WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Trung Quốc – một cường quốc sau chiến tranh lạnh

Một bài báo đăng trên tạp chí Foreign Policy vào tháng 01-2010 [1] của giải Nobel kinh tế Robert Fogel (1993) làm nhiều người sửng sốt với lời tiên đoán GDP của Trung Quốc sẽ lên đến 123 ngàn tỷ vào năm 2040, nghĩa là gần gấp 3 lần GDP của Hoa Kỳ cùng thời gian đó. Nhiều học giả lập tức phản bác chẳng hạn như bài của ông Nicolas Consonery [2] đăng trên cùng tạp chí. Nhưng dù ai đúng hay sai, cuộc tranh luận này vẫn cho thấy cái nhìn của thế giới thay đổi gần 180 độ: từ thập niên 1980 khi các nhà bình luận đánh giá nước Cộng Hoà Nhân Dân Trung Hoa là một xã hội lổi thời sắp sụp đổ, cho đến giờ này khi nhiều người e ngại rằng Hoa Lục sẽ trở thành siêu cường hạng nhất hành tinh trong thế kỷ 21.

Nếu nhìn lại các mốc thời gian liên hệ đến Trung Quốc trong 21 năm qua:

  1. Sau cuộc nổi dậy dù bất thành tại Thiên An Môn 1989, và tiếp đó là sự tan rã của khối Xô-Viết vào năm 1991, làn gió cách mạng dân chủ trên toàn thế giới tưởng chừng sẽ quét vào Bắc Kinh một ngày không xa.

  1. Nhưng rồi đảng cộng sản lại đứng vững, và nền kinh tế tăng trưởng nhảy vọt trong những năm 1993-97. Những nhà quan sát cho rằng đây chỉ là hiện tượng bong bóng do giới tài phiệt quốc tế bơm phồng nhằm dụ dỗ các nhà đầu tư nhảy vào thị trường hấp dẫn nhưng đầy rủi ro này.

  1. Thử thách kế tiếp (sau Thiên An Môn) đến vào năm 1997 khi giới tài chính quốc tế trong sớm chiều rút đầu tư ra khỏi Thái Lan. Cuộc khủng hoảng tiền tệ từ đó lan tràn ra Nam Hàn, Phi Luật Tân, Nam Dương….  Nền kinh tế của Trung Quốc dù bị chậm lại, nhưng Bắc Kinh đã quyết định không phá giá đồng Nhân Dân Tệ. Hàng hoá xuất cảng từ các nước lân cận nhờ vậy không bị áp lực giá cả nên cả Đông Á sớm phục hồi. Chính sách này được khen ngợi vì giúp chận đứng cuộc khủng hoảng không cho lan rộng, và lần đầu tiên Hoa Lục khẳng định được vai trò đầu tàu trong khu vực.

  1. Từ đóTrung Quốc phát triển đều ở mức 8-10% trong khi Hoa Kỳ liên tục bị vận hạn suốt 10 năm dài: bể bóng tin học tháng 03-2000, khủng bố tấn công tháng 11-2001, chiến cuộc tại Iraq kéo dài từ 2004-10,  khủng hoảng địa ốc và tài chánh 2007-09 và sa lầy tại A-Phú-Hãn từ năm 2009 đến nay.

Như vậy trong hơn 20 năm Bắc Kinh đã khéo léo và uyển chuyển – nhưng chưa bao giờ nhân nhượng – mỗi lần va chạm thử thách:

  1. Sau Thiên An Môn 1989 đảng cộng sản đã giữ một khế ước không thành văn với dân chúng là phát triễn kinh tế để đổi lấy độc quyền chính trị.
  2. Tiếp theo khủng hoảng Đông Á 1997, Bắc Kinh hỗ trợ xuất khẩu bằng cách kềm giá đồng Nhân Dân Tệ. Mục tiêu nhằm giải quyết nạn thất nghiệp và tích trử ngoại tệ để không bị tấn công tài chánh.
  3. Đến giờ này khi đã mạnh, và nhân lúc Âu-Mỹ-Nhật còn bị suy kém vì khủng hoảng tài chánh, Trung Quốc trỗi dậy về cả kinh tế, chính trị lẫn quân sự

Dự trù GDP Hoa Lục sẽ qua mặt Nhật Bản trong năm 2010, và vượt hơn Mỹ để đứng hàng đầu thế giới vào khoảng 2020. Phép lạ kinh tế chẳng những đã mang hơn 300 triệu người vượt qua ngưỡng cửa nghèo khó, Trung Quốc hiện còn tạo ra nhiều triệu, tỷ phú đô-la ở cấp độ nhanh nhất thế giới. Nhờ đó Bắc Kinh có điều kiện thực hiện hai chính sách lớn trong đối nội và đối ngoại vốn là giấc mơ nằm ngoài khả năng của các triều đại vua chúa hàng ngàn năm nay.

