WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Cựu Ðại Tá HQ Hà Văn Ngạc thuật lại trận hải chiến lẫy lừng tại HS

LTS (Người Việt).- Cách đây ít ngày, gia đình cố Ðại Tá Hà Văn Ngạc, người chỉ huy trận hải chiến lịch sử giữa hải quân VNCH và hải quân Trung Cộng tại Hoàng Sa, đã đến tòa soạn và tặng chúng tôi một hồi ký của cựu Hải Quân Ðại Tá Hà Văn Ngạc. Trong cuốn hồi ký, ông kể lại rất chi tiết cuộc đụng độ nói trên. Cuốn hồi ký dày 108 trang lấy tên là “Trận Hải Chiến Hoàng Sa 19-1-1974″ được cựu HQ Ðại Tá Hà Văn Ngạc hoàn tất trước khi ông qua đời vào năm 1999 tại thành phố Grapevine, tiểu bang Texas. Vì câu chuyện khá dài, chúng tôi xin phép gia đình cố Hải Quân Ðại Tá Hà Văn Ngạc tóm lược lại tài liệu này nhân dịp tưởng niệm 58 chiến sĩ hải quân hy sinh trong trận hải chiến Hoàng Sa ngày 19-1-1974.

————————————————————————————

Những lời mở đầu

Tân Xuân Giáp Dần Hoàng Sa chiến

Nam ngư hải ngọai huyết lưu hồng

“Hai câu thơ với lối hành văn vận theo sấm Trạng Trình đã được truyền khẩu rất nhanh khi Hải Ðội Ðặc Nhiệm Hoàng Sa trở về Ðà Nẵng vào sáng sớm ngày 20 tháng 1 năm 1974. Và câu thơ này do Hải Quân Ðại Tá Nguyễn Viết Tân lúc đó đang giữ chức vụ chỉ huy trưởng Sở Phòng Vệ Duyên Hải đọc cho tôi nghe. Từ ngày đó tới nay đã 25 năm (thời điểm tác giả viết hồi ký) và do sự khuyến khích của các bậc trưởng thượng trong hải quân VNCH, tôi ghi lại những chi tiết về diễn tiến chưa từng được tiết lộ để làm chứng liệu lịch sử”. (Hà Văn Ngạc – Trận Hải Chiến Hoàng Sa 19-1-1974)

Ðó là lời mở đầu của tập ký ức về trận đánh lịch sử giữa hải quân VNCH và hải quân Trung Cộng cách đây 34 năm tại gần đảo Quang Hòa trong nhóm Nguyệt Thiềm của quần đảo Hoàng Sa. Tác giả tập ký ức in bằng hai thứ tiếng Việt và Anh này là cựu Hải Quân Ðại Tá Hà Văn Ngạc, người chỉ huy trận hải chiến lịch sử nói trên. Sau biến cố 30 tháng 4, 1975, hơn một năm sau cuộc thử lửa, ông đành cùng gia đình sống một cuộc đời lưu vong tại Hoa Kỳ. Cựu Hải Quân Ðại Tá Hà Văn Ngạc qua đời tại Trung Tâm Y Khoa Baylor thành phố Grapevine, tiểu bang Texas tháng 2 năm 1999. Bản dịch tiếng Anh của Hà Mạnh Chí. Phải nói ngay rằng tập tài liệu dầy 108 trang của cựu Hải Quân Ðại Tá Hà Văn Ngạc có nội dung gồm nhiều chi tiết rất quan trọng về một trận hải chiến lẫy lừng ở Hoàng Sa mà thời điểm năm 1974 những chi tiết này chưa được phép phổ biến vì an ninh quốc phòng. Cho nên khi viết lại ký ức này, tác giả rất thận trọng xác nhận rằng vì muốn chỉnh lại những chi tiết chính xác để làm chứng liệu lịch sử nên đã cố gắng ghi lại những dữ liệu mà ông là nhân chứng, chứ thực ra những điều ông ghi nhận chỉ giúp người đọc ông một so sánh: lực lượng hải quân VNCH không thể sánh với lực lượng hùng hậu của hải quân Trung Quốc thời bấy giờ, nhưng vì phải chiến đấu để bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ, ông chấp nhận sự bất tương xứng về lực lượng như ông cha ta ngày xưa dám làm.

