WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Chuông ngân chạnh nhớ yêu đầu

Ảnh: Getty

« Ma đưa lối quỷ đem đường
Lại tìm những chốn đoạn trường mà đi »

Kiều

Tôi ngồi xếp bằng rất nghề và rất gọn dưới Phật đài. Cứ xem thế ngồi, có thể xác định được người việt gốc cũ hay gốc mới. Dân gốc cũ ăn thì ngồi xếp bằng (kiểu ăn giỗ), ỉa thì ngồi chồm hổm (kiểu cóc ngồi). Dân gốc mới lâm vào tư thế này người cứ bật ngửa ra đằng sau, hay cứ lắc la lắc lư như con lật đật.

Tôi bắt đầu ê a theo mọi người, quyển kinh chú đặt ngang tầm rún: “A di rị đa tỳ ca lan đế, Á Nàm Dành di rị đa tỳ ca lan đa, dà di nị, dà dà na…” Ngôi chùa tọa lạc vùng ngoại ô Paris, không xa nghĩa địa mấy. Tôi được vợ chồng người bạn mời tham dự lễ cầu siêu cho ông già vừa mất ở Sài gòn. Trên Phật đài, một vị sư trẻ nện chày trên một cái mõ lớn để giữ nhịp. Giọng sư rền rền rất tốt (tưởng có thể hát opéra được). Tóc sư mọc lún phún một lớp dày, không nhẵn thín như các nhà sư tôi thấy ở chùa hồi nhỏ. A di rị đa… dà dà na…

Buổi sáng hôm đó trời quang mây tạnh. Trời vừa chớm thu mát mẻ. Trên mảnh kính đục nằm nghiêng trên mái chùa, bóng tàn lá gì như thể lá chuối phất phơ. Bóng đen và ánh sáng đùa giỡn với nhau thật linh động. Một chút mùi thiền ngấm vào hồn. Lòng tôi thanh tịnh nhưng đồng thời cũng nao nức ham sống. Một lần nữa tôi nhận thức tôi chưa thể tu được. Tôi chợt cảm ngộ cái không khí ngày xưa tôi thường theo má lên chùa lạy Phật. Chùa là một ngôi nhà lá nằm trong miệt vườn Vĩnh long. Đó là chánh điện thờ Phật. Trong sân chùa có một cái am nhỏ để thờ các Bà các Cô và dành cho đồng bóng. Hình như chùa không có tên, hoặc có tên mà tôi không nhớ ra trong bộ óc chưa già mà đã lẫn này. Chỉ quen gọi là chùa Bà Đội.

Hồi nhỏ tôi đi chùa không phải vì tin Trời hay tin Phật gì ráo. Chùa có hủ tiếu chay, có xôi có chè. Ngày cúng cô hồn có cả heo quay, thủ vĩ, bánh ít nhưn lạp xưởng. Và dĩ nhiên ăn ỏ chùa thì đúng là “ăn chùa”. Từ ngữ này sau đó lọt vào thế tục thành tiếng lóng: “ăn chùa”, “chơi chùa”, “tiền chùa”,… và có lần tôi đã bị một em chỉnh: bộ “của chùa” sao cứ tằn mằn hoài vậy? Kẻ cắp gặp bà già, mặt mày tôi sượng trân.

Tuy chưa biết tin Trời Phật nhưng tôi cũng không có lý do gì chính đáng để chống báng việc đi chùa lạy Phật với má tôi cả. Trái lại, dần dần theo năm tháng, tôi tìm được một lạc thú mới khi lên chùa. Nhưng cái vui vốn lại dính liền với cái khổ (sau này tôi mới biết Phật đã nói như vậy từ khuya)

Ô em áo đỏ bay bay,
Bên chùa chợt ngó, bụng hoài tương tư.