  1. 1. Đối nội: phát triển vùng nội địa phương Tây

Hoa Lục ngay vào những giai đoạn cường thịnh nhất vẫn bị một khoảng cách rất lớn giữa các khu vực giàu có ven biển và các vùng đất rộng, nghèo khó sâu trong nội địa. Lịch sử Trung Hoa đã có nhiều cuộc nổi dậy của nông dân trong đất liền nhằm lật đổ các nhà cầm quyền xa hoa và thối nát vùng duyên hải – trong đó có lần Đông Tiến do Mao Trạch Đông dẫn đầu năm 1949.

Hố ngăn cách giàu nghèo trở nên sâu rộng hơn bao giờ hết vào đầu thế kỷ thứ 21 giữa 300 triệu người ở các thành thị dọc theo bờ biển và 1 tỷ dân chúng nghèo sống trong đất liền. Đảng cộng sản – như mọi triều đại vua chúa trước đây – bị ám ảnh bởi một cuộc nổi dậy.

Tuy vậy, lần đầu tiên trong lịch sử Bắc Kinh có được phương tiện cho một giải pháp. Hơn thế nữa, họ xem thử thách này là cơ hội để thúc đẩy tăng trưởng lên cao hơn cả mức độ hiện thời. Trung Quốc hiện có đủ tài chánh và kỹ thuật đầu tư vào giao thông, giáo dục, công nghệ để mang nguồn nhân lực khổng lồ và rẻ tiền trong nội địa đi vào sản xuất. Nhờ đó mức sống trong các vùng sâu sẽ được nâng cao, khoảng cách so với vùng duyên hải sẽ giảm thấp.

Hoa Lục giờ này chỉ mới xử dụng 300 triệu người sống phía Đông mà GDP đã nhảy vọt lên hàng nhì chỉ trong 30 năm. Nếu họ có thể vận dụng thêm được nguồn nhân lực 1 tỷ người trong nội địa thì lời tiên đoán phần trên của kinh tế gia Robert Fogel có thể thành sự thật trong khoảng 30 năm nữa. Điều kiện là xã hội Trung Quốc không bị rạn nứt đến mức bị sụp đổ, hay khiến phát triển bị trì trệ lại [3]

Bắc Kinh đang xây các con đường sắt nối liền Đông-Tây và những đập thuỷ điện khổng lồ nằm sâu trong nội địa[4] để vượt qua các chướng ngại thiên nhiên mà hàng ngàn năm nay sức người không khắc phục nổi.

Những thành phố vùng duyên hải sẽ trở thành các trung tâm kỹ nghệ tiên tiến ngõ hầu cạnh tranh với Âu-Mỹ-Nhật về năng lượng sạch, kỹ nghệ điện tử, sản xuất máy bay, xe hơi, tàu lửa tốc hành, v.v.… Khu vực sâu trong nội địa sẽ dùng nhân công rẻ để sản xuất hàng hoá giá hạ, phẩm chất kém đổ tràn ngập vào các thị trường Á-Phi và Nam Mỹ. Như vậy họ có thể cạnh tranh toàn thế giới trên cả hai phương diện chất lượng cao và thấp, điều mà Nhật Bản và Nam Hàn không thực hiện được vì bị giới hạn về dân số.

Tóm lại, nếu Bắc Kinh thành công thì họ có thể hoàn thành giấc mộng phát triển cả hai vùng đất ven biển và trong đất liền mà hàng ngàn năm phong kiến không thực hiện được.

  1. 2. Đối ngoại: bành trướng thế lực Đông, Tây, Nam và Bắc [5]

Địa lý của Hoa Lục bị nhiều rào cản thiên nhiên ngăn chận sự bành trướng trong suốt dòng lịch sử.

Chướng ngại ở phương Bắc là vùng đất Tây Bá Lợi Á băng giá ngoài sức chiụ đựng của con người.

Phía Đông bị đại dương cản trở. Trung Hoa đã một lần tổ chức hạm đội vào thế kỷ 13 chuẩn bị tấn công Nhật Bản nhưng rồi bị một ngọn thần phong làm tan nát. Bắc Kinh từ đó bỏ tham vọng vượt biển Đông chinh.

Phía Tây và Nam bị dãy Hy Mã Lạp Sơn hùng vĩ và hiểm trở ngăn chặn. Ngoài ra còn có thêm hai nền văn minh Ấn Độ và Hồi Giáo đối đầu.

Nút thoát cuối cùng là ở phương Nam, nhưng lại bị Việt Nam chận bước tiến trong nhiều thế kỷ.

Những chướng ngại vẫn còn đó nhưng giờ này Bắc Kinh không cần chiến tranh mà vẫn có thể khắc phục bằng các phương tiện kinh tế, tài chánh và kỹ thuật. Bên cạnh đó họ đang xây dựng một quân đội hiện đại trong trường hợp quyền lực mềm không đủ mạnh.

