Dân số thế giới tiếp tục gia tăng 50 triệu người mỗi năm
Dân số thế giới gia tăng rất chậm kể từ khi trái đất mới khai thiên lập địa. Phải mất 250,000 năm, dân số nhân loại mới đạt được mức 1 tỉ người vào khoảng đầu thế kỷ 19, khi tế bào trứng của con người được khám phá. Hơn một thế kỷ sau đó, vào khoảng 1930, nhân số tăng gấp đôi lên tới 2 tỉ. Kể từ đó đến nay, dân số tăng nhanh chóng một cách không ai có thể ngờ được. Chỉ cần khoảng 30 năm, dân số nhân loại tăng thêm 1 tỉ từ 2 tỉ lên tới 3 tỉ vào năm 1960. Tỉ thứ tư chỉ cần 14 năm và tỉ thứ năm và thứ sáu chỉ cần 13 năm và 12 năm. Sự gia tăng dân số thật là khủng khiếp nếu đà này tiếp tục. May thay, tốc độ tăng trưởng nhân số đã ở điểm cao nhất và bắt đầu chậm lại. Vào năm nay, tức là cũng sau 12 năm trái đất sẽ có thêm 1 tỉ người nữa để đạt tới mức 7 tỉ, theo ước tính của Cơ Quan Dân Số của Liên Hiệp Quốc. Dân số thế giới sẽ còn tiếp tục gia tăng ít nhất trong vài thập niên tới, nhưng tốc độ tăng trưởng tiếp tục giảm dần.
Hai quả bom dân số
Kinh tế gia người Anh Thomas Malthus vào năm 1798 đã nhận định rằng nhân số sẽ gia tăng nhanh hơn là mức sản xuất thực phẩm, cho đến khi chiến tranh, bệnh tật, và nạn đói làm giảm số người. Quả thật là những bệnh dịch lớn đã giết chết nhiều người trước khi Malthus ra đời. Bệnh dịch (black death) lan tràn ở Âu châu trong các năm 1347-1349 đã giết chết ít nhất 1/4 dân số Âu châu.
Trong hai thế kỷ kế tiếp, sau khi Malthus tuyên bố nhân số thế giới không thể tiếp tục tăng, thực tế đã cho thấy một tình trạng trái ngược: dân số thế giới tiếp tục tăng. Sự bành trướng trồng những cây thực phẩm mới như bắp và khoai, cùng với việc khám phá ra phân hóa học đã giúp chặn đứng nạn đói ở Âu châu. Kể từ giữa thế kỷ 19, việc thiết lập hệ thống cống rãnh và cải thiện vệ sinh đã làm giảm bệnh dịch tả (cholera) và thương hàn (thyphus). Cũng vào thời Malthus, khoa học gia Edward Jenner đã bào chế loại vac xin (thuốc chủng) đầu tiên để chữa bệnh đậu mùa (smallpox). Sau đó nhiều thuốc chủng khác và thuốc trụ sinh ra đời như Penicillin. Thuốc DDT diệt muỗi truyền bệnh sốt rét. Sự tiến bộ của ngành y khoa, cùng với phương pháp dinh dưỡng tốt đã giúp con người sống lâu hơn. Tuổi thọ trung bình tại những nước kỹ nghệ hóa từ 35 năm đã tăng lên đến 77 năm hiện nay. Tuổi thọ của Ấn Độ cũng đã tăng từ 38 năm vào năm 1952 lên đến 64 ngày nay. Tại Trung Quốc, con số này đã tăng từ 41 đến 73. Không những con người sống lâu hơn, mà số đàn bà ở trong tuổi sanh con lên đến 1.8 tỉ, mặc dù mỗi đàn bà sanh ít con hơn so với một thế hệ trước.
Nhà sinh học Hoa Kỳ Paul Ehrich của Standford University xuất bản cuốn sách “Population Bomb” vào năm 1968. Ông tiên đoán rằng hằng trăm triệu người sẽ chết đói và đã quá trễ để có thể làm được gì để cứu vãn tình trạng này. Bệnh ung thư nhân số gia tăng cần phải cắt giảm bằng cách bắt buộc nếu những phương pháp tình nguyện thất bại. Cuốn sách “Population Bomb” của thế kỷ 20 đã làm ông Paul Ehrich nổi tiếng y như cuốn sách “An Essay on the Principle of Population” của ông Thomas Malthus xuất bản vào cuối thế kỷ 18.