Trước khi đi vào chi tiết trận đánh, cựu Hải Quân Ðại Tá Hà Văn Ngạc đã ghi lại điều mà ông gọi là cấu trúc thượng tầng chỉ huy và các đơn vị tham chiến của hải quân vào lúc biến cố như: Tư Lệnh Hải Quân VNCH, Ðề Ðốc Trần Văn Chơn, Tư Lệnh Phó Hải Quân: Phó Ðề Ðốc Lâm Ngươn Tánh, Tham Mưu Trưởng Hải Quân: Phó Ðề Ðốc Diệp Quang Thủy, Tư Lệnh Hạm Ðội: Hải quân Ðại Tá Nguyễn Xuân Sơn, Tư Lệnh Vùng 1 Duyên Hải: Phó Ðề Ðốc Hồ Văn Kỳ Thoại, Chỉ Huy Trưởng Hải Ðội 3 Tuần Dương và là sĩ quan chỉ huy chiến thuật trận hải chiến: Hải Quân Ðại Tá Hà Văn Ngạc, Hạm Trưởng Khu Trục Hạm HQ-4: Hải Quân Trung Tá Vũ Hữu San, Hạm Trưởng Tuần Dương Hạm HQ-5: Hải Quân Trung Tá Phạm Trọng Quỳnh, Hạm Trưởng Tuần Dương Hạm HQ-16: Hải Quân Trung Tá Lê Văn Thự, Hạm Trưởng Hộ Tống Hạm HQ-10: Hải Quân Thiếu Tá Ngụy Văn Thà (truy thăng trung tá), Trưởng Toán Hải Kích Ðổ Bộ: Hải Quân Ðại Úy Nguyễn Minh Cảnh.

Lý do có mặt của Hải Ðội Ðặc Nhiệm HQ/VNCH tại Hoàng Sa

Cố đại tá Hà Văn Ngạc

Cựu Hải Quân Ðại Tá Hà Văn Ngạc cho biết lý do ông có mặt tại vùng I Duyên Hải là vì Hội Ðồng Ðô Ðốc chỉ định ông tăng phái cho Vùng I Duyên Hải từ cuối năm 1972 để chuẩn bị cuộc thư hùng giữa hải quân VNCH và hải quân của CSBV mà lúc đó tin tức tình báo nói rằng Hà Nội đã được trang bị cao tốc đỉnh thế hệ Komar của Liên Xô có trang bị hỏa tiễn hải-đối-hải. Mà hải quân VNCH chỉ có khả năng chống đỡ thụ động loại vũ khí này. Hải quân VNCH tiên liệu cuộc hải chiến có thể xảy ra nếu hải quân Bắc Việt tràn xuống tái diễn cuộc cường tập xuất phát từ Bắc sông Bến Hải như hồi tháng 3 năm 1972 khiến chúng ta mất một phần tỉnh Quảng Trị. Cựu HQ Ðại Tá Hà Văn Ngạc viết, xin trích:

“Vào khoảng 11 tháng 1 năm 1974, chỉ vài ngày sau khi Ngoại Trưởng Hoa Kỳ Henry Kissinger rời Trung Cộng, thì đột nhiên Ngoại Trưởng Trung Cộng lại một lần nữa tuyên bố chủ quyền của họ trên các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Tôi rất chú ý đến tin này vì tôi đã từng chỉ huy công cuộc đặt quân trú phòng đầu tiên trên đảo Nam Yết thuộc Trường Sa vào cuối Mùa Hè 1973. Vào hôm sau vì Ngoại Trưởng Vương Văn Bắc còn bận công cán ngoại quốc thì phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao VNCH bác bỏ luận cứ của Trung Cộng và tái xác nhận một lần nữa chủ quyền của VNCH trên các quần đảo ấy. Ngày 16 tháng 1, 1974, tôi từ Sài Gòn ra Vũng Tàu để chủ tọa lễ trao quyền chỉ huy tuần dương hạm HQ5 Trần Bình Trọng cho tân hạm trưởng là HQ Trung Tá Phạm Trọng Quỳnh và khi trở lại Sài Gòn lúc theo dõi bản tin hàng ngày trên truyền hình thấy Ngoại Trưởng Vương Văn Bắc hùng hồn và nghiêm trọng khi tuyên bố chủ quyền của VNCH trên 2 quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Tôi tiên liệu có thể có chuyển bất ổn tại vùng I Duyên Hải, nhất là Việt Cộng có lẽ được Trung Cộng hỗ trợ có thể tạo ra rắc rối ngoài khơi để thu hút lực lượng hải quân Việt Nam Cộng Hòa, và đương nhiên Cộng quân sẽ lợi dụng để tràn xuống dưới vĩ tuyến 17… Tôi lên đường ra Vùng I Duyên Hải bằng máy bay quân sự”. (Trận Hải Chiến Hoàng Sa19-1-1974-Hà Văn Ngạc), ngưng trích.

