WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Luân Hoán – Người kể chuyện bằng thơ

Tôi có hai ông bạn, là thông gia của nhau. Một ông nguyên là sĩ quan Việt Nam Cộng Hòa và ông là cựu bộ đội. Cả hai cùng cư ngụ gần thành phố Frankfurt/M. Có chung đến nửa tiểu đội cháu, sắp lấy chồng, lấy vợ đến nơi rồi, ấy vậy, hễ ngồi cùng bàn là hai ông chọc ngoáy, cãi cọ nhau. Kỳ nghỉ hè vừa rồi, tôi đi Wien vòng sang Paris, lúc về, tạt qua thăm cả hai ông. Trong bàn nhậu, tôi ngồi giữa, thế mà hai ông vẫn tranh luận, xỉa xói khá căng thẳng. Ông nào cũng cho, các nhà thơ, nhà văn khoác áo lính của (phe) mình là nhất. Dường như, thấy nguy cơ bát đĩa chuẩn bị bay, hai bà vợ hết cười lườm rồi lại quát, nhưng hai ông cứ khoa tay, múa chân đều đều. Có lẽ quen nhờn như vậy rồi, nên hai bà thở dài. Tôi phải ấn vai hai ông xuống, đùa giảng hòa: Em có hai người lính, nhà thơ, dù ở hai chiến tuyến khác nhau, nhưng có nhiều điều giống nhau đến kỳ lạ. Hai ông này, đại diện cho hai bác, có lẽ, bất phân thắng bại về tài năng cũng như nhân cách, nếu đem ra tỉ thí. Ngoài ra, dám tử vì thơ trong thời bèo cám này, có lẽ, chỉ còn sót lại hai ông thi sỹ này.
Hai ông bạn tôi nhao lên, sốt ruột bỏ mẹ, dài dòng làm gì, là ai, nói toẹt ra đi…
Vâng! Nếu như được lựa chọn, những nhà thơ yêu thích, mặc áo lính, trực tiếp cầm súng, ở cả hai chiến tuyến, trong cuộc chiến tàn khốc vừa qua, chắc chắn tôi nghĩ đến người lính VNCH Luân Hoán(Lê Ngọc Châu) và anh bộ đội Hoàng Cát.
Trong bài “ Hoàng Cát, Vết Chân Tròn Vẫn Cắm Sâu Vào Lòng Cát“ trước đây, tôi đã viết về tình yêu thơ ca mãnh liệt, cũng như thân phận trước và sau chiến tranh của nhà thơ Hoàng Cát. Mặc dù bị đánh tơi bời, cuộc sống cũng như linh hồn đã bị đẩy xuống tận cùng, sau vụ Cây Táo Ông Lành, Hoàng Cát vẫn vịn chặt vào những câu thơ mà sống. Với ông, thi ca là nguồn sống bất tận:
Nếu quả thật có luân hồi đổi kiếp
Xin hãy cho ta trở lại kiếp thi nhân“  (Hoàng Cát)      
  
