WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Quảng Trị, Khe Sanh & Những Người Chiến Sĩ Vô Danh

Tháng 4, tôi đến cổ thành Quảng Trị.

Những thùng tiếp liệu đang được thả xuống Khe Sanh. Ảnh: commons wikimedia.org

Từ hướng nam, tôi đi trên con đường tráng nhựa mà hơn ba mươi ba năm trước, các nhà báo gọi nó là Đại lộ Kinh hoàng. Nơi đây cách thị xã Quảng Trị 10 cây số. Bên trái con đường là bãi cát trắng lẫn với màu đất đen. Những cụm nhà mái tôn rải rác bên đường dưới ánh nắng gần trưa. Không một bóng người. Bên phải con đường là bãi cát vàng khô khốc, thỉnh thoảng gió thổi thốc từng cơn, những cụm cát tung lên xòa ra trong nắng. Một căn nhà xập xệ chắp lại bằng những miếng tôn cũ trên đó có dòng chữ bằng sơn trắng “Sửa xe, vá ép”, nơi cửa, một ông già ở trần ngồi trên bậc thềm, tay cầm quạt lá, tay kia chống cằm nhìn bâng quơ ra con đường nhựa vắng người.

Ngày 1 tháng 5 năm 1972, hàng vạn đồng bào từ Quảng Trị tản cư vào Huế. Cuộc tản cư và rút lui hỗn loạn đã biến đoạn Quốc lộ 1 ở quận Hải Lăng thành con đường xương máu khi quân Bắc Việt phục kích và nã pháo vào đoàn người di tản.

Bao nhiêu xác người đã nằm xuống và con đường hôm nay đìu hiu thưa thớt. Ai đã khiêng cất xác họ, ai đã rửa chùi những đống máu, lau đi những óc não tung bày, ai sắp lại những gan ruột phơi ra trầy trụa, ai đã đạp trên xác họ trên đường chạy lọan rồi gục xuống ở bước chân kế tiếp, chồng lên người đã chết, người chết sau ngã trên người chết trước.

Nhất tướng công thành. Những thường dân vô tội. Những chiến sĩ vô danh. Tôi chưa đến tuổi lính vào những ngày máu lửa đó, vào những ngày máu xương đến phải gọi nó là Đại lộ Kinh hoàng. Bây giờ, Đại lộ Kinh hoàng mang tên Lê Duẩn. Tôi đang đi trên nó một buổi sáng vắng lặng yên bình, nhưng chợt ớn lạnh từng cơn như vô hạn oan hồn chồm lên quấn lấy hỏi han. Cơn gió đồng lướt thướt thổi qua.

Tôi trèo lên xe, nói chạy nhanh đi vào thị xã. Tới một ngã ba, người tài xế rẽ phải vào đường Trần Hưng Đạo. Đó là một con đường nhỏ hơn, có một chứng tích duy nhất còn sót lại của thị xã Quảng Trị trong mùa hè đỏ lửa, trường Bồ Đề.

Người ta nói số bom đạn đổ xuống thị xã trong 81 ngày đêm, kể từ ngày 30 tháng Ba năm 1972, có sức công phá mạnh gấp bảy lần trái bom nguyên tử thả xuống Nhật trong thế chiến hai. “Một viên gạch cũng bể làm tư,” người Quảng Trị nói rứa, chỉ riêng ngôi trường Bồ Đề còn đứng vững với bốn bức tường lổ chổ vết đạn bom. Đến một ngã tư, lại rẽ phải. Cổ thành Quảng Trị nằm phía tay trái, cách quốc lộ chừng hai cây số. Ở góc tường đầu tiên, rêu và cây dại mọc dày nhưng các vết đạn xoáy sâu vào lớp gạch tường đo đỏ vẫn còn hằn dấu rõ.

Tôi nhớ như in bức ảnh chụp mấy người lính cắm cờ vàng ba sọc đỏ trên cổ thành đổ nát năm nào. Bây giờ người ta cho xây lại phần trên cổng thành, màu xám xi măng còn rất mới, có vẻ lạc lõng và chênh vênh trên dãy tường thành cũ kỹ. Bên trong thành, một con đường bê tông chạy thẳng từ cổng đến một cái đài cao xây theo hình một nấm mộ lớn, có bốn lối đi dẫn lên đài. Giữa trung tâm đài có một lư hương lớn, và một cái cột cao vút lên dựng bên cạnh một mái nhà mô phỏng một cổng tam quan.

Tôi đứng trên đài cao nhìn xung quanh. Trừ các con đường nội bộ trong thành, còn lại là bãi cỏ xanh, các ghế đá công viên, ở một khoảng sân người ta trưng bày một hỏa tiễn chống máy bay,
Tôi đứng lại một mình. Những tường thành như có một luồng khí lạnh tuôn ra làm sởn da. Có tài liệu nói rằng trong trận ác chiến dành lại cổ thành, quân đội Việt Nam Cộng Hoà chết gần mười ngàn người, bộ đội cộng sản cũng chết khoảng con số đó.

Trong cổ thành này, xác người có thể sắp bên nhau dày đặc mặt đất trong thành. “Một viên gạch cũng bể làm tư”. Đó là một nhận xét có vẻ đơn giản nhưng thật kinh hoàng. Nhưng giờ đây người ta không coi đó là một trận địa đau khổ và mất mát, những người ở đây coi đó là một chiến thắng.

Nếu có mất mát thì đó là cuộc hy sinh của riêng những người thắng trận sau cùng. Mấy năm trước tôi có coi một đoạn phim tài liệu 45 phút do Sở Văn hóa Thông tin Quảng Trị thực hiện với lời bình của Võ Nguyên Thủy, con của đại tướng Võ Nguyên Giáp. Họ chiếu các mũi tiến công của bộ đội cộng sản vào cổ thành khởi từ ngày cuối của tháng Ba năm 1972, những trận giao tranh ác liệt, các cảnh máy bay B52 rải bom. Khi bộ đội phải bỏ chạy qua bờ bắc của sông Thạch Hãn, họ bình luận “quân ta tổn thất khá nặng nề”. Mười ngàn người chết nhưng chỉ “khá nặng nề”, và cơ bản thì trận chiến mùa hè 1972 vẫn là “một thắng lợi lớn góp phần vào công cuộc giải phóng miền Nam”.

Các nhà quân sự cộng sản chỉ cần gây tiếng vang, họ khát danh vọng bất kể mười ngàn lính nằm xuống để đổi lấy 81 ngày đêm giành dựt từng tấc đất một cách tuyệt vọng, bất kể hàng vạn dân thường gục xuống do những màn pháo kích bừa bãi từ trong núi nã xuống Đại lộ Kinh hoàng. Những điều đó không được nhắc đến trong cả cuốn phim tài liệu… Chỉ thấy chiến thắng, chiến thắng và chiến thắng!

Một người bạn chụp hình chuyên nghiệp kể rằng vào đây mà không khấn vái thì khi rửa phim chỉ thấy một màu trắng xóa. Tôi tin điều đó. Trên đài tưởng niệm có một lư hương rất lớn, nhưng lư hương đó chỉ dành cho những người thắng trận cuối. Không có một lư hương chung cho tất cả những linh hồn vô danh lẩn khuất nơi đây, để những người sống có thể thắp hương cầu nguyện cho tất cả, không một ai.

Tôi không thể đốt hương để cắm vào cái lư hương riêng biệt này. Vì thế tôi chọn cắm một nén hương vào hư không.

Nhà bảo tàng có hai tầng. Từ ngoài cửa chính đi vào có một sảnh chính bề ngang độ sáu, bảy thước, dài chừng mười mấy thước. Cách bức tường cuối sảnh độ một thước người ta dựng một tấm kiếng trong suốt hình vuông. Đằng sau tấm kiếng, sát tường là một ngọn đèn điện được gói bên ngoài một lớp giấy nửa xanh nửa vàng, dưới ngọn đèn chắc có dấu một cái quạt nhỏ thổi ngược lên để lớp giấy màu vàng luôn bay phần phật như ngọn lửa. Đó là ngọn lửa giả tượng trưng ngọn lửa thiêng. Trên tấm kiếng trong suốt có viết tên các đơn vị bộ đội đã tham gia chiến dịch “giải phóng thành cổ” năm 1972.

Tôi đi lên tầng trên. Tầng này trưng bày các hiện vật và hình ảnh các bộ đội đang đánh nhau, sơ đồ cổ thành, mô hình trận đánh. Trong ngổn ngang chiến tích, đạn, bom, và súng cối đã rỉ sét có một cái bàn vuông nhỏ bên trên lộng kính, phía trong mặt kiếng có hai lá cờ vàng ba sọc đỏ xếp ngay ngắn, một vài món quân trang quân dụng và năm tấm hình căn cước của năm người lính Việt Nam Cộng Hòa. Có một mẫu giấy ghi chú đây là chiến lợi phẩm mà bộ đội tịch thu được trong cổ thành hồi 1972. Các hiện vật ở tầng này sơ sài, cách trưng bày lộn xộn và thiếu chuyên môn. Không gian trưng bày một trận chiến ác liệt với bao mất mát bị lấn lướt bởi chủ đề chủ đạo “chiến thắng”, biểu tượng qua tấm hình một anh bộ đội ngồi ôm súng cười rất tươi giữa cảnh hoang tàn đổ nát của cổ thành.

Rời cổ thành chúng tôi băng qua sông Thạch Hãn, đến ngã ba rẽ vào đường số 9. Đường 9 Nam Lào. Mùa xuân năm 1971 Việt Nam Cộng Hòa mở cuộc hành quân Lam Sơn 719 tấn công qua biên giới Lào để phá hủy các căn cứ của Bắc Việt. Trục lộ hành quân chính là đường số 9 bắt đầu từ hướng cực đông là thị trấn Đông Hà.

Tôi đã đọc nhiều tài liệu về con đường này, và giờ đây tôi đang đi trên đường 9, bắt đầu từ thị trấn Đông Hà. Mới hơn 10 giờ sáng nhưng cả thị trấn vắng vẻ như không có nhiều người. Đường 9 Nam Lào bây giờ đã tráng nhựa và khá rộng để hai chiếc xe tải tránh nhau dễ dàng. Con đường này sẽ qua Cam Lộ, Cà Lu, Khe Sanh, Làng Vei, Lao Bảo cho đến biên giới Lào.

Đường 9 Nam Lào chỉ có trong mường tượng từ ký ức qua các tài liệu thời chiến, hình dung các cuộc chuyển quân, những người lính gian khó, các trận đánh dữ dội, những con gió lào oi bức, có những khúc đường hẹp phải dùng xe ủi đất mở đường, cây cối hai bên um tùm. Bây giờ đây trước mắt là một con đuờng buồn, một thị trấn lặng lẽ, những căn nhà hai bên đường không đóng cửa, nhìn suốt vào trong cũng không thấy người.

Lời của một bài hát vào năm 1972 vang lên “… anh đã về Gio Linh, Cam Lộ, Đông Hà…”. Dưới ánh nắng trải đều dù không thấy dấu vết sót lại của những ngày chiến tranh khốc liệt, ít nhất cũng như vậy trong con mắt dân sự, nhưng từng vùng đất đi qua đều gợi lên ký ức chiến tranh vì nó nổi danh vì chiến tranh, những cái tên ngọt ngào nhưng đau khổ như Cam Lộ, như Khe Sanh.

Bây giờ bên phải là núi, bên trái là dòng sông Đakrông lấp lánh nắng mai ở cây số 46 của đường 9 (tính từ đoạn bắt đầu ở thị trấn Đông Hà). Có một cái cầu treo bắt ngang sông giữa hai đầu núi, cầu Đakrông, đoạn đầu của Đông Trường Sơn. Bên kia cầu là đường 14A đưa vào A Lưới và A Shầu (người Mỹ đọc là A Shau), đèo Mạ Ơi, những quả đồi đầy tan tác thời chiến như Hamburger, Bastone.

Năm 1969 quân đội Hoa Kỳ quyết định mở chiến dịch giải tỏa Thung Lũng A Shầu với sự tham dự của nhiều đơn vị Thủy Quân Lục Chiến,Thiết giáp, Không quân và bộ binh… Tờ mờ sáng ngày 10 tháng Năm/1969, Chiến dịch Apache Snow bắt đầu. Giờ H là 7 giờ 30.

Đã gần giữa trưa, hai bên cầu trẻ con người thiểu số tan học tung tăng đi về hướng A Shầu. Tất cả bọn chúng mặc áo quần màu đen, chân đất, nước da đen xoắn khoẻ mạnh nhưng khuôn mặt hốc hác, trông chúng thật ngô nghê và lạc lõng trên con đường tráng nhựa và cây cầu treo đẹp đẽ mới khánh thành. Dưới kia là sông chảy, bên này là núi, bên kia là những ngọn đồi xanh nối nhau dưới bầu trời xanh trong, một con đường láng nhựa, một cột mốc đánh dấu đường Trường Sơn.

Ngày 9 tháng 2 năm 1968, một tiểu đoàn quân Bắc Việt tấn công Đồi 64 do Thủy Quân Lục Chiến Mỹ trấn giữ, tràn ngập nhiều vị trí phòng thủ.

Ngang Khe Sanh, chúng tôi băng ngang ngã ba dẫn vào căn cứ (quân sự) Khe Sanh để đi thẳng lên Lao Bảo. Khúc đường này đang xây dựng lở dở, bụi đỏ mờ mịt, nhà cửa hai bên đường tràn ngập bụi đỏ. Nắng khô khốc tưởng chừng cả vùng này rất khó tìm ra một giọt nước. Thỉnh thoảng các xe đò mang bảng số Lào chạy ngược chiều chở các đoàn khách du lịch hướng về Quảng Trị.

Đến trung tâm chợ biên giới Lao Bảo thì trời đã đứng bóng. Đây là một chợ biên giới gồm một khách sạn khá lớn xây sát sườn chợ gồm hai khu nhà tròn và một khu ăn uống bình dân. Một đứa bè chạy ra mời ăn cơm: “Mi có chi ăn?”. Thằng bé nhanh nhẩu: “Chi cũng có đủ”. Khu ăn uống bình dân chỉ có hai quán bán cơm và toàn thức ăn khô, “có đủ” ba món là cá nục kho, cá ngừ kho và cà pháo dầm nước mắm.

Như vậy cũng đủ ăn một buổi trưa biên giới, mua sắm một ít hàng lậu tuôn từ Lào qua. Mấy tháng trước, tôi mướn một chiếc xuồng ba lá trốn công an biên phòng để vượt biên từ Châu Đốc qua chợ Gò nằm bên kia đất Cam Bốt. Chợ Gò nhộn nhịp, người bán xởi lởi tỏ rõ phong độ ngang tàng của sông nước miền Nam.

Ở Lao Bảo, người bán khô khan ít nói như cái nóng của miền Trung. Cả khu chợ hàng hóa nhiều và trật tự hơn chợ Gò nhưng có cái không khí trầm trầm lặng lẽ. Chúng tôi lên xe chạy ngược về con đường bụi đỏ. Bên trái, những quả đồi nằm chịu trận dưới mặt trời bốc lửa. Đến Làng Vei, nằm nửa đường từ đoạn Lao Bảo – Khe Sanh, chúng tôi ngừng xe để ngắm dòng sông chảy dịu dàng bên dưới.

Rạng sáng ngày 7 tháng 2 năm 1968, bộ đội Bắc Việt có chiến xa yễm trợ tấn công và tràn ngập trại Lực Lượng Đặc Biệt ở Làng Vei.

Đoạn từ Làng Vei về lại Khe Sanh bằng phẳng, bên trái có vài nương rẫy của đồng bào thiểu số. Chúng tôi băng qua trung tâm Khe Sanh đã qua trưa, ngôi chợ lồng vắng vẻ như cả thị trấn đều ngưng hoạt động, đến ngã ba thì rẽ trái vào căn cứ (quân sự) Khe Sanh.

Ngày 23 tháng 2 năm 1968, quân Bắc Việt pháo 1.300 quả đại bác vào Khe Sanh trong 8 tiếng đồng hồ. Mười lính Mỹ chết.

Đường đi phi trường Tà Cơn, một phi trường quân sự của Mỹ thời chiến, hẹp hơn đường 9 nhưng cũng đã tráng nhựa bằng phẳng. Phi trường nằm cách đường cái chừng cây số, có cổng rào và trạm gác thu phí tham quan. Trên bãi sân ngổn ngang cỏ mọc người ta trưng bày một trực thăng UH và hai trực thăng chuồn chuồn.

Ngày 11 tháng 2 năm 1968, hai vận tải cơ C-130 đáp xuống Khe Sanh. Một chiếc nổ tung vì trúng đạn pháo kích.

Gần đây, Bộ Quốc phòng Mỹ nói họ đã xác định được danh tánh bốn quân nhân Mỹ chết trên đồi 665 vào đầu tháng 5/1967, và hài cốt của bốn người lính này đã được đưa về Mỹ. Sau 37 năm nằm yên trong vùng đất Khe Sanh, bốn quân nhân chết trong độ tuổi 20 đã trở về quê hương, được vinh danh ở Nghĩa trang Quốc gia Arlington. Còn những ngọn đồi 471, 552, 665, 689 … thì vẫn xanh cỏ mọc. Còn bao nhiêu xương cốt của Mỹ, của Nam, của Bắc Việt Nam vùi sâu nơi ấy.

Con đường rời Khe Sanh từ hướng Tây, băng qua đèo Ai Lao để về lại Cam Lộ trông hùng vĩ hơn. Nhiều đoạn đèo đang được thi công nâng cấp, đất cát lổn chổn trộn với bụi đỏ bay mịt trời. Mấy cái cần cẩu đang nâng lên hạ xuống ở một cây cầu đang xây mới cạnh chiếc cầu cũ bắc ngang một vực sâu ngay một khúc quành gắt như cùi chỏ. Đoạn đường này hẹp, nếu có một chiếc xe đi ngược chiều thì không biết tài xế sẽ xoay xở ra sao.

Lấp lánh dưới sâu là dòng nước đã gần cạn trong mùa khô. Trời trong và xanh. Ngang một đoạn đèo gặp một đoàn người đang im lặng đi giữa đường, dẫn đầu là một người đàn ông mặc áo dài màu xanh đậm. Ông này xách một cái phèng la cũ, vừa đi chậm rãi vừa thỉnh thoảng gõ một tiếng “pheeng…”. Kế đến là bốn người đàn ông gánh một cái quan tài. Một đám tang giữa trưa.

Trên quan tài người ta dựng bốn cái cây đứng để chống một tấm nhựa che nắng cho tấm hình của người chết, ảnh một cô gái trẻ để trước quan tài. Những người đưa đám đều để đầu trần, có người đi chân trần trên mặt đường nóng chảy nhựa. Đám tang lặng lẽ nhưng tươm tất dưới mặt trời gay gắt, bóng chiếc quan tài in xuống nền đường che nắng được một vài người đi khép nép ven hông quan tài. Đoàn người đi chầm chậm trên đèo Khe Sanh – Cam Lộ, tiếng phèng la điểm nhịp vang lên rồi tan dần vào vách núi. Một người trẻ hôm nay sắp được chôn. Trong một vùng đất còn nhiều người mất xác.

© Lê Lô

© Đàn Chim Việt

14 Phản hồi cho “Quảng Trị, Khe Sanh & Những Người Chiến Sĩ Vô Danh”

  1. Hi x Pham says:

    Mot nghich ly la nhung ngay theo giac Cong khong cho con cai di hoc o Tau Cong hay Nga Cong, chung
    lai cho con chau chung di hoc o My va cac nuoc Tay Au. Con cac cau Du sinh o cac nuoc Dong Au va
    Tay Au da va dang nhan thay o dau totv xau the nao, cac cau con bay dat ca tung giac Cong. Het biet.

  2. HUỲNH BỬU NGƯƠN , THẾ HƯNG - PHẾ BINH VNCH BỊ BỎ RƠI says:

    VÔ DANH và VÔ DỤNG .

    Chết mà để có kết quả tốt đẹp cuối cùng thì đó là cái chết có ý nghĩa . Còn KHÔNG thì NGƯỢC LẠI .
    30 tháng 4 — Kỷ Niệm ngày NHỤC NHÃ của 1 Chế độ tan tành , vì bị BỎ RƠI và BÁN ĐỨNG
    Ngày phản bội của những Kẻ HÈN NHÁT mang danh Chủ MỸ – Tổng thống Thống tử thủ và đám tàn quân bám càng chạy trốn …

    Thử hỏi – Những kẻ hèn nhát kia … còn lải nhải vinh danh khỉ gì … về những cái chết Vô Ích trong những tháng ngày ĐEN TỐI nọ …?

    • Võ Hưng Thanh says:

      Mọi người đúng đắn đều phải biết suy nghĩ về lịch sử và nhận thức về lịch sử. Bởi lịch sử là cái chung nhất, xảy ra ngoài tầm với của mỗi cá nhân, kể cả mọi người. Cái gì đã rồi thì không hiệu chỉnh theo ý mình được nữa, ai cũng vậy, đó mới chính là lịch sử, và được gọi là lịch sử. Nhận thức theo kiểu Huỳnh Bửu Ngươn và Thế Hưng nào đó như trên, thì quả thật quá tầm thường, và nó nói lên một trình độ hiểu biết quá kẽm cõi, có thể làm nhiều người coi thường và khó chịu. Kiểu những kẻ như vậy bám càng mà chạy là phải lắm, còn tru tréo làm gì nữa.

      VHT

      • Phan Nguyen says:

        Khi đề cập về vấn đề thời gian thì không ai có thể thay đổi được ” Lịch sử”. Giá trị của Lịch Sử lại là một việc khác. Nó bao gồm tính chân thật của sự việc, còn là bài học cho tương lai. Chính vì điểm này mà đã mang đến sự tranh luận tự bao giờ, nhà trí thức nhân dân ạ!!!

    • Tien Ngu says:

      Thương phế binh VNCH hiểu rỏ cái thế bại của miền Nam, đại gia đình quân đội tan rã, không còn tiếp liệu, không còn tãn thương…

      Vẫn vui cười chấp nhận thân phận.

      Giặc Cộng tràn vào, xua đuổi Thương phế binh ra khỏi các nhà…thương. Dẫu máu me đầy mình, chân tay còn…rách nát…

      Vẫn im lặng chấp nhận thế bại, thế mất mát.

      Thương phế binh VNCH, những ai còn sau 1975, lăn lộn kiếm sống trong địa ngục VC, gặp nhau vẫn…cười tươi tắn. Không hề oán trách một lời…

      Lũ cò mồi VC tưỡng rằng giả danh thương phế binh VNCH để sĩ nhục quân đội VNCH, là lầm to…

      Người lính VNCH, tan hàng là…cố gắng. Không hế biết than trách, đổ thừa. Xưa tay đàn tay súng, nay tay đàn, tay…gậy, miệng vẫn luôn cười tươi, vẫn dang rộng đôi tay, đùm bọc thương phế binh cựu VC, nhưng người bị lũ Cộng lợi dụng xương máu; thành công rồi đá họ ra ngoài lề xã hội…

  3. Chiến trường Tây nguyên năm 1975 một kịch bản giống hệt mùa hè đỏ lửa Quang Trị năm 1972, cho thấy bản chất ác thú của công sản là không thay đổi. Đường 7 Cheo Reo, Phú Bổn tháng 3 năm 1975 cộng sản chặn đánh không cho phía VNCH rút khỏi Tây nguyên do sư đoàn 320 đảm nhiệm chúng đã giết hại không biết bao nhiêu dân lành. Xác người chết ngổn ngang kín đường 7, trong đó rất nhiều phụ nữ trẻ em. Tội ác trời không dung đất không tha của cộng sản không bao giờ gột rửa được. Xin cầu mong cho tất cả các linh hồn chết oan uổng đau đớn tại đường 7 vì cộng sản được siêu thoát. Chúng tôi chỉ có một mong muốn là làm sao xây được một đài tưởng niệm ở đây để thắp hương cho các linh hồn đau thương và để ghi nhớ tội ác này.

  4. Võ Hưng Thanh says:

    KHE SANH, QUẢNG TRỊ

    Đây Quảng Trị, đây Khe Sanh
    Hai nơi lửa đạn tan tành ngày xưa
    Hồn oan nói mấy cho vừa
    Cùng nhau ngã xuống, giữa trưa khói mù
    Đêm về nay quả âm u
    Oan hồn lẫn khuất, cho dù nơi đâu
    Tiếc thay con tạo cơ cầu
    Trêu người đến thế, ngõ hầu mà chi
    Bao người ngã xuống, ra đi
    Bao người còn lại, cũng thì như xưa
    Cái nghèo đây đó còn đưa
    Gió Lào mua lũ vẫn chưa thầm gì
    Ôi thôi, chớ tiếc nữa chi
    Còn gì phân biệt, còn gì oán than !

    VHT

  5. Nguyen Nguyet Anh says:

    Mâm nầy bác làm chủ xị…

  6. Nguyễn Mãi Quốc says:

    Bọn VC đã coi những người dân vô tội chạy loạn là “bọn ngụy quân” và pháo kích cố giết cho hết những người thường dân ấy!!! Trong khi đó, những người dân bị giết trong những trận càn quét như Mỹ Lai, trong đó chắc chắn là có bọn du kích VC trà trộn, thì chúng la toáng lên là “thảm sát thường dân vô tội”. Những người lính Mỹ làm công việc đó cũng đã ra tòa, ân hận về việc họ đã gây ra…….Còn thái độ bọn chỉ huy trung đoàn pháo của VC thì sao???? Chúng cười ruồi, thản nhiên khoe công sát nhân, nhận lãnh phần thưởng của cấp trên….Đó là những điều làm nên sự khác nhau giữa CON NGƯỜI và THÚ VẬT. Bọn VC đúng là những con THÚ VẬT không tính người!!!!

  7. HOÀNG QUÂN và PHƯƠNG ANH - HỘI THANH NIÊN DU HỌC HẢI NGOẠI says:

    Khe Sanh , Đông Hà … Thành cổ Quảng Trị …và bao cuộc chiến khốc liệt khác ở MN Việt Nam … để rồi 1 KẾT THÚC BI THẢM , ĐAU THƯƠNG cho những người Lính và gia đình họ ở cả 2 phía .

    Những cái chết vô ích chỉ để thoả mãn tham vọng của lũ Ngoại Bang , của bọn buôn thịt xương người và vũ khí .
    Hàng triệu Người con Đất Việt đã chết oan uổng khi ngã xuống vì mấy từ phỉnh nịnh của 1 nhúm Quan Thày – Tự Do – Cộng Hoà …

    Cũng 6 – 7 Triệu người tàn tật và phế binh vì đạn bom và Chất độc Da Cam còn đang quằn quại ở cả 2 miền Nam Bắc .

    Hỡi Ôi Những Người Dân Việt quê tôi cùng máu đỏ Da Vàng , cùng chung một nguồn gốc .

    Xin Thắp một Bó Nhang Viếng những oan hồn của Đồng bào tôi .

    • Phan nguyen says:

      Nếu những người cộng sản ngày trước đã thật sự có ra nước ngoài du học như các cô cậu thì đã từ bỏ chế độ cộng sản và chủ nghĩa phi nhân của nó. Lúc đó cộng sản là một hiểm họa của nhân loại và mục đích là cộng sản hóa toàn thế giới. Chúng tôi, những kẻ chống cộng muôn đời có quyền tự bảo vệ miếng cơm manh áo, tự do, nhân quyền mà không có bất cứ tên lưu manh côn đồ nào có thể tự cho quyền mình tươc đoạt từ chúng tôi. Các ông bà, cô cậu đang đóng vai du học sinh không phải là không hiểu là bọn cộng sản vN đã mang lại cho đất nước khôn khổ này những gì. Nếu thực sự các cô cậu đang có cơ hội du học tại các nước tư bản dân chủ tiên tiến thì vẫn còn nợ nền cộng hoà miền nam VN ý thức này của họ đã theo đuổi từ mấy mươi năm qua và hãy cảm thấy may mắn rằng cộng sản thế giới đã sụp đổ vào thập niên 90 và vì vậy những tên cộng sản lãnh đạo tại VN ngày đó không còn nơi nương tựa, bắt buộc phải đổi màu làm con tắc kè, làm tay sai cho Trung Cộng để tìm hậu thuẫn, phải chấp nhận nền kinh tế thị trường của tư bản để sinh tồn. Bọn cầm quyền ngày nay mượn bàn thờ dân tộc để kéo dài quyền lợi cá nhân và đồng bọn, làm giàu bất chấp tình trạng thảm thương của đất nước: tham nhũng hối lộ từ trong hẻm ra đến đường lộ và xảy ra công khai ngay tại các công sở nhà nước, đâm chém cướp giựt, xì ke đĩ điếm, dân trí thấp kém dùng bản năng thay ý thức, dân nghèo dân oan không ai giúp đở, công lý là trò hề trên trường quốc tế, mang tiếng là XHCH mà dân nghèo bệnh tật không có tiền thì phải chết. Vậy tất cả những kẻ đang tuyên truyền hô hào cho bọn lưu manh là ai?? vì sao lại phải bỏ đi liêm sĩ để tiếp tục nói láo để kiếm cơm??
      Ai trong các cô cậu đã tin rằng tên hồ lúc hai mươi mốt tuổi đi tìm đường cứu nước thay vì nói thật là vác mồm đi kiếm cơm?? Ai trong các cô cậu tin vào lòng yêu đất nước của cộng sản khi chúng phân biệt giai cấp đến ba đời? Ai sẽ chứng minh rằng bọn chúng là đại diện cho chính nghĩa khi mà chúng là những kẻ đói rách đi xách dao, búa, gậy gộc, cuốc đến cướp của cải tài sản của những người khác, thủ tiêu hoặc cầm tù họ nơi rừng thiêng nước độc, tuyên truyền một chiều và không cho phản bác, ban phát tự do và tự cho mình độc quyền độc tài lãnh đạo đất nước không cần lá phiếu của người dân. Các cô cậu, ông bà thật sự là ai???

    • NGUYEN THANH says:

      Công an VC, giả danh đủ MỌI danh nghĩa, làm trò CON NÍT, làm trò HỀ cho diễn đàn !

  8. Lữ Út says:

    Xin đọc một trích đoạn về chứng cứ của “phía bên kia” về việc pháo kích có tiền sát trên Đại Lộ Kinh Hoàng ngày đó


    Vì vậy tôi cố tìm cho được câu chuyện của 1 nhân chứng đích thực, còn sống để kể lại hầu quý vị và riêng tặng cho Đại Tá Nguyễn Việt Hải chỉ huy trung đoàn pháo Bông Lau của quân đội nhân dân, nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

    Trong tác phẩm “Mùa Hè Cháy“ xuất bản năm 2005 tác giả đã viết thật rõ ràng là đơn vị của ông khai hoả tập trung pháo 122 pháo 130, pháo 155 mà ông gọi là trận địa pháo cường tập trên quốc lộ số 1 vào đám nguỵ quân trên đường bỏ chạy.

    Ông Đại Tá pháo binh tác giả của tác phẩm “Mùa Hè Cháy” đã đích thân quan sát trong vai trò tiền sát viên để trực tiếp chỉ huy bắn.

    Bài báo ngắn ngủi và khiêm nhường hôm nay hy vọng sẽ đến tay các pháo thủ miền Bắc ngày xưa để họ nhớ lại thành quả vào ngày 01/05 trong chiến dịch Nguyễn Huệ 1972….”

  9. Thanh Lam says:

    Ðêm khuya âm u… ai khóc than…trong gió ngàn…….. . Giờ chỉ còn lại những giọt nước mắt rơi rớt như ngày nào nơi Vũ Ðình Trường trong Ðêm Truy Ðiệu… trước khi rời ngọn đồi Bốn Sáu Bốn Tám.

Leave a Reply to Thanh Lam