Nỗ lực chống “Luật bảo hiểm sức khỏe” của ứng cử viên tổng thống Mitt Romney
Hôm Thứ Năm 28/6/2012 Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ phán quyết tối hậu về tính cách hợp hiến hay vi hiến của Luật Bảo hiểm Sức khỏe (gọi là Affordable Care Act) Quốc hội thông qua và tổng thống Obama ký ban hành tháng 3 năm 2010. (Luật Bảo Hiểm Sức Khỏe )
Vụ kiện liên quan đến hiến pháp này do nhiều tiểu bang đứng đơn kiện với hai lý do: (1) Các tiểu bang cho rằng điều khoản buộc mọi công dân phải mua bảo hiểm vi phạm quyền tự do mua gì hay không mua gì của người dân, (2) Và điều khoản buộc các tiểu bang nới rộng chương trình bảo hiểm sức khỏe Medicaid (một chương trình chung của tiểu bang và liên bang dành cho người lợi tức thấp) ra cho một thành phần có lợi tức cao hơn một chút nếu không sẽ bị mất tiền trợ cấp của liên bang. Các tiểu bang cho rằng điều khoản này vi hiến vì áp đặt quyền của liên bang lên tiểu bang.
Cuộc tranh luận về bảo hiểm sức khỏe là một nét đặc biệt tại Hoa Kỳ. Trong khi hầu hết các nước tiến bộ trên thế giới (Tây Âu, Canada, Úc châu) đều cung cấp bảo hiểm sức khỏe cho mọi người dân thì tại Hoa Kỳ chính phủ chỉ bảo hiểm sức khỏe cho người cao niên, người tàn tật, người thật nghèo. Đa số gia đình người có công ăn việc làm vững chắc thì được hãng xưởng và công sở trả một phần mua bảo hiểm. Phần còn lại phải tự mua bảo hiểm của các hãng bảo hiểm tư nhân. Ai không đủ sức mua thì chịu vậy. Tình trạng này làm cho khỏang 50 triệu người Mỹ sống không có bảo hiểm sức khỏe.
Tại Hoa Kỳ y tế nằm trong tay tư nhân (tập đòan bác sĩ, hãng bảo hiểm, bệnh viện …). Các tập đoàn này do lợi nhuận nên giúp phát huy kỹ thuật y khoa và chữa trị làm cho Hoa Kỳ trở thành quốc gia có khả năng y khoa cao nhất nhưng cũng mắc mỏ nhất trên thế giới. Trong khi tại các nước Tây phương khác y tế nằm trong tay chính phủ nên các tập đoàn nói trên không có cơ hội hưởng lợi. Tiến bộ y khoa do đó chậm hơn tại Hoa Kỳ. Và đó là then chốt tại sao một số người Mỹ (những người có phương tiện và có cơ hội có bảo hiểm dễ dàng) không thích chế độ săn sóc sức khỏe có tính đại chúng của các nước Tây phương khác.
Một số nhà lãnh đạo Mỹ (thuộc khuynh hướng Dân chủ) muốn thay đổi tình trạng săn sóc sức khỏe tại Hoa Kỳ để phục vụ quyền lợi của đại chúng nhưng thường gặp sự chống đối của thành phần thuộc khuynh hướng Cộng hòa, hoặc thuộc các tập đoàn có lợi như tập đoàn bác sĩ, tập đòan bán bảo hiểm và các bệnh viện.
Gần nhất là nỗ lực của tổng thống Bill Clinton trong thập niên 1990. Nhưng vừa mới mới manh nha, tổng thống Clinton đã bị các tập đoàn quyền lợi vây đánh tơi bời phải bỏ cuộc. Tổng thống Obama may mắn hơn. Năm 2008 ông ra tranh cử với lập trường thiết lập bảo hiểm sức khỏe cho mọi người dân. Và khi ông đắc cử, đảng Dân chủ của ông cũng thắng luôn tại hai viện quốc hội. Nhờ cơ hội đó, quốc hội đã thông qua Luật Bảo hiểm Sức khỏe đầu năm 2010. Luật đã thông qua không có một phiếu nào của dân biểu Cộng hòa tạo ra một không khí phe phái căng thẳng trong xã hội. Không khí phe phái làm xuất hiện đảng Tea Party cực hữu giúp đảng Cộng Hòa lấy lại đa số tại Hạ nghị viện trong cuộc bầu cử quốc hội tháng 11 năm 2010.
