WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Tại sao có sự khác biệt quá lớn giữa người Việt Nam và người Nhật Bản?

Hai người Nhật chào nhau

Trước đây do công việc tôi có dịp đi Nhật nhiều lần cũng như đi nhiều nước khác trên thế giới. Nước Nhật không phải là nước mà tôi thích đến nhất (có thể vì đắt đỏ quá) nhưng đó là đất nước mà tôi nể phục nhất – không chỉ phục ở những thành tựu của sự văn minh, những công trình kiến trúc tuyệt mỹ mà còn ở yếu tố con người.

Kể từ đó tôi luôn tò mò tìm hiểu thêm về lịch sử và văn hóa của các con cháu Thái Dương Thần Nữ.

Càng biết thêm về họ tôi càng phục họ hơn. Đó là một dân tộc có nhiều điểm rất đặc biệt. Một dân tộc luôn tự hào về những giá trị truyền thống nhưng khi cần cũng sẵn sàng dứt bỏ những gì đã lỗi thời. Một dân tộc mang niềm kiêu hãnh lớn lao nhưng đồng thời cũng luôn biết học hỏi cái hay của người khác. Một dân tộc đã từng đánh bại các đế quốc Mông Cổ, Trung Hoa và Nga Sô nhưng cũng biết nuốt cái nhục bại trận để vươn lên thành một cường quốc kinh tế. Một dân tộc ít khi ồn ào lớn tiếng, và luôn xem trọng sự ngăn nắp sạch sẽ. Nhưng đặc biệt hơn cả – đó là một dân tộc chưa bao giờ biết đầu hàng trước nghịch cảnh.

Tôi nhớ trước đây có đọc một bài viết của một người Việt sống lâu năm tại Nhật, quên mất tên tác giả, trong đó ông có nêu ra một chi tiết để phân biệt giữa người Nhật bản địa và người ngoại quốc sống ở Nhật – đó là nhìn qua cách phơi quần áo. Người ngoại quốc phơi lung tung, còn người Nhật phơi theo thứ tự, quần theo quần, áo theo áo….

Đúng như nhà văn Haruki Murakami đã nhận định: “Người Nhật là kho tàng của nước Nhật”. Tôi rất cám ơn đất nước này vì chính người Nhật đã cho tôi một niềm tin rằng bất cứ một đất nước nào, dù nhỏ, dù bị bất lợi về địa lý, tài nguyên… nhưng nếu dân tộc đó có một nhân sinh quan đúng đắn thì vẫn có thể trở thành một dân tộc giàu mạnh.

***

Thiên tai động đất và sóng thần xảy ra ở Nhật cách đây 2 tháng, mặc dầu những tin tức liên quan đến biến cố này không còn được nhắc đến nữa, nhưng đối với những người Việt Nam còn quan tâm đến đất nước thì những dư âm của nó vẫn còn để lại nhiều vương vấn suy tư. Cùng là hai nước nhỏ ở Á Châu nhưng định mệnh nào đã đưa đẩy hai dân tộc khác biệt nhau quá xa. Một dân tộc mà mỗi khi nhắc tới, từ Đông sang Tây, đều phải ngã mũ bái phục, còn dân tộc kia thì ít khi được nhắc đến, hay nếu có thì thường là những điều không lấy gì làm vinh dự cho lắm.

Sau biến cố này đã có hàng ngàn ý kiến xuất hiện trên các diễn đàn Internet đặt câu hỏi: “Tại sao lại có sự khác biệt quá lớn giữa người Việt và người Nhật”, phần lớn những ý kiến này xuất phát từ những người trẻ đang sống ở Việt Nam. Đó là một tín hiệu đáng mừng cho thấy có nhiều người Việt Nam đang thao thức muốn thay đổi số phận của đất nước mình.

Đây là một đề tài rất lớn và đòi hỏi sự suy nghĩ, nghiên cứu nghiêm túc của nhiều người nhất là những nhà trí thức. Bài viết này để chia sẻ câu hỏi đó và chỉ nên xem như những lời góp ý rất khiêm tốn.

Sự chênh lệch giữa Việt Nam và Nhật Bản không phải chỉ xảy ra bây giờ, từ đầu thế kỷ 20 Nhật đã vượt ta rất xa. Trong cuốn “Niên Biểu” cụ Phan bội Châu đã kể lại kinh nghiệm của mình sau hai lần đến nước Nhật để tìm đường cứu nước (lần đầu tiên vào năm 1905). Những điều tai nghe mắt thấy tại đây khiến cụ rất phục tinh thần của dân tộc Nhật Bản. Người phu xe, thuộc giai cấp lao động bình dân, chở cụ đi tìm một sinh viên người Trung Hoa, mất nhiều thời gian công sức mà cuối cùng vẫn nhận đúng 52 xu: “Than ôi! trình độ trí thức dân nước ta xem với tên phu xe Nhật Bản chẳng dám chết thẹn lắm sao!”.

Nước Nhật nằm ở vị trí đầu sóng ngọn gió, chịu liên tục những thiên tai trong suốt chiều dài lịch sử và họ chấp nhận định mệnh đó với lòng can đảm. Thiên tai vừa rồi rất nhỏ so với trận động đất tại Tokyo vào năm 1923 và hai quả bom nguyên tử vào cuối Đệ Nhị Thế Chiến. Nhờ phương tiện truyền thông quá văn minh cho nên cả thế giới vừa rồi có cơ hội nhìn thấy rõ hơn “tinh thần Nhật Bản” trong cơn nguy biến.