Trung Quốc đang chinh phục vùng Tây Bá Lợi Á giàu tài nguyên nhưng thưa người ở bằng những khoản đầu tư trực tiếp (FDI). Số lượng nhân công người Hoa theo các công trường tăng nhanh và mọc rễ. Mạc Tư Khoa hiểu được hiểm hoạ này nhưng không có một biện pháp hữu hiệu nào để đối phó vì chẳng những nền kinh tế nước Nga quá tụt hậu mà dân số ngày càng giảm. Có người đã nhận xét rằng Hoa Lục sẽ chinh phục toàn cõi nước Nga trong vòng một hai thế kỷ!

Nơi mạn Tây giáp giới với Hồi Giáo. Chính sách của Bắc Kinh là chặn đứng không cho hai phong trào ly khai và Hồi Giáo cực đoan đe doạ các vùng đất Ngô Duy Nhĩ, Tân Cương và Cam Túc. Đối với các nước bên ngoài lãnh thổ Trung Quốc, dùng quyền lực mềm về kinh tế để mua chuộc các nhà cầm quyền và dành khai thác tài nguyên vùng Trung Á (Afghanistan, Kazakhtan, Uzbekistan, Turkmenistan, …) Bắc Kinh còn tạo thêm một vòng ảnh hưởng ngoài cùng qua các liên hệ ngoại giao và thương mại với Iran. Đây là những hợp tác vì nhu cầu chính trị nên sẽ không mang đến một liên minh bền vững, mục tiêu chỉ nhằm cản trở thế lực phương Tây.

Tại phương Nam cho dù tranh cãi về biên giới nhưng Trung Quốc không dám toan tính bành trướng sang Ấn Độ vốn là nước đông dân thứ nhì trên hành tinh(!). Chính sách của họ gồm ba mũi dùi: (1) không để Tây Tạng ly khai (2) củng cố ảnh hưởng vào Miến Điện phải mạnh hơn so với từ Ấn Độ (3) bang giao với Pakistan để tạo thế gọng kềm lên Ấn Độ.

Ở vùng biển Đông Bắc Trung Quốc dùng thế lực kinh tế và tình trạng suy thoái của Tây Phương để thu hút Nhật – Đài Loan – Nam Hàn. Tham vọng của họ vào hậu thế kỷ thứ 21 phải là giai đoạn vàng son của Á Châu nơi đó Bắc Kinh là trung tâm điểm thực hiện giấc mộng ngàn đời của người Hán. Trung Quốc xây dựng hạm đội Bắc Hải  không phải để chuẩn bị tấn công vì cả ba nước kia đều cùng là cường quốc và các đối tác thương mại quan trọng. Trái lại sức mạnh quân sự chỉ nhằm đủ để “đuổi” Mỹ ra ngoài vùng Đông Bắc Á.

Khu vực Đông Nam Á gồm nhiều nước yếu, nhỏ và chia rẽ nên dễ dàng bành trướng thế lực nhất. Tiêu biểu cho quan điểm của Bắc Kinh là lời nhận định của Giáo sư Vương Hàn Linh thuộc Viện Khoa Học Xã Hội Trung Quốc [6] – giọng điệu cao ngạo nhưng rất đáng chú ý

“…. từ những năm 1970 …đã có ý tưởng là các nước Đông Nam Á nên liên kết lại để đối đầu với Trung Quốc và trong một thời gian, Bắc Kinh đã tỏ ra quan ngại về điều này.”

Thế nhưng sau 30 năm không thấy động tĩnh gì (từ phía các nước Đông Nam Á), Trung Quốc nay cũng không còn lo lắng.

“Chúng tôi thấy rằng các nước láng giềng bản thân cũng còn tranh chấp với nhau, lại còn nhiều quyền lợi quốc gia cần bảo vệ nên khó có thể đoàn kết để chống Trung Quốc….và ngay cả khi họ liên hiệp lại thì cũng không đủ mạnh để thắng Trung Quốc.”

(Như phần trên đã phân tích, Bắc Kinh xây dựng lực lượng hải quân để ngăn chận Hoa Kỳ vùng Đông Bắc Á – nhưng bất ngờ tàu chiến Mỹ quay lại hiện diện vùng Đông Nam Á sau khi ngoại trưởng Hillary Clinton tuyên bố chính sách tại biển Đông – khiến Trung Quốc rất ngỡ ngàng và bực dọc)

Xa hơn nữa, Hoa Lục còn dùng sức mạnh mềm về kinh tế và tài chánh để tạo ảnh hưởng sang những vùng đất xa xôi như Phi Châu và Nam Mỹ, với mục tiêu trở thành một siêu cường toàn cầu chớ không chỉ giới hạn trong khu vực.

Để tóm tắt hai phần trên, những thành tựu trong vòng 30 năm gần đây khiến Bắc Kinh nhận thấy có cơ hội thực hiện hai giấc mộng hàng ngàn năm của các triều đại phong kiến: về đối nội khai phá và phát triển vùng sâu nội địa; trên lãnh vực đối ngoại đem Hoa Lục lên ngôi vị trung tâm của Á Châu.