 Khi Hoàng Cát ở bên này, bộc lời ước nguyện ấy, thì bên kia con sông Gianh, nhà thơ Luân Hoán tỏ lời tri ân:
“Cám ơn đất đá trổ thơ
Lòng ta hạt bụi bơ vơ bám hoài“
Cũng như Hoàng Cát, Luân Hoán được sinh ra và lớn lên trên dải đất miền Trung, nắng và gió. Nơi đây, là một trong những chiếc nôi sản sinh ra những thi hào, những nhà văn tài năng của dân tộc. Nhưng hận thù nào và từ đâu đến, làm họ không thể hòa thơ, thưởng nguyệt mà buộc phải nhả đạn vào nhau? Để rồi trên chính chiến trường đất Quảng này, cả hai, Hoàng Cát, Luân Hoán phải để lại một bàn chân trái vào cùng năm 1969.
Luân Hoán đến với thi ca từ rất sớm, năm 1964 vừa tròn 23 tuổi, ông đã bước vào làng văn với tập thơ Về Trời. Thơ Luân Hoán đi vào nhiều góc cạnh của cuộc sống, chiến tranh, thân phận con người và tình yêu quê hương, đặc biệt là tình yêu đôi lứa. Ông viết nhiều, lời thơ  dân dã, mộc mạc, gần gũi với những câu nói thường nhật. Do vậy, thơ của ông dễ đi vào lòng người, nhất là những người lính, học sinh và nông dân, thợ thuyền. Tuy được nhiều người đọc, người thích như vậy, nhưng thơ của ông có mặt hạn chế về chiều sâu, cũng như hình ảnh tưởng tượng. Nên khi đọc thơ của Luân Hoán, ta thấy hiếm (ít) có những bài thật hay, hoặc những câu, những đoạn bất chợt thăng hoa vụt sáng lên như trong thơ Du Tử Lê hay Nguyên Sa. Cũng cần phải nói thêm, dù thơ của Du Tử Lê có những bài rất hay, có câu đã gắn liền hoặc thay cả tên gọi của nhà thơ. Nhưng thơ Du Tử Lê, lại kén người đọc.
Viết đến đây, hai ông bạn già ghé mắt đọc, rồi véo tai tôi, hỏi lại, thế thì chú thích đọc ông nào nhất. Điều tất nhiên, tôi thích đọc cả hai, bởi vì mỗi nhà thơ đều có nét hay, đặc trưng riêng. Âu đó cũng là điều riêng biệt, góp phần làm phong phú nền văn học nước nhà.
Sinh ra và lớn lên trong chiến tranh, những ngày chạy loạn đã đi hết tuổi thơ của Luân Hoán. Trưởng thành, ông lại phải cầm súng xông pha nơi chiến trường, nên với ông chiến tranh chỉ là những tham vọng, ích kỷ của con người:
“ một con gà trống đỏ
một con gà trống đen
cùng nhìn về phương đó
khát vọng và bản năng
cả hai cùng hăm hở
đá nhau không nói năng”( Chiến tranh)
 Dù có nhân danh bất cứ điều gì, chiến tranh cũng chỉ để lại chết chóc, tàn phá quê hương, xóm làng và xé nát trái tim cũng như linh hồn con người, nhất là những người lính cầm súng trực tiếp nơi chiến trường. Sự tàn nhẫn này, không phải chỉ có mình người lính VNCH Luân Hoán viết và ghi lại, mà đồng đội của ông, nhà thơ người lính Huỳnh Hữu Võ đã từng viết: Anh phải ngủ thật nhiều ban ngày/để đêm từng đêm ngồi ôm súng gác/anh phải cười nơi đây thật to/để khỏi nghe tiếng súng/anh phải văng tục nơi đây cho đã/vì thiếu bóng đàn bà suốt tháng/anh phải thủ dâm. Còn hơn thế nữa, bên kia của chiến tuyến, giữa mặt trận đỏ lửa, anh bộ đội Đỗ Hoàng phải cay đắng bật thành thơ “Dừng lại vội vàng giây lát thôi/Thành quách ngày xưa đổ nát rồi/Sao cảnh trăm đời như vẫn một/Đầu hèn lính mọi lại sắp rơi!“  Và sau này, trong lúc ám ảnh của linh hồn, người lính chiến Bảo Ninh đã vạch trần sự tàn nhẫn, nỗi đau đó, bằng chính tác phẩm “Nỗi Buồn Chiến Tranh“ của mình.
Lời thơ lộn xộn, khi ngắn lúc dài với nhịp lên xuống bất chợt, nó là sự ám ảnh, thể hiện tâm trạng nhất quán cũng như hành động của thi sỹ Luân Hoán và những người lính trận, trong giai đoạn này. Cái bi quan và chán nản ấy, thể hiện đậm nét qua bài Trái Tim Hành Quân. Chúng ta đọc lại đoạn trích dưới đây để thấy rõ sự thật trần trụi đó:
 “…anh bây giờ là tên lính mù
chỉ huy một trung đội điếc
với chiếc còi trên môi
và hàng trăm câu chửi tục
anh ném vào lính của anh
niềm âu lo thương mến
biết chúng đã nghe được gì
ôi một trung đội điếc
lựu đạn nổ chẳng bằng tiếng gà gáy
lựu đạn nổ chẳng bằng dạ dày cháy lời thèm khát
chúng tiến
chúng tiến đến mục tiêu
anh dũng
chẳng phải một người bỏ mạng
cả bọn anh rồi sẽ hy sinh
ôi mục tiêu
mày là cái gì hỡi ?
có phải là miếng ăn
có phải là lá cờ tự do nào treo đó ?
anh đã biết nó là gì
em hỡi em, làm sao anh nói
anh chỉ là tên lính mù
chỉ huy một trung đội điếc
dù còn đủ tâm hồn
anh cũng sẽ đốt nhà
cũng sẽ bắn trâu bò, bắn gà vịt
không hổ ngươi
như lính của anh
phải sống
phải ăn
phải tàn bạo nữa
đó là điều cần trong cuộc hành quân…”
Dường như nhà thơ không dám, hay không thể gọi thành tên nỗi đau của cha mình, trong ngày gặp lại, khi người lính trẻ Luân Hoán đã là phế binh, từ mặt trận trở về. Nhà thơ cứ tưởng giấu nó vào trong thơ, sẽ giảm được nỗi đau chăng? Nhưng ông đã lầm. Chính những câu thơ với từ ngữ ẩn dụ, tưởng là nhẹ là êm ấy, chỉ cần một hình ảnh ba bàn chân khua thôi, nó đã nhói lên nỗi đau, mất mát, không chỉ riêng Luân Hoán và người cha già, mà người đọc cũng phải ngơ ngác, bàng hoàng theo:  
“…Dìu nhau về tới hiên nhà
Nạng con ngơ ngác, gậy ba bàng hoàng
 Không gian cùng với thời gian
Bỗng dưng khựng dưới ba bàn chân khua…”
luanhoan (1)
Có thể nói, Luân Hoán có tài kể chuyện bằng thơ. Mỗi bài thơ là một câu chuyện của bản thân, gia đình hay của bè bạn, mà ông đã chiêm nghiệm hoặc đi qua. Từ ngữ trong thơ, đọc lên như có cảm giác, tác giả bốc chỗ này một chút, nhón chỗ kia một tý, ghép lại, thế mà gợi lại một câu chuyện hay làm lay động lòng người. Cái thùng nho nhỏ, đoạn tre cũng nho nhỏ, nằm trong câu chuyện nho nhỏ, Luân Hoán nhè nhẹ kể lại một kỷ niệm khiêng nước, làm cho tôi bâng khuâng nhớ về ngày tuổi thơ. Cái ngày, Hà Nội thời bao cấp, thời ngăn sông cấm chợ, không dốc đá như nơi tản cư của Luân Hoán, nhưng thùng nước vẫn sánh đổ và vấp ngã luôn luôn. Bài “Khiêng Nước”, là một trong những bài thơ tiêu biểu cho tài năng này của Luân Hoán, tôi nghĩ, có nhiều người đồng cảm:
“một cái thùng con con
một đọan tre nho nhỏ
chị thương chịu nặng hơn
lâu lâu hơi cau có
em đi trước run run
đồn nghiêng vì vai thấp
dốc đá vấp luôn luôn
thùng va vào sau gót
một đôi lần em khóc
ngồi chùi vệt máu tươi
rắc lên chút đất bột
thế mà vui rất vui
giếng trong xanh nước mát
uống lưng một vành gàu
chị múc em đứng hát
nắng chiều vàng tàu cau
ngày qua ngày qua vội
mới đó thế mà già
chị chồng con lận đận
em bỏ xứ bỏ nhà
ở đây trời đẹp lắm
sao chẳng hề thấy vui
chẳng phải vì em khổ
chợt nhớ nhà đó thôi
ước chi được nhỏ lại
như những ngày tản cư
cùng chị đi khiêng nước
bắt nòng nọc vọc chơi”