Trận động đất xảy ra tại Tokyo ngày 1/9/1923 đã làm cho 130,000 người thiệt mạng, Yokohama bị tàn phá hoàn toàn, phân nửa của Tokyo bị tiêu hủy. Trong quyển “Thảm nạn Nhật Bản” (Le désastre Japonais) của đại sứ Pháp tại Nhật thời đó thuật lại: ”Từng cá nhân kẻ góp chút gạo, kẻ đem chiếc xuồng để giúp đỡ nhau như một đại gia đình”chứng tỏ là họ có một truyền thống tương thân tương ái lâu đời.

Vào cuối Đệ Nhị Thế Chiến hai quả bom nguyên tử bỏ xuống Hiroshima và Nagasaki, ngay lập tức làm thiệt mạng khoảng 150,000 người. Những thành phố kỹ nghệ của Nhật cũng bị tàn phá nặng nề vì những trận mưa bom của phi cơ Đồng Minh. Lần đầu tiên trong lịch sử người Nhật phải chấp nhận đầu hàng và là nỗi nhục quá lớn đối với họ như lời của Nhật Hoàng Hirorito: “Chúng ta phải chịu đựng những điều không thể chịu đựng nỗi”.

Không có hình ảnh nào thê thảm như nước Nhật lúc đó, kinh tế gần như bị kiệt quệ hoàn toàn. Tuy nhiên Đồng Minh có thể tiêu diệt nước Nhật nhưng không thể tiêu diệt được tinh thần của người Nhật, họ đã biến cái nhục thua trận thành sức mạnh để vươn lên từ đống tro tàn.

Đến năm 1970, chỉ có 25 năm, một nước bại trận hoang tàn đổ nát trở thành một cường quốc kinh tế đứng thứ nhì trên thế giới, chỉ thua có Hoa Kỳ. Danh từ “Phép lạ kinh tế” phát xuất từ hiện tượng này.

Trong 7 năm từ 1945 cho đến 1952, tướng MacArthur, thay mặt Hoa Kỳ quản trị nước Nhật với tư cách là Chỉ Huy Tối Cao của Lực Lượng Đồng Minh (Supreme Commander of the Allied Powers) – vì nể phục và quý mến người Nhật cho nên vị tướng này muốn biến nước Nhật trở thành một “Nước Mỹ lý tưởng” hay nước Thụy Sĩ ở Á Châu. Tuy cuối cùng kết quả không được trọn vẹn như ý muốn của ông vì người Nhật không thể để mất hồn tính dân tộc. Nhưng nước Nhật được như ngày nay có công đóng góp rất lớn của tướng MacArthur.

Trở lại chuyện thiên tai vừa rồi, ngay sau đó có cả ngàn bài viết ca ngợi tinh thần của người Nhật. Nhiều tờ báo lớn của Tây Phương đi tít trang mặt: “Người Nhật: Một Dân Tộc Vĩ Đại”. Nhật báo lớn nhất của Mỹ, New York Times, số ra ngày 20 tháng 3 đăng bài “Những điều người Nhật có thể dạy chúng ta” của ký giả Nicholas Kriftoff.

Đúng như lời của nhà báo Ngô Nhân Dụng đã viết: “Một dân tộc, và mỗi con người, khi bị thử thách trong cơn hoạn nạn, là lúc chứng tỏ mình lớn hay nhỏ, có đáng kính trọng hay không”.

Dùng từ vĩ đại đối với nước Nhật không cường điệu chút nào, họ vĩ đại thật. Giữa cảnh chết chóc, nhà cửa tan nát, đói lạnh, tuyệt vọng… vậy mà họ vẫn không để mất nhân cách, mọi người nối đuôi nhau chờ đợi hàng giờ để lãnh thức ăn, tuyệt đối không oán trách trời, không trách chính quyền, không lớn tiếng, không ồn ào, kiên nhẫn chờ đợi đến phiên mình.

Một đất nước mà trong cơn khốn khó, không đổ lỗi cho nhau, từ quan đến dân, trăm người như một, trên dưới một lòng lo tìm cách đối phó, thì đất nước đó xứng đáng là một đất nước vĩ đại.

Toàn bộ nội các Nhật làm việc gần như 24/24. Các hiệu trưởng ngủ lại trường cho đến khi học sinh cuối cùng được di chuyển đi. Các siêu thị hoàn toàn không lợi dụng tình cảnh này để tăng giá. Tiền rơi ngoài đường từ những căn nhà đổ nát không ai màng tới thì đừng nói chi đến chuyện hôi của. Ông Gregory Pflugfelder, giáo sư chuyên nghiên cứu văn hóa Nhật Bản tại Đại Học Columbia (Mỹ) đã nhận xét về người Nhật sau thiên tai này như sau: “Hôi của đơn giản là không xảy ra ở Nhật Bản. Tôi thậm chí còn không chắn rằng trong ngôn ngữ Nhật Bản có từ ngữ này.”

Người Nhật là một dân tộc có tinh thần độc lập, tự trọng và lòng yêu nước rất cao, không chờ đợi ai mở lòng thương hại, sau những hoang tàn đổ nát, mọi người cùng nhau bắt tay xây dựng lại.

