WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

1989, thế giới và Việt Nam

Người châu Âu và thế giới nói chung có nhiều lý do hơn chúng ta để hân hoan kỷ niệm hai mươi năm ngày 9-11-1989, khi bức tưòng Berlin sụp đổ. Đối với họ biến cố này có một ý nghĩa đặc biệt, nó đánh dấu sự sụp đổ không phải chỉ của một chế độ cộng sản Đông Đức, như trường hợp Ba Lan và Hungary trước đó vài tháng, mà của chính chủ nghĩa cộng sản và phong trào cộng sản thế giới nói chung. Tự do và dân chủ đã thắng, sẽ không có chiến tranh nguyên tử. Đối với họ biến cố này cũng quan trọng không kém cuộc cách mạng dân chủ nhân quyền 1789 đánh dấu sự cáo chung của chủ nghĩa quân chủ chuyên chế hai thế kỷ trước đó.

Thực vậy, trái với các nước cộng sản khác, Đông Đức không phải là một nước vẫn có từ trước mà là một nước hoàn toàn do chủ nghĩa cộng sản mà có. Nó được thành lập trên phần lãnh thổ Đức do Liên Xô chiếm đóng sau Thế Chiến II với các lãnh tụ là những người cộng sản Đức lưu vong tại Liên Xô được Liên Xô đem về. Đông Đức không những chỉ là đứa con chính thống mà còn là niềm hãnh diện của phong trào cộng sản thế giới, nó được khoe khoang như là một mẫu mực thành công của chủ nghĩa cộng sản. Liên Xô đã dồn sức lực và của cải giúp Đông Đức vươn lên tranh đua với Tây Đức; bộ máy tuyên truyền của cả khối cộng sản được huy động để mô tả Cộng Hòa Dân Chủ Đức như là bằng chứng của sự hơn hẳn của chủ nghĩa xã hội. Sự sụp đổ của chế độ cộng sản Đông Đức vì thế cũng là sự đầu hàng của chính chủ nghĩa cộng sản và phong trào cộng sản thế giới.

Nếu Đông Đức là biểu tượng của chủ nghĩa cộng sản thì bức tường Berlin là biểu tượng của Đông Đức. Nó đã được xây dựng lên để khẳng định quyết tâm đọ sức với khối tư bản. Berlin đã là một trận tuyến cốt lõi và một điểm nóng của chiến tranh lạnh. Nó đã “sụp đổ” một cách giản dị không ngờ: đúng nửa đêm 9 – 11 – 1989, sau hơn một tháng dồn dập biến động, viên sĩ quan trạm trưởng biên giới bơ vơ không biết phải làm gì và cũng không còn thượng cấp nào để nhận chỉ thị ra lệnh mở cửa biên giới. Bức tường vẫn còn nguyên đó –sinh viên chỉ bắt đầu đập phá vài giờ sau- nhưng kể như đã biến mất. Lịch sử nhân loại sang trang ngay trước mắt hàng tỉ người trên thế giới đang theo dõi trên màn ảnh truyền hình.

kỹ niệm 20 ngày bức tường Berlin sụp đổ

Sự sụp đổ của bức tường Berlin có nghĩa là chủ nghĩa cộng sản đã chết. Các chế độ cộng sản có thể còn tiếp tục tồn tại trong một thời gian ở một vài nước, kể cả giành được một vài thắng lợi nhất thời, như một vài cành lá có thể vẫn còn xanh và một vài chồi vẫn còn có thể mọc trên một thân cây đã bị đốn, nhưng chủ nghĩa cộng sản đã chết, nó không còn có thể được dùng làm nền tảng cho một chế độ chính trị nào nữa.

Đêm hôm đó tôi không ngủ được và thao thức tới sáng, như tôi đã hầu như không ngủ trong những ngày trước và sau 30 – 4 – 1975. Sự sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản và phong trào cộng sản thế giới đối với tôi không phải là điều đáng ngạc nhiên. Tôi đã tiên liệu nó ngay từ đầu thập niên 1980, đã trình bày nó trong nhóm sáng lập Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên như là một nhận định nền tảng của tổ chức và đã viết ra trong bài “Ta có thể thắng” đăng trên báo Tự Do năm 1986 [1]. Các biến cố đã xảy ra không khác những tiên liệu của tôi; điều làm tôi trằn trọc là câu hỏi tại sao chúng ta lại sa vào ách cộng sản và chừng nào chúng ta mới ra khỏi.

