WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Phong trào “Con đường Việt Nam”: ngây thơ hay cạm bẫy?

Các ông Lê Công Định, Lê Thăng Long, Nguyễn Tiến Trung, Trần Huỳnh Duy Thức trước toà năm 2010 - Ảnh: OnTheNet

 

Tôi thường hay nói trong các bài viết và trao đổi với bạn bè rằng, Việt Nam khó có thể thay đổi hệ thống chính trị khi chưa có một phong trào dân chủ xã hội rộng lớn.

 Tôi nhấn mạnh: Phong trào xã hội chứ không phải tổ chức, đảng phái chính trị.

Phong trào có thể được khởi xướng hoặc đứng sau nó như bộ tham mưu, bởi những người trí thức tên tuổi, có uy tín và tiếng nói thuyết phục trong xã hội.

Về kinh nghiệm tổ chức người Việt có thể học hỏi từ các phong trào “Công đoàn Đoàn Kết” của Ba Lan, “Hiến chương 77″ của Tiệp Khắc cũ, “Otpor” ở Nam Tư cũ, hay “6 tháng Tư” ở Ai Cập, v.v…

 Cơ hội bị bỏ lỡ

Chỉ một phong trào xã hội thì mới mong nhận được sự tham gia của đông đảo mọi tầng lớp dân chúng tranh đấu với nhà chức trách vì lợi ích rộng lớn, đòi thay đổi, chứ không nhất thiết, hoặc không cần thiết nhắm vào mục đích lật đổ chế độ.

Đó là, đòi thực thi các quyền dân sự, nhân quyền, chống tệ nạn tham nhũng làm kiệt quệ tiềm lực của đất nước, đòi bình đẳng và công lý trong ngành tư pháp, đòi quyền tư hữu đất đai để đảm bào lợi ích cho nông dân của một nước nông nghiệp, đòi có công đoàn độc lập bảo vệ quyền lợi của công nhân bị tư bản nước ngoài bóc lột thậm tệ với sự hỗ trợ của các nhà chức trách địa phương, v.v…

Đã có những thời điểm manh nha, trong đó loé lên hy vọng rằng sẽ quy tụ được sự ủng hộ đa dạng của người Việt trong và ngoài nước, từ đó có thể hình thành một phong trào xã hội tin cậy.

“Phong trào 8406″, tức “Tuyên ngôn Dân chủ 8406″ vào năm 2006, hay phong trào biểu tình vào mùa hè 2011 chống Trung Quốc gây hấn, xâm chiếm biển đảo, xua đuổi, bắt giữ ngư dân Việt Nam trên vùng biển Hoàng Sa, là những cơ hội bị bỏ lỡ đáng tiếc.

Về “Phong trào 8406″, bài viết “Chia nhau chiếc bánh Nhà Dân Chủ Lớn” của tôi vào thời điểm đó trên tờ “Đàn Chim Việt” và tấm hình trong bài minh họa nhà dân chủ rởm qua tấm thẻ với bộ mặt khỉ, đã làm bùng nổ tranh cãi. Tôi cho rằng tự những người khởi xướng “Phong trào 8406″ đã khai tử nó ngay sau khi ra đời. Trong bài có đoạn:

 ”Tại sao không là “Tuyên ngôn Dân Chủ” của 118 công dân Việt Nam mà phải là của “các nhà dân chủ” trong nước? Lại có người còn tóm luôn nhãn hiệu “Tuyên ngôn Dân chủ” này đặt tên cho tổ chức, cho trang web của mình. Một sự lập lờ láu cá, đánh lẫn trắng đen, gây ngộ nhận một cách cố ý.

 Rồi có kẻ xưng hô đại diện này, đại diện kia mà không biết là đại diện cho ai và ai bầu mình làm cái vai trò đại diện ấy? Lấy cái quyền ai cho để tò tí te với nhau như vậy, hay là chỉ vài người thoả thuận chỉ định nhau?

 Những lối bao biện vòng vo làm người ta không thể không nghĩ đến những kẻ cơ hội đang lợi dụng sự lắt léo này và để lại sau nó là một dấu hỏi lớn. Điều này thể hiện sự yếu kém nhất về trình độ tổ chức, năng lực của những người (tự cho mình) đứng đầu phong trào dân chủ trong nước hiện nay. Tuổi tác cao, quá trình lâu dài, lòng dũng cảm có thể là biểu tượng, khuôn mẫu tinh thần cần thiết, nhưng chưa phải là yếu tố đủ mang đến thắng lợi nếu thiếu tài năng tổ chức và sự cả quyết trong lãnh đạo”.

Gần đây, nhắc lại vấn đề trên, cũng trên “Đàn Chim Việt”, nhân bài viết của một tác giả nói về “Phong trào 8406″, tôi lại bị phản đối. Người ta nói rằng “Phong trào 8406″ hoạt động bình thường, có đại diện ở cả trong và ngoài nước. Nhưng tôi vẫn bảo lưu nhận định của mình. Theo tôi, “Phong trào 8406″ hôm nay chỉ còn là hình thức, với một số người nào đó. Từ lâu nó đã thiếu vắng ảnh hưởng và không còn sự cuốn hút dư luận nữa.

Còn phong trào biểu tình chống Trung Quốc?

Phong trào này có sức mạnh và sôi động hơn, vì nó hình thành tự phát với sự tham gia nỗ lực của rộng lớn dân chúng, đặc biết là giới trẻ, với sự đi đầu của nhân sĩ, trí thức có tên tuổi trong nuớc, được xã hội kính trọng. Nó cũng hợp với lòng dân vì bản chất là thể hiện lòng yêu nước, tinh thần chống ngoại xâm bảo vệ tổ quốc trước hiểm họa bành trướng lãnh thổ của Bắc Kinh.

Nhà cầm quyền Việt Nam đã ý thức rất rõ nguy cơ phát triển của phong trào này. Thoạt đầu họ lúng túng, tuyên bố tiền hậu bất nhất, nhưng tới ngày 21/8/2011 thì thẳng tay đè bẹp phong trào.

Bằng nhiều hình thúc, sử dụng cả lực lượng dân phòng, xã hội đen, nhà cầm quyền Việt Nam đã đàn áp thô bạo, bắt giữ, giam cầm, đưa đi trại cải tạo, theo dõi từng bước đi của những đã người tham gia biểu tình, phong toả đời sống của họ và cả những người có liên hệ.

Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) một mặt muốn trấn an, làm đẹp lòng Bắc Kinh, mặt khác lo sợ sự kiện này bị tận dụng, có khả năng trở thành một phong trào xã hội đối kháng. Đây là mấu chốt của toàn bộ các vấn đề. Một bài bình luận trên báo Quân đội Nhân dân cũng chẳng giấu giếm, gọi nó là sự “diễn biến hoà bình” lợi dụng dân chủ và lòng yêu nước.

