Những quy luật của thời gian
“Thay cũ đổi mới” vốn là lẽ thường xưa nay, thế gian này sự vật nào cũng tuân theo quy luật đó cả. Khi cái cũ đã hết vai trò lịch sử thì sẽ phải nhường chỗ cho cái mới hữu dụng hơn. Vì rằng, con người của thời đại nào thì sử dụng những phương tiện sinh hoạt của thời đại đó. Quy luật của cuộc sống là không ngừng tiến lên phía trước. Cái cũ dù là hữu ích cũng chỉ có vị trí xứng đáng nơi Viện bảo tàng, chỉ có cái mới tiến bộ là hiện hữu cùng thời gian hiện tại.
Mấy hôm trước tôi có vào một cửa hàng băng đĩa để hỏi mua mấy đĩa nhạc CD. Người chủ hàng ngồi buồn thiu đến độ ruồi bâu không muốn đuổi. Thấy tôi, anh hé mắt nhìn vào kệ đĩa CD rồi nói:
- Anh cứ vào mà chọn. Cũng chỉ còn những đĩa cũ, lâu nay tôi không lấy thêm vì không bán được, bây giờ không ai dùng đĩa CD nữa. Thời buổi này người ta sử dụng internet cả rồi.
Tôi xem kệ đĩa CD một lúc rồi cũng quay ra, vì quả thực không có đĩa hát nào mới, có lẽ người ta cũng không sản xuất nữa. Anh chủ quán nhìn tôi đồng cảm, rồi buông một câu não nùng:
- Có lẽ cũng sắp dẹp tiệm đến nơi rồi, sắp tới tôi cũng phải xoay sang bán hàng khác để kiếm sống thôi…
Tôi cười cảm thông với anh, và cám cho cái cảnh mạt vận của những phương tiện thông tin đã từng một thời thao túng thị trường âm nhạc. Tuy có buồn, nhưng lại thấy vui vui trong lòng. Vui là vì xã hội đã tiến lên, thời đại đã đổi mới. Có công nghệ mới thì cuộc sống con người mới có những bước phát triển vượt bậc. Cái mới thay thế cái cũ lạc hậu, xưa nay vốn vẫn là quy luật mà.
Từ chuyện băng đĩa mà lại ngẫm về thế sự nước nhà. Ấy là việc nhà cầm quyền vẫn không chịu từ bỏ cái mô hình nhà nước lạc hậu để mà cải cách chính trị. Vì rằng theo tôi, cái mô hình nhà nước độc tài chỉ tồn tại nhờ vào sự tuyên truyền lừa bịp và đàn áp dân chúng nay đã hết thời. Kiểu nhà nước đó bây giờ đã lạc hậu với thời đại đến 4 – 5 thập kỷ. Vậy mà họ vẫn quyết tâm “bảo vệ vững chắc chế độ xã hội chủ nghĩa”, mà không chịu nhìn ra thế giới để mà học hỏi và thay đổi.
Không nói đâu xa, Myanmar là một đất nước ở cùng khu vực Đông Nam Á với Việt Nam ta, họ đã có những thay đổi và cải cách chính trị ngoạn mục để mà tiến tới dân chủ. Vì vậy mà từ chỗ độc tài, bây giờ họ đã là một đất nước dân chủ tiến bộ. Cải cách chính trị là để có một mô hình nhà nước hiện đại, hiệu quả hơn trong mục tiêu phục vụ con người, vì sự nghiệp làm chủ của người dân.
Ngẫm cho cùng, thì mô hình nhà nước (thể chế chính trị) cũng giống như những sản phẩm khác mà ta sử dụng hàng ngày, chỉ khác nhau ở tầm mức và quy mô mà thôi. Ví như cái điện thoại cầm tay được nối bằng dây, bây giờ được thay bằng điện thoại không dây và di dộng. Và rồi điện thoại di động cũng không ngừng cải tiến hình thức và tính năng để trở nên một sản phẩm thông minh hữu dụng hơn. Cái xe máy hay ô tô cũng vậy, nó cũng không ngừng được cải tiến và thay đổi theo hướng phục vụ con người. Mà mô hình chính trị nó bao trùm mọi lĩnh vực đời sống, nếu chính trị lạc hậu thì thử hỏi làm sao mà các lĩnh vực khác tiến bộ được?
