WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Sáng mai đây

Đêm sâu, tôi lại chất hành lý lên xe để mai lên đường sớm. Không ngủ được nên ngồi đây. Vẫn cái ghế có từ lâu lắm rồi, mái patio có trước cái ghế, cái laptop đã mất mấy chữ trên bàn phím, màn hình đã có mấy cụm mây… Cây sồi ngoài sân, lẽ ra mùa này xum xuê lá, nhưng chỉ còn có gốc sau mùa đông khắc nghiệt. Dường như không có sự sinh ra nào ở quanh tôi, ngoài sự chết đi của cây sồi, nên những điều suy ngẫm có lẽ cũng khác xưa. Ngày ấy, những lo lắng cho đứa con lần đầu tiên đi xa nhà. Tối ngủ với mấy người lạ trong căn phòng chung. Bữa ăn của nó không được thoải mái như ở nhà, những món khoái khẩu chỉ còn trong giấc mơ, những món dân tộc đi vào quên lãng… những lo lắng vụn vặt gom lại cũng không bằng lo lắng những tiếp xúc mới – ngoài vòng kiểm soát của cha mẹ – sẽ đưa con cái đi về đâu, nhất là trong xã hội Mỹ.

Có thể, những người bạn tôi không sai: “Đi đại học chứ có phải đi Iraq đâu mà lo. Ở Mỹ chứ có phải ở Sài Gòn đâu mà lo chi cho mệt! Bây giờ chứ đâu phải thời mình. Thưa ba, thưa má con đi năm lần bảy lượt… ông bà già cũng không có gì để tống tiễn. – Ngoài câu: Sao mày thưa hoài, còn không đi!” Nhưng bụng dạ cha mẹ nào vui cho được khi thấy thằng con gầy rộc đi theo ngày tháng. Nét vô ưu, nụ cười không suy tư của nó nhạt dần theo những lần gặp lại. Nhờ điện thoại, internet ngày nay, mẹ gọi mỗi ngày sau cơm chiều. Em gọi mỗi sáng: “Hai, dậy đi học. Em không gọi Hai nữa đâu đó. Hôm nay, em cũng phải đi học sớm…” Chiều về, “chát” với anh Hai để làm Homework. Cũng chỉ là những vụn vặt của đời sống, nhưng đó là giềng mối để tồn tại một gia đình. Cầu cho mọi gia đình đều bền vững từ những điều nhỏ nhoi.

Đã 4 năm, cái bàn ăn bốn ghế trống đi một chỗ ngồi, không còn nghe những lời quở trách trong bữa ăn, “Hai đứa bay, ăn uống cho đàng hoàng coi. Mẹ đánh đó!” Không còn tiếng cười hích hích của thằng em khi thằng anh làm đổ thức ăn trên bàn, đi lấy khăn lau, nó uống trộm một ngụm soda của anh Hai, sau khi lon coke đã chia đều và không được khui thêm. Nó cười hích hích, rồi khóc nửa đêm từ phòng bên, “Hai nói Hai về, rồi bận nữa rồi!… hu hu”. Dỗ con ngủ, an ủi thằng bé mà lòng cha quay quắt nhớ những người anh em chỉ mong cho một đứa vắng nhà để những đứa còn lại được thêm chút thức ăn, (sau hoà bình). Nỗi ám ảnh cả đời không quên truyện “Cánh đồng  tuyết” kể về đứa bé gái hỏi mẹ: “Chừng nào anh con chết?” Vì phong tục địa phương là nhà có người chết thì không nổi lửa. Hàng xóm sẽ mang thức ăn đến. Có thể, đó cũng là lý do vì sao nhiều người rời bỏ quê hương đi tha phương cầu thực. Ngồi bao nhiêu cái ghế không nhớ, chỉ đối diện từng ngày! Cái ghế trống trải quá, cái ghế luôn nhắc nhở gia đình có đứa con đi xa. Nhưng một cái ghế không còn đủ ngồi khi đứa con về nhà với vài người bạn. Những người trẻ trung này sẽ có một bữa ăn trước hay sau gia đình thì đứa con nhà cũng không ăn cơm với gia đình nữa. Trên bàn ăn có những gia vị mới thấy lần đầu, thức uống lạ lùng. Trò chuyện rôm rả nhưng không nghe một lời tiếng Việt… Đứa con đã rút một chân ra khỏi nhà.

Một lần nào đó, nó nay về mai đi, không phải về nghỉ ngơi. Không phải về để ăn, ngủ cho lại sức. Chở mẹ đi shopping, chở em đi xem phim, ăn kem… Cũng không về với bạn bè cả nhóm để thưởng thức tài nấu ăn của mẹ tôi, để chứng minh với bạn bè Hợp Chủng Quốc: Món ăn Việt Nam có bản sắc, đừng lầm lẫn với Trung quốc. Người Việt không thích bị hiểu lầm! Nó về. Như lần mình về nhà lần đó. Từ lần về đó – tiếp diễn – đến có gia đình này.