Nhà cầm quyền CSVN đã thành công một phần, nhưng gậy ông đập lưng ông. Sự trấn áp bất nhân và rất phí lý đã làm lộ rõ hoàn toàn thái độ nhu nhược, lệ thuộc Trung Nam Hải của tập đoàn lãnh đạo ĐCSVN. Và cũng từ điều này nhà cầm quyền – một cách tự nhiên – biến rất nhiều người dân lương thiện, đơn giản xuống đường chỉ thuần tuý vì lòng yêu nước, trở thành những người thù địch hoặc căm ghét chế độ.

Phong trào “Con đường Việt Nam”?

Ngày 8/6/2012, tôi nhận được email từ một địa chỉ, (được xem là) của Lê Thăng Long, gửi cho tôi và trong thư cho thấy 19 tên người khác, hầu hết sống trong nước mà tôi đều biết. Xét rằng sẽ không có gì không thích ứng, hay được hiểu là thiếu thiện chí khi tôi bạch hoá một phần các email.

Thư đầu tiên có đoạn:

 ”Tôi viết thư này thay mặt cho những người khởi xướng phong trào “Con đường Việt Nam” mời tất cả quý vị trở thành người sáng lập của phong trào này để giúp nó lớn mạnh nhằm góp phần vì một Việt Nam dân chủ và thịnh vượng.

 Anh Trần Huỳnh Duy Thức, anh Lê Công Định và tôi chỉ là những người khởi xướng ý tưởng. Chúng tôi rất hiểu rằng để hình thành và làm lớn mạnh được một phong trào của nhân dân mang tính lịch sử như vậy thì nó phải được sáng lập và lãnh đạo bởi những bậc trí thức ưu tú sẵn sàng dấn thân vì đất nước. Đó là lý do mà chúng tôi gửi lời mời này đến quý vị với một niềm tin to lớn”.

Và sau đó, đề nghị ở một thư khác riêng cho tôi:

“Tiếp theo thư mời tham gia sáng lập Phong trào “Con đường Việt Nam”, bức thư này mời ông đảm nhận trách nhiệm quyền Phó ban quản trị của Phong trào để giúp nó mau chóng lớn mạnh”.

Tất nhiên, sau một ngày suy nghĩ, tôi đã lịch sự từ chối và viết thêm:

 ”Tuy nhiên tôi sẽ bên cạnh các anh và hỗ trợ các anh trong khả năng có thể của mình trên mặt trận báo chí, truyền thông khi thấy phong trào có xu hướng tích cực và thực tế. Tôi cũng rất mong và chúc các anh xây dựng được một phong trào xã hội cho tiến trình dân chủ hoá của Việt Nam. Một phong trào xã hội sẽ huy động được lực lượng xã hội dễ dàng và đa dạng hơn là các đảng phái chính trị với những điều lệ, nguyên tắc sinh hoạt”.

Cho rằng thế là ổn, tôi đã định im lặng chờ xem “Con Đường Việt Nam” hoạt động ra sao. Trăm nghe không bằng một thấy.

Nhưng ngay sau khi ông Lê Thăng Long tuyên bố khởi xướng “Con đường Việt Nam” trên một số trang web, lập tức đã xuất hiện các bài viết với nhiều điều đáng suy ngẫm.

Vì vậy, tôi thấy mình cũng nên có tiếng nói, nhất là vài người bạn đưa vấn đề ra và hỏi ý kiến.

Hơn thế, là người cầm bút, trước một vấn đề xã hội quan trọng, tôi thấy nên tỏ thái độ, nhưng nghiêm túc và có trách nhiệm.

Trước hết, mục tiêu chung của “Con Đường Việt Nam” có thể nói là tốt. Điều này cũng được thể hiện qua phát biểu của ông Lê Thăng Long trong cuộc phỏng vấn với BBC ngày 12/6:

 ”Chúng tôi rất mong để làm sao có một sự phát triển tốt cho đất nước không có sự hận thù, cực đoan, đạp đổ, phân biệt quá khứ, phân biệt chính kiến, làm sao trong yêu thương và làm sao cho đất nước chúng ta phát triển tốt nhất và đoàn kết với nhau”.

 ”Mục tiêu sắp tới của tôi là làm sao hình thành được phong trào cùng với các anh em và làm sao để phong trào này lớn mạnh để đem lại con đường đi tới dân chủ và thịnh vượng cho đất nước Việt Nam”.

 Cần chú ý rằng, lúc này những ai đưa ra nghi ngờ, không ủng hộ “Con Đường Việt Nam” có thể bị cho là chia rẽ, vô trách nhiệm, bởi vì sự nghi ngờ chỉ là dự đoán, trong khi phong trào vừa thành lập, chưa làm điều gì hại và ít nhất có mục tiêu đứng đắn.

Nhưng với linh cảm và kinh nghiệm của mình, tôi không yên tâm và mặc cảm có lỗi khi chỉ giữ thái độ quan sát.

Ông Lê Thăng Long bị nhà cầm quyền CS Việt Nam bắt giam năm 2009, cùng từ một vụ án với các ông Trần Huỳnh Duy Thức, Lê Công Định, Nguyễn Tiến Trung và Trần Anh Kim. Năm 2010 họ bị tòa án xử tù với tội danh hoạt động chính trị nhằm lật đổ chính quyền nhân dân.

Trong bốn người, ông Trần Huỳnh Duy Thức vì không nhận tội nên bị xử 16 năm tù, một mức án nặng chưa từng thấy cho cùng tội danh này trong hai thập niên gần đây.

Số còn lại, các ông Lê Thăng Long, Lê Công Định, Nguyễn Tiến Trung, Trần Kim Anh đều nhận tội và xin nhà nước khoan hồng. Ông Long còn được trả tự do 6 tháng trước hạn tù, cũng là điều hi hữu với các tù nhân chính trị Việt Nam.

Ở đây tôi không muốn sa vào tranh cãi như khi tôi từng phê phán họ về việc nhận tội, đã tạo ra tranh luận đối nghịch nhau trên diễn đàn Talawas vào năm 2009.

Tôi muốn nhắc lại – như một sự cảm thông về sự “nhận tội” – Lech Walesa, thợ điện huyền thoại của Công đoàn Đoàn kết Ba Lan, Giải thưởng Nobel Hoà Bình năm 1983, người đã làm chập mạnh toàn bộ hệ thống cộng sản tại châu Âu, tổng thống dân cử đầu tiên của Ba Lan (1990-1995) sau khi chế cộng sản sụp đổ.

Lech Walesa đã từng ký một số giấy tờ hợp tác với an ninh cộng sản Ba Lan, nhưng ông đã không bao giờ làm chuyện đó trong thực tế. Trong cuốn sách của mình ông cũng không giấu. Ông từng nói rằng nếu ông biết vợ mình, bà Danusia, và các con bị nguy hiểm, ông sẽ phải thực hiện bất cứ điều gì.