Phối trí đội hình và chiến thuật

Ðể chuẩn bị cho mọi tình hướng có thể xảy ra, Phó Ðề Ðốc Hồ Văn Kỳ Thoại đưa ra hai lựa chọn cho HQ Ðại Tá Hà Văn Ngạc sau khi nhận lệnh của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu: một là Ðại Tá Ngạc chỉ huy các chiến hạm ngay tại Bộ Tư Lệnh Vùng I Duyên Hải, hai là đích thân ông lên chỉ huy trên chiến hạm. Ông Ngạc lựa chọn đi theo với các đơn vị của ông ra biển. Hải Ðoàn Ðặc Nhiệm được tăng cường thêm hộ tống hạm HQ10 Nhựt Tảo. Sau khi dùng cơm chiều với tư lệnh hải quân Vùng I Duyên Hải, HQ Ðại Tá Hà Văn Ngạc lên tàu để ra Hải Ðoàn Ðặc Nhiệm. Tuần dương hạm HQ5 rời bến khoảng 9 giờ tối ngày 17 tháng 1 năm 1974. Vẫn theo lời HQ Ðại Tá Hà Văn Ngạc thì 9 giờ sáng ngày 18 tháng 1, 1974 hai chiến hạm HQ5 và HQ10 đã đến gần Hoàng Sa và trong tầm âm thoại VRC46 để liên lạc bằng bạch văn, vì tầm hữu hiệu của máy chỉ ở trong vùng Hoàng Sa mà thôi. Sau khi tham khảo với các hạm trưởng các chiến hạm thuộc Hải Ðoàn Ðặc Nhiệm, Hải Quân Ðại Tá Hà Văn Ngạc ra lệnh khai diễn cuộc hành quân. Ông viết lại những giây phút bắt đầu căng thẳng như sau, xin trích:

“Vào khoảng xế trưa 18 tháng 1, 1974 thì cả bốn chiến hạm HQ4, HQ5, HQ10 và HQ16 (ghi chú của Trần Ðỗ Cẩm) đều đã tập trung trong vùng lòng chảo của quần đảo Hoàng Sa và Hải Ðoàn Ðặc Nhiệm được thành hình. Nhóm chiến binh thuộc tuần dương hạm HQ16 và khu trục hạm HQ4 đã đổ bộ và trương quốc kỳ VNCH trên các đảo Cam Tuyền (Robert), Vĩnh Lạc (Money) và Duy Mông (Dummond) từ mấy ngày trước đã được giữ nguyên vị chi phòng thủ để bảo vệ đảo. Sau khi quan sát các chiến hạm Trung Cộng lởn vởn tại phía Bắc đảo Quang Hòa (Duncan), tôi quyết định ngay là hải đoàn sẽ phải phô trương lực lượng bằng cuộc thao diễn chiến thuật tập đội để tiến về Quang Hòa với hy vọng có thể đổ bộ hải kích như các chiến hạm ta làm trước đây. Lúc này trời quang đãng, gió nhẹ và biển êm. Tất cả chiến hạm phải vào nhiệm sở tác chiến, nhưng các dàn hải pháo, và đại liên phải ở trong thế thao diễn. Khởi hành từ Nam Ðảo Hoàng Sa để tiến về đảo Quang Hòa, 4 chiến hạm vào đội hình hàng dọc, dẫn đầu là khu trục hạm HQ4, theo sau là tuần dương hạm HQ5 làm chuẩn hạm có trương hiệu kỳ của Hải Ðội, thứ ba là tuần dương hạm HQ16 và sau cùng là hộ tống hạm HQ10, tốc độ khoảng 6 gút, khoảng cách giữa các chiến hạm là hai lần khoảng cách tiêu chuẩn (tức 1,000 yards), phương tiện truyền tin là kỳ hiệu và quang hiệu, và âm thoại bằng VRC46 hoặc PRC25 chỉ sử dụng để tránh hiểu lầm ám hiệu vận chuyển chiến thuật mà thôi.

Chừng nửa giờ sau khi hải đoàn vận chuyển đội hình hướng về phía đảo Quang Hòa thì hai chiến hạm Trung Cộng loại Kronstadt mang số hiệu 271 và 274 bắt đầu phản ứng bằng cách vận chuyển chặn trước hướng đi của hải đoàn, nhưng Hải Ðoàn vẫn giữ nguyên tốc độ, trong khi đó hai chiến hạm khác nhỏ hơn của Trung Cộng mang số hiệu 389 và 396 (Ghi chú của Trần Ðỗ Cẩm: đây là hai truc lôi hạm tức tàu vớt mìn loại T43) cùng hai ngư thuyền ngụy trang 402 và 407 (Ghi chú của HQ Thiếu Tá Trần Ðỗ Cẩm: ngư thuyền mang tên Nam Ngư) vẫn nằm nguyên vị trí sát bờ phía Bắc đảo Quang Hòa.

Tôi đã không chú tâm đến hai chiến hạm nhỏ của địch vì cho rằng hai chiếc này chỉ là loại phụ mà thôi. (Sau này khi sưu tầm tài liệu về trận hải chiến Hoàng Sa, HQ Thiếu Tá Trần Ðỗ Cẩm đã truy ra số hiệu loại trục lôi hạm là loại trang bị vũ khí nhẹ hơn còn hai tầu tiếp tế ngụy trang như ngư thuyền thì không đáng kể). Hành động chặn đường chiến hạm ta đã từng được Trung Cộng sử dụng trong mấy ngày trước đây khi các chiến hạm hải quân VNCH đổ quân lên các đảo Cam Tuyền, Vĩnh Lạc và Duy Mộng để xua quân Trung Cộng rời đảo.

