội trường bừng lên tiếng vỗ tay vang dậy.

Chờ cho cơn xúc động chấm dứt. ông Thiệu nói tiếp.

-“Tôi sẽ không từ chức. Từ nay, tôi sẽ là tổng tư lệnh kiêm tổng tham mưu trưởng bộ tổng tham mưu. Khi tôi nói chuyện với các anh ở đây thì nhà tôi và các cháu đã về quê Mỹ Tho. Với tính bông đùa cố hữu, ông Thiệu nói. Mỹ Tho chứ không phải là Mỹ quốc.” 

Ông cao giọng:.

Sẽ không có thằng Tây thằng Mỹ nào đuổi tôi đi đâu được. Bởi vì sau tôi sẽ không còn gì cả. Sau tôi chỉ còn cộng sản.”

Tiếng vỗ tay lại một lần nữa nổi lên cùng với sự hân hoan hiện trên mặt các sĩ quan của bộ tổng tham mưu hiện diện.

Tổng thống nói tiếp:

Người ta nói với tôi là quân viện không có, lòng người không có, bây giờ tiếp tục đánh thì đánh bằng cái gì. Tôi trả lời ngay cho các anh hôm nay. Lòng người không có thì làm cho có. Cháo nguội thì hâm lên cho nóng. Còn phương tiện không có thì, 

Nói đến đây ông nhấn mạnh từng chữ một:

“Đánh bằng cùi chỏ.”

Vừa nói ông vừa đưa khuỷu tay lên.

Lại một lần nữa, chữ nghĩa và hành động của ông tạo xúc động lớn lao cho cử tọa.

Tiếng vỗ tay cuồng nhiệt kéo dài…

Khi mọi người dịu xuống, ông nói vào vấn đề:

-“Như các anh đã biết, chúng ta đã xây dựng miền Nam qua 20 năm, có trật tự thanh bình và tự do dân chủ. Suốt cuộc đời binh nghiệp tôi không hại ai. Suốt cuộc đời chính trị tôi không giết ai. Anh em sĩ quan cao cấp chúng ta, ai cũng đã có thời trách nhiệm lãnh đạo chỉ huy, bây giờ là lúc sống chết. Bây giờ không phải là lúc tham quyền cố vị mà ở lại. Muốn có hòa bình, muốn có thương thuyết, muốn có hòa giải phải ở vào thế mạnh. Đêm hôm qua tôi đã đọc hết tài liệu đề nghị của các anh em đại tá tại bộ tổng tham mưu. Các anh đưa cho đại tá Đỗ ĐứcTâm trình tôi. Sáng nay tôi hỏi lại thì đại tướng tổng tham mưu trưởng cũng không biết. Nhưng không hề chi. Tôi chấp thuận kế hoạch này. Tôi đồng ý đây là giải pháp cuối cùng. Lấy chiến tranh nhân dân để chống lại chiến tranh nhân dân. Kể từ giờ phút này anh em chiến hữu ngồi với tôi hôm nay là thành viên của hội nghị Diên Hồng. Các anh cũng là thành viên của hội đồng an ninh quốc gia mở rộng.

Tôi quyết định ban hành lệnh tổng động viên toàn miền Nam theo kế hoạch Diên Hồng 75. Từ nay không phải chỉ có thanh niên đi lính mà là toàn dân đánh giặc.

Không cắt đất, không bỏ dân, không rút quân, không tái phối trí. Ở đâu ở đó. Sức yếu thì co cụm lại. Còn sức thì bung ra. Địch pháo thì đào hầm mà chui xuống. Hết pháo thì chui lên mà đánh.

Nội chiều nay, tôi sẽ họp nội các chiến tranh với cụ Hương và các tướng lãnh. Sẽ công bố việc bổ nhiệm nhân sự cho các quân khu, các quân đoàn, các sư đoàn, các tiểu khu và các đô thị.

Với chủ trương toàn dân đánh giặc thì các trường trung học và đại học sẽ trở thành các trại binh. Sẽ không học hành gì từ nay cho đến hết năm 1975. Hai mươi năm qua chúng ta vừa chiến đấu vừa xây dựng. Chiến tranh có hậu phương có tiền tuyến. Có dân sự có quân sự. Nhưng bây giờ sẽ chỉ có chiến đấu mà tạm gác phần xây dựng. Sẽ chỉ có tiền tuyến mà không có hậu phương. Sẽ chỉ có quân sự mà không còn dân sự.

Ông kết luận:

“Tôi nghĩ rằng các anh đã hiểu được ý của tôi cũng như tôi đã hiểu được đề nghị của các anh gởi đến cho tôi đọc đêm hôm qua. Xin nói thêm rằng, sau trận này, tương lai đất nước nằm trong tay các anh, những sĩ quan trẻ của quân đội.

Bây giờ các anh về suy nghĩ xem mỗi người phải làm gì. Phải làm ngay lập tức. Cộng sản đã giữ thế chủ động từ 1968 qua 1972 cho đến nay trên chiến trường và trên bàn hội nghị. Bây giờ chủ động phải là phần của chúng ta. Dù phải chết, chúng ta cũng sẽ chủ động chọn cho mình cái chết xứng đáng. Tôi cho ban hành ngay toàn bộ kế hoạch Diên Hồng 75 từ giờ phút này…

Hội nghị giải tán, rải rác đó đây trên mặt bàn còn lại những khúc bánh mỳ Bưu điện. Ông Thiệu cầm phần bánh mỳ nói với sĩ quan tùy viên cho vào cặp sách. “Lát nữa ăn”

Nội các chiến tranh:

Buổi họp của nội các chiến tranh 75 bao gồm cả 2 vị thủ tướng cũ và mới. Đại tướng Trần thiện Khiêm và ông chủ tịch hạ viện Nguyễn Bá Cẩn. Các vị tân bộ trưởng gồm đủ mặt, các bộ trưởng cũ hiện diện được hơn phân nửa. Ông Thiệu lại nhắc qua về nội dung hội nghị Diên Hồng buổi trưa và vận động mọi thành viên tích cực trong giai đoạn cam go nhất của đất nước. Như đã chuẩn bị trước, ông trao tặng cho các vị dân sự mỗi người một nón sắt nhà binh và một xẻng gấp cá nhân. Ông nói mỉa mai rằng đây là món quà cuối cùng của Mỹ giúp Việt Nam chiến đấu.

Sau đó các vị bộ trưởng và chuyên viên ra về, thành phần chính phủ thu hẹp được ngồi lại nghe tổng thống Thiệu ban hành các chỉ thị cụ thể. Trong các bộ trưởng, ông mời riêng luật sư Vương Văn Bắc ngồi lại.