Ngày nay, với sự phát triển vượt bậc của khoa học công nghệ và internet, thì con người đã thực sự trở thành công dân toàn cầu. Mọi ranh giới về không gian và thời gian đã không còn mấy ý nghĩa nữa. Vì thế cho nên, những quốc gia có thể chế chính trị lạc hậu sẽ phải gánh chịu sự thiệt hại nặng nề về mọi mặt. Mà thực thể nạn nhân là những con người sống trong đất nước đó. Vậy nên, cải cách chính trị là một nhu cầu sống còn để quốc gia có thể cạnh tranh và phát triển.
Thay cũ đổi mới, vốn là quy luật phát triển xưa nay. Mong rằng Chính phủ hiện thời hãy vì lợi ích dân tộc mà tuân theo quy luật đó, chớ vì lợi ích riêng tư của bè đảng mà đi ngược lại xu thế toàn cầu.
“Sen tàn Cúc lại nở hoa
Đông qua Hè tới nay đà sang Xuân”
Thời tiết luân chuyển theo mùa, cũng như sự phát triển đi lên của vạn vật, đó vốn là những quy luật của thời gian vậy.
23/7/2013
© Minh Văn
© Đàn Chim Việt
DÒNG SÔNG CUỘC ĐỜI
Cuộc đời trôi mãi không dừng lại
Lịch sử dòng sông mãi thế thôi
Cho dẫu hai bờ luôn đứng lặng
Nước sông vẫn cứ mãi trôi hoài
Quả thật người xưa đầy sáng suốt
Hai lần ai tắm một dòng sông
Tưởng rằng một chỗ nhưng không phải
Dòng nước trôi đi mãi chẳng ngừng
Lịch sử luôn một dòng biện chứng
Tự mình phủ nhận mãi trên đời
Ai bắt dòng sông từng trụ lại
Đúng là ngờ nghệch lẫn ngu thôi
Độc tài tưởng nắm chùm chìa khóa
Thích mở hay xoay tự ý mình
Khắc nghiệt tội đồ trên thế giới
Một lần gương đó Stalin
Thương ông nhất thiết hơn cha mẹ
Tố Hữu ngày xưa đã nói rồi
Thơ quả chỉ toàn lời bỉ ổi
Tội đồ văn học quả vậy thôi
Lại nói lan sang Trần Đức Thảo
Tưởng rằng trí tuệ giống con nhà
Ai ngờ mở miệng toàn duy vật
Biện chứng làm đầu mới tổ ngu
Dòng đời mãi chảy là như thế
Hết Thảo hết Giàu hỏi tới ai
Tới hết văn chương đầy đĩ thỏa
Cũng tiêu Tố Hữu mãi trên đời
Bây giờ thế hệ sau thay thế
Chẳng biết văn chương một chút gì
Chẳng hiểu thế nào là âm nhạc
Sao đời lại càng lắm suy vi
Khúc sông nước đục chẳng hề trong
Cho khúc tiếp theo quả hận lòng
Lịch sử dòng đời là thế ấy
Nên cần luôn gạn đục khơi trong
Nhưng hỏi ai làm nên lịch sử
Có chăng cũng chỉ những con người
Người trong khiến sử thường trong vắt
Người đục làm đời cũng đục theo
Hô hào khẩu hiệu bao năm tháng
Giả dối khôn cùng những bởi ai
Ích kỷ chỉ mong mình lợi lộc
Đời mà như thế hỏi còn gì
Cho nên thức giả vốn trong đời
Một phải cứu đời hay lánh đời
Cứu đời càng chuốc bao nhiêu hận
Lánh đời một kiếp mới thong dong
Thế hỏi người đời khôn hay dại
Dại khôn cũng chỉ tại riêng mình
Khôn mà khôn lõi còn đâu quý
Dại muốn cứu đời ấy dại khôn
Cực chẳng đã ta đành mới viết
Nhiều thơ với những ý ngông cuồng
Nên có lắm người thường chê trách
Sợ rằng chỉ bị vướng Công an
Nhưng ta vẫn một lòng ngay thẳng
Việc đời sai đúng muốn nêu lên
Nào há vì mình chi cho mệt
Vì đời ta mãi mãi vô cầu
Vô cầu đời sống thong dong vậy
Như nước từ nguồn vẫn chảy xuôi
Chảy mãi để rồi tuôn ra biển
Biển xanh sóng biếc mãi bạc đầu !
ĐẠI NGÀN
(24/7/13)