WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Nguyễn Hữu Liêm trả lời phỏng vấn của talawas: Con đường “thực dụng mới”

talawas: Thưa anh Nguyễn Hữu Liêm, trong phiên tòa lịch sử ngày 20 tháng 1 vừa rồi, anh đã “ngồi cùng hàng ghế với các luật sư bào chữa của phiên tòa” như lời giới thiệu của Đàn Chim Việt, diễn đàn mà anh là thành viên Ban Biên tập, trong khi ngay cả thân nhân của các bị can và giới quan sát quốc tế đều không được trực tiếp vào phòng xử án. Vì sao anh được đặt vào vị trí đặc biệt ấy?

Nguyễn Hữu Liêm: Thực ra tôi đã ngồi ở dãy ghế ngay sau lưng các luật sư biện hộ. Tôi được giấy phép tham dự trực tiếp phiên tòa, như là một quan sát viên, qua sự yêu cầu của tôi, với tư cách là một luật sư Mỹ gốc Việt, cựu chủ tịch Luật sư đoàn Việt-Mỹ Bắc California, chủ tịch điều hành của Hiệp hội Doanh nhân Việt-Mỹ. Trong dãy ghế của tôi có các luật sư đại diện của Liên đoàn luật sư Việt Nam từ Hà Nội vào và Luật sư đoàn TP Hồ Chí Minh. Được ở vào vị trí nầy cũng đã làm ngay chính tôi phải ngạc nhiên. Đây là một kinh nghiệm tham dự xử án rất đặc biệt cho riêng tôi.

talawas: Theo thông cáo của Hiệp hội Luật sư Quốc tế IBA, hai luật sư, đồng nghiệp của anh, do tổ chức này gửi đến quan sát phiên tòa, không khác vai trò của anh, đã bị ngăn cản không cho tham dự. Theo anh, nên hiểu sự phân biệt đối xử này như thế nào?

Nguyễn Hữu Liêm: Tôi không biết được nội tình sự việc như thế nào. Tôi chỉ đoán vài lý do. Có thể IBA gởi đơn yêu cầu tham dự không tới đúng thẩm quyền? Hay là việc có mặt của quan sát viên ngoại quốc đến tham dự phiên tòa đã được coi như là một sự “can thiệp vào nội bộ” của Việt Nam?

talawas: Quy trình và thủ tục tố tụng tại phiên tòa, như anh được chứng kiến từ đầu đến cuối, có điều gì trái với các quy định tố tụng hình sự của Việt Nam không?

Nguyễn Hữu Liêm: Có. Tuy nhiên, công bằng mà nói, trong khuôn khổ quy chế pháp lý Việt Nam hiện nay, trên mô hình “tố tụng thẩm vấn”, thì đây là một phiên tòa đặc trưng như bao phiên tòa mang tính chất chính trị và an ninh khác. Không như những dư luận phê phán hoàn toàn tiêu cực, chủ tọa hội đồng xét xử (HĐXX), thẩm phán Nguyễn Đức Sáu, đã điều hành phiên xử khá nghiêm túc. Ông có cử chỉ và ngôn ngữ nghiêm chỉnh, thanh lịch, không tỏ vẻ mất bình tĩnh hay nóng giận. Các câu xét hỏi của ông cho các bị cáo cũng rất ngắn gọn, trực tiếp vào vấn đề, rõ ràng. Các bị cáo và luật sư cũng đã được ông dành nhiều cơ hội, ngay cả khuyến khích, để phát biểu, phản biện. Các vị hội thẩm và thẩm phán cũng đã có nhiều câu hỏi cho các bị cáo nhằm nêu lên và nhấn mạnh đến các tình tiết giảm nhẹ.

Về các phê phán khác. Thứ nhất là về việc chủ tọa liên tục cắt ngang các phát biểu của các bị cáo và luật sư. Tôi đã thấy vị chủ tọa điều hành đúng trên cơ sở thủ tục phiên tòa. Ví dụ, khi khởi đầu phiên tòa, chủ tọa đã thông báo quyền thay đổi HĐXX, kiểm sát viên và thư ký tòa theo Điều 202 của bộ Luật Tố tụng Hình sự (TTHS). Trần Huỳnh Duy Thức đã sử dụng quyền này. Nhưng khi được hỏi là trên cơ sở bằng chứng nào, theo Điều 14 của Luật TTHS, mà bị cáo cho rằng HĐXX và kiểm sát viên đã có những hành vi không vô tư, không công bằng, thì ông Thức nêu lên hai lý do. Thứ nhất là bản chất chính trị độc quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam. Thứ hai là ông đã bị “truy bức và khủng bố tinh thần” và những vi phạm về thủ tục pháp chế của công an. Điều thứ nhất, dù đúng hay sai, trong khuôn khổ của xét xử giới hạn, không có liên hệ gì đến đòi hỏi bằng chứng của các Điều 14 và 202. Điều thứ hai, về truy bức, khủng bố, là một tố cáo nghiêm trọng, nhưng nó không phải là bằng chứng liên quan đến tính chất “vô tư” của quan tòa. Tuy vậy, HĐXX cũng đã tạm ngưng phiên tòa để vào trong nghị bàn xem xét yêu cầu của ông Thức. Còn đối với luật sư Triệu Quốc Mạnh, bào chữa cho ông Thức, thì lúc đặt câu hỏi cho thân chủ ông đã nói quá nhỏ. Tôi ngồi ngay dãy ghế ngang bên hông ông mà cũng chẳng nghe được gì. Khi nghỉ giải lao ngoài hành lang, tôi và các luật sư khác đã hỏi về chuyện này, thì ông cười bảo, “Tôi cũng không nghe chính tôi chứ gì là quý vị.” Khi lên nói lời bào chữa cho thân chủ, luật sư Mạnh đã dài dòng tuyên bố về những vấn đề quá tổng quan của lịch sử, chính trị, chế độ, vốn không liên quan gì đến bằng chứng tội phạm hay các yếu tố giảm nhẹ cho bị cáo. Nhiều khi ông đã vô tình phát ngôn trong vai trò công tố hơn là biện hộ. Chủ tọa đã nhiều lần (khoảng 10 lần) ngắt lời luật sư Mạnh và yêu cầu ông đi vào vấn đề. Luật sư Mạnh trở nên giận lẫy và trở về chỗ ngồi. Ông nói với tòa, “Tôi đã không trở lại tòa 21 năm qua. Tòa giao cho tôi một vai trò không vui và khó khăn. Thôi tôi không nói gì nữa!” Chủ tọa mỉm cười. Tôi nghĩ là luật sư Mạnh hoặc là đang đóng một vai diễn cho một kịch bản mà ông không thích tham dự; hay là ông là một luật sư thiếu khả năng chuyên môn. Hoặc là cả hai.

Còn hệ thống âm thanh? Đây là một phòng xử án rất cũ, không cách âm. Tôi lắng nghe trực tiếp nhiều hơn là qua hệ thống khuếch âm. Khi Nguyễn Tiến Trung lên “vành móng ngựa” để nói thì tôi đã không nghe được gì cả. Ông Trung nói quá nhỏ, gần như là thì thào. Ngoài hiên tòa thì tiếng mưa rơi nhỏ xuống thềm rả rích, tiếng nói từ hành lang ồn ào. Tôi không hiểu là hệ thống âm thanh có bị điều khiển tuỳ theo nội dung tuyên bố của các bị cáo hay không, nhưng tôi đã nghe rõ các ông Thức, Định và Long.