Với tình thế biến chuyển và nhận thấy tổng thống Thiệu dường như trở thành con người khác với một quyết tâm hết sức mãnh liệt, các vị trong nội các và tướng lãnh hết sức ngạc nhiên. Tuy nhiên gần như không ai đóng góp ý kiến hay đặt câu hỏi, trừ phó tổng thống Trần Văn Hương. Ông Thiệu cho biết, từ nay ông sẽ đặt văn phòng tại bộ tổng tham mưu làm việc trực tiếp với các tư lệnh quân khu. Ông đặt 2 vị tướng cao cấp trong chức vụ cố vấn. Đại tướng Viên cố vấn quân sự và đại tướng Khiêm cố vấn nội vụ.

Ông cho biết là ngay buổi chiều, sau hội nghị Diên Hồng tại câu lạc bộ tổng tham mưu, ông đã điện thoại ra lệnh bổ nhiệm các chức vụ tư lệnh quân đoàn kể từ ngày 15-3-1975. Tổ chức miền Nam thành các quân khu độc lập trong cuộc chiến phòng thủ diện địa. Vùng 4 chia làm 2 quân khu. Tiền Giang và Hậu Giang.

Tướng Lê Văn Hưng phó của ông Nam lên làm tư lệnh quân khu Hậu Giang. Chủ lực là sư đoàn 21, trang bị để thành lập thêm một sư đoàn biệt động quân và một sư đoàn Bảo An Hòa Hảo.

Tướng Trần văn Hai, tư lệnh quân khu Tiền Giang với sư đoàn 7 bộ binh và thêm một sư đoàn biệt động quân tân lập.

Tướng Nguyễn Khoa Nam ra thay tướng Ngô Quang Trưởng tại quân khu I. Tổng thống nói thêm: “Anh Thọ phòng 3 TTM nghiên cứu ngay cho tôi xem có cần chia miền Trung ra 2 khu vực phòng thủ Bắc và Nam Hải Vân? Ngay bây giờ thì ông Nam vẫn trách nhiệm toàn thể miền Trung. Vùng II cũng chia làm đôi. Tướng Nguyễn Văn Toàn từ Biên Hòa trở lại thay thế tướng Phú trên quân khu Cao nguyên. Phần đất của quân khu Duyên hải sẽ có vị tư lệnh mới là tướng Hoàng cơ Minh.Còn vùng III giao cho tư lệnh phó là tướng Nguyễn Văn Hiếu. Phó tổng thống Trần Văn Hương hết sức hài lòng với việc bổ nhiệm vị tướng lãnh thân thiết của ông vào chức vụ tư lệnh quân khu miền Đông. Nhưng cụ vẫn thắc mắc về việc tiếp tục xử dụng tướng Toàn. Ông Thiệu cho biết ông Toàn là người đã từng ở Pleiku và bây giờ tình nguyện trở lại.

Tình thế hiện nay gần như không có vị tướng nào có khả năng mà lại tình nguyện lên cao nguyên. Qua điện thoại tướng Toàn có hỏi ông Thiệu là được đem theo những ai, sẽ được yểm trợ gì khi lên vùng II. Tổng thống trả lời là anh đem theo một cỗ quan tài và anh sẽ chết ở Pleiku. Tướng Toàn hiểu ý và đáp ngay bằng tiếng Pháp:

A vos ordres Monsieur le President, (Xin tuân lệnh ngài tổng thống).

Với tướng Nguyễn Khoa Nam, tổng thống Thiệu nói riêng: “Anh sẽ thường trực tại Huế và trấn giữ đèo Hải Vân”.

Tướng Nam thưa rằng: Tôi hiểu ý tổng thống. Huế là quê hương của tôi.

Ông Thiệu tiếp lời,  Tôi sẽ rút toàn bộ nhẩy dù về Saigon. Anh phải dùng tất cả 3 sư đoàn 1,2 và 3 cho mặt trận Quảng Trị. Tái tổ chức địa phương quân, nghĩa quân cho các tỉnh duyên hải. Thành lập một sư đoàn biệt động quân phòng thủ Đà Nẵng.Với tổng kho Đà Nẵng, toàn thể quân dân miền Trung sẽ trở thành một quốc gia biệt lập. Anh sẽ không trông cậy gì ở Saigon. Nam hiểu không? Sẽ không có chuyện di tản. Có thể hy sinh một vài thị trấn phía nam Đà Nẵng nhưng phải giữ Huế bằng mọi giá. Lập một danh sách những người lần lượt thay thế khi Nam nằm xuống. Tôi sẽ chỉ thị cho tư lệnh hải quân tăng cường tối đa cho đề đốc Hồ Văn kỳ Thoại hải pháo bờ biển Quảng Bình rồi dùng toàn thể sư đoàn thủy quân lục chiến tấn công cửa Việt để giải tỏa áp lực phía Bắc.

Tướng Nguyễn Khoa Nam vô cùng xúc động trả lời: Em xin hết sức, thưa đại ca. Đây là ngôn ngữ ông Nam thường dùng để nói với Tổng thống.

Nghe xong chuyện điện thoại do ông Thiệu kể lại, cụ Hương hỏi thêm về chức vụ tư lệnh Biệt khu Thủ đô. Tổng thống cho biết tướng Lê nguyên Vỹ tân tư lệnh từ Lai Khê bay về đang đi thanh sát vòng đai phòng thủ Sài Gòn. Sư đoàn 5 bộ binh giao cho đại tá Hồ ngọc Cẩn cùng với sư đoàn biệt đông quân mới thành lập sẽ chuẩn bị đánh Lộc Ninh. Quận lỵ này đang được coi là thủ đô của Việt cộng miền Nam.

Tân thủ tướng Nguyễn Bá Cẩn cho biết nội các của ông còn thiếu nhiều nhân sự. Với hoàn cảnh hiện nay nhiều chuyên gia và nhân sĩ ngần ngại tham chính.

Tổng thống Thiệu nói rằng: “Hiện có nhiều trung tướng và thiếu tướng rất có khả năng nhưng chưa có chức vụ. Sau khi đưa một loạt tướng trẻ ra cầm quân, các tướng lãnh thâm niên có thể tạm thời qua làm việc với tân nội các, ít nhất là trong năm nay”.