Chiếc Kronstadt bắt đầu xin liên lạc bằng quang hiệu. Tuần dương dạm HQ5 (Trần Bình Trọng) trả lời thuận và nhận công điện bằng Anh ngữ:

- These Islands belong to the People’s Republic of China (phần này tôi không chắc chắn), since Ming Dynasty STOP Nobody can deny (phần này tôi nhớ rất kỹ vì tôi có phụ nhận quang hiệu).

Tôi cho gởi ngay một công điện khái quát như sau:

- Please leave our territorial waters immediately. (Yêu cầu rời lãnh thổ của chúng tôi (Việt Nam) ngay lập tức)

Công điện quang hiệu của Trung Cộng được lập lại ít nhất 3 lần sau khi họ nhận được công điện của Hải Ðội Ðặc Nhiệm VNCH và chiến hạm ta cũng tiếp tục chuyển lại công điện yêu cầu họ rời khỏi lãnh hải của Việt Nam.

Vì hai chiến hạm Kronstadt của Trung Cộng cố tình chặn đường tiến của Hải Ðoàn với tốc độ khá cao, nếu Hải Ðoàn Ðặc Nhiệm tiếp tục tiến thêm thì có thể gây ra vụ đụng tàu, tôi đưa hải đoàn trở về phía Nam đảo Hoàng Sa và vẫn giữ tình trạng ứng trực cũng như theo dõi các chiến hạm Trung Cộng. Họ cũng lại tiếp tục giữ vị trí tại phía Bắc và phía Tây Bắc đảo Quang Hòa”. (ngưng trích) (Trận Hải Chiến Hoàng Sa 19-1-1974-Hà Văn Ngạc).

Tình hình khá căng thẳng, theo lời thuật lại của tác giả Hà Văn Ngạc. Vì chắc chắn hải quân của một quốc gia đông đến 1 tỷ dân như Trung Cộng phải hùng hậu gấp bội so với VNCH. Rõ ràng trứng chọi đá. Nhưng đảo Quang Hòa thuộc quần đảo Trường Sa là lãnh thổ Việt Nam, nếu họ tấn công thay vì nhượng bộ, Hải Ðoàn Ðặc Nhiệm buộc phải chống trả. Sau khi yêu cầu tuần dương hạm HQ16 chuyển đoàn công binh của quân đoàn sang tuần dương hạm HQ5 bằng xuồng (Thiếu Tá Hồng chỉ huy đoàn công binh), tư lệnh Hải Ðội Ðặc Nhiệm thực hiện những biện pháp cần thiết trong trường hợp phải lâm chiến và báo cho các hạm trưởng biết tình hình và chuẩn bị. Vào lúc 11 giờ tối ngày 28-1-1974, lệnh hành quân Hoàng Sa 1 được ban ra với quan niệm: tái chiếm đảo Quang Hòa một cách hòa bình. Nhưng lệnh hành quân không ghi rõ tình hình địch nên Hải Quân Ðại Tá Hà Văn Ngạc phải tự phán đoán tình hình bằng những kinh nghiệm khi ông còn là tham mưu phó hành quân BTL/HQ: Trung Cộng đã thiết lập một căn cứ tiền phương tại đảo Phú Lâm thuộc nhóm Tuyên Ðức nằm về phía Ðông Bắc Hoàng Sa sát vĩ tuyến 17 nên có thể địch đã phối trí tại đây lực lượng trừ bị. Ngoai ra tại đảo Hải Nam họ còn có một căn cứ hải quân rất lớn và một không lực hùng hậu với hai loại chiến đấu cơ phản lực MIG 19 và 21 với khoảng cách gần hơn là khoảng cách từ Ðà Nẵng ra Hoàng Sa.

Khi đã có lệnh hành quân thì phải chuẩn bị đội hình và chiến thuật. Hải Quân Ðại tá Hà Văn Ngạc viết từ trang 56 của hồi ký như sau, xin trích:

“Tôi chia hải đoàn ra thành hai phân đoàn đặc nhiệm: Phân đoàn 1 là nỗ lực chính gồm khu trục hạm HQ4 và tuần dương hạm HQ5 (Hải Quân Trung Tá Phạm Trọng Quỳnh là hạm trưởng) do hạm trưởng khu trục hạm HQ 4 chỉ huy (Hải Quân Trung Tá Vũ Hữu San là hạm trưởng). Phân đoàn 2 là nỗ lực phụ gồm tuần dương hạm HQ16 (hạm trưởng: Hải Quân Trung Tá Lê Văn Thự) và hộ tống hạm HQ10 (hạm trưởng: Hải Quân Thiếu Tá Ngụy Văn Thà – Sau được truy thăng trung tá). Tuần dương hạm HQ16 được giao nhiệm vụ chỉ huy phân đoàn 2 đặc nhiệm. Nhiệm vụ của Phân Ðoàn 2 là giữ nguyên vị trí trong lòng chảo Hoàng Sa để tiến về đảo Quang Hòa vào buổi sáng. Phân đoàn 1 khởi hành vào 12 giờ đêm (rạng sáng 19-1-1974) đi bọc về phía Tây và xuống phía Nam sẽ có mặt tại phía Nam đảo Quang Hòa vào 6 giờ sáng ngày 19-1-1974 để đổ bộ toán Hải Kích. Phân đoàn 1 phải hải hành bọc ra phía Tây quần đảo thay vì thẳng tiến từ Hoàng Sa ra Quang Hòa để tránh việc chiếm hạm Trung Cộng có thể lại vận chuyển chặn đường tiến của chiến hạm như họ đã từng làm hồi chiều 18-1-1974… Ðúng 6 giờ sáng ngày 19, trời vừa mờ sáng, Phân Ðoàn 1 đã có mặt tại Tây Nam đảo Quang Hòa, thủy triều lớn, tầm quan sát trong vòng từ 1.5 đến non 2.00 hải lý, trời có ít mây thấp nhưng không mưa, gió Ðông Bắc thổi nhẹ, biển tương đối êm tuy có sóng ngầm.

Phân Ðoàn 1 tiên sát đảo khoảng hơn 1 hải lý. Tuần dương hạm HQ5 nằm gần bờ hơn một chút để thuận tiện đổ bộ hải kích. Hai chiếc Kronstadt bị bất ngờ thấy rõ nên họ vận chuyển lúng túng và không thực hiện được hành động hành động ngăn cản. Tôi cũng bị bất ngờ là hai chiến hạm chủ lực của địch cùng có mặt tại một nơi để sẵn sàng đối đầu mà không phải tìm kiếm… Toán Hải Kích do Hải Quân Ðại Úy Nguyễn Minh Cảnh chỉ huy đã nhận được chỉ thị là không được nổ súng và lên bờ yêu cầu quân Trung Cộng rời khỏi đảo Quang Hòa… Họ xuống xuồng cao su vào đảo… Tôi không chắc là cuộc đổ bộ sẽ thành công vì quân Trung Cộng trên đảo chắc đã phải tổ chức bố phòng cẩn mật tiếp theo sự thất bại của họ khi lấn chiếm các đảo khác. Tôi chỉ thị cho các hạm trưởng chuẩn bị vào trận…” (ngưng trích) (Trận Hải Chiến Hoàng Sa 19-1-1974-Hà Văn Ngạc).

Lệnh khai hỏa

Trong bất cứ một cuộc đối đầu nào, dù trên bộ hay trên biển, đây là giây phút “cân não”, đòi hỏi những quyết định sáng suốt. Hải Quân Ðại Tá Hà Văn Ngạc mô tả như sau, xin trích:

“Biệt đội Hải Kích tiến vào đảo Quang Hòa bằng 2 xuồng cao su, từ chiến hạm ta, việc quan sát sự bố phòng của Trung Cộng trên đảo không được rõ ràng. Các chiến hạm Trung Cộng cũng không có phản ứng gì đối với xuồng của hải kích. Theo báo cáo của biệt đội trưởng Hải Kích thì hải kích Ðỗ Văn Long là người đầu tiên vào đảo, nhưng do vừa nổ súng vừa tiến vào nên đã bị hỏa lực trong bờ bắn ra tử trận ngay tại bãi biển. Hải Quân Trung Úy Lê Văn Ðơn (xuất thân bộ binh) tiến vào để thâu hồi tử thi đồng đội nên bị trúng đạn tử trận ngay gần xuồng nên tử thi vị sĩ quan này được thu hồi ngay. Việc thất bại trong cuộc đổ bộ được báo cáo về Bộ Tư Lệnh Vùng 1 Duyên Hải thì đích thân Tư Lệnh HQ/VNCH hay Tư Lệnh vùng 1 Duyên Hải ra lệnh vắn tắt có hai chữ KHAI HỎA” (ngưng trích) (Trận Hải Chiến Hoàng Sa 19-1-1974-Hà Văn Ngạc).

