Vụ cháy Biznes Park: Dư âm và hệ lụy
Trong phóng sự truyền hình có tên “Uwaga” (tạm dịch là “Lưu ý”) chiếu trên kênh truyền hình TVN24 hơn 1 tuần sau khi xảy ra vụ cháy Biznes Park, khói ở đây vẫn rả rích bốc lên và thỉnh thoảng, chiếc xe cứu hỏa túc trực trong đó vẫn phải phun nước để dập tắt những đám cháy nhỏ vừa bùng phát từ đống tro tàn và những gì còn sót lại.
Phóng viên cũng phỏng vấn trực tiếp những người dân xung quanh, có khoảng 200 gia đình cho rằng họ bị ảnh hưởng bởi vụ hỏa hoạn, qua những triệu chứng như nhức đầu, ho, chóng mặt, buồn nôn và trầm cảm… Người khác thì nói, bản thân họ đi làm cả ngày nên ít bị ảnh hưởng trong khi con cái họ ở nhà và phát ốm vì khói và mùi khét…
Trong lúc những người dân đang xem xét tới khả năng khởi kiện đòi bồi hoàn thiệt hại về sức khỏe thì cộng đồng người Việt bàn tán khá nhiều về nguyên nhân của vụ hỏa hoạn được cho là lớn nhất trong nhiều năm nay không chỉ riêng trong cộng đồng di dân mà cả với xã hội Ba Lan.
Nguyên nhân được nhiều người bàn tới là kho có thể bị đốt song cho tới nay chưa có bất kỳ một lý do nào mang tính thuyết phục. Hiện cảnh sát vẫn đang điều tra vụ hỏa hoạn, khám nghiệm hiện trường và họ đã thu giữ những cuốn băng từ hàng chục chiếc camera được đặt trong khu vực kho.
Tổn thất của cộng đồng người Việt, theo báo cáo của tham tán thương mại Đại sứ quán Việt Nam tại Ba Lan, ông Nguyễn Văn Thiêm là khoảng 15 triệu đô- la. Có 20 gia đình người Việt thuê kho ở Biznes Park và trong số đó có những người (được cho là) mất tới số tiền 1 triệu đô-la.
Ngày hôm qua đã diễn ra cuộc họp giữa những người thuê với chủ kho- một người Israel ở Mỹ, người này không biết hoặc không muốn nói tiếng Ba Lan. Theo một nhân chứng tới dự họp, tất cả các trao đổi của ông ta với những người thuê kho đều thông qua phiên dịch và với sự giúp sức của các luật sư. Những trao đổi rất dè dặt và thận trọng.
Tới tham dự cuộc họp có đại diện của Đại sứ quán Trung Quốc và Đại sứ quán Việt Nam. Người Trung Quốc chiếm chừng 50% trong tổng thiệt hại ở vụ cháy vừa rồi, 50% còn lại thuộc về các sắc dân khác như Việt Nam, Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ và Ba Lan.
Vẫn theo tường thuật của những người có mặt, chủ kho đã từ chối yêu cầu xin được hỗ trợ tài chính của những người bị thiệt hại. Cái mà họ có thể làm được là xây khu kho tạm bằng các container và cho các chủ hàng mượn trong 3 tháng hoặc bố trí giúp những khu kho khác với giá cả đặc biệt ưu đãi. Nhưng hàng hóa đã cháy hết rồi, liệu có mấy ai cần tới kho trong lúc này nữa không?
Những người thuê kho hiện đang khiếu nại với chủ để đòi lại số tiền đặt cọc ban đầu, mỗi kho khoảng trên dưới 5.000 đô-la nhưng đề nghị của họ cũng mới đang trong quá trình được xem xét. Điều kiện hợp đồng, theo nhận xét của anh T, một người thuê kho ở đây thì hoàn toàn bất lợi về phía những người đi thuê, mà chỉ đảm bảo quyền lợi cho giới chủ nên ngay cả khoản đặt cọc này cũng chưa biết có lấy lại được hay không. Đó có lẽ cũng là vướng mắc pháp lý chung của tất cả những người buôn bán ở Wólka Kosowska khi họ – thường là đơn phương độc mã, chữ nghĩa lờ mờ- phải ký vào những bản hợp đồng mà giới chủ, vốn lắm tiền nhiều của đã thuê một đội ngũ luật sư xuất sắc soạn thảo! Khi tài sản bị cháy hay phải tranh đấu với chủ để sinh tồn như trong trường hợp của bà con GD, họ mới thấm hết những điều bất lợi mà mình đã ký kết.
Những gì mà ngọn lửa đã thiêu đốt, không thể lấy lại được nữa, nhưng hậu quả của nó – e rằng – không dừng lại ở đây. Lâu nay, việc tồn tại một khu vực buôn bán gần như tách biệt với xã hội Ba Lan không làm hài lòng những nhà quản lý nước sở tại và đám cháy có thể là một cơ hội để các cơ quan hữu quan “lưu tâm” hơn đến cộng đồng di dân.
Báo chí đã từng phàn nàn về tính khép kín của cộng đồng di dân gốc Á như một xã hội thu nhỏ trong lòng xã hội lớn, hay một giọt dầu luôn tách biệt trong một chậu nước. Nhưng luật pháp ở một xã hội dân chủ không cho phép các cơ quan chức năng muốn làm gì thì làm nhưng giờ đây họ có thể và có lý do để mạnh tay hơn.
Hôm thứ Ba tuần rồi, khi mùi khét và khói bụi còn chưa bay hết khỏi Wólka, một đoàn kiểm tra liên ngành, từ sớm tinh mơ, đã ập vào một trong những văn phòng kế toán lớn nhất của người Việt, nơi giữ dữ liệu kế toán của hàng trăm công ty Việt Nam và niêm phong các tài liệu, sổ sách, máy tính để thanh tra.