Quay sang ông Cẩn, tổng thống nói tiếp: “Anh về thuyết trình cho quốc hội vận động tất cả nghị sĩ và dân biểu đưa vợ con về đơn vị gốc để cùng sống chết với cử tri. Sau đó anh cho các vị bộ trưởng và chuyên viên nghiên cứu để làm sao cho toàn thể xã hội có cuôc sống thích ứng với hoàn cảnh chiến tranh. Kể từ ngày 15/3/1975 lệnh giới nghiêm ban hành trên toàn thể miền Nam. Các trường học tráng niên đóng cửa. Quân sự hóa toàn quốc. Các xe tư nhân cấm lưu thông, các xe hàng trưng dụng để chở quân và dành cho các chương trình huấn luyện. Bộ tổng tham mưu tăng cường cho TQLC và nhẩy dù mỗi sư đoàn thêm một lữ đoàn tân lập. Thành lập 6 sư đoàn Biệt động quân cho các quân khu và Biệt khu Thủ đô. Dùng các tiểu đoàn và liên đoàn biệt động quân làm nòng cốt. Trang bị lại cho 1 sư đoàn Hòa Hảo và một sư đoàn Cao Đài bằng tất cả vũ khí hiện có”.

Tướng Nguyễn Khắc Bình được lệnh thành lập tại mỗi tỉnh một lữ đoàn cảnh sát và cũng như vậy tại các quận đô thành. Ông Bình báo cáo là toàn quốc hiện có 130,000 cảnh sát sẵn sàng chiếu đấu. Tổng thống nói tiếp. Đoàn ngũ hóa là ưu tiên khẩn cấp. Quân huấn tổ chức chương trình huấn luyện căn bản quân sự một tuần. Ba bài học chính, nghe lệnh, đào hầm và cận chiến. Thực tập tác chiến trong thành phố. Sau đó cho ra trận, vừa đánh vừa học.Trang bị nhẹ cho nhân dân tự vệ trong giai đoạn đầu. Tổ tam tam chế. Hai súng một dao. Hay hai dao một súng. Một người ngã xuống, súng vào tay người còn lại. Đưa tất cả các sinh viên sỹ quan về nguyên quán chỉ huy nhân dân tự vệ. Phụ nữ độc thân hay không có con nhỏ cũng đoàn ngũ hoá. Mở thật rộng vòng đai bảo vệ thủ đô.

Bộ ngoại giao được lệnh loan báo cho các ngoại giao đoàn và công ty ngoại quốc tuyệt đối không được rời khỏi Việt Nam sau ngày 1/4/1975. Chỉ dành 15 ngày cuối trong tháng 3 để di tản người ngoại quốc. Sau đó hải cảng và phi cảng sẽ đóng lại. Chỉ có cửa đến mà không có lối đi.

Luật sư Bắc cho lệnh các tòa đại sứ vận động toàn thế giới tự do lên tiếng và yểm trợ cho Việt Nam. Vận động nhận lính tình nguyện, nhận viện trợ dầu xăng. Yêu cầu thế giới tự do áp lực Trung Cộng. Riêng ông bộ trưởng, tôi muốn ông công khai loan báo tìm đường để Việt Nam Cộng Hòa mật đàm với Anh, Pháp, Trung Cộng và Nga Sô. Thu xếp họp song phương. Nói chuyện riêng với từng nước.

Danh sách cộng sản nằm vùng tại Saigon đã có sẵn. Tổng giám đốc công an Saigon sẽ hành quân cảnh sát trong đêm 15/3/75 đem nhốt chung vào khu phái đoàn cộng sản trong Tân sơn nhất cùng với ủy hội quốc tế.

Tổng thống ra lệnh rõ ràng cho tướng Nguyễn Khắc Bình: Anh nói với tòa đại sứ Mỹ trong một tuẩn lễ phải đưa cộng sản, thân cộng và ủy hội quốc tế ra khỏi miền Nam. Muốn đem đi đâu thì đem. 

Tướng Bình dè dặt hỏi lại: Nếu Mỹ không làm được thì sao. Còn dư luận quốc tế.

Ông Thiệu đáp ngay: Cho công binh gài mìn chung quanh. Đúng một tuần không chở đi thì cho nổ luôn. Chắc chắn nó sẽ chở đi. Anh muốn không phải nổ mìn thì ngày mai anh cắt điện, cắt nước, không tiếp tế thực phẩm. Ba ngày là Mỹ phải đem C130 chở đi hết.

Còn quốc tế không cần lo. Mình chết quốc tế có quan tâm không. Mình đánh quyết tử còn cần gì dư luận quốc tế.

Quay lại phía các vị đại tá của phủ tổng thống Võ văn Cầm, Vũ Quang Chiêm, Trần Thanh Điền, Đỗ đức Tâm, tổng thống nói thêm. Từ nay tôi tuyệt đối không tiếp xúc, không liên lạc với Hoa Kỳ. Về ngoại giao tòa đại sứ gặp ngoại trưởng Vương văn Bắc, về tiếp vận quân sự gặp trung tướng Đồng Văn Khuyên. Các chính khách, các vị lãnh đạo tôn giáo nếu cần thì gặp thủ tướng Nguyễn Bá Cẩn.

Khi thấy tướng Khuyên đứng lên nhận chỉ thị, Tổng thống Thiệu nói tiếp, ông tiếp vận lấy hết sáng kiến để giúp cho đất nước tiếp tục đánh giặc bằng cùi chỏ. Bảo vệ tổng kho Long Bình, kho đạn thành Tuy Hạ, kho xăng Nhà bè. Ông làm sao tất cả xe phải chạy được, thiết giáp phải lăn bánh, tàu bay phải bay. Cho hoạt động công khai dự án công binh xưởng lâu nay vẫn dấu Mỹ. Ưu tiên đạn M16, lựu đạn, xẻng cuốc và dao đánh cận chiến. Tập trung tất cả thợ máy dân sự, thợ hàn, thợ tiện để chắp vá cho mọi thứ chạy việc. Ông có toàn thể khối chuyên viên dân sự đưa vào làm việc. Chỉ cần đào hầm chạy pháo, khi nó đến gần thì chui lên dùng dao bếp mà chiến đấu.

****

Sau đó trong 45 ngày liên tiếp từ 15 tháng 3 đến 30 tháng 4-75, cuộc chiến khốc liệt đã xẩy ra trên toàn thể miền Nam.

Với 3 sư đoàn cơ hữu, sư đoàn 1, 2 và sư đoàn 3 tướng Nguyễn khoa Nam chặn địch tại phòng tuyến sông Thạch Hãn, Quảng Trị. Tổn thất hết sức cao.

Sư đoàn thủy quân lục chiến đổ bộ vào cửa Việt đánh bọc hậu 2 sư đoàn cộng sản gây bất ngờ cho Hà Nội, nhưng bên ta bị tổn thất nặng nề. Chỉ một nửa quân số lính mũ xanh mở đường máu, trở về được bên này phòng tuyến. Hà Nội phải mở chiến dịch phòng vệ toàn bộ duyên hải miền Bắc và đồng thời hết sức lo lắng vì Trung Cộng đề nghị đem chí nguyện quân vào tiếp tay. Tàu vào được sẽ trở thành chủ động trong chiến tranh Việt Nam. Cho đến cuối tháng 4, hồng quân Trung Hoa vẫn còn trấn đóng 2 quân đoàn ở biên giới.

