WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Ngày nào đó sẽ có một Hitler mới

Phỏng vấn Ewald von Kleist, người tham gia ám sát Hitler 66 năm trước

SPIEGEL 28/02/2011

Ewald von Kleist, 88 tuổi, cựu sĩ quan Wehrmacht Đức và thành viên cuối cùng còn sống của mưu đồ giết Hitler 20 tháng Bẩy 1944, thảo luận về việc bỏ chế độ quân dịch Đức, tại sao binh lính Đức cần được tôi luyện mạnh hơn và kế hoạch giết Adolf Hitler không thành của ông.

Ông Ewald von Kleist. Ảnh: SPIEGEL

SPIEGEL: Thưa ông Von Kleist trong nhiều thập kỷ, chế độ quân dịch đã được coi như một bảo đảm cho các lực lượng vũ trang Đức không phát triển thành một loại nhà nước trong nhà nước. Bây giờ chế độ quân dịch đã bị bãi bỏ có hiệu lực. Ông có đồng ý với quyết định này không?

Ewald von Kleist: Các lực lượng vũ trang phải được tổ chức thế nào cho chúng có thể thực hiện được những gì người ta trông chờ ở chúng. Trong Chiến tranh lạnh, chúng ta có một quân đội lớn để có thể đẩy lùi một cuộc tấn công từ phía Đông. Bây giờ thì khác. Chẳng bao lâu nữa nhiều thứ pháo, tăng và các loại vũ khí cổ lỗ khác sẽ không còn tồn tại nữa. Bundeswehr[1] phải thích nghi với thực tế mới này.

SPIEGEL: Nhiều người sợ rằng đặc tính nội tại của quân đội sẽ thay đổi khi không còn lính nghĩa vụ nữa.

Ewald von Kleist: Điều đó có thể là đúng, nhưng chúng ta phải chấp nhận nó. Tôi không tin rằng sẽ đặt một mối đe dọa lên nền dân chủ nếu chế độ quân dịch bị bãi bỏ.

SPIEGEL: Điều này có thể làm thay đổi hỗn hợp kinh tế xã hội của quân đội. Nhiều tầng lớp xã hội thuộc diện phải phục vụ trong quân đội sẽ không còn bị ảnh hưởng nữa.

Ewald von Kleist: Điều đó chắc chắn sẽ xảy ra. Nhưng tôi nghĩ chúng ta phải chấp nhận một số vấn đề. Điều quan trọng hơn là làm sao triển khai được Bunderswehr. Rõ ràng nó đang chuyển động mạnh mẽ để trở thành một đội quân mẫu mực được gửi ra nước ngoài trong sứ mệnh ở Afghanistan. Tôi có những lo lắng nghiêm trọng về chuyện này.

SPIEGEL: Ông có tin rằng tự do của Đức đang được bảo vệ ở Afghanistan, như cựu Bộ trưởng Quốc phòng Đức Peter Struck đã có lần nói rất hay không?

Ewald von Kleist: Bạn đủ thông minh (để hiểu câu trả lời cho câu hỏi đó).

SPIEGEL: Ông không tin điều đó, đúng không?

Ewald von Kleist: Không, tôi thật sự không tin. Tôi chưa bao giờ nghe nói về việc chúng ta có những xứ bảo hộ ở đó hay là về một số lớn người Đức đi nghỉ ở đất nước ấy.

SPIEGEL: Ngày 11/9 đã kích khởi điều 5 của Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương, nói rằng các nước thành viên NATO được yêu cầu hỗ trợ các thành viên khác nếu họ bị tấn công. Theo logic ấy, Bundeswehr có nghĩa vụ giúp đỡ Hoa Kỳ trong cuộc chiến của nó chống khủng bố Islamist, và ở Afghanistan nói riêng, bởi vì nó là nơi có bọn người đứng sau các cuộc tấn công trú ngụ.

Ewald von Kleist: Đúng là sau ngày 11/9 /2001 Hoa Kỳ đã tuyên chiến với khủng bố trên toàn cầu. Nhưng chống lại nước nào? Tại sao có cuộc chiến tranh này? Và ai là kẻ thù?

SPIEGEL: Kẻ thù là Taliban ở Afghanistan và mạng lưới khủng bố al-Qaida.

