WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Từ ngõ Phất Lộc tới Weimar [kết]

Tiếp theo phần trước

 

Tôi ra cửa, bình thản như mọi lần, chả nhìn ngang ngửa, tôi cắm đầu đi ra chỗ đầu đường tìm xe ôm. Tâm hồn tôi phơi phới, từ lúc bị giữ đến lúc này đã mấy ngày, trải mấy trăm cây số, làm việc với bao nhiêu công an, an ninh…tâm trạng tôi chưa hề bị chấn động. Cảm thấy bình thường như bao lần tôi đã phải làm việc với cơ quan an ninh từ Lạng Sơn đến Hà Nội, Đà Nẵng, TP HCM. Thậm chí tôi còn lâng lâng cảm giác sung sướng đã can trường vượt qua những chuyện như thế.

Tôi đi qua cửa cơ quan an ninh mấy bước, bỗng tôi sững người không tin vào mắt mình nữa, trước mắt tôi là anh Khang, chị Hiền Giang, bác Nghiêm Việt Anh, vợ chồng Lê Dũng, Cường Bóng, Lê Thiện Nhân, anh Kim Môn…họ đứng chờ tôi từ lúc nào. Họ òa lên khi thấy tôi, mọi người xúm lại nhẩy cẫng lên ôm tôi vào lòng. Họ nói chờ đây cũng hy vọng mong manh, vì họ cũng không chắc rằng tôi ở đâu, tôi nghe họ nói một toán người nữa đang đi vào công an TP Vinh để hỏi về tôi, tôi nghe thấy Lân Thắng, Trương Dũng được thả về ngay đêm hôm ấy ở bến xe, họ đã không về Hà Nội mà loanh quanh tìm tôi với số tiền ít ỏi trong túi.

Mắt tôi nhoà lệ, tôi thấy mình nhỏ bé, thấy mình thật tủi thân, thật đáng thương. Tự nhiên đủ các cảm giác yếu đuối dồn lại như vỡ oà trong tôi. Thật lạ là tôi ứa lệ trong vòng tay bạn bè của mình, ngay trước cửa trụ sở an ninh điều tra. Tôi không biết nói gì để cảm ơn bạn bè, bằng hữu, các bác, cô chú đã lo lắng và chia nhau các ngả đi tìm tôi.

Mọi người đưa tôi về tận nhà, còn mua quà cho Tí Hớn, các anh chị bảo đi xa mấy ngày phải có quà về cho con chứ.

Không biết cuộc điều tra đến bao giờ kết thúc, một số đồ đạc của tôi vẫn bị tạm giữ với lý do là làm việc tiếp khi cần. Tôi cũng chả sốt ruột, chẳng phải người an ninh hỏi cung tôi đã nói, số phận của anh ta gắn với tôi còn rất lâu , chừng nào anh ta vẫn còn ở bộ phận này, chừng nào tôi vẫn còn những quan hệ hay hoạt động như thế ấy.

Nhưng thế nào đi nữa, tôi có những người bạn không phải ruột thịt, không quan hệ làm ăn, vụ lợi gì. Đã mỏi mòn chờ tôi trên cái vỉa hè, trong một ngày mùa đông giá rét nhất của mùa.

Tháng 2 năm 2013 tôi bất ngờ nhận được thông báo từ bên Đức, có thể từ phía Weimar tiếp tục gửi lời mời tôi đi nhận học bổng của thành phố. Tôi không ngờ những người Đức vẫn còn nhớ đến tôi. Câu chuyện về học bỗng tưởng như vĩnh viễn tôi không bao giờ hy vọng nữa, tôi đã xác định từ giờ đến cuối đời, khi còn thể chế chính trị này thì không bao giờ tôi nghĩ chuyện ra nước ngoài. Vài lần người của cơ quan an ninh đã đánh tiếng tôi hay gặp họ trình bày nguyện vọng, để họ xem xét cho gỡ lệnh cấm xuất cảnh không. Tôi nhất quyết từ chối, tôi hiểu đối với cơ quan an ninh thì không nên đến xin họ điều gì. Chả cứ gì cơ quan an ninh, mà bộ máy hành chính, pháp luật của đất nước Việt Nam là vậy. Người dân có nhu cầu gì đơn từ đều phải có chữ xin, người ta bảo đi xin làm giấy khai sinh cho con, xin cho con học, đi xin công chứng, đi xin xác nhận báo tử…mà người ở cương vị cho thì chả bao giờ dễ dàng cho không, họ phải đưa ra điều kiện này nọ, bởi thế kèm với từ xin là thói hội lộ, đòi hối lộ , tham nhũng mới xảy ra như chuyện bình thường trong đời sống.

Tôi cầm tờ giấy mời, nói với người liên lạc phía Đức mình đã bị cấm xuất cảnh, giờ muốn đi thì phải lên gặp cơ quan an ninh xin. Mà đã xin thì ở thế yếu, không chắc họ cho đi, có khi họ còn đòi khai thác tin tức, viết đơn kiểm điểm thú tội… nên có lẽ viết thư cảm ơn lời mời của thành phố Weimar trình bày hoàn cảnh của mình và quên chuyện đi học này đi. Cứ sống như đang sống cũng chẳng sao cả. Phía Đức họ có vẻ không bằng lòng vì thái độ chấp nhận của tôi, họ bảo tôi dù có không đi được cũng phải làm ra nhẽ, có tội thì để họ ( cơ quan an ninh) bắt tù chấp nhận luôn, còn không phải cho đi. Không thể cấm cái kiểu mờ mịt ấy được. Nếu tôi không thể hiện hành động nào, chứng tỏ tôi cũng không muốn nhận học bổng này, phụ tấm lòng của thành phố Weimar.

Tôi làm đơn khiếu nại về việc bị ngăn cản đi học, thêm một chút đòi lại những tài sản bị thu giữ hôm từ Vinh ra. Thanh tra công an TPHN là một cậu trẻ trực ban, cậu đọc lá đơn xong nhã nhặn cười nói.

Anh ạ, việc này em phải gọi sếp em ra thôi. Em không đủ thẩm quyền đâu.

Anh ta bảo tôi cứ ngồi đợi, hút thuốc lá cũng được không sao. Anh ta đi vào một lúc rồi ra với một vị thượng tá. Ông ta ghi nhận đơn và khuyên tôi nên gặp với cơ quan an ninh đã ra lệnh cấm xuất cảnh nói chuyện tình cảm với họ xem sao, nếu cần ông ta sẽ bố trí buổi gặp. Tôi nói nếu vậy đã không làm đơn, xin ông nhìn nội dung và cách viết đơn để hiểu rằng tôi là người thế nào. Ông ta lắc đầu như chán nản thái độ của tôi, rồi ghi nhận đơn hứa 7 ngày sau trả lời theo luật định.

