WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Trầm Tử Thiêng, người viết “Kinh Khổ”

LTS: ĐCV vừa nhận được bài viết “Trầm Tử Thiêng, người viết ‘Kinh Khổ’” từ tác giả Giao Chỉ, với những lời như sau:

Gửi tri kỷ 4 phương.

Tôi viết bài văn này từ lâu, phổ biến ra rồi để lạc đâu mất.

Chợt có người gửi đến nhân dịp giới thiệu bài nhạc.

Đọc lại thấy ngậm ngùi, bèn gửi đến để xin trần gian giữ hộ.

ĐCV đăng tải bài này như một sự “giữ hộ” tác giả và như một nén hương lòng gửi đến người Nhạc sĩ tài hoa yểu mệnh: Trầm Tử Thiêng.

Nhạc sĩ tài hoa xứ Quảng, Trầm Tử Thiêng

“Ngày thứ Bảy 17 tháng 12-2005 tại San Jose có tổ chức đêm văn nghệ dành cho các nhạc phẩm của Duy Khánh và Trầm Tử Thiêng. Chúng tôi sẽ tham dự và nghĩ rằng những đêm chủ đề như thế nếu chúng ta biết một đôi chút về tác giả thì sẽ cơ hội thưởng thức đậm đà hơn. Và tôi chọn viết bài về Trầm Tử Thiêng. Thêm vào đó, tôi có đôi chút tình nghĩa với bài Kinh Khổ. Bài nhạc đúng như tên gọi. Hát lên như tiếng cầu kinh. Nhịp điệu trầm thống, lời nhạc lạ lùng và hết sức đau khổ.
Tác giả viết về một đất nước mà con dân từng đàn lũ cứ lần lượt ra đi, rồi lần lượt trở về. Và sau cùng là những tha ma mộ địa.

Ngày xưa, khi tôi còn ở tuổi niên thiếu. Pháp đánh Nam Ðịnh. Mẹ tôi giục dã ông bố tản cư. Bà cụ nói, người ta càng ngày càng đi hết. Rồi sau cùng nhà tôi cũng chạy về quê ngoại. Chúng tôi chôn cất ông cụ ở huyện Yên Mô, rồi bỏ Kháng Chiến về Tề. Bởi vì người đi càng lúc càng thưa dần. Người về mỗi lúc một đông hơn. Ðó là lời Kinh Khổ.

Rồi chuyến di cư vào Nam cũng thế. Rồi chuyến chạy qua Mỹ cũng vẫn lập lại những lời ca của bài Kinh Khổ. Người vượt biên lúc đầu còn thưa, sau lại đông dần. Chết bao nhiêu cũng cứ đi. Biết bao nhiêu là thân xác thủy táng biển Ðông. Rồi chuyện về thăm quê hương. Lúc đầu thì ít, bây giờ người về đông hơn. Nhưng ai về cũng kêu than, nhưng rồi cũng cứ về. Về rồi lại qua. Bởi vì Kinh Khổ đã tiên tri như thế…”.

Và cứ như thế dòng đời trôi đi. Người đi một lúc một thưa dần. Người về ngày một đông hơn. Nhưng không có ai ở lại. Về rồi lại đi. Chỉ còn lại những nấm mồ.

Lời nhạc gì mà cứ như những lời mặc khải trong Kinh thánh. Ðó là bài Kinh Khổ tiên tri về thân phận Việt Nam.

Tôi không phải là người thông thạo về chuyện Văn nghệ nên có lần hỏi cô Khánh Ly ai là tác giả bài Kinh Khổ nghe mà não nùng như thế? Có phải của Trịnh Công Sơn? Cô Mai nói đây là bài của anh Lợi. Anh Lợi nào? Thì Nguyễn Văn Lợi tức là nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng đó.

Tôi bèn xem lại di sản của nhà soạn nhạc đặc biệt này và chợt thấy gia tài của ông phong phú và độc đáo biết chừng nào. Trên 200 bài ca, tất cả đều mượt mà, duyên dáng pha một chút triết lý và tình yêu quê hương chân thành của một người thực sự sống bằng nội tâm.

Ðọc một loạt các tựa bài ca mới thấy mình quả là loại thính giả bạc bẽo đã bao năm không hề biết đến cuộc đời một người soạn nhạc đã dành cho ta những giây phút rung động quý giá như vậy.

Nhạc tình của Trầm Tử Thiêng bất hủ với bản Hương Ca vô tận, Hát Nữa Ði Hương đã bao năm tháng chiến chinh theo chân người lính rong ruổi dặm trường.