Còn có tố cáo như BBC loan tin lời than phiền của thân nhân anh Thức cho rằng tòa đã không thông báo quyền kháng án cho các bị cáo. Điều này là sai. Chủ tọa đã thông báo hai lần về quyền kháng án trong vòng 15 ngày. Đó là các vấn đề tiểu tiết.

Có bốn sự vi phạm quy trình và thủ tục tố tụng căn bản.

Thứ nhất, ông Thức đã tố cáo việc mình bị cơ quan điều tra “truy bức, khủng bố tinh thần”, cũng như kêu than về tình trạng sức khoẻ của ông không đủ để tham dự tiếp phiên tòa. Theo Điều 71 của Hiến pháp Việt Nam, các Điều 4, 6 và 7 của bộ Luật TTHS thì HĐXX phải “tôn trọng và bảo vệ” các quyền cơ bản của công dân, kể cả bị cáo, “về tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm” và “nghiêm cấm mọi hình thức truy bức, nhục hình.” Theo tinh thần của các điều khoản nêu trên – dù rằng không được quy định trong bộ Luật TTHS – chủ tọa phải cứu xét tố cáo nghiêm trọng này của bị cáo để thẩm giá toàn bộ các lời khai của bị cáo, các đơn xin khoan hồng, mà cơ bản đã được dùng cho cáo trạng của kiểm sát viên, hay cho trì hoãn phiên xử vì lý do sức khoẻ của bị cáo. Tuy nhiên, chủ tọa và HĐXX đã bỏ qua và không đề cập gì đến các vấn đề pháp chế cơ bản này.

Thứ hai, HĐXX đã không giám định bằng chứng phạm tội một cách độc lập và thấu đáo. Theo Điều 214 của Luật TTHS thì các cơ quan điều tra, bắt giữ, thu thập bằng chứng tố cáo tội phạm phải được triệu tập ra trước tòa để được xét hỏi cả ba bên, công tố, HĐXX và luật sư biện hộ. Tuy nhiên, trong phiên tòa này, tất cả những bằng chứng, tài liệu dùng để truy tố đều chỉ căn cứ trên cáo trạng của kiểm sát viên, vốn được coi như là sự thật được chấp nhận. Liệu những khám xét, truy tầm e-mail, nghe điện đàm viễn liên… có được thu thập một cách hợp pháp theo Điều 73 của Hiến pháp? Nhân chứng hay cơ sở kỹ thuật nào bảo đảm mức độ khả tín của bằng chứng? Đâu là các nhân viên công lực, điều tra để cho tòa được xét hỏi về nguồn gốc và giá trị thực chứng của bằng cớ?

Thứ ba, HĐXX đã không thiết lập một tiêu chuẩn định nghĩa tội phạm theo những yếu tố và điều kiện cấu thành. Cáo trạng về Điều 79 tố cáo các bị cáo “hoạt động thành lập hoặc tham gia tổ chức nhằm lật đổ chính quyền nhân dân.” Thế nào là “thành lập”, “tham gia”, “tổ chức”? Thế nào là “lật đổ”? Bằng chứng nào để thiết lập chủ ý, hành vi và hệ quả cho các yếu tố tội phạm trên? Đây là những chìa khóa pháp lý cơ bản tại phiên xử đã không hề được HĐXX nêu lên, cứu xét, tranh luận – dù kiểm sát viên và luật sư Đoàn Thế Văn Hải của Nguyễn Tiến Trung đã có đề cập sơ qua.

Thứ tư, và hiển nhiên nhất là phần nghị án của HĐXX. Theo Điều 222 của Luật TTHS thì “các thành viên của HĐXX phải giải quyết tất cả các vấn đề của vụ án bằng cách biểu quyết theo đa số về từng vấn đề một… Người có ý kiến thiểu số có quyền trình bày ý kiến của mình bằng văn bản và được đưa vào hồ sơ vụ án… Khi nghị án chỉ được căn cứ vào các chứng cứ và tài liệu đã được thẩm định tại phiên tòa, trên cơ sở xem xét đầy đủ, toàn diện các chứng cứ, ý kiến của kiểm sát viên, bị cáo, người bào chữa… tại phiên tòa.” Tức là một quy trình thủ tục chi tiết, cặn kẽ, đòi hỏi nhiều thời gian.

Hãy xét về khung thời gian. Tòa kết thúc phiên xử lúc 5:20 chiều để HĐXX đi vào trong nghị án. Tôi đi ra căn-tin bên hông tòa để uống ly cà phê với các luật sư quan sát. Vừa mới bắt đầu uống cà phê, tôi chợt linh tính và nói với các luật sư là tòa đã có bản án, hãy trở lại tòa. Thế là tôi vội vã trở lại phòng xử. Y như thế, đúng 5:47 phút, theo ghi chép của tôi, thì tòa đã trở lại để tuyên án. Tức là phần nghị án chỉ có 27 phút, chưa trừ đi phần đi vô, đi ra phòng xử, phần ghi biên bản, phần đánh máy lên biên bản và các thủ tục hình thức khác theo Điều 222. Chủ tọa Nguyễn Đức Sáu đứng tuyên đọc bản án khoảng 20 phút. Ông đưa bản án đang đọc cho vị thẩm phán bên tay mặt. Vị này đứng lên đọc thêm khoảng 20 phút nữa. Xong đưa lại bản án cho chủ tọa, đứng dậy, đọc thêm 10 phút. Xong là phần tuyên bố hình phạt. Tức là thời gian đọc bản án kéo dài 50 phút cho khoảng 20 phút phần nghị án. Vậy thì hiển nhiên rằng bản án đã soạn sẵn trước khi xét xử và hoàn toàn không tuân thủ theo Điều 222, vốn đòi hỏi phán quyết phải căn cứ vào các bằng chứng đã được thẩm định tại phiên tòa.

Chỉ căn cứ trên bộ Luật TTHS không thôi thì đây là một phiên tòa với những bản án bất hợp pháp trên bình diện pháp lý, có nhiều sai phạm trên cơ sở quy trình và thủ tục tố tụng, và vì thế, không thuyết phục trên phương diện chính trị.
Tôi hy vọng là tòa phúc thẩm, và nếu cần, giám đốc thẩm, sẽ cứu xét lại toàn bộ các vi phạm tố tụng này của tòa sơ thẩm.

talawas: Còn so với thực tiễn tố tụng hình sự tại một quốc gia như Hoa Kỳ mà anh biết rõ thì thế nào?

Nguyễn Hữu Liêm: So với các định chế cơ bản của quy trình và thủ tục tố tụng Hoa Kỳ thì đây không phải là một phiên tòa đúng nghĩa và hợp pháp.

Trên tất cả các sự khác biệt mà tôi liệt kê dưới đây là hai mô hình tố tụng khác nhau. Truyền thống pháp chế của Anh và Mỹ là theo mô thức “tố tụng tranh tụng” mà theo đó, ba chức năng công tố, xét xử, và biện hộ được phân định độc lập và đối nghịch lẫn nhau.  Điều này không có nghĩa rằng mô hình “tố tụng thẩm vấn” của Việt Nam là sai. Theo tôi thì Việt Nam, trong hoàn cảnh dân trí, số lượng và chất lượng luật sư, con số và bản chất tội phạm, nhất là thường phạm, thói quen gian dối, tâm lý bất thường của quần chúng trong khuôn khổ luật pháp, bối cảnh pháp chế, chính trị, lịch sử đương thời, thì đây là mô hình thích hợp. Nhưng mô hình tố tụng này, như đang áp dụng ở Việt Nam, cần phải cải cách sâu rộng và khẩn cấp nhằm đáp ứng cho nhu cầu công lý quốc gia hiện nay.