Mặc dầu chính phủ Hoa Kỳ đề nghị đến giúp dập tắt lò nguyên tử Fukushima nhưng họ từ chối.

Xa lộ tại thành phố Naka, thuộc tỉnh Ibaraki bị hư hại nặng do động đất. Chỉ một tuần sau, ngày 17/3 các công nhân cầu đường Nhật bắt đầu sửa chữa, chỉ 6 ngày sau xa lộ này đã hoàn tất, ngay cả Hoa Kỳ có lẽ cũng không thể đạt được kỷ lục này.

Từ Nhật Hoàng Akihito, Thủ Tướng Naoto, cho đến các thường dân đều tự tin rằng: “Chúng tôi sẽ phục hồi” như họ đã từng làm trong quá khứ. Cho đến hôm nay (18/5) theo những tin mà chúng ta đọc được trên Internet thì những nơi bị tàn phá đang được phục hồi nhanh chóng. Có thể chỉ 2, 3 năm sau nếu có dịp đến đây chúng ta sẽ thấy cảnh vật hoàn toàn thay đổi.

Điều đáng chú ý nhất trong thiên tai này đối với người viết – chính là thái độ của trẻ em. Đến xứ nào, chỉ cần nhìn qua tuổi trẻ là có thể đoán được tương lai của xứ đó, bởi vì tuổi trẻ là hy vọng, là tương lai của đất nước. Không phải chỉ có em học sinh 9 tuổi mất cha mất mẹ, đang đói khát nhưng vẫn từ chối sự ưu tiên hơn người khác được cả thế giới biết đến, mà còn có cả ngàn em học sinh Nhật khác trong hoàn cảnh tương tự vẫn luôn luôn giữ tinh thần kỹ luật và lễ phép.

Những em nhỏ, có em còn được bồng trên tay, có em ngồi bên cạnh mẹ trong các nơi tạm cư, mặc dầu đói khát từ mấy ngày qua nhưng nét mặt của các em vẫm bình thản chờ đợi thức ăn mang đến. Những em bé này được dạy dỗ từ nhỏ tinh thần kỷ luật, tự trọng, danh dự và khắc kỷ… không phải chỉ học ở trường hay qua sách vở mà còn qua những tấm gương của người lớn trong những hoàn cảnh thực tế và được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Mai đây nếu có một cuốn sách giới thiệu những nét đẹp nhất, cao thượng nhất của con người sống trên hành tinh này thì cuốn sách đó không thể thiếu được những hình ảnh của người Nhật trong thiên tai vừa qua.

Trông người lại nghĩ đến ta!

Trong bài “Góc ảnh chiếu từ nước Nhật”, nhạc sĩ Tuấn Khanh (ở VN) đã viết một câu thật thấm thía:

“Đôi khi giữa những hoang tàn đó của nước Nhật, người ta bừng sáng hy vọng và đôi khi sống giữa những điều được gọi tên là bình yên của đất nước mình, một người Việt Nam vẫn có thể cảm nhận được những ảnh chiếu sắc cạnh của sự hoang tàn”.

Một số người đặt câu hỏi: Nếu tai họa như nước Nhật xảy ra tại VN thì chuyện gì sẽ xảy ra? Bà Mạc Việt Hồng đã diễn tả bức tranh đó như thế này:

- Động đất có khi chết 200 nhưng giẫm đạp lên nhau mà chạy, chết thêm nghìn nữa.

- Các ban ngành sẽ họp bàn cách cứu hộ từ ngày này qua ngày kia.

- Cướp giật hôi của sẽ phổ biến, hoa người ta còn cướp giật nói chi tới đồ ăn hay tiền bạc vào lúc hỗn quan hỗn quân như vậy. Người đi hôi của sẽ nhiều hơn người đi cứu trợ.

- Nếu có phát khẩu phần ăn sẽ chẳng có hàng lối gì, bà già trẻ nhỏ sẽ bị chen cho bẹp ruột, ai thắc mắc hay nhìn đểu mấy kẻ chen lấn, thì “bố cho mày mấy chưởng”.

- Sẽ xuất hiện đủ loại cò: Cò mua, cò bán, cò di tản, cò cứu trợ, cò bệnh viện… tha hồ chặt chém đồng bào.

- Tiền và hàng cứu trợ sẽ vào tay dân thì ít, cửa quan thì nhiều.

- Ai muốn người nhà mình đang kẹt trong đống đổ nát được đào bới, tìm kiếm trước thì hãy chi đẹp cho đội cứu hộ.

- Khu nào có quan chức ở thì được ưu tiên cứu hộ trước, khu nào dân đen sinh sống thì cứu sau.

- Cửa hàng sẽ thi nhau tăng giá, bắt chẹt những người khốn khổ.

- Tổ chức nào, tôn giáo nào muốn cứu trợ thì phải được sự đồng ý của Mặt trận Tổ quốc và các cấp chính quyền kẻo các “thế lực thù địch” lợi dụng.

…v.v….

Tôi không nghĩ là bà Mạc Việt Hồng nói quá đáng. Chúng ta cũng không cần phải có kinh nghiệm thực tế, chỉ cần đọc qua báo trong nước sau mỗi lần có thiên tai cũng đủ biết là những ghi nhận trên của tác giả không sai chút nào. Nói chung nạn nhân nếu muốn sống sót phải làm theo bản năng “mạnh được yếu thua” hay “khôn nhờ dại chịu”, còn quan chức chính quyền thì coi đó như thời cơ để kiếm tiền.