Ngày đao binh chưa biết còn bao lâu.

Cuộc phân ly may lắm thì qua mau.

Trong khi ngày xưa cô Nhã Ca nằm nghe tiếng đại bác thâu đêm thì anh Nguyễn Văn Lợi, gầy ốm, hiền lành ngồi viết nên những lời ca trác tuyệt:

Dù em ca nỗi buồn quê hương,

Hay mưa giăng thác đổ đêm trường.

Ðọc tiểu sử của nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng, chúng ta chỉ thấy một cuộc đời bình thường nếu không nói là quá cô đơn và nghèo khổ.

Ông sinh năm 1937 tại Quảng Nam, đi học, đi lính ngành Chiến tranh Chính trị rồi biệt phái về Bộ Giáo Dục.

Sau năm 1975, ông ở lại rồi 10 năm sau vượt biên năm 1985. Sau thời gian ở trại tỵ nạn, ông đến Mỹ sống được 15 năm và qua đời năm 2000, hưởng thọ 63 tuổi. Chưa lãnh tiền già Hoa Kỳ, chưa bước chân qua thế kỷ thứ 21. Sống chết trước sau dường như có một mình.

Ðó là cuộc đời của con người viết nên bản nhạc Kinh Khổ, đã sống một cuộc đời kham khổ như một nước Việt đau thương.

Vì sống nhiều với nội tâm, cô đơn, không gia đình vợ con, không lên xe xuống ngựa, nên nhạc của ông dù là tình yêu quê hương, dù là tình yêu đôi lứa, thẩy đều ray rứt, trầm thống.

Nhạc tình của ông như tiếng thì thầm của con sông hỏi chuyện chuyến đò, như duyên quê chân đất bước thấp bước cao, hay giây phút tiễn người ngoài ga, “em lên tàu đi, buồn kín các toa dài.”

Riêng phần cuộc đời của nhạc sĩ cũng như lịch sử đất nước với những nét tiêu biểu thể hiện bằng câu “Chuyện một cây cầu đã gẫy” của thời chiến tranh. Khi đất nước thanh bình lại phải vượt biên để chỉ thấy toàn là những giờ tuyệt vọng dù rằng tác giả đã cố gắng ca ngợi chút tin vui.

Một trong các bản nhạc tỵ nạn của Trầm Tử Thiêng với tính cách thời sự bi thảm là bài “Có tin vui giữa giờ tuyệt vọng” để nói về thời kỳ hải ngoại góp sức xây dựng làng Việt Nam tại Phi Luật Tân.

Nhạc sĩ đã rất tâm đắc viết lên những chữ vui mừng hết sức cay đắng là “Người đã cứu người.” Những tác phẩm của ông suốt 40 năm đã được các ca sĩ trong và ngoài nước trình diễn đem đến cho giới thưởng ngoạn những giây phút xúc động vì những giá trị cả nhạc lẫn lời ca và tâm tình của tác giả.

Một bản nhạc khác lôi cuốn mãnh liệt mà Trầm Tử Thiêng đã viết chung với Trúc Hồ, Việt Dzũng là bản “Bên em đang có ta.”

Ðây là bài hát viết cho trẻ em mồ côi tỵ nạn nhưng có thể gọi là một thông điệp lịch sử của người Việt gửi cho quê hương Việt Nam. Trên sân khấu Asia, các nghệ sĩ danh tiếng đồng ca và mỗi người thay phiên hát một câu đã ghi dấu cho lần ra mắt bài hát lịch sử xúc động nhất ở hải ngoại.

Nếu chúng ta hãnh diện về một nền văn học hải ngoại thì bài ca này là một điểm son về bộ môn ca nhạc trình diễn. Mặc dù là một nhạc sĩ lớn, có một gia tài âm nhạc phong phú để lại nhưng bác Nguyễn Văn Lợi hiền lành của chúng ta không phải là người đã từng hưởng vinh quang của ánh đèn sân khấu.

Trong giới làm văn học nghệ thuật, chúng ta có thể chia ra các nghệ sĩ sáng tác và nghệ sĩ trình diễn.

Các ca sĩ, diễn viên là nghệ sĩ đứng, các nghệ sĩ trình diễn ra trước ánh đèn sân khấu, tuy có vất vả nhưng luôn luôn xiêm áo xênh sang với lời ca tiếng nhạc hòa trong tiếng vỗ tay như sóng biển rạt rào. Và lợi tức còn thánh thót hơn cả những tràng pháo tay.

