WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Suốt ba tháng ấy, biết bao ân tình (II)

**Thăm viếng Bạn Hữu ở Âu châu

 

Trong bài trước, tôi đã viết về những cuộc gặp gỡ bà con trên đất Mỹ, bài này tôi xin tường thuật về những cuộc thăm viếng gặp gỡ với bạn hữu tại các nước Âu châu vào tháng 5 & 6 năm 2012. Vì trong một số bài viết trước đây, tôi cũng đã mô tả sơ lược qua về các chuyến thăm viếng đó rồi – nên để tránh khỏi việc lặp lại những điều đã viết, trong bài này tôi chỉ trình bày bổ túc thêm về chuyện gặp gỡ trao đổi với một số bạn – đặc biệt là câu chuyện với những bạn mà tôi chưa kịp ghi lại trong các bài trước.

1 – Các bạn trong khu vực thành phố Paris thủ đô nước Pháp.

Các bạn học chung với tôi thời ở cấp trung học và đại học, thì nay đều đã ở vào tuổi ngòai 75 và đã nghỉ hưu trí cả rồi. Vì thế, các bạn có nhiều thời gian rảnh rỗi để gặp gỡ chuyện trò hay dẫn tôi đi chỗ này chỗ nọ trong thành phố thủ đô đày dẫy những di tích lịch sử này. Tôi đã viết về các bạn cùng học chung ở trường Trung học Chu Văn An Hanoi đã 60 năm trước, cụ thể như các bạn Đỗ Đăng Di, Bạch Lý Từ, Vũ Dương Tuyền, Phạm Xuân Yêm. Nay thì tôi muốn viết về các bạn học chung ở trường Đại học Luật khoa Saigon từ những năm giữa thập niên 1950 xưa, điển hình là các anh Trần Văn Ngô và Cao Huy Thuần.

* Sau khi tốt nghiệp ở trường Luật, anh Ngô gia nhập ngành thông tin báo chí và trở thành một nhà báo kỳ cựu và từ mấy chục năm nay anh vẫn viết bài thường xuyên cho báo Người Việt ở California dưới bút danh là Từ Nguyên. Anh Ngô nổi tiếng trong các sinh họat của giới thanh niên, điển hình như Hội Thanh niên Thiện chí. Anh luôn nêu cao tấm gương làm việc rất nghiêm túc và đòi hỏi tập thể phải giữ vững kỷ luật, theo đúng phương pháp hợp lý thì mới có kết quả trong hành động cụ thể được.

Trong một bữa ăn tối tại quán ăn “Le Palanquin” trong Quận 6, do anh chị Ngô tổ chức để khỏan đãi vợ chồng anh Phạm Xuân Yêm và tôi, chúng tôi đã có dịp thưởng thức những món ăn Việt nam được nấu nướng thật khéo léo. Quán ăn này ban đầu do chị Dung bà xã anh Ngô mở ra và thu hút được một số khá đông thực khách là những nhân vật chính trị văn hóa xã hội và nghệ sỉ có danh tiếng, điển hình như cựu Thủ tướng Raymond Barre, Lionel Jospin, nữ tài tử Catherine Deneuve, Séphanie de Monaco v.v… Nhưng vì lý do sức khỏe suy kém, anh chị Ngô đã sang nhượng lại quán này cho người khác – mà người chủ mới vẫn giữ tên cũ và duy trì được lề lối phục vụ khách như trước đây.

* Anh Cao Huy Thuần cùng học luật với tôi từ năm 1955 tại Saigon, lại còn ở chung với nhau tại cư xá sinh viên là Câu Lạc Bộ Phục Hưng nữa, nên chúng tôi rất thân thiết gắn bó với nhau. Chúng tôi lại càng gần gũi nhau hơn, vì cả hai đứa cùng ở chung trong một nhóm ôn tập cho kỳ thi tốt nghiệp Ban Cử nhân Luật khoa vào giữa năm 1958, như các anh Vũ Trọng Cảnh, Nguyễn Đình Thảng, Vũ Quang Vân. Và sau này, bạn Thuần là người thành công nhất trên đường học vấn với văn bằng Tiến sĩ Luật khoa và đi dậy học ở Pháp từ giữa thập niên 1960 cho đến ngày về nghỉ hưu luôn. Thuần còn có biệt tài nữa là viết văn thật sâu sắc duyên dáng.

Vào một buổi tối, Thuần có rủ tôi đến nhà ăn cơm với gia đình tại thành phố cũng gần nhà của bạn Yêm ở Bourg la Reine, có tên ngộ nghĩnh là: “L’ Hay les Roses” – nơi có công viên nổi tiếng chuyên trồng hoa hồng gọi là Roseraie. Chúng tôi đã có dịp hàn huyên tâm sự – đặc biệt về những tin tức liên hệ đến các bạn bè năm xưa ở trường Luật Saigon. Tôi cho Thuần biết là đã đến thăm anh chị Luật sư Bùi Chánh Thời ở Canberra thủ đô của Australia hồi cuối năm 2011. Riêng ở California, thì tôi hay gặp anh Nguyễn Đình Thảng hiện vẫn còn phụ giúp bà xã tại một tiệm Pharmacy. Tôi cũng cho Thuần biết là mới đến thăm anh Đinh Giang tại San Francisco vào hồi đầu tháng Ba – Giang và bà xã là chị Xuân Tứ đều bị đau bệnh nhiều từ mấy năm nay. Và vào đầu tháng Năm, tại Washington DC tôi đã gặp chị Lê Mỹ Nhan, anh Nguyễn Cao Quyền. Các bạn cùng lớp năm xưa – dù đã xa cách nhau đến trên 50 năm, thì khi gặp lại ai nấy vẫn còn có tình cảm quyến luyến thân thương với nhau. Và chúng tôi thật mừng được thấy các bạn tất cả đều khỏe mạnh và an nhiên tự tại vui sống với tuổi xế chiều của mình.

2 – Gia đình anh chị Nguyễn Văn Tánh & Bạch Nhật ở Bruxelles thủ đô nước Bỉ.

Trong bài trước đây, tôi đã viết nhiều về chuyện viếng thăm anh chị Tánh & Bạch Nhật rồi, nên chỉ cần viết thêm vài chi tiết bổ túc nữa thôi. Anh Tánh là đại diện Việt nam làm việc cho Tổng Công Đòan Thế giới có trụ sở chính tại Bruxelles từ năm 1970, và nay đã về nghỉ hưu (Confédération Mondiale du Travail CMT). Chị Bạch Nhật là một dược sĩ đã từng làm việc tại ngành thanh tra y tế ở miền Nam. Nhưng từ khi qua Âu châu, thì chị lại bận rộn chuyện chăm sóc cho lũ con còn nhỏ tuổi và thời gian rảnh rỗi chị cùng hợp tác với anh Tánh trong công tác phục vụ riêng cho phong trào lao động trên thế giới.

Mấy năm gần đây, cả hai anh chị mặc dầu đã lớn tuổi – thì vẫn còn tham gia rất tích cực trong công việc trợ giúp giới công nhân lao động Việt nam mà bị khai thác bóc lột khi đi làm việc ở nước ngòai cũng như ở trong nước – cụ thể là trong Ủy ban Bảo vệ Lao động được thành lập tại Ba lan từ năm 2006.