Thế nhưng trong thời hậu cộng sản, việc ký cam kết hợp tác với an ninh cộng sản đã liên tục làm Lech Walesa phiền toái, mệt mỏi trên chính truờng, và tới tận hôm nay dù ông đã nghỉ hưu và chỉ tham gia các hoạt động xã hội, từ thiện. Ông vẫn tiếp tục bị những đối thủ chính trị lấy nó làm vũ khí bôi xấu, sỉ nhục.

Quay lại tình trạng của ông Lê Thăng Long.

Trong lúc các ông Trần Huỳnh Duy Thức, Lê Công Định, Nguyễn Tiến Trung còn trong tù, tôi buộc mình phải hết sức thận trọng để không gửi gắm lòng tin sai chỗ, khi ông Long nói thay mặt họ.

Ngoài ra, cũng nên chú ý rằng, trong lúc nhà cầm quyền đàn áp tàn bạo những người bất đồng chính kiến, tranh đấu ôn hoà, bản thân ông Long vừa ra tù ít ngày, lại ở trong giai đoạn bị quản chế, nên theo tôi, nếu thậm chí ông Long thấy hội đủ các yếu tố và muốn xây dựng một ban lãnh đạo cho phong trào vào lúc này, lẽ ra cần bí mật tuyệt đối. Nhưng với Phong trào “Con Đường Việt Nam” ông Long đã làm ngược lại.

Trong bài “Ngây thơ và cạm bẫy” hôm 15/6 Tiến sĩ Hà Sĩ Phu viết:

 ”Ra đời một cuộc vận động chính trị lớn, kèm theo đó là một tổ chức chính trị lớn, nằm ngoài tay của Đảng Cộng sản là một việc động trời. Người ta chỉ tham gia khi có sự tin cậy được hợp thành bởi 4 yếu tố:

 1 – Nội dung phong trào (thể hiện ở một bản thông cáo hay tuyên ngôn) phải hợp lý, trong sáng, thuyết phục và giầu tính khả thi.

 2 – Uy tín của của người đứng đầu, sáng lập.

 3 – Lực lượng trung kiên khởi lập đã có (trước khi vận động công khai).

 4 – Tính lô-gích, thời cơ, chín muồi để cuộc vận động ra đời như một tất yếu.

 Trong trường hợp “Con đường Việt Nam” chỉ có yếu tố văn bản tuyên ngôn là tạm được, còn 3 yếu tố sau đều không được đáp ứng, trái lại còn chứa đựng sự phi lí và khả nghi. Vậy những người đã có ý thức chính trị và bản lĩnh chính trị (trong môi trường một nước cộng sản) khó có thể tham gia.

 Nhiều ý kiến cho rằng cuộc vận động phi thường vội vã này chỉ là một trong hai khả năng: hoặc là sự ngây thơ chính trị kiểu sách vở, hoặc một cạm bẫy. Hai khả năng ấy cuối cùng cũng chỉ là một, vì đã ngây thơ thì càng chân thành lại càng dễ thành cạm bẫy thôi”.

 Kết luận

Với tất cả nhận thức chính trị nghiêm túc nhất, tôi không nghĩ “Con đường Việt Nam” là một ngây thơ chính trị.

Tôi lo ngại về một cạm bẫy chính trị nhiều hơn cho những người ngây thơ. Và tôi đồng ý với Tiến sĩ Hà Sĩ Phu rằng, “chủ nhân thật sự của cạm bẫy không bao giờ tự ra tay, mà luôn biết cách làm cho con mồi tự làm lấy cạm bẫy cho mình”.

Và vì thế, nếu người nào chưa hoặc không ủng hộ, hoặc muốn gia nhập phong trào “Con đường Việt Nam”, theo quan điểm của tôi, tốt nhất hãy tìm hiểu và cân nhắc thật kỹ trước khi quyết định.

 Ngày 17/6/2012

 © 2012 Lê Diễn Đức – RFA Blog

 

54 Phản hồi cho “Phong trào “Con đường Việt Nam”: ngây thơ hay cạm bẫy?”

  1. Lâm Vũ says:

    Tôi hoàn toàn đồng y với những lời sau đây của blogger Kami (RFA):
    “Công bằng mà nói, chúng ta có quyền nêu ý kiến riêng của mình về một vấn đề, nhưng không thể ở vị thế một chủ nhật báo ngoài luồng nhưng có sự liên kết với cơ quan chức năng để định hướng dư luận được. Điều đó nó sẽ không khách quan nếu không nói là chơi không sạch, chơi không đẹp hay cao hơn là có dụng ý xấu. [...] Đối với hiện tượng ông Lê Thăng Long và Lời kêu gọi “Con đường Việt Nam” của ông thì cũng thế, trước ngày 10.6.2012 không có sự hiện diện của nó thì dòng thời gian vẫn cứ trôi. Nay có sự hiện diện của nó phải coi là điều đáng mừng mới phải chứ.”

    Bài viết của blogger Kami cũng trích dẫn một đoạn tư ý kiến của blogger MinhDuc rất chí lý:
    “Vậy : đàng nào thì nhóm Con Đường Việt Nam cũng đã ra công khai rồi, đã tù đày rồi, có còn gì để mất nữa mà không ngửa bài ra chơi. Cho dù có bị lợi dụng để làm bình phong cho việc cải thiện nhân quyền (để mị dân, lừa quốc tế), tại sao ta không lợi dụng lại để tranh thủ xây dựng một xã hội dân sự mạnh hơn, sẽ là bước khởi đầu cho tiến trình dân chủ hóa, so về xảo trá và ác độc ta có thể không hơn, nhưng nói về trí tuệ thì … ai ăn ai?”

    Thiển nghĩ, “ngửa bài” là chiến thuật hay nhất bây giờ. Nếu ai cũng ngữa bài ra thì CS biết đàng nào mà bắt bớ? Rất có thể, đại khối dân chúng cũng đang chờ có thế để ngửng đầu lên?

  2. LeQuocTrinh says:

    Ông Lê Thăng Long thân mến,

    Ông Lê Thăng Long khẳng định với đài BBC rằng không có cạm bẫy gì hết trên Con Đường Việt Nam do ông sáng lập.

    Tốt! Thế thì mời ông vào các Trang Mạng nổi tiếng AnhBaSàm, DanChimViet, DanLamBao và Dân Luận để đối thoại với mọi người.

    Tôi đã đọc qua những điểm căn bản mà ông trình bày trong blog Phong Trao Con Đường Việt Nam của ông, tôi có vài câu hỏi muốn nhờ ông giải thích.

    Tên tôi là Lê Quốc Trinh, kỹ sư Canada, đã được ông ghi vào bản danh sách mời.

    Thân chào ông,

  3. Tuần Triệt says:

    Việt Nam bây giờ chỉ còn một con đường duy nhất: Lật đỗ chế độ cộng sản, xây dựng thể chế đa nguyên, Hợp tác quân sự với Mỹ để kiềm hãm Trung Quốc….Xây dượng khối quân sự :Đài Loan + Việt Nam + Myanmar + Singapore + Hàn + Nhật + Australia.