Lần này cũng vậy, trái bom dân số đã không nổ. Cuộc cách mạng xanh đã giúp mức sản xuất thực phẩm gia tăng mạnh mẽ nhờ vào sự phát minh các loại hạt giống có năng suất cao như lúa Thần Nông, phương pháp dẫn nước, phân hóa học, và thuốc diệt trừ sâu bọ và bệnh thảo mộc. Ngày nay, vẫn còn có nhiều người thiếu dinh dưỡng nhưng nạn chết đói hàng loạt rất hiếm hoi, ngoại trừ do “nhân tạo” như nạn đói năm Ất Dậu tại Việt Nam do chính quyền Nhật gây ra, tại Ukraine vào năm 1932-1933 do chính sách sản xuất tập thể cưỡng bức dưới thời Joseph Stalin, và nạn đói tại Trung Quốc vào những năm 1958-1961 do chính sách Nhẩy Vọt và sản xuất tập thể của Mao Trạch Đông.
Hạn chế sinh sản
Vào thế kỷ 18 tại Âu châu và đầu thế kỷ 20 tại Á châu, một người đàn bà trung bình sanh 6 đứa con để giữ cho nhân số không thay đổi vì phần lớn những đứa trẻ chết trước khi đến tuổi trưởng thành. Tỉ lệ sanh sản này đã giảm xuống còn 4.8 vào năm 1965-70 và 2.6 vào năm 2005-10.
Ngày nay tại những nước phát triển, tỉ lệ sanh sản để giữ quân bình về nhân số là 2.1 cho mỗi phụ nữ tại những nước đã phát triển và tỉ lệ này cao hơn tại những quốc gia đang mở mang. Một điều quan trọng không ai tiên đoán được là vào đầu thập niên 1970s, tỉ lệ sanh sản trên thế giới đã bắt đầu thuyên giảm mạnh chưa từng thấy. Do đó mức tăng trưởng dân số đã giảm trên 40%.
Phụ nữ Pháp tiên phong trong việc giảm sanh đẻ bắt đầu từ thế kỷ 18. Sau đó cả Âu châu và Hoa Kỳ theo gương phụ nữ Pháp. Vào cuối thập niên 1990s, tỉ lệ sanh sản tại Âu châu là 1.4. Tại Trung Quốc với một dân số bằng 1/5 dân số thế giới, mặc dù dân số tiếp tục tăng, nhưng tỉ lệ sanh sản đã giảm xuống còn 1.5 dưới mức thay thế trong khoảng 20 năm vừa qua do chính sách bắt buộc một con bắt đầu từ năm 1979. Tỉ lệ sanh sản cao hiện nay chỉ tồn tại ở Phi Châu. Tuy nhiên nhân số Phi Châu chỉ chiếm 16% nhân số toàn cầu.
Vào năm 1952, chỉ vài năm sau dành được độc lập, Ấn Độ đã bắt đầu thi hành chánh sách hạn chế sanh đẻ để giảm bớt việc gia tăng dân số. Mục tiêu của chánh sách này là Ấn Độ cần đạt được tỉ lệ thay thế dân số 2.1 vào năm 2010. Điều này đã không xẩy ra và còn cần thêm một thập niên nữa. Hiện nay tỉ lệ này là 2.6. Theo một ước tính, dân số Ấn Độ sẽ nhiều hơn dân số của Trung Quốc vào năm 2030 và lên quá 1.6 tỉ vào năm 2050. Phương pháp hạn chế sanh đẻ chánh ở Ấn Độ là triệt tiêu khả năng sanh sản (sterilization) của đàn bà và cả đàn ông. Phương cách thắt ống dẫn tinh trùng (noscalpel vasectomy) ở đàn ông giản dị và ít tốn kém hơn là cách cột buồng trứng (tubal ligation) ở đàn bà.
Dân số Việt Nam
Theo cuộc kiểm tra thực hiện vào 01-04-1999, dân số Việt Nam là khoảng trên 76 triệu. Từ năm 1979 đến 1999 dân số gia tăng 24 triệu. Mặc dù dân số gia tăng, nhưng tốc độ gia tăng dân số đã giám. Trong khoảng thời gian 1979-1989 mức gia tăng là 22.7% và trong 1989-1999 là 18.5%. Trung bình mức tăng trưởng hàng năm là khoảng 2% vào đầu thập niên 1990s và 1.4% vào cuối thập niên này.