Trong suốt một tháng rưỡi làm tư lệnh quân đoàn 1, tướng Nguyễn Khoa Nam chưa bước chân vào Đà Nẳng. Ông ở lại với bộ tư lệnh tiền phương tại Huế và luôn luôn có mặt tại tuyến đầu Quảng Trị. Đà Nẵng và các thành phố xứ Quảng toàn thể quân dân được lệnh tử thủ, ở đâu sống chết tại chỗ.

Tại quân đoàn II mặt trận cao nguyên bị nhiều tổn thất. Kon Tum bị tràn ngập. Quảng Đức hoàn toàn thất thủ sau những trận đẫm máu.Tất cả các tiểu khu và các đơn vị đều hy sinh từ tỉnh trưởng đến các binh sĩ. Tướng Toàn nằm dưới căn hầm hết sức kiên cố trong suốt tháng tư đã làm cho Pleiku trở thành một An Lộc của năm 75. Chịu đựng có khi lên đến 5000 quả pháo một ngày, nhưng đến 30 tháng 4 vẫn còn liên lạc được với Saigon. Tướng Hoàng Cơ Minh tân tư lệnh ngày đêm hoạt động trên mặt trận duyên hải. Đón quân tại đây rồi lại đổ quân tại chỗ khác. Tưởng mất Quy Nhơn rồi lại lấy lại được. Nha Trang cũng cùng chung số phận. Lúc mất lúc còn.

Trên cao nguyên sau hai tuần lễ chưa dứt điểm Pleiku, cộng sản quyết định tiếp tục bao vây quân đoàn II nhưng đem đại quân đánh thẳng xuống duyên hải. Saigon đưa toàn bộ sư đoàn Dù mở mặt trận Khánh Dương chặn đứng địch quân. Toàn bộ không quân chiến thuật miền Nam tập trung tại Cam Ranh giúp cho nhẩy dù phá tan 2 sư đoàn của địch tại đây.

Tại miền Nam, Tướng Lê văn Hưng tân tư lệnh quân khu Hậu Giang tuyên bố dùng toàn dân quân giữ vững miền Tây. Ông sẽ chỉ giữ lại sư đoàn 21 trải dài từ Cần Thơ đến Cà Mâu. Tướng Hưng rất vui mừng có được sư đoàn Hòa Hảo và sư đoàn Biệt động quân tân lập. Nếu Hậu Giang ổn định, sẽ chuẩn bị để đưa sư đoàn 21 lên tăng cường cho miền Đông.

Lệnh xuất quân tại Mỹ Tho tiễn đưa sư đoàn 9 lên đường đánh giặc tại miền Đông. Để trắc nghiệm khả năng cho cuộc chiến mới, mỗi trung đoàn có một tiểu đoàn trang bị nhẹ hoàn toàn đi bộ. Phần còn lại đi bằng xe đò dân sự. Dân Sài Gòn đứng hai bên đường đón đoàn quân của tướng Hoàng văn Lạc.

Tại Tiền Giang tướng Trần văn Hai, tân tư lệnh quân khu đang cố gắng tấn công khu Mỏ Vẹt trên đất Miên đã bị chiếm đóng bởi Việt cộng từ nhiều năm. Với lực lượng sư đoàn 7 và sư đoàn biệt động quân tân lập, trận đánh vô cùng khốc liệt đã kéo dài 2 tuần lễ.

Tại mặt trận miền Đông lần đầu tiên tướng Nguyễn Văn Hiếu chỉ huy một lượt 6 sư đoàn bộ binh bao gồm sư đoàn 5, sư đoàn 18 và 25, tăng cường sư đoàn 9, Có thêm sư đoàn biệt động quân và sư đoàn Cao Đài. Với lực lượng của 2 quân đoàn, vị tư lệnh trẻ trung và mới mẻ của quân đội đã đẩy lui địch tại phòng tuyến Long Khánh. Tân tư lệnh sư đoàn 5, đại tá Hồ Ngọc Cẩn đã bao vây Lộc Ninh nhưng chưa dứt điểm. Quân số miền đông tổn thất hết sức cao. Từ 15 ngàn ngôi mộ chiếm 1/3 diện tích nghĩa trang quân đội Biên Hòa vào cuối th áng 4-75, con số tử sĩ tại đây đã lên đến trên 30,000 người. Đó là chưa kể đến tử sĩ tại miền Trung và cao nguyên mai táng tại chỗ.

Phía cộng sản chết trên 3 mặt trận lên đến trên 100,000 chiến binh. Vì bị chặn đứng từ xa nên pháo binh cộng sản không tiến được về gần thủ đô như đã chuẩn bị. Tuy nhiên suốt 45 ngày sau cùng, Saigon đã đào xong hơn 100 ngàn hầm trú ẩn và đã nhận hơn 10,000 trái hỏa tiễn. Mặc dù cộng quân không thực hiện được toàn bộ trận địa pháo như đã dự trù, nhưng hơn 10,000 dân thủ đô đã tử nạn và hàng chục ngàn người bị thương. Giữa tháng tư Cộng quân cũng cố gắng đưa vào thủ đô 2 trung đoàn đặc công phân tán trong vùng Chợ Lớn và tây bắc Sài Gòn. Các đơn vị cảnh sát và nhân dân tự vệ lần lượt thanh toán chiến trường mà không cần nhờ đến bộ binh và phi pháo. Vì được lệnh không di tản, hai triệu dân Sài Gòn chiến đấu ngay tại nhà nên phần lớn lính cộng sản lạc đường đều bị bà con thanh toán hay bắt sống.