Tuy không được đọc thơ Luân Hoán một cách có hệ thống, nhưng tôi cũng tưởng tượng ra ba giai đoạn, có lẽ bi đát nhất của cuộc đời ông. Vết thương vừa lành sẹo, Luân Hoán chưa kịp đứng vững trên chiếc chân gỗ của mình, thì biến cố tháng 4-1975 ập đến, ông lại phải tập tễnh bước vào trại cải tạo (tù). Rồi cứ tưởng thiên đường của cuộc sống sẽ là vòm trời Âu-Mỹ chăng?  Chỉ có Luân Hoán hiểu  và những kẻ lưu vong như chúng tôi thấu hiểu. Hơn thế nữa, cái đau của Luân Hoán là cái đau không thể sẻ chia, của người phế binh trong hoàn cảnh hoàn toàn bất lực. Vâng! Đau đến nỗi nhà thơ lưu vong Thế Dũng phải cắn răng viết: “ Lừa thai cho tuyệt chủng/ Kiếp lưu vong u cuồng”. Chúng ta đọc lại câu chuyện thơ đầy bi quan, mặc cảm, chán chường của nhà thơ Luân Hoán dưới đây, để thấy được thơ và đời của ông trong những ngày đầu đặt chân trên xứ người nhé:
“xin vợ dăm cents lẻ
dồn mua bia uống chơi
một mình ta một chiếu
xem ra vẫn thảnh thơi
bia chua hay bia đắng
nốc cạn cái cuộc đời
tại sao em đập chén
trong hồn ta em ơi
rảnh rỗi sao không viết
ngơ ngác cõi quê người
tiến lên thì bất lực
ngó lại hết đường lui
cái cần ta không đạt
cái đạt người không cần
lỡ tay đời thầy thợ
ước gì mọc lại chân
thì thôi, thôi cứ uống
không say thì gỉa say
hết bia còn nước lã
chơi cho đời biết tay”  (Một Chiếu)
Có một điều đặc biệt, nếu từ ngữ trong thơ của Luân Hoán nói chung dân dã, mộc mạc bao nhiêu, thì từ ngữ riêng trong thể lục bát của ông, trau chuốt giàu hình tượng bấy nhiêu. Nếu để thơ lục bát bên cạnh những thể thơ khác của ông, đọc lên, ta cứ ngỡ không phải do cùng một người viết ra.
Để diễn tả tâm trạng nhớ nhung, với vết bụi của thời gian, trong cái trầm lặng, u hoài khi ông về thăm ngôi trường cũ, Luân Hoán đã dùng hình tượng “Phủi sợi bụi già”. Chỉ một cụm từ mới này của Luân Hoán, làm cả bài thơ hay một cách đến lạ lùng. Thơ hay, nhất là thơ lục bát, muốn không bị nhạt và nhàm, dứt khoát phải có hình tượng và từ mới. Như một lần tôi đã viết:  Thơ hay dứt khoát phải có từ mới, hoặc cụm từ mới.Từ hay cụm từ mới không có nghĩa người viết chế, nghĩ ra, mà do cách sử dụng từ ngữ. Nhiều từ, cụm rất cũ, nhưng người viết đặt hoặc ghép trong câu đúng văn cảnh nào đó, gây bất ngờ cho người đọc, nó trở thành câu mới, nghĩa mới. Nhà thơ tài năng, ngoài kiến thức ra, dứt khoát phải là người có trí tưởng tượng và sự liên tưởng phong phú.
 Thật vậy, ta hãy đọc lại đoạn thơ dưới đây, để thấy được tài năng như vậy của nhà thơ Luân Hoán:
 “nhón chân phủi sợi bụi già
đóng trên khung cửa mở ra hững hờ
tôi nhìn trong nỗi bơ vơ
không thấy mà gặp thầy cô bạn bè…”
Thơ tình, nhất là tình yêu đôi lứa là đề tài được nhắc đến nhiều nhất trong thi ca nước nhà. Nó cũng là cảm hứng dường như bất tận cho người nghệ sỹ. Do vậy, để tránh được sự trùng lặp, nhàm chán, viết được một bài thơ tình hay rất khó, viết theo thể lục bát lại càng khó hơn. Có lẽ, cảm được điều này, nên Luân Hoán luôn luôn làm mới thơ của mình, kể cả hình thức dù là thơ lục bát. “Tình Xuân Lục Bát” là một bài thơ như vậy, ông đưa cả lời thoại nhân vật và những chấm, ngắt xuống hàng giữa câu, làm cho bài thơ có “khuân mặt” mới lạ. Dẫu là thế, nhưng hồn vía cả bài thơ lại nằm ở câu thơ cuối cùng:
“em vào,
nhớ khép cửa buồng
giữ hương xuân ấm chiếu giường quanh năm”
Nếu không có hình tượng ẩn dụ này, mở cả bài thơ, buộc người đọc phải suy ngẫm, thì nó chỉ là câu chuyện kể bình thường mà thôi:
“tháng chạp cải nở hoa vàng
rủ con bướm chở hương sang hiên người
lỡ lòng gởi sợi thơ tôi
khiến em lộ mặt, ngó trời, thở ra
trái tim có dịp la cà
qua thăm nhánh khế sau nhà người dưngrồi vì, em biểu rằng:
- đừng!
nên chi ,
em với ta cùng của nhau