Tuy nhiên, đi vào chi tiết, căn cứ vào phiên tòa này, tôi nêu lên đây những khác biệt cơ bản về quy trình thủ tục tố tụng giữa Hoa Kỳ và Việt Nam.

Thứ nhất là ở Việt Nam, tòa án không công nhận các quyền hiến định căn bản của bị cáo như quyền được xét xử bởi một bồi thẩm đoàn độc lập từ quần chúng trong cộng đồng của bị cáo (a jury of peers) như Hiến pháp Hoa Kỳ ấn định.

Thứ hai là quyền được im lặng tại tòa, quyền không tự tố cáo chính mình của các bị cáo đã không có hay được tôn trọng, dù là Điều 209 (4) của Luật TTHS đã gián tiếp công nhận quyền này.

Thứ ba là quyền có luật sư bào chữa một cách hiệu quả thực chất, chứ không chỉ là hình thức, nhất là trong các phiên tòa dính đến vấn đề an ninh hay chính trị. Dù Bộ Chính trị đã ban hành hai nghị quyết, số 08-NQ/TW (2002) và 49-NQ/TW (2005) nhấn mạnh đến việc nâng cao vai trò của luật sư trong quy trình bắt giữ và tố tụng, nhưng thực tế thì vai trò của luật sư biện hộ vẫn chưa được công nhận và tôn trọng đúng mức. Ở Hoa Kỳ, luật sư là một officer of the court (thành viên của tòa án). Ngay cả khi đi qua hàng người chờ khám xét an ninh để vào tòa, luật sư chỉ cần đưa thẻ luật sư ra là được đi thẳng vào tòa mà không cần phải sắp hàng chờ đợi. Luật sư cũng không phải xin phép ai để đại diện cho bị cáo, mà chỉ cần xuất hiện trước tòa, tuyên bố mình là luật sư cho bị cáo là được công nhận ngay, vô điều kiện, không xét hỏi, ngoại trừ những trường hợp đặc biệt có những yếu tố bất thường.

Thứ tư là sự trộn lẫn giữa các chức năng công tố, xét xử và biện hộ. Ở phiên tòa này, HĐXX đã nắm hết cả ba vai trò. Vai trò của kiểm sát viên (công tố) đứng ngang hàng với HĐXX trong chức năng và vị trí chỗ ngồi, trong khi luật sư thì phải ngồi ở dưới hàng ghế xa rời thân chủ.

Thứ năm là sự trộn lẫn giữa hai giai đoạn của xét xử về phạm tội (guilty phase) và tuyên án trừng phạt (sentencing). Điều này đã đặt các bị cáo vào vị thế khó xử. Nếu tranh cãi về bằng chứng hay là bản chất tội phạm thì bị cho là “ngoan cố, không thành khẩn khai báo”; nếu khai báo thành khẩn thì không khác gì tự ký tên vào bản án cho mình. Ở Hoa Kỳ, sau khi bị cáo đã được tuyên bố là phạm tội, trong trường hợp đại hình, thì tòa sẽ ấn định một phiên xét xử cho bản án vào một thời gian từ khoảng 30 ngày đến 6 tháng, tuỳ theo bản án, để cho công tố, bị cáo, luật sư cũng như các bên có đủ thời gian chuẩn bị cho những tình tiết gia trọng hay giảm nhẹ.

Thứ sáu là không có tiêu chuẩn và phần xét hỏi để giảo nghiệm sự thật và mức độ khả tín của bằng chứng. Đây là một vấn đề pháp chế cơ bản của Việt Nam vốn đòi hỏi cải cách khẩn cấp.

Thứ bảy là các nhân chứng cần thiết từ các cơ quan điều tra và công an đã không có mặt tại tòa để xác nhận giá trị của bằng chứng. Điều lạ lùng là ở phiên tòa này chỉ có một nhân chứng duy nhất được gọi lên để xét hỏi trong vòng khoảng 10 phút.

Thứ tám là thời gian và quy trình xử án đã không cho phép những vấn đề cơ bản về pháp lý được giải quyết trước khi đi vào phần xét xử, ví dụ, (1) Bằng chứng nào đã được thu thập hợp pháp, (2) Nhân chứng nào là quan trọng, (3) Có phải bị cáo đã ép cung và bị truy bức, nhục hình, hay là (4) Có phải xử tập thể bốn bị cáo cùng một phiên tòa khi sự kiện, chủ ý và lịch sử phạm pháp, nếu có, lại khác biệt nhau quá xa.

Thứ chín là đã không có thủ tục cho các bên đặt vấn đề về tiền lệ pháp lý cho các yếu tố cấu thành tội phạm như “tham gia”, “tổ chức”, “lật đổ”… Tòa án cũng không hề đề cập đến các tiêu chuẩn định danh và định nghĩa cho các yếu tố này.

Thứ mười là sự sắp đặt vị trí của các thành phần tham dự tại tòa. Ở Hoa Kỳ, tại tòa, luật sư ngồi bên cạnh thân chủ, ngang vị thế với công tố. Còn ở Việt Nam, tôi vẫn không hiểu tại sao luật sư lại bị ngồi cách rất xa và bị tách biệt khỏi các thân chủ bị cáo? Làm sao họ có thể trao đổi, cố vấn, tham khảo trong kín đáo, riêng tư? Tại sao kiểm sát viên lại ngồi ngang hàng với HĐXX? Tại sao lại bắt bị cáo đứng lên để trả lời khi xét hỏi trong tình trạng sức khoẻ suy yếu và tinh thần căng thẳng như vậy? Và còn điều này nữa: Tại sao lại còn duy trì “vành móng ngựa” để bắt các bị cáo đứng vào đó khi bị xét hỏi hay thưa chuyện cùng tòa? Theo tôi thì nó không những là không cần thiết và trái nghịch với chức năng biện hộ của luật sư, quyền hạn của bị cáo, mà còn là một biểu tượng bất công từ một di sản pháp chế áp bức và nhục nhã của thực dân.

Và thứ mười một, nhưng chưa hẳn là hết, là phần nghị án của HĐXX. Như tôi đã trình bày ở câu trả lời trước, đây là một trò đùa quá hiển nhiên, một thái độ coi thường pháp chế quốc gia, không tôn trọng quyền hạn của các bị cáo, khinh thường dư luận nhân dân và thế giới, đặt để quốc gia và chế độ vào vị thế bị coi thường, một hành vi bôi bác chế độ. Không phải là cái gì ở Mỹ, về phương diện luật pháp cũng đúng, cũng hay. Cũng không phải luật pháp Hoa Kỳ là mẫu mực tối ưu cho thế giới. Nhưng ít ra là vậy. Người Mỹ có thể chỉ trích, bôi bác chính phủ, chế độ, nhưng giới tư pháp không bao giờ vi phạm pháp chế một cách hiển nhiên như là của HĐXX trong phiên tòa vừa qua.

talawas: Theo anh, những vi phạm thô bạo này xuất phát từ nguyên nhân chủ yếu nào? Anh có cảm giác rằng HĐXX của thẩm phán Nguyễn Đức Sáu phần nào ý thức được những sai phạm đó, nhưng không có chọn lựa khác?