Quả vậy, lần đầu tiên trong đời tôi biết tương tư, vào tuổi xuân 11 hoặc 12 gì đó. Tương tư một cô gái nhỏ cùng đi theo mẹ lễ chùa (và ăn chùa) như tôi. Cô bé có đôi mắt lớn dễ thương, ưa nhìn. Hai đứa tôi chỉ lén lén ngó nhau, chớ đứa nào cũng nhát hít, chẳng ai dám nói với ai một câu nào, tuy trong lòng đã có bụng ưa. Nhưng rồi xa nhau cũng vì nhút nhát. Tình yêu đầu đành để cuốn theo chiều gió… sau chùa. Bây giờ mỗi lần nghe tiếng đại hồng chung ngân nga tôi thấy tim mình rúng động, ngẫm ra mới biết:

Chuông ngân chạnh nhớ yêu đầu,
Tóc xưa giờ đã qua cầu gió bay…

Tôi theo má đi chùa giống như nghị gật theo chân lãnh tụ, lập trường tạm gọi là khá vững. Ngược lại, ba tôi thì đối lập 150 phần trăm. Âu đó cũng là cái nghiệp của ông. Tiếc thay ông không làm chánh trị. Nếu lọt vào chính trường thì ông sẽ đứng về phe đối lập… cho tới chết. Nếu không còn ai để chống thì ông sẽ quay ra đối lập với chính mình.

Ba tôi lúc còn ở miệt vườn cũng học chữ nho, vận khăn đóng áo dài và búi tóc. Nhưng ông là người đầu tiên trong dòng họ tự ý xởn tóc, bận sơ mi và ra thành học chữ quốc ngữ. Khổ nỗi khi ông viết thư thì tỉ như gián điệp viết mật mã, chỉ mình tôi khám phá được bí mật, đọc và hiểu nổi. Ông cũng biết chút ít bùa chú. Khi tôi bị sưng hàm, ông khóan bùa Lỗ Ban dán lên chỗ đau thì thấy có xọp thiệt. Nhưng ông vẫn không tin. Mấy đời trước, dòng họ tôi nhiều vị làm pháp sư có tiếng. Ba tôi kể một bận ông chú pháp sư của tôi đi cầu ở bờ sông nước lớn ban đêm. Bỗng thấy Bà xẹt, ông chơi cắc cớ bắt ấn một cái, buộc Bà phải đứng lại cái rụp (mới biết tay ấn ông cao!) Sau khi phóng uế xong, ông lơ đãng khoát nước rửa, nên buông lơi tay ấn, thừa cơ Bà xẹt tiếp trúng đầu ông một cái bật ngửa lọt xuống sông. Khi người ta vớt được ông lên thì ông bị á khẩu. Sau đó phải rước sư phụ của ông tới giải phép, ông mới nói lại được, nhưng đồng thời cũng bị phế hết võ công, giải nghệ thầy pháp luôn.

Đã ghét thầy pháp, ba tôi lại còn đại kỵ đồng bóng. Ông nói mấy bọn đó gieo rắc dị đoan, lừa đời dối thế, dụ con nít, gạt bà già. Không phải vô cớ đâu. Hồi ở Xóm Mới, chủ nhà của tôi là một người đàn bà góa bụa, có đứa con cứ đau yếu hoài, nên mời bóng tới cúng rỗi trừ căn. Má tôi cũng nhân thể mời bóng sau đó ghé nhà mình lên đồng một phát. Bóng này là bóng đực rựa, có cái hỗn danh độc nhất vô nhị võ lâm là “Mười Lòng Thòng” (cái tên không khá được). Bóng dọn bàn hương án giữa nhà bà chủ rồi gõ trống hát rỗi… “vui lắm Lịnh bà ơi!”… Một chập, say nhang đèn hay sao không biết, tự nhiên bóng nổi hứng hát tiếp: “ứ ự ứ ự… bây giờ gia chủ làm Lan… ứ ư… ta làm Điệp… ứ ư… thì gia đạo mới yên… ứ ứ ứ…”, khiến bà chủ nhà nghe qua đỏ mặt tía tai, còn lối xóm thì che miệng cười thầm. Đã thế, Mười Lòng Thòng còn quấn một cái khăn lau mặt trước rún, vừa hát rỗi vừa ưỡn ẹo trông rất quái gở. Bọn con nít chúng tôi thì coi như pha cái đề nghị “Lan và Điệp” của Mười Lòng Thòng với bà chủ. Chúng tôi biết chắc sau khi màn vũ chấm dứt sẽ có màn thí cô hồn, thế nào cũng vớ được chút kẹo đậu phọng, kẹo mè, bánh men, bánh gai, thèo lèo cứt chuột. Chúng tôi hờm sẵn.

