Họa vô đơn chí
1- Cơn lũ cuốn..tiền
Ngày 29 tháng 6 chợ Vòm bị đóng cửa. Thế là ngay lập tức mấy chục ngàn người Việt bị mất cả một gia tài. Họ bị mất tiền theo đủ mọi cách. Họ bị mất “công”. “Công”- cách gọi gắn gọn và Việt hóa quầy bán hàng ở chợ Vòm- bao nhiêu năm qua không chỉ là nơi làm việc, mà còn là một tài sản lớn của mỗi người Việt bán hàng ở đây. Giá một cái “công” xê dịch từ 10-20 ngàn đô la đến những “công” đẹp trị giá cả 200-300 ngàn đô la Mỹ, nay bỗng chốc đã biến thành đống sắt vụn vô tri.
Họ mất hàng. Tất cả hàng hóa nằm trong “công” bán hàng bị cảnh sát canh gác không thể vào lấy được. Mấy tháng trời người Việt phải chia nhau canh gác ngày đêm để yên tâm không ai lấy hàng trong “công” của họ đi mất. Thế mà vẫn có bao nhiêu người bị mất cả “công” hàng không cánh mà bay. Rồi họ còn mất cả tiền nữa. Mất đủ lọai tiền. Tiền phạt để khỏi bị đóng dấu trục xuất về nước. Tiền để mua lại chính hàng của mình ra khỏi “công”. Tiền để thuê chính cảnh sát áp tải hàng đến kho mới an tòan. Bỗng chốc cả gia tài sạt lở như nước lũ. Đối với nhiều người thì cả gia tài bị cuốn đi không còn dấu tích.
2- 1001 kiểu mất tiền
Người xưa nói họa vô đơn chí quả không sai. Cơn lũ khỏi đầu từ chợ Vòm mới chỉ bắt đầu những mất mát của người Việt thôi.
Sau một tháng chờ đợi thấy chợ Vòm không có cơ hội hồi sinh, người Việt nhanh chóng tỏa đi tìm mảnh đất lành mới để quy tụ. Một nhóm nhanh chóng đến thuê chỗ ở chợ Ludjniky, hay vẫn dược gọi là chợ Sân vận động. Đây là chợ bán hàng đầu tiên của người Việt những năm 90 ở phía tây nam Moskva. Và đến nay vẫn là một chợ bán buôn lớn, chỉ đứng sau chợ Vòm. Chợ đã định dựng lên một dẫy lán bán hàng ngòai trời cho người chợ Vòm đến thuê. Nhưng rồi cảnh sát đến kiềm tra không cho người Việt và người Trung Quốc đứng bán hàng ở đây. Thế là chỉ hơn một tháng sau giấc mơ phục hồi lại bị tan biến.
Một nhóm khác di tản đến thuê chỗ tại chợ Liublino, một khu chợ rất hiện đại mới được xây dựng đầu thập niên này ở phía đông của thành phố. Chỉ trong vòng 3 ngày hơn một ngàn chỗ bán hàng còn đang trống ở đây đã cho thuê hết. Lúc trước chợ cho thuê 1 quầy bán hàng chưa đến 100 ngàn rúp mỗi tháng, nghĩa là chưa đến ba ngàn đô la mà không cho thuê hết chỗ. Vậy mà khi dòng người từ chợ Vòm ùa vào thì giá cho thuê chỗ tăng lên mỗi ngày. Đến cuối tháng 7 giá cho thuê chỗ đã thành 300 ngàn rúp một tháng, rồi tăng lên đến 500 ngàn, cuối tháng 9 có nhiều chỗ đã cho thuê với giá 750 ngàn rúp, nghĩa là hơn 25 ngàn đô là Mỹ cho một quầy bán hàng chưa đến 20 m2!
Nhưng chợ Liublino là chợ xây dựng hiện đại, nên không thể mở rộng ra được theo nhu cầu buôn bán, nên dù giá tăng như vậy, nhiều người vẫn không tìm được chỗ để thuê.