một lần,
lần nữa, đến đâu…
đâm ra ở suốt bên nhau đến giờ

xuân xưa rất đỗi ngây thơ
xuân này tiếp tục ngây thơ bình thường
em vào,
nhớ khép cửa buồng
giữ hương xuân ấm chiếu giường quanh năm”

Tôi không tin, Luân Hoán là người không hoạt ngôn, như  đã đọc ở đâu đó. Bởi vì, những sáng tác của ông có yếu tố văn học dân gian. Ông đã đưa nhiều khẩu ngữ vào thơ. Tuy vậy, thơ Luân Hoán, ta ít bắt gặp những từ ngữ địa phương, như một số nhà thơ xứ Quảng khác. Luân Hoán viết nhiều, về mọi chủ đề và trong mọi hoàn cảnh. Kể cả những lúc bi đát nhất của cuộc đời, ông vẫn diễu đời giễu mình:
Mời anh qua Mỹ thị
Mời chị lên Hoà cuờng
Xe tôi vừa thay lốp
Ðảm bảo đi đường trường  …”
Thế Dũng đưa đặt vòng tránh thai vào thơ, đọc đã thấy sởn cả người, thế mà Luân Hoán đưa cả đi cầu, đại tiện vào trong thơ của mình, thì kinh hơn nữa. Nhưng quả thật, đọc lên, ta cảm thấy thanh, thấy khoan khoái là đằng khác, chứ chẳng thấy tục chút nào. Đúng như ai đó đã nói, ông Luân Hoán lúc nào cũng có thể “nhả” ra được thơ:
“đột kích lên Văn Bâng
rơi đúng vào giờ tý
trái, phải chân vấp chân
quân cờ người đã thí
từng phút từng phút qua
địch quân không chường mặt
ta ngồi bên bụi hoa
đại tiện thật thong thả” (Đột Kích)
Nhà văn Song Thao cho rằng: “Thơ Luân Hoán không thể là thơ không hay được. Nó như một hòn đá: nhìn bên ngoài tưởng như thô sơ, mộc mạc nhưng thật ra bên trong có chứa ngọc. Chất ngọc tinh tuyền vì nó được chắt lọc từ cuộc sống muôn vẽ muôn sắc”.
Vâng! Đúng như vậy. Nhưng tôi xin phép nhà văn Song Thao, được viết tiếp vào nhận định trên của ông một tí ti thôi: “Tuy nhiên do viết nhiều, những chất ngọc tinh tuyền ấy của Luân Hoán dù được qua trưng cất, nhưng đã để không ít vỉa sạn rớt xuống trang sách”.
Thật ra, cả đời viết văn làm thơ, người nghệ sỹ để lại cho đời vài, ba tác phẩm hay đã là thành công và đáng quí lắm rồi. Nhà văn, nhà thơ dù có tài giỏi đến mấy, viết hay đến mấy, có nhiều tác phẩm hay, chắc chắn phải có nhiều tác phẩm không hay. Tài danh đến như Xuân Diệu, Huy Cận, không phải không có những tác phẩm dở. Nhà thơ Luân Hoán viết nhiều, hơn thế nữa thơ ông dùng nhiều khẩu ngữ, do vậy có những bài dở, âu cũng là điều bình thường. Đọc bài “ Chuyện Xưa” ông viết gần đây, tôi ngỡ đây là những câu ứng khẩu vui vui, đọc lên trong lúc trà dư tửu hậu, chứ đây chưa hẳn là một bài thơ:
má con thời con gái
cũng xinh đẹp như con
chỉ có điều còn dại
đã sớm bị hớp hồn
 