Lệnh khai hỏa đã giải tỏa quan niệm chủ điểm của lệnh hành quân và đã giúp hải đội trưởng Ðặc Nhiệm dễ dàng xoay trở hơn. Ông thẩm định lại hỏa lực các chiến hạm và ra lệnh cho các hạm trưởng là khi khai hỏa thì phải đồng loạt để tạo yếu tố bất ngờ khiến địch không kịp xoay trở. Tuy nhiên, đến 10 giờ sáng 19-1-1974, việc thu hồi toán hải kích về tuần dương hạm HQ5 mới hoàn tất. Vào lúc này, Hải Quân Ðại Tá Ðỗ Kiểm, tham mưu phó hành quân tại Bộ Tư Lệnh HQ/VNCH đã cho biết tin có chiến hạm bạn (Hoa Kỳ) đang ở gần. Nhưng từ tháng 2 năm 1972, khi cuộc chiến tranh lạnh giữa Hoa Kỳ và Trung Cộng đã phai nhạt và chấm dứt thù nghịch thì không có lý do gì chiếm hạm Hoa Kỳ lại hỗ trợ cho các chiến hạm VNCH. Và thực tế đã cho thấy sau trận hải chiến, trong suốt thời gian tìm kiếm các chiến sĩ đào thoát khỏi hộ tống hạm HQ10 bị đánh chìm và các toán đổ bộ trên các đảo rời nhiệm sở để trở về đất liền, chúng ta không nhận thấy một hành động nhân đạo nào từ phía đồng minh Hoa Kỳ, kể cả phi cơ không tuần. Sau đây là ghi nhớ của cựu Hải Quân Ðại Tá Hà Văn Ngạc trong cuốn hồi ký, xin trích:

“Khoảng 10 giờ 24 phút sáng 19-1-1974 thì lệnh tấn công được ban hành. Tôi vào trung tâm chiến báo để trực tiếp báo cáo (về các thẩm quyền) bằng máy siêu tần số và cố giữ ống nói sau khi tôi chấm dứt báo cáo để tiếng nổ của hải pháo được truyền đi trên hệ thống này. Cuộc khai hỏa tấn công đã đạt được yếu tố bất ngờ cho các chiến hạm địch… Chiếc Kronstadt 271 nằm về hướng Tây đảo Quang Hòa, hướng mũi về phía Tây là mục tiêu của tuần dương hạm HQ5 đang hướng mũi vào bờ tức là phía Ðông, đặt mục tiêu về phía tả hạm tức là phía Bắc. Chiếc Kronstadt bị trúng đạn ngay từ phút đầu, nên vận chuyển đã trở nên chậm chạp đã trở thành mục tiêu rất tốt cho HQ5. Hỏa lực của chiếc Kronstadt không gây thiệt hại đáng kể cho tuần dương hạm này, nhưng đã gây thiệt hại nặng cho hộ tống hạm HQ10 nằm về phía Bắc. Khu trục hạm HQ4 nằm về phía Tây Nam của tuần dương hạm HQ5 đặt mục tiêu là chiệc Kronstadt 274 năm về phía Tây Bắc tức tả hạm của chiến hạm. Nhưng chẳng may HQ4 báo cáo trở ngại tác xạ ngay từ phút đầu tiên và phải chờ sửa chữa. Việc này đã làm đảo lộn các dự tính của tôi và làm tôi bối rối. Sau vài phút thì chiến hạm này xin bắn thử. Kết quả là vẫn bị trở ngại và xin được tiếp tục sửa. Tôi vẫn hy vọng, nhưng việc thử lần thứ ba cũng không kết quả. Tuy nhiên chiến HQ4 vẫn phải tiếp tục bám sát mục tiêu của mình trong tầm đại liên nên đã bị thiệt hại nhiều vì hỏa lực của chiếc Kronstadt… Sau chừng 15 phút thì tuần dương hạm HQ16 báo cáo bị trúng đản hầm máy, tàu bị nghiêng nên khả năng vận chuyển giảm sút, buộc phải lui ra ngoài vòng chiến để sửa chữa và cũng không còn liên lạc được với hộ tống hạm HQ10, cũng không biết rõ tình trạng chỉ thấy nhân viên đang đào thoát. Tôi nhận thấy tuần dương hạm đã vận chuyển nặng nề mà chỉ còn một máy, bị nghiêng, nếu tiếp tục chiến đấu sẽ là mục tiêu tốt cho địch, nên tôi đã không ra phản lệnh… Khu trục hạm HQ4 đã bị thiệt hại nhiều sau khi phải bám sát địch trong tầm đại liên nên tôi cũng buộc phải ra lệnh cho chiến hạm này rút ra khỏi vòng chiến ngay và chỉ thị cho tuần dương hạm HQ5 yểm trợ cho HQ4 tiến ra xa vì Hải Ðội Ðặc Nhiệm không thể để bị thiệt hại cho một khu trục hạm, trong khi hải quân VNCH chỉ có hai chiến hạm loại này mà thôi.

Khi khu trục hạm HQ4 ra khỏi vòng chiến thì không bị chiếc Kronstadt 274 truy kích hoặc tác xạ đuổi theo. Ngược lại chiến hạm này của Trung Cộng rảnh tay hơn để tấn công tuần dương hạm HQ5 vào phía hữu hạm hầu làm giảm bớt hỏa lực của chiếm hạm ta để cứu chiếc 271 đang bị tê liệt” (ngưng trích) (Trận Hải Chiến Hoàng Sa 19-1-1974 – Hà Văn Ngạc).