Tôi cũng chuyển lá đơn của mình đến đại sứ quán Đức tại Hà Nội.

Ngay hôm sau, có giấy triệu tập của cơ quan an ninh điều tra nên làm việc về số đồ bị thu giữ. Thái độ của T thật lạ so với tất cả các lần trước, anh ta cười thoải mái, dễ chịu nói.

Ông gửi đơn lên giám đốc làm gì, rồi lại xuống đây thôi, ông nhìn xem có phải đơn của ông không.?

Tôi nhìn lá đơn đúng thấy của mình, có lời phê của giám đốc công an TPHN đề nghị phòng an ninh điều tra giải quyết về số đồ vật. T hỏi thăm sức khỏe, chế nhạo bạn tôi Lê Quốc Quân tuyệt thực trong tù chỉ được mươi hôm rồi lại ăn. Tôi nhìn cách anh ta gọi người pha trà, tôi hỏi.

Hình như ông lên chức à.?

T cười nói .

Chả giấu gì ông, ông cũng tinh bỏ mẹ, tôi cũng lên được tí chút. Nhờ làm việc với ông đấy.

Tôi cười nhạt.

Nhờ bắt được thằng Quân thì có, úp sọt nó tội trốn thuế mới có thành tích lên chức.

T nóng mặt gắt.

Nó trốn thuế, bên cảnh sát kinh tế làm, bọn tôi dính dáng gì.

Tôi nói.

Ông vừa bảo chả dấu tôi làm gì, giờ lại thế, tôi thấy công lệnh điều chuyển ông sang hỗ trợ với phòng cảnh sát kinh tế về vụ án Lê Quốc Quân rồi.

T nói.

Thì chúng tôi chung là công an, ở đâu có việc chúng tôi đi. Ông ngồi đấy tôi đi lấy đồ trả ông.

T lấy đồ, làm biên bản trả đồ, nhưng lại có đoạn hỏi về nguyên nhân bị giữ đồ là tự nguyện giao nộp cho công an để phục vụ điều tra. Tôi cãi tôi làm gì liên quan đến vụ án nào mà tự dưng nộp đồ của mình cho các ông điều tra, của người khác tôi cũng chả nộp đừng nói của tôi. Các ông cậy đông cướp của tôi.

T chỉ bút vào tôi dọa.

Cơ quan an ninh mà ông bảo cướp, tôi cảnh cáo ông, nếu không tôi khởi tố ông tội vu khống người thi hành công vụ luôn đấy nhé.

Tôi cười sằng sặc nói.

Đúng là ông cứ đùa, bao nhiêu lâu nay ông làm việc với tôi, điều 88 ,điều 79, điều 258 ,toàn những tội tày trời tôi chả sợ. Giờ ông đem cái tội vu khống người thi hành công vụ ra dọa khỏi tố bỏ tù tôi làm gì . Tôi đố ông làm đấy.

T cười, nói nhỏ nhẹ rất chân tình.

Ông Hiếu này, nói thật nhé, chả ai bắt tù ông đâu. Chúng tôi xác minh ông kỹ rồi, kể cả chuyện ông nhận vài ba món tiền, chuyện ông quan hệ với ai, làm gì, chúng tôi biết hết. Ông chỉ là cái loại ngứa mồm, ngứa miệng, đâm bị thóc , chọc bị gạo thôi. Chính trị chả đến lượt ông. Sau quả này ông về lo làm ăn. Tuy ông chưa đến mức độ, nhưng cứ nhiều lần như thế này , người ta ngứa mắt người ta cho ông đi tù luôn khỏi bàn nhiều đấy. Tôi nói thật, không dọa ông đâu, tôi không muốn phải làm việc với ông. Cũng không muốn ông phải vào tù. Cứ loanh quanh với mấy cái bọn vớ vẩn rồi anh hùng rơm theo nó thì khổ vợ con.

T làm xong biên bản trao đồ, anh ta đưa lại đồ vật cho tôi, rồi dặn tôi ngồi lại có sếp anh ta muốn gặp.

Sếp anh ta vào, vỗ vai tôi rồi ngồi xuống ghế, ông ta cứ ngắm tôi mà tủm tỉm cười. Lát sau ông ta nói.

Anh tiếc cho mày, tiếc lắm. Mày rất dại, mấy cái thằng viết báo bây giờ nó không bằng một phần của mày. Anh nói thật, mày hơn chúng nó nhiều. Chẹp ( ông ta lắc đầu như ngao ngán). Mày nghe anh, đi viết cho báo đàng hoàng. Lương tháng 10 đến 20 triệu, còn được phụ cấp, tiêu chuẩn nhà cửa, biên chế luôn. Anh bảo đảm cho mày, anh nói thật anh rất quí mày. Không mấy ai viết được như mày đâu, chả học hành gì mà giỏi thế. Phí quá, cứ đi viết linh tinh trên mạng, rồi mấy cái bọn linh tinh nó vất cho vài ba đồng vớ vẩn. Sống thế thì phí quá.

Tôi nói.

Vài ba đồng còi cũng đủ sống rồi, tháng chỉ cần mấy triệu là sống nhòe. Đi làm báo cho nhà nước lại phải chạy chọt, nịnh nọt cũng nhục. Giữa hai cái nhục đấy chọn cái nhục nhận tiền bạn đọc gửi, rồi mình thích viết gì thì viết đỡ nhục hơn.

Tôi nhận tiền bạn đọc gửi bằng tên thật của mình. Nên cũng chả cần phải khách sáo gì cái chuyện tiền bạc này. Vì chắc cơ quan an ninh cũng biết hết cả.

Sếp an ninh nói.

Nhưng tại sao mày phải thế cơ chứ. Mày phải lén lút đi chụp hình, đi chỗ này chỗ kia như ăn trộm. Mày làm báo nhà nước mày có thẻ, mày đến đâu giơ thẻ đàng hoàng mày làm việc. Người ta chẳng nể mày hơn. Mày thích viết đấu tranh với cái xấu, mày đi viết về tham nhũng, ai cấm mày đâu. Tao sẽ giúp mày.

Tôi sợ nếu tranh cãi với ông ta về chuyện này sẽ bộc lộ mình. Trước nay tôi vẫn núp dưới cái vỏ ất ơ, ngứa mồm lên mạng tán láo, viết lăng nhăng không có mục đích lâu dài hay tư tưởng gì lớn lao cả. Tôi nói.