  4. iBi says:

    Làm cái gì cũng phải có thực lực, dù nhiều hoặc ít, thì tiếng nói mới có hiệu lực. Không có thực lực mà nói thì yếu xìu. Thử tưởng tượng một người đứng ra tự xưng: ông ta là thương gia, vừa mới đóng cửa tiệm tạp hóa nhỏ vì lỗ lã tại vì không hợp địa điểm và ít khách hàng quá, nhưng ông ta có bằng Tiến sĩ về Quản Trị Kinh Doanh, có kiến thức về thương trường, biết các nguồn cung và cầu, biết quản lý nhân sự, biết điều động ngân sách chi, thu v.v.. và hiện nay ông ta kêu gọi mọi người hãy bỏ vốn (mạng sống của cả gia đình tùy thuộc vào đó) vào hùn hạp với ông để ông mở ra một đại công ty bách hóa buôn bán trên cả nước. Có ai tin tưởng, dám bỏ tiền và sinh mạng cho lời hứa hẹn về “dự án” to lớn của ông ta không ? Hay là nhìn đằng sau ông ta có cái gì để bảo đảm không, giống như ngân hàng đánh giá trị tài sản của người vay mượn tiền từ ngân hàng để làm business vậy đó.

  5. Trung Kiên says:

    Trích bài chủ:…”Trong bài “Ngây thơ và cạm bẫy” hôm 15/6 Tiến sĩ Hà Sĩ Phu viết:
    ”Ra đời một cuộc vận động chính trị lớn, kèm theo đó là một tổ chức chính trị lớn, nằm ngoài tay của Đảng Cộng sản là một việc động trời. Người ta chỉ tham gia khi có sự tin cậy được hợp thành bởi 4 yếu tố:
    1 – Nội dung phong trào (thể hiện ở một bản thông cáo hay tuyên ngôn) phải hợp lý, trong sáng, thuyết phục và giầu tính khả thi.
    2 – Uy tín của của người đứng đầu, sáng lập.
    3 – Lực lượng trung kiên khởi lập đã có (trước khi vận động công khai).
    4 – Tính lô-gích, thời cơ, chín muồi để cuộc vận động ra đời như một tất yếu.
    Trong trường hợp “Con đường Việt Nam” chỉ có yếu tố văn bản tuyên ngôn là tạm được, còn 3 yếu tố sau đều không được đáp ứng, trái lại còn chứa đựng sự phi lí và khả nghi. Vậy những người đã có ý thức chính trị và bản lĩnh chính trị (trong môi trường một nước cộng sản) khó có thể tham gia.
    “.

    Cám ơn ông Hà Sĩ Phu và tác giả Lê Diễn Đức

    Những yếu tố ông HSP nêu trên xét rất cần thiết để chúng ta co thể theo dõi và đánh giá những người sáng lập “Phong Trào Việt Nam”. Đấy cũng là những lời nhắc nhở, lưu ý anh Lê Thăng Long cũng như những người sáng lập và chủ trương.

    Thiển nghĩ, thơ mời tham gia “Con Đường Việt Nam” gởi đến tác giả LDĐ là chuyện có thể hiểu là bình thường, nhưng thơ kế tiếp…” bức thư này mời ông đảm nhận trách nhiệm quyền Phó ban quản trị của Phong trào để giúp nó mau chóng lớn mạnh” khiến tác giả LDĐ hoài nghi cũng là đúng thôi. (cho dù anh Lê Thăng Long rất thân thiết với tác giả Lê Diễn Đức thì cũng là quá vội vã, khi chưa thảo luận kỹ càng). Nhưng ai dám khẳng định thơ này là của Lê Thăng Long hay do kẻ khác mạo danh?

    Dù gì thì bài viết này của t/g Lê Diễn Đức (theo tôi) cũng là ý kiến xây dựng, lời lẽ nhẹ nhàng, nhắc nhở nhau cẩn trọng hơn…để không bị sa vào “quỉ kế” của csvn!

  6. dân quê says:

    Vo’i tình hình chi’nh tri và tình trang nhân quyê`n o VN , vùa mo’i ra tù mà ông LTLong dã co’ ngay 1 chiê’n luoc là thu’c dâ~y 1 phong trào dân ch~u thì quã thât là 1 cam bâ~y chãng còn nghi ngò gì nuã, bõi vì hon lu’c nào hê’t tâp doàn csvn hiên tai dang râ’t RUN RÂ~Y và di u’ng vo’i 2 ch~u Dân Ch~u nên 1 nguòi nhu ông LTL không thê~không luòng tru’oc duoc nhuñg nguy hiê~m se~dê’n vo’i ông, vo’i bàng chu’ng là ông dã CHIU HOP TA’C vo’i cq là nhân tôi dê~duoc trã tu do thì không ly’ do gì ông lai NGU DAI tung ra 1 chuõng mo’i dê~lai DUOC vào nhà da’ lâ`n nuã – không phãi CAM BÂ~Y thì là gì ???- hõi là trã lòi.

  7. Bộ hành says:

    Không nên đặt nặng thành bại , thật hay giả của phong trào . Tính chất quan trọng là có phù hợp với hiện tình đất nước và Đa số người Việt có thích phong trào Con Đường VN hay không ?

    Nếu có Đa số người VN thich , cho dù là cái bẩy của của CS , dù cho bị bắt nhốt , người bị bắt nhốt vẫn chấp nhận .

    Sự nỗi bật của CĐVN cũng là điểm cá biệt mà các tổ chức chống đối với Đảng và nhà nước CHXHCNVN từ trước chua hề đề cập đến . Đó là CĐVN vẫn tôn trọng nhân quyền và Bình đẳng của các Đảng viên CS và thành phần đã tham gia chính quyền CHXHCNVN hiện nay , khi phong trào thành Công .

    CĐVN có thể bị CS lợi dụng . Nhưng đây là tâm huyết của những người viết ra , với mục đích muốn cho xã hội có sự tôn trọng nhân quyền và Bình đẳng , trong tinh thần dân tộc đấu tranh , hơn là đấu tranh vì hận thù .

    Con Đường VN đang mở sẵn một cánh cửa cho những người CS trở về với dân tộc trong tinh thần tôn trọng nhân quyền và Bình đẳng , chắc chắn sẽ bị sự phản kích chống đối , nghi ngờ của các tổ chức chống Cộng cựcn đoan . Nhưng biết đâu lại được sự ủng hộ âm thầm của nhiều người CS còn đang tại quyền tại chức .

    Dầu sao đi nữa đây vẫn là một việc làm có lợi trước mắt , cũng như lâu dài cho dân tộc . Phong trào đã đáp ứng được nguyện vọng của đại Đa số quần chúng . Tôi hoàn toàn ủng hộ .

  8. Bộ hành says:

    Không nên đặt nặng thành bại , thật hay giả của phong trào . Tính chất quan trọng là có phù hợp và Đa số người Việt có thích phong trào Con Đường VN hay không ?