Không ai khác hơn Hoàng Đế Nã Phá Luân đã nhận xét hai trăm năm trước đây: “Hãy để Trung Hoa ngủ yên vì khi thức dậy họ sẽ làm rung chuyển thế giới”

Nếu trong lịch sử các cường quốc lên xuống là việc đã từng xảy ra, riêng sự trỗi dậy của Trung Quốc chẳng những là mối lo ngại mà còn là một nghịch lý trên cả phương diện lý luận lẫn cơ cấu tổ chức:

  1. 3. Những nghịch lý trong mô hình phát triển của Trung Quốc

  1. Một quan điểm được công nhận rộng rãi trong thế kỷ thứ 21 là nước nào muốn thành công trong trào lưu toàn cầu hoá phải là một xã hội tự do nơi đó các ý kiến và tương quan mới đua nhau nẩy nở lành mạnh. Trung Hoa đã mở cánh cửa tự do kinh doanh, giao thương, tiêu thụ, trao đổi văn hoá và kỹ thuật nhưng nhà nước vẫn độc quyền chính trị, chỉ đạo về kinh tế tài chánh và kiểm soát chặt chẽ thông tin. Vậy mà Hoa Lục đã hơn Nhật Bản và sẽ qua mặt Hoa Kỳ một ngày không xa. Nếu mô hình của Trung Quốc thành công hơn Tây Phương thì ảnh hưởng lên sự tiến triển của xã hội dân chủ trên toàn thế giới sẽ như thế nào?

  1. Tại sao thông tin và sự thành hình của giai cấp trung lưu chưa đem lại một cuộc cách mạng dân chủ tự do (liberal democracy) ở Hoa Lục? Không ai – kể cả Bắc Kinh – chối cãi các bất mãn sôi sục về giàu nghèo, tham nhũng, môi trường, an sinh xã hội cùng các phong trào thiểu số đòi tự trị. Dù vậy uy quyền và vai trò của đảng cầm quyền ngày càng củng cố ở cả trong nước lẫn quốc tế. Hơn thế, quốc tế bắt đầu nhận xét tham vọng bành trướng là của cả nước Trung Hoa – thay vì chỉ riêng một thiểu số lãnh đạo.

Có vài điểm tương đồng giữa nước Đức trong thập niên 1930 và Hoa Lục ngày hôm nay: nhà cầm quyền phối hợp được lòng tự hào, sự tài giỏi của dân chúng cùng những bất công của lịch sử để mang cả nước trỗi dậy theo một hướng rất bất ngờ. Dù vậy người viết không nghĩ Trung Quốc sẽ trở thành mối đe doạ hiểm nghèo cho toàn thế giới. Khác với Đức bị gò bó trong khuôn khổ Âu Châu sau thế chiến thứ nhất, Trung Quốc hưởng rất nhiều lợi ích nơi trật tự thế giới từ sau chiến tranh lạnh.

Kết luận nơi đây là chúng ta không thể nào trông đợi vào sự “tất yếu” của một cuộc cách mạng dân chủ tự do phát sinh từ Hoa Lục nếu sự kiện này đã không xảy ra tại Đức vào thập niên 1930.

Nghịch lý cuối cùng là về kinh tế: làm thế nào một cơ cấu chỉ đạo trung ương, thiếu minh bạch và đầy dẫy tham ô tệ nạn lại lèo lái được một nền kinh tế khổng lồ và phức tạp vượt trội hơn cả các nước tiên tiến Âu-Mỹ-Nhật? Hiện thực chẳng những đi ngược lại lý thuyết mà còn tương phản với các kinh nghiệm từ hơn 200 năm từ khi Tây Phương chuyển mình sang cách mạng dân chủ tư sản để dẫn đầu thế giới.

Chúng ta hãy trở lại tìm hiểu về nguyên nhân cho sự thành công của Trung Quốc. Người viết nghĩ đây là sự tổng hợp gồm các tình cờ lịch sử, lãnh đạo sáng suốt, tính siêng năng và tài giỏi của người Hoa  Nhưng bù lại Hoa Lục đã không đóng góp một sáng tạo mới nào cho nhân loại về cả văn hoá, xã hội hay kỹ thuật. Họ là những học trò xuất sắc có thể qua mặt thầy, nhưng lại không thể tiếp nối để thành thầy!

4. Những nguyên nhân và sự thành công của Trung Quốc

Khi phong trào cộng sản lan rộng từ Nga sang Trung Hoa, không ai ngờ sẽ có ngày hai nước này tranh chấp căng thẳng và giao tranh đẫm máu tại vùng biên giới năm 1969. Khó ai tiên liệu Mạc Tư Khoa đã có kế hoạch tấn công Bắc Kinh bằng vũ khí nguyên tử [7] khiến Chủ Tịch Mao Trạch Đông phải đón tiếp nhà lãnh đạo khối tư bản Richard Nixon để tạo thành thế vạc ba chân vào năm 1971.

Nhờ vậy Trung Quốc có được tiến trình hoà hoãn với phương Tây 19 năm trước khi Liên Xô tan rã[8]. Cho dù Bắc Kinh có bị lên án khi đàn áp phong trào Thiên An Môn năm 1989, nhưng khi bức màn sắt sụp đổ năm 1992 thì khối tư bản không còn xem chủ nghĩa cộng sản – và Hoa Lục –  là mối đe doạ sống còn.