Trên đường trở về…

Bộ Tư Lệnh Hải Quân ở Sài Gòn chuyển một tin cho biết một phi đội F-5 đã cất cánh để yểm trợ cho Hải Ðội. Tuy nhiên vì khoảng cách quá xa giữa Ðà Nẵng và Hoàng Sa cho nên phải mang bình xăng phụ thì các chiến đấu cơ này mới có thể tới nơi, nhưng cũng chỉ hoạt động được ít phút lại phải quay về vì không đủ xăng. Thành thử tin vừa loan báo cũng chỉ có giá trị tâm lý chứ thực tế không thể thực hiện được. Hơn nữa các chiếc Mig 19 và 21 từ căn cứ không quân lớn của Trung Cộng tại Hải Nam có thể gây trở ngại và thiệt hại cho những chiếc F-5. Hải Ðội Trưởng Hà Văn Ngạc viết trong hồi ký là ông vẫn đổi tần số máy VRC46 để liên lạc với phi cơ, nhưng sau 10 phút việc liên lạc không có kết quả nên phải bỏ mục tiêu này để tiếp tục chỉ huy các chiến hạm vì cuộc giao tranh đã tới hồi khốc liệt. Tác giả viết tiếp, xin trích:

“Sau phút này thì tuần dương hạm HQ5 bị trúng nhiều loạt đạn làm sĩ quan trưởng khẩu hải pháo 127 ly bị thương và hải pháo bị bất khiển dụng vì phần điện điều khiển pháp tháp tê liệt, máy siêu tần số SSB không còn liên lạc được vì giây trời sập rớt xuống sàn tàu.. Tôi ra ngoài quan sát tả hạm và được báo hầm đạn phát hỏa. Tôi ra lệnh cho hạm trưởng HQ5 là phải làm ngập ngay hầm đạn. Khẩu pháo 40 ly hữu hạm bị hư hại nhẹ, nhưng khẩu hải pháo 40 ly đơn ở tả hạm bị bất khiển dụng. Tôi yêu cầu hạm trưởng là chỉ nên tác xạ từng viên mà thôi vì nhu cầu phòng không rất có thể xảy ra trong tương lai gần (do sự can thiệp của máy bay MIG của Trung Cộng).

Bất thần vào khoảng 11 giờ 25 phút sáng , cách xa tôi chừng 8 đến 10 hải lý, xuất hiện một chiến hạm của Trung Cộng, loại có trang bị mỗi bên một dàn giàn phóng hỏa tiễn (Ghi chú Trần Ðỗ Cẩm: đây là loại khinh tốc đỉnh Komar) đang tiến vào vùng giao tranh với tốc độ cao… Tôi dự đoán loại chiến hạm này ít khi được điều động từng chiếc một và tin là ít nhất cũng có một chiếc khác theo sau. Với tình trạng của Hải Ðội Ðặc Nhiệm: một hộ tống hạm bị loại khỏi vòng chiến, một tuần dương hạm bị thương nơi hầm máy, một khu trục hạm và một tuần dương hạm chỉ còn hỏa lực hạn chế, cộng thêm với nguy cơ bị tấn công bằng cả hỏa tiễn hải-hải lẫn chiến đấu cơ MIG nên tôi ra lệnh triệt thoái phần còn lại của lực lượng là khu trục hạm HQ4 và tuần dương hạm HQ5 ra khỏi Hoàng Sa tiến hướng Ðông Nam về Subic Bay. Tôi cũng cầu nguyện Ðức Thánh Trần, thánh tổ của hải quân VNCH ban cho một trận mưa để làm giảm tầm quan sát và khả năng tấn công của phi cơ địch. Sau khi hai chiến hạm còn lại rút ra khỏi vùng giao tranh 10 phút thì một trận mưa đã đổ xuống toàn vùng quần đảo Hoàng Sa. Các chiến hạm ta đã không bị truy kích và phi cơ địch cũng không xuất hiện. Mục đích tôi triệt thoái theo hướng Ðông Nam là để tránh bị tiềm thủy đĩnh của Trung Cộng phục kích và có thể tới hải quân công xưởng của Hoa Kỳ ở Subic Bay xin sửa chữa.