    Nếu có Đa số người VN thich , cho dù là cái bẩy của của CS dù cho bị bắt nhốt , người bị bắt nhốt vẫn chấp nhận .

    Sự nỗi bật của CĐVN cũng là điểm cá biệt mà các tổ chức chống đối với Đảng và nhà nước CHXHCNVN từ trước chua hề đề cập đến . Đó là CĐVN vẫn tôn trọng nhân quyền và Bình đẳng của các Đảng viên CS và thành phần đã tham gia chính quyền CHXHCNVN hiện nay , khi phong trào thành Công .

    CĐVN có thể bị CS lợi dụng . Nhưng đây là tâm huyết của những người muốn cho xã hội có sự tôn trọng nhân quyền và Bình đẳng , trong tinh thần dân tộc đấu tranh hơn là đấu tranh vì hận thù , chính là điều chúng ta không thể phủ nhận .

  9. Lâm Vũ says:

    @Tác giả LĐD. Thành tích của LDĐ gồm có:
    - Ngay từ ban đầu, gọi những người lập ra khối 8406 là… khỉ dân chủ (lúc tác giả còn là TBT Danchimviet)
    - Từ chối “lịch sự” lời mời đảm nhận trách nhiệm “Phó ban quản trị” của phong trào “Con đường Việt Nam” v.v.

    Tác giả còn viết: “Việt Nam khó có thể thay đổi hệ thống chính trị khi chưa có một phong trào dân chủ xã hội rộng lớn”. Tự hỏi: không phải mục đích của Khối 8406 hay p/t Con đường Việt Nam” là để thúc đẩy, xây dựng một “một phong trào dân chủ xã hội rộng lớn” hay sao?

    @Đàm văn Mai. Người nào chống đảng là “khổ nhục kế” để cứu đảng, ai không chống ra mặt là… lũ hèn. Tức là chả có gì để hy vọng. Cũng không nên làm gì hết! Có phải ý của ĐVM là thế?

    • Anh Lâm Vũ Viết: “Việt Nam khó có thể thay đổi hệ thống chính trị khi chưa có một phong trào dân chủ xã hội rộng lớn”. Tự hỏi: không phải mục đích của Khối 8406 hay p/t Con đường Việt Nam” là để thúc đẩy, xây dựng một “một phong trào dân chủ xã hội rộng lớn” hay sao?

      Vâng, thưa anh Lâm Vũ. Tôi hy vọng rằng ý của anh trong cả cmt đưa ra không có ác ý gì.

      Điều tôi phê phán là ở vài người được gọi là các “nhà dân chủ” vì hám danh hão, muốn giành miếng bánh có tên “Nhà Dân Chủ Lớn” mà đã ngu xuấn, làm hỏng đi đứa con được phôi thai bởi rất nhiều người tâm huyết.

      Tôi chưa bao giờ phủ nhận hoặc có lời khiếm nhã nào về mục tiêu đối với “Phong trào 8406″ hay “Con đường Việt Nam” (CĐVN), thậm chí với “Phong trào 8406″ tôi là một trong những người đầu tiên ký tên ủng hộ. Còn với CĐVN, mục tiêu của nó thì tôi đã viết trong bài là tốt và đứng đắn.

      Tôi chỉ trích hoặc phân tích các yếu tố tiêu cực là nhằm vào số rất ít cá nhân khởi xướng và cách thức tổ chức vận động không hoặc chưa phù hợp với thực tế Việt Nam mà thôi.

      Cách vận động, tổ chức kém, thiếu cân nhắc kỹ cái gì và ai cần công khai, cái gì và ai trước mắt cần bí mât để bảo toàn an ninh cho sự phát triển phong trào, nhất là với ban lãnh đạo, sẽ không thu hút được sự tham gia mà con gây nghi ngờ, giao động. Trừ phi những người khởi xướng cố ý làm như thế!

      Và trên hết, tôi góp ý một cách nghiêm túc và dù sao cũng chỉ là nhận định riêng của các nhân tôi, có thể đúng, hợp lý, nhưng cũng có thể hoàn toàn sai hoặc sai một phần. Nhưng đây là quyền tự do ngôn luận của người cầm bút, anh ạ.

      • Lâm Vũ says:

        Trước hết xin cám ơn tác anh LDĐ đã phản hồi. Anh thắc mắc cũng phải, vì do cố tiết kiệm thời giờ và mặt bằng của chung, tôi đã viết quá vắn tắt, nên sau đó, tôi đã viết thêm một ý kiến (bên trên).

        Anh nói anh “hy vọng” rằng tôi “không có ác ý gì”, nên tôi nghĩ nên nói thẳng: tôi không đồng ý với rất nhiều điểm trong bài viết.

        Anh viết: “Tôi lo ngại về một cạm bẫy chính trị nhiều hơn cho những người ngây thơ”. Tôi nghĩ câu này thừa thãi: những người đang làm công việc “vận động dân chủ” đều có hiểu biết ít nhiều về những “cạm bẫy chính trị”, còn những người anh gọi là “ngây thơ” không hay chưa thật sự tham gia.

        Sở dĩ tôi nhắc đến bài viết “khỉ… dân chủ” vì chính anh nhắc đến trong bài. Sau đây là một đoạn của bài viết đó, chính anh đã trích lại:
        ”… Tại sao không là “Tuyên ngôn Dân Chủ” của 118 công dân Việt Nam mà phải là của “các nhà dân chủ” trong nước? Lại có người còn tóm luôn nhãn hiệu “Tuyên ngôn Dân chủ” này đặt tên cho tổ chức, cho trang web của mình. Một sự lập lờ láu cá, đánh lẫn trắng đen, gây ngộ nhận một cách cố ý.

        Rồi có kẻ xưng hô đại diện này, đại diện kia mà không biết là đại diện cho ai và ai bầu mình làm cái vai trò đại diện ấy? Lấy cái quyền ai cho để tò tí te với nhau như vậy, hay là chỉ vài người thoả thuận chỉ định nhau?

        Những lối bao biện vòng vo làm người ta không thể không nghĩ đến những kẻ cơ hội đang lợi dụng sự lắt léo này và để lại sau nó là một dấu hỏi lớn. Điều này thể hiện sự yếu kém nhất về trình độ tổ chức, năng lực của những người (tự cho mình) đứng đầu phong trào dân chủ trong nước hiện nay. Tuổi tác cao, quá trình lâu dài, lòng dũng cảm có thể là biểu tượng, khuôn mẫu tinh thần cần thiết, nhưng chưa phải là yếu tố đủ mang đến thắng lợi nếu thiếu tài năng tổ chức và sự cả quyết trong lãnh đạo”.

        Với tôi, chính những lời này chứng tỏ là chính anh “ngây thơ” chứ không phải họ. Vì ngây thơ, anh đòi hỏi những “nhà dân chủ” không chỉ có “quá trình (đâu tranh) lâu dài, lòng dũng cảm” mà còn phải “tài năng tổ chức và sự cả quyết trong lãnh đạo”.