Trong lịch sử thế giới chưa có chủ nghĩa nào gây nhiều thảm kịch bằng chủ nghĩa cộng sản. Nó đã làm hàng trăm triệu người chết và đã gây những tác hại ghê gớm cho môi trường, đạo đức và con người. Nhưng điều đáng buồn nhất là một sự vô lý: nó đã thành công rất lâu sau khi sự sai lầm của nó được chứng tỏ. Chế độ cộng sản đầu tiên được thiết lập tại Nga năm 1917 gần một nửa thế kỷ -chính xác là 47 năm- sau khi nó đã bị chối bỏ tại Tây Âu, quê hương của nó, qua đại hội Gotha của đảng Xã Hội Đức, xương sống của phong trào cộng sản thế giới lúc đó. Và nó đã được du nhập vào Việt Nam gần 30 năm sau khi đã gây ra những tội ác kinh khủng tại Liên Xô. Đó là vì các dân tôc thiếu tư tưởng chính trị thường là mồi ngon cho những sai lầm bi đát. Nga cũng như Trung Quốc và Việt Nam và mọi nước cộng sản khác có chung một đặc điểm là thiếu một cách bi đát tư tưởng chính trị.

Trái với một huyền thoại được tạo ra và nuôi dưỡng, các đảng cộng sản không phải là những phong trào quần chúng. Chúng không được thành lập để tranh thủ hậu thuẫn quần chúng mà để lợi dụng một tình trạng khủng hoảng để cướp chính quyền (chính ông Hồ Chí Minh chứ không ai khác dùng cụm từ “cướp chính quyền” năm 1945). Trong suốt lịch sử của phong trào cộng sản thế giới chưa hề có một đảng cộng sản nào thắng một cuộc bầu cử lương thiện nào. Cũng chưa hề có một đảng cộng sản nào đem lại phồn vinh cho một quốc gia nào. Không hề có một phát minh hay sáng tác thực sự đáng kể nào trong các chế độ cộng sản, một vài tác phẩm văn học lớn đều là của những người đối lập. Ở mọi nơi mà nó đã được thử nghiệm chủ nghĩa cộng sản đã chỉ là nghèo khổ, khủng bố và tội ác. Riêng bức tường Berlin còn tiêu biểu cho chủ nghĩa cộng sản ở điểm này: nó được dựng lên không phải để ngăn chặn sự xâm nhập từ bên ngoài như tất cả mọi tường thành đã có trong lịch sử các nước mà là để ngăn chặn người trong nước bỏ ra đi. Chế độ cộng sản khác với mọi chế độ bạo ngược đã có trong lịch sử thế giới, nó là chế độ duy nhất bách hại và tàn sát nhân dân của chính mình. Tuyệt đại đa số nạn nhân của chủ nghĩa cộng sản là những người dân của các chế độ cộng sản.

1989 đã là năm khủng hoảng của chủ nghĩa cộng sản cũng như 1968 đã là năm thử thách của chế độ dân chủ và chủ nghĩa tư bản; trên nhiều mặt các biến cố 1968 còn mãnh liệt hơn. Nhưng hậu quả đã rất khác nhau. Cuộc cách mạng 1968 đã chứng tỏ rằng chủ nghĩa tư bản, với tất cả những khuyết điểm của nó, vẫn còn cải thiện được và dân chủ tuy không tuyệt đối hoàn chỉnh vẫn hay hơn nhiều lần so với mọi chế độ chính trị khác. Dân chủ đã mạnh hơn sau thử thách này. Trái lại cuộc khủng hoảng 1989 đã khiến ý thức hệ cộng sản bị phơi bày như một sai lầm đẫm máu và bị vất bỏ.

Chủ nghĩa cộng sản thực ra đã thất bại ngay từ khi được đem thử nghiệm. Những “thành quả” của Stalin đã từng khiến nhiều trí thức yếu bóng vía ngưỡng mộ thực ra đã chỉ là những đầy đoạ đối với dân chúng, không khác các kim tự tháp Ai Cập, Vạn Lý Trường Thành tại Trung Quốc, các thành quách vĩ đại mà tàn tích còn thấy được tại Nam Mỹ, hay lâu đài Saint Petersbourg ở ngay nước Nga. Chúng chỉ chứng tỏ một điều mà mọi người đều đã biết từ lâu, đó là các bạo chúa có thể áp đặt lên dân chúng những cố gắng rất phi thường. Ngay sau khi Stalin chết Khruschev đã muốn cải tổ nhưng đã bị lật đổ. Gorbachev cũng không khác gì Khruschev, ý định của ông ta chỉ giản dị là “đổi mới để tồn tại” nhưng chế độ cộng sản Liên Xô đã quá kiệt quệ sau khi thảm bại tại Afganistan để có thể qua khỏi cuộc giải phẫu này.

Sức mạnh của phong trào cộng sản là một khám phá của Lenin không liên quan gì tới Marx. Lenin là một tay khủng bố chuyên nghiệp -anh ruột bị xử tử sau một vụ khủng bố trong đó chính ông cũng tham gia và bị đày đi Siberia- và hiểu hiệu lực ghê gớm của khủng bố. Thiên tài của Lenin là đã nhìn thấy rằng một tổ chức khủng bố có thể cướp được và sau đó giữ được chính quyền nếu hội đủ hai điều kiện. Một là nó dám khẳng định như một đạo đức thay vì cúi mặt nhận mình là đạo tặc và như thế cần được phục sức bằng một chủ thuyết bề ngoài có dáng dấp của lý tưởng cao cả; chủ nghĩa Marx đã có vai trò chiếc áo đẹp của tên sát nhân. Hai là nó dám đẩy tới tận cùng logic khủng bố, nghĩa là khủng bố toàn bộ xã hội, khủng bố cả thân xác lẫn tinh thần và trí tuệ. Cấm suy nghĩ, xoá bỏ thông tin, sự dối trá phải được độc quyền ngôn luận nếu không muốn trở thành vô hiệu lực và vô duyên.

Đã có khá nhiều thảo luận xem ai đã là tác nhân của sự sụp đổ của bức tường Berlin và chủ nghĩa cộng sản. Một số khá đông cho rằng đó là thành quả của tổng thống Reagan; ông đã phục hồi được nước Mỹ, lôi kéo Liên Xô vào một chạy đua võ trang kiệt quệ, nhất là ông đã tuyên bố một câu để đời ngay tại bức tường Berlin “Mister Gorbachev, tear down this wall!” (Ông Gorbachev ơi, hãy giật bức tường này xuống đi!). Nhiều người khác đề cao vai trò của giáo hoàng John Paul II. Cũng có những người cho rằng đó là công lao của những người dân chủ kiên cường Đông Âu, những Walesa, Geremic, Kuron, Havel v.v. Tất cả những vị này quả nhiên đều đã có đóng góp quan trọng nhưng lý do chính vẫn là sự sụp đổ của bức tường Berlin và chủ nghĩa cộng sản đã đến sau một tiến trình đã chín muồi, như một trái cây rụng vì đã quá chín.

Đặc tính chung của mọi đảng cộng sản, không trừ một ngoại lệ nào, là sau khi đã cướp được chính quyền chúng dần dần hoá thân thành một giai cấp bóc lột. Lý do là vì chủ nghĩa Marx hoàn toàn không phải là một lý thuyết điều hành quốc gia. Ngoài những xác quyết và những hứa hẹn hoàn toàn không liên quan gì đến những việc phải làm và phương thức để làm (vật chất có trước tinh thần, lịch sử nhân loại là đấu tranh giai cấp, ngay mai làm theo khả năng hưởng theo nhu cầu v.v.) nó không có gì cả. Người ta không tìm thấy trong chủ nghĩa Marx một hướng giải quyết cho một vấn đề nào cả, dù là ngân sách hay giáo dục hay bất cứ một vấn đề nào khác. Chế độ cộng sản vì thế chỉ là sự tuỳ tiện -Lenin từng khẳng định “chính quyền cách mạng” không lệ thuộc bất cứ một luật pháp nào. Hơn thế nữa nó còn là sự tuỳ tiện của những người không hiểu biết bởi vì cũng theo Lenin bất cứ đảng viên cộng sản nào chỉ cần biết đọc biết viết cũng có thể làm công tác lãnh đạo. Trong những điều kiện như vậy chính quyền trở thành bộ máy cướp bóc và đảng cầm quyền trở thành một giai cấp bóc lột là điều tự nhiên và bắt buộc.

Sự sụp đổ của bức tường Berlin đã kéo theo sự sụp đổ nhanh chóng của tất cả các chế độ cộng sản Đông Âu và làm chính Liên Xô tan vỡ. Nhưng điều cũng rất quan trọng là nó đã làm sụp đổ luôn một chủ nghĩa khác, đó là chủ nghĩa cách mạng bạo lực. Các chế độ cộng sản đã cướp đoạt khái niệm cách mạng và tự đồng hoá với cách mạng và đã được hưởng nhiều ngưỡng mộ nhờ tính lãng mãn của khái niệm tai hại nhưng rất thu hút này. Thành tích quá tồi tệ của các chế độ cộng sản được phơi bày sau khi bức tường Berlin sụp đổ đã khiến cách mạng bạo lực trở thành gớm ghiếc.