Trong một buổi trưa, anh Tánh dẫn tôi đến một quán cà phê để gặp gỡ với các bạn cũng ở xung quanh Bruxelles, đây là cuộc họp mặt thân hữu hàng tuần giữa những người bạn từng quen biết gắn bó lâu ngày với nhau ở địa phương. Qua vài câu chuyện, tôi được cho biết là trong nhóm này có một anh là phu quân của chị Tuyết Nga là ái nữ của luật sư niên trưởng Lê Văn Mão ở Saigon hồi trước. Chị cũng là một luật sư và hiện đang coi sóc một sạp bán báo tại góc phố liền sát với cổng xe metro tại khu trung tâm thành phố. Và tôi đã có dịp đến thăm viếng chị Tuyết Nga tại sạp báo này. Hồi tháng Tư năm 2010, tôi cũng đã gặp chị Tuyết Nga tại Houston nhân cuộc Hội Ngộ Mùa Xuân của giới luật gia Việt nam trên tòan thế giới. Nay gặp lại, chúng tôi tha hồ trao đổi thông tin liên quan đến các bạn đồng nghiệp năm xưa tại Luật sư Đòan Tòa Thượng Thẩm Saigon. Người em chị là luật sư Thanh Phượng thì là bà xã của luật sư Trần Tử Huyền trưởng nam của luật sư Thủ lãnh Trần Văn Tuyên mà nhiều người đều mến chuộng nữa.

3 – Thăm viếng gia đình anh Trần Hữu Hải tại Frankfurt miền trung nước Đức.

Như đã hẹn trước, chị Nhất Hiền bà xã của anh Trần Hữu Hải đã lái xe từ nước Đức qua Bruxelles để chở tôi đến thăm gia đình ở tại thành phố Frankfurt. Anh Hải là người bạn thân thiết của chúng tôi trong công tác xã hội ở Việt nam hồi trước năm 1975. Nhưng anh Hải đã qua đời từ năm 2007, để lại niềm thương tiếc thật lớn lao cho số đông bạn bè chúng tôi vốn từng quý mến yêu chuộng vì tấm lòng cao khiết từ bi nhân ái của anh. Là một người từng theo học nhiều năm ở Pháp, nhưng anh Hải lại có lối sống giản dị bình lặng – mà hết lòng dấn thân với công tác xã hội nhân đạo từ thiện của lớp người trẻ miền nam Việt nam suốt những năm dài với cuộc chiến tranh tàn khốc trên quê hương chúng ta.

Trên đường về bên Đức, chị Nhất Hiền ghé qua thăm gia đình người em gái của anh Hải tại thành phố Liège sát với biên giới Hòa Lan. Hỏi ra tôi mới được biết là chú Long em rể của anh Hải lại là con của giáo sư Nguyễn Đức Rễ bào đệ của nhà nghiên cứu có danh tiếng Nguyễn Đình Đầu. Chú Long dẫn chúng tôi qua ăn trưa tại một tiệm ăn Tàu khá ngon tại thành phố xinh đẹp Maastricht của Hòa Lan. Vì chủ nhân là người gốc Hoa từng lập nghiệp lâu đời tại Indonesia, nên cách nấu nướng ở đây cũng khác nhiều so với các tiệm ăn ở Chợ Lớn.

Chị Hiền sống với gia đình người con gái mà hồi còn nhỏ trong nhà vẫn gọi là Bé Ti – mà nay cháu đã vào tuổi 40 rồi. Em cháu nay cũng đã trưởng thành, hiện đang làm việc ở Bắc kinh và sắp cưới một cô gái người Hoa vào mùa hè năm nay. Theo gương cha mẹ, cả hai cháu đều hăng say tham gia họat động xã hội và nói tiếng Việt khá sành sỏi. Đặc biệt tôi thấy cần phải ghi lại sự kiện này: Cháu Ti còn tự động bỏ tiền túi ra để mua cho tôi hai vé máy bay từ Đức đi Ba lan và từ Ba lan về lại Pháp nữa. Tôi thật cảm động về sự chăm sóc ân cần của cháu đối với tôi như thế.