        Không cần VN có 118 “nhà dân chủ” có đầy đủ những khả năng đó, mà chỉ cần có 5, 10 người như thế, chắc chúng ta không đang ngồi đây, ôm lấy cái computer!

        Thân mến

        LV
        TB. Tôi thật sự không hiểu sao anh lại nói “đây là quyền tự do ngôn luận của người cầm bút”? Hy vọng anh không có ý nói rằng tôi đang xâm phạm quyền tư do ngôn luận của anh? Chả nhẽ “người cầm bút” lại không thích bài viết của mình được mang ra mổ xẻ, phê phán?

      • Lê Dân Việt says:

        Chào bác Lâm Vũ,

        Có lẽ bác mới nhập ĐCV cho nên bác chưa biết thành tích của t/g Lê Diễn Đức (LDĐ). T/g LDĐ từng là Tổng biên tập của ĐCV trước khi chia hai với Tổng biên tập Lã Mạnh Hùng. Hồi đó tôi có quen một vài người bạn góp bài cho ĐCV, hai ông tổng này bắt buộc những người góp bài phải khai tên thiệt, số điện thoại, địa chỉ tư gia, nếu những người góp bài không chịu khai rõ như yêu cầu thì sẽ bị coi là hèn đấy (kẻ cả những người còn ở Việt nam) và sẽ không được đăng bài trên ĐCV. Nhưng bây giờ có người có người dám không hèn hơn, cho nên t/g mới nhắc nhở mọi người cẩn thận khỏi mắc bẫy ấy mà. Ta nên cám ơn t/g mới đúng chứ.

      • Lâm Vũ says:

        Cám ơn bác LDV đã “mách nước”. Thật ra tôi không phải là “người lạ” với danchimviet – còn quá “gần” là khác – tôi chỉ “bỏ đi biền biệt” nhiều năm, nay mới trở lại thôi. Dó đó, dĩ nhiên tôi có biết cái “lệ” đó và đã không đồng ý với nó.

        Nhưng đó là chuyện ngày xưa. Theo tôi, thời 5-7 năm về trước khác với bây giờ nhiều lắm, cụ thể thời đó ít ai “ra mặt” vì dù chỉ là phát biểu “chống chế độ” lăng nhăng đã coi như có tội rồi.

        Bây giờ thì tình hình đã khác nhiều, số người công khai “phản đối chế độ” ngay cả trong nước quá đông nên không được xếp hạng “tội” nữa. Nhà nước chỉ còn có thể nhắm vào những “tố chức”. Do đó, tôi đoán, nhóm của ông LTL chọn phương cách tổ chức công khai, vừa an toàn lại vừa dễ thuyết phục quần chúng hơn… Tôi muốn nói, giả sử 200 người “được mời” đó đều “đồng ý trên nguyên tắc” là tham gia, ủng hộ… thì nhà nước CS lấy cớ gì mà bắt ông LTL trở lại (có giỏi bắt cả trăm ngưòi được mời mang bỏ tù bỏ tù!).

        Nhưng lợi hại hơn là tính cách minh bạch của “tổ chức” sẽ làm giảm nỗi sợ hãi “vô cớ” của đám đông, vừa khiến cho những người chưa dám công khai có can đảm hơn, hay ít ra cũng mạnh dạn phát biểu ý kiến của mình. Đây là một điều tối quan trọng và là khởi điểm của mọi cuộc cách mạng dân chủ xưa nay…

        Vì, tôi nghĩ, trong mọi cuộc cách mạng dân chủ – từ thời Cách mạng Dân quyền ơ Pháp, 1789, cho đến Cách mạng Đông Âu, và gần đây nhất là phong trào Dân chủ Miến Điện… vai trò “ngòi bút” quan trọng bậc nhất. Nhưng trong cộng đồng người Việt hải ngoại, đa số những người tranh đấu bằng ngòi bút đi sau tình hình thực tế ít nhất 5 năm! Đó theo tôi là lý do chính khiến p/t dân chủ VN lâu nay tiến rất chậm – có lẽ quá chậm đối với vận tốc thay đổi của thực tế và sự suy nghĩ của người dân trong nước.

        Kính

      • Lê Dân Việt says:

        Bác Lâm Vũ thì ra bác cũng là dân kỳ cựu trong làng, mà bỏ đi làm ăn xa một thời gian vì không đồng ý với lão chánh tổng. Còn em thì trụ xuốt từ thời khai thiên lập địa ĐCV online đến nay, chuyên dùng cây gậy đả cẩu để đập đầu mấy con cẩu nô tài chuyên bênh vực cho cái láo, cái sai của CSVN. Nhiều lúc phải dùng ngôn ngữ bà Hai chợ cầu muối để giáo hoá chúng, mà đập mãi cứ chết thằng này, nó lại lòi ra thằng khác như bác thấy đó.

        Ý kiến của bác quá đúng. Bây giờ phải chơi lật bài tẩy với CSVN, sợ gì chúng nữa. Chúng không thể nhốt tù cả 80 triệu dân Việt, nếu toàn dân đồng lòng xuống đường.

        Cái đám đáng trách nhất hiện nay là cái đám tự cho mình là “lão thành cách mạng” kìa. Cứ ngậm miệng ăn tiền, nhắm mắt nhìn những sự bất công của lũ đàn em, hậu duệ của chúng phá nát giang sơn, qùy mọp trước giặc Tầu. Nều cái đám này còn liêm sỉ thì đã đồng loạt xuống đường cùng dân đen rồi.

        Thật ra, vai trò của báo chí rất quan trọng cho phong trào dân chủ, nhưng vì nhiều lý do mà lực lượng này luôn đi sau thực tiễn p/t dân chủ VN và suy nghĩ, nguyện vọng của người dân trong nước như bác luận bàn. Theo em nghĩ thì đa phần vì kế sinh nhai gây ảnh hưởng. Ở trong nước thì viết vì tiền, ở Hải ngọai thì phải làm việc khác để sống, còn dùng ngòi bút tác chiến khi có thời giờ cho phép mà thôi. Rất ít người sống được nhờ tác quyền.

        Không biết bác có thường đọc tờ Tự do ngôn luận do Lm. PVL đảm trách không? Tin tức p/t dân chủ trong nước tương đối cập nhật dù là báo bán nguyệt.

        P.S. Xin bác đọc lại ý kiến trên của em với bác, để bác hiểu ngầm ý của em với t/g.

        Kính.

