WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Kissinger nói về cuộc chiến Việt Nam

Kissinger người Mỹ gốc Đức và Đức gốc Do thái, sinh tại Barvaria, Đức ngày 27-5-1923, năm 1938 sang Mỹ tỵ nạn khi Đức Quốc Xã khủng bố và bài Do Thái dữ dội. Cậu và và gia đình sinh sống tại New York, xong trung học tại đây, Kissinger lên đại học City College of the New York , học kế toán. Năm 1943 bị động viên vào quân đội, phục vụ tại Sư đoàn bộ binh 84, sau được người bạn gốc Đức đưa sang ngành tình báo Sư đoàn, lên trung sĩ. Chiến tranh kết thúc, năm 1946 Kissinger được giao nhiệm vụ truy lùng các đảng viên Quốc xã còn lẩn trốn. Năm 1950 đậu BA tại Harvard College, năm 1952 đậu MA (Cao học) và năm 1954 đậu Ph.D (Tiến sĩ) tại Harvard university. Ông ở lai làm phụ giáo tại Đại học Havard, năm 1975 viết một cuốn sách nói về vũ khí nguyên tử. Năm 1962 ông trở thành giáo sư thực thụ  Harvard.

Henry Kissinger và Lê Đức Thọ. Ảnh On the net

 

 

Từ năm 1956 tới 1968 nhà tỷ phú Nelson Rockefeller mướn Kissinger soạn thảo các dự án cho ông. Qua lời mời của Cabot Lodge, Kissinger sang thăm Việt nam năm 1965, 1966. Ngày 19-8-1966 ông  viết bài nhận định đầu tiên về Việt Nam trên tạp chí Look, ông cho biết cuộc chiến Việt Nam khó kết thúc bằng chiến thắng quân sự mà cần thương thuyết tìm hòa bình. Năm 1968 Kissinger trở thành chính trị gia nổi tiếng, khi Nixon đang tranh cử Tổng thống với Humphrey, Kissinger được mời làm cố vấn trong ban cố vấn của Nixon về bang giao quốc tế. Một tháng sau khi Nixon đắc cử Tổng thống, Kissinger được mời làm cố vấn an ninh quốc gia, từ một người lính trơn năm 1943 ông đã trở thành cố vấn Tổng thống và sau đó bộ trưởng  ngọai giao. Ông là người nổi bật trong chính sách ngoại giao Mỹ từ 1969-1977, trong thời gian này, Kissinger mở màn cho chính sách hòa hoãn (détente) với Nga sô, mở đầu bang giao với  Trung Cộng và giữ vai trò chính trong tại cuộc hòa đàm Ba lê.

Với tư cách cố vấn Tổng thống, ông mở màn cho chính sách hòa hoãn với CS Nga,  đàm phán về tài giảm binh bị và hiệp ước chống đầu đạn nguyên tử với Brezhnev, Tổng bí Thư Nga Sô. Kissinger sang Trung Cộng hai lần tháng 7 và tháng 10-1971 để sửa soạn cho cuộc hội họp thượng đỉnh giữa Nixon, Chu Ân Lai và Mao Trạch Đông năm 1972, để hai siêu cường thiết lập bang giao, chấm dứt 23 năm thù nghịch. Kết quả của bang giao là một liên minh chiến lược ngầm chống Nga của Mỹ và Trung Cộng, nhưng hai bên chỉ thực sự có liên hệ ngọai giao từ 1979 vì vụ Watergate làm chính phủ Mỹ bối rối và vì Mỹ vẫn công nhận Đài Loan.

Nixon đắc cử Tổng thống cuối 1968 vì lời hứa đi tìm hòa bình trong danh dự và chấm dứt cuộc chiến Việt Nam. Ông đưa ra chính sách Việt Nam hóa chiến tranh để người Mỹ rút dần, VNCH tự vệ chống CSBV và VC. Kisinger đóng vai trò then chốt trong kế hoạch oanh tạc tại Miên để ngăn chận những cuộc tấn công của CS vào VNCH từ Miên và ngăn chận địch dùng đường mòn Hồ Chí Minh để tiếp viện, cuộc hành quân vượt biên giới Miên năm 1970 và những cuộc oanh tạc mở rộng xứ chùa tháp giúp Lonol vì biết Khmer đỏ đang thắng thế.

Hòa đàm Paris bắt đầu từ 10-5-1968 do Harriman đại diện Mỹ và Xuân Thủy đại diện Hà Nội khai mạc. Từ tháng 5 cho tới tháng 10 cuộc hòa đàm dậm chân tại chỗ vì  Hà Nội đòi Mỹ phải ngưng oanh tạc toàn diện miền Bắc VN, ngày 31-10-1968 TT Johnson chấp nhận yêu cầu của BV, khi ấy cuộc đàm phán mới thực sự bắt đầu. Năm 1969 Nixon đắc cử nhậm chức Tổng thống, Cabot Lodge thay thế Harriman. Việc thương thuyết thực ra không đạt được trên bàn hội nghị nhưng do đi đêm (secret negotiations) giữa Kissinger và trùm Cộng Sản BV Lê Đức Thọ bắt đầu từ 4-8-1969. Suốt ba năm liên tiếp, Thọ yêu cầu Mỹ loại bỏ Nguyễn Văn Thiệu, Kissinger và Nixon không chấp nhận.

Một tiến triển, khai thông lớn vào ngày 8-10-1972, chiến dịch Nguyễn Huệ hành quân sang Miên khiến CSBV mất tinh thần, họ càng lo sợ bị cô lập khi Nixon đã  hòa hoãn được với Nga và Trung Cộng, hai siêu cường đã yểm trợ cho Hà Nội. Trong một cuộc thương thuyết với Kissinger, Lê Đức Thọ không đòi hỏi phải lật đổ Nguyễn Văn Thiệu và hai chính phủ VNCH và chính phủ lâm thời Cộng  Hòa Miền Nam Việt Nam sẽ đi đến thỏa thuận. Trong vòng mười ngày mật đàm đi tới bản dự thảo Hiệp định, Kissinger vui mừng họp báo cho biết hòa bình đã ở trong tầm tay.

Chính phủ Sài Gòn không hay biết gì về mật đàm giữa Mỹ và CSBV, khi được tiến sĩ  Kissinger cho thấy bản dự thảo, TT Thiệu vô cùng bất mãn với Hoa Kỳ, đòi thay đổi nhiều khoản và tuyên bố trên  đài phát thanh, truyền hình chỉ trích bản dự thảo còn tệ hơn trước. Phía Hà nội cũng bất mãn cho rằng Kissinger đã đánh lừa họ. Số tử vong của Mỹ lên cao khiến phong trào phản chiến càng mạnh hơn, đầu năm 1973 Nixon bị Quốc hội, cử tri áp lực phải rút quân về nước và ông cũng ép buộc VNCH phải ký hiệp định dù không được sửa chữa, đúng là “dùi đánh đục, đục đánh gỗ”. Nixon cam kết với chính phủ Sài gòn sẽ tiếp tục yểm trợ miền Nam khi BV vi phạm Hiệp định. Giáng sinh 1972, Nixon cho oanh tạc BV dữ dội để họ phải trở lại bàn hội nghị và cũng để trấn an TT Thiệu yên tâm, cuối cùng Thiệu phải ký. Ngày 23-1-1973 Kissinger và Lê Đức Thọ thỏa thuận bản dự thảo đã được đã được soạn từ ba tháng trước. Hiệp định được chính thức ký kết ngày 27-1-1973 tại khách sạn Majestic, Paris. Đại diện hai bên gồm Cabot Lodge, Trần Văn Lắm, Nguyễn Duy Trinh, Nguyễn Thị Bình .

Ngày 9-8-1974 Nixon từ chức vì vụ Watergate, 9 tháng sau VNCH sụp đổ vào ngày 30-4-1975,  ông Thiệu từ chức, lên án Hoa Kỳ bỏ rơi đồng minh.

* * *

Gần đây cựu ngọai trưởng Kissinger nói chuyện trong một cuộc hội thảo tại Bộ ngoại giao Mỹ về lịch sử sự can thiệp của Hoa Kỳ tại Đông Nam Á. Bộ ngọai giao cũng đã cho ấn hành nhiều bài tường trình dựa trên hồ sơ giải mật về những quyết định của Hoa Kỳ tại VN trong mấy năm cuối cùng của cuộc chiến .

Kissinger cho rằng phần lớn thất bại ở Việt Nam do chúng ta (người Mỹ) gây ra cho chính mình, trước hết ta đã đánh giá quá thấp sự kiên trì lỳ lợm của các nhà lãnh đạo CS Hà Nội. Ông đánh giá cuôc chiến một cách bi quan, nó kết thúc bằng cảnh Sài Gòn thất thủ ô nhục, ông ta than vãn cho những nỗi niềm đau khổ của lớp thế hệ Mỹ trong khi cuộc chiến kéo dài. Kissinger nói trọng tâm  chính sách Hoa Kỳ hồi ấy là để bảo vệ sự sống còn của miền Nam VN đã thất bại, Người Mỹ đã  không khuất phục được kẻ thù, Hoa Kỳ muốn đàm phán nhưng Hà Nội chỉ muốn chiến thắng.

Những bất đồng quan điểm về sự can thiệp của Mỹ vào Việt Nam đã ảnh hưởng đến tinh thần của chính sách ngọai giao và rồi ảnh hưởng đến cả nước Mỹ. Ông nói đối với tôi, bi kịch của cuộc chiến tranh VN không phải chỉ có bất đồng ý kiến, điều đó không thể tránh được nhưng người Mỹ đã hết còn tin tưởng nhau trong cuộc chiến. Tôi cho là tất cả sự thất bại ở VN do chính chúng ta tạo nên. Tôi mong có một chung cục khác hơn là cảnh chúng ta xâu xé nhau tan nát.

Cựu ngọai trưởng khen Cộng Sản Hà Nội đã quyết tâm theo đuổi mục tiêu thống nhất hai miền Nam Bắc, họ đã đánh bại thực dân Pháp năm 1954, các sử gia cũng kết luận như thế. Ông trích lời nhà quân sử John Prados, tác giả cuốn  “Việt Nam, Lịch Sử Cuộc Chiến Tranh Không Thể Thắng Được 1945-1975” và nói miền Bắc đã có mục tiêu rõ ràng – thống nhất đất nước- và niềm tin tuyệt đối vào chủ trương ấy.

Kissinger khen Lê Đức Thọ, người đi đêm với ông trong những năm hòa đàm là người khôn khéo thi hành đường lối của Hà Nội để thắng Mỹ, ông nói Thọ đã mổ xẻ chúng ta y như một nhà giải phẫu với đường dao thật khéo. Ngày 10-12-1973 Kissinger và Lê Đức Thọ được giải Nobel hòa bình cho việc ký Hiệp định Paris 12 tháng trước đó, Kissinger nhận giải, ông nói tôi muối mặt nhận giải (he accepted the award “with humility”), Thọ từ chối, ông nói với Kissinger chiến tranh vẫn còn tiếp diễn. Hiệp định Paris là lối thoát cho Hoa Kỳ rút chân ra khỏi Việt Nam khiến miền Nam VN bị nguy cơ CS xâm lăng.

Kissinger nói chúng ta  biết đó là một hiệp định nguy hiểm, bấp bênh và cuộc chiến không thực sự chấm dứt nhưng Hoa Thịnh Đốn tin tưởng  miền Nam VN có thể đẩy lui cuộc xâm lăng của CS.

Cựu bộ trưởng cho biết đàm phán với Thọ thật là vất vả, nếu không phải nói chuyện với hắn thì đỡ khổ.

* * *

Người Mỹ vẫn thường tổ chức những buổi hội thảo nhìn lại quá khứ, cuộc chiến tranh Việt Nam đã để lại cho họ nhiều ám ảnh chua cay, chưa bao giờ đất nước bị phân hóa chia rẽ đến thế, nhất là những năm đầu thập niên 70, họ đã cắn xé nhau tan nát vì bất đồng chính kiến bất đồng quan điểm. Không riêng gì Kissinger, nay nhiều người Mỹ đã thẳng thắn nhìn nhận Hoa Kỳ thất bại, thua cuộc, tháo chạy nhục nhã vào những ngày cuối tháng 4-1975. Hình ảnh ông Đại sứ và những người Mỹ cuối cùng vội vã lên trực thăng trên nóc tòa cao ốc làm hoen ố danh dự, thể diện  của một siêu cường, nhưng Quốc hội phản chiến  và những người chống chính phủ đã chấp nhận sự nhục nhã vì quyền lợi của nước Mỹ.  Nhận xét của cựu ngọai trưởng về nguyên do sự thất bại cũng không có gì mới lạ, nhiều người nói họ bại trận vì cuộc chiến tại đất nhà (war at home) chứ không phải tại chiến trường, người Mỹ  đã tạo ra chiến bại cho chính họ, có điều là nay Kissinger đã thẳng thắn nhìn vào sự thật.

Sự can thiệp của người Mỹ vào Việt Nam có hai giai đọan rõ rệt: thứ nhất từ 1965-1968 dưới nhiệm kỳ Tổng thống Johnson và thứ hai từ 1969 tới những năm đầu thập niên 70 dưới nhiệm kỳ Tổng thống Nixon. Ngược dòng lịch sử, năm 1965 là thời kỳ cao điểm của thuyết Domino, cụ thể là  nếu mất Việt Nam sẽ kéo theo nhiều nước tại Đông Nam Á sụp đổ như trong ván cờ domino. Năm 1965 tình hình chiến sự tại miền Nam VN vô cùng bi đát, tính trung bình mỗi tuần mất một tiểu đoàn và một quận, trong vòng 6 tháng VNCH sẽ bị rơi vào tay CS nếu không có sự can thiệp của người Mỹ. Được sự ủng hộ của lưỡng viện quốc hội và 78% dân Mỹ, TT Johnson không còn con đường nào khác hơn là đổ quân vào miền nam VN để cứu nguy sự sống còn của người bạn đồng minh.

Cuộc chiến ngày càng mở rộng, Johnson được quốc hội ủng hộ cho tăng quân đều đều hàng năm từ 184,300 người năm 1965…và mấy năm sau 1968 lên tới 536,100 người. Phong trào phản chiến ngày  một lên cao, trong hai năm đầu 1965, 66 tuy có chống đối số người ủng hộ chính phủ còn cao khoảng 61%, 51% nhưng tỷ lệ ủng hộ ngày một giảm dần cho tới Tết Mậu thân 1968 thì tụt thang nhanh chóng chỉ còn 30%. Năm 1968 đánh dấu một khúc quành bi thảm cho số phận của VNCH, mặc dù trận Tết Mậu Thân là  chiến thắng quân sự lớn của VNCH và đồng minh nhưng niềm tin tưởng của người dân Mỹ vào chính phủ không còn, họ chống đối dữ dội hơn trước gấp bội phần đòi chính phủ phải đem quân về nước, tìm hòa bình vì trước mắt không biết bao giờ mới chiến tranh mới chấm dứt.

Nixon khi tranh cử hứa sẽ tìm hòa bình trong danh dự và đem quân về nước, nhậm chức 1969 ông thực hiện lời hứa đó, có nghĩa là rút bỏ VNCH và Đông Dương. Nixon gặp quá nhiều khó khăn trắc trở gấp bội lần Johnson, chính phủ phải đương đầu với cuộc chiến tại đất nhà đi vào giai đoạn bạo động, đổ máu, bắn giết nhau giữa sinh viên cảnh sát, quân đội…  Chính phủ Johnson còn có thực quyền giải quyết cuộc chiến nhưng Nixon không có thẩm quyền là bao, ông đã được cử tri, quốc hội giao trọng trách tìm hòa bình trong danh dự, bỏ VN mà đối với Nixon, việc bỏ rơi đồng minh là điều bất nhẫn nó khiến cho sự hy sinh của 58 ngàn lính Mỹ trở thành vô nghĩa. Mặc dù nỗ lực bằng mọi cách để cứu nguy sự sống còn của miền nam VN nhưng Nixon không thể quay ngược bánh xe lịch sử khi mà phong trào phản chiến đã nắm được quốc hội, đã tước đoạt mọi thẩm quyền của ông.

Marshall McLuhan, nhà văn, giáo sư Gia Nã Đại đã nói về truyền thông trong chiến tranh Việt Nam như sau:

“Truyền hình đã mang những cảnh chiến tranh tàn bạo tới căn phòng khách ấm cúng. Việt Nam thua từ trong những căn phòng ấm cúng ở Hoa Kỳ chứ không phải tại mặt trận bên Việt Nam”

The Media:Vietnam war, Vietnamwar.net

Thật vậy, nước Mỹ thua trận vì cái máy truyền hình , thập niên 50, chỉ có 9% dân Mỹ có TV nhưng sang thập niên 60, những năm chiến tranh VN nóng bỏng 1966, 67, 68 số người xử dụng TV đã tăng lên 93%.  Phim ảnh diễn tả cuộc chiến đã gây xúc động cho người dân Mỹ, phong trào phản chiến lan mạnh ở Mỹ lúc này vì đây là lần đầu tiên chiến tranh đã được giới truyền thông đưa vào quảng đại quần chúng và lần đầu tiên tin tức chiến sự đã không bị kiểm duyệt. Các phóng viên, nhiếp ảnh gia tự do lấy tin chiến sự bên VN về nước phổ biến rộng rãi, đài truyền hình quay phim đem về chiếu những cảnh bắn giết, đốt nhà khiến cho người dân ghê tởm cuộc chiến.

Điều tai hại là nhiều phóng viên, nhà làm phim đã xuyên tạc cuộc chiến, đầu  độc thanh niên, đổ dầu vào lửa, họ làm giầu vì chiến tranh, hốt bạc nhờ những bản tin đem về từ chiến trường xa xăm bên kia trái đất. Họ loan tin quân đội Hoa Kỳ mất chính nghĩa, tàn ác giết cả trẻ con, hãm hiếp phụ nữ… thậm chí sau khi chiến tranh, cựu chiến binh về nước bị người dân, giới trẻ phỉ nhổ là đồ sát nhân, gian ác, tất cả chỉ là hậu quả của thông tin do những phóng viên, ký giả tán tận lương tâm vô trách nhiệm.

Kissinger khen các nhà lãnh đạo BV lì lợm, kiên trì nhưng nếu không có phản chiến họ có lì lợm được hay không? Các nhà lãnh đạo CSBV theo đuổi chiến lược cố đấm ăn xôi phần lớn họ trông thấy phong trào chống đối ngày càng lớn mạnh, họ sẵn sàng đẩy thanh niên vào chỗ chết để hỗ trợ cho phong trào phản chiến, BV đặt  nhiều  hy vọng vào phản chiến. Nixon nói nhóm phản chiến đã nối giáo cho giặc, tại Hòa đàm Paris, BV nắm được “cái tẩy” của hành pháp Mỹ đang suy yếu vì bị cử tri, quốc hội gây áp lực. Họ biết vậy nên ngày càng gây khó dễ, không chịu đàm phán nghiêm chỉnh hoặc phá thối hòa đàm, đôi khi Thọ chửi bới Kissinger hỗn hào mà ông ta phải nhịn nhục để mong sớm ký Hiệp định.  Tháng 12 -1972, BV tưởng bở, hy vọng Quốc hội sẽ ra luật chấm dứt chiến tranh đem quân về nước nên Lê Đức Thọ đã bỏ không thèm họp Hội nghị. Nixon cũng chẳng phải tay vừa, ông  đã thẳng tay trừng trị BV bằng trận đòn B-52  suốt mười ngày cuối năm 1972  để bắt Hà Nội phải trở lại bàn hội nghị.

Tình hình cuối năm 1972, CSBV bị thảm bại sau trận mùa hè đỏ lửa, từ 500 đến 700 xe tăng bị bắn hạ, từ 70 ngàn cho tới 100 ngàn cán binh bị tử thương. VNCH thắng nhưng khi ký Hiệp định Paris lại như thua nguyên do TT Nixon phải nhượng bộ BV vì sự thúc ép của Quốc hội phản chiến và cử tri Mỹ, họ sẵn sàng ra luật chấm dứt chiến tranh, hy sinh Đông Dương để đánh đổi lấy 580 người tù binh còn bị BV giam giữ nếu việc ký kết không thành, nếu VNCH gây trở ngại.

Nguyễn Đức Phương đã nhận xét:

“Người Mỹ ký hiệp định Ba Lê với mục đích rút ra khỏi vũng lầy VN đồng thời trao đổi tù binh Mỹ. Quyền lợi chính của miền Nam không được chú trọng đến. Một chuyên viên về du kích chiến, Sir R. Thompson, khi thảo luận về việc ký kết hiệp định Ba Lê đã viết “ Sự sống còn của miền Nam VN bị đe doạ chỉ vì để tránh cho nước Mỹ khỏi phải cấu xé nhau tan nát. Một điều trái ngược ở đây là miền Bắc VN bị bắt buộc phải ngồi vào bàn hội nghị tại Ba Lê không phải để tự cứu họ mà  là để cứu nước Mỹ” Vì lý do vừa kể nên mặc dù có quá nhiều khuyết điểm, hiệp định Ba Lê vẫn phải được phê chuẩn với bất cứ giá nào”

Chiến Tranh Việt Nam Toàn Tập trang 811

Theo TT Nixon, sau Hiệp định Paris đầu năm 1973 miền Nam mạnh hơn miền Bắc lý do BV bị thiệt hại nặng trong cuộc tổng tấn công mùa hè đỏ lửa và trận oanh tạc của B-52 dịp Giáng sinh đã phá hủy nhiều kho hàng, cơ sở quân sự tại Hà Nội Hải phòng, nhưng sau đó CS quốc tế tiếp tục viện trợ dồi dào cho BV, ngược lại Quốc hội Mỹ cắt giảm viện trợ miền Nam nên cán cân lực lượng đã hoàn toàn đảo ngược. Sự sụp đổ của VNCH là điều không thể tránh khỏi.

Cựu ngọai trưởng ca ngợi quyết tâm thống nhất hai miền Nam Bắc của Hà Nội, họ đã đánh bại người Pháp 1954 để theo đuổi mục tiêu thống nhất và tin tưởng tuyệt đối vào tinh thần ấy. Nếu nói họ hạ quyết tâm thống nhất hai miền vì lòng yêu nước thì chỉ để nói cho vui thôi chứ thực ra vì cái bao tử. Miền  Bắc đất chật dân đông, đồng bằng Bắc Việt cằn cỗi vì đã xưa cũ, sản lượng lúa gạo không đủ nuôi số dân quá đông, ngược lại miền Nam đồng bằng sông Cửu Long phì nhiêu, cá tôm dồi dào, dân cư thưa thớt đã được coi là vựa lúa. Trước 1954, miền Nam vẫn thường phải chở lúa gạo tiếp tế cho miền Bắc vì như đã nói trên sản lượng lúa gạo tại đây không đủ nuôi dân, sau Hiệp định Genève 1954 miền Bắc phải nhập cảng lúa gạo của Miến Điện. Năm 1957 Thủ Tướng BV Phạm Văn Đồng gửi văn thư cho ông Ngô Đình Diệm xin hiệp thương hai miền, văn thư rất trịnh trọng “Kính Thưa Tổng Thống….”  Nhưng bị ông Diệm từ chối thẳng thừng nên Hà nội phải quay ra dùng quân sự để thôn tính  miền Nam, sống chết cũng phải chiếm được vựa lúa miền Nam.

Từ sau 1975 cho đến nay, mức sống tại miền Nam vẫn cao hơn miền Bắc nhiều, kinh tế miền Nam VN vẫn là đầu  tầu  cho cả nước về mọi mặt: sản xuất lúa gạo, khai thác dầu khí, đầu tư của nước ngoài, hàng xuất khẩu, tiền gửi về từ khúc ruột ngàn dặm… Đó là lý do tại sao Hà Nội phải theo đuổi mục tiêu thống nhất đến cùng, họ đã nướng một triệu quân để chiếm cho được kho tài nguyên phong phú của miền Nam VN.

Thống nhất hai miền Nam Bắc là điều ắt phải làm nhưng có nhiều cách để thống nhất trong hòa bình, bằng ngọai giao, kinh tế, chính trị…tại sao chúng ta phải chém giết nhau, phải làm đổ máu hàng mấy triệu người khiến đất nước tan hoang lạc hậu cả nửa thế kỷ ? Tôi nghĩ có lẽ người Mỹ họ lịch sự, giả vờ ca ngợi mục tiêu thống nhất của CSVN cho vui thôi chứ trong lòng họ không thể nào dấu nổi sự khinh bỉ ghê tởm cho sự lì lợm cố đấm ăn xôi của những người CS da vàng.

Kissinger than thở Lê Đức Thọ gây nhiều khó khăn bực tức cho ông, theo Nixon sở dĩ Thọ hỗn hào chửi mắng Kissinger vì thấy hành pháp lâm vào thế yếu, bị Quốc hội và cử tri phản đối ầm ĩ. Đại diện BV thừa cơ nước đục thả câu, lợi dụng khi hành pháp bị lập pháp gây áp lực, chống đối nên càng kéo dài đàm phán không chịu ký kết để buộc Mỹ phải nhượng bộ tại bàn hội nghị.

Cựu ngoại trưởng nói ông đã thấy Hiệp định Paris nguy hiểm bấp bênh cho miền Nam VN và cuộc chiến không thực sự chấm dứt, nhưng Hoa Thịnh Đốn tin tưởng miền Nam VN có thể đẩy lui sự  xâm lăng của CS. Sự tin tưởng của  chính phủ Mỹ vào khả năng tự vệ của miền Nam VN là điều giả dối, chỉ là câu nói an ủi cho người bạn đồng minh vì như chúng ta đều đã thấy hỏa lực của CS bao giờ cũng mạnh hơn miền Nam qua nhiều trận thử thách. CS quốc tế đã viện trợ quân sự cho đàn em nhiều hơn Mỹ cho VNCH cả về phẩm lẫn lượng, năm 1968 trong cuộc Tổng tấn công Tết Mậu thân, vũ khí cá nhân cũng như cộng đồng của cán binh CS toàn là những thứ ác ôn, hiện đại trong khi quân đội miền Nam VN vẫn còn dùng súng đạn từ thời Thế chiến Thứ hai .

Người Mỹ đã đánh giá thấp khả năng viện trợ của Nga sô Trung Cộng và trên thực tế ta thấy một trong những lý do chính khiến cuộc chiến thất bại vì Hoa Kỳ đã không chạy đua kịp với khối CS quốc tế về viện trợ quân sự cho đồng minh của mình. Năm 1965 trung bình một tuần VNCH mất một quận và một tiểu đoàn lý do viện trợ quân sự của Mỹ cho miền Nam thua viện trợ của CS quốc tế cho đàn em của họ. Hỏa lực của miền Nam không đủ để tự vệ và đẩy lui các cuộc tấn công của VC. Trong trận tổng  tấn công mùa hè đỏ lửa 1972, nếu không được sự yểm trợ  của máy bay chiến lược B-52  thì VNCH khó mà bảo vệ  được An Lộc, Kontum và và chiếm lại được Quảng Trị, không lực Mỹ đã duy trì cán cân lực lượng và VNCH vẫn còn một cơ hội tốt để sống còn. Nhất là giai đoạn cuối cùng của cuộc chiến VN, Quốc hội Mỹ cắt xén viện trợ cho VNCH đến xương tủy trong khi đó Hà Nội vẫn nhận đầy đủ hàng viện trợ quân sự của Nga Sô, Trung Cộng và ngày sụp đổ 30-4-1975 là bằng chứng cụ thể rõ ràng nhất cho sự viện trợ yếu kém của Hoa Kỳ.

Ngân khoản viện trợ quân sự cho VN được Hành pháp Mỹ đưa ra Quốc hội bàn luận, cắt xén, cò kè bớt một thêm hai trong khi các nước CS Nga Sô Trung Cộng vẫn yên lặng viện trợ ồ ạt cho BV đủ lọai vũ khí tối tân. Trên thực tế viện trợ quân sự của CS quốc tế cho BV để đánh nhau với Mỹ chứ không phải để đánh VNCH. Viện trợ của CS quốc tế cho đàn em toàn những vũ khí tối tân như hỏa tiễn tầm nhiệt, xe tăng hiện đại, đại bác có tầm viễn xạ tối đa 30 cây số… trong khi Hoa Kỳ viện trợ cho miền nam những vũ khí cũ secondhand, không đủ đương đầu với hỏa lực địch. Người Mỹ la làng kêu than  cuộc chiến VN quá tốn kém, từ đầu chí cuối mấy trăm tỷ  đô la…  nhưng họ không biết rằng CS quốc tế chi viện cho BV nhiều hơn Mỹ mà ta không nghe thấy ở họ một lời than  thở.

CSBV có nhiều thuận lợi hơn miền nam VN trong việc xin viện trợ vì Đảng CS tại Nga và Trung Cộng toàn quyền trong chính sách yểm trợ cho các nước thuộc quĩ đạo của họ, muốn viện trợ bao nhiêu cũng được, người dân, quốc hội bù nhìn không ai dám hé răng. Ngược lại VNCH mỗi lần xin viện trợ quân sự phải cử người sang Mỹ vận động đi tới đi lui, Chính phủ không thực sự có quyền chi viện mà phải thông qua sự cứu xét của Quốc Hội, thường là bị cắt xén, nhất là giai đoạn cuối của cuộc chiến, họ cắt giảm đến độ vào tháng tư 1975, quân đội VNCH chỉ còn đạn đủ đánh trong hai tuần lễ (Cao Văn Viên, Những Ngày Cuối của VNCH, trang 92).

Một trong những nguyên nhân thất bại của Mỹ là họ quí trọng sinh mạng con người quá đáng, CSBV rất nhậy bén về nội tình nước Mỹ, họ biết rõ tâm lý anh nhà giầu sợ chết, biết cái “tẩy” tham sinh úy tử của Mỹ. Anh nghèo đói không sợ chết nên họ sẵn sàng chấp nhận tỷ lệ lấy 16 cán binh đổi một lính Mỹ để đẩy mạnh phản chiến, trong những năm 1966, 67, 68… Hà Nội chỉ thị cho cán binh phải giết cho nhiều lính Mỹ để tạo chống đối tại ngay đất nước họ y như tại Pháp thập niên 50 thời chiến tranh Đông Dương.

Cho tới 1968 số tử vong của người Mỹ tại VN là 31 ngàn người chết tại mặt trận (killed in action, battle dead) và khoảng 4 ngàn  người chết vì những lý do khác như tai nạn, chết đuối, tự sát, bệnh tật.. tổng cộng năm 1968 khoảng 35 ngàn lính Mỹ chết tại miền nam VN. Suốt bốn năm chiến tranh mới chết có vài chục ngàn người nhưng tại hậu phương nước Mỹ đã có bao nhiêu người khóc than, la làng cho cả thế giới biết trong khi riêng trận tấn công mùa hè đỏ lửa năm 1972 có khoảng 70 ngàn lính BV tử thương, thiệt hại VNCH bằng một nửa, tại trận Stalingrad năm 1942 có tới 500 ngàn (hay nửa triệu) lính Nga tử trận nhưng họ yên lặng chẳng hề than vãn.

Đã sợ chết nhưng lại muốn làm trùm thế giới! mới chết có gần 60 ngàn người trong một cuộc chiến dài mà người Mỹ đã cho là một bi kịch lớn, kêu khóc từ mấy chục năm qua, làm sao họ có thể đương đầu với một cuộc chiến tranh nguyên tử làm chết hàng triệu người? Nếu Hoa Kỳ viện trợ quân sự đầy đủ cho VNCH họ đã không cần phải đem quân vào miền nam để gây ra phản chiến làm sụp đổ cả Đông Dương.

Truyền thông phản chiến Mỹ trong thời chiến tranh đã chế nhạo quân đội VNCH hèn nhát, họ nói lính Mỹ lùng và diệt địch (search and destroy) còn lính miền nam VN thì lùng và tránh địch (search and avoid), họ đăng những hình ảnh lính VNCH bám càng máy bay trực thăng tháo chạy trong trận Hạ Lào để chế nhạo đồng minh hèn nhát. Nhưng thực tế cho thấy ai đã tham sinh úy tử?

Mặc dù cộng tác mật thiết với nhau nhưng trên thực tế lập trường của TT Nixon và người phụ tá Kissinger của ông có nhiều tương phản. Cựu bộ trưởng ngọai giao cho rằng nước Mỹ đã quá lý tưởng để đặt chính sách dân chủ hóa VN của mình trên quyền lợi quốc gia, ông chủ trương phải quay về với quyền lợi của nước Mỹ, hòa hoãn với đối phương, bỏ Đông Dương. Nixon cho rằng nếu bỏ rơi VNCH thì sự hy sinh của 58 ngàn lính Mỹ để bảo vệ miền nam VN sẽ trở thành vô nghĩa. Khi ký Hiệp định ông đã dự trù hai kế hoạch để giữ miền nam VN, trước hết viện trợ quân sự đầy đủ cho VNCH, và sau đó dùng sức mạnh của không lực Mỹ để trừng trị BV nếu mở cuộc xâm lăng miền Nam VN, nhưng Quốc hội phản chiến đã phá hỏng tất cả hai kế hoạch hoạch khiến ông không còn quyền hành gì để đối phó với CSBV.

Nixon không thể quay ngược bánh xe lịch sử khi gió đã đổi chiều, thuyết Domino không còn giá trị. Người Mỹ đã quá chán ghét cuộc chiến Đông Dương, họ chấm dứt sự xung đột này chính là để chấm dứt cuộc chiến tại đất nhà, chấm dứt cảnh cắn xé nhau dữ dội từ bao năm qua.

© Trọng Đạt

© Đàn Chim Việt

———————————————————–

Tham Khảo

http://www.armytimes.com/news/2010/09/ap-kissinger-on-vietnam-failures-092910/

Kissinger: Vietnam failures our own fault

By Robert Burns – The Associated Press

Posted : Wednesday Sep 29, 2010 18:11

en.wikipedia.org/wiki/

Henry_Kissinger

http://en.wikipedia.org/wiki/Paris_Peace_Accords

Paris Peace Accords

Richard Nixon:No More Vietnams, Arbor House, New York 1985.

English.illinois.edu/maps/vietnam/antiwar.html: Mark Barringer: The Anti-war Movement in the United States.

Radical times: The antiwar Movement of the 1960s, Politic and the Antiwar Movement.

Answer.com: Vietnam Antiwar Movement

Wikipedia: Opposition to the US involvement in the Vietnam war

Google: Research at the National Archives, Statistical information about casualties of the Vietnam war.

The Word Almanac Of The Viet Nam War: John S. Bowman – General Editor, A Bison-book 1985

Nguyễn Kỳ Phong: Vũng Lầy Của Bạch Ốc, Người Mỹ Và Chiến Tranh Việt Nam 1945-1975, Tiếng Quê Hương 2006

Nguyễn Đức Phương: Chiến Tranh Việt Nam Toàn Tập, 1963-1975, Làng Văn 2001.

Cao Văn Viên: Những Ngày Cuối Của Việt Nam Cộng Hoà, Vietnambibliography, 2003.

Nguyễn Tiến Hưng: Khi Đồng Minh Tháo Chạy, Hứa Chấn Minh, 2005.

Ngô Quang Trưởng: Trận Chiến Trong Mùa Phục Sinh Năm 1972, Trung Tâm Quân Sử Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ, bản dịch của Kiều Công Cự, xuất bản 2007

Đoàn Thêm: Những Ngày Chưa Quên, Quyển Thượng (1939-1954), Quyển Hạ (1954-

1963), Xuân Thu 2000.

 

 

29 Phản hồi cho “Kissinger nói về cuộc chiến Việt Nam”

  1. Minh Đức says:

    Trích: Nixon không thể quay ngược bánh xe lịch sử khi gió đã đổi chiều, thuyết Domino không còn giá trị.

    Thuyết Domino không đúng tại Đông Dương sau 1975 nhưng vẫn đúng tại các nơi khác trên thế giới. Sau 75, Cuba gửi hơn 20 ngàn quân sang Phi châu, giúp đỡ phong trào CS tại hơn 17 nước Phi châu khác. Cuba không làm việc này với nguồn lợi riêng của Cuba mà với tiền bạc, vũ khí do Liên Xô cung cấp. Đó là thuyết Domino. Tại VN, sau 75, nhiều cán bộ CS từ miền Bắc vào đã nói bây giờ đến lượt Thái Lan sẽ được (bị) giải phóng. Đảng CS Thái quả nhiên là hoạt động mạnh hơn. Nhưng phe CS chia ra phe thân Nga, phe thân Tàu đánh lẫn nhau ở Đông Dương nên thuyết Domino bề ngoài có vẻ như không có giá trị. Vào thời 78, 79, trong khi CSVN và Kmer Đỏ đánh nhau ở biên giới thì bên Thái Lan, nội bộ đảng CS Thái xảy ra giết chóc ghê gớm lẫn nhau giữa phe thân Việt (tức là phe Nga) và phe thân Trung Quốc. Nhiều sinh viên Thái ở trong mật khu sợ bị giết đã ùa nhau chạy về thành phố. Lúc đó Quốc Vương Thái ban lệnh ân xá cho họ. Sau vụ giết chóc này, đảng CS Thái bị suy yếu hẳn đi. Như vậy, thuyết Domino không đúng là do tai nạn xảy ra trong khối CS chứ không phải là những người CS không muốn bành trướng mãi cho đến khi thắng trên toàn thế giới. Việc Mao bất ngờ tách ra khỏi quĩ đạo Liên Xô, rồi phe thân Liên Xô và phe thân Trung Quốc đánh nhau ở Đông Dương là điều người CS không chủ trương nhưng thực tế đã xảy ra như vậy. Ngay cả khi hai phe thân Nga và phe thân Trung Quốc đánh lẫn nhau thì những người CS trong các phe này vẫn tin tưởng vào giấc mơ CS toàn thắng trên thế giới. Năm 1980, khi Hoàng Văn Hoan chạy qua Bắc Kinh, cô Yung Krall sang phỏng vấn Hoàng Văn Hoan cuối cùng hỏi Hoàng Văn Hoan nghĩ gì về tương lai cuộc đấu tranh giữ tư bản và CS thì Hoàng Văn Hoan vẫn nói là CS chắc chắn sẽ thắng trên toàn thế giới. Tại Việt Nam, Lê Duẩn thuộc phe thân Nga, tuy xem Hoàng Văn Hoan là kẻ thù cũng nghĩ giống như Hoàng Văn Hoan vậy.

  2. Minh Đức says:

    Trích: Tôi nghĩ có lẽ người Mỹ họ lịch sự, giả vờ ca ngợi mục tiêu thống nhất của CSVN cho vui thôi chứ trong lòng họ không thể nào dấu nổi sự khinh bỉ ghê tởm cho sự lì lợm cố đấm ăn xôi của những người CS da vàng.

    Kissinger nói rằng mục tiêu của miền Bắc là thống nhất thì nói trong trường hợp nào? Đó có phải là một cách nói trong một hoàn cảnh nào đó trong khi ông ta biết là việc miền Bắc đánh miền Nam là nằm trong kế hoạch bành trướng chủ nghĩa CS được vạch ra bởi Lenin? Nếu ông ta không biết thì kiến thức của ông ta không đáng khen cho lắm. Cũng như ông McNamara sau 75 còn đến Hà Nội với một nhóm ký giả để tìm hiểu xem là trong suốt thời gian chiến tranh, có lúc nào bên phía miền Bắc có ý muốn hòa bình, nghĩa là ngưng chiến, rút về miền Bắc nếu Mỹ rút quân đi. Kết quả là ông McNamara và nhóm nhà báo nghe đầy một tai toàn lời tuyên truyền từ miệng ông Võ Nguyên Giáp. Ông Giáp không nói ra sự thật là đánh miền Nam là nằm trong sách lược của Lenin, là con đường phải đi đến chồ chủ nghĩa CS toàn thắng trên thế giới . Bởi vì qui luật chơi của phe CS là như vậy, là dương cao cái chiêu bài thống nhất, hay bảo vệ hòa bình, hay “canh giữ hòa bình thế giới” như ông Nguyễn Minh Triết nói, còn ý định thật sự là bành trướng chủ nghĩa CS là phải dấu đi. Các ông Kissinger, McNamara có thể là nhừng người rất thông minh, họ rất hiểu biết về chính trường nước Mỹ và thế giới, nhưng trong trường hợp này kiến thức của họ có lồ hổng.

  3. D.Nhật Lệ says:

    Sở dĩ Mỹ phải bỏ cuộc là vì họ thấy trước không thể thắng trong chiến tranh VN.Chẳng ai ngu dại gì mà
    tiếp tục một việc có nhiều yếu tố dẫn đến thất bại không thể tránh khỏi.Hãy tự hỏi mỗi người thì sẽ phải
    có câu trả lời giống nhau là chẳng ai ngu dại tiếp tục làm cái việc mà mình biết chắc thất bại.
    Những lý do Mỹ không thể thắng xét theo 2 phía như sau :
    -Vế phía Mỹ thì dân Mỹ chán ngấy phải hy sinh tính mạng cho những nước khác vì nếu theo đuổi cuộc chiến bảo vệ lý tưởng tự do thì nước Mỹ sẽ chịu không những qúa nhiều tổn thất nhân mạng mà còn
    qúa tổn phí tiền bạc.Lý tưởng tự do khá xa vời,không thiết thực theo tâm lý thực dụng của chính dân Mỹ.Cái thước đo để lượng định sự phản kháng chiến tranh VN.là phong trào phản chiến lan rộng càng
    ngày càng mãnh liệt đối với đảng cầm quyền khiến họ mất khả năng tiếp tục nắm quyền,nếu còn chủ chiến.Do đó,dân Mỹ qua QUỐC HỘI đã bó tay chính phủ Mỹ bằng nghị quyết CHẤM DỨT VIỆN TRỢ cho miền Nam (cùng với Kampuchia do thế mạnh như…chẻ tre của Khmer Đỏ).
    -Vế phía VC.thì chúng cương quyết hy sinh đến người VN.cuối cùng chống đế quốc Mỹ theo áp lực
    của Tàu cộng,lúc đó ngày đêm hò hét chống Mỹ,một nước đế quốc bị phụ thuộc vào chế độ chính trị
    của chính nó mà những tên chóp bu Tàu cộng đã khôn ngoan nhận ra rồi dùng hình ảnh con cọp giấy.
    để chế diễu và khinh thị Mỹ.Chính vì so sánh khối CS.quốc tế và đồng minh của mình mà Mỹ cũng
    khôn ngoan nhận ra rồi họ phải “bỏ của chạy lấy người”.Lý do là khối CSQT.thể hiện một khối ĐOÀN
    KẾT vững chắc trong khi phe đồng minh đang bị chia 5 bè 7 mối đủ thứ bất đồng mâu thuẫn do lợi
    ích khác nhau tùy thuộc ý nguyện dân chúng của mỗi nước,thông qua những cuộc biểu tình PHẢN
    CHIẾN khắp nơi trên thế giới.
    Đó là khái quát những lý do khiến Mỹ vừa đánh cầm chừng vừa phải tìm ra cách khác để NGĂN CHẬN CS.và khi tìm được rồi qua nói chuyện trực tiếp với Tàu cộng thì Mỹ phải “bỏ của chạy lấy người”ngay
    mà không thương tiếc gì miền Nam nữa.Tôi cho rằng Kissinger viết sách chỉ để đổ tội cho người khác
    và biện hộ cho mình sau khi một số nước đòi truy tố Kissenger vì cuộc chiến tranh VN.mà thôi !
    Điều này cũng cho thấy sức mạnh của DÂN CHỦ mà người dân thể hiện ý chí thông qua QUÔC HỘI
    mà chính quyền của đảng nào đó không thể làm gì được,dù chủ chiến đến đâu đi nữa.

    • Minh Đức says:

      Mỹ ngưng can thiệp vào Việt Nam là vì nội bộ người dân phản đối. Các dân biểu, nghị sĩ cũng không muốn tiếp tục. Đến 1984, tại Trung Quốc Đặng Tiểu Bình đổi mới kinh tế, cắt đứt viện trợ cho các nước khác, trong đó có Kmer Đỏ. 2 năm sau 1986, Gorbachev cắt đứt viện trợ cho Việt Nam vì Liên Xô gặp khó khăn về kinh tế. Nếu Mỹ tiếp tục bỏ tiền giúp VNCH đứng vững thì sau 1986, miền Bắc không còn viện trợ phải ngưng chiến. Lúc đó Mỹ sẽ không còn phải bỏ tiền nhiều cho VNCH nữa. Miền Nam có thể tái thiết và phát triển như Nam Hàn sau 1953. Về tiềm lực kinh tế Mỹ có thể làm việc đó với cái giá là kinh tế, xã hội Mỹ bị thiệt hại một phần nào trong khi Liên Xô thì bị sụp đổ. Nhưng hệ thống chính trị dân chủ của Mỹ đã đặt một cái thắng để ngưng cuộc chiến tại VN.

  4. Minh Đức says:

    Trích: “Người Mỹ đã đánh giá thấp khả năng viện trợ của Nga sô Trung Cộng và trên thực tế ta thấy một trong những lý do chính khiến cuộc chiến thất bại vì Hoa Kỳ đã không chạy đua kịp với khối CS quốc tế về viện trợ quân sự cho đồng minh của mình.”.

    Nói rằng người Mỹ đánh giá thấp khả năng theo đuổi chiến tranh của khối CS .là đúng . Sau 75 nhiều cán bộ CS cười chế diễu Mỹ đem máy tính điện tử ra để tính toán về cuộc chiến tranh VN mà vẫn bị thua. Máy tính điện tử đó là để tính với tiềm năng kinh tế của miền Bắc thì miền Bắc có thể theo đuổi chiến tranh được bao lâu. Sau khi tính toán như thế, Mỹ chọn chiến lược phòng thủ để khi nào miền Bắc cạn nguồn kinh tế thì sẽ ngưng chiến. Điều mà người viết chương trình cho máy tính không tính đến là các chính phủ CS có thể huy động của cải, sức người vượt quá giới hạn mà quốc gia cho phép. Cứ cho là Mỹ cho cả vào máy tính luôn cả nguồn lợi kinh tế của Nga, Tàu thì thông thường một quốc gia dồn từ 2% đến 4% số GNP, tổng sản lượng quốc gia vào quốc phòng. Nếu dồn nhiều hơn trong một thời gian dài thì quốc gia đó sẽ gặp các vấn đề về lương thực, về hạ tầng cơ sở, về kinh tế, xã hội… Trên thực tế, vào nửa sau thập niên 1970, tại Liên Xô, Breznev dồn từ 30% đến 50% tổng sản lượng quốc gia vào quốc phòng, còn miền Bắc thì không có thống kê chính xác nhưng tỉ lệ miền Bắc không thể ít hơn của Liên Xô. Vào thập niên 1960, Mỹ và các nước Tây phương không biết về cách sử dụng ngân sách của khối CS nên có lẽ những người lập chương trình cho máy tính chỉ tính theo các các quốc gia bình thường. Chỉ qua thập niên 1970, có 1 nhân viên KGB trốn qua Anh đã tiết lộ việc Liên Xô dồn đến 30% GNP vào quốc phòng. Các nước Tây phương kiểm chứng tin này và thấy đúng. Vào lúc đó thì Mỹ đã quyết định rút ra khỏi miền Nam, không tiếp tục bỏ tiền vào chiến tranh VN nữa. Hậu quả của việc Liên Xô và miền Bắc dồn quá nhiều vào chiến tranh có thể nhìn thấy qua bộ mặt xã hội tại các nước này vào thập niên 80, 90, và nhất là nó làm cho chế độ CS tại Nga sụp đổ, đảng CS Nga mất quyền, còn đảng CSVN thì phải mở cửa đi theo con đường tư bản..

  5. nt says:

    Ngày hôm qua tôi coi Henry Kissinger và Hillary Clinton qua Charlie Rose. Tôi nghĩ hiện bây giờ
    Lê Đức Thọ đang làm gì? Sau 36 năm chưa bao giờ nghe nhắc qua cái tên Thọ. Công của ông
    Thọ không nhỏ nhưng với công đó đã đưa VN đi vào bế tắc về kinh tế cũng như luật lệ và dân
    chủ tự do. Dân thì nghèo rã mồng tơi, luật chĩ để phục vụ cho lũ CS đỏ. Ông Thọ cũng giống như
    những ông bác tôi theo CS với hi vọng lí tưởng nhưng cuối cùng cũng ngậm bồ hòn mà chết.

    Trong khi đó Kissinger vẫn còn đây và vẫn là nhà chính trị lỗi lạc được thế giới kính nể. Còn LĐT
    ở đâu?

  6. ĐẶNG TRẦN ĐỨC -HUỲNH BỬU NGƯƠN - San Jose - USA says:

    Con Chim sắp chết – giọng thảm thiết thay.
    Người Già sắp chết thường hay nói thật .

    KISSINGER già rồi – chắc cũng nói đúng tâm trạng bấy lâu của mình – của cả Bộ Sậu Hoa Kỳ trong cuộc chiến Việt Nam .

    Cựu BT QP Robert McMANARA trước đây cũng thế . Ông đã thừa nhận 11 sai lầm cơ bản của Mỹ khi gây chiến ở VN và xin được gặp Tướng Giáp huyền thoại của CSVN .

    Chóp bu Quan thày còn vậy , nói chi đám tép riu lưu vong , suốt ngày lải nhải hận thù và huyễn hoặc lừa đảo trên mấy tờ lá cải ở nơi xó trời này ?

  7. Trọng Đạt says:

    Dear Dr Tristan Nguyễn
    Sinh đẻ trên tầu thủy chạy lọan từ 30-4-1975, sống ở Hải ngọai từ nhỏ mà viết tiếng Việt rất rành và biết nhiều về tình hình chính trị, quân sự VN thời xa xưa như vậy là tiến bộ lắm rồi
    Thank you Dr
    Trọng Đạt

    • Jesse girl says:

      Tristan Nguyen ! You was born on the ship !! How do you know the song ! hihihihi :)
      Giai phong mien Nam ! Diet de quoc My , pha tan be lu ban nuoc , oi xuong tan mau roi long ” han thu ngat troi ” song nui bao nhieu nam oan hon !

      Anyway I like what you have to say !

Leave a Reply to ghost