Thế em về làm cá độ bóng đá, đúng nghề em hơn, anh giúp em nhé. Em bỏ hết viết lách, đi lại linh tinh luôn.

Sếp an ninh trợn mắt quát.

Mày toàn nghĩ những cái tiêu cực, nghĩ cái gì nó phải trong sáng, đàng hoàng, có tương lai. Mày làm thế tao bắt mày ngay. Giúp là giúp mày có công việc tử tế, phù hợp với mày, để nuôi vợ con gia đình. Làm người tốt cho xã hội, cơ quan an ninh có mong ai xấu để bỏ tù đâu. Người ta có sai thì uốn nắn, chỉ bảo. Có điều kiện thì giúp đỡ họ đi vào con đường tốt. Giờ mày nghĩ đi, anh cho mày nghĩ, thực sự muốn trở thành người tốt. Anh đứng ra, không phải anh mà CATPHN này sẵn sàng đứng ra bảo lãnh cho mày làm ở tờ báo đàng hoàng nào đó. Nói là làm, chính quyền không nói sai để mày mất niềm tin rồi nghĩ tiêu cực.

Tôi xuôi xuôi.

Vậy anh xin cho em vào báo Gia Đình, Phụ Nữ, Nông Thôn Ngày Nay hay du lịch, văn hóa gì đó vậy.

Sếp an ninh lại quát.

Vớ vẩn, mấy cái báo lá cải đấy làm làm gì, đã làm là phải làm báo nào đàng hoàng, báo nhà nước biên chế hẳn hoi. Đi làm mấy cái báo đấy làm cái gì.?

Tôi hỏi.

Vậy thì báo nào bây giờ, em chỉ biết mấy báo đó là phù hợp với em.

Sếp an ninh TP dứt khoát mạnh mẽ.

Làm báo Nhân Dân, Hà Nội Mới, An ninh Thủ Đô ..toàn báo lớn , đàng hoàng. Được chưa.?

Tôi cố nhịn cười, giữ nét mặt thật thà nói thành khẩn.

Thôi anh ạ, trước hết em cám ơn anh, anh nói thế em hiểu là anh rất muốn tạo điều kiện giúp em. Nhưng dù sao con đường em đi cũng có những anh em bạn bè bên cạnh. Những người đó với các anh có thể là tội phạm, hay đối tượng. Nhưng với em dẫu thế nào đi nữa cũng là bạn bè, mình đã đi chung với họ. Nếu vì hoàn cảnh gia đình, mình có thể bỏ cuộc nửa chừng. Nhưng trở cở thì em không thể. Mấy cái báo anh nói toàn chửi họ, giờ em vào đó thì khác nào em trở cờ. Dù em vào đó không viết bài chửi họ. Nhưng sẽ có tiếng đồn , đấy thằng Hiếu giờ làm báo đó rồi, trắng mắt ra rồi, phải quay đầu về núi phục thiện. Ở hoàn cảnh họ, chắc em cũng đau lòng, cảm thấy mất mát. Dù là nhà văn, nhà báo hay gì đi nữa, bản chất em vẫn là dân giang hồ. Không thể làm điều đó được. Giờ các anh tốt thế này, em cũng khó nghĩ nếu cứ làm phiền các anh. Để em về xem có công việc gì em làm như làm nội thất, quảng cáo rồi em xa dần những chuyện chính trị, chính em.

Sếp an ninh gật đầu.

Không ai gọi mày là trở cờ, chỉ mấy thằng vớ vẩn. Nhưng mày không nhận sự chân thành của anh em tao. Không ai ép, về làm ăn như thế cũng được, có gì khó khăn thì gọi anh. Anh hứa nếu việc của mày là đúng, anh cởi bộ áo này ra để giúp mày anh cũng giúp. Mày là người tốt, chẳng qua không ai hướng dẫn, mày đi lung tung thôi. Giờ thì đến trưa rồi, anh em mình cũng chưa ăn một bữa ra trò bao giờ. Tao mời mày với mấy anh em ở đây đi ăn một bữa tình cảm, đúng nghĩa anh em. Không phải công việc gì hết, bỏ mẹ nó sang bên. Con người ngoài công việc phải có chữ tình, ai sống mà chả phải có tình cảm bạn bè, anh em cơ chứ.

Tôi lắc đầu từ chối.

Trưa em phải về, còn con em ở nhà. Em cám ơn anh.

Lần đầu tiên tôi chủ động đứng dậy, khoác túi lên vai chuẩn bị rời khỏi trụ sở an ninh mà không cần ai cho phép. Tôi đọc thấy cuộc gặp này dường như là lần gặp cuối cùng với cơ quan an ninh điều tra. T tiễn tôi ra cửa, anh ta nói.

Sếp đã mở đường thế, đích thân sếp đã nói thế rồi, ông nghĩ kỹ đi, cơ hội trong đời không có nhiều đâu. Thật sự làm việc với ông bao lâu nay, chưa bao giờ tôi muốn ông bị bắt bớ tù tiếc gì.

Tôi bảo T.

Không cần phải mang ơn các ông nhiều quá. Chuyên án của tôi kết thúc là may cho tôi lắm rồi.

Tôi quay lại nhìn thẳng vào mắt anh ta hỏi.

Có phải đã kết thúc rồi không.?

T cười , không trả lời, ánh mắt anh ta lấp lánh.

Tôi ra cửa, T nói.

Thỉnh thoảng gọi điện nhé, rảnh anh em cà fe, tôi không hỏi han xoáy vào việc gì đâu. Ông đừng lo, anh em nhớ nhau thì gặp thôi.

Tôi đi về nhà mẹ. Mẹ tôi đang ngồi tỉ mẩn gấp cái áo, tôi nói với mẹ.

Mẹ à, có thể con sẽ đi rất lâu, không biết bao giờ mới về, chắc chỉ thời gian nữa con sẽ đi học bên Đức. Chương trình mời học là 6 tháng, nhưng con cảm thấy sẽ còn lâu hơn mẹ à.

Mẹ tôi hỏi.

Người ta cho anh đi à, họ nói sao.?

Tôi đáp.

Họ không nói gì, nhưng con cảm giác thấy là họ đã để con đi. Con nói trước để mẹ biết. Có thể lúc con đi, con không qua chào mẹ được.

Mẹ tôi nhìn tôi rồi nói.

Con yên tâm mà đi, ở nhà mẹ sẽ bảo các anh chị lo cho Tí Hớn. Mẹ còn đây mẹ còn bảo được anh chị. Con đừng lo, học hành cho tốt con ạ.