      • Lâm Vũ says:

        Cám ơn bác LDV. Nói ngắn gọn, mỗi người tùy duyên cơ mà xử thế. Tôi thì chọn cách thế “đi xa” làm chuyện khác. Chúng mình là anh em trong nhà cả, tránh xung đột vì những chuyện nhỏ nhoi, làm mất nhuệ khí chung. Như chính tác giả nói, dân chủ chỉ đến khi quần chúng đông đảo tham dự vào phong trào tranh đấu. Nhưng câu hỏi là: khi nào thì quần chúng sẽ tham gia? Theo tôi cần phải có hai điều kiện tất yếu:
        - thứ nhất, những người đi tiên phuông – tạm gọi là các “lãnh tụ” đi – hành xử trong sáng, không múa may để cho “danh ta cả sáng”, kèn cựa đấm đá nhau, thấy kẻ khác lòi đầu lên thì tìm cách dìm họ xuống v.v.
        - thứ hai, mở ra được một viễn tượng rất cụ thể cho tương lai đất nước, để quần chúng thất được rằng: ừ, nếu chế độ cũ không còn sẽ có một cái gì mới tốt đẹp, văn minh, sáng sủa hơn trước nhiều.

        Lúc đó, thì quần chúng sẽ tự động đứng lên làm mẻ chót. Còn như hiện nay, chúng ta vẫn chỉ lo tố cáo chế độ, vạch ra nó xấu thế nào, nhưng chưa cho dân chúng thấy là chúng ta thật sự khác họ, thì quần chúng chưa tin đâu.

        Cách mạng dân chủ Đông Âu chẳng hạn, khác với cách mạng nhân quyền Pháp đúng 200 năm trước đó. Thời 1789, dân chúng sống ở tận đáy của bần cùng, nên không cần biết cái gì sẽ xẩy ra sau khi họ xuống đường, lật đổ đám vua chúa. Có lẽ họ nghĩ, điều gì xẩy ra thì sẽ tốt hơn thôi và họ đã có lý (cuối cùng, dân bao giơ cũng có lý!). Nhưng thời nay dân không suy nghĩ và hành xử như 200 năm trước nữa. Họ sáng suốt hơn và đồng thời cũng thực tế hơn. Thí dụ, khi người dân Đông Bá Linh được tự do đi sang Tây Bá Linh, thì họ đi mua chuối, siêu thị có bao nhiều chuối họ mua hết mang về ăn! Đó là thực tế. Con người, nhất là con ngfười ngay nay, bao giờ cũng có hai phần: lý tưởng và thực tiễn. Phong trào cách mạng ngày hôm nay phải được xây dựng trên cả hai thành tố đó. Thiếu một thứ, cách mạng không xẩy ra.

        Sau cùng, nói chuyện tranh đấu bằng “ngòi bút”. Chúng ta chỉ nói với nhau, chứ người dân – trong hay ngoài nước – không mấy người đọc đâu. Vì nó không thực tế. Chỉ có hành động mới thuyết phục đưọc quần chúng. Trong khi “phe ta” chỉ đứng ở vị trí “văn bản” – như blogger Trần Minh Khôi hay cả nhà văn Phạm Thị Hoài – thì vẫn chưa lay chuyển được mảy may nào.

        Ít dòng chia xẻ cùng bác LDV, coi như là những lời làm quen thôi.

        Thân

      • Lê Dân Việt says:

        Chào bác Lâm Vũ,

        Cám ơn bác trao đổi chân tình. Cá nhân em luôn tôn trọng những ý kiến xây dựng dù không cùng một lối suy nghĩ như em. Em chỉ dùng đao to búa lớn với bất cứ kẻ nào đến giờ này vẫn còn bênh vực Mác, Lenin, Mao Hồ.. và đám CSVN hiện nay.

        Thực ra, từ trước tới nay em vẫn hô hào người trong nước mới là lực lượng chủ lực trong phong trào dân chủ Việt nam, còn người Việt hải ngoại chỉ đóng vai trò yểm trợ, vận động ngoại giao với các chính quyền sở tại. Do vậy, em không bao giờ chỉ trích bất cứ tổ chức hay cá nhân nào dấn thân cho con đường tự do dân chủ Việt nam, dù có biết là con đường họ chọn chưa chắc là đã đi đến thành công. Nhưng có cuộc đấu tranh nào mà có thể thành công từ ngay từ những người khởi xướng ban đầu đâu. Cứ nhìn vào những cuộc kháng Pháp từ trước đến khi CSVN trá hình đòi độp lập từ thực dân này ( Pháp, Nhật) rồi tự nguyên trao cho thực dân khác ( CSQT) thì bác cũng thấy điều này.

        Phưong châm của em là không chỉ trích, bới lông tìm vết bất cứ cá nhân, tổ chức đảng phái nào đấu tranh cho dân chủ đa đảng bất luận họ xuất thân từ đâu, và tuyên bố hành động ra sao. Bởi vì, tất cả chúng ta đều là những người đang tự nguyện làm viện gạch lót đường cho phong trào tự do, dân chủ và đa đảng. Chỉ đập mấy thằng cẩu nô tài bênh vực cho đảng cướp ngày CSVN, và lũ bán nước hại dân BCT CSVN. Còn những người CS bình thường khác thì em chỉ muốn loại chất CS ra khỏi người CS bình thường, chứ không muốn tiêu diệt tất cả 3 triệu đảng viên CS, vì danh nghĩa tự do dân chủ và đa đảng.

        Trên thực tế, một phong trào muốn thành công cần phải có các đảng phái chính trị liên minh với nhau để hợp đồng công tác đấu tranh nhắm tới cùng một mực tiêu cuối cùng: tự do dân chủ và đa đảng. Các đảng phái chính trị phải có hạ tầng cơ sở đủ mạnh, để hướng dẫn quần chúng trong đấu tranh trong âm thầm, để bảo toàn lực lượng cho đến thắng lợi sau cùng.

        Đây chỉ là những ý kiến cá nhân, mặc dù em cũng đã từng trao đổi điều này với một số lãnh tụ của một vài đảng phái chính đang dấn thân cho đại cuộc hiện nay.

        Vài dòng trao đổi cùng bác, hy vọng không nghịch nhĩ bác.

        Kính.

      • Lê Dân Việt says:

        Phải chi bài này t/g Lê Diễn Đức chỉ gửi riêng cho Lê Thăng Long thì có phải là tốt cho cả làng hay không?!

        Đằng này, tác giả lại phô trương trên diễn đàn mở cái lời mời riêng làm ” phó ban quản trị” mà không thèm nhận, thì dụng ý tốt của tác giả đã không đặt được mà còn bị phản tác dụng. Thật đáng tiếc!

      • Chim Gõ Kiến says:

        Tôi rất tiếc là ông chưa rút bài viết này xuống và càng buồn hơn cho ông còn viết tiếp ở phần comment này, vì hôm qua ông bố của THDT đã có bài viết khảng định tính trung thực của LTL khi đưa công bố PTCDVN.
        Tôi cũng rất tiếc cho ông HSP có những phát ngôn chưa đúng và cũng rất vội vàng để nhiều người “noi gương ông”.

      • Nghịch Lý Thường says:

        Thưa ông Lê Diễn Đức

        Nếu chỉ là bạn đọc góp ý thì người ta có thể dễ dàng thông cảm bỏ qua khi viết; “dù sao cũng chỉ là nhận định riêng của cá nhân tôi, có thể đúng, hợp lý, nhưng cũng có thể hoàn toàn sai hoặc sai một phần“. Nhưng là người viết bài chủ (hướng dẫn dư luận) mà viết lách không thận trọng thì sẽ là người vô trách nhiệm!