Cũng trong dịp này, chị Hiền còn nối điện thọai cho tôi nói chuyên với cô Lệ Chi em anh Hải, lúc đó đang ở bên thành phố Luân Đôn nơi đang tổ chức Lễ Kỷ niệm 60 năm Đăng quang của Nữ hòang Elizabeth Đệ Nhị. Lệ Chi thời còn là sinh viên Nông Lâm Súc cũng đã tích cực tham gia công tác xã hội trong khuôn khổ Chương trình Công tác Hè năm 1965. Rõ ràng là anh Hải dấn thân nhập cuộc với xã hội thế nào, thì cô em Lệ Chi cũng say mê lý tưởng như vậy.

Trong mấy ngày sinh họat với gia đình anh chị Hải & Nhất Hiền, tôi có thêm sự hiểu biết tường tận hơn về tâm sự và lối sống thật quy củ ngăn nắp của người bạn thân thiết đã nhiều năm của mình. Chị Hiền cho biết anh Hải chịu tìm hiểu rất nhiều qua sách báo và chuyển cho chị đọc tiếp, nhờ vậy mà chị có điều kiện mở rộng thêm kiến thức về lãnh vực chính trị văn hóa xã hội – mà vì quá bận rộn với công việc chuyên môn của ngành dược khoa, nên chị đã không chú tâm theo dõi đến chuyện của xã hội và đất nước mình. Thành ra chị đã dần dần trở thành một người “bạn đồng chí hướng” rất tâm đắc với người bạn đời của mình nữa. Và tôi thật lấy làm mừng rỡ và phấn khởi được chứng kiến sự việc như thế này : Đó là bây giờ dù anh Hải đã ra đi, thì chị Hiền vẫn tiếp tục theo đuổi cái lý tưởng cao đẹp mà anh đã ôm ấp suốt trọn cuộc đời mình ở Việt nam hay ở nước ngòai.

4 – Thăm viếng các bạn tại thành phố Krakow và Warsaw ở Ba lan.

* Trong một bài trước, tôi đã viết sơ qua về chuyến viếng thăm gia đình anh chị Lài & Stefan ở cố đô Krakow của Ba lan. Chị bạn Thérèse Trần Thị Lài có lẽ là người Việt đầu tiên tại miền Nam mà lập gia đình với người Ba lan vào hồi giữa thập niên 1960. Năm nay đã ngòai tuổi 80, chị Lài đã có dấu hiệu suy giảm về trí nhớ, nên nói chuyện với chị thì tôi cứ hay phải trả lời cũng một câu hỏi mà chị mới hỏi tôi trước đó không lâu. Nhưng bù lại, thì chị lại nhớ rất kỹ những chuyện xảy ra từ trên 50 – 60 năm trước. Mà ông xã của chị là anh Stefan Wilkanovicz thì lại rất tinh tường minh mẫn, nên chúng tôi chuyện trò với nhau thật tương đắc.

Anh Stefan là một học giả chuyên nghiên cứu viết lách về vấn đề văn hóa xã hội và tôn giáo ở Ba lan. Anh chịu ảnh hưởng nhiều của trào lưu Nhân bản Thiên chúa giáo ở Âu châu từ hồi cuối thập niên 1940 sau đệ nhị thế chiến – mà ở Việt nam lớp sinh viên thế hệ 1950 chúng tôi cũng rất say mê theo dõi. Trong một dịp khác, tôi sẽ trình bày chi tiết hơn về các cuộc trao đổi này giữa anh chị Lài & Stefan và tôi trong mấy ngày tôi sinh sống tại nhà riêng của anh chị ở Krakow.

* Tại thủ đô Warsaw của Ba lan, thì tôi được chị Mạc Việt Hồng đón tôi bại ga xe lửa và đưa về tư gia của anh chị Hồng & Dũng nơi căn nhà thật yên tĩnh tiện nghi thóang mát. Cũng đúng là lúc mà anh Nguyễn Văn Khanh của Đài Á châu Tự do RFA qua ba lan để theo dõi các cuộc tranh tài bóng tròn thật sôi nổi Euro 2012 do Ba lan và Ukraine cùng đứng chung nhau đăng cai tổ chức.