Nguyễn Hữu Liêm: Nếu ai cho rằng có sự chỉ đạo chính trị cho bản án, ví dụ từ Bộ Chính trị, thì điều đó không chính xác. Đối với các phiên tòa chính trị và an ninh, các lãnh tụ chính trị Việt Nam không muốn can dự vào. Tôi không muốn đoán mò, nhưng tôi cho rằng một trong những yếu tố quan trọng nhất cho sự vi phạm nói trên là thói quen và lề lối văn hóa ứng xử và hành động pháp chế của hệ thống tư pháp Việt Nam, vốn còn phôi thai và lệch lạc. Thói quen này đã tạo ra một văn hóa bất cẩn, coi thường pháp luật hiện hành và bỏ qua các tiêu chuẩn công lý phổ quát. Thẩm phán Nguyễn Đức Sáu cũng nằm trong bối cảnh văn hóa pháp chế này. Và dù có ý thức được vấn đề hay không, giống như là khi lái xe trên đường phố Sài Gòn, muốn đi được qua một ngã tư đường thì ông phải vi phạm những quy tắc giao thông cần thiết vì không có chọn lựa nào khác.

talawas: Chẳng lẽ hệ thống tư pháp Việt Nam không là sản phẩm của hệ thống chính trị Việt Nam hay sao? Anh tin rằng có thể cải cách mô hình hay văn hóa pháp luật mà không cần đụng chạm tới nền tảng của mô hình hay văn hóa chính trị?

Nguyễn Hữu Liêm: Dĩ nhiên hệ thống tư pháp Việt Nam, và của bất cứ quốc gia nào, là sản phẩm của hệ thống chính trị liên hệ. Nhưng vấn đề là vậy. Quyền lực và mệnh lệnh chính trị, qua sự thể hiện bởi guồng máy pháp chế, vẫn có thể thực thi bằng một phương thức thuyết phục hơn. Vẫn một cáo trạng đó, nhưng HĐXX không cần phải xử án một cách thiếu chuyên nghiệp, vội vàng và vi phạm ngay cả thủ tục tố tụng hiện hành, chưa nói tới các tiêu chuẩn quy trình công lý phổ quát của nhân loại ngày nay. Thế giới đang lên án các bản án này không phải là về quyền hạn hay nội dung pháp chế, vì ít nhất là hai bị can đã tuyên bố là họ đã vi phạm pháp luật hiện hành Việt Nam, dù rằng luật ấy có thỏa mãn công lý nội dung phổ quát hay không. Thế giới lên án phiên tòa này vì sự vi phạm trắng trợn quy trình và thủ tụng tố tụng của ngay chính quốc gia thẩm quyền. Bất cứ hệ thống chính trị nào, dân chủ hay độc tài, cộng sản hay tư bản, xưa nay đều sẽ bỏ tù những người tham gia các tổ chức có âm mưu lật đổ chế độ chính trị hiện hành. Thành ra đây không phải là một vấn đề thuần chính trị. Theo tôi, nó là một khuyết điểm nặng về pháp chế mà sự thực thi vẫn còn bị coi thường và bất chấp tất cả.

talawas: Ở trên anh có nói rằng phiên tòa này không thuyết phục về mặt chính trị. Những lời nhận tội trước tòa của hai bị can Lê Công Định và Nguyễn Tiến Trung, hai người được dư luận trong và ngoài nước chú ý hơn cả, không có tác dụng thuyết phục nào sao?

Nguyễn Hữu Liêm: Phiên tòa này, chính trị hay pháp lý, đã không thuyết phục ai cả, ngay cả các thành phần trong HĐXX, tôi nghĩ vậy. Nó không thuyết phục vì sự vi phạm rõ ràng về quy trình và thủ tục tố tụng. Ai cũng biết rằng, công lý bị trì hoãn là công lý bị chối từ. Nhưng đối với vụ xử án này thì công lý gấp rút là công lý bị áp đặt. Câu hỏi ở đây là vậy. Hãy bỏ qua về phương diện công lý nội dung (substantive justice), về những lời khai nhận tội, về các yếu tố cấu thành tội phạm, nhìn chung, trên phương diện công lý quy trình (procedural justice), đây có phải là một phiên tòa đúng tầm mức và nhu cầu của vấn đề hay không? Trên tiêu chuẩn công bằng sơ đẳng, tôi phải nói rằng, không. Đây chính là đầu mối cho tính thiếu thuyết phục của các bản án, dù bạn ở bất cứ khuynh hướng chính trị nào.

talawas: Stalin sẽ không đồng ý với anh. Ông ta sẽ không thấy có điều gì đáng phàn nàn, ngoài việc các bản án đó là quá nhẹ so với chuẩn trừng phạt áp dụng trong các phiên tòa trình diễn ở Moskva những năm 30.

Nguyễn Hữu Liêm: Vâng, Stalin sẽ không đồng ý với tôi. Một kẻ tàn sát hàng triệu người như ông ta sẽ chẳng cần đến một phiên tòa để tìm bản án cho đối thủ chính trị. Ông ta sẽ ra lệnh bắn chết các nhà dân chủ, và các đồng chí của mình nếu cần, từ lúc họ mới chỉ hé miệng thôi, mà không cần xét tội. Tôi thấy ở Việt Nam, một đế chế mang ít nhiều bản sắc chủ nghĩa Stalin, dù tự nó đang dung chứa đầy dẫy khuyết điểm, nhưng ánh sáng của lý tính, của lương tâm, của thời đại và nhân loại – và thiết yếu tính của quy luật kinh tế thế giới – đang dần dần chuyển hóa những góc cạnh tối tăm của cả một thể chế vốn bắt đầu biết mình đã sai lầm và đang cố gắng cải cách. Hãy đóng góp vào năng lực và ý chí cải cách này, tôi thiết nghĩ, đó là con đường tối ưu cho tình thế hiện nay.

talawas: Cộng đồng người Việt hải ngoại vốn hình thành từ xung đột với thể chế chính trị trong nước. Sự thất vọng của anh về phiên tòa này không làm lung lay niềm tin mà anh bày tỏ gần đây, trong dịp về dự Hội nghị Việt kiều tháng 11 năm ngoái, về triển vọng hợp tác giữa chính quyền Việt Nam với cộng đồng hải ngoại?

Nguyễn Hữu Liêm: Tôi có thất vọng về phiên tòa này thật. Nhưng điều này không làm tôi nản lòng. Mà ngược lại, ngay từ trong phiên tòa tôi đã cảm nhận được rằng, dù vụng về, dù ngang bướng, nhưng guồng máy công an và pháp chế này đang tự chính nó thay da đổi thịt từ những con người tham dự. Nhìn những khuôn mặt trí thức sáng sủa và bình thản của các bị cáo, họ đúng là các nhà dân chủ, cũng như các khuôn mặt nghiêm trang, điềm đạm, nếu không nói là có nét đức độ, của HĐXX, và ngay cả các kiểm sát viên, đã làm tôi hy vọng. Có thể họ, ít hay nhiều, đều mong rằng các kịch bản xét xử này sẽ không còn lâu dài. Một ngày nào đó họ sẽ phải có được một chỗ ngồi xứng đáng và thích hợp cho một quy trình và nội dung pháp chế chuyên nghiệp và tiến bộ hơn. Tôi càng hy vọng và lạc quan về khả năng đóng góp của những người như tôi cho Việt Nam. Vì thế, tôi đã vừa viết xong một bản kiến nghị cải cách thủ tục tố tụng pháp chế căn cứ vào những khuyết điểm của phiên tòa này và tôi sẽ gởi cho các giới có thẩm quyền liên hệ. Tôi chỉ sợ là mình không đủ tài năng cho những gì mà tôi muốn góp ý mà thôi. Cộng đồng người Việt hải ngoại có quyền thất vọng và giận dữ với chính quyền Việt Nam vì phiên tòa này. Nhưng khi chúng ta đặt nó trong một bối cảnh chung thì đây chỉ là một bước lùi nhỏ trong các bước tiến lớn của tiến trình xích lại gần nhau. Muốn cho sự bước lùi như thế này không còn tiếp diễn thì người Việt ở hải ngoại cần phải dấn thân và tiếp cận nhiều hơn nữa để có thể có ảnh hưởng và có tiếng nói cho những gì mình muốn thay đổi. Chắc rằng không còn con đường nào khác hơn.

