17-04-1968: Thảo luận giữa Chu Ân Lai và Phạm Văn Đồng
CWIHP
Thảo luận giữa Chu Ân Lai và Phạm Văn Đồng
17-04-1968
Mô tả: Chu Ân Lai nhấn mạnh đến chiến thắng vĩ đại, nói với Phạm Văn Đồng rằng ông ta phải sẵn sàng chiến đấu trong ba năm tới.
Chu Ân Lai: Các ông phải chuẩn bị chiến đấu trong hai hay ba năm tới, cụ thể là những năm 1968, 1969 và 1970. Đồng chí Mao nói rằng vấn đề không phải là thành công hay thất bại, cũng không phải là thành công lớn hay nhỏ, mà vấn đề là làm cách nào để các ông giành được chiến thắng vĩ đại. Đây là thời điểm chín mùi cho các ông giành thắng lợi hoàn toàn. Nhiệm vụ đó là nguyên nhân về sự cần thiết của các trận đánh quy mô lớn.
CWIHP
Thảo luận giữa Chu Ân Lai và Phạm Văn Đồng
19-04-1968
Mô tả: Chu Ân Lai phê phán gay gắt Việt Nam về việc dường như là quá hòa giải trong các cuộc đàm phán và để mất cơ hội có thể có được lập trường mạnh mẽ hơn chống lại Hoa Kỳ.
Chu Ân Lai: Theo chúng tôi, hiện nay các ông chấp nhận đề nghị của Johnson về việc Mỹ ngưng ném bom có giới hạn ở miền Bắc, không tốt về thời gian và không thuận lợi. Chúng tôi khẳng định cách nhìn này. Về Johnson, hiện tại là câu hỏi làm thế nào để tồn tại trong năm bầu cử, làm thế nào để tránh trách nhiệm về cuộc chiến thất bại. Ông ta cũng muốn được xem như là một người của “hòa bình” cũng như muốn vượt qua những khó khăn hiện tại, bên trong lẫn bên ngoài. Đây là những mục tiêu của ông ta và những tính toán của ông ta không [thích hợp] cho bất kỳ kết quả cụ thể nào cho cuộc họp.
Tuyên bố của đồng chí Nguyễn Duy Trinh ngày 28 tháng 1 năm ngoái (1967), có một số ảnh hưởng trên trường quốc tế. Không những ở các nước châu Phi và châu Á, mà còn ở một số nước phương Tây và Bắc Âu. Các nước này hiểu rằng, ngừng ném bom hoàn toàn miền Bắc là điều kiện tiên quyết cho đàm phán. Như vậy, tuyên bố được hỗ trợ không những của người dân trên thế giới, mà còn của một số chính phủ phương Tây, gồm cả chính phủ De Gaulle.
Vì vậy, khi Johnson đã phải đối mặt với thời điểm khó khăn nhất – tôi đã không đề cập đến phong trào bùng nổ của người Mỹ da đen – các ông đã chấp nhận đề nghị của ông ta. Hành động này làm nhân dân thế giới thất vọng. Các nhóm ủng hộ Mỹ rất vui mừng. Các nước châu Phi và châu Á, vốn hỗ trợ yêu cầu của các ông về việc chấm dứt ném bom hoàn toàn, thì ngạc nhiên. Một số nước phương Tây cũng ngạc nhiên, trong đó có Pháp.
Các ông đã chấp nhận ngừng ném bom một phần, và sau đó chấp nhận nơi đàm phán không phải là Phnom Penh. Do đó, các ông đã thỏa hiệp hai lần. Các ông không chủ động, mà ngược lại, các ông đang đánh mất thế chủ động. Các ông đã nhanh chóng chấp nhận Warsaw là nơi hội họp, và làm như vậy, các ông đã không tạo thêm khó khăn cho Johnson, mà thực ra, các ông đã giúp ông ta. Cho nên bây giờ Johnson đòi hỏi thêm: ông ta đề nghị một danh sách 15 địa điểm họp. Rusk cũng đã đề cập đến danh sách này, mà không đề cập đến bất kỳ nơi nào ở Đông Âu hay Phnom Penh. Tôi không muốn nói rằng Phnom Penh nhất thiết là nơi thích hợp, nhưng một khi các ông đề cập đến Phnom Penh, các ông phải khăng khăng đòi nó. Bởi vì các ông đã thỏa hiệp từ lập trường [ngưng ném bom] hoàn toàn cho đến một phần, bây giờ các ông phải giữ Phnom Penh [là nơi họp mặt].
Đánh giá của chúng tôi rằng, hai thỏa hiệp này đã giảm sự cứng rắn của tuyên bố ngày 28 tháng 1. Từ kinh nghiệm của chúng tôi, chúng tôi thấy rằng các cuộc đàm phán phải bắt đầu khi chúng ta có lập trường mạnh mẽ hơn, không phải một lập trường yếu. Johnson không xem xét các cuộc đàm phán, các cuộc họp, hoặc mối liên hệ sẽ mang lại kết quả nào. Đối với ông ta, hiện nay, mở ra các mối liên hệ là đại diện cho vốn quý. Hoặc các ông có kế hoạch cản trở cuộc họp khi nó được triệu tập hay không? Nếu vậy, tại sao các ông chấp nhận ngừng ném bom một phần? Nếu họ không có kế hoạch cản trở cuộc họp thì sao?
Chúng tôi không hiểu toàn bộ kế hoạch của các ông. Chúng tôi cũng không tin các kế hoạch khác đã được báo chí phương Tây đề cập. Đáng lý, có một kế hoạch khả thi.
Phạm Văn Đồng: Kế hoạch gì?
Chu Ân Lai: Như tôi đã nói, các ông phải yêu cầu chấm dứt ném bom hoàn toàn thì mới bắt đầu liên lạc. Nhưng bây giờ, liên lạc sẽ bắt đầu khi chấm dứt [ném bom] một phần. Trước đây, Hoa Kỳ nói rằng họ sẽ đến bất cứ nơi đâu để gặp các ông. Nhưng khi các ông đề nghị Phnom Penh, thì họ đã không chấp nhận. Sau đó, các ông đề nghị Warsaw. Tôi đoán rằng Hoa Kỳ sẽ chọn Warsaw, nhưng họ dùng kế hoãn binh, đề nghị 15 địa điểm khác, đợi cho các ông đề nghị một nơi khác thì cuối cùng chấp nhận Warsaw. Khi gặp các ông ở Warsaw, họ có thể đề nghị để đổi lấy việc Mỹ ngưng ném bom hoàn toàn, các ông phải ngưng giúp đỡ miền Nam, điều này dĩ nhiên các ông sẽ không chấp nhận. Sau đó có thể họ đề cập đến việc hỗ trợ gián tiếp từ miền Bắc. Một ngày nọ, đồng chí Phạm Văn Đồng đã nói [miền Bắc] sẽ gửi vũ khí và ngưng gửi người vào Nam.
Phạm Văn Đồng: Không, tôi chưa bao giờ nói thế, chưa bao giờ, chưa bao giờ. (Hai bên tranh luận về điểm này và cuối cùng là Chu Ân Lai đồng ý rằng sự hiểu lầm là do dịch sai).
Phạm Văn Đồng: Tôi muốn nói thêm một điểm: đó là chúng tôi gửi người dân và quân đội vào miền Nam, cho thấy toàn bộ đất nước chúng tôi sẽ chống lại Hoa Kỳ. Ý chí này của chúng tôi giống như sắt, đá, không thể lay chuyển được. Chúng tôi đã phải đối mặt với một số thời điểm vô cùng khó khăn và các ông cũng đã quan ngại cho chúng tôi. Nhưng chúng tôi quyết tâm tiến lên phía trước, không bao giờ cho phép rút lui. Toàn bộ đất nước chúng tôi đang chiến đấu chống Mỹ đến thắng lợi cuối cùng. Toàn bộ 31 triệu người Việt Nam đang đấu tranh để giành chiến thắng cuối cùng. Bởi vì các ông nghe nhầm, chúng tôi phải nói với các ông một lần nữa.
Chu Ân Lai: Đối với miền Bắc, Mỹ ném bom và phong toả là hành vi xâm lược. Có lẽ vì thông dịch tệ, có một điều tôi vẫn chưa rõ: Hoa Kỳ yêu cầu chấm dứt hỗ trợ gián tiếp [miền Nam] và các ông chấp nhận ngừng ném bom một phần [miền Bắc]. Đó có phải là cách thừa nhận rằng các ông đang hỗ trợ miền Nam một cách gián tiếp?
Khang Sinh: Điều này đã được lặp đi lặp lại trong các tuyên bố ngày 1 tháng 1, ngày 8 và ngày 12 tháng 12.
Phạm Văn Đồng: Tôi không biết ông muốn nói gì khi nhắc tới sự giúp đỡ gián tiếp miền Nam?
(Hai bên lại tranh luận về điểm này và phía Trung Quốc đưa ra cụm từ giảm leo thang).
Phạm Văn Đồng: Có phải ông muốn nói tới việc giảm leo thang trong việc hỗ trợ miền Nam?
Chu Ân Lai: Đúng vậy.
Phạm Văn Đồng: Tôi muốn nói cho các ông biết chiến lược lớn của chúng tôi áp dụng trong cuộc chiến chống Mỹ. Chúng tôi đã nói với các ông về điều đó từ cuối năm 1966. Chiến lược này được thể hiện trong khẩu hiệu sau đây: bảo vệ miền Bắc, giải phóng miền Nam … Chúng tôi chia nó thành hai khía cạnh, hoặc hai bước, hai giai đoạn, nhằm từng bước đánh bại Mỹ. Chúng tôi vẫn theo chiến lược này ….
Bây giờ, tôi trở lại câu hỏi của các ông, về việc liệu chúng tôi có đang giảm leo thang. Nếu giảm leo thang được hiểu là bớt chiến đấu, câu trả lời tuyệt đối là không. Nếu giảm leo thang được hiểu là thỏa hiệp, câu trả lời là không, chúng tôi không suy nghĩ và hành động theo cách đó. Ngược lại, tất cả chúng tôi tấn công nhiều hơn, sử dụng các chiến thuật ngoại giao, dồn họ vào góc tường, vận động dư luận thế giới chống lại kẻ thù. Bây giờ là lúc chúng tôi leo thang và thắng kẻ thù, không phải lúc giảm leo thang.
Chu Ân Lai: Trong phạm vi miền Nam, từ chiến đấu quy mô nhỏ hiện nay, các ông tiến hành chiến đấu quy mô lớn, có nghĩa là các ông leo thang. Nhưng đối với miền Bắc, từ yêu cầu chấm dứt ném bom hoàn toàn, đến chấp nhận việc chấm dứt một phần, các ông có thể xem đó là sự leo thang như thế nào?
(Phạm Văn Đồng mỉm cười.)
Chu Ân Lai: Ngày nọ, các ông chấp nhận đánh giá của chúng tôi rằng Hoa Kỳ sẽ tập trung lực lượng ném bom khu vực giữa vĩ tuyến 17 và 20, do đó gây khó khăn cho chúng ta. Hơn nữa họ có thể tiếp tục ném bom bất kỳ lúc nào họ muốn, ngay cả khi họ đã liên lạc với các ông. Bất cứ khi nào các ông không trả lời [các yêu cầu của họ], họ sẽ tiếp tục ném bom. Tuy nhiên, ý kiến trên thế giới đã hỗ trợ yêu cầu của các ông về việc chấm dứt ném bom hoàn toàn. Tóm lại, chúng tôi vẫn cho rằng tuyên bố của các ông đã giúp Johnson. Chúng tôi đang nói chuyện với các ông về vấn đề này một cách thẳng thắn.
… Các đồng chí Việt Nam nói rằng, chính sách của các ông là dồn lực lượng Hoa Kỳ vào một góc. Nếu các ông muốn làm như vậy, các ông nên yêu cầu chấm dứt ném bom hoàn toàn khi họ đề nghị ngừng ném bom một phần …. Các ông chấp nhận ngừng ném bom một phần và sau đó chấp nhận họp, có nghĩa là một sự thỏa hiệp so với lập trường trước đó. Ý kiến của công luận thế giới cũng nhận ra điều đó. Hay các ông vẫn đòi hoặc là Warsaw hay Phnom Penh sẽ là nơi họp và sau đó trở nên bế tắc nếu họ không đáp ứng?
Vậy mục đích của các ông trong việc chấp nhận đề nghị của Hoa Kỳ là gì? Đối với Mỹ, họ tính toán rằng họ sẽ cố gắng kéo dài quá trình đàm phán một khi bắt đầu. Chúng tôi đưa ra giả thuyết tình hình như sau: các ông sẽ đòi chấm dứt ném bom hoàn toàn, giữ vừng lập trường 4 hoặc 5 điểm, sau đó Harriman sẽ không phản đối hoàn toàn, kéo dài thời gian và đưa thêm một số điều kiện. Khi các ông từ chối, quá trình sẽ được kéo dài. Khi các ông gây cản trở cuộc họp, họ sẽ không [gây trở ngại]. Họ kéo dài, do đó đạt được mục tiêu giải quyết những khó khăn của họ trong cuộc bầu cử năm nay. Vì vậy, các ông giúp họ rất nhiều. Tình hình sắp tới sẽ chứng minh sự phán đoán này. Chúng tôi tin sự phán đoán của chúng tôi, đó không phải sự phán đoán của cá nhân tôi, mà là sự phán đoán của Trung ương [Đảng] của chúng tôi. Các ông nói rằng các ông không có bất kỳ ảo tưởng nào. Đối với dư luận thế giới, các ông đã thỏa hiệp. Về đấu tranh ngoại giao của các ông, các ông có lập trường thụ động. Các ông có thể nghi ngờ đánh giá của chúng tôi, nhưng các ông sẽ thấy rõ ràng khi các cuộc đàm phán bắt đầu.
… Tuy nhiên, yếu tố quan trọng là chính cuộc chiến tranh. Chiến thắng được quyết định bởi chiến tranh. Nhưng trong phạm vi đàm phán, chúng tôi vẫn giữ quan điểm của chúng tôi, đó là các ông mất thế chủ động và rơi vào thế thụ động. Các ông đã khẳng định trong tuyên bố ngày 28 tháng 1, chúng ta sẽ dồn họ vào một góc, Johnson sẽ đối mặt với nhiều khó khăn hơn, cả trong lẫn ngoài. Johnson đã ở trong góc tường, thậm chí không có tuyên bố ngày 3 tháng 4. Bây giờ các ông nên phân tích hậu quả của các mối liên lạc. Tôi nghĩ rằng, chắc chắn họ sẽ chấp nhận Warsaw hay Phnom Penh, nhưng với một số điều kiện. Họ cố ý đề cập đến 15 địa điểm khác. Nhưng đó chỉ là chiến thuật của họ trước khi nhận [một trong những đề nghị về địa điểm họp của các ông]. Tóm lại, tuyên bố của các ông là một thỏa hiệp. Nếu các ông không thể nhìn thấy hậu quả bây giờ, các ông sẽ nhìn thấy sau này.
Phạm Văn Đồng: Ông đã nêu ý kiến một cách xây dựng, và chúng tôi nên chú ý đến ý kiến đó nhiều hơn. Bởi vì, cuối cùng tất cả chúng tôi là những người chiến đấu chống Mỹ và đánh bại họ. Chúng tôi phải chịu trách nhiệm cho hai hoạt động quân sự và ngoại giao.
Cảm ơn ý kiến của các ông rất nhiều. Chúng tôi sẽ xem xét nó để thực hiện tốt hơn cho chiến thắng chống Mỹ của chúng tôi.
Ý NGHĨA CỦA LỊCH SỬ VÀ CON NGƯỜI
Lịch sử luôn luôn là sự nối tiếp giữa quá khứ, hiện tại và tương lai. Đầu mút sau cùng của giai đoạn quá khứ vừa qua xong là điểm khởi đầu của giai đoạn hiện tại vào lúc đó. Và đầu mút sau cùng của giai đoạn hiện tại vào lúc đó, là khởi điểm của giai đoạn tiếp ngay sau đó, tức là giai đoạn tương lai đang tới của hiện tại đó. Nhưng vậy nên không bao giờ có lằn ranh cụ thể của mỗi giai đoạn lịch sử, và cũng không hề bao giờ có ý nghĩa độc lập, riêng biệt nào của mỗi giai đoạn lịch sử này hay giai đoạn lịch sử khác. Tất cả đều liền nhau như các đốt của một thân cây có đốt. Còn mọi sự chủ quan, đó chẳng qua là vì trong hiện tại lúc đó người ta chỉ có thấy được mỗi điều gì đang xảy ra trước mắt, nhưng khi sang tương lai, nó lại vẫn sẽ mang một tính chất mới khác. Các việc thảo luận giữa Chu Ân Lai và Phạm Văn Đồng, với tính cách là hai thủ tướng của hai nước cùng phe và láng giềng lúc đó, cũng chỉ trong ý nghĩa của hiện tại lúc đó, tức là trong bối cảnh của thế giới lúc đó. Nhưng đến hiện nay, thì chính bối cảnh hiện tại của thế giới lúc đó đã không còn giống như thế nữa, mà thực tế đã chuyển qua một tình thế của hiện tại mới khác. Tức bối cảnh cũ nay đã hoàn toàn khác hẳn. Cho nên, cái sáng suốt của những người đương quyền, tức là của những người làm chính trị đang nắm quyền đương đại, là phải có năng lực biết nhìn xa vào trong tương lai. Còn nếu họ cũng chỉ có biết sống dựa vào quá khứ, hoặc chỉ biết dựa vào hiện tại của lúc đó, thì thực chất họ cũng đều không phải là những nhà chính trị giỏi theo đúng nghĩa mà mỗi quốc gia cụ thể đều luôn luôn mong đợi. Người có trách nhiệm ở một nước nhỏ hơn mà không thấy được các điều đó khi phải nói chuyện với một nước lớn hơn mình nhiều thì thật quả là quá tệ.
VHT