Năm 1989 đã là một khúc quanh rất quan trọng trong lịch sử thế giới, có thể là quan trọng nhất thế kỷ 20, vì nó làm thay đổi vĩnh viễn cách suy nghĩ và hành động. Nhưng 1989 cần được nhìn một cách dài hạn vì kết quả cụ thể và tức khắc của nó thực ra không nhiều. Đừng nên quên rằng trước đó vài tháng đã có cuộc thảm sát Thiên An Môn; các đảng cộng sản vẫn còn cầm quyền tại Trung Quốc, Việt Nam, Bắc Cao Ly và Cuba; ngay tại chính nước Nga và đa số các nước thuộc Liên Xô cũ các tập đoàn xuất phát từ bộ máy cộng sản vẫn tiếp tục cai trị. Điều khác biệt là chúng không còn huênh hoang như là các chính quyền cách mạng theo đuổi một lý tưởng quảng đại nào mà chỉ còn là những tập đoàn bạo ngược. Đó là những chính quyền không còn lý do tồn tại mà sự đào thải chỉ còn là một vấn đề thời gian.

Năm 1989 cũng cần được nhìn trong bối cảnh quốc tế từ bốn thâp niên qua. Dù có tin ở sự hiện hữu của các chu kỳ khủng hoảng hay không cũng phải nhìn nhận một sự kiện là các mâu thuẫn lớn đã chín muồi một cách đều đặn tạo ra những đảo lộn quan trọng khoảng mười năm một lần.

Cuộc cách mạng 1968 đã là sự xét lại của chế độ dân chủ và chủ nghĩa tư bản và đã kết thúc với kết luận là dân chủ mặc dù những thiếu sót của nó vẫn là chế độ chính trị đúng đắn nhất.

Mười năm sau, trong hai năm 1979 và 1980, với Ronald Reagan tại Mỹ và Margaret Thatcher tại Anh, chủ nghĩa kinh tế tự do được khẳng định một cách mạnh mẽ; tập đoàn Đặng Tiểu Bình chấp nhận kinh tế thị trường và mở cửa Trung Quốc ra với thế giới; Liên Xô lao đầu vào cuộc chiến tranh tự sát tại Afganistan; Khomeiny nắm chính quyền và thành lập một chế độ Hồi Giáo toàn nguyên tại Iran, mở đầu một cuộc clash of civilisations (đụng độ văn hoá). Hai năm 1979 và 1980 đã là giai đoạn nhiều biến động lớn nhất từ sau thế chiến II. Các chủ nghĩa toàn trị, thế quyền cũng như thần quyền, bị đẩy tới chân tường đã phản ứng mạnh mẽ để tồn tại, hoặc bằng cách phản công hung bạo như Brezhnev và Khomeini, hoặc bằng cách nhượng bộ như trường hợp Đặng Tiểu Bình.

Năm 1989 đến lượt bức tường Berlin, chủ nghĩa cộng sản và phong trào cộng sản thế giới sụp đổ, các biến cố tuy không dữ dội như mười năm trước nhưng có ảnh hưởng quyết định hơn nhiều về lâu về dài trên hướng đi của thế giới.

Đến năm 2001, cuộc tấn công của Al Qaeda vào World Trade Center và phản ứng của Hoa Kỳ và thế giới sau đó mở ra giai đoạn chống khủng bố, xác nhận sự kiện các thế lực chống dân chủ bị biên tế hoá thành những lực lượng khủng bố tuyệt vọng và bị thù ghét.

Năm 2008 chủ nghĩa kinh tế tự do lâm vào khủng hoảng nặng sau hơn một thập niên thả lỏng những phương pháp nguy hiểm: ngoại thương bất chấp thăng bằng của cán cân mậu dịch, bóc lột dã man công nhân để xuất khẩu hàng hoá với giá rẻ, subprimes, credit default swaps và derivatives v.v. Cũng như cuộc khủng 1968 bốn thập niên trước, người ta đã nhanh chóng nhận ra rằng không phải chủ nghĩa kinh tế tự do mà chính sự vi phạm những nguyên tắc cơ bản của nó đã dẫn đến đổ vỡ; chủ nghĩa kinh tế tự do được tái khẳng định.