Nét mặt mẹ tôi không vui, không buồn. Cuộc đời của mẹ tôi quá đắng cay, nhiều chia ly đau đớn đã khiến mẹ tôi không bộc lộ cảm xúc gì trên gương mặt. Tôi cũng chẳng còn nhớ nổi là mẹ tôi đã bao nhiêu lần nghe tin con mình bị bắt nữa.

Mấy hôm sau tôi có giấy gọi của thanh tra công an TPHN lên làm việc. Tại đây tôi gặp lại người quen cũ, người quen đã hỏi cung tôi hồi năm 2011, anh ta giới thiệu là thượng tá, phó phòng an ninh. Anh đề nghị tôi viết tường trình việc đi học, nội dung gì, thời gian bao lâu, nơi nào mời. Sau đó anh ta bảo tôi viết cam đoan trong quá trình học ở nước ngoài không làm gì xâm hại đến chế độ.

Tôi bảo không viết thế được, chế độ biết là chế độ nào? chế độ VNDC Cộng Hòa? chế độ phong kiến hay chế độ CHXNCH Việt Nam.?

Anh ta nói viết là chế độ CHXHCN Việt Nam.

Tôi lại lắc đầu. Tôi bảo chả lẽ chỉ viết duy nhất có thế, thì người ta lại hiểu là riêng chế độ CHXHCN Việt Nam thì không được chống. Còn chế độ khác chống thoải mái à, vậy thì làm khủng bố Che , không chống Cu Ba thì đi chống nước khác à.? Không viết thế được. Không đi học được thì thôi ở nhà. Chả cam đoan gì nữa, các ông đi bắt mấy ông đại sứ Đức , ông thị trưởng Weimar cam đoan. Họ mời tôi đi học, chứ tôi có muốn đi đâu.

An ninh bảo tôi làm khó họ. Bao nhiêu trường hợp bình thường khác đi còn phải làm cam đoan, huống chi thành phần như tôi bao lần phải ra vào cơ quan pháp luật. Đi mà lại không có cam đoan thì làm khó cho họ, vì tiền lệ đều thế.

 

Cuối cùng tôi thống nhất sẽ ghi không làm phương hại đến dân tộc và đất nước Việt Nam.

Bản cam đoan làm xong, tôi đòi phải có giấy hủy bỏ lệnh cấm xuất cảnh. Tôi nói.

Trước các ông cấm tôi có giấy, giờ thì phải có giấy hủy cấm. Không tôi ra sân bay chuẩn bị đủ thứ, ở đó người ta cấm thì tôi lại quay về à. Không có giấy hủy cấm tôi không đi.

An ninh bảo.

Chúng tôi không có giấy hủy cấm, anh cứ ra đó là đi được, nếu cần tôi đưa anh đi.

Tôi nói.

Nhưng người Đức họ làm việc phải có chứng cứ, không có giấy họ không tin.

An ninh bảo.

Vậy anh cứ về đi, sẽ có giấy cho anh.

Tôi nói có giấy để tôi còn đi làm hộ chiếu, vì cục xuất nhập cảnh đã ra lệnh cấm, giờ tôi đi làm hộ chiếu không có giấy đó họ không làm cho. Anh ta hỏi hộ chiếu tôi trước đâu, tôi trả lời.

Tôi đốt rồi, lần trước ông Doãn bên PA72 bảo tôi là cấm xuất cảnh tôi còn dài vì thái độ tôi. Tôi về đốt quách hộ chiếu luôn, khỏi phải nghĩ chuyện đi. Cầm cái hộ chiếu có visa, nhỡ khi lúc nào giận gia đình lại xách balo vượt biên sang Thái thì thành ra đi lén lút.

Các an ninh phì cười, thở dài ngao ngán, họ bảo.

Anh thật manh động, thôi chúng tôi sẽ làm lại cho anh. Ngày nào anh đi.?

Tôi trả lời.

Đúng lịch thì 4 hôm nữa tôi đi. Giờ có hộ chiếu tôi còn phải đi xin vi sa, nên không biết bao lâu.

An ninh nói.

Vậy có lẽ anh phải đi chậm vài hôm, chúng tôi sẽ làm sớm cho anh.

Tôi trở về nhà, hôm sau đại sứ quán Đức báo tin Bộ Công An đã cử người đến đại sứ quán báo tin cho phép tôi được xuất cảnh.

Có điện thoại gọi tôi lên CATPHN nhận hộ chiếu. Người ta đưa tôi qua cánh cổng chính, không phải cái lối đi vào chỗ lấy hộ chiếu vốn dĩ ồn ào vì người đến làm hộ chiếu, cò mồi, trông xe hỗn loạn. Cổng chính CAHN đồ sộ và hoành tráng. Người đưa tôi vào nói với gác cổng.

Anh này lên gặp giám đốc?

Tôi đi theo anh ta, vào phòng khách của CATPHN. Một lát sau giám đốc công an TPHN Nguyễn Đức Chung vào. Giám đốc Chung bắt tay tôi, rồi bảo cấp dưới rót nước. Giám đốc Chung nói như tâm sự.

Cái việc đi học của anh thì tôi nhất trí giải quyết cho anh đi. Anh biết đây, tôi mới nhậm chức được vài tháng, cũng chưa đâu vào đâu cả. Còn bề bộn hàng đống việc, nhưng việc anh đi tôi cũng gắng xem để anh hưởng quyền lợi. Chả giữ anh làm gì, cái gì chính đáng, tốt thì cũng nên làm. Tôi và anh hơn nhau chẳng bao tuổi, chúng ta còn phải gặp nhau trong cuộc đời này ít nhất là 20 năm nữa. Nên làm được gì có tình cảm cho nhau cũng là cái nên làm. Mong anh đi học được tốt đẹp. Sang đó nên chấp hành pháp luật sở tại cho người ta đỡ nghĩ xấu về dân mình. Còn về những chuyện xã hội, ai cũng mong cho đất nước tốt hơn. Tôi nghĩ anh cũng muốn thế, ở cương vị chúng tôi càng muốn hơn anh. Anh sang đó có điều kiện, tập trung học có kiến thức sau này về giúp đất nước. À mà tôi cũng từng qua Weimar rồi đó, thành phố đó nhỏ và đẹp. Ngày xưa năm đầu 90 tôi có từ Áo đi qua đó, hồi tôi con đi học. Tôi cũng xuất thân từ nông thôn, cũng chẳng phải là gì đáng nói. Anh uống nước đi, đi học thế thu xếp được việc nhà cửa chưa?