Luật sư Liêm ở Warsaw

Tôi quen Việt Hồng là do hay gửi bài viết cho chị đăng trên báo điện tử danchimviet.info từ mấy năm qua.

Nhưng nay là lần đầu tiên chúng tôi mới trực tiếp gặp mặt nhau. Chị cho biết thân phụ tên là Mạc Văn Trang có bằng tiến sĩ về tâm lý học, và còn trẻ hơn tôi đến vài ba tuổi, vì thế mà Việt Hồng cứ gọi tôi là bác. Chị nói: Rất ít người là hậu duệ của nhà Mạc ở lại miền Bắc mà lại vẫn còn giữ lại y nguyên được họ Mạc như trường hợp của gia đình nhà chị. Ông cụ chị được nhiều bà con trong dòng họ đề nghị giữ chức Chủ tịch dòng họ Mạc, nhưng ông từ chối mà chỉ giữ vai trò phụ tá mà thôi.

Hai anh chị Hồng & Dũng làm về ngành kinh doanh, có thu nhập tương đối khá. Vì thế mà sắm được nhà ở tươm tất và chăm lo tươm tất cho các cháu học hành theo được với dòng chính ở Ba lan.

Bữa cơm cùng Luật sư Đoàn Thanh Liêm

Trong bữa ăn tối tại nhà để khỏan đãi anh Khanh và tôi, anh chị có mời thêm một số người bạn thân thiết khác mà hầu hết đều xuất thân từ miền Bắc và hiện nay có công ăn việc làm vững chắc tại xứ Đông Âu này. Chúng tôi truyện trò trao đổi thật tương đắc thỏai mái với nhau, vì hầu hết các bạn này đều đã theo dõi các bài viết của tôi – đặc biệt những bài về đề tài “Xã hội Dân sự” mà báo danchimviet.info vẫn đăng tải từ nhiều năm nay.

Là một tác giả, tôi thật vui mừng phấn khởi vì nhận được sự phản hồi thuận lợi từ phía đông đảo các độc giả ở trong nước cũng như ở ngòai nước, điển hình như từ các bạn hiện sinh sống tại Ba lan lúc này.

* * *
Tôi xin tạm chấm dứt lọat bài Ghi nhanh về chuyến đi kéo dài suốt ba tháng tại Mỹ và Âu châu vào mùa Xuân và mùa Hè năm 2012 này với vài nhận định thật ngắn gọn như sau:

A – Thứ nhất: Tôi thật phấn khởi và cảm động vì sự tiếp đón nồng hậu và chăm sóc chu đáo về nơi ăn chốn ở mà bà con và bạn hữu đã dành cho tôi tại bất cứ thành phố nào tôi ghé qua thăm mà tôi gọi là các cuộc “vãng gia” (home visit). Xin các bạn nhận nơi đây lòng biết ơn chân thành của tôi.

B – Thứ hai: Bà con thân tộc cũng như bằng hữu đều đã tạo điều kiện thuận lợi cho tôi trong việc tham dự những phiên họp đây đó – và nhất là trong việc tôi theo đuổi công trình nghiên cứu viết lách đã khởi sự từ trên 10 năm nay. Nói chung, thì công việc nghiên cứu dài ngày này cho đến nay vẫn tiến hành suông sẻ tốt đẹp và tôi hy vọng việc đó sẽ được hòan thành trong một vài năm sắp tới.

C – Thứ ba: Riêng tại Paris, thì tôi còn rất nhiều bạn hữu quen biết đã từ lâu, mà lần này vì thời gian quá ít ỏi hạn chế, nên tôi đã không thể sắp xếp chuyện thăm viếng với nhiều bạn được, mà chỉ có thể nói chuyện qua điện thọai với một số người mà thôi. Tôi hy vọng vào kỳ viếng thăm tới, tôi sẽ có nhiều thời gian hơn để dành cho các bạn vậy./

San Clemente, ngày 31 tháng Bảy năm 2012

Đoàn Thanh Liêm

 

 

Phản hồi