talawas: Cộng tất cả “những bước lùi nhỏ” thời gian qua thì trong đời sống chính trị, dường như Việt Nam đang có một bước “đại nhảy vọt” về phía những năm 50 của thế kỷ trước, mà thành tựu chưa phai nhạt là Vụ Nhân văn-Giai phẩm. Chỉ trong vòng 11 ngày của tháng này, chính quyền Việt Nam đã kết án hoặc y án tổng cộng 69 năm tù, trên 40 năm quản chế đối với 14 người hoạt động dân chủ và bắt giam thêm một người khác[1]. Những con số này vẫn cho phép anh hy vọng vào sự tự thay da đổi thịt, sau hơn một nửa thể kỷ tự lặp lại, của hệ thống chính trị và hệ thống pháp chế này?

Nguyễn Hữu Liêm: Dù muốn hay không, tiếc thay, trong suốt gần thế kỷ qua, lịch sử Đảng CSVN là lịch sử Việt Nam. Nó là một vòng xoáy trôn ốc lặp lại nhiều sai lầm lớn – nhưng mức độ ngày càng giảm nhẹ đi. Đây chính là vấn đề chung của một thể loại cách mạng khi những con người duy ý chí muốn chuyển hóa lịch sử toàn diện. Trong ý chí quyền lực đó, Đảng CSVN đã giết chết cả triệu người từ những chính sách chiến tranh và xã hội – mà nếu ý chí lịch sử đó đã ít đi phần cường điệu cực đoan thì sự hy sinh của nhiều thế hệ dân tộc đã không phải lớn lao như thế. Đối với truyền thống và tập quán ý chí này, 69 năm tù cho 14 người khác chính kiến chỉ là một hy sinh rất nhỏ. Còn đối với quan điểm của những người đứng bên ngoài dòng lịch sử đó, như người Việt hải ngoại, hay quần chúng trí thức phản kháng quốc nội, phải nói rằng đó là một tổn thất không nhỏ cho nguyên khí quốc gia. Khi nhìn lại 70 năm qua, thì sự tốn thất lần này chỉ là một cái tát tai cảnh cáo để dằn mặt hơn là cái chém đứt đầu của mã tấu máu xương. Nó nói lên một sự chuyển hóa rất xa trong bản chất bạo quyền của một thể chế đi từ một dòng máu anh hùng trong thiết yếu tính của hoàn cảnh vốn bị ô nhiễm bởi những thói quen sắt máu, bạo tàn của một khối dân tộc còn mang nhiều tính dã man và cuồng bạo. Tuy nhiên, nếu ai chịu khó về Việt Nam, đi thật sâu vào xã hội, gặp gỡ nhiều tầng lớp lãnh đạo và cán bộ, tìm hiểu cặn kẽ hơn về những gì bên trong của chế độ và con người, thì họ sẽ thấy rằng Đảng CSVN và thể chế này đã thay da đổi thịt rất nhiều. Trong cái đà chuyển hóa của guồng máy, của chính sách, ý thức và lương tâm – dù rằng đang có những hiện tượng thoái hóa tự nhiên của con người đi từ chiến tranh qua kinh tế – tất cả đều đang ở trên vòng xoáy đi lên. Vâng, đi lên. Đó là điều làm tôi nuôi nhiều hy vọng.

talawas: Cùng với nhiều sự kiện khiến dư luận bức xúc khác, phiên tòa ngày 20 tháng 1 đã kéo theo những phê phán nghiêm khắc đối với thể chế chính trị hiện hành, ngay cả từ phía những trí thức được coi là thuộc truyền thống Việt kiều cánh tả ở phương Tây. Song dường như chính quyền Việt Nam vững tin ở vị thế đang được củng cố của mình trong một liên minh mới và cho phép mình bỏ qua những đồng minh cũ. Những lý tưởng cánh tả của anh đang chờ ở bến nào, phía trước hay phía sau tọa độ hiện nay của con thuyền cách mạng vô sản Việt Nam?

Nguyễn Hữu Liêm: Tôi đã sinh hoạt nhiều với các phe cánh tả, “thân cộng” của thời chiến tranh trước 1975.  Phần lớn thế hệ đó đến gần với người cộng sản vì lòng yêu nước, vì tinh thần dân tộc, vì ghét bực Pháp và Mỹ. Nhưng sau 1975, họ là thành phần dễ bất mãn nhất đối với chế độ. Lý do dễ hiểu. Con người lý tưởng bao giờ cũng dễ thất vọng.  Nếu không chống chế độ này thì họ cũng chống chế độ khác. Không có chế độ nào là toàn hảo trong mắt họ – và điều đó là đúng. Mặt khác, cho đến nay, chính quyền Việt Nam cũng đã rất vụng về, nếu không nói là tệ hại, khi đã biến rất nhiều đồng minh của mình thành kẻ chống đối. Chỉ một chuyện nhỏ là không cho chiếu khán về nước thôi đã biến một số trí thức vốn thiên tả trở nên những người chỉ trích chế độ mạnh nhất. Và phiên tòa này lại làm thêm một cái cớ cho họ phê phán nữa. Tất cả lập trường chính trị chỉ là tâm lý cá nhân. Phe tả bây giờ không còn hữu dụng cho nhu cầu ngoại giao như thời chiến nữa. Họ không còn có gì nhiều để cống hiến cho chính quyền. Liên minh quyền lực mới của thể chế chính trị Việt Nam là cả thế giới này. Khi họ đã bỏ ra hai tỷ đô la để mua tàu ngầm, nhận năm tỷ đô la tài trợ từ thế giới, làm chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc, thì chúng ta phải biết rằng may mà còn có Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị về Việt kiều. Con đường trí thức cánh tả như đã từng đi qua nay đã lỗi thời. Tôi muốn đề ra con đường “thực dụng mới” – trong ý nghĩa tích cực của khái niệm này. Không mơ mộng ảo tưởng, nhưng cũng không thụ động mỉa mai. Phải dấn thân nhiều hơn cho từng chuyện nhỏ mà mình làm được trong bối cảnh khả thi của từng vấn đề. Tương lai, từ phương pháp dấn thân “thực dụng mới” này, sẽ tự nó hình thành và chắc chắn là phải tốt đẹp hơn.

talawas: Xin cảm ơn anh Nguyễn Hữu Liêm.

© 2010 talawas
© 2010 Nguyễn Hữu Liêm

5 Phản hồi cho “Nguyễn Hữu Liêm trả lời phỏng vấn của talawas: Con đường “thực dụng mới””

  1. Tania Tran says:

    Toi khang dinh rang:Tat ca cac vu bat bo nhung nha bat dong chinh kien,hay cac phien toa xu ho,deu co su chi dao cua bon chop bu[Bo chinh tri],con Toa an chi la bon thua hanh thoi

  2. Trần quang Hạ says:

    “Thế giới đang lên án các bản án này không phải là về quyền hạn hay nội dung pháp chế…Thế giới lên án phiên tòa này vì sự vi phạm trắng trợn quy trình và thủ tục tố tụng của ngay chính quốc gia thẩm quyền.”