Đoàn quân báo chí toàn thế giới tràn ngập Saigon kể từ khi cầu không phận Hoa Kỳ thành lập vào ngày 20 tháng 3-75 để đưa phái đoàn cộng sản, thân cộng, uỷ hội quốc tế sang Thái Lan. Mặc dù có lệnh chỉ dành ra một thời gian để di tản nhưng không hề có tòa lãnh sự nào, không hề có một công ty hay tổ chức ngoại quốc nào tìm cách chạy khỏi Saigon. Trong 45 ngày miền Nam chống Bắc quân, đã có hơn 5,000 cựu chiến binh khắp thế giới tình nguyện đến Việt Nam chiến đấu. Đa số là cựu cố vấn Hoa Kỳ. Đài Loan và Nam Hàn cuối tháng tư mới xin gửi đến mỗi nơi một tiểu đoàn danh dự tham chiến. Cũng như đa số tòa đại sứ tây phương, đại sứ Mỹ quyết định ở lại mặc dù bộ trưởng ngoại giao Kissinger ra lệnh di tản. Đã có nhiều cuộc biểu tình chống Mỹ tại Sài Gòn nhưng chính phủ sớm dập tắt. Đệ thất hạm đội Hoa Kỳ được lệnh trở lại biển Đông. Báo chí loan tin tức về các cuộc mật đàm song phương giữa VNCH và Nga sô, giữa VNCH và Trung Cộng. Lại thêm các lần gặp gỡ với Anh và Pháp đã làm cho Việt Cộng vô cùng bối rối. Dư luận thế giới vốn mang nặng ảnh hưởng của phe phản chiến dần dần nhìn ra cuộc chiến chống xâm lược cộng sản của miền Nam trong hoàn cảnh tuyệt vọng.

Gió đã có vẻ đổi chiều.

Đại sứ Mỹ cho biết hội đồng an ninh quốc gia Hoa Kỳ đang họp để duyệt lại vấn đề Việt Nam. Sau những hy sinh lớn lao của Hoa Kỳ suốt 10 năm, cuối cùng quyết định bỏ rơi nhưng miền Nam đứng vững được trong tuyệt vọng. Tình thế sẽ trở thành thảm kịch cho danh dự Mỹ quốc.

Ngày 30 tháng 4-1975 tại Hà Nội, sau khi trung ương đảng họp hai ngày tổng kết tình hình, tổng bí thư Lê Duẩn tuyên bố: Chiến dịch Hồ chí Minh tạm thời chấm dứt giai đoạn I với thành quả giai đoạn đầu.Sẽ chuyển qua giai đoạn II trong một tương lai rất gần. Hà Nội sẽ thống nhất đất nước vào năm 1976.

Sau đó các lực lượng cộng sản lặng lẽ rút lui khỏi mặt trận cũng bất ngờ như khi khởi sự tấn công.

Trong bữa tiệc khao quân tại dinh Độc Lập ngày 30 tháng 4-75 ông Thiệu khoe rằng Việt Nam Cộng Hòa đã đánh giặc bằng cùi chỏ, nhưng chỉ mới dùng một bên cùi chỏ. Báo chí Hoa Kỳ yêu cầu được phỏng vấn, tổng thống và các tư lệnh vùng đều từ chối và nói rằng: “Rất tiếc, chúng tôi không nói được tiếng Anh”.

Việt Nam Cộng Hòa không có ngày quốc hận.

Giao Chỉ, San Jose. (tháng tư 2012.)

© Đàn Chim Việt

 

141 Phản hồi cho “Kịch bản 75: Xin cùng nhau viết lại lịch sử”

  1. Pham Minh says:

    Viết lại lịch sử bằng kịch bản?
    Giả sử quay được thời gian và không gian ngược lại thời điểm đó thì cựu TT NVT và ông Giao Chỉ (cố vấn) có áp dụng được kịch bản này với kết quả như ông GC tưởng tượng không?
    Chuyện giả tưởng chỉ để cho người đời mua vui.
    Sao không dùng thời giờ, kinh nghiệm để TƯỚI CÂY SỐNG mà lại đi TRỒNG CÂY CHẾT?

    • Như Ba says:

      Mỗi lần lên trang mạng đọc nếu không thấy những tin negative về VN, thì là những cãi nhau về CĐ, nhưng những tin này cũng làm ta oải không kém : Dùng TT để nhân cơ hội nói về minh cho đỡ nhớ cái dĩ vãng chó nhẩy bàn độc của mình, đọc vào toàn thấy sao với mai chiếu lấp lánh, thay vì viết sự thật để hậu thế biết mà tránh rơi vào vết xe đổ, các anh chẳng có anh nào xứng đáng để viết cả vì thiếu chiều sâu tư duy, và kiến thức cận sử ( sự thật lịch sử, chí ít là từ thời GL lên ngôi từ 1803 ), nên chăng khi viết chỉ biết sụt sùi thương tiếc sao với mai, chính vì thiếu những tiêu chuẩn này nên những bài viết chỉ thấy những tiếc nuối, than khóc. Moshe Dyan tt quốc phòng Do Thái, người đã đánh tan hùng binh của 7 quốc gia Ả Rập, lúc về hưu aó bỏ ngoài quần, cắp sách đi học, nhưng không phải học luật để mong tiếp tục đè đầu cỡi cổ dân đâu, mà là học về cổ sử, khảo cổ, đúng là một trí thức và một anh hùng thật sự, ông học những thứ này để hiểu thêm về l/s nước nhà, thầm chứng minh cho dư luận biết vùng thượng và hạ Israel bây giờ là thuộc về tổ quốc Do Thaí trước kia và cũng để làm gương đấu tranh cho hậu thế.
      Người tị nạn, gặp nhau là toàn ngồi để kể cho nhau về dỉ vãng oai phong của nhau những câu đầu tiên là ở đơn vị nao? Cấp bậc gì? rồi nào là đệ nhất bảo bình, đệ tam hổ cáp, tổ quốc không gian, thiên thần mũ đỏ, bình long oai hùng. Có ai còn cúi mặt vì những câu như : Only Ford like them, rác rưởi thái bình dương, bọn đĩ điếm, bọn ăn cắp viện trợ, lười biếng hèn nhát không chịu chiến đấu !!!
      Tôi, một người lính vô danh cúi đầu nhục nhã 10 năm
      Các sao, mai lấp lánh có biết nhục ngày nào không???

      • Builan says:

        Như Ba says
        “….Tôi, một người lính vô danh cúi đầu nhục nhã 10 năm
        Các sao, mai lấp lánh có biết nhục ngày nào không??? ”

        * Như Ba cứ tiếp tục sống với caí HAÒ KHÍ của mình đi !
        Tôi cũng âm thầm sống theo những gì mình cho là đúng !

        ** Ông bạn có nuôi tham vọng thay đổi lối suy nghĩ và cach sống cuả họ không ?
        Nếu không ,thì hơi đâu xiã xói, sân si .. cho mệt ?
        *** Có viết được như người ta không ?
        _Tôi thì xin chiụ ! Gắng đọc hiểu theo chính caí đầu cuả mình , như là mua vui và tập động naõ ! khoẻ re !!

      • Kẻ bất tài says:

        Càng vỗ ngực xưng danh , càng cố bào chửa , càng chứng tỏ …càng chạy trốn ,tưởng rằng sẽ xoá nhoà đi cái thất bại đớn đau 75 , vô tình chỉ làm tăng thêm cái tủi nhục cho thân phận của người thua cuộc.