Ngay tại hải ngoại, nếu thiên tai xảy ra tại những nơi tập trung đông đúc người Việt, phản ứng của người dân có thể không tệ như trong nước nhưng chắc chắn bức tranh đó cũng sẽ không được đẹp đẽ cho lắm.

Có thể có những quý vị nghĩ rằng: không nên quá đề cao người khác và rẻ rúng thân phận của mình – vì phải giữ lại niềm tự hào dân tộc. Riêng tôi thì không đồng ý với những quan điểm như thế.

Có hãnh diện gì khi nói ra những điều không hay về chính dân tộc mình, người viết cũng là người Việt, cũng có tất cả những thói hư tật xấu của người VN. Nhưng thiết nghĩ, muốn thoát khỏi sự thua kém, trước hết phải dám can đảm biết nhìn lại chính mình, phải biết mình tốt chỗ nào, xấu chỗ nào, đang đứng tại đâu và cần phải làm những gì. Cũng giống như một người sinh ra trong một gia đình nghèo khó bất hạnh, phải biết chấp nhận số phận đó, nhưng chấp nhận để tìm cách vươn lên chớ không phải chấp nhận để đầu hàng hoàn cảnh. Gần một trăm năm nước đây, Lỗ Tấn từ bỏ nghề y chuyển sang viết văn để mong đánh thức được dân tộc Trung Hoa ra khỏi căn bệnh bạc nhược bằng những toa thuốc cực đắng như “AQ chính truyện”, gần đây nhà văn Bá Dương tiếp nối tinh thần đó với “Người Trung Quốc xấu xí” cũng được nhiều đồng bào của ông cho đó là một đóng góp đáng kể. Cuộc cách mạnh Duy Tân của Minh Trị Thiên Hoàng vào giữa thế kỷ 19 chắc chắn sẽ không thành công được như vậy nếu những nhà tư tưởng của Nhật lúc đó không vạch ra cho đồng bào của họ thấy được những những cái yếu kém trong văn hóa truyền thống cần phải bỏ đi để học hỏi những cái hay của Tây Phương, nhà văn Miyake Setsurei, dành riêng một cuốn sách công phu “Người Nhật xấu xa” xuất bản năm 1891 để đánh thức người Nhật ra khỏi căn bệnh lạc hậu.

Chúng ta chỉ có thể yêu nước nếu chúng ta có niềm tự hào dân tộc. Nhưng tự hào vào những điều không có căn cứ hay không có thật sẽ có tác dụng ngược như những liều thuốc an thần.

Những tự hào giả tạo này có khi vì thiếu hiểu biết, có khi vì mưu đồ chính trị của kẻ cầm quyền như những gì mà người CS đã làm đối với dân VN trong hơn nửa thế kỷ qua, và tác hại của nó thì ngày nay chúng ta đã thấy rõ.

Người Việt có những mâu thuẫn kỳ lạ. Chúng ta mang tự ái dân tộc rất cao nhưng đồng thời chúng ta cũng mang một tinh thần vọng ngoại mù quáng. Chúng ta thù ghét sự hiện diện của ngoại bang trên đất nước chúng ta bất kể sự hiện diện đó có chính đáng đến đâu, nhưng đồng thời giữa chúng ta cũng không tin lẫn nhau, xưa nay mọi giải pháp quan trọng của đất nước chúng ta đều trông chờ vào người ngoại quốc, chớ không tự quyết định số phận của mình.

Mỗi khi nói về những tệ hại của đất nước VN hiện nay đa số chúng ta thường hay đổ hết trách nhiệm cho người Cộng Sản. Thật sự CS không phải là thành phần duy nhất chịu trách nhiệm cho những bi kịch của đất nước hôm nay, họ chỉ là sản phẩm đương nhiên của một nền văn hóa thiếu lành mạnh. Nếu CS là nguyên nhân của mọi sự xấu xa thì thành phần người Việt đang sống tại những quốc gia văn minh và giàu có nhất thế giới như Hoa Kỳ, Canada, Úc… phải là những người thể hiện nếp sống văn hóa cao xứng đáng với xã hội văn minh mà họ thừa hưởng. Nhưng không, những người Việt đó, tuy khá hơn người trong nước nhưng vẫn thua kém nhiều sắc dân khác, vẫn mang tất cả những khuyết tật mà cụ Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh đã nêu ra gần một trăm năm trước. Vẫn chia rẽ, vẫn tỵ hiềm nhau, vẫn xâu xé lẫn nhau, có khi chỉ vì bất đồng quan điểm, có khi chỉ vì một quyền lợi thật nhỏ, thậm chí có khi chỉ vì một hư danh.