Kể từ năm 2011 trong khi chờ Tối Cao Pháp viện phán quyết tính hợp hiến (hay không hợp hiến) của Luật Bảo hiểm Sức khỏe cuộc vận động trở nên sôi nổi trong các sinh hoạt chính trị có tính đảng phái. Cuộc tranh luận trên báo chí cũng nhiễm màu sắc phe phái. Báo chí nhìn các quan tòa Tối cao Pháp viện theo lập trường và gốc gác (do tổng thống nào bổ nhiệm) để đoán họ sẽ bỏ phiếu như thế nào, thay vì phân tích ý nghĩa nội dung văn bản của luật.
Trong nhiều tháng qua, dư luận (phản ảnh bởi truyền thông) chú ý đến thẩm phán Tối cao Pháp viện Anthony Kennedy, tin rằng phiếu của ông sẽ quyết định sinh mạng của Obamacare. Quan tòa Kennedy (bảo thủ, do tổng thống Reagan bổ nhiệm) từng biểu tỏ khuynh hướng trung dung bỏ phiếu theo phán đóan sự việc trước mắt thay vì theo trường phái của mình. Tám vị còn lại, 4 bảo thủ (Chủ tịch John G. Roberts, Samuel Alito, Clarence Thomas, Antonin Scalia) được cho rằng sẽ bỏ phiếu chống Luật Bảo hiểm Sức khỏe, và 4 phóng khoáng (các thẩm phán Ruth Baden Ginsburg, Stephen Breyer, Sonia Sotomayer, Elena Kagan) được yên chí sẽ bỏ phiếu ủng hộ đạo luật.
Phân chia phe nhóm như vậy, nhưng giới truyền thông đã tạo ra một không khí làm cho dư luận nghĩ rằng lần này quan tòa Kennedy sẽ bỏ phiếu theo phe bảo thủ và vô hiệu hóa ít nhất là phần của luật buộc mọi công dân phải mua bảo hiểm.
Nhưng bất ngờ đã đến. Trong ngày 26/6 ông chủ tịch Tối Cao pháp viện John Roberts đã đứng vào phe phóng khoáng và tuyên bố Tối Cao Pháp viện với phiếu 5-4 phán quyết Luật Bảo hiểm Sức khỏe buộc mua bảo hiểm là hợp hiến. Về phần buộc các tiểu bang phải nới chương trình Medicaid cho thành phần có lợi tức 138% trên mức nghèo liên bang quy định nếu không sẽ mất tiền trợ cấp của liên bang Tối Cao Pháp viện phán quyết là vi hiến vì xâm phạm đến quyền của các tiểu bang.
Những gì Luật Bảo hiểm Sức khỏe ban hành tháng 3/2010 đã áp dụng gồm:
(1) các hãng bảo hiểm không còn giới hạn mức trả để chữa trị khách hàng còn bệnh,
(2) không còn từ chối bán bảo hiểm cho trẻ em có bệnh trước khi mua bảo hiểm.
(3) con cái độc thân dưới 26 tuổi còn ở với bố mẹ đã được nằm trong bảo hiểm của bố mẹ (nếu bố hay mẹ đang đi làm và có bảo hiểm của sở làm).
**
Những gì sẽ được áp dụng do phán quyết mới của Tối cao Pháp viện gồm:
Đối với công dân Hoa Kỳ:
(1) Từ năm 2014 các hãng bảo hiểm không được từ chối bán bảo hiểm cho người lớn tuổi có bệnh trước, không được bán giá cao hơn khách hàng bình thường khác và không được giới hạn tiền trả cho các dịch vụ săn sóc y tế cần thiết.
(2) Từ năm 2014 các tiểu bang thành lập các chương trình bán bảo hiểm (state-based insurance exchanges) rẻ tiền cho dân chúng trong tiểu bang. Chính phủ liên bang trợ cấp. Từ năm 2015 nếu ai không mua bảo hiểm nơi các chương trình này sẽ bị phạt thuế $95. Vào năm 2007 thuế phạt tăng lên ít nhất là $695
Đối với các cơ sở săn sóc sức khỏe:
(1) Các cơ sở này có lợi nhiều vì ai cũng có bảo hiểm, không như trước đây phải chữa cho những người không có bảo hiểm rơi vào trường hợp không từ chối được.
(2) Từ tháng 8/2012 bệnh viện được đánh giá tốt được nhận tiền thưởng.
(3) Từ năm 2013 bệnh viện và các cơ sở săn sóc sức khỏe sẽ được trả tiền khoán rộng rãi khi săn sóc khách hàng Medicare.