Ewald von Kleist: al-Qaida là một con ngáo ộp. Không có tổ chức nào, không có nước nào anh có thể phát động cuộc chiến tranh chống lại. Ngược lại, chúng ta đang phát động một cuộc chiến tranh chống lại một tư tưởng. Lúc đó, lẽ ra chúng ta nên hỏi đây có thật là một cuộc chiến tranh theo ý nghĩa của Điều 5 hiệp ước NATO hay không?

SPIEGEL: Đức có nên rút khỏi Afghanistan và thôi không thể hiện tình đoàn kết với Hoa Kỳ không?

Ewald von Kleist: Nhiều nước khác đã làm việc đó và đã chẳng sao cả, và có một đa số dân chúng của ta phản đối chiến tranh. Tuy nhiên, tôi vẫn tin rằng những cam kết với đồng minh thì phải thực hiện nghiêm túc.

SPIEGEL: Vậy, nói cách khác, ông nghĩ rằng Đức nên tiếp tục chiến đấu?

Ewald von Kleist: Dù sao, chúng ta cũng chưa thể rút ngay. Nhưng nên thảo luận với người Mỹ về thời điểm kết thúc sứ mệnh đó vào một thời điểm sớm hơn.

SPIEGEL: Bundeswehr đang bảo vệ những giá trị phổ biến – tức là, những quyền con người – ở Afghanistan. Đó có phải là một mục tiêu cao quý không?

Ewald von Kleist: Vấn đề thực ra là liệu có đúng không việc người của chúng ta phải chết để cho các em bé gái ở châu Á có thể đến trường. Câu trả lời cho câu hỏi đó dường như không rõ ràng lắm đối với tôi.

SPIEGEL: Vậy thì điều gì đáng để chết?

Ewald von Kleist: Việc liều mạng những người lính Đức chỉ có thể được biện hộ khi những quyền lợi sống còn của chúng ta bị đe dọa. Chính xác những quyền lợi sống còn ấy là gì thì khó quyết định trên cơ sở từng trường hợp một. Vậy, chúng ta phải xác định chúng ta có phương tiện để đạt những mục tiêu của chúng ta không? Và, cuối cùng, tôi phải tự hỏi tôi làm thế nào rút ra được. Một sứ mệnh quân sự chỉ được biện minh khi chúng ta có câu trả lời thuyết phục cho những câu hỏi ấy.

SPIEGEL: Nhìn lại những sứ mệnh quân sự của Bundeswehr trong 20 năm qua, có cái nào trong số đó đạt tiêu chí của ông không?

Ewald von Kleist: Trí nhớ của tôi không còn được như trước nữa. Tôi không thể nghĩ về bất kỳ cái gì lúc đó tôi đã hết sức nhiệt tình. Chẳng hạn, Somalia. Bundeswehr được gửi tói đó để làm đường và xây cầu. Những loại sự việc như thế thật sự chỉ là ngu ngốc.

Ý tưởng của Obama về một thế giới không có hạt nhân là vớ vẩn

SPIEGEL: Trước hết tại sao chúng ta cần đến một lực lượng can thiệp?

Ewald von Kleist: Bởi vì ta không bao giờ có thể hoàn toàn loại trừ khả năng là ta phải có những hoạt động quân sự. Nhưng nguy hiểm thật sự nằm ở chỗ khác.

SPIEGEL: Ở đâu?

Ewald von Kleist: Ở chiến tranh hạt nhân. Thật bất hạnh, chúng ta không thể loại trừ khả năng nó sẽ xảy ra.

SPIEGEL: Ai sẽ có thể gây ra một cuộc chiến tranh như thế? Hoa Kỳ và Nga đang làm những cố gắng song phương để giải trừ vũ khí hạt nhân. Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama thậm chí đã tuyên bố một mục tiêu mà ông gọi là “Zero Toàn cầu”, hay là loại bỏ tất cả vũ khí hạt nhân trên phạm vi toàn thế giới.

Ewald von Kleist: Ý tưởng của Obama về một thế giới không có vũ khí hạt nhân là vớ vẩn. Không có người nào biết đếm đến năm có thể tin được điều đó. Nhưng vũ khí hạt nhân của Nga và của Mỹ không phải là vấn đề.

SPIEGEL: Vậy vũ khí nào là vấn đề?

Ewald von Kleist: Sự kiện là chúng ta đang ngồi đây nói chuyện này là vì, trong quá khứ, những cường quốc hạt nhân chủ yếu, tức là Mỹ và Nga, nghĩ cùng một cách về sống và chết. Cả hai đều nói rằng sống là tốt và chết là điều nên tránh. Nhưng không phải tất cả các nước đều cảm nghĩ theo cách đó nữa.