Tôi nhấp ngụm nước, nhìn ra bên ngoài thấy mấy sĩ quan cấp tá ôm hồ sơ lấm lét ngó vào, như muốn gặp giám đốc xin chỉ đạo gì đó. Nhưng thấy có khách , chả biết khách loại gì nên cứ rón rén lấp ló. Tôi trả lời muốn cho nhanh.

Em có một đứa con, nên không phải lo lắm, em sang đấy học thôi, chương trình đủ mệt rồi. Chẳng còn sức để tâm đến gì đâu.

Giám đốc CATPHN Nguyễn Đức Chung nói ân cần.

Bạn bè tôi ngày xưa đi học phổ thông, có người sau này làm việc này, việc kia, như tôi vào công an. Nhưng cũng có người đi lao động, đi học ở bên đó. Có người làm ăn được lắm, nếu anh sang đó khó khăn gì, cứ gọi về cho tôi. Sẽ có người giúp đỡ anh, anh không phải ngại đâu. Tôi nói rồi, làm gì tốt được cho nhau thì nên làm giữ cái tình.

Tôi trả lời.

Em sang đó, có học bổng, nhà cửa, mọi thứ người Đức lo. Chắc không có gì đâu ạ, em cũng không muốn phiền ai. Cám ơn anh.

Giám đốc Chung nét mặt ưu tư, băn khoăn một lát rồi nói.

Tôi biết anh là người có quan hệ qua lại với nhà thờ Thái Hà. Nếu trước khi anh đi, anh giúp gì cho mọi việc êm ấm thì tốt. Anh có thể nói với các linh mục làm đơn xin đất được không?. Bây giờ đất dự án không triển khai nhà nước thu hồi lại. cũng nhiều chỗ đẹp. Toàn đất dự án đẹp đấy, không phải đất xấu đâu. Thôi thì nhân lúc có cơ hội này đất đai đang có, anh nói với các linh mục làm đơn xin để thành phố cấp đất cho. Chứ chỗ đất bệnh viện cũ là chuyện lịch sử, thẩm quyền tôi trông thế những có hạn lắm. Tôi cũng muốn sao mọi việc yên ổn, cứ căng thế này cũng mệt. Trông đi trông lại toàn là dân Việt mình với nhau.

Tôi nói cũng chân thành.

Đúng là em có quen họ, em hiểu họ. Như mình dù có ở thành phố , có tiền mua biệt thự ở thành phố, mua trang trại sinh thái ở Hòa Lạc. Nhưng miếng đất tổ ở quê dù có xa xôi, xấu xí đến mấy thì đã là người Việt , ai chẳng muốn nó. Lỡ có đói nghèo thời ông cha mình phải cầm cố, bán đi hay chiến tranh loạn lạc, phân chia lại đất đai theo chính sách. Thì bất kể thế nào đi nữa, chúng ta đều muốn có ngày được sở hữu lại miếng đất ấy. Họ cũng thế thôi, bệnh viện còn nguyên kiến trúc cũ, từ đường nét bức tường, từ mái ngói, từ cây thánh giá trên cao. Mỗi lần họ nhìn, họ trong lòng thế nào, chúng ta đặt địa vị họ đều hiểu. Đây là em nói khách quan nhìn theo tình cảm người Việt mình, không phải là bênh vực họ. Còn ‎ việc anh nói , em sẽ chuyển lời đến các linh mục. Thực ra em chỉ có cơ hội gặp được các linh mục lúc nào cũng được. Chứ công việc của họ em không có ảnh hưởng gì. Đến những giáo dân nhiệt thành có danh vọng trong xã hội, trong bộ máy nhà nước cũng không thể tác động được, huống chi em là người ngoại đạo, nhất là lại thành phần lông bông. Vì có duyên mà qua lại chơi được với nhà thờ thôi. Nhưng trước hết việc sửa chữa bệnh viện Đống Đa phải dừng lại đã anh ạ.

Giám đốc Chung đứng dậy, trao cho tôi cuốn hộ chiếu và chúc tôi đi học hành kết quả tốt đẹp.

Tôi qua nhà thờ, vào gặp cha bề trên nhà thờ Thái Hà. Linh Mục Vũ Khởi Phụng, tôi chào Cha và kể sẽ đi học. Lâu nay tôi vẫn coi linh mục như người cha của mình, ông cũng trạc tuổi cha tôi. Linh mục là người hiền từ, nhân hậu và rất uyên thâm sách sử. Tôi kể lại câu chuyện gặp giám đốc CATP, linh mục Vũ Khởi Phụng ngước đầu lên nhìn sang phía bệnh viện Đống Đa, mái tóc bạc rung rinh, linh mục vừa qua cơn trọng bệnh phải đi điều trị bên Mỹ. Sức khỏe ông đã yếu đi nhiều, chỉ có nụ cười nhân hậu và đôi mắt đôn từ là y nguyên như lần đầu tôi gặp. Ông cũng là người cho tôi cư trú trốn nạn trong nhà thờ nửa năm trời, đối đãi ân cần, chu đáo. Có lẽ chẳng người ngoại đạo nào được trú ở nhà thờ như vậy. Linh mục Phụng vẫn đùa nói với tôi, biết đâu anh là con người có thể làm việc lớn cho đất nước. Cách đây khoảng 60 năm cũng có một người phải trốn trong nhà thờ như anh. Sau này ông ấy là một nhân vật lớn trong lịch sử nước nhà. Lịch sử có thể lặp lại lắm chứ, nhà thờ Thái Hà này là một nơi cũng rất linh thiêng, nhiệm mầu đấy.

Linh mục u buồn nói.

Anh nói với họ vậy, anh cũng hiểu lòng chúng tôi. (ánh mắt linh mục hướng về mái nhà bệnh viện Đống Đa, nơi trước kia của nhà thờ). Đúng là mỗi viên gạch nơi đấy như có hồn, mỗi lần đi qua tôi cảm giác được tiếng nói từ những viên gạch, bức tường nơi đó. Đúng là đành phải để mọi sự như vậy thôi.

Tôi nói.

Vâng con biết, con chỉ nói lại, cái gì nói được con cũng nói với chính quyền rồi. Bây giờ bên bệnh viện người ta còn đang đập phá, sửa chữa. Như vậy cũng chẳng biết nói chuyện với nhau kiểu gì nữa. Thôi Cha mạnh khỏe, con đi chẳng biết bao giờ gặp lại Cha nữa.

Tôi giã từ Linh mục Vũ Khởi Phụng, cụ nói sẽ cầu nguyện cho tôi.