Các văn sĩ, nhạc sĩ sáng tác là các nghệ sĩ ngồi. Bên ngọn đèn khuya, nóng lạnh bốn mùa đều cô đơn mà làm việc. Vì ngồi một chỗ nên quần áo cũng chẳng quan tâm, nhan sắc cũng không cần lưu ý. Và tiền bạc thì chẳng thấy bao giờ. Ðó chính là hoàn cảnh của bác Trầm Tử Thiêng tức là thầy Nguyễn Văn Lợi.

Nếu được như Nhật Trường, vừa là nhạc sĩ vừa là ca sĩ, đã hào hùng trong quân phục áo dù hoa với mũ đỏ để lên sân khấu mà ở lại Charlie. Lúc thì áo mưa vắt vai, đi lại trên màn ảnh nhỏ mà tưởng chừng như đang ngồi trên Phá Tam Giang. Chàng làm cho bao nhiêu cô em gái Sài Gòn thẫn thờ chờ đợi.

Hay như là bác Duy Khánh cũng vừa viết nhạc vừa trình diễn đã làm cho cô gái Huế bước đi không đành.

Nhưng bác Lợi của chúng ta không có cơ hội hào hoa như thế. Lúc còn thanh niên chỉ suốt đời đi xe đạp. Ði dạy nhạc cũng chỉ có chiếc xe đạp cũ, lưng đeo ba lô, thêm mì gói phòng xa. Từ xứ Huế mà vào đến xứ Sài Gòn.

Và gần như ông giữ phong thái Tây Ba Lô suốt cả cuộc đời. Khi Trần Thiện Thanh mất đi mới ngoài 60 mà tưởng như một người tài hoa mệnh yểu, ra đi khi còn quá trẻ. Ai nấy đều tiếc thương. Nước mắt chan hòa ở xứ Bolsa.

Khi bác Trầm Tử Thiêng ra đi cũng tuổi ngoài 60, ai cũng tưởng là một cụ già đã hưởng đủ phúc lộc thọ của cuộc đời. Vì vậy ông ra đi nhẹ nhàng và ít người lưu ý ngoài giới văn nghệ thân hữu.

Rõ ràng là cùng đợt tuổi nhưng phần số mỗi người một khác. Anh Nhật Trường ra đi còn để lại những mối tình. Bác Trầm Tử Thiêng ra đi chỉ để lại cho chúng ta một tình yêu mênh mông giữa con người và đất nước. Giữa con người với con người. Ông đã viết nên những lời não nùng nhất của nhân loại.

Có tin vui giữa giờ tuyệt vọng.

Lời cầu kinh vừa có người nghe.

Trái tim ơi, đất trời lồng lộng.

Chờ đêm đêm biển hát tình ca.

Có tin vui giữa giờ tuyệt vọng.

Bao sinh linh nhận phép giải oan.

Siết tay nhau cúi đầu gạt lệ.

Tạ ơn Trên. Người vẫn thương người.

Trong cuộc sống tha hương ở hải ngoại, món ăn tinh thần của những con người Do Thái da vàng Việt Nam là văn học nghệ thuật mà trong đó lời ca tiếng nhạc đã nâng đỡ dân tỵ nạn bốn phương.

Hàng triệu người Việt di dân trên 100 quốc gia trong suốt 30 năm qua đã tiếp tục nghe tiếng quê hương qua văn nghệ.

Trong số những người Việt đó có 100 ngàn người tại Thung Lũng Ðiện Tử với San Jose là kinh đô của điện toán thế giới.

Trong số những nhà soạn nhạc giữ cho chúng ta nhưng vần Việt ngữ tràn đầy đau khổ, yêu thương đó có thầy Nguyễn Văn Lợi, quê đất Quảng Nam. Khi còn sống cũng như lúc ra đi đều không hề vướng bận ồn ào. Trong cõi tử sinh, chiến tranh và hòa bình, lúc ở quê nhà hay vượt biên ra hải ngoại, trước sau vẫn chỉ có một mình.

Trong giới thưởng ngoạn nhạc của ông, cũng đã có những người ngồi nghe tiếng hát mà khóc một mình. Và trong các ca sĩ cũng có những người lúc tập hát nhạc của ông cũng khóc một mình trong một niềm trống vắng mênh mang của Hương Ca Vô Tận, Ai Mà Biết Ðược, Hát Nữa Ði Em hay là Khóc Nữa Ði Em.