ba nhớ ba hồi đó
đâu có gì là ngon
lại có hơi ba trợn
cộng rất nhiều ba lơn
 
rồi thì ba và má
dắt nhau bỏ trốn nhà
nhiều người bạn che chở
năm bảy bữa bỏ nhà
 
nếu không có ông nội
quen biết và khôn lanh
chắc ba ngồi gỡ lịch
tội dụ trẻ đầu xanh
 
cuộc tình ba và má
thơ mộng trong cam go
kết cuộc thật có hậu
các con đã biết rồi”
Sống ở trong nước, hay ở nước ngoài, trên nửa thế kỷ qua, Luân Hoán vẫn miệt mài cõng thơ trên đôi nạng gỗ của mình. Thơ ông luôn gắn liền với đời sống của mọi tầng lớp lao động. Dù đã trải qua bao biến cố đau đớn, nhưng thơ Luân Hoán vẫn đầy ắp tình người, tuyệt nhiên ta không thấy sự hằn thù nào ở trong đó. Mỗi bài thơ của ông như một câu chuyện phảng phất thiền ca đến ru người và ru đời vậy.
(Tiện đây, tôi đề nghị nhà thơ Luân Hoán, ghi lại rõ ràng, thời gian và địa điểm sáng tác, ở dưới mỗi bài thơ, vì khá nhiều bài trên các báo, kể cả trang luanhoan.net, không có. Điều đó, gây trở ngại cho những ai muốn nghiên cứu thơ cũng như con người Luân Hoán, nhất là thế hệ con cháu chúng ta sau này).
Leipzig ngày 1-11- 2013

© Đỗ Trường

© Đàn Chim Việt
 
 

3 Phản hồi cho “Luân Hoán – Người kể chuyện bằng thơ”

  1. T. says:

    Thưa ông cựu bộ đội hiện cư ngụ tại Frankfurt/M. tôi đố ông tìm được tạii miền Nam Việt Nam trong thời gian 1954- 1975 có một tên bồi bút nào bằng hoặc hơn tên Chó đ. Tố Hữu.

  2. phuongnam says:

    bức hình trong bài viết là họa sĩ VIVI sinh ở Vĩnh Long , thi sỹ Luân Hoán được sinh ra và lớn lên trên dải đất miền Trung, nắng và gió.??là một hay nhầm lẫn??!!

    • Trần Việt Bắc says:

      Đúng!
      Đây là hình của họa sĩ VIVI Võ Hùng Kiệt, người đã vẽ rất nhiều tranh về lịch sử cũng như những con tem thời VNCH.

Phản hồi