Việt Nam áp dụng chính sách hai con bắt đầu từ năm 1993 để kiểm soát nhân số đã giúp cho mức tăng trưởng dân số tiếp tục giảm xuống còn 1.3% vào năm 2004 và 1.096% vào năm 2010. Tỉ lệ sanh sản giảm từ 3.8 vào năm 1989 xuống còn 1.93 vào năm 2010. Tuy nhiên dân số Việt Nam vẫn tiếp tục gia tăng vào khoảng 1 triệu mỗi năm. Dân số của Việt Nam vào năm 2010 là 89,571,130. Vì áp lực quốc tế, Việt Nam đã hủy bỏ chính sách 2 con vào năm 2003 vì tính cách cưỡng bức và thay thế bằng chánh sách khuyến khích gia đình nhỏ.
Hình thức cưỡng bức của chính sách hai con bao gồm việc trục xuất người vi phạm ra khỏi Đảng CSVN nếu là đảng viên, cha mẹ phải trả tiền sức khỏe và học phí cho đứa con thứ ba, và nhân viên chánh phủ sẽ bị kỷ luật. Một biện phát trừng phạt nặng là tịch thu đất. Tuy nhiên, biện pháp trừng phạt không được áp dụng trên toàn quốc và tùy thuộc vào quyết định của các viên chức địa phương. Rút kinh nghiệm của Trung Quốc, Việt Nam đã không áp dụng chính sách một con để tránh sự mất quân bình giữa hai phái nam và nữ.
Hàng năm con số phá thai chính thức được ghi nhận là 900,000 trường hợp. Thực tế con số phá thai có thể cao hơn. Phá thai là một phương pháp hạn chế dân số ở Việt Nam và giúp cha mẹ có lối thoát trong việc chọn con trai hay con gái. Cũng như ở Nhật, Hàn Quốc, Đài Loan và Trung Quốc, cha mẹ Việt Nam có khuynh hướng trọng con trai. Theo thống kê của Liên Hiệp Quốc, trung bình một phụ nữ Việt Nam trải qua ba lần phá thai trong đời để theo chính sách hai con. Mặc dù chính sách này không khắt khe như ở Trung Quốc, nhưng cũng đã tạo ra tình trạng bất thăng bằng về nhân chủng. Ở Việt Nam tỉ lệ con trai so với con gái là 112/100.
Kết luận
Nhờ những phương pháp kiểm soát dân số và tiến bộ về khoa học, sự gia tăng nhân số thế giới đã chậm lại và hai quả bom dân số đã không nổ. Nhân loại cần 13 – 14 năm nửa để đạt được 8 tỉ, và 20 – 25 năm sau đó để đạt 9 tỉ, tức là vào khoảng 2045 – 50. Trung bình mỗi năm dân số thế giới sẽ gia tăng 50 triệu người cho đến giữa thế kỷ 21. Vào lúc đó, lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại, nhân số thế giới sẽ ổn định và sẽ không gia tăng nữa.
Ưu tiên quan trọng hiện nay đối với thế giới không còn là vấn đề đông dân, mà là nạn nghèo đói, thiếu hạ tầng cơ sở và môi trường nhiễm độc. Thực phẩm sẽ không thiếu nhưng sự phân phối vẫn là một thử thách lớn lao.
© Nguyễn Quốc Khải
© Đàn Chim Việt
—————————————————
Tài liệu tham khảo:
1. Paul Ehrich, “The Population Bomb”, Cuthogue, New York,: Bucaneer, 1971.
2. Robert Kunzig, “Population 7 Billion,” National Geographic, January 2011, Vol. 219, No. 1.
3. John Parker, “Another Year, Another Billion,” The World in 2011, The Economist, December 2010.
4. Eye Witness, “The Black Death 1348,” www.eyewitnesstohistory.com, 2001.
5. WorldWatch Institute, “Vietnam May Revisit Two Child Population Policy,” January 5, 2009. Owen Bennett-Jones, “Vietnam’s Two-Child Policy,” BBC News, November 8, 2000.
6. The Gardian, “Vietnam a development success story?”, December 23, 2010.
7. Thuy Hang, “Vietnam’s population tops 85 million,” Vietnews, August 15, 2009.
8. Carl Haub and Phuong Thi Thu Huong “An Overview of Population and Development in Vietnam,” Population Reference Bureau and the National Committee for Population and Family Planning, February 2003.
Chuá sinh ra đấy bạn à
Đừng lo, Chuá sẽ giúp ta đủ đầy!
Cõi trần hết chỗ, lên mây
Chúngta cứ việc ”thịt” cầy mà ăn!!!