    Tôi nghĩ phát biểu trên đây là một sự xuyên tạc cố ý. Tác giả muốn hướng dư luận vào vấn đề “thủ tục toà án” thay vì đàn áp nhân quyền của chính phủ Hà Nội. Ông Liêm có quyền nhận xét phiên toà dưới con mắt người quan sát, nhưng không có quyền làm lệch lạc tuyên bố của các nhà ngoại giao, tổ chức nhân quyền thế giới vốn đã được công bố rộng rãi trên truyền thông báo chí.

    Phiên toà bị lên án không phải vì vấn đề pháp lý, mà là vì đạo lý. Là người cầm bút được viết lách tự do ở hải ngoại, ông Liêm không đề cập đến tính đạo lý của phiên toà đàn áp ngôn luận, mà chỉ bàn về tính cách pháp lý tố tụng, xem những người đứng sau vành móng ngựa kia là tội phạm hình sự không hơn không kém.

    Thực sự quốc tế đã nói như thế nào?

    Đại sứ Anh Mark Kent:“Những người bày tỏ quan điểm một cách hòa bình về những vấn đề như vậy không nên bị trừng phạt hay bị bỏ tù”

    Thứ trưởng ngoại giao Anh Ivan Lewis: “Không thể cầm tù bất kỳ ai vì người đó bày tỏ quan điểm của mình một cách hòa bình.”

    Hội Ân Xá Quốc Tế: “Những người này đáng ra không bao giờ nên bị bắt chứ đừng nói là bị buộc tội và nhận án tù. Các án tù được đưa ra trong bối cảnh gia tăng trấn áp việc chỉ trích chính phủ. Phiên tòa rõ ràng là sự nhạo báng công lý.”

    Tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới:“Chúng tôi hối thúc Liên hiệp Âu châu ngưng đối thoại nhân quyền với Việt Nam cho tới khi các nhà hoạt động được trả tự do.”

    Liên hiệp châu Âu:“Việc kết án là không phù hợp với quyền căn bản của mọi người được có ý kiến và tự do bày tỏ chúng trong hòa bình.”

    Đại sứ Mỹ Michael Michalak: “Tiến hành phiên toà rõ ràng đã thiếu trình tự chuẩn mực, đi ngược lại với Tuyên ngôn Nhân quyền Liên Hiệp Quốc. Việc kết tội này cũng đặt ra những câu hỏi nghiêm trọng đối với cam kết của Việt Nam về nền pháp trị và cải cách. Chúng tôi yêu cầu trả tự do cho các vị vừa bị án tù cũng như tất cả các tù nhân lương tâm khác, ngay lập tức và vô điều kiện”.

    Rõ ràng các thông báo đều nêu vấn đề nhân quyền, tự do ngôn luận, gần như không nói gì đến qui trình và thủ tục tố tụng. Thế giới không lên án phiên toà cuội vì đó là chuyện nhỏ. Hầu hết các vụ án chính trị dưới chế độ cộng sản đều phỉ báng công lý, thách thức công luận và làm thương tổn lương tâm con người.

    Thế giới lên án vì phiên toà thể hiện sự đàn áp thô bạo quyền lên tiếng của công dân, vi phạm trắng trợn hiến chương Liên Hiệp Quốc, phản bội cam kết trước đây với quốc tế, chà đạp tự do ngôn luận và nguy hiểm hơn hết là tiêu diệt lòng yêu nước của thế hệ thanh niên trẻ.

    Toà án chỉ là công cụ thực hiện ý định cuối cùng của cấp lãnh đạo. Những khuyết điểm về pháp chế thực ra la ưu điểm trong cơ chế độc tài toàn trị. Nếu cơ chế ấy hợp lý như các nước dân chủ, thì những người CS không thể đứng bên trên luật pháp như hiện nay.

    Muốn dập tắt phản kháng phải tiêu diệt từ điểm phát khởi, mà ở thời điểm nầy, mọi hoạt động chống đối – nếu có – vô hình chung đều diễn ra hợp pháp và ôn hoà. Hoặc phải chấp nhận tự do ngôn luận để mặc những người chống đối phát biểu như ở các nước dân chủ thì cần một nền pháp chế mạnh độc lập; hoặc trấn áp dư luận bất lợi cho chính quyền bằng những phiên toà bỏ túi, mặc kệ công tâm và dư luận.

    Cải cách kinh tế là nguyên nhân buộc xã hội phải hình thành hệ thống luật pháp ở một đẳng cấp khả dĩ thích nghi với cộng đồng thế giới. Sự lấn cấn giữa chuyên chính và cải cách đã sinh ra những “tai nạn” phiên toà chính trị. Trò hề kệch cỡm suy cho cùng không phải lỗi ở những người tổ chức phiên toà, của hệ thống tư pháp mà là đảng độc tài toàn trị cộng sản; mọi người đều biết, chỉ ông Liêm không biết.

    Trên đây tôi chỉ góp ý về sự lệch lạc có dụng ý của tác giả, còn những việc khác như: ” công nhận bản án có sẳn nhưng phủ nhận lãnh đạo chính trị không dính líu vào vụ án; hoặc vi phạm pháp chế “chỉ là bước lùi nhỏ so với bước tiến lớn; hoặc đảng CS đã thay da đổi thịt… xin để dành cho bạn đọc khác góp ý.