Không phải là một tình cờ của lịch sử mà chủ nghĩa CS đã dành được những thắng lợi trong cuộc cách mạng mùa thu năm 1945, và luôn luôn giữ thế thượng phong trên đất nước VN từ đó đến nay. Dân tộc VN đã chọn Hồ Chí Minh thay vì Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Phạm Quỳnh, Trần Trọng Kim… hoàn toàn không phải vì Hồ Chí Minh giỏi hơn, yêu nước hơn, nhiệt tình hơn những người kia, nhưng chỉ vì Hồ Chí Minh đáp ứng đúng tâm lý của người Việt – đó là tâm lý tôn thờ bạo lực. Chắc chắn không có nước nào trên thế giới này mà bài Quốc Ca có câu sắt máu như thế này: “Thề phanh thây uống máu quân thù”, mà “quân thù” đó bất cần là ngoại bang hay đồng bào ruột thịt, nghe mà rợn người. Khẩu hiệu của phong trào Xô-viết Nghệ Tĩnh vào những năm 1930, 31 do đảng CS lãnh đạo là: Trí, phú, địa, hào – Đào tận gốc trốc tận rễ.

Đối với người VN bạo lực có sức quyến rũ hơn là nhu cầu khai sáng trí tuệ để giải quyết vấn đề một cách ôn hòa. Hồ Chí Minh chọn chủ nghĩa CS dựa trên bạo lực cách mạng và đấu tranh giai cấp. Giải pháp bạo lực này đòi hỏi phải luôn tồn tại một kẻ thù làm đối tượng. Hết kẻ thù thực dân phải tìm ra một kẻ thù khác để có lý do hành động, chính vì thế cho nên máu và nước mắt vẫn tiếp tục rơi trên đất nước VN trong suốt hơn nửa thế kỷ qua.

Hoàn toàn trái ngược với Hồ Chí Minh, Phan Chu Trinh chọn giải pháp Khai Dân trí, Chấn Dân Khí, Hậu Dân sinh. Theo ông, muốn thoát khỏi ách đô hộ của ngoại bang và sự nghèo khổ lạc hậu, trước hết phải nâng cao dân trí, mở mang trí tuệ. Dân trí cao người dân sẽ ý thức được quyền làm người, quyền dân tộc, rồi từ đó sẽ tranh đấu bằng giải pháp chính trị để giành độc lập. Dân trí thấp kém cho dù có dành được độc lập thì vẫn tiếp tục là một dân tộc nô lệ ở một hình thức khác.

Có thể nói trong lịch sử hiện đại của VN, ông là một trong những người Việt hiếm hoi nhìn ra nguyên nhân mất nước, nguy cơ dân tộc, không phải ở đâu khác mà là trong văn hóa, từ văn hóa mà ra.

Sau Đệ Nhị Thế Chiến có gần 30 nước dành được độc lập, phần lớn không đổ một giọt máu, chỉ có vài nước chọn chủ nghĩa CS trong đó có VN, phải trả bằng máu và nước mắt của hàng triệu sinh mạng để cuối cùng trở thành một trong những nước nghèo khổ và lạc hậu nhất thế giới. Chọn lựa này là chọn lựa của dân tộc, của VN chớ không phải do sức ép của ngoại bang hay một lý do gì khác. Người Cộng sản biến dân tộc VN trở thành một lực lượng tiên phong trong cuộc tranh chấp giữa hai khối CS và Tự Do và luôn luôn hãnh diện với thế giới về một dân tộc “bước ra khỏi cửa là thấy anh hùng”.

Hà Sĩ Phu đã có nhận xét rất đúng là giữa Hồ Chí Minh và Phan Chu Trinh, dân tộc VN đã chọn Hồ Chí Minh và những bi kịch của đất nước hôm nay là cái giá phải trả cho sự chọn lựa đó.

Thật cay đắng cho những người hết lòng vì nước vì dân như Phan Chu Trinh, mặc dầu nhìn xa thấy rộng, tư tưởng nhân bản, kiến thức uyên bác, lòng yêu nước và nhiệt tình có thừa, nhưng cuối cùng Phong Trào Duy Tân của cụ đã thất bại chỉ vì không được sự ủng hộ rộng rãi của quần chúng, ngay cả cụ Phan Bội Châu – một đồng chí thân thiết với cụ trong nhiều năm cũng không ủng hộ quan điểm của cụ.

Là một người yêu nước chân thật ông không tự lừa dối mình và lừa dối dân tộc của mình bằng những chiêu bài mị dân, những điều tự hào không có thật. Ông là người nhìn thấy được vấn đề, và cố gắng đi tìm một phương thuốc cứu chữa.

Nhưng tại những nơi mà lưỡi gươm có tác dụng mạnh hơn ngòi bút thì những tiếng nói nhân bản như ông trở thành những tiếng kêu giữa sa mạc hoang vắng và ông trở nên lạc lõng trong một xã hội mà nếp suy nghĩ hủ lậu đã bám rễ quá lâu và quá chặt, trở thành một căn bệnh trầm kha hủy hoại đất nước và làm cho dân tộc sa vào vòng nô lệ.

Nhìn qua đất nước Nhật Bản, một dân tộc có chiều dài lịch sử gần giống như chúng ta, có diện tích gần bằng, dân số không chênh lệnh mấy (127 triệu so với 87 triệu), cũng chịu ảnh hưởng văn hóa Trung Hoa và Khổng Giáo, không khỏi làm cho chúng ta đau lòng khi thấy được sự khác biệt quá lớn giữa hai đất nước. Sự khác biệt về kinh tế, sự giàu có tiện nghi không phải là điều quan trọng, chủ yếu là sự khác biệt về cách suy nghĩ (mentality) giữa hai dân tộc. Vào thời điểm 1858, khi người Pháp bắt đầu xăm lăng VN thì dân ta vẫn còn u mê bám vào những giá trị đã lỗi thời, người Nhật tức thời bỏ những truyền thống hủ lậu, học hỏi những cái hay của Tây Phương để bắt kịp họ. Đến thời điểm sau Đệ Nhị Thế Chiến, VN muốn trở thành biểu tượng của một dân tộc anh hùng, người Nhật biết nuốt nhục của kẻ thua trận chịu sự đô hộ của Mỹ, tận dụng lòng mã thượng của kẻ chiến thắng, dồn mọi sinh lực dân tộc để vươn lên thành một cường quốc kinh tế.

Tại sao lại có sự khác biệt như vậy? Những nghiên cứu công phu và nghiêm chỉnh của các cơ quan quốc tế gần đây như Cơ quan Phát Triển Liên Hiệp Quốc (United Nations Development Program – UNDP) đã chứng minh một cách thuyết phục rằng sự chênh lệnh giàu nghèo giữa các quốc gia chủ yếu không phải do yếu tố địa lý, tài nguyên thiên nhiên, tôn giáo, chủng tộc… mà chủ yếu là do yếu tố văn hóa. Văn hóa quyết định tất cả. Văn hóa tạo ra nếp suy nghĩ (mentality) của mỗi dân tộc, và chính nếp suy nghĩ này làm cho mỗi dân tộc có ứng xử khác nhau khi đương đầu với cùng một thử thách. Tại sao có những dân tộc mà quan chức chính phủ tham nhũng cả hàng triệu đô la như ở các nước Phi Châu hay VN ngày nay mà mọi người vẫn xem đó là chuyện bình thường, trong lúc đó tại một nước khác – một bộ trưởng chỉ vì nhầm lẫn nhận 600 đô cho quỹ tranh cử đã phải xin lỗi quốc dân rồi từ chức (1)? tại sao một quốc gia nhỏ bé như Do Thái chưa tới 3 triệu dân (2) có thể chiến thắng cả khối Á Rập trong cuộc chiến năm 1967 và tồn tại vững mạnh cho đến ngày hôm nay? Trong lúc đó có những nền văn minh đã từng một thời ngự trị thế giới mà ngày nay biến mất … và còn cả ngàn thí dụ khác để chứng minh rằng chính yếu tố văn hóa quyết định sự tồn vong và sự lớn bé của mỗi dân tộc.

Những dân tộc như Đức, Nhật, Do Thái, Thụy Sĩ, Hòa Lan, Hoa Kỳ… cho dù bị thiên tai tàn phá đến đâu, cho dù sống ở bất cứ hoàn cảnh nào cũng vẫn có thể vươn trở thành những nước giàu mạnh, trái lại những xứ như Iraq, Nigeria, Venezuela, Angola, Libya… mặc dầu tràn ngập dầu hỏa nhưng vẫn là những nước nghèo.

Bước ngoặt quan trọng nhất đã làm thay đổi khoảng cách giữa ta và Nhật chính là cuộc cách mạng Duy Tân tại Nhật bắt đầu từ năm 1868. Trong lúc người Nhật tức thời thay đổi thì các vua chúa VN vẫn còn ngủ mê bên trong các bức tường cung điện ở Huế. Họ không thấy được thế giới đã thay đổi, vẫn tiếp tục tôn sùng và thần tượng Trung Quốc trong lúc nước này đã bị thua thê thảm trước sức mạnh của Tây Phương.

Vào tháng 7 năm 1853 khi triều đình Tokugawa từ chối không cho Thuyền trưởng người Mỹ Mathew Perry lên bờ để trao bức thư của Tổng Thống Fillmore, ông ra lệnh bắn vào thành phố Edo (Tokyo ngày nay). Những quả đại bác này đã làm cho người Nhật thức tỉnh ngay. Lòng ái quốc và niềm tự hào dân tộc đã làm cho họ đoàn kết lại để tìm cách giúp đất nước thoát khỏi nguy cơ nô lệ. Chính sự thức tỉnh này đã mở đầu cuộc cách mạng Minh Trị Duy Tân kéo dài 44 năm. Đó là một cuộc cách mạnh đúng nghĩa, một cuộc cách mạng triệt để, họ làm đến nơi đến chốn, kẻ đi Mỹ, người đi Âu Châu, kẻ đi chính thức người đi lậu bằng cách trốn xuống tàu buôn Tây Phương như trường hợp của thần đồng Yoshida Shôin, tất cả đều cùng một mục đích là tìm đến tận nguồn cội của nền văn minh để học hỏi những cái tinh túy mang về thay đổi đất nước. Họ từ bỏ một cách dứt khoát tất cả những cái cũ không còn hợp nhưng không để mất tinh thần độc lập. Họ không phải chỉ có một ông vua Minh Trị hết lòng yêu nước mà cả trăm ngàn những tấm lòng như thế quyết tâm đưa nước Nhật lên vị trí ngang hàng với các nước Tây Phương.

Khi nói đến cuộc Duy Tân Minh Trị nhiều người vẫn lầm tưởng đó là cuộc cách mạng kỹ nghệ, mở cửa để giao thương và học hỏi kỹ thuật của Phương Tây. Thật sự không phải như thế, học hỏi kỹ thuật chỉ là mặt nổi, chủ yếu là người Nhật học hỏi những tinh túy về tư tưởng của người Tây Phương để khai sáng trí tuệ cho dân tộc của họ.