Tôi mang ơn nhà thờ Thái Hà rất nhiều, không phải về vật chất. Mà vì quãng thời gian qua lại, giao tiếp cùng với các linh mục. Tôi hoàn thiện con người mình nhiều hơn, nhân ái hơn. Nhìn sự việc có chiều sâu về thời gian một cách nhân bản hơn. Ví dụ một người làm điều không phải bây giờ, ta phải đối xử sao cho sau này khi họ có muốn trở thành người tốt, lúc đó ta còn quan hệ gặp họ để tạo điều kiện giúp đỡ họ. Điều mà trước kia không bao giờ tôi nhìn nhận như vậy, kẻ nào hại tôi, phản tôi , lập tức tôi sẽ nghĩ cách trả thù, tỏ thái độ thù nghịch ngay.

Không phải xếp hàng trong đoàn người làm visa, tôi được nhân viên bảo vệ đại sứ quán Đức dẫn thẳng vào trong. Họ thông báo cho nhau vui mừng.

Bùi Thanh Hiếu đến rồi.

Một nhân viên làm visa nhìn tôi nở nụ cười rạng rỡ, anh ta giơ tay chào tôi như một người lính thắng trận trở về. Tôi chỉ đưa hộ chiếu và chẳng phải khai báo gì, hẹn hai hôm sau sẽ lấy. Khi tôi đến cầm hộ chiếu và tấm vé máy bay, tôi nhìn tấm vé thấy chỉ còn một ngày nữa tôi phải đi. Người đưa vé máy bay nói.

Còn một hôm, anh hãy đi ngắm Hà Nội, cố gắng chụp thật nhiều ảnh vào.

Tôi ra đến cửa sứ quán, nhân viên bảo vệ hỏi thân mật.

Hình như anh là người vừa thắng vụ kiện nào?

Tôi chỉ cười, không trả lời câu hỏi quá khó của anh ta. Đi sang bên kia đường là nhà của tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ. Tôi chào chị Dương Hà nói mình sẽ đi , mắt chị rưng lệ, chị nói.

Thôi em đi cũng là may, thiếu em chị cũng vất vả, có em còn chạy qua chạy lại khi có việc gì. Em đi may mắn nhé, thế cũng là tốt lắm rồi.

Tôi đi quanh Hà Nội, đi bộ từ phố này sang phố khác. Hà Nội tấp nập , nhộn nhịp người xe như mắc cửi. Cái cảnh xô bồ của Hà Nội ngày hôm nay khác với Hà Nội trong tôi. Tôi nhớ những trưa hè Hà Nội vắng tanh, lâu lắm mới có một người đạp xe kẽo kẹt trên đường. Hà Nội của tôi ngày ấy đi cách xa nhà đến vài dãy phố người ta vẫn nhận ra nhau. Từ nhà tôi đi ra đến Lò Sũ, Hàng Dầu bọn trẻ bằng tuổi nhau đều biết mặt, biết tên nhau hết. Tôi đi như đứa trẻ lên mười trên những vỉa hè của Hà Nội cách đây 30 năm, nắng hè xuyên qua tán lá vẫn đổ trên hè phố, đó là cái duy nhất không thay đổi của Hà Nội theo thời gian.

Đi đến chỗ vườn hoa ngày xưa mẹ và chị tôi bán hàng rong ngồi ngày trước, tôi ngả người trên chiếc ghế ngắm những cái cây me già, cây muỗm vẫn y nguyên. Tôi đến đầu ngõ Vũ Lợi, nơi mà bố tôi ngồi gò lưng làm nghề sửa kính bút. Vỉa hè là nơi bố mẹ tôi kiếm tiền nuôi sống gia đình. Lúc tôi bé bố cho tôi đi theo. Mỗi lần công an đến, bố tôi đóng cái hòm kính bút lại rồi cho tôi ngồi lên trên, đặt sau yên xe đạp bố dắt xe chạy công an.

Tôi viết mấy dòng chữ cho con trai, để giữa nhà cho con đi học về dễ thấy. Hành trang tôi mang theo là 30kg sách, 4 kg trà và hai bộ quần áo. Ở sân bay người ta để tôi đi một cách nhanh chóng. Tôi gọi điện chào mẹ rồi lên máy bay. Quê hương xa dần dưới cánh phi cơ, đây là giờ ăn cơm chiều trong tù, ở tù giờ ăn cơm chiều sớm hơn so với ở nhà, tôi nghĩ đến những người bạn của mình đang ngồi bên bát cơm bằng nhựa và mấy cọng rau luộc, bát nước mắm may mắn nếu có quả ớt.

Tôi gọi người bảo trợ là Giắc, tên tiếng Đức của ông ta là Sachs. Tôi đi theo ông ta đến tòa thị chính thành phố gặp ông thị trưởng, người đã đứng tên trong giấy mời tôi nhận học bổng. Tất cả mọi người có mặt tại văn phòng thị trưởng thành phố đều vui mừng khi tôi đến nơi. Tôi biết được họ đã nỗ lực thế nào nào để tôi có mặt nơi đây nhận học bổng. Nhiều việc giấy tờ, thủ tục được làm gấp gáp để tôi đi được đến đây. Tôi nhìn những người xa lạ, thấy niềm vui rạng rỡ trên khuôn mặt của họ, dường như họ đang mừng vì giúp được người thân thích của họ một việc lớn thành công.

Văn phòng của ông thị trưởng thành phố Weimar chỉ bằng văn phòng cấp phường ở Việt Nam. Thậm chí đồ đạc , bàn ghế còn chẳng sang trọng bằng. Họ nghe tôi kể về những lần bị bắt vì đi đến những chỗ có biểu tình chụp ảnh đưa lên blog. Và những lần bị triệu tập thẩm vấn về những bài viết trên blog. Ông thị trưởng đã được đọc vài bài của tôi đã dịch ra trước. Ông cười nói.

Ở đây không ai bắt anh vì những điều anh viết như thế, anh có thể chửi tôi là một thằng khốn nạn, anh có thể chỉ trích cái chính sách của chính phủ này tồi tệ. Tôi cam đoan không ai bắt anh vì điều đó cả. Tôi và anh bằng tuổi nhau, thật là sự trùng hợp rất vui đấy.

Cuộc nói chuyện, hỏi han xong, đích thân ông thị trưởng dẫn tôi đến phòng làm đăng kí cư trú làm thủ tục.

Ông Giắc đưa tôi về căn hộ dành cho tôi. Đó là một căn hộ đẹp, trong đó có đầy đủ đồ dùng từ bếp, nồi, đĩa , giường nệm, ti vi , tủ lạnh, máy tính…ông hướng dẫn bằng động tác để cho tôi biết cách dùng mọi thứ. Ông đưa tôi ra siêu thị để tôi biết cách mua thức ăn. Những ngày đầu ông Giắc qua tôi để xem tôi cần gì. Ông dẫn tôi đi tìm mua xe đạp, nhưng chẳng chiếc nào ông ưng. Cuối cùng ông lấy chiếc xe của con ông mang đến cho tôi. Đó là chiếc xe rất đẹp.

Tôi trao đổi mọi thứ với ông Giắc qua mail. Dùng phần mềm dịch tiếng ở google đủ để tôi hiểu ông muốn nói gì và trả lời ngược lại với ông.

 

Chụp ảnh cùng thị trưởng thành phố Weimar

Chụp ảnh cùng thị trưởng thành phố Weimar

Ông Giắc là một nghệ sĩ điêu khắc, ông dẫn tôi đi tham quan thành phố và chỉ cho tôi những bức tượng đá của ông đặt ở những khu vực công cộng trong thành phố. Tôi chỉ láng máng hiểu ông ở trong một tổ chức gồm các nghệ sĩ. Nhóm nghệ sĩ này trích tiền thu nhập bán tác phẩm của họ ra để giúp các nghệ sĩ, nhà văn ở các nước khác bị khó khăn. Mời các nghệ sĩ đó đến thành phố Weimar ở với điều kiện tốt, an bình để tập trung sáng tác.

Weimar nhỏ bé, thanh bình và hiền hòa. Không xô bồ, náo nhiệt như những thành phố lớn. Weimar như người thiếu nữ khiêm tốn bên khung cửi, dệt vải và nhìn qua cửa sổ mỉm cười với khách bộ hành đi ngang qua. Weimar nhỏ bé ấy mở vòng tay bao dung cho những người nghệ sĩ từ khắp nơi trên thế giới, ở những quốc gia mà nền dân chủ còn chưa đến với người dân. Căn phòng tôi đang ở trước đó đã có một người Cu Ba, trước nữa là người I ran.

Không khí trong lành, số tiền học bổng đủ cho tôi sống sung túc và còn gửi về nhà giúp đỡ vợ tôi nuôi con ăn học. Tôi ngồi yên tĩnh, không phải lo công an đến nhà gửi giấy triệu tập. Không sợ sáng sớm người ta chờ ở cửa để áp giải lên trụ sở công an theo giấy triệu tập. Những tờ giấy đến hòm thư trước cửa nhà đều chứa những tin tốt lành. Không như ở nhà tôi mỗi lần có giấy đến đều làm tôi lo lắng vì đó là giấy triệu tập, giấy mời lên công an hay nhẹ hơn là giấy đòi tiền điện, tiền ga…ở Weimar ông Giắc và những người bạn của ông đã lo cho tôi tất cả những khoản đó. Họ đã tính để tôi không phải bận tâm điều gì khi ngồi viết.

Sáu tháng là quãng thời gian đủ để tôi thấm được tình cảm của những người dân thành phố nhỏ bé này dành cho tôi. Một quãng thời gian quí giá để tôi có điều kiện hoàn thành cuốn tự truyện của mình. Để bắt đầy với những cuốn sách khác.

Ngày 30 tháng 9 năm 2013.

Viết tại Weimar

© Đàn Chim Việt

15 Phản hồi cho “Từ ngõ Phất Lộc tới Weimar [kết]”

  1. hhong says:

    Hiếu ơi Em viết về đòn tra tấn của nhà tù cộng sản, để Nhân dân Việnam biết.

  2. An Thành says:

    Tôi học được bao nhiêu kinh nghiệm quý giá từ Gió về việc đấu tranh với an ninh cộng sản. Phải nói rằng bọn này là một bọn vô nhân tính, thâm hiểm và tàn ác nhất thế giới. Chúng là một tập hợp của đủ các loại thú vật đội lốt người khác nhau. Có thằng thì đầu trộm đuôi cướp, chuyên trực tiếp dùng bạo lực tra tấn người dân rơi vào tay chúng. Có loại thì mặt mũi phương phi, phì nộn, mở mồm là nói đạo đức cách mạng, đạo đức Hồ Chí Minh, nhưng thực chất thì không từ âm mưu thủ đoạn nào để luồn trên đạp dưới. Có loại thì trông rất trí thức, từ cách nói năng đến hành xử, nhưng bản chất cũng chỉ là “còn Đảng còn mình”, đôi khi chúng mở mồm nói thân thiện với mình cũng chỉ là để tìm cách đưa mình vào tù nhanh chóng thôi. Đọc Gió, tôi thấy Gió hành xử rất tinh tế và nhanh nhậy với bọn này. Đơn cử, Gió đã nhẹ nhàng từ chối lời mời đi ăn trưa, nghe rất hào phóng và thân thiện, của gã lờ đờ an ninh, đã tránh không bị mắc vào một cái bẫy tinh vi nữa. Không tinh tế sẽ dễ cả nể nhận lời mời đi ăn của kẻ đã bày mưu tính kế, chỉ đạo lũ đầu trâu mặt ngựa đàn em hàng tháng, năm trời thẩm vấn, giam giữ trái phép mình.

    Sách của Gió là một cuốn cẩm nang trong hành trình đấu tranh cho một Việt Nam tự do, dân chủ và hòa hợp.

    • Trần Thành says:

      @An Thành
      Cám ơn An Thành đã sơ nét một thực tế đau lòng đang diễn ra tại VN, khi tôi ra đi
      cách nay 30 năm, lúc đó tôi tâm niệm ở đâu có tự do hạnh phúc, đó mới chính là quê hương đích thức của mình, nay sau hơn 30 năm, tôi thấy quyết định ra đi lúc đó hoàn
      toàn chính đáng. Càng nhìn về VN càng thấy đau lòng, thương thay cho một dân tộc.

  3. Lê Anh Dũng says:

    1/ Đọc anh Hiếu tôi thấy phảng phất hình ảnh Vi Tiểu Bảo trong Lộc Đỉnh Ký.

    Vi Tiểu Bảo là con không cha của một kiều nữ ở Dương Châu, làm tiểu thái giám (nhưng chim còn nguyên) do một cơ duyên, kết bạn với tiểu hoàng đế Khang Hy.