  3. Phạm Minh says:

    Qua trả lời của NHL, chúng ta cần thấy rõ được đâu là ĐIỂM và đâu là DIỆN.
    ĐIỂM là lãnh đạo bộ chính trị không chỉ đạo, không can dự vào vụ án, mặc dù đây là vụ án chính trị. Hội đồng xét xử thì lịch sự, nghiêm túc, bình tỉnh, không nóng giận, rất khách quan vô tư.
    Làm thế nào để NHL biết rằng lãnh đạo đảng không chỉ đạo? Nếu không có chỉ đạo trước thì tại sao thời gian nghị án còn ngắn hơn thời gian tuyên án, nghĩa là bản án đã có trước khi tòa xử? Bộ chính trị không chỉ đạo, HDXX thì tư cách, đạo đức. Vậy thì các bản án 4, 5 năm đến 16 năm là do các bị cáo đã vi phạm và án dành cho họ như vậy là phải.
    Và, DIỆN là tất cả những điều râu ria màu mè còn lại.
    Đó là cái “loa NHL” mà lãnh đạo đảng CS muốn dùng để phát ra ngoài. Điều này cũng giải thích được tại sao NHL được ngồi hàng ghế với các luật sư bào chữa mà các nhà báo ngoại quốc khác không được ngồi.
    Nếu nói những nhận xét, phê bình hay thậm chí chỉ trích mạnh mẽ của quần chúng đối với một sự kiện hay một đối tượng, đặc biệt trong lãnh vực chính trị là chụp mũ, là đạp đổ là tật xấu của người VN thì … chậm tiêu quá rồi.
    Tại Hoa Kỳ, hai đảng dân chủ và cộng hòa, trong nhiều trường hợp cũng chỉ trích nhau gay gắt sao không nghe ai nói họ đạp đổ, thiếu đoàn kết?
    Có thật người Việt mình bị cái bệnh chụp mũ, đố kỵ, đạp đổ thiếu đoàn kết hay tại vì một số người Việt mình bị cái bệnh hay cho rằng người Việt mình đa số là như vậy?
    Một người hoạt động có ảnh hưởng và được cộng đồng biết đến, dù trong hay ngoài chính quyền, thì đó là một khuôn mặt cộng đồng (figure public), cần và phải chấp nhận sự phê phán của mọi người. Sự phê phán này, ở Mỹ được miễn truy tố miễn là không hăm dọa hay hành hung đương sự. Điều này chắc NHL biết rõ. Những phê phán chỉ trích này không luôn luôn có hại cho đối tượng hoặc việc chung. Điều nào đúng ta nghe, điều sai gác qua một bên, điều nào bị hiểu lầm ta giải thích. Muốn làm chính trị hay muốn bàn chuyện chính trị ắt hẳn người đó có lý trí để suy xét. Trong sinh hoạt dân chủ, phải biết chấp nhận “trò chơi dân chủ” này.
    Dấn thân, tiếp cận để chuyển hóa v.v… NHL mới tập nói chứ không phải là chưa ai đề xướng và dấn thân trước đây. Vấn đề là người khác làm thật, có tế nhị, “nhạy cảm” và nguy hiểm của công việc nên người ta không tuyên bố vì vậy mà những người ít quan tâm chưa biết đó thôi.
    Công việc tiếp cận để chuyển hóa chế độ bằng cách này hay cách khác, CSVN gọi là diễn biến hòa bình, vậy thì điều NHL nói đâu có gì mới lạ? Vấn đề chúng ta cần nêu ra đây là: đối tượng tiếp cận.
    Dấn thân về VN để tiếp cận với các thành phần trẻ, yêu nước, có trình độ, chưa có nhiều ràng buộc đặc quyền đặc lợi, để tạo ảnh hưởng, trực tiếp hoặc gián tiếp để họ cùng góp tay làm thay đổi chế độ thì hợp lý. Tất nhiên có sự nguy hiểm nếu chế độ biết được sẽ bị “hốt” và đi tù.
    NHL muốn dấn thân/thực dụng/chuyển hóa với lãnh đạo đảng, vừa làm vừa la làng là tôi muốn tiếp cận để chuyển hóa, thay đổi chế độ đây? Một là ảo tưởng, hai là biện luận che mắt những người nhẹ dạ cả tin. VC nghe nó cười cho.
    Những nhà đấu tranh dân chủ vừa bị xử án, họ đâu có bạo động, đâu có chủ trương lật đổ chế độ? Họ đấu tranh bất bạo động, đòi hỏi một số các quyền tự do dân chủ, đòi có sự thay đổi, chuyển hóa nhẹ nhàng sao họ bị tù nặng như vậy?
    NHL là ai mà vừa làm vừa la làng mà không sao? Hỏi tức là đã trả lời.

    • Tạ Dzu says:

      Tôi cho rằng ý tưởng của LS NHL “tiếp cận để thay đổi” là một ý tưởng/đường hướng đấu tranh khá mới. Gọi là “mới” vì ông là người chính thức “công bố” ra, chứ trước ông và hiện nay, đã và đang có hàng trăm công cuộc làm ăn, mua bán địa ốc, cơ sở thương mại… hà rầm giữa người Việt hải ngoại và csvn trong nước; cùng với sự phát triển của internet, đây chính là “diễn biến hòa bình” trong thầm lặng, nhưng rất năng động và mạnh mẽ biến chuyển xã hội VN.

      Hôm nay, NHL lại cho thêm một từ ngữ nữa: “con đường thực dụng mới”. Đúng, phải thực dụng chứ. Ai lại cứ ngồi mà mơ tưởng những “thiên đường mù” cs mãi; phải gấp gấp mà quá độ lên tư bản chủ nghĩa cho dân chúng nhờ tí chứ!

      Theo tôi, csvn cuối cùng cũng phải trở về với dân tộc thôi, vì họ biết không thể đảo ngược “thế cờ” này mãi. Họ chỉ cố trì hoãn được ngày nào hay ngày đó. Nhiệm vụ của chúng ta là làm sao thúc đẩy cho tiến trình này đi lẹ hơn.

      Mỗi người, ở mỗi hoàn cảnh, vị trí, tư duy và thích hợp với phương thức nào, cứ thế mà hành động. Hãy học hỏi tiền nhân: Toàn dân vi binh, toàn địa vi phòng, toàn tài vi dụng (Đức Trần Hưng Đạo) dùng mọi phương cách hòa bình, bất bạo động mà bắt cs phải thay đổi.

      Bạn thích biểu tình cs? Cứ việc biểu tình mỗi khi lãnh đạo cs sang công cán ngoài VN, để thế giới và chính người cs thấy rằng chúng ta không chấp nhận độc tài toàn trị. Nhưng hãy bước thêm một bước tích cực hơn: Thử thảo luận xem, nếu có hai phái đoàn VN biểu tình chống Trung Cộng, một với rừng cờ vàng ba sọc đỏ, một của du sinh cầm cờ đỏ sao vàng: Liệu “chúng ta” có đập nhau đến vỡ đầu chảy máu rồi mới biểu tình Trung Cộng chăng? Nên giải quyết thế nào? Tôi chưa thấy một cuộc tranh luận đứng đắn nào cho vấn đề vừa nêu, mà toàn thấy chỉ trích lẫn nhau, trước kia là “đội nón cối” cho nhau! Hoặc thử thảo luận xem, những món tiền quyên góp cho thương binh VNCH, hay bão lụt (luôn bị cáo buộc có sự mờ ám chi tiêu), thử đề nghị số tiền “công” này nên giao cho một hội đồng bô lão, những nhân sĩ uy tín của cộng đồng, hoặc cho hội đồng liên tôn, để chúng ta có thể “tin nhau” mà làm từ thiện… cũng không thấy được thảo luận nghiêm túc. Rồi tiền “công” này cũng được dùng để hỗ trợ các nhà dân chủ bị tù đày, hoặc tặng học bổng cho những học sinh/sinh viên nghèo mà ham học hỏi, có cơ hội du học, rồi trao cho họ những tư tưởng dân tộc, dần dần gạt bỏ tư tưởng Mác xít trong đầu họ đi. Khi học xong, trở về, khuyến khích họ tham gia chính quyền, trực tiếp chuyển đổi chế độ, hay ít nhất, thay đổi phong cách “run” một business theo thị trường tự do. Mỗi một việc nho nhỏ sẽ đóng góp vào sự thay đổi lớn lao của đất nước.

      Bạn muốn “tiếp cận” như NHL? Cứ việc tiếp cận và thực dụng. Cứ việc tới các “đại hội Việt kiều” để xem coi lãnh đạo VN nói sao, họ có xa rời quần chúng không, có những chương trình thực tiễn cho đất nước không? (Bảo rằng cs sử dụng đại hội này để tuyên truyền? còn ai nghe?) Những tiếng nói của các bạn, ít nhiều, đâu đó, cũng được lắng nghe, từ từ thẩm thấu đến lãnh đạo, cộng với những cuộc biểu tình của dân oan, công nhân, các nhà đấu tranh dân chủ, tôn giáo v.v… sẽ buộc cs phải đi theo hướng chúng ta muốn đi: trả lại quyền dân tộc tự quyết và sinh mệnh chính trị cho dân Việt.