Nhận định cơ bản là trong bốn thập niên qua các đảo lộn lớn diễn ra khoảng mười năm một lần đều có tác dụng khiến thế giới lành mạnh hơn sau khi giải phẫu được một số tật bệnh do quá khứ để lại.

Trong tương lai thế giới sẽ còn phải giải quyết những vấn đề lớn khác. Hồi Giáo sẽ bắt buộc phải thích nghi với thời đại mới, như Thiên Chúa Giáo đã từng phải trải qua cuộc xét lại nhức nhối trong thế kỷ 18; các chế độ độc tài xuất phát từ chủ nghĩa Mác – Lênin tại Trung Quốc và Nga phải bị đào thải; sự đào thải sẽ diễn ra như thế nào và vào lúc nào còn là một câu hỏi nhưng bắt buộc phải diễn ra bởi vì Nga là một nước đang trên đà phá sản và Trung Quốc đang tích luỹ những mâu thuẫn nghiêm trọng và hiểm nghèo. Đó là chỉ kể những vấn đề chính trị nóng bỏng. Việt Nam có nguy cơ bị quên lãng trong quan tâm của thế giới vì những vấn đề lớn này, như đang bị quên lãng hiện nay vì cuộc chiến tranh chống khủng bố và cuộc khủng hoảng kinh tế. Bối cảnh thế giới tuy thuận lợi cho dân chủ nhưng để ra khỏi chế độ cộng sản chúng ta chỉ có thể trông đợi ở chính mình.

Hai mươi năm sau, kỷ niệm ngày bức tường Berlin sụp đổ, một người Việt Nam khó có thể không bùi ngùi. Vẫn những câu hỏi day dứt: tại sao chúng ta lại sa vào ách cộng sản và chừng nào chúng ta mới ra khỏi?

Ngày hôm nay nếu đặt câu hỏi “nếu không có chủ nghĩa cộng sản Việt Nam giờ này sẽ khá hơn hay kém hơn?” thì chắc chắn mọi người đều trả lời như nhau: chúng ta sẽ khá hơn nhiều, rất nhiều. Điều đau đớn và hổ nhục nhất là chủ nghĩa cộng sản đã được du nhập vào Việt Nam 75 năm sau khi nó đã bị từ bỏ như một sai lầm ngớ ngẩn tại châu Âu [2], và dù vậy vẫn toàn thắng 30 năm sau đó. Không những thế nó còn tiếp tục tồn tại, sau khi hoá thân thành một chính quyền cướp bóc, như là một thách đố đối với trí tuệ và phẩm giá của người Việt Nam mà không gặp một chống đối đáng kể nào. Trước mặt nó vẫn chưa có một lực lượng dân chủ có tầm vóc.

Trong bài viết năm 1986 đã nhắc tới ở phần trên, khi dự đoán sự sụp đổ của chủ nghĩa và phong trào cộng sản, tôi đã không mấy lạc quan về hạn kỳ dân chủ. Tôi cho rằng chúng ta sẽ chỉ có thể có dân chủ sớm nhất là sau mười năm, nhưng cũng có thể là 25 năm nếu chúng ta không nhanh chóng đổi mới cách suy nghĩ và hành động. Ngày nay, dự đoán bi quan nhất đã trở thành quá lạc quan. Vì một bức tường khác, một bức tường Việt Nam, vẫn chưa sụp đổ: bức tường văn hoá và tâm lý .

Do di sản Khổng Giáo chúng ta đã dịch chữ politics thành “chính trị” và hiểu nó như là sự tranh giành quyền lực thay vì là việc làm chung của nhiều người và coi hoạt động chính trị như là những cố gắng cá nhân để được làm quan thay vì là những đóng góp và hy sinh cho một cuộc đấu tranh tâp thể vì một lý tưởng quảng đại. Do di sản của ngoại thuộc chúng ta không tin tưởng lai Việt Nam phải do người Việt Nam quyết định và chờ đợi để được một thế lực nào đó đưa lên cầm quyền hay mời ra làm quan. Kết quả là chúng ta có thừa nhân sĩ nhưng lại không có nổi một tổ chức dân chủ có tầm vóc; những cố gắng nghiêm túc bị chìm đắm trong khối xô bồ của những loay hoay vô nghĩa. Và đất nước tiếp tục quằn quại trong nghèo khổ, tụt hậu và kìm kẹp. Đến bao giờ?

Các thế hệ Việt Nam mai sau khi phải tiếp nhận di sản bi đát này chắc chắn sẽ gào thét trên ký ức của ông cha: “Tại sao?”

Nguồn: www.Thông Luận.org

Phản hồi