Các chính quyền phương Tây chẳng những đồng ý để những công ty tư nhân chuyển công nghệ sản xuất cao cấp mà còn mở cánh cửa để nối liến Trung Quốc và mọi nước khác vào mạng tin học Internet. Người viết nghĩ rằng nếu còn chiến tranh lạnh các công ty Âu-Mỹ sẽ không thể nào thiết lập hãng xưởng sản xuất trang cụ cơ khí và điện tử tối tân có thể dùng được trong cả dân sự lẫn quốc phòng tại Hoa Lục. Tây Phương cũng không thể nào trợ giúp các nước Nga, Đông Âu, Trung Hoa và Việt Nam nối mạng toàn cầu nơi đó chứa nhiều dữ kiện quan trong gồm cả an ninh và tài chánh. Trái lại vì chiến tranh lạnh đã chấm dứt nên Tây Phương hy vọng các tự do thông tin sẽ dẫn theo đổi thay chính trị.

Một bài học cho Trung Quốc là Nam Hàn, Đài Loan đã canh tân theo gót chân của Nhật Bản. Cứ vậy, Bắc Kinh bước theo mô hình phát triển của 5 con rồng châu Á nên tránh được nhiều lầm lẫn tai hại. Họ chú trọng vào nhân công rẻ, giáo dục và xuất cảng.

Bức tường sắt sụp đổ cùng môt giai đoạn với mạng thông tin và vận tải trở nên hoàn chỉnh để có thể phục vụ đại đa số quần chúng. Các công ty Âu-Mỹ có thể tổ chức và quản lý cơ xưởng ở những nước đang phát triển xa xôi để dùng nhân công rẻ[9], sau đó chuyên chở sản phẩm (finished goods) hàng ngàn dặm về các thị trường tiêu thụ mà thời gian, chất lượng và giá thành vẫn cạnh tranh được so với sản xuất tại nội địa. Nếu không nhờ những tiến bộ kỹ thuật này thì các đầu tư sang Trung Quốc và các nước đang phát triển sẽ chỉ giới hạn nơi khai thác nguyên vật liệu cùng sản xuất hàng hoá thô sơ.

Thêm một tình cờ nữa là cuộc cách mạng dân sự (civil right movements) trong thập niên 1960-70 do mục sư Martin Luther King khởi xướng, cùng các phong trào Yêu Thương & Hoà Bình (Peace and Love) và chống chiến tranh Việt Nam tại những nước Tây Phương. Hệ lụy gián tiếp là người châu Á trước đây bị kỳ thị như giới lao động thấp hèn nay lại được mở ra các cơ hội học vấn lẫn kinh doanh. Người Hoa vốn có mặt tại khắp các nước Âu Mỹ đã nhanh chóng thành công trong môi trường thuận lợi ấy – họ sớm trở thành thương gia, giáo sư đại học, chuyên viên kỹ thuật trong hầu hết các ngành nghề.

Bắt đầu khi Trung Quốc mới mở cửa thì người Hoa sống nước ngoài đã nhìn với cặp mắt khinh thường và nghi ngại. Nhưng khi Thượng Hải, Bắc Kinh trở nên các thành phố lớn với tầm vóc quốc tế, khi các cơ hội về nghề nghiệp và kinh doanh ngày càng mở rộng thì một số không ít đã trở về giúp cho Hoa Lục cả kiến thức lẫn chuyên môn.

Thương gia gốc Hoa có mặt khắp nơi trên thế giới kể cả Phi Châu và Nam Mỹ. Họ trở thành các trung gian tìm những mối hàng mới cho khu vực sản xuất khổng lồ ở Trung Nguyên.

Bên cạnh các may mắn ngoại tại còn vai trò quan trọng của nhà cầm quyền.

Hoa Lục đã có những người lãnh đạo tài giỏi, bắt đầu với Đặng Tiểu Bình. Ông này cho mở hai cánh cửa tư hữu và thị trường[10]. Cho dù họ Đặng sẽ bị lịch sử lên án vì đã ra lệnh cho quân đội nổ súng vào sinh viên tại Thiên An Môn, nhưng một câu hỏi không bao giờ được trả lời dứt khoát  là nếu không có quyết định này liệu Trung Quốc có sẽ bị phân hoá và tụt hậu như Nga Xô hai năm sau đó hay không?

Mặc thị sau cuộc đàn áp đẫm máu tại quảng trường Bắc Kinh là một khế ước không thành văn để người dân được tự do kinh doanh nhưng nhà nước nắm độc quyền lãnh đạo. Sắp xếp này giúp Trung Quốc có ổn định chính trị để phát triển kinh tế trong 20 năm, cho dù mang lại các tệ trạng trầm trọng như nạn tham nhũng, bè phái, bao che, tàn huỷ môi trường để đẩy mạnh phát triển, công nhân bị bóc lột lao động, nông dân bị chiếm đoạt đất đai.