      Dường như người VN ta rất dư tài chỉ trích, chụp mũ, đạp đổ, mà thiếu hẳn những lời khuyến khích, xây dựng (ngay trong từng gia đình), hoặc chương trình xây dựng. Chuyện dân biểu CQ Ánh mới về thăm VN với tư cách dân biểu Hoa Kỳ, cũng bị chửi rủa, chỉ trích thậm tệ! Mà hình như những người chỉ trích không thể đề ra một con đường nào thực tiễn thay đổi hay hạ bệ cs. Họ chỉ đi trên mây, mơ ước rằng phép lạ xuất hiện (hay do Mỹ giúp?), bảng hiệu XHCN tự động bị hủy bỏ! Chúng ta chê trách cs tham nhũng, nhưng tại sao ai về VN cũng đưa tiền cho hải quan cs. Hãy bảo nhau chống tham nhũng ngay từ chúng ta: không đưa tiền cho họ; họ muốn khám hành lý, cứ việc mở ra cho khám. Hãy bắt đầu từ những việc nhỏ mà thực tế.

      “Không ăn được thì đạp đổ” là một thái độ “tiêu cực”, đáng khinh, cần dẹp bỏ. Chúng ta hãy cùng nhau tập nêu lên những điều tích cực, phê bình trong xây dựng, ngõ hầu thay đổi chế độ độc tài toàn trị, vô nhân hiện nay.

      Hãy noi gương hai cụ Phan Bội Châu và Phan Chu Trinh: khác biệt nhưng tôn trọng nhau, người này bổ túc cho người kia.

  4. Tạ Dzu says:

    Tôi cho rằng ý tưởng của LS NHL “tiếp cận để thay đổi” là một ý tưởng/đường hướng đấu tranh khá mới. Gọi là “mới” vì ông là người chính thức “công bố” ra, chứ trước ông và hiện nay, đã và đang có hàng trăm công cuộc làm ăn, mua bán địa ốc, cơ sở thương mại… hà rầm giữa người Việt hải ngoại và csvn trong nước; cùng với sự phát triển của internet, đây chính là “diễn biến hòa bình” trong thầm lặng, nhưng rất năng động và mạnh mẽ biến chuyển xã hội VN.

    Hôm nay, NHL lại cho thêm một từ ngữ nữa: “con đường thực dụng mới”. Đúng, phải thực dụng chứ. Ai lại cứ ngồi mà mơ tưởng những “thiên đường mù” cs mãi; phải gấp gấp mà quá độ lên tư bản chủ nghĩa cho dân chúng nhờ tí chứ!

    Theo tôi, csvn cuối cùng cũng phải trở về với dân tộc thôi, vì họ biết không thể đảo ngược “thế cờ” này mãi. Họ chỉ cố trì hoãn được ngày nào hay ngày đó. Nhiệm vụ của chúng ta là làm sao thúc đẩy cho tiến trình này đi lẹ hơn.

    Mỗi người, ở mỗi hoàn cảnh, vị trí, tư duy và thích hợp với phương thức nào, cứ thế mà hành động. Hãy học hỏi tiền nhân: Toàn dân vi binh, toàn địa vi phòng, toàn tài vi dụng (Đức Trần Hưng Đạo) dùng mọi phương cách hòa bình, bất bạo động mà bắt cs phải thay đổi.

    Bạn thích biểu tình cs? Cứ việc biểu tình mỗi khi lãnh đạo cs sang công cán ngoài VN, để thế giới và chính người cs thấy rằng chúng ta không chấp nhận độc tài toàn trị. Nhưng hãy bước thêm một bước tích cực hơn: Thử thảo luận xem, nếu có hai phái đoàn VN biểu tình chống Trung Cộng, một với rừng cờ vàng ba sọc đỏ, một của du sinh cầm cờ đỏ sao vàng: Liệu “chúng ta” có đập nhau đến vỡ đầu chảy máu rồi mới biểu tình Trung Cộng chăng? Nên giải quyết thế nào? Tôi chưa thấy một cuộc tranh luận đứng đắn nào cho vấn đề vừa nêu, mà toàn thấy chỉ trích lẫn nhau, trước kia là “đội nón cối” cho nhau! Hoặc thử thảo luận xem, những món tiền quyên góp cho thương binh VNCH, hay bão lụt (luôn bị cáo buộc có sự mờ ám chi tiêu), thử đề nghị số tiền “công” này nên giao cho một hội đồng bô lão, những nhân sĩ uy tín của cộng đồng, hoặc cho hội đồng liên tôn, để chúng ta có thể “tin nhau” mà làm từ thiện… cũng không thấy được thảo luận nghiêm túc. Rồi tiền “công” này cũng được dùng để hỗ trợ các nhà dân chủ bị tù đày, hoặc tặng học bổng cho những học sinh/sinh viên nghèo mà ham học hỏi, có cơ hội du học, rồi trao cho họ những tư tưởng dân tộc, dần dần gạt bỏ tư tưởng Mác xít trong đầu họ đi. Khi học xong, trở về, khuyến khích họ tham gia chính quyền, trực tiếp chuyển đổi chế độ, hay ít nhất, thay đổi phong cách “run” một business theo thị trường tự do. Mỗi một việc nho nhỏ sẽ đóng góp vào sự thay đổi lớn lao của đất nước.

    Bạn muốn “tiếp cận” như NHL? Cứ việc tiếp cận và thực dụng. Cứ việc tới các “đại hội Việt kiều” để xem coi lãnh đạo VN nói sao, họ có xa rời quần chúng không, có những chương trình thực tiễn cho đất nước không? (Bảo rằng cs sử dụng đại hội này để tuyên truyền? còn ai nghe?) Những tiếng nói của các bạn, ít nhiều, đâu đó, cũng được lắng nghe, từ từ thẩm thấu đến lãnh đạo, cộng với những cuộc biểu tình của dân oan, công nhân, các nhà đấu tranh dân chủ, tôn giáo v.v… sẽ buộc cs phải đi theo hướng chúng ta muốn đi: trả lại quyền dân tộc tự quyết và sinh mệnh chính trị cho dân Việt.

    Dường như người VN ta rất dư tài chỉ trích, chụp mũ, đạp đổ, mà thiếu hẳn những lời khuyến khích, xây dựng (ngay trong từng gia đình), hoặc chương trình xây dựng. Chuyện dân biểu CQ Ánh mới về thăm VN với tư cách dân biểu Hoa Kỳ, cũng bị chửi rủa, chỉ trích thậm tệ! Mà hình như những người chỉ trích không thể đề ra một con đường nào thực tiễn thay đổi hay hạ bệ cs. Họ chỉ đi trên mây, mơ ước rằng phép lạ xuất hiện (hay do Mỹ giúp?), bảng hiệu XHCN tự động bị hủy bỏ! Chúng ta chê trách cs tham nhũng, nhưng tại sao ai về VN cũng đưa tiền cho hải quan cs. Hãy bảo nhau chống tham nhũng ngay từ chúng ta: không đưa tiền cho họ; họ muốn khám hành lý, cứ việc mở ra cho khám. Hãy bắt đầu từ những việc nhỏ mà thực tế.

    “Không ăn được thì đạp đổ” là một thái độ “tiêu cực”, đáng khinh, cần dẹp bỏ. Chúng ta hãy cùng nhau tập nêu lên những điều tích cực, phê bình trong xây dựng, ngõ hầu thay đổi chế độ độc tài toàn trị, vô nhân hiện nay.

    Hãy noi gương hai cụ Phan Bội Châu và Phan Chu Trinh: khác biệt nhưng tôn trọng nhau, người này bổ túc cho người kia.

Phản hồi