© Giao Chỉ – San Jose

© Đàn Chim Việt

8 Phản hồi cho “Trầm Tử Thiêng, người viết “Kinh Khổ””

  1. Hội An says:

    Trong các bài của nhạc sĩ Trầm tử Thiêng ,tôi thích nhất bài “Từ tiếng hát tiếp nối” mà theo tôi là bài soạn dành cho hợp ca (từng giọng ca góp phần đúng như tên gọi)hay nhất(khỉ già cận phản chiến sức mấy mà sáng tác được!).Nghe hay sao mà rợn tóc gáy(xem lại Asia) và kế đến là bài”Đưa em vào hạ”mà Chế Linh lẩn Duy Khánh đều ca hay.Nhạc sĩ Trầm tử Thiêng xứng đáng vinh danh là một nhạc sĩ hàng đầu ở hải ngoại do tài và đức(hết lòng với người tỵ nạn)

  2. D.Nhật Lệ says:

    Nghệ sĩ chân thực thường có tài thấu thị hay tiên tri nhưng không may nó lại vận vào số phận của chính mình.Trầm Tử Thiêng là người nghệ sĩ chân chính và thực thụ đó.
    Ông viết Kinh Khổ như một cảm hứng từ trực giác của ông trước con đường mà đất nước và dân tộc VN.phải đi qua,phải gánh nặng tất cả nhục nhằn khổ đau suốt dòng Việt sử.
    Cả cuộc đời ông cũng là Kinh Khổ vì hy sinh bản thân mình đến nổi hạnh phúc lứa đôi cũng đành nằm ngoài tầm tay của ông cho đến khi ra hải ngoại,ông vẫn miệt mài với âm nhạc.
    Tôi nghe tiếng ông lần đầu tiên với bài hát về cầu Trường Tiền ở Huế đã gãy vì bị VC.giật sập trong biến cố Mậu Thân.Những năm đó tôi đang là sinh viên ở Huế,phải qua cầu bằng phà quân đội mỗi
    lần có việc qua phố và chính ở chổ qua lại của phà này về sau xây dựng lên 1 cây cầu là Cầu Mới.
    Nhạc của ông thổn thức và trầm tư với vận nước.Trầm tư về sự thiêng liêng của nòi giống Việt !
    Và thế hệ chúng tôi một thời đã nợ ông bởi dòng nhạc suy tư này.Xin cám ơn nhà nhạc sĩ tài hoa !

  3. Hắn không phản chiến chung chung đâu, có chủ đích và theo chỉ đạo đấy. Hắn kết nối với anh em HP Ngọc Tường, làm tay sai cho VC để làm suy sụp miền Nam VNCH, cũng như tên đảng viên CS đội lớp thầy chùa thượng toạ Thich trí Quang quậy phá từ Nam ra Huế. Hắn chính là TCS mà anh em chiến hữu ở chiến trường chúng tôi gọi hắn là kẻ đâm sau lưng chiến sĩ đấy (muốn rõ xin đọc tac giả Liên Thành trong Một Góc Trời). Kính chào Hy Vọng.

  4. Builan says:

    BAÌ CA KINH KHỔ

    Sinh thời cùng tuổi với ta
    CON TRÂU * nghé ngọ Quãng Đà TỬ THIÊNG
    TAÌ HOA,- Thơ NHẠC danh truyền
    Còn ta,? _ điên chẳng ra điên – DẬT DỜ !!

    KIẾM CUNG gãy! tưỡng nằm mơ
    Cuối đời lưu lạc bên bờ đại dương
    SÁU BA – Người sớm lên đường
    BẢY TƯ – Ta ngậm ngùi thương một thờì

    SƠN HÀ, BIỂN ĐẢO… đâu rồi ?????
    Cha ông xây đắp! ĐẦU RƠI..MÁU ĐAÒ..!
    VIỆT GIAN BÁN NƯỚC, VONG NÔ
    CỘNG HỒ là giấc chiêm bao haỉ hùng !

    Độc tài BAỌ CHÚA AC HUNG
    Quê hương, cống nap, triều dâng Cộng Tàu !
    SỐNG, – Nhìn thêm nhục thêm đau
    Ước gì đổi chỗ cho nhau LỢI à !

    HOÀNG, TRƯỜNG SA .. khóc TIÊN SA
    NAM QUAN, BẢN GIỐC, ĐỐNG ĐA… ! Thuộc TÀU
    Ngậm ngùi KINH KHỔ thêm đau
    Ngươì đi ĐÔNG maĩ ! Nhớ nhau tìm về !

    Ngàn trùng vạn dặm sơn khê
    Về ĐÔNG, ĐÔNG đấy… nhưng về rồi đi !!!
    Như lời KINH KHỔ TIÊN TRI
    THƯA DẦN…. trầm trống , ai bi,… thưa dần…..!!! !