“Tuần dương hạm HQ5 phải mất một giờ đồng hồ mới kéo được giây trời tạm thời để tái lập hệ thống liên lạc siêu tần số SSB… Vào khoảng 1 giờ trưa 19-1, hai chiến hạm HQ 4 và HQ5 đã cách Hoàng Sa 10 hải lý thì tư lệnh hải quân VNCH đích thân ra lệnh cho hai chiến hạm này phải quay lại Hoàng Sa và đánh chìm nếu cần… Lệnh được thi hành nghiêm chỉnh ngay tục khắc. Sau khi liên lạc vô tuyến được điều hòa trở lại thì mọi báo cáo chi tiết về tổn thất và tình trạng lúc bấy giờ của HQ4 và HQ5. Tôi cũng được thông báo trên tuần dương hạm HQ5 là tuần dương hạm HQ16 sẽ được tuần dương hạm HQ6 hộ tống về căn cứ Ðà Nẵng. Ðến khoảng 2 giờ 30 chiều, khi cả hai chiến hạm đang trên đường quay lại Hoàng Sa, qua ngang hòn Tri Tôn, có nghĩa là còn cách đảo Hoàng Sa khoảng 1 giờ rưỡi hải hành nữa thì hai chiến hạm được lệnh trở về Ðà Nẵng… Trong cuộc viếng thăm Tư Lệnh Hải Quân VNCH tại tư dinh của ông vào khoảng tháng 2-1974, vị đô đốc đương nhiệm đã tiết lộ rằng nếu biết sớm tình trạng của Hải Ðoàn Ðặc Nhiệm thì tư lệnh đã cho Hải Ðoàn triệt thoái sớm hơn. Trên đường về, tôi vẫn cho lệnh các chiến hạm giữ nguyên nhiệm sở tác chiến nhất là các nhân viên không được ở trong nhiệm sở phòng máy mà phải túc trực trên boong để tránh tổn thất về nhân mạng trong trường hợp bị tiềm thủy đĩnh Trung Cộng phục kích bằng ngư lôi. Nhưng điều tôi dự đoán đã không xảy ra. Các chiến hạm khởi sự thu dọn tổn thất và các dư liệu tác xạ…” (Trận Hải Chiến Hoàng Sa 19-1-1974 – Hà Văn Ngạc)

Ðánh giá trận hải chiến

Sáng 20-1-1974, tất cả các chiến hạm trở về an toàn và họ đã được đón tiếp như những anh hùng. Một cách tổng quát, theo đánh giá của Hải Quân Ðại Tá Hà Văn Ngạc thì sự thiệt hại của hai bên được coi là tương đương. Tuy nhiên, trong các trận hải chiến thì người ta thường kể đến số chiến hạm bị loại ra khỏi vòng chiến hơn là số thương vong về nhân mạng. Riêng hộ tống hạm HQ10 Nhựt Tảo thì Hạm Trưởng Ngụy Văn Thà và hạm phó đều bị thương nặng, nhưng hạm trưởng đã từ chối di tản và quyết ở lại tuẫn tiết cùng chiến hạm của mình theo truyền thống của một sĩ quan hải quân và một nhà hàng hải. Hạm phó HQ10 được thủy thủ giúp đào thoát khỏi tàu, nhưng đã bỏ mình trên mặt biển vì vết thương quá nặng. Cho tới nay, về phía VNCH tổn thất của trận hải chiến Hoàng Sa là 58 người. Về phía Trung Cộng thì Bắc Kinh không hề hé môi về số thiệt hại của hải quân Trung Cộng trong trận hải chiến. Nhưng trong một tài liệu tôi được qua báo The Daily Telegraph của Anh cuối năm 1974 thì số thiệt hại về nhân mạng cũng khoảng 30 người, hạm trưởng và hạm phó của chiếc Kronstadt 271 đều tử trận và chiếc chiến hạm này sau đó đã bị đánh chìm. Tuy nhiên, không có cách nào để phối kiểm nguồn tin vừa kể của tờ Daily Telegraph.

Theo lời kể lại của các nhân chứng đào thoát từ Hoàng Sa về đất liền thì ngày hôm sau tức ngày 21-1-1974, Trung Cộng mở cuộc hành quân lớn phối hợp hải lục không quân tấn công vào đảo chính Hoàng Sa và các đảo khác và bắt giữ tất cả quân nhân VNCH và nhân viên khí tượng làm tù binh. Sau đó, khoảng một tháng sau các tù binh VNCH được Trung Cộng trao trả cho VNCH qua ngả Hồng Kông.

Cuối cùng, Việt Nam Cộng Hòa mất Hoàng Sa và mất thêm nhóm đảo Nguyệt Thiềm ở phía Nam cho tới ngày hôm nay. Về pháp lý, chính phủ kế tiếp VNCH sau 30-4-1975 là chính quyền của đảng CSVN có nhiệm vụ phải tìm cách nào đó lấy lại quần đảo Hoàng Sa. Nhưng hy vọng này sẽ chẳng bao giờ trở thành hiện thực được. Bởi vì, nếu thực lòng yêu quê hương đất nước và lãnh thổ do tiền nhân để lại thì ít ra họ cũng đã lên tiếng phản đối hay cho hải quân của mình hợp lực với hải quân VNCH bào vệ các hòn đảo này rồi. Hà Nội đã không dám bày tỏ bất cứ phản ứng nào năm 1974 đối với sự kiện Hoàng Sa ngoài một lời tuyên bố của phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao CSBV là “…sẽ giải quyết Hoàng Sa trong tinh thần đồng chí anh em và hữu nghị…”

…..

Vũ Ánh (Nguoi-viet.com)

Đàn Chim Việt trích đăng

Phản hồi