Chỉ có vài quả bom của Thuyền Trưởng Mathew Perry đã làm cho người Nhật thức tỉnh, trong lúc đó nhìn lại đất nước chúng ta, kể từ thời điểm 1853 cho đến hôm nay đã có hàng trăm ngàn quả bom đã rơi xuống đất nước Việt Nam, không những chỉ tàn phá hình hài đất nước mà còn làm tan nát tâm hồn dân tộc với bao sự ngậm ngùi, nhục nhã đắng cay của một dân tộc nhược tiểu. Nhưng tất cả những nỗi đau đó vẫn chưa đủ để làm cho người Việt thức tỉnh, để thấy cần phải có một nhu cầu thay đổi cần thiết như người Nhật đã làm từ giữa thế kỷ thứ kỷ 19.

Vào tháng 8 năm 1858 người Pháp bắt đầu cuộc chiến xăm lăng đất nước VN, trước đó vào mùa thu năm 1847 để phản đối chính sách cấm đạo của vua Thiệu Trị, Trung tướng Rigault de Genouilly đã bắn chìm 5 chiếc thuyền của Việt Nam, năm 1842 Trung Quốc đã bại trận thê thảm trước sức mạnh của Tây Phương trong cuộc chiến Nha Phiến. Nhưng tiếc thay tất cả những dấu hiệu cảnh cáo đó vẫn chưa đủ để làm cho triều đình nhà Nguyễn thức tỉnh. Đến lúc đó họ vẫn không nhận ra rằng đất nước đang đứng trước khúc quanh của lịch sử. Từ thời điểm năm 1842 hay 1847 cho đến 1858, đó là một khoảng thời gian rất dài (14 năm), nếu các vua nhà Nguyễn thức thời, khôn khéo như các vua chúa Nhật Bản thì đất nước chúng ta đâu phải chịu 80 năm đô hộ của người Pháp và đâu phải chịu tai họa Cộng Sản kéo dài đến hôm nay.

© Phạm Hoài Nam

Nguồn: vietluanonline

————————–

Ghi chú:

(1) Ngoại trưởng Nhật Seiji Maehara từ chức ngày 6 Tháng Ba 2011 vì nhận 600 Mỹ kim cho quỹ chính trị từ một người ngoại quốc.

(2) Dân số Do Thái vào thời điểm 1967 là 2.7 triệu người.

44 Phản hồi cho “Tại sao có sự khác biệt quá lớn giữa người Việt Nam và người Nhật Bản?”

  1. quynhmai says:

    nếu có ai đó nói rằng trên thế giới naỲ ĐẤT NƯỚC NÀO ĐÁNG NGƯỠNG MỘ NHẤT? thì chắc chắn mọi người sẻ nói đó là đất nước mặt trời mọc,còn ngược lại nếu có ai hởi trên thế giới này đất nước nào đáng khinh bỉ nhất?thì tất cả sẻ đòng thanh trả lời đó là việt nam của chế độ cộng sản.không cần phải gặp theein tai dịch họa hay bất cuw3s cái gì có tính chất hủy diệt thì chỉ cần trong cuộc sống hằng ngày tất cả những cái xấu xa nhất của xả hội đều có thể xuất hiện bất cứ lúc nào ở bất cứ nơi đâu từ thằng dân đen cho đến gả cảnh sát khu vực,từ tên cảnh sát khu vực cho tới tên lãnh đạo cáp huyện ,phường ,quận ,lên đến tỉnh thành ra tới ngoài trung ương tất cả đêu là một lủ xấu xa như nhau.Cho nên đem so sánh giữa Việt nam và Nhật bản là sự so sánh khập khiễng giữa một quốc gia có nền giáo dục tốt nhất với một quốc gia có nền giáo dục tồi tệ nhất thế giới.BỠI NHỮNG TÊN CỘNG SẢN LƯU MANH.Tôi luôn ngưỡng mộ và khâm phục người dân Nhật bản và nhà nước Nhạt bản.kể cả những tên tội phạm của Nhật bản(zakuza) cũng còn có giá trị,và đáng ngưỡng mộ hơn những tên lãnh đạo chế độ cộng sản việt nam ngày nay.