Một quyết định khác của Bắc Kinh là áp lực công ty nước ngoài phải trao đổi kỹ thuật chớ không thể chỉ khai thác tài nguyên và lao động rẻ[11]. Bù lại Trung Quốc đã bỏ vốn đầu tư vào giáo dục bậc đại học và xây dựng các trung tâm nghiên cứu ứng dụng nhằm bắt kịp Tây Phưong.

Trên một góc độ nào đó, người gốc Hoa ở ngoại quốc về làm việc hay kinh doanh trong nước có môi trường thuận lợi hơn so người Việt hải ngoại muốn trở về quê nhà.

Trong lãnh vực tài chánh Trung Quốc và các nước Đông Á (Nam Hàn – Đài Loan) rút kinh nghiệm từ cuộc khủng hoảng tài chánh năm 1997 để tích tụ một khoản trữ lượng ngoại tệ khổng lồ. Nhờ đó họ có vốn xoay xở và vượt qua lần nổ bóng tin học 2001 và đia ốc 2007-09. Hiện Trung Quốc có 2400 tỷ đô-la ngoại tệ. 300 tỷ trong số đó bỏ vào Quỹ Đầu Tư Quốc Tế [12]. Chương trình này có thể so sánh được với kế hoạch Marshall [13] của Mỹ nhằm tạo ảnh hưởng trên toàn thế giới sau thế chiến thứ hai.

Khi nhìn lại quá khứ người ta dễ kết luận rằng các quyết định của Bắc Kinh không có gì là đặc sắc vì nằm trong trào lưu toàn cầu hoá. Bù lại chúng ta cũng nên nhớ các nhà lãnh đạo Trung Quốc vẫn có thể chọn các chính sách sai lầm như tại nhiều nước độc tài khác gồm Nga, Mễ Tây Cơ, Iran, Iraq, Cuba, Bắc Hàn đã làm trong 20 năm qua. Trái lại họ đã khôn khéo lèo lái đất nước lên hàng thứ nhì trên thế giới.

Nhiều người nhận xét rằng mức độ phát triển 8-11% mỗi năm không có gì đáng khâm phục so với các con rồng châu Á vốn đã đi qua giai đoạn này rồi để rồi bị đứng khựng. Nhưng ít ai phủ nhận được rằng phép lạ kinh tế của Nam Hàn-Đài Loan-Hồng Kông-Singapore hiện đang tái diễn tại Trung Quốc ở quy mô to lớn hơn rất nhiều.

Dân chúng Âu-Mỹ 30 năm nay không trải qua nền kinh tế phát triển 8-10% mỗi năm nên khó lòng tưởng tượng được tác động tâm lý như thế nào. Riêng tai Hoa Kỳ có hai giai đoạn mà người viết nghĩ gần giống nhất là vào cao điểm của ngành tin học 1999-2000 và lúc giá địa ốc tăng vọt 2004-07. Khi đó mỗi ngày bước ra đường người ta đều bàn nhau đổi công ăn việc làm để lên lương. Lúc nào cũng có thêm công ty và cơ hội đầu tư mới. Giá trị cổ phần (stock option) tăng vọt. Địa ốc mỗi năm lời gấp đôi. Những khu đất mới chưa xây cất đã có người xếp hàng dài để mua.

Hoa Kiều trú ngụ tại Âu-Mỹ có đời sống êm đềm và ổn định, đến khi trở lại làm việc tại Trung Quốc nhiều người cho biết họ cảm thấy một sức sống mới đang dâng lên. Mỗi ngày bước ra đường thấy các công trình xây cất mới, những cơ hội nghề nghiệp và đầu tư mới. Dù bị cấm đoán sinh hoạt chính trị nhưng nhà cầm quyền đã để dân chúng tự do kinh doanh, và người Hoa đã phát triễn năng khiếu làm ăn buôn bán của mình. Cảm tưởng riêng của người viết là chỉ New York mới so sánh được với các thành phố tại Trung Quốc về tính năng động[14]

Đời sống kinh tế tại Hoa Lục sôi sục ở mức độ nóng bỏng gấp 2, 3 lần như vậy trong suốt 10 năm dài của thế kỷ 21 tạo ra một xã hội duy vật chất và chạy theo kim tiền. Kẻ giàu phô trương khoe khoang; người nghèo vật lộn với công việc để có cuộc sống khá hơn; nhân viên nhà nước tìm quyền cao chức trọng để trục lợi.

Nhiều nhà quan sát đã phê bình rằng cho dù GDP có lên hạng nhì, rồi hạng nhất đi chăng nữa thì lợi tức đầu người tại Trung Quốc vẫn không thể nào bắt kịp Nhật Bản và Hoa Kỳ, vì vào năm 2009 tại Hoa Lục chỉ mới là 6600 USD, so với Nhật 32600 USD và Mỹ 46400 USD [15]. Điều này dù đúng đi chăng nữa thì ảnh hưởng của nền kinh tế Trung Quốc lên cả thế giới trong 20 năm qua không thể bị phủ nhận, và tác động sẽ rất khó hình dung nếu tiếp tục tăng trưởng gấp 2, 3 lần hiện thời vào những thập niên kế tiếp.