        Một câu hỏi vô tình nếu ai đó đặt ra ; Với một tinh thần chiến đấu như thế , tại sao lại thất bại ? Tại sao không ở lại Quê Hương để tiếp tục chiến đấu , để bảo vệ cho lý tưởng mình đang ôm ấp ?

        Thế là ngọng ! Thế là bởi vì …! Tại vì …! Mà quên mất cái bản thân chẳng giống ai của mình , một người trong cuộc , vì bản thân , vì gia đình cũng thất Hứa , lỗi thệ và hèn kém như ai .

        Thua thắng trong chiến tranh là việc thường trong lịch sử . Giờ đây làm những chuyện để vớt vác mặt mủi cũng chẳng ích gì , cũng chỉ là trò cười cho bọn trẻ .

        Sức mạnh của Cộng đồng là ở cờ xí , áo quần quân phục , là hội chợ , là biểu tình , là vận động bầu cử cho người Việt ….vv … .? Theo tôi thì không , và hoàn toàn không đúng .

        Cộng đồng người Việt chưa có đủ sức mạnh tại mảnh đất tị nạn , chúng ta vỗ ngực xưng danh chỉ làm khó chịu cho người dân bản địa . Sức mạnh của Cộng đồng nằm trong tương lai con cháu của chúng ta , muốn thấy được điều nầy còn phải đợi chờ rất lâu …!!!

        Nên nói những lời nói thật lòng , nên làm những gì mình có thể làm được . Nếu không chúng ta chỉ là những kẻ sống trong hoang tưởng ở quá khứ lẫn tương lai .

      • Tien Ngu says:

        Tủi nhục của người thua trận?

        Mắc cười quá…

        Chỉ có cò mồi VC mới rống lên thế thôi. Xưa nay đánh trận thằng thua là chuyện thường tình. VN cũng đã…mất nước vài chục lần rồi, có sao đâu?

        Nhất là…hết đạn, phải thua là cái chắc. Việt Cộng không có khối Cộng tiếp viện, thì tài nghề gì đó? Chúng cũng chạy tét ghèn tết Mậu Thân, mùa hè đỏ lửa 72, chết như rạ…

        VNCH còn đạn, giặc Cộng làm gì nhào vô được?

        Nhờ hên, nhãy bàn độc, tưỡng không ai biết, khoe láo om sòm. Nghe bịnh quá.

        Đứa nào ngon, làm cho dân giàu nước mạnh, Trung Cộng không dám…tát vô mặt, Mỹ dụ như dụ con nít ( thấy Bush dẫn Khãi ra coi cờ vàng, cười hềnh hệch chưa?).

        Xin lỗi anh cò nghe, mấy đứa thua không gửi tiền về tiếp viện cho dân đói những năm bao cấp, dân đói quá nó…vùng lên, thì…cha cũng chết. Ở đó mà khoe láo…

      • kẻ nói dối says:

        KBT nói đúng đó ,tuy có mất lòng một ai đó nhưng thật tình là thế ,ai củng có quyền được nói ,nhưng muốn người nghe chấp nhận phải chứng tỏ được lời mình nói ra đúng ,đừng quá mộng mơ hoang tưởng kẻo làm hại người dân chân thật .

      • Cù Lần lửa says:

        Cu bé con NGU thì vẫn là ngu! muôn muôn đời…

        Ai biểu chú mi rằng QLVNCH thua trận là vì
        ” thiếu đạn dược ?”– Cho mi ê a nói lại !

        Thế, kẻ nào ra lệnh chòng chéo rút bỏ Cao nguyên
        và giới tuyến trong kinh hoàng? — Ông vua phe mi
        đó! — Kẻ nào cho rút bỏ Xuân lộc, rồi từ chức ?

        Và kẻ nào ra lệnh cho toàn quân VN buông súng?

  2. Thích Nói Thật says:

    Ông Giao Chỉ (Vũ Văn Lộc?) chiêm bao giữa ban ngày sau 37 năm ngủ mê?

  3. Nguyễn Tấn Trung says:

    Tôi thấy kịch bản nầy rất hay, đánh với Cộng sản phải đánh vậy mới thắng, nhưng phải đánh như thế ngay từ đầu trể lắm là vào năm 1968, nhưng đánh như vậy vào năm 1975 thì miền Nam vẫn sụp đổ mà máu và xác người nằm xuống quá nhiều quá khiếp không thể chấp nhận được, Cái thế năm 75 là cái thế thua ai có tài dùng binh và can đảm như Quan Trung cũng thảm bại, người sáng suốt chỉ làm chậm bước tiến của địch để tiêu huỷ tài liệu mật và di tản bộ chỉ huy vào bí mật hay ra nước nggoài chờ thời . Việc TT Thiêu và Tướng Kỳ phải ra đi là chuyện tất nhiên không thể trách bởi ở lại thì không có hậu phương, không có tiếp liệu và không có lính … thì lấy sức đâu mà đánh ? không lẽ để địch giết hay bắt sống sao ? Ai trách TT Thiệu hay Tướng Kỳ là người thiếu khách quan, thiếu hiểu biết .

  4. Builan says:

    ” Thừa giấy làm chi chẳng vẽ voi “,
    , dù chỉ là hoang-tưởng, tôi không tin một đầu óc nào đó – nếu không phải ít nhất tốn một thời-gian tối-thiểu ở quân-trường, rồi sau những kinh-nghiệm chiến-trường, phải đi lên với kiến-thức cao hơn về Chỉ-Huy và Tham-Mưu, về Quốc-Phòng, v.v…- có thể nặn óc ra để hình-thành một bài chủ như vậy…..” (CĐ16)
    Trong túi tham , tôi muốn được BOLD nguyên văn,hết COM cuả quan CĐ16 nhưng sợ phiền lòng !!! – Nghiã là tôi hoàn toàn TÂM ĐẮC!

    *Thưa anh Tien Phạm !
    Điều “TÔI NGHE NOÍ..” cuả anh có phàn không đúng ! Tôi noí “có phần” ! 13/ 3/ 75 là đúng ! Còn chuyện “rút về HUẾ ” thì không !!!

    Với tam nhân Hồ Thất Phu, minh Ý, Lê Anh Dũng
    Tôi đồng tinh buồn buồn, vui vui…. với quý vị ! Thêm một chút cảm nhận têu tếu về cái chuyện “viễn tưởng” rất gần với CHUYỆN PHONG THẦN – ( theo Lê Anh Dũng) ! Giá như anh không chê “Nhảm nhí ” thì hay biết mấy !
    Lạc quan “TIN thì sẽ được”_ Moị chuyện đều có thể xaỷ ra ! Tại sao không ??
    Dù là phong thần, viễn tưởng hay hoang tưởng… cũng rất nên cảm ơn tác giả GIAO CHỈ – Toàn tài !
    Phần sau cuả bài viết là giả tưởng,……… ! Còn phần trước rất có giá trị lịch sử ! cần trân trọng !

