Thiếp kể chàng nghe: Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương
Cây có gốc mới xanh cành nở ngọn
Nước có nguồn mới biển cả sông sâu.
(Ca dao)
Anh yêu, hôm nay mùng 10 tháng 3 âm lịch, ngày giỗ Tổ Hùng Vương, chàng có biết thắp hương kính nhớ các ngài không?
Thứ Bảy vừa rồi, em và bạn hữu dự lễ giỗ Vua Hùng do hai hội đoàn, một của Hội Đền Hùng, một của Hội Cao Niên Á-Mỹ tổ chức cùng ngày tại quận Cam, Little Saigon. Tuy người tham dự không đông như đi trẩy hội ở quê nhà, nhưng buổi lễ rất trang trọng, cũng tế lễ cổ truyền, cũng phèng la chiêng trống, cũng được hưởng lộc Tổ khiến em đỡ thấy nhớ quê hương. Nhưng phải chi, các cụ thực hiện đơn giản hơn, hay sử dụng tiếng Việt thay cho tiếng Hán trong lúc hành lễ, hoặc ít ra phải có đôi lời giải thích thì giới trẻ mới ham thích tham dự. Còn nữa, em thích bàn thờ được đặt ngay trung tâm, mọi người qui tụ chung quanh kính cẩn theo dõi thì không khí trang nghiêm hơn. Dù sao, đây là những cố gắng gìn giữ và bảo tồn văn hóa dân tộc rất đáng hoan nghênh.
Em có ghé thăm các gian hàng triển lãm, trong đó có gian hàng của Tổng Hội Sinh Viên Việt Nam Nam Cali, được tiếp chuyện với Mai-Vy Hoàng, Á Khôi II và KimThi Phạm, Á Khôi Thân Thiện của giải Hoa Khôi Liên Trường hôm tết vừa rồi. Dĩ nhiên, sắc vóc thiếp của chàng làm sao dám sánh với nét đẹp tuyệt vời của các cô á khôi, và dù các cô chưa hiểu hết ý nghĩa của ngày giỗ Tổ cũng như không rành tiếng Việt, nhưng sự hiện diện của các cô và một số bạn trẻ khác rất đáng tuyên dương, làm gương cho giới trẻ biết mà tìm về cội nguồn.
Anh ơi, thế sự nhiễu nhương của đất nước chúng ta trong thế kỷ vừa qua do cảnh nồi da xáo thịt đã làm lòng người rã rời, con cái không những hư đốn với tổ tiên, lại còn chia rẽ đánh phá nhau thay vì thương yêu nhau như cha ông đã dạy. Em thấy có nhu cầu để kể cho anh ý nghĩa câu chuyện để lại từ thời Hùng Vương và về đứa con ngỗ nghịch đó. Hôm tết em đã kể chuyện bánh Dày bánh Chưng, hôm nay thiếp kể chàng nghe chuyện Dưa Hấu, hay chuyện An Tiêm. Chàng kiên nhẫn lắng nghe nha.
Chuyện xưa kể rằng:
An Tiêm là con nuôi của vua Hùng, nhưng bị đày ra đảo hoang. Dầu An Tiêm ra công khai phá, đảo vẫn khô cằn, khiến An Tiêm càng thêm khốn đốn.
Nhưng một hôm có con chim lạ bay tới và để rơi mấy hạt giống. Và rồi, nhờ An Tiêm chuyên lo chăm sóc, các hạt giống đó mọc thành loại dưa thơm ngon tươi mát.
An Tiêm liền ghi dấu trên dưa và thả xuống biển. Nhiều người vớt được dưa nên tìm tới đảo và đảo hoang đã trở thành làng xóm đông đúc.
An Tiêm gởi dưa về dâng vua. Từ đó dưa hấu được dùng làm lễ vật cúng tế.
Anh có biết tại sao An Tiêm được cho là con nuôi của vua Hùng không? Đó là để giới thiệu và phân định vị thế của An Tiêm khác với Tiết Liêu và Tiên Dung. Chắc anh còn nhớ hai người này chứ?
Trong truyện Tiết Liêu, chàng là hoàng tử và được Tổ dạy sáng tạo bánh dày bánh chưng nên được làm vua. Đó là tổ tiên để lại bài học an dân thịnh nước. Ở truyện Chử Đồng Tử, Tiên Dung kết hợp với chàng không khố Chử Đồng để dạy dân việc phát triển đất nước. Còn An Tiêm, vì là “con nuôi”, tuy làm việc chung nhưng ở tầm mức khác, và chàng cũng có quyền thế và trách nhiệm tương xứng. Theo quan niệm chính trị Việt, mọi người đều là con dân, là “con đỏ” của vua nên vua quan đều phải lo lắng chăm sóc con cháu mình. Như vậy, mọi người đều là con nuôi của vua Hùng và An Tiêm chính là biểu trưng người dân trong nước.
An Tiêm là hình ảnh của “dân”, không phải con người đơn độc mà là con người trong xã hội, bị ảnh hưởng bởi môi trường sống nên có lúc giữ được đạo trung, có lúc thái quá, có lúc bất cập. Chính vì không giữ được chuẩn mực, vì ngỗ nghịch nên chàng bị đày ra đảo hoang. Chàng phải tự lực cánh sinh, phải biết quyền biến, tự quyết định mọi việc lớn nhỏ và gánh chịu mọi trách nhiệm.
Đây chính là bài học về chế độ làng xã Việt Nam xa xưa đó anh.
Mô hình làng xã hạch-tâm-thể
Cha ông dùng chuyện An Tiêm khẩn hoang lập ấp là dạy việc làng, kể chuyện bánh dày bánh chưng và chuyện Chử Đồng Tử để dạy cháu con việc nước.
Đối với triều đình, mỗi làng đều được quyền tự trị, vua quan chẳng những không can thiệp vào sinh hoạt làng xã mà đến cả đời sống từng người dân cũng không. Tuy vậy, sinh hoạt làng nước, vua tôi ăn khớp nhau, phân công, hợp tác với nhau trong công việc, ai lo chu toàn việc người nấy nên bộ máy chính quyền sinh hoạt nhuần nhuyễn, không phải bộ phận này lãnh đạo bộ phận kia. Mọi người, mọi cơ cấu đều lo lắng đến quyền lợi chung, lấy quyền lợi chung làm quyền lợi của mình cho nên xã hội đầm ấm, vua tôi hòa hợp tương đắc. Sinh hoạt xã hội như thế tựa như hoạt động của một nguyên tử, nên ngày nay có nhà tư tưởng Việt gọi là sinh hoạt hạch tâm hay xã hội hạch tâm thể (Lý Đông A). Anh có thấy từ xa xưa tổ tiên ta đã biết áp dụng quy luật của tự nhiên giới vào đời sống con người để tạo xã hội hạnh phúc chăng, ở đây là mô hình hạch tâm nguyên tử, các cơ năng sinh hoạt điều hòa với nhau, không như những dân tộc khác lấy mô hình kim tự tháp “trên đè dưới” làm chuẩn, tựa một số xã hội hiện tại. Mô hình hạch tâm này không chỉ tạo sinh hoạt sống động hài hòa cho dân nước, mà còn có thể áp dụng được cho cả tầng cấp quốc tế nữa đó anh.
Làng xã khi xưa tự lập, có ban quản trị riêng do dân làng bầu ra, có cả những điều lệ riêng cho hệ thống hành chính của làng. Làng có một ngôi đình để thờ vị Thành Hoàng với những nghi thức truyền thống riêng. Làng còn có tổ chức trị an riêng với những tiêu chuẩn thưởng phạt do làng quy định. Và dĩ nhiên, làng cũng có tài sản riêng, được toàn quyền sử dụng theo yêu cầu. Tuỳ hoàn cảnh và ý, tình, chí của dân làng mà họ có những điều lệ đặc biệt, một bộ hương ước riêng mà ngay cả quyền phép của vua cũng phải kiêng nể. Tự thân mỗi làng có vững mạnh và quy củ, sinh hoạt của quốc gia mới nhịp nhàng tiến bộ. Ngày nay, chúng ta gọi đó là một tổng thể, kết hợp bởi các bộ phận. Muốn cho thực thể này sinh hoạt đều hòa, cần tôn trọng sự hiện hữu của các cơ phận, chứ không phải lấy đông hiếp ít, hay tệ hơn, lấy một nhóm cực nhỏ, gom mọi quyền hành vào đấy rồi bảo là chuyên chính, ức hiếp toàn thể xã hội.
Anh yêu, tưởng không có chế độ nào người dân được trực tiếp tham gia và có thể dân chủ hơn được nữa. Đây không phải chỉ là nếp sống tự phát mà đã được tổ tiên ta biến thành định chế chính trị. Vẫn biết thời nào những kẻ có ưu thế cũng muốn củng cố quyền lực riêng mình, nhưng tổ tiên ta vẫn luôn quyết tâm dựa vào thực tại và ý chí dân chúng để bảo vệ và kiện toàn định chế này qua mấy ngàn năm lịch sử.
Buồn thay, người cộng sản không hiểu, đã đem chủ nghĩa cộng sản về phá nát văn hóa và truyền thống tốt đẹp làng xã hạch tâm xa xưa để cào bằng mọi người mọi giới, đưa đảng cộng sản ngồi xổm chót vót trên đỉnh, còn toàn dân nằm ngồi la liệt lê lết dưới đáy. Và họ gọi đó là đỉnh cao trí tuệ loài người. Hỏi anh còn dại dột ngớ ngẩn nào hơn chăng? Họ không hiểu rằng mọi cơ phận trong xã hội đều cần thiết cho nhau, không cơ phận nào ra lệnh lãnh đạo bộ phận khác, tựa như hoạt động của chiếc đồng hồ. Bất cứ một bộ phận nào hư hỏng đều gây thiệt hại đến sự sinh hoạt thống nhất kia với nhau. Nhà nước chỉ là cơ quan điều hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ phận sinh hoạt hài hoà với nhau, đất nước mới cường thịnh, con dân mới hạnh phúc.
Tinh thần và vật chất hỗ tương nguyên nhân
An Tiêm ra đảo cũng như Chử Đồng ra biển, chính là hình ảnh rồng vẫy vùng thi thố tài năng. An Tiêm khai phá đảo hoang tức mở mang vùng đất mới, khai hoang lập ấp. Nhưng dầu An Tiêm gắng sức đến mấy, đảo vẫn khô cằn, một mình trên đảo vắng, tựa như Chử Đồng không khố khốn khổ ở ven sông, dù cả hai đã vận dụng toàn tài toàn sức.
Cuộc sống đọa đày đó kéo dài cho tới khi An Tiêm gặp con chim. Anh à, tại sao câu chuyện không diễn tiến như nhiều chuyện phiêu lưu khác, ví dụ cho An Tiêm gặp được giống dưa quý nơi hải đảo không người có phải… tiện lợi không? Tại sao phải có chim bay tới cho thêm phiền phức?
Nhưng, cha ông ta hay và khác người ở chỗ đó. Tựa rồng-Chử Đồng đói lạnh đơn côi cho tới khi nàng tiên-Tiên Dung ghé lại, cuộc sống của rồng-An Tiêm cũng hoàn toàn thay đổi vào lúc chim – hình ảnh của tiên – xuất hiện. Chàng được chim cho hạt giống dưa hấu, ra công trồng cấy và được hưởng cuộc sống đầy đủ an vui. Trước kia chỉ có rồng nên bơ vơ cằn cỗi. Nay thêm tiên, cuộc đời đổi mới, thơm mát xanh tươi.
Anh ơi, như vậy theo văn hóa Việt, bất cứ công việc gì thuộc về con người, ở đây là khai thác vùng đất mới, cũng phải có đầy đủ rồng tiên. Hay nói khác đi, vật chất và tinh thần phải hỗ tương nhau thì cuộc sống con người và xã hội mới chan hòa hạnh phúc.
Vậy mà hai ông Tây nào đó, một ông bảo rằng tinh thần mới quan trọng, mới quyết định mọi sự khiến ông nọ bất bình, nói rằng vật chất mới là yếu tố chính, quyết định thượng tầng kiến trúc, gây ra biết bao đau thương mất mát cho nhân loại thế kỷ vừa qua. Trong khi đó cả ngàn năm xưa, cha ông mình đã nhận biết tầm quan trọng của sự tương tác giữa tâm và vật, rút thành những bài học bánh Dày bánh Chưng, Chử Đồng và An Tiêm cho cháu con ghi nhớ. Ngày nay, con cháu quên lời tổ tiên, một bên tự cho là “tiền đồn tự do” đi theo tâm, một bên hồ hởi làm “thành đồng cách mạng” nương theo vật, muối mặt nồi da xáo thịt chém giết nhau, mạnh miệng lên tiếng chỉ ta mới có chính nghĩa mà quên khuấy bài học thống nhất tâm-vật của cha ông năm xưa để nhìn nhau là huynh đệ. Hỏi anh còn cảnh nào bi tráng hơn chăng?
Thêm nữa, trong truyện bánh dày bánh chưng, Tiết Liêu dùng gạo làm bánh, tức phải đem tài trí và sức lực mà cải tiến cuộc sống toàn dân ngày một ấm no hạnh phúc, trên bình diện nước; ngược lại, ở phương diện làng, An Tiêm chỉ việc vun xới rồi chờ kết quả, công việc nhẹ nhàng hơn. Trong việc nước, công tác chính yếu là lo về cơm áo, tức nhu yếu căn bản của người dân; ở việc làng, An Tiêm tìm ra loại dưa mới, không phải nhu cầu thiết yếu cho sự sống mà chỉ làm cho đời thêm tươi mát và ngọt ngào. Hai truyện Chử Đồng và An Tiêm, cha ông chỉ ra cho con cháu thấy rằng, việc làng và việc nước khác nhau từ phần chủ động tới mức dấn thân và cả loại nhu yếu. Cuộc đời Chử Đồng chỉ bừng sáng khi gặp mặt và chung sống với Tiên Dung, một dùng của, một dùng tài để chung sức phát triển cuộc sống dân nước. An Tiêm không thực sự chia sẻ cuộc sống với tiên, mà chỉ nhận được từ chim, hình ảnh của tiên, có mấy hạt giống. Tiên Dung và Chử Đồng phải để trọn tâm huyết và cuộc đời vào việc phát triển việc nước; trong khi đó, An Tiêm chỉ việc vun xới để những hạt giống dần dần biến đảo hoang thành làng xóm xanh tươi, nên chỉ được tiên lướt qua.
Rồng nào, tiên đó; việc ai, phận nấy; nhu cầu nào, công việc đấy. Như vậy, người dân có trực tiếp tham gia việc làng nước mới thực sự có quyền để tạo lực cho nhà nước. Lực được dân trao, chính quyền sử dụng nhằm điều hành việc nước cho xuyên suốt và trôi chảy, sao cho cuộc sống toàn xã hội tương thông hài hòa, không phải lạm dụng quyền lực rồi chèn ép người dân. Đây là bài học về phân công và phân mệnh trong công việc cho hợp tình hợp lý để đạt kết quả tối ưu theo mô hình hạch tâm, mà không là ra lệnh, dễ gây lạm quyền của mô hình kim tự tháp Hán tộc và Tây phương trước kia.
Sự hỗ tương nguyên nhân, đối lập mà thống nhất giữa làng và nước, giữa cá nhân và tập thể đã được thể hiện rõ ràng trong suốt dòng lịch sử dân tộc, cho tới khi chúng ta va chạm với “văn minh” bên ngoài vài thế kỷ nay, phá vỡ toàn bộ hệ thống sinh hoạt làng xã hạch tâm và hình thức phân công, phân mệnh của văn hóa Việt.
Từ xa xưa, tổ tiên ta luôn phân biệt rõ ràng hai công tác chính trị: công tác làng và công tác nước. Người dân ai ai cũng có thể tham dự vào việc tổ chức, điều hành, quyết định công việc làng. Nhưng để đủ tầm vóc làm việc nước thì phải học hỏi thông thạo chuyện an dân và phải được tuyển chọn, thi cử để xác định khả năng. Ai như chủ nghĩa nọ, cứ công nhân là thỏa chí tiêu diệt các giai tầng khác rồi nhân danh đảng, nhân danh ba đời bần cố, nhảy phốc lên đỉnh lãnh đạo toàn dân! Còn gì khờ dại cho bằng phải không anh.
Anh yêu, biết bao bài học dựng và giữ nước cha ông truyền lại mà chúng ta ngày nay coi thường, cứ tưởng đi vơ của người mới là hay.
Hôm nay ngày giỗ Tổ, thiếp kể chàng nghe lại ý nghĩa một vài chuyện xưa, chàng hãy ghi nhớ và loan truyền rộng rãi nha. Thời nay kỹ thuật hiện đại, chàng chỉ việc nhấp chú chuột điện là bài học cha ông được truyền tải khắp nơi. Chàng làm ngay cho em nhé.
Thiếp thương và nhớ chàng ghê lắm. Hôn chàng.
© Lý-Trần Anh Thư
© Đàn Chim Việt
———————————————————
Ghi Chú:
(1) Viết và phỏng theo Kinh Việt của tác giả Nam Thiên, Brisbane, Australia 1990. Hoa Tiên Rồng phổ biến.
(2) Trong bài, tác giả cũng sử dụng một số khái niệm của nhà cách mạng Lý Đông A về Bản Vị học thuyết; phân công hợp tác; hỗ tương nguyên nhân; phân công, phân mệnh, phân lợi theo lý thuyết Kinh tế Bình Sản (bình đẳng cơ hội về sự tạo dựng và hưởng thụ của cải trong nền kinh tế xã hội hóa) của ông.
Hình ảnh sinh hoạt của Hội Cao Niên Á Mỹ