Đối với các tiểu bang:
(1) Tùy ý. Nếu nới rộng chương trình Medicaid cho những người có lợi tức dưới 138% mức nghèo quy định bởi liên bang (hiện nay mức này là $11,160 một năm) thì sẽ được liên bang trợ cấp một phần chi phí (bang California và Massachusetts cho biết sẽ nới rộng)
(2) Nếu không nới rộng thì không được trợ cấp, nhưng cũng không mất tiền trợ cấp cho chương trình Medicaid hiện đang có (hai bang Texas và Florida cho biết sẽ không nới rộng)
Đối với các công ty bán bảo hiểm sức khỏe:
(1) Phải chi 80% tiền bán bảo hiểm để trả tiền săn sóc sức khỏe (nói chung là trả tiền chữa trị, chi phí ngừa bệnh …) cho bệnh viện hay các bác sĩ. Nếu không chi hết 80%, số tiền thừa hoàn trả lại cho khách hàng. Cho năm 2011 tính ra các các chủ hãng và tư nhân sẽ được trả lại ít nhất $1.3 tỉ mỹ kim.
Đối với các chủ hãng sở:
(1) Từ năm 2014 hãng sở có trên 50 nhân viên phải mua bảo hiểm cho nhân viên, nếu không sẽ bị phạt một số tiền tượng trưng.
(2) Hãng sở nào dưới 50 nhân viên có thể không mua bảo hiểm cho nhân viên. Nếu có thiện chí mua, chính phủ liên bang sẽ trợ cấp 35% qua khỏan trừ thuế , và sau đó tăng dần lên 50%.
**
Phán quyết của Tối cao Pháp viện, trong đó ý kiến và phiếu quyết định là của ông Chủ tịch John G. Roberts, vốn là một thẩm phán bảo thủ đã làm cho phía Cộng Hòa bỡ ngỡ. Nhưng ít nhất thái độ của ông Chủ tịch Roberts cho thấy Tối cao Pháp viện là một cơ chế không bị ảnh hưởng bởi chính trị như ý muốn của những nhà viết nên bản Hiến Pháp Hoa Kỳ. Các thẩm phán Tối Cao Pháp viện một khi được bổ nhiệm sẽ giữ chức vụ suốt đời (cho đến khi chết hay từ chức) để làm nhiệm vụ “giải thích hiến pháp” không bị chi phối bởi nhu cầu tranh cử.
Trong phán quyết ngày 26/6 đối với Luật Bảo hiểm Sức khỏe Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ cho mọi công dân Hoa Kỳ thấy rằng: Sự phân cực quốc gia đang đe dọa sức mạnh và uy tín của Hoa Kỳ trên thế giới. Và đã đến lúc Hoa Kỳ hiểu rõ giới hạn của tính đặc biệt của quốc gia mình (exceptionalism) để nhập vào trào lưu chung của thế giới về vấn đề bảo hiểm sức khỏe cho người dân.
Rất tiếc đảng Cộng hòa chưa thấy như vậy. Theo đà cũ đảng Cộng hòa nghĩ rằng nếu việc thông qua Affordable Care Act tháng 3 năm 2010 đã làm cho đảng Cộng hòa chiếm đa số tại Hạ nghị viện trong cuộc bầu cử tháng 11/2010, thì lần này phán quyết của Tối cao Pháp viện sẽ tạo ra phản ứng của mọi thành phần bảo thủ trong xã hội kết thành một khối vững chắc giúp đảng Cộng Hòa chẳng những chiếm đa số tại hai viện quốc hội mà còn thắng cả tòa Bạch Ốc.
Trong hướng đó, ngay sau khi Tối cao Pháp viện ra phán quyết duy trì Affordable Care Act, ông Mitt Romney, ứng cử viên tổng thống của đảng Cộng Hòa đã đứng trước một bệ gỗ với khẩu hiệu “Repeal & Replace Obamacare” (Hủy bỏ và thay thế Luật Bảo hiểm Sức khỏe của Obama) và dõng dạc tuyên bố: “Nhiệm vụ của chúng ta rất rõ ràng. Nếu chúng ta muốn hủy bỏ Obamacare, chúng ta phải thay thế tổng thống Obama. Sứ mạng của tôi là thực hiện điều đó.” (Nguyên văn: Our mission is clear. If we want to get rid of Obamacare, we are going to have to replace President Obama. My mission is to make sure we do exactly that).
Ông Romney quên rằng mỗi thời đại có trào lưu của nó, và cái gì “đủ là đủ” (enough is enough). Và ai cũng có thể thấy lời hứa của ông Romney là một lời hứa trống rỗng. Cho dù ông ta đắc cử tổng thống tháng 11 tới và đảng Cộng Hòa nắm lại cả hai viện quốc hội, đảng Cộng Hòa cũng không thể có hơn 60 ghế trong 100 ghế tại Thượng nghị viện để có thể làm luật hủy bỏ Affordable Care Act .