    **Với tôi ? Điểm mốc thời gian “liịch sử” 13 tháng 3 năm 1975 là vết hằn nghiệt ngã chẳng thể nào quên !!!
    Là môt đon vị lớn trực thuộc Quân Đoàn I , nhưng laị là một cấp nhỏ – PĐ ,’”TĂNG PHÀI” cho SĐ TQLC !!! Từ bên ni bờ sông THẠCH HẢN, tôi trực tiếp nhận lệnh và “TỰ DO” thi hành lệnh kể từ thơì điễm nầy 13/3/75 !!-
    Những ngày sau đó thì sao ???

    _ THÚ VỊ BIẾT CHỪNG NAÒ / !!!!
    “..Với 3 sư đoàn cơ hữu, sư đoàn 1, 2 và sư đoàn 3 tướng Nguyễn khoa Nam chặn địch tại phòng tuyến sông Thạch Hãn, Quảng Trị. Tổn thất hết sức cao.

    Sư đoàn thủy quân lục chiến đổ bộ vào cửa Việt đánh bọc hậu 2 sư đoàn cộng sản gây bất ngờ cho Hà Nội, nhưng bên ta bị tổn thất nặng nề. Chỉ một nửa quân số lính mũ xanh mở đường máu, trở về được bên này phòng tuyến. Hà Nội phải mở chiến dịch phòng vệ toàn bộ duyên hải miền Bắc và đồng thời hết sức lo lắng vì Trung Cộng đề nghị đem chí nguyện quân vào tiếp tay. Tàu vào được sẽ trở thành chủ động trong chiến tranh Việt Nam. Cho đến cuối tháng 4, hồng quân Trung Hoa vẫn còn trấn đóng 2 quân đoàn ở biên giới…..

    Cảm ơn ngaì GIAO CHỈ với bộ óc tưởng tượng vô cùng phong phú ! Hehehehe

  5. NON NGÀN says:

    THỰC CHẤT NGƯỜI VN ĐÃ CHƯA BAO GIỜ THÀNH THẬT VỚI NHAU

    Ít ra điều này cũng phần nào xác đáng trong thời kỳ lịch sử cận đại. Có nghĩa ở VN trước kia có thể nói người VN bị chia ra làm ba nhóm tiêu biểu về mặt chính trị. Nhóm những người say mê chủ thuyết và mục đích của xã hội cộng sản. Nhóm những người bằng mọi cách muốn chống lại khuynh hướng cộng sản này. Hai nhóm này thực tế có thể chỉ là những thành phần nào đó, chưa hẳn đã là đa số. Nhóm thứ ba là nhóm còn lại, là mọi người không xu hướng hay đa số bình dân nói chung. Nhóm này tuy đông đảo nhưng lại chịu sự chi phối, tác động, bó buộc, lôi kéo, điều khiển bởi chính hai nhóm kia. Ngoài ra cuộc diện còn chịu sự can thiệp, chi phối của hai lực lượng quốc tế kình chống nhau khi đó là phe thế giới không cộng sản và phe thế giới cộng sản, chủ yếu là phe Mỹ và phe Liên Xô, Trung Quốc. Chiến tranh sở dĩ kéo dài trong gần ba mười năm chủ yếu chính là như thế. Đó chính là thế chân vạc của cả ba lực lượng xã hội trong thực tế. Tuy vậy có điều quái quỉ là những người bên khuynh hướng cộng sản không bao giờ tự nhận là cộng sản từ trước ra sau mà chỉ kêu gọi lòng yêu nước và ý nghĩa chống Mỹ cứu nước. Ngược lại người không cộng sản hay chống cộng sản cũng không hề nêu được ý nghĩa dân tộc trước toàn dân mà hầu như chỉ thụ động phần lớn chỉ biết dựa vào Mỹ là chính. Cuối cùng ý nghĩa thất bại của miền Nam không cộng sản trước ý chí của miền Bắc cộng sản vào cuối tháng tư năm bảy lăm cũng chính là như thế. Song thời điểm năm bày lăm chính là thời điểm của tấn tuồng được giải quyết trên sân khấu chính trị khi màn đã hạ. Có nghĩa sau khi thống nhất, cả miền Bắc và miền Nam khi ấy đều cùng hè nhau làm kinh tế xã hội bao cấp, kiểu hợp tác xã hóa, kiểu nhà nước hóa, kiểu kinh tế tập thể, và thành lọc giai cấp, giống như phương sách của Liên Xô và Trung Quốc lúc đó, có nghĩa là mục đích cộng sản đã hiện hình mà không phải chỉ là chống Mỹ, cứu nước một cách khơi khơi và mơ hồ, như trước kia người ta thường công khai nói đến. Đấy cái không thành thật, hay cái giả dối lẫn nhau của người VN chính là như thế. Nói một đường nhưng làm một nẽo, cả phía cộng sản, cũng như cả phía không cộng sản, hay chống cộng sản. Điều đó cũng có nghĩa, nếu người ta đã đưa ra chủ trương cộng sản ngay từ đầu, thì không thể chiến thắng. Nhưng dù có đưa ra mục đích cộng sản mãi về sau, cuối cùng cũng đã phải thay đổi. Nền kinh tế thị trường và hội nhập sau thời kỳ đổi mới, chứng tỏ đã có sự xét lại nào đó, chứng tỏ đã có sự thú nhận thất bại nào đó, nhưng vẫn không bao giờ thú nhận hoàn toàn công khai và tuyệt đối. Chính các điều cơ bản trong Hiến pháp và cả chương trình giáo dục ý thức hệ mác xít, tư tưởng cộng sản cho toàn nền giáo dục quốc gia, cũng cho thấy điều đó. Cho nên, ngày nay tuy kinh tế thị trường, kinh tế hội nhập, nhưng những tập đoàn kinh tế nhà nước tuy thất bại, vẫn luôn được hỗ trợ và nhiệt tình đầu tư tài chánh vào, điều đó cũng nói lên cái mộng tưởng ý thức hệ vẫn chưa khi nào được hoàn toàn buông bỏ. Ngược lại, những người chạy ra nước ngoài, lại cũng chỉ chủ yếu quay trở về làm kinh tế sao cho có lợi, hoặc cũng như vẫn còn một số khác luôn theo lối mòn chống cộng một cách hoàn toàn cảm tính, cá nhân, mà không hẳn là cốt vì chân lý khách quan, hay yêu cầu đời sống xã hội cần thiết về mọi mặt một cách thật sự.
    Có nghĩa, tình trạng ba thành phần trước kia khi chiến tranh chia cắt, ngày nay vẫn còn lặp lại trong hòa bình và trong thực tại kinh tế xã hội luôn đang khủng hoảng. Điều đó cũng có nghĩa mọi người VN vẫn đều vẫn chưa muốn thú nhận ra tất cả những điều gì mà mình đã cảm nhận được. Tự dối lòng mình, dối người khác, không thành thật, thẳng thắn với nhau, hay tình trạng nói hươu nói vượn như một điều phi thực chất và phi thực tế, như vẫn hoàn toàn cứ luôn còn nằm đó một cách lì lươm nhất. Khoa học, có nghĩa là sự thành thật, sự khách quan để nhằm giải quyết chung một cách hiệu quả về mọi vấn đề đặt ra trong thực tế. Cả trong khoa học lý thuyết lẫn thực tiển đời sống, đều buộc phải luôn luôn như vậy. Thế nhưng, cho đến nay mọi người VN vẫn chưa thành thật với mình, chưa thành thật với người khác giống như mình, thì chắc hẳn tình trạng xã hội vẫn còn chưa có lối ra trong thực tế về nhiều mặt, đích thật cũng chính là lý do như thế.