Hiện chưa rõ kết quả ra sao, nhưng có 5-6 công ty đã bị sờ gáy, kiểm tra hàng hóa tại quầy và thu giữ sổ sách, giấy tờ để “phục phụ cho công tác điều tra”.
Việc kiểm tra các công ty kế toán vẫn thường diễn ra hàng năm nhưng lần này, có thể tính chất của nó không dừng lại ở mức độ thông thường khi mà việc làm ăn của các công ty nước ngoài ngày càng có xu hướng vượt khỏi tầm kiểm soát của các cơ quan chức năng Ba Lan.
Trong một diễn biến khác, đã xảy ra vài vụ khám nhà người Việt ở khu Ochota, chủ nhà cũng bị thu giữ giấy tờ, số liệu từ máy tính và tra hỏi về thu nhập, kinh doanh, thuế má. Theo một nguồn tin khá tin cậy khác, một công ty chuyên kéo hàng của người Việt vừa mới nhận được giấy truy thu thuế trị giá 1,6 triệu złotych!
Những kiểm tra như vậy, có thể sẽ gia tăng trong thời gian tới đây. Tai họa, như người ta thường nói, không đến một mình. Vấn đề của cộng đồng là làm gì đây để giảm thiểu nó.
© Đàn Chim Việt
bên Maximus mấy hôm nay cũng biểu tình kinh lắm, máu lửa lắm sao không thấy đàn chim việt đưa tin. Làm ăn kiểu này thì còn biểu tình, nay mai sẽ tới asg, eacc, chợ baka… chỗ nào cũng biểu tình tuốt. Tốt thôi các bác cứ thực tập dân chủ đi rồi về Vn biểu tình lật đổ cha nó cái đảng chuối đi.
Văn phòng kế toán lớn chứa số liệu của hàng trăm công ty mà chị Việt Hồng nói tới là văn phòng của vợ chồng anh Thuấn. Cùng hôm đó văn phòng kế toán của chị em bà Phương Lan ở gần Wola Park cũng bị kiểm tra suốt từ 6 giờ sáng tới tận chiều tối. Ai đi ra đi vào hay sống ở gần đó mà lực lượng kiểm tra nhìn thấy thì họ cũng đều hỏi hết. Ai có giấy tờ thì họ thả còn không họ bắt hết.
Đầu mối mọi việc làm ăn kinh doanh đều ở kế toàn hết nên bọn Ba lan kỳ này nắm gáy nhiều công ty Việt nam rồi sự việc sẽ nguy lắm chứ chẳng đùa đâu…
Chị Việt Hồng viết hay và nhiệt huyết lắm. Chị nên xông pha vào cộng đồng cứu bà con với. Từ khi chị viết về cộng đồng chúng em không bao giờ đọc Que Vịt và Vịt Tin Phò nữa. Mong chị giữ sức khỏe cố moi móc thêm thông tin giúp bà con với.
Lần này thiệt hại không rộng như vụ cháy trước vì là kho để hàng của các soái nhưng mức độ thiệt hại lại sâu, tức ít người mất của nhưng mà ai đã mất là mất nặng.
Cộng đồng thì làm gì được, cháy là tai nạn coi như số mất của hay của đi thay người. Những người mất hàng nên tập trung đoàn kết nhau lại không phân biệt ta hay Tầu, Tây hay thổ mà cùng nhau đi kêu kiện các cơ quan pháp luật của Ba Lan nếu cần hội của tôi sẽ giúp cho một tay. Báo chí thì làm được gì chỉ đưa tin là hết.
Vài dòng thô thiển cùng các Bạn .
Theo thiển kiến của tôi , sau khi đọc qua bài tường thuật trên : nếu Bạn là một người cư ngụ , làm ăn lương thiện , hợp pháp trên xứ người thì Bạn chẳng phải áy náy , lo sợ gì cả . Cho dù ( chỉ là thí dụ ) nếu chẳng may chính quyền địa phương có khuynh hướng kì thị chủng tộc , đối xử bất công với người ngoại quốc thì Bạn vẫn có thể dựa vào những luật pháp , mọi cơ quan truyền thông độc lập của đất nước nơi Bạn đang sống . Tôi không nghĩ rằng nhà nước Ba lan có những Luật rừng như nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt nam , vì Ba lan là thành viên khối liên minh Âu châu . Thân .
Nói như các thầy thì người Việt ở Ba Lươn bị động mồ động mả nhưng mồ mả người Việt ở đây cũng không có nhiều mà năm nào các bác hội đoàn cũng cùng với đại diện DSQ Vn đi thắp hương khấn vái vào ngày lễ của nguời chết gì đó. Nên chắc không phải. Vừa rồi cộng đồng mấy lần tỗ chức cầu xiêu, cầu an nhưng sao càng cầu lại càng đét, thầy thợ đều mời từ Vn qua cơ mà. Hay là tại khu đất xây chùa hiện nay không tốt nên cộng đồng bị ám quẻ. Bà con nào biết chút ít về bói toán phán cho chúng tôi xem nào…
Chị Việt Hồng không viết cho hết đi chị bỏ lửng một câu vậy thì cộng đồng chúng tôi biết đằng nào mà lần, biết kiểu nào mà tránh bây giờ. Mấy ông trong cộng đồng thì chỉ lo tiệc tùng đám sá, họp hành gặp gỡ quan khách trong nước sang, xứ quán xuống chứ chẳng lo gì cho chúng tôi cả…..