Thật khó khăn cho cha mẹ đồng tình hay tẩy chay. Đành để sự việc tự có cách giải quyết, ranh giới giữa tình yêu và tình cảm phát sinh do hoàn cảnh sống rất mờ nhạt trong tâm thức tuổi trẻ, nhưng đưa tới thái độ sống thì cả đời, bất mãn hay toại nguyện với chính mình. Người ta có thể không đến một nơi không thích, nhưng không thể bỏ qua bất an trong lòng. Nó không còn nổi loạn với rầy la, hưng phấn với khen thưởng nữa. Sau lần về đó. Nó chững chạc ra không bao nhiêu với nó tưởng, nhưng thầm lặng hơn, ít ồn ào hơn. Buồn. Thôi ục mặt. Vui. Thôi cười thấy mười cái răng… vì chưa quen với ý kiến đối lập, mới làm quen với bình tĩnh và tự chủ. Thiệt là vụng về. Vụng về tới ân hận khi bắt gặp tư tưởng thoát ly trong mình. Quá trình tự chỉnh đốn tư tưởng làm cho nó trưởng thành từ bất lợi: thiếu tập trung, học lực và tinh thầm sút giảm. Có thể bỏ học, xì ke ma túy, nghiện ngập, tù tội… Giai đoạn khó khăn nhất trong đời người có qua được hay không là sự chuyển tiếp tư duy để trưởng thành. Sẽ vứt đời vào ngõ cụt hay lấy lại phong độ học tập. Yếu tố gia đình đóng vai trò quan trọng giúp hình thành một cá thể mới, một cá nhân định vị. Nhưng một quỹ đạo riêng cũng đã ra đời trong vũ trụ nhân sinh. Đứa con đã không còn ràng buộc gì với gia đình ngoài tình máu mủ. Chân còn lại trong nhà của nó được rút ra khỏi nhà êm thắm hơn chân trước.

Sự lo lắng của gia đinh, cha mẹ sẽ nhiều hơn. Những buồn vui theo điểm đạt được của con đi đại học không còn hưng phấn mấy với những cân đối mệt mỏi về tài chánh để hỗ trợ. Những khi trái gió trở trời, nghe tivi nói khu vực trường nó có tuyết, thì gọi, “có cần ra ngoài thì đi sớm về sớm đi con. Tối nay trời đổ tuyết đó! Đường có thể bị đóng đá nếu trời mưa…” Chẳng còn gì để nói ngoài câu thòng, “có gì gọi bố!” để phòng hờ những bất trắc xảy ra. Để biết mình đã thực sự đi qua một thời tuổi trẻ. Những bất trắc, không dám hé răng với ai ngày trước, để ân hận đến mãi mãi về sau.

Làm sao diễn tả cho đúng ý nghĩ, không phải công việc một lần ngồi xuống với quá khứ ùa về, tương lai chập choạng trong hiện tại hoang mang… Tạ ơn trên, hôm nay tôi sắp hành lý để sáng mai lên đường sớm, dự lễ ra trường của con tôi. Thật là nhẹ nhõm như người tiều phu quẳng được gánh củi xuống sân nhà. Có người nghĩ là đã đến mùa thu hoạch. Những gian khổ đầu tư đã tới lúc có kết quả. Cũng khó trách người gieo trồng tuổi tác ngày càng cao, sức lực ngày càng yếu, – môi trường thuận lợi cho bệnh tật tấn công. Già không cậy con chẳng lẽ cậy chính phủ. Cáo già cậy cả hai. Nhưng phước phần do tu tâm tích đức mà có. Mưu sự tại nhân thành sự tại thiên là vậy. Cứ để cho dòng sống chảy trôi, luân hồi nhân quả.

Đêm càng sâu, gió tháng Năm càng nồng hương xưa thổn thức. Những cuộc chia tay lặng lẽ mà hết đời không quên. Những trận cười một lần rồi thôi khi quay lại chỉ có mình với bóng, độc hành. “Bạn bè rồi xa, người tình rồi quên…ôi tháng năm, những dấu chân rồi cũng bụi mờ.” Sáng mai lại thấy, nước mắt song song với nụ cười của lớp người sau. Khác với sáng đưa đứa con lún phún mấy sợi râu trên gương mặt búng ra sữa đến trường. Sáng mai đây, “mày râu nhẫn nhụi áo quần bảnh bao”. Người di dân cầm bằng tốt nghiệp đại học tại Hoa Kỳ. Con có biết là bao nhiêu xương máu của người tù cải tạo, người vượt biển, vượt biên… để có những chương trình H.O, chương trình ODP, để có cơ hội cho con có hôm nay. Một ý nghĩ, không làm cho người chết sống lại, nhưng làm cho người di dân sống tốt hơn nếu con có ý nghĩ đó sau mỗi lần đạt được một thành tích trên quê hương thứ hai.

© Phan

Phản hồi