        Không thể biện minh; “Nhưng đây là quyền tự do ngôn luận của người cầm bút, anh ạ” rồi muốn viết gì thì viết, bất kể hậu quả?

        Lại càng không thể nói là “và trên hết, tôi góp ý một cách nghiêm túc” khi không có tâm xây dựng!

      • Lâm Vũ says:

        Các bạn thân mến,
        Trong ý kiến trên, anh LDĐ nói với tư cách độc giả đấy chứ. “Tác giả” cũng là… người, cũng có quyền có ý kiến và cũng có quyền… sai!

        Khi tranh luận nên có cả hai phần “tình” và “lý”, mới trọn vẹn và mang lại kết quả tốt. Quan trọng không phải ai “giỏi”, ai có lý mà là sao càng ngay càng hiểu nhau hơn. Bên cạnh đó ai thấy người khác có điều chi không đúng, cũng nên nói ra, trong tình thân ái, để giúp nhau. Ai cũng cần có người khác giúp đỡ để tiến lên. (Ai nghĩ mình lúc nào cũng đúng, hay đúng hơn người khác người đó “có vấn đề” và trước sau cũng sẽ bị thời gian đào thải. Đó là luật thiên nhiên, chứ không phải vì kẻ khác ác ý với mình. “Kẻ chê ta là thầy ta” vậy!).

        Thân mến

  10. Đàm văn Mai says:

    KHỔ NHỤC KẾ – LUỒN SÂU ĐÁNH ĐÚNG

    Trong lần phỏng vấn Lê thăng Long do ký giả SBTN Nghê Lữ thực hiện ngày 6/6/12 (Lê thăng Long bị kêu án 5 năm, được giảm án 18 tháng và ra tù ngày 4 tháng 6 năm 2012), trong câu cuối cùng với người Việt tỵ nạn ở nước ngoài – KG Nghê Lữ hỏi – Lê thăng Long kêu gọi người Việt ở nước ngoài hãy bỏ qua đi quá khứ (Những tội ác của cộng sản trước 75???) để thương yêu nhau (Hòa Giải, Hoà Hợp với công sản???) và cùng nhau xây dựng và kiến thiết đất nước Hoà Bình, thịnh vượng như một cường quốc (?) trên Thế Giới (???)

    Luận điệu sao mà giống hệt như Nguyễn Phú Trọng, Trương Tấn Sang,Nguyễn Tấn Dũng, Nguyễn Sinh Hùng và các chức trách hàng đầu của công sản như Phan Văn Khải, Võ Văn Kiệt đi giải độc các nơi trên Thế Giới trước đây?

    Có phải “Con Đường Việt Nam” mà Lê thăng Long (hiện còn đang quản chế tại địa phương ở VN) đang rêu rao kêu gọi, đặc biệt trên các diễn đàn online ở Hoa Kỳ, cũng từ đó mà ra? – Giảm án 18 tháng, còn đang bị cộng sản quản chế, kêu gọi Hòa Giải Hòa Hợp, quên quá khứ, xóa bỏ hận thù, yêu thương nhau (trong đó có cộng sản) xây dựng và bảo vệ đất nước (dưới sự cai trị của cộng sản).

    Mục tiêu “Con Đường Việt Nam” của Lê thăng Long đã lộ rõ là cứu đảng, một việc hàng đầu mà BCT cộng sản Hà Nội đang ra sức thực hiện. (Trong “Con Đường Việt Nam” không có một chữ, một câu, một đoạn nào nói đến cải cách chính trị liên hệ đến sự sống còn của chế độ cộng sản VN – trong khi ai cũng biết đảng cộng sản là nguyên nhân của mọi nguyên nhân đưa đến sự bất công và phân hóa Dân Tộc, hủy hoại nền móng đạo đức Xã Hội như ngày nay – mà chỉ nói chung chung đến việc “Chỉnh đốn Cơ Chế”, thay đổi Nhận Thức Lãnh Đạo đối với cộng cuộc Xây Dựng và Kiện Toàn Xã Hội Dân Sự để Nhân Dân đòan kết chung quanh đảng và Nhà Nước Pháp Quyền XHCN…)

    Thì ra, Lê thăng Long vào tù và ra tù sớm hơn bản án 18 tháng là nhằm kế “Khổ nhục” để “Luồn sâu, đánh đúng”, phụ lực với TBT Nguyễn Phú Trọng trong chiến dịch “Chỉnh đốn đảng” và “Cứu đảng”.

    “Khổ nhục kế” và “Luồn sâu, đánh đúng” là sở trường của cộng sản. Hãy coi chừng!

    • Trung Kiên says:

      Khổ nhục kế” và “Luồn sâu, đánh đúng” là sở trường của cộng sản. Hãy coi chừng!” (Đàm văn Mai)

      Thiển nghĩ, với câu trên đây không phải để ám chỉ anh Lê Thăng Long và “Con Đường Việt Nam”, mà chỉ là để nhắc nhở nhau, hãy cẩn trọng về những mưu mô quỉ kế của csvn…?

      Đã đến lúc anh Lê Thăng Long và những người sáng lập “Con Đường Việt Nam” hãy mạnh dạn “đánh ván bài ngửa” mới có thể tạo niềm tin cho mọi người!

      Thay vì kêu gọi bâng quơ, thì hãy nhắm thẳng vào lãnh đạo csvn, kêu gọi họ hãy thành thật và bày tỏ thiện chí xây dựng NỀN DÂN CHỦ, cùng nhau kiến thiết đất nước trong Hoà Bình, thịnh vượng, phú cường…

      • kien nhan says:

        Tôi đồng ý với Bác TK ,nhưng các bác đừng … csvn cũng là người VN mà ? đã vậy chúng ta cũng phải tự mình giải phóng dân tộc Việt va gp cho cả những người cs ? ở đây chúng ta không nhưng cần sự đóng góp xây dựng mà cần phải có con người ” một mình Tống Công Minh không thể làm nên chuyện nếu không có những con người còn lại ” tôi không có ý so sánh như vậy nhưng tôi chỉ có thế .
        Tôi nghĩ rằng dù cs có quái cở nào cũng không thể thắng 80 triệu dân và lực lượng hùng hậu người Việt hải ngoại ? hãy gạc giữ những khác biệt để tạo sức mạnh tổng lực vững chắc và chỉ được phép thành công …!
        kính chúc quý vị sức khỏe .

      • Trung Kiên says:

        Cám ơn bạn kien nhan đã góp ý phản biện!

        Mời Bạn đọc góp ý mới của TK ở trên và xin cho ý kiến thảo luận! Chỉ có tình ĐOÀN KẾT và TẤT CẢ CHO ĐẠI CUỘC thì mới thành công được!

        Chúc Bạn sức khoẻ, kiên cường và nhiều nghị lực…

Phản hồi