    Xin xem thêm:
    Vi Tiểu Bảo ( http://vi.wikipedia.org/wiki/Vi_Ti%E1%BB%83u_B%E1%BA%A3o )
    Lộc Đỉnh Ký ( http://vi.wikipedia.org/wiki/L%E1%BB%99c_%C4%90%E1%BB%89nh_k%C3%BD )

    2 links ở trên, theo tôi, không nói lên hết được hết tính cách và sự hấp dẫn của Vi Tiểu Bảo, suốt bộ trường thiên tiểu thuyết Lộc Đỉnh Ký, dù láu tôm, láu cá, lưu manh… nhưng ấn tượng bao trùm vẫn là một con người thông minh, quyền biến, biết tối ưu hóa và rất uyển chuyển trong việc xử lý những khó khăn; Có ý thức và cư xử đúng mực với những giá trị: Đất nước, thầy, bạn hữu, dù “cư xử đúng mực” ở đây không theo nề nếp. Đọc xong bộ LĐK, sự cao thượng vẫn được vun đắp, dù sự đúng sai có khi nhòe vào nhau.

    Không ngoa ngôn, nhưng trong suốt lịch sử văn học cũng như lịch sử Việt Nam nói chung từ mấy ngàn năm nay, chưa có một nhân vật nào như Người Buôn Gió Bùi Thanh Hiếu: thông minh, có kiến thức (học thật, không học giả), biết giận, biết làm chứng nhân, quyền biến, khi tiến, khi thoái, cù nhầy… vô cùng đặc biệt mà trong một bài viết ngắn trong cơn hứng tôi chưa có thể nhận dạng được hết những tính cách của anh. Bao trùm trong nhưng bài viết là tình thương với đất nước, với con người, với gia đình, với Tí Hớn. Những công an “làm việc” dài ngày với anh, giám đốc CAHN có lẽ cảm nhận điều đó.

    2/ Vị trí, sự an nguy của anh Hiếu thực ra chênh vênh hơn chúng ta tưởng rất nhiều. Hãy điểm lại một số sự kiện đã xảy ra, người thật, việc thật, để thấy chính quyền VN không từ, không kiêng nể bất kỳ một bảng giá trị nào, và không có chuyện hạ cấp, lưu manh nào là không dám làm:

    - đập phá tu viện, ném phân, tấn công tu sĩ, đuổi khỏi tu viện Bát Nhã, Lâm Đồng (dù thầy Nhất Hạnh là một khuôn mặt quốc tế).
    - Tấn công, giật bằng được tòa Khâm sứ Hà Nội, ném đồ ô uế vào nhà thờ, giám mục Ngô Quang Kiệt phải từ chức.
    - Sau khi Nguyễn Tiến Trung được tổng thống Bush tiếp, về nước, vẫn lên án 7 năm tù.
    - Điếu Cày Nguyễn Văn Hải, dù được tổng thống Obama đích thân vinh danh trong một diễn văn, sau khi đã thụ án 30 tháng, bị giam giữ thêm một thời gian rất dài, ngoài thời gian đã thụ án mà không có bất kỳ một giải thích nào từ nhà cầm quyền; trước khi chịu thêm một án 12 năm nữa vì tội trốn thuế.
    - Chân Tín, Nguyễn Ngọc Lan: từng bị chính quyền cho nếm mùi tai nạn xe cộ, sau bị quản chế nơi định cư trú.

    Những trường hợp trên được nêu lên vì quá nổi tiếng, và được quốc tế biết đến, còn vô số trường hợp khác.

    Nêu lên để chúng ta ý thức rõ rằng đọc Người Buôn Gió không phải là chuyện “mua vui cũng được một vài trống canh”, bất cứ lúc nào anh Hiếu cũng có thể lâm vào cảnh ngộ của Điếu Cày, Nguyễn Tiến Trung, Nguyễn Ngọc Lan…

    Nêu lên để ghi nhận tên Bùi Thanh Hiếu, để nhắc nhở nhà cầm quyền VN là không có chuyện sai trái nào sẽ bị lịch sử lãng quên. Thế giới trong vài chục năm gần đây đã chứng kiến vô số kẻ huênh hoang hôm qua, nhợt nhạt, thất sắc khi ra tòa, hay nằm chết lạnh, thây đẫm máu khi sa cơ.

    Chúng ta không muốn thấy chuyện quá buồn đau lập đi, lập lại.

  4. Long says:

    Bạn Gió là một nhà văn có tài bẩm sinh. Viết văn sáng rõ, có tính kiểm soát cao, tinh tế. Và dĩ nhiên cũng rất can đảm.

  5. ĐỘC GIẢ NGƯỜI BUÔN GIÓ says:

    Chừng nào sách này xuất bản ( Từ ngõ Phất Lộc tới Weimar ) cho bà con biết để mua đọc nghe ” Người buôn Gió ” . À này có phải gió ” Hải yến ” ( Haiyan) của Người buôn Gió vừa mới buôn về cho Việt Nam đấy không, sao không đem ” bán một tặng thêm mười ” cho chợ chiều Ba-Đình cho nó tiêu mẹ nó đi ? Hay it ra NBG cũng post đầy đủ lên đây cho xem đi ?

  6. Tran Le says:

    Bài viết thật hay và cảm động đáng để mọi người đọc. Cảm ơn tác giả.

  7. Danchinh says:

    Cảm ơn Hiếu buôn gió, chẳng biết nói gì hơn!

  8. Ha Ai Viet says:

    Cam on Hieu, doc tu chuyen cua ban minh chay ca nuoc mat vi ket cuoc tot. Khong ngo ben trong mot co the can coi,khac kho cua ban lai chua dung mot trai tim vo cung nhan hau va day tinh nguoi. Gia ai o Viet nam cung song dang hoang nhu ban? Chuc ban luon binh an va hanh phuc.

  9. T. says:

    Không biết Người Buôn Gió sinh ra và lớn lên trong Xã Hội Cướp Ngày ( XHCN) khi tới sống ở nước Đức sẽ có những lúc có nghĩ như đoạn viết sau đây của Thế Giang trong truyện ngắn ” Thằng người có đuôi” …”Jean Paul Sartre sau khi phản tỉnh đã thổ lộ “Tôi ly khai chủ nghĩa Cộng Sản, có nghĩa đã ghê tởm, phỉ nhổ nó, đoạn tuyệt hẳn với nó, nhưng mỗi sáng ngủ dậy đứng trước bồn tắm rửa mặt tôi vẫn thấy một thằng cán bộ đang rình mò, xoi mói nhìn mình trong gương…” Không biết ông đã đặp vỡ bao nhiêu miếng gương, còn tôi, tôi luôn sống với cảm giác sau lưng mình có mọc một cái đuôi.”

  10. Lê Anh Dũng says:

    Cám ơn anh Bùi Thanh Hiếu.

    Đoạn kết anh viết rất bùi ngùi cảm động. Thân quí.

Leave a Reply to ĐỘC GIẢ NGƯỜI BUÔN GIÓ