Điểm cuối cùng cho sự thành công là sự siêng năng, giỏi giắn cộng thêm con số đông của người Hoa. Người ta có thể lập luận rằng yếu tố chính giúp Trung Quốc tiến bộ là nhà cầm quyền để yên đừng cản trở dân chúng tự do làm ăn, chớ không phải vì chính sách lèo lái khéo léo nào của nhà nước.

Cho dù là một nước cộng sản nhưng người viết ít thấy sinh hoạt nơi nào khác mang nhiều màu sắc tư bản bằng tại các thành phố Trung Quốc với những khách sạn lộng lẫy, thương xá sang trọng, hàng hoá rực rỡ. Nếu có dịp đến làm việc tại các khu kỹ nghệ mới thấy kinh ngạc trước sự quy mô của ngành sản xuất. Bên cạnh đó còn rất nhiều những thị trấn công nghệ nằm san sát cạnh nhau trong cùng một khu phố, một cảnh tượng giống như Silicon Valley của Hoa Kỳ.

Đáng nói hơn cả là người dân Hoa: nơi nào cũng có các nhân viên tiếp thị (salesmen) mà mở miệng ra là khách hàng trên hết – hoàn toàn khác hẳn với thái độ trong xã hội chủ nghĩa.

Nền kinh tế của Trung Quốc phát triển rất nhanh nên thành phần giám đốc, nhân viên cao cấp tuổi còn trẻ so với tại Hoa Kỳ và Âu Châu; nhưng vì nắm các chức vụ quan trọng nên họ sớm trưởng thành và tự tin trên phương diện nghề nghiệp.

Nhiều người nhận xét rằng các sinh viên mới ra trường tại Hoa Lục khả năng rất kém so với ở Hoa Kỳ. Nhưng so lại mức lương của họ thấp hơn từ 15 đến 20 lần – nghĩa là một người tại Mỹ phải làm việc hiệu quả gấp 10 lần thì mới tương xứng giá thành!

Bên cạnh đó số người tài giỏi cũng không ít như nhà tỷ phủ Bill Gates đã nhận xét: “Những người xuất chúng triệu người có một, thì tại Trung Hoa cũng có đến 1300 người!”

Một nhận xét cuối cùng là người dân Trung Hoa hiện lạc quan hơn tại Âu-Mỹ. Với những nhà giàu mới thì không cần nói đến mức độ phô trương xa xỉ, nhưng cả đối với thành phần chuyên viên trung lưu hay người lao động cơ cực họ vẫn thấy mức sống tiến triển khá hơn rất nhiều (so với tại Hoa Kỳ, giới trung lưu trong suốt 10 năm tài sản và lương bổng không tăng lại thêm sợ mất việc làm). Dân chúng Trung Hoa còn có niềm tự hào là nếu giữ vững đà phát triển hiện thời nền kinh tế Hoa Lục sẽ dẫn đầu thế giới trong 10-15 năm nữa.

Niềm lạc quan đó khiến người Hoa mua sắm, đầu tư làm mức tăng trưởng càng lên cao.

Trong hoàn cảnh đó chỉ có một số ít các nhà tranh đấu dân chủ và một vài cán bộ cao cấp[16] đòi dân chủ và cải tổ xã hội. Liệu các thay đổi này sẽ đến từ thành phần lãnh đạo? Hoặc một cuộc cách mạng dân chủ phát xuất từ quần chúng do những mâu thuẫn sâu xa trong xã hội? Nếu sẽ xảy ra thì lúc nào? Đây là những câu hỏi chưa có trả lời.

© Đoàn Hưng Quốc

© Đàn Chim Việt


[1] Why China’s Economy Will Grow to $123 Trillion by 2040 – Robert Fogel – Foreign Policy số tháng 01-2010

[2] A $123 Trillion China? Not Likely – NICHOLAS CONSONERY – Foreign Policy 07 tháng 01-2010

[3] Một lý do khác khiến nền kinh tế Trung Quốc không thể phát triển đến 123 ngàn tỷ vào năm 2040 là tài nguyên của quả địa cầu sẽ không đủ cung ứng cho mức sống này  – theo phân tích của ông NICHOLAS CONSONERY trong bài A $123 Trillion China? Not Likely – – Foreign Policy 07 tháng 01-2010

[4] Khi Trung Quốc xây các đập thủy điện thượng nguồn như  con sông như Cửu Long mà không có sự phối hợp thì các nước hạ nguồn chiụ tác động về môi trường

[5] Đọc giả muốn tìm hiểu thêm đề tài này với bài báo The Geography of Chinese Power – Robert D. Kaplan – tháng 5-2010 trên tạp chí Foreign Affairs