    NGÀN KHƠI
    (04/6/12)

    • ke ven sông says:

      Muôn đời vẩn không thành thật ,đó là chính trị ,rồi vẩn đấu đá ,rồi hổn loạn ,rồi bình yên ,rồi củng dối trá tiếp diển,lại lục đục chống đối cứ thế mà tiếp diển triền miên cho đến ngày tận thế,thế thôi ,Ai muốn là anh hùng giửa hai phe phái kình chống nhau ,thì cứ vấn thân ,còn nhân dân ,xin đừng coi là loài vật muốn làm gì củng được .

  6. Lê Anh Dũng says:

    Chuyện Phong Thần!!!

    Thừa giấy làm chi chẳng vẽ voi.

    Nhảm nhí.

  7. minh Ý says:

    Đọc kịch bãn 75..Cùng nhau viết lại lịch sữ mà mình nghe dòng máu nóng mạnh mẽ..chãy ngược trong người! Nếu mà được cùng ..làm lại như trong hoàn cãnh oai hùng nầy..!dẫu nghìn lần..tan xương nát thịt..!hy sinh tấc cã những gì mình có trên đời nầy ..và có chết cả ngàn lần mình cũng mản nguyện!

    • Nguyễn Dân says:

      Bài viết của bác Lộc đọc ứa nước mắt.

      Cảm ơn Minh Ý đã nói lên những điều tôi cùng suy nghĩ.

      Đúng vậy. Dù có tan xương nát thịt, dù phải hy sinh tất cả những gì tôi có, tôi vẫn chết đi vô cùng mãn nguyện.

  8. Một giấc mơ quá đẹp làm nức lòng những cựu quân nhân QLVNCH đang nằm trêm thớt của độc tài toàn trị, tham lam độc ác, chế độ công an trị, gian manh mị dân xảo trá lừa bịp.

  9. Tien Pham says:

    Tôi có thắc mắc”

    “Sáng sớm ngày 14/3/75…”
    “Không cắt đất, không bỏ dân, không rút quân, không tái phối trí”

    Tôi nghe nói rằng tướng PVP rút quân (vào ngày 13/3/75, trước ngày 14/3/75 1 ngày), bỏ cao nguyên, rút về Huế. Tới Huế, ông ở lại quyết định tử thủ. Ông cho rằng TT NVT đã ra lệnh cho ông rút quân, rồi sau đó nói khác đi, khiến ông uất ức, rồi sau đó ông tự vận.

    Xin xem thêm:

    http://nguyentin.tripod.com/pvphu-u.htm

    Vậy, chuyện từ “kô rút quân” cho tới rút quân là như thế nào? Tôi chỉ muốn tìm hiểu về 1 thời đã qua.

  10. CĐ16 says:

    K/g Niên-Trưởng VVL, K.10 ĐL,
    ” Thừa giấy làm chi chẳng vẽ voi “, dù chỉ là hoang-tưởng, tôi không tin một đầu óc nào đó – nếu không phải ít nhất tốn một thời-gian tối-thiểu ở quân-trường, rồi sau những kinh-nghiệm chiến-trường, phải đi lên với kiến-thức cao hơn về Chỉ-Huy và Tham-Mưu, về Quốc-Phòng, v.v…- có thể nặn óc ra để hình-thành một bài chủ như vậy. Tuy giả-tưởng, tuy đùa nhưng nếu bấy giờ, TT Thiệu đừng vội-vã quyết-định – hầu như độc-đoán, tùy-tiện – áp-dụng ‘ kế-hoạch giả-tưởng ‘ này, tôi nghĩ rằng nó sẽ cho một hệ-quả khá hơn là những diễn-biến thực-tế đưa đến 30/04/75. Tuy giả-tưởng, nhưng tôi tin rằng Giao-Chỉ cũng đóng-góp nhiều công-phu trong bài viết. Mong có nhiều phản-hồi đóng-góp, không chỉ tìm vui ‘ vài trống canh ‘, nhưng biết đâu lịch-sử không lập lại, thì với những người trẻ, tâm-hồn trẻ, đầy nhiệt-huyết yêu nước có thể tìm thấy bài học 30/04/1975, giúp thêm kinh-nghiệm – giả thử trong cuộc chiến như chống ngoại-xâm, TQ chẳng hạn – Cám ơn Giao-Chỉ.

    • Cù lần lửa says:

      Cái lấp lửng của ông VVL là đang tâm bỏ xa
      tên trường mẹ là Thủ Đức,

      để nhận vơ mình thuộc khóa 10 Đà Lạt.

      Thủ Đức lừng danh, có gì là kém Đà Lạt, mà
      ông VVL cọ quậy luôn nhận vơ mình là ĐL?

      Trước đây, VVL ta khoe như thật, nằm bên
      chiến hào, súng nổ dậy trời…Thật ra, trong
      cuộc thanh tra ngành Tiếp Vận, cậu ký ta
      cùng phái đoàn bị kẹt lại tại một căn cứ biên
      phòng, bới trực thăng bất ngờ đi công tác
      quan trọng khác.

      Đêm đó, địch pháo kích lai rai, gợi cho cậu
      ký văn phòng ta…bèn phịa ra một trận chiến
      long trời, mà cậu ta tham dự. Bời tự ti mặc
      cảm là lính văn phòng cả đời trai, lại đào ngũ
      chãy te quá sớm, nên chàng VVL ta …nổ dữ!

Leave a Reply to minh Ý