Chào mừng Ngày Quốc Tế Phụ nữ mồng 8 tháng Ba năm 2010
Chủ đề cho ngày Quốc tế Phụ nữ năm 2010 này đã được Liên hiệp quốc lựa chọn là :
“ Bình đẳng về Quyền lợi, bình đẳng về Cơ hội: Đó là sự Tiến bộ cho Tất cả mọi người “ (Equal Rights, Equal Opportunities: Progress for All).
Mặc dầu công cuộc tranh đấu nhằm giải phóng giới Phụ nữ đã được phát động trên toàn thế giới từ cả 100 năm nay, nhưng cho đến đầu thế kỷ XXI hiện nay, thì tại nhiều nơi giới phụ nữ vẫn còn là nạn nhân của những hủ tục, sự kỳ thị “trọng nam khinh nữ”, thông qua những hành động rất là thô bạo, chà đạp nhân phẩm và danh dự của người phụ nữ. Cụ thể như tại Trung quốc, với chính sách “mỗi gia đình chỉ được quyền sinh có một người con”, thì thường các thai nhi là bé gái đều bị cha mẹ sát hại, để đợi cho đến khi có được người con khác mà là bé trai! Hoặc tại Ấn độ, những cô gái nhà nghèo không thể có “của hồi môn” (dowry) để đem theo về nhà chồng, thì thường bị đảy đến chỗ phải tự thiêu để tránh cho gia đình khỏi bị “mất uy tín”! Và còn tệ hại hơn nữa, đó là tại nhiều bộ lạc người thiểu số ở Phi châu, nhiều phụ nữ trẻ đã bị làm thương tổn một phần bộ phân sinh dục như là biện pháp hạn chế đời sống sinh lý. Lại còn tình trạng dã man tệ hại cùng cực khác nữa : đó là cảnh phụ nữ bị hãm hiếp như là một hành động bình thường trong cuộc chiến tranh!
Thành ra nhân loại còn phải cố gắng liên tục trong nhiều thế hệ nữa, thì mới mong cải thiện được tình hình đen tối, lầm than của giới phụ nữ trên thế giới ngày nay vậy.
Nhưng về mặt tích cực, chúng ta cũng đã và đang có vô vàn những khuôn mặt phụ nữ hết sức tích cực hy sinh quên mình cho lý tưởng nhân đạo, điển hình như góp phần vào công cuộc xây dựng hòa bình trên thế giới, bằng cách dấn thân vào các vụ chuyển hóa các tranh chấp tại nhiều địa phương (conflict transformation). Điển hình như Bà Jane Addams, người phụ nữ Mỹ đầu tiên được Giải thưởng Nobel Về Hòa bình năm 1931. Bà là một vị Sáng lập viên và Chủ tịch Liên Đoàn Quốc tế Phụ nữ vì Hòa bình và Tự do (WILPF = Women International League for Peace and Freedom). Gần đây, thì ta có Nữ tu Mẹ Teresa ở Calcutta, Bà Augn San Suu Kyi ở Miến Điện, Luật sư Shirin Ebadi ở Iran, Bà Wangari Maathai Ở Kenya v.v… cũng đều là những vị nữ lưu được cấp phát giải thưởng Nobel về Hòa bình vào các năm 1979, 1991, 2003, 2004, do những đóng góp kiệt xuất của mỗi vị đối với xã hội về nhiều lãnh vực nhân đạo, nhân quyền cũng như bảo vệ môi sinh.
Riêng ở Việt nam, thì những phụ nữ tranh đấu cho Tự do, Dân chủ và Nhân quyền mà hiện đang bị giam giữ trong nhà tù như Luật sư Lê Thị Công Nhân, Nhà văn Trần Khải Thanh Thủy, Cô Phạm Thanh Nghiên… đang là những nhân vật phụ nữ được sự mến chuộng của đa số quần chúng người Việt, cũng như của người nước ngoài.
Tại hải ngoại, thì những nhân vật phụ nữ điển hình như Nghệ sĩ Kiều Chinh, Bà Jackie Bông, Bà Khúc Minh Thơ, Kỹ sư Dương Nguyệt Ánh cũng đều có những đóng góp tích cực trong các lãnh vực nhân đạo từ thiện và bảo vệ nhân quyền, cũng như về khoa học kỹ thuật, mà được quần chúng đánh giá cao về những thành quả cụ thể, hữu ích đối với cộng đồng người Việt ở nước ngoài. Đặc biệt, ta còn phải kể thêm đến hàng trăm những tổ chức thiện nguyện do giới phụ nữ trẻ ở hải ngoại dấn thân váo công cuộc tranh đấu “chống Nạn Buôn người” như VietAct, hoặc các chương trình chăm sóc y tế cho người bị bệnh nan y như bệnh phong cùi, bệnh HIV/AIDS… Và cả đến những chiến dịch “phẫu thuật mổ mắt cho người bị bệnh cườm”, “Chỉnh hình cho người bị dị tật bẩm sinh” v.v… do các tổ chức SAP/VN hay Hope Today đứng ra âm thầm thực hiện từ mấy chục năm nay tại quốc nội. Vì các em đều có sự liên kết chặt chẽ với các tổ chức nhân đạo từ thiện trong dòng chính của xã hội Âu Mỹ, nên đã kêu gọi được sự yểm trợ rát nhiệt tình về thuốc men, cũng như về dụng cụ y khoa từ các cộng đồng ngoại quốc.
Năm 2010 cũng là năm thứ 35, kể từ ngày cộng đồng người Việt tỵ nạn chính trị bắt đầu phải rời bỏ quê hương bản quán, để đi định cư tại nước ngoài. Theo một số tài liệu thống kê, thì hiện có tới trên 3.500 000 người Việt định cư ở trên 60 quốc gia trên thế giới, mà riêng ở nước Mỹ, thì hiện có đến trên 1.500.000 người ở rải rác trong hơn 30 tiểu bang, mà đông nhất ở California có đến trên 600.000 người.Bài viết này chỉ tập trung vào việc “Chào mừng Ngày Quốc tế Phụ nữ 8 Tháng Ba”, nên không đi sâu vào các chi tiết về sự ”Đóng góp của giới Phụ nữ tỵ nạn Việt nam trong 35 năm định cư ở nước ngoài”. Việc Tổng kết 35 năm của Cộng đồng Tỵ nạn đó hiện đang do nhà báo kỳ cựu Thanh Thương Hoàng ở San Jose phía Bắc California chuẩn bị và hy vọng sẽ hoàn thành vào dịp cuối năm nay.
Nói chung, thì giới phụ nữ Việt nam, ở trong cũng như ở ngoài nước, đều đã có những đóng góp lớn lao đáng kể, đặc biệt trong khu vực Xã hội Dân sự, mặc dầu họ vẫn gặp nhiều cản trở, ngăn cấm từ phía nhà cầm quyền cộng sản luôn áp dụng chế độ độc tài chuyên chế toàn trị từ xưa đến nay. Và nhờ sự trao đổi thông tin mau lẹ trong thời đại internet hiện nay, tình hình đang có nhiều thuận lợi trong chiều hướng phát huy tự do, dân chủ và nhân quyền tại quê hương chúng ta vậy.
California, Ngày Đầu Tháng Ba 2010
© Đoàn Thanh Liêm