Rời nhà bà chủ, bóng ghé nhà tôi để má tôi cầu đồng. Bóng hỏi gia chủ có cái khăn đỏ để phủ đầu không? Má tôi nói không có khăn đỏ, chỉ có khăn vằn ăn trầu của bà mà thôi. Bóng nói “không có khăn đỏ xài đỡ khăn vằn cũng được”. Khăn vằn vừa chụp lên đầu là hắn ợ ngáp một hơi rồi cười ăng ắc: đồng đã nhập! Đồng trả lời vớ vẩn mấy câu hỏi rồi mở túi hành nghề lấy mấy viên thuốc tễ bán cho má tôi để trị chứng ăn không tiêu. Má tôi vừa đặt tiền xong là đồng đánh tiếng “thôi ta kiếu gia chủ ta thăng”, đoạn ợ một cái thiệt dài rồi thăng luôn. Sau khi Mười Lòng Thòng ra về, ba tôi nói: “Bà cho tôi mượn cái khăn vằn của bà để đi làm ăn như thằng cha hồi nãy coi vậy mà khá!” Dĩ nhiên má tôi cũng không phải bạ đâu tin đó: bà liệng mấy viên thuốc tễ xuống đường mương kèm theo câu rủa “thứ đồ mắc dịch!”

Nhưng không phải kinh nghiệm chiến trường nào cũng “mắc dịch” như vậy. Hồi tản cư mới về thành tôi bị đau chứng gì không biết, ho luôn hai ba tháng muốn đứt hơi mà không có thuốc uống. Kế bên nhà có ông (bà?) bóng lại cái một tối lên đồng, lấy một tách nước lạnh vẽ bùa lẳn tẳn đưa cho tôi uống, vậy mà dứt ho luôn. Thành thử bây giờ ai hỏi tôi tin bùa chú hoặc quỷ thần hay không, tôi không biết thế nào mà trả lời dứt khoát cho được. Ba tôi thì vẫn đối lập là cái cẳng. Chẳng những không tin cốt đồng mà còn nghi cả cái vụ bán nam bán nữ của bóng. Ông xúi anh rể tôi: Bữa nào mầy rình thằng chả đi đái rồi xông ra kéo quần coi thử.

Nói ông già, cần phải phân biệt ông già vợ và ông già ruột, nhứt là trong trường hợp đặc thù của tôi. Khi tôi nói ông già, nên hiểu là ông già ruột, tức ba tôi đó. Ông già vợ tôi thích nuôi cá thia thia và nuôi gà đá độ, đặc biệt là gà nòi. Một bữa ba tôi ghé nhà thăm anh suôi. Thấy ông đang ngồi chuốt cựa gà ngoài sân, ba tôi kề tai nói nhỏ: anh đi đá vịt với tôi vui hơn. Đá vịt? Ông già vợ tôi tưởng ông già tôi nói lộn, cho nói lại. Ba tôi vẫn nhất quyết là đá vịt chớ không phải đá gà. Ông cho thêm chi tiết: Bà Tư Cắc Kè ở xóm ti ?? mới có mấy con vịt mái tơ ngộ lắm. Bấy giờ ông già vợ tôi mới hiểu ra, nhưng chỉ cười trừ. Rốt cuộc, mạnh ai nấy theo nghiệp căn của mình, một đàng đá gà dài dài, một đàng đá vịt mút mùa (lệ thủy).

Pages: 1 2 3

Phản hồi