[6] Bài trên trang mạng đài BBC ngày 08 tháng 05, 2010

[7] Hồi ký của Ngoại Trưởng Xô-Viết Anthony Dobrynin – In Confidence: Moscow’s Ambassador to Six Cold War Presidents – University of Washington Press (tháng 03- 2001)

[8] Tổng thống Hoa Kỳ Ronald Reagan gọi Liên Xô là một Đế Quốc Ma Quỷ (Evil Empire) mà không có từ ngữ tương tự dành cho Trung Quốc. Vào thập niên 1980 báo chí Tây Phương cũng tô vẽ Hoa Lục là vùng đất bí hiểm cho du lịch, và mầu mỡ để đầu tư

[9] Một lý do ngoài nhân công rẻ là các công ty Tây Phương nhận chế độ thuế khoá ưu đãi và không bị kiểm soát gắt gao về môi trường tại các nước đang phát triễn.

[10] Quan điểm của Đặng Tiểu Bình thể hiện qua câu nói rất bình dân “Mèo trắng mèo đen miễn bắt chuột được đều tốt”

[11] So với Việt Nam hay Phi Châu, khi các công ty Trung Quốc trúng thầu đem từ dụng cụ, nhân viên lẫn nhu yếu phẩm sang nước trúng thầu nên không có chuyện trao đổi kỷ thuật http://www.viet.rfi.fr/viet-nam/20100816-phai-sua-quy-dinh-dau-thau-truoc-viec-tq-nam-da-so-du-an-trong-diem-cua-vn

[12] Coping With China’s Financial PowerKen Miller – Foreigh Affair Magazine 05-2010

[13] A Chinese ‘Marshall Plan’ or business?Wenran Jiang – Asia Times online http://www.atimes.com/atimes/China_Business/KA14Cb01.html

[14] Có lẻ sức năng động của các thành phố Trung Quốc một phần nhờ vào số đông dân chúng ngoài đường: lúc nào cũng xe cộ chen chúc, điện thoại cầm tay reng không ngừng để bàn về các mối làm ăn mới.

[15] Đây là GDP per capita (PPP) tính theo sức mua tại mỗi xứ – CIA World Factbook  https://www.cia.gov/library/publications/the-world-factbook/rankorder/2004rank.html?countryName=China&countryCode=ch&regionCode=eas&rank=128#ch

[16] Trường hợp đặc biệt gần đây của tướng không quân Lưu Á Châu kêu gọi phải cải tổ theo hệ thống chính trị của Hoa Kỳ được nhiều người chú ý và đăng trên Tuần báo Phượng Hoàng (Phoenix Weekly) xuất bản ở Hồng Kông, số ra ngày 05/04/2009 http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20100815-mot-vien-tuong-duong-nhiem-keu-goi-cai-to-dan-chu-theo-mo-hinh-hoa-ky

3 Phản hồi cho “Trung Quốc – một cường quốc sau chiến tranh lạnh”

  1. quandannambo says:

    trung quốc
    *
    chỉ là
    con khỉ đỏ đít
    *
    nếu
    có lớn mạnh
    *
    củng chỉ
    trở thành con khỉ đột
    *
    bọn tàu hán
    *
    chưa bao giờ
    thành người *

  2. BÀN NGANG says:

    Các ông quan niệm thế nào là một ” CƯỜNG QUỐC ” : Hãy lấy những thí dụ thật đơn sơ, sẽ thấy cái quan niệm của các ông là ẤU TRĨ : 2 nhân vật A và B . A rất khỏe cử đinh ngàn cân, như Hạng Võ, chuyên dùng sức mạnh của mình cứu khổn phò nguy, được mọi người nể trọng gọi là ” A lực sĩ, ” trong khi đó B cũng khỏe có thua gì, nhưng B lại dùng sực lực của mình để đi bắt nạt, hà hiếp yếu, nên ai cũng khinh tởm tránh xa, chứ thật ra không một mảy may sợ nên gọi ” B vai u thịt bắp ” ( không phải là, lực sĩ, là khỏe ! ) Lại nữa X và Y là 2 ông nhà giầu . X hay đem của cải tài sản của mình đi cứu trợ người bần cùng, được thiên hạ nể vì, kính trọng gọi là ân Nhân, trong khi đó Y giầu có cũng thua gì, thế nhưng keo kiệt bủn xỉn, không hay giúp người nên bị thiên hạ gọi là trọc phú ? Đấy từ những thí dụ này các ông hãy luận thế nào là một cường quốc cho đúng nghĩa ! .

    • Builan says:

      Quá sức HỒ ĐỒ
      ,b>” sẽ thấy cái quan niệm của các ông là ẤU TRĨ ”

      Tôi chưa hề có chút ý kiến gì về bài viết nầy (chỉ có 1 phản hồi)
      Vậy thì “các ông là ấu trĩ” !!! LÀ AI ?
      Tôi biết và nhận có thể là có MÌNH !
      Hy vọng ông bà cụ thân sinh- thầy cô giáo nhà BN có quyền tự hào – ” hãnh tiến” có người con- người học trò HỒ ĐỒ
      Kính

Phản hồi