Điều đáng buồn là giới truyền thông Hoa Kỳ vẫn tiếp tục chơi trò chơi phân cực thúc đẩy ứng cử viên tổng thống Mitt Romney đi vào con đường kiếm phiếu bế tắc trong khi quốc gia còn nhiều việc khác quan trọng hơn đang cần có kế sách.
July 1, 2012
© Trần Bình Nam
© Đàn Chim Việt
Rất tiếc thêm qua bài này tôi thấy t/g TBN tuy có nhiều thiện chí nhưng vẫn chưa thấy rõ và nhận thức được về những giá trị căn cốt, những giá trị đưa đến sự tiến bộ vượt bậc của Mỹ so với phần còn lại của thế giới: tự do (freedom), quyền cá nhân bất khả xâm phạm (individualism), và nhu cần thương mại tự do (free enterprise).
Câu hỏi cần có câu trả lời xác đáng là luật bắt buộc mọi người phải mua bảo hiểm này sẽ có ích lợi gì hơn?
Hiện nay những người không có khả năng mua bảo hiểm thì đã có các chương trình Medicaid và Medicare của tiểu bang và liên bang giúp đỡ. Ngoài ra ta cần hiểu rõ sức mạnh lớn lao của nền tảng xã hội dân sự ở Mỹ, ở đó người với người đã có những chương trình tương thân, giúp đỡ nhau từ các hội đoàn tôn giáo, thiện nguyện, từ thiện, ái hữu, vân vân. Cần thấy rõ sức mạnh vĩ đại của xã hội dân sự ở Mỹ, nó đã có thể tự vận hành một cách ổn định ngay cả khi có một khoảng trống quyền lực xảy ra ở chính quyền trung ương. Cứ nhìn vào thời gian đếm phiếu để quyết định sự thắng bại của ông Bush con và ông Al Gore vào cuộc bầu cử năm 2000 thì thấy rõ.
Tại sao phải còn cứ mang nặng tâm lý ngồi trong đợi sự ban phát của chính quyền? Nếu ngươi còn có sức thì “hãy thắp đuốc lên mà đi” đi chứ.
Đạo luật này bắt buộc mọi người phải mua bảo hiểm. Vậy những người không có khả năng để mua thì lấy tiền đâu ra? Thì chính phủ sẽ hỗ trợ. Chính phủ lấy từ tiền thuế mà ra, nếu không đủ tiền thì phải in thêm tiền. In thêm tiền hoài thì gây hậu quả lạm phát tăng vọt. Cũng là một vòng luẩn quẩn. Trong lúc đó có ai có thể quả quyết rằng hễ toàn dân có bảo hiểm sức khỏe thì chất lượng chăm sóc y tế sẽ tốt hơn?
Khi câu hỏi chưa được có câu trả lời xác đáng thì ngay lúc này “đạo luật mandate mua bảo hiểm” này đã vi phạm hai nguyên tắc căn cốt của Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ, đó là Tự Do (Freedom) và Quyền Cá Nhân (Individualism).
Tại sao phải chạy theo chủ nghĩa xã hội ở châu Âu trong khi biết bao nhiêu nước phá sản, nợ ngập đầu, sản xuất trì trệ. Một châu Âu theo hướng Dân chủ Xã hội đang già cỗi, chậm chạp, người dân ỷ lại vào nhà nước, công đoàn trở thành maphia tác oai tác quái. Trong mấy thập niên qua châu Âu không còn có một phát minh nào đáng giá đóng góp cho nhân loại, trong lúc đó Mỹ luôn đi tiên phong khai phá trong mọi lĩnh vực!
Dân chủ là một hệ thống mở, cho phép các khiếm khuyết có thể được điều chỉnh. Điều đó không có nghĩa là cứ duy ý chí cóp nhặt hệ thống dân chủ xã hội đã thất bại ở châu Âu để “làm cách mạng xã hội” ở Mỹ là “thắng lợi”.
Thống kê cho thấy đa số người Mỹ không muốn bị áp đặt, như bị áp đặt qua đạo luật y tế này. Người Mỹ không bao giờ muốn bị bất cứ ai tước đi cái quyền freedom và individualism của họ. Cử tri sẽ trả lời rõ ràng rất sớm thôi.
Hệ thống y tế ở Mỹ chắc chắn có những khiếm khuyết nhưng cần điều chỉnh theo hướng tiệm tiến evolution, không phải cứ nhảy xổ vào làm “cách mạng y tế” kiểu revolution là giải quyết được vấn đề.
Chúng ta phải cần nhớ rằng hễ làm revolution bậy bạ thì hậu quả là phá hoại nhiều hơn là xây dựng.