SPIEGEL: Chính xác ông đang nói đến ai?

Ewald von Kleist: Chúng ta có thể nhớ lại những hình ảnh trẻ em Iran với những băng buộc đầu mầu xanh chạy thẳng vào làn đạn súng máy của Iraq. Cha mẹ chúng cho phép điều ấy xảy ra bởi vì họ tin rằng con của họ đang thực hiện ý nguyện của Allah.

SPIEGEL: Vào lúc đó, vũ khí hạt nhân chưa phải là vấn đề lớn lắm như bây giờ.

Ewald von Kleist: Không, nhưng sự thay đổi thái độ đối với sống và chết làm lộ ra một vấn đề quan trọng. Cách đây ít lâu, (lãnh tụ al-Qaida Osama) bin Laden nói: “Sự khác nhau giữa chúng ta là các ông yêu cuộc sống còn chúng tôi yêu cái chết.” Tôi sợ rằng hắn ta nói đúng.

SPIEGEL: Các nước nói chung hành động hợp lý hơn các tổ chức khủng bố.

Ewald von Kleist: Một trong những điều cuối cùng mà Hitler nói là: “Chúng tôi sẽ đóng sập cửa sau lưng chúng tôi bằng một tiếng sầm lớn.” Hắn ta không có khả năng thực hiện điều đó vào lúc ấy, nhưng ai dám nói một lãnh tụ Iran một ngày nào đó sẽ không cảm thấy đúng như vậy? Hay nhìn vào Pakistan: Điều gì sẽ xảy ra nếu có sự thay đổi chế độ và bọn Islamist rờ tay được đến bom hạt nhân? Sẽ có một ngày có một Hitler mới.

SPIEGEL: Chúng ta làm thế nào ngăn không cho điều đó xảy ra?

Ewald von Kleist: Rất khó. Phải có một sự chấm dứt phát triển vũ khí hạt nhân. Chúng ta không thể cho phép cò nhiều nước nữa có được những vũ khí ghê rợn này. Nhưng để đạt được điều đó, chúng ta phải áp đặt trừng phạt thật sự lớn lên những nước như Iran.

SPIEGEL: Đó là điều mà bây giờ người ta đang cố gắng làm.

Ewald von Kleist: Không, nói nghiêm chỉnh là không. Một cuộc tẩy chay kinh tế thật sự sẽ là hết sức tồi tệ cho nhân dân Iran. Mặt khác, điều khủng khiếp sẽ xảy ra nếu chúng ta không thành công.

[1] Bundeswehr (tiếng Đức): Lực lượng Phòng vệ Liên bang, bao gồm các lực lượng vũ trang thống nhất của Đứcvà bộ máy quản trị dân sự của chúng.

Pages: 1 2

1 Phản hồi cho “Ngày nào đó sẽ có một Hitler mới”

  1. Vũ duy Giang says:

    “Hãy nhìn vào Pakistan.Điều gì sẽ xẩy ra nếu có sự thay đổi chế độ,và bọn Islamist rờ tay được đến bom hạt nhân?Sẽ có một ngày có một HITLER mới”.Ông E.Von Kleist vẫn giữ phản ứng của”rằn ri”dù
    là nhà quý tộc(noble có tên”Von”=De,như De Gaulle),và chống Hitler.Nhớ lại thuở xưa,trước 1975, khi
    “rằn ri” Nguyễn cao Kỳ tuyên bố với báo Mỹ(Newsweek)là”Tôi ngưỡng mộ Hitler”,có lẽ vì Hitler đã dẹp được đảng CS Đức.
    Như vậy trong số những”rằn ri”chống”VC,chết bỏ”,nhưng còn sống đến nay,thì cần nhốt loại rằn ri”này vào chuồng”rằn ri”như bác Hồ cẩm Đào đã phải làm,từ thời Mao,Đặng tiểu Bình,để tránh rằn ri loại Hitler xổng chuồng,giống như khi”rằn ri”Khadafi(đại tá Lybia)muốn mua bom nguyên tử,thì đã bị Âu Mỹ “cấm vận”trong nhiều năm,cho tới khi hắn phải từ bỏ ý định này,mà bây giờ hắn vẫn có thể cản”mùi hoa nhài”từ Tunisia,Ai cập,lan sang nước hắn?!

Leave a Reply to Vũ duy Giang