    Dâng lời TẠ TỘI NUÍ SÔNG
    Lôĩ lầm CON CHAÚ TIÊN RỒNG có hay
    VIỆT NAN – Đô hộ thuộc TÀU
    CHÁU, CON… Nô lệ……!
    HẬN ĐAU KHÓC THẦM !

    * Ông sinh năm 1937 (Đinh Sưũ), tại Quảng Nam,

  5. Phan hà Đan says:

    Mời các bạn nghe 1 ca khúc thật cảm động,nói về nổi lòng cuả đôi vợ chồng mới cưới nhau
    chỉ vài năm,phải xa nhau .Nhạc sĩ TTThiêng ghi lại từ tâm sự cuả 1 thuyền nhân.
    http://www.nhaccuatui.com/nghe?M=BKUxclS5S5

  6. Dư Âm says:

    Cuộc đời của Trầm tử Thiêng đúng như nghệ danh của mình.Ông sống rất trầm(gương mặt ,ánh mắt nhìn )và khi ông chết người ta mới thấy ông thiêng bởi sức sáng tác ,sức chịu đựng,nhẫn nại của ông trong cuộc sống.Tuy nhiên vượt lên trên hết là tánh thông cảm được nổi khổ của đồng bào mình trên con đường đầy gian nan và nguy hiểm khi đi tìm tự do mà chính ông cũng đóng vai đó .Nhạc sĩ Trầm tử Thiêng sáng tác đủ thể loại nhạc và có những bài rất hay và có những bài đặc biệt sáng tác cho một giới nào đó trong hoàn cảnh nào đó,như bài “Có tin vui giữa giờ tuyệt vọng ” nhằm để ca ngợi sức chịu đựng của thuyền nhân.Tôi không có ý định so sánh Nhạc Sĩ với các nhạc sĩ khác,thí dụ ông Trịnh công Sơn không sáng tác kiểu lơ lững mây nước la đà như thế và ngoài ra là mặc thế nhân (có lúc ông sáng tác nhạc phản chiến-phản chiến ? thật sự là ai gây ra chiến tranh,phản chiến chung chung là sao?!) thì không phải là Trịnh công Sơn và Nhật Trường không hào hùng bay bướm thì không phải là Nhật Trường.Tuy nhiên đối với nhạc sĩ Trầm tử Thiêng ,dù là nhạc sĩ có tiếng theo đúng nghĩa ,nhưng ông không có tánh lãng mạn bốc đồng giống như một số nhạc sĩ (có hay cố bắt chước cho đúng vẽ) .Ông cũng không có tánh thần nhạc nhập hồn làm thành một thứ tánh nhân sinh quan mờ mờ nhân ảo,ai cũng là bạn, mơ hồ về cụm từ phản chiến(bất kể bạn bè và bao người đánh giặc cho mình ở nhà mà phản chiến!) và hòa bình,sụt sùi sướt mướt nhu nhược giống như một dạng khỉ già khọt khẹt.Nhạc sĩ Trầm tử Thiêng lập trường rất rõ ràng :ông ,cũng như hàng bao nhiêu người khác,không thích chế độ mới và ông tìm cách ra đi và sẵn sàng trả giá cho công cuộc tìm tự do của mình ,tự do hay là chết ngoài biển !

  7. TTLân-Paris says:

    Cám ơn bác Giao Chỉ cho những người yêu Nhạc Vàng được một bài để lưu trữ về Trầm Tử Thiêng, người nhạc sĩ thật tài ba của quân đội VNCH. Riêng tôi, bài ‘Mây Hạ’ của ông là bài tôi thích vô cùng, có lẽ là tôi thích nhất trong tất cả các bài tình ca thuở ấy. Ngày hôm nay, tôi vẫn ngày ngày nghe lại bài này như để sống lại những năm 67-72 ở Sg. Tuyệt vời, bất hủ… Cám ơn nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng!

  8. Võ Hưng Thanh says:

    NỔI BUỒN TÀI HOA

    Một linh hồn đã lìa đời
    Mang theo nốt nhạc chơi vơi giữa miền
    Tên anh còn nhớ Tử Thiêng
    Nốt Trầm lắng xuống giữa miền mênh mông
    Tài hoa bạc mệnh giữa dòng
    Thời gian khiến mãi long đong tháng ngày
    Một mình cô quạnh ai hay
    Linh hồn xưa đó ngay nay ngậm ngùi
    Lời ca tiếng hát luôn vui
    Cuộc đời còn lại ngậm ngùi riêng anh …

    VHT

Leave a Reply to D.Nhật Lệ