  2. Tào Lao says:

    Mình rất khâm phục người nhật có lẽ nhật là dất nước thứ hai sau hai từ Tổ quốc mà mình thích…nhưng các bạn nên nhớ rành mọi sự so sánh đều rất khập khiễng nhất là so sánh trong một pạm trù lớn ở đây là Dân tộc có lịch sử lâu đời , địa lý khác biệt …. nói rõ hơn ra địa lý và văn hoá ảnh hưởng lớn đến tính cánh của mỗi dân tộc. Các Bạn& tác giả nên hiểu rằng: nước Nhật là Đảo quốc vì vậy sự giao thoa giữa các nền VH rất khó khăn( vài thế kỷ trước giao thông đường thuỷ rất hạn chế) và Nhật là nước hứng chịu nhiều thảm hoạ nhân loại nhất cho nên dân họ thường khả năng đối phó với những sự biến đổi bên ngoài hơn hẳn dân ta đó là điều hiển nhiên. thứ hai đó là về chiến tranh Nhật là đất nước của những cuộc nội chiến hàng thế kỷ. Còn VN là đất nước của những cuộc chiến chống ngoại xâm hàng Ngàn năm điều đó tạo ra một dân tộc bất khuất, kiên cường, Anh hùng, luôn luôn lạc quan trong mọi hoàn cảnh đó là điều mà các Dân tộc lớn trên TG đã thừa nhận( chúng ta hơn chắc người nhật là ở cái khoản yêu đời, và lạc quan..:)) Một dân tộc hiên ngang vượt qua mọi cuộc xâm lăng của Các dân tộc khác như Mông Cổ( đã khiến cả châu âu run sợ, gần chiếm hết lục địa châu âu chỉ vì do Hốt Tất Liệt bị chết nên các cuộc chiến bị dừng lại), Tàu, Pháp, Mĩ, trong đó có cả Nhật… điều này có lẽ rất ít các dân tộc khác trên TG làm được các bạn hãy tự hào vào phát huy cũng như học hỏi cái hay bài trừ cái xấu cho nó chớ đừng so sánh này nọ, núi này trông núi kia…! ĐỬNG HỎI TỔ QUỐC ĐÃ LÀM GÌ CHO TA, MÀ HÃY TỰ HỎI ĐÃ LÀM GÌ CHO TỔ QUỐC HÔM NAY !

  3. MỘT BẠN ĐỌC says:

    XIN GÓP Ý…(Bài đã lâu ,nay đọc lại thấy thấm thiá)

    Bài khảo cứu hiếm có trở thành lời kêu gọi đặc sắc , cãm động . Tư liệu xác thực . Nhận định tuờng tận . Phân tích chính xác. Mọi nguời Việt nam cần đọc, nhất là hàng ngũ trí thức hiện nay.
    Dân tộc nào , theo huyết thống hay thiên phú cũng đều có nhiều hạng nguời . Nói gọn là hai hạng : Hạng kia chậm lụt, tầm thuờng gọi dân giả , tiện dân, .Hạng nhanh nhẹn, thông thái ,ngày xưa gọi lớp sĩ phu, nay gọi là trí thức , nhân sĩ. Quốc gia tiến thoái đều do lớp nguời này . Trí thức Việt nam vưà ít ỏi , vưà kém cõi. Nhưng đó không phải là cốt lõi cuả lạc hậu , cuả man dại.

    Cốt lõi cuả thấp kém hầu hết là “thiếu luơng thiện ” mà thấp thoáng tác giả có nói đến ít nhiều. Một dân tộc đã dễ dàng trút hết hầu bao tin vào một con nguời với một lý lịch không rõ ràng , (1) trả giá núi xuơng biển máu vào các cuộc chíến không cần thiết ( Lịch sữ nay cho thấy , 14 nuớc thuộc điạ châu Á nào vẫn lấy lại nền độc lập , tư do cuả mình mà không cần đổ một giọt máu, cần một kẻ tự xưng “tìm đuờng cứu nuớc “nào! )

    Một dân tộc mất hơn hai triệu mạng nguời trong các cuộc chíến gọi là “chống xâm lăng” giành lại đất nuớc” không gì qúi hơn độc lập, tự do” thì nay sau gần nưã thế kỹ sau lại loay hoay “chống… tham nhũng” . Từ ngữ tham nhũng chẵng qua là chiêu bài che đậy một sư thật là “TRỘM CUỚP”cuả kẻ cầm quyền . Trộm Cuớp này là một loại nọc độc tai hại ghê gớm .Nó là cốt lõi ĐÁNH MẤT LÒNG TIN , cơ sở cho sống xây dựng hiện tại , tuơng lai cuả dân tộc. Điều bất hạnh và cay đắng to lớn là kẻ Trộm Cuớp” này không ai khác mà lại chính là những kẻ từng lãnh đạo “chống xâm lăng” ,”sẽ xây dựng muời lần hơn ” đã làm mất hơn hai triệu linh hồn.

    Và cái truyền thống ( xin lập lại Truyền thống )”TRỘM CUỚP” đó chính là công cuộc truyền tãi di sãn cuả cái Văn Hoá từ đờ này sang đời khác mà tác giã Phạm Hoài Nam đang bàn tới và lời bàn theo thiễn ý đã trở thành Lời kêu gọi quan trọng nhất lúc này …
    ———————————————–
    (1) Tư liêu lịch sử nay cho thấy ông ta là vưà là như môt tay phù thủy phố Hamelin (Miền Nam nuớc Đức)đối với nguời trẻ như Truơng Như Tãng , Phạm Huy Thông …vuà là kẻ gian hùng (như bẩy gạt giết Ta Thu Thâu , lưà gạt vua Bảo Đại , Nguyễn Tuờng Tam ( bất thành )… TT Richard Nixon lột trần trong ” No more Vietnams “:
    ” In fact, Ho Chi Minh was a brilliant fraud who spent his life pretending to exactly the opposite of what he really was. He was a nationalist only in the sense that he could not establish a Communist
    state in Vietnam if it was part of the French Empire. His only loyalty was to winning power for himself and his ideology…(page 21)————” (Hồ là tay lưà đảo sáng chói giả vờ như nghịch lại con
    nguời thật cuả ông ta (là cộng sãn). Ông ta (chĩ làm ra vẻ) con nguời quốc gia khi chưa biến Viêt nam thành Cộng sãn… Ông ta chĩ trung thành vào chiến thắng cuả bạo lực và ý thức hệ Cộng sãn.)

Phản hồi