Chợ Sadovod- tiếng Nga là chợ “Người làm vườn”, được người Việt gọi bằng một cái tên ngắn gọn hơn là chợ “Chim”, vì ở đây vẫn thường bán các lọai gia cầm, chim cảnh. Chợ Chim là khu chợ thứ ba người Việt Nam và Trung Quốc quần tụ về sau khi vỡ chợ Vòm. Chợ Chim không hiện đại ấm áp như chợ Liublino, cũng chưa có khách hàng mua buôn đông đúc sẵn có như chợ Ludjniky. Bù lại nó có môt khỏang không rộng rãi xung quanh, cần mở rộng thêm chỗ bán hàng, chỉ cần đưa về một dãy container cũ là có ngay chỗ bán hàng. Giá thuê chỗ so với Liublino thì quả là rẻ hơn rất nhiều, chỉ trên dưới 3000 đô la Mỹ một tháng. Thế nên rất nhiều người Việt đã đến thuê chỗ ở đây, hy vọng có được một chốn dung thân mới. Nhưng họ lại môt lấn nữa bị mất tiền. Lần này thì không phải vì nước Nga, không phải vì cảnh sát, mà vì chính những người Việt lợi dụng nhu cầu cần chỗ bán hàng để lấy tiền của họ.
3- Nhiễu điều phủ lấy giá gương….nay đâu rồi!
Đã gần một tháng nay 60 gia đình dãy AH 13 của chợ Chim hết kêu oan với chủ chợ, lại viết đơn lên tòa đại sứ Việt Nam đề nghị bảo vệ quyền lợi cho họ, nhưng rõ ràng chẳng ai có ý muốn tìm hiểu sự thật chứ đừng nói đến chuyện thực thi công lý và bảo vệ quyền lợi cho những người Việt này.
Sự thể là giữa tháng 7 vừa rồi, sau khi chợ Vòm đóng cửa, 60 gia đình Việt Nam đã đến tìm cách thuê chỗ bán hàng ở chợ Chim. Một gia đình người Việt đã làm ăn ở đây lâu năm, có mối quen biết với chủ chợ, đứng ra nhận làm trung gian môi giới để thuê chỗ cho nhóm người Việt này. Việc một người Việt đứng ra làm trung gian giữa những người Việt muốn thuê chỗ và chủ chợ Nga là chuyện thường xảy ra trong lịch sử cộng đồng người Việt. Các nhân vật trung gian này nếu tổ chức được một nhóm lớn thì sẽ thành chủ chợ như ông Nguyễn Ngọc Hường, chủ chợ KT, một chợ trong quần thể chợ Vòm. Nếu không thì cũng tạo thành một góc riêng biệt trong các chợ lớn như chợ Emiral….Chính vì vậy các gia đình này đã không nghi ngờ gì khi giao 30 ngàn đô la Mỹ cho gia đình trung gian người Việt với lời hứa sau khi giao hết tiền sẽ được nhận giấy chứng nhận chủ quyền một “công” bán hàng trong dãy AH 13, và giá thuê “công” sẽ giữ ở mức 3000 đô la Mỹ trong 6 tháng. Như vậy là sau 3 tháng, từ tháng 8 đến tháng 11, 60 gia đình đã giao đủ 1 triệu 800 ngàn đô la Mỹ cho gia đình trung gian và yên tâm là họ đã lại có một nơi chốn bán hàng ổn định như vừa mất ở chợ Vòm. 30 ngàn đô la mỹ không phải là một số tiền nhỏ, nhất là sau một phen nhiều nhà vừa bị mất gần như cả cơ nghiệp. Nhiều người đã lại phải vay mượn gửi từ Việt Nam sang, nhiều người đã lại phải chắt bóp hy sinh bao nhiêu nhu cầu hàng ngày để dồn hết số tiền còn lại cho niềm hy vọng cuối cùng.
Thế nhưng tiền trả hết đã lâu mà giấy chủ quyền “công” vẫn chẳng thấy đâu. Lạ nữa là các dãy khác không ai phải nộp tiền mua chỗ dài hạn như vậy cả, đã thế giá thuê chỗ mỗi tháng lại rẻ hơn dãy AH 13 đến hơn ngàn đô la mỗi tháng. Cụ thể là tháng 10 rẻ hơn 33000 rúp- tương đương 1100 đô la, tháng 11 thì rẻ hơn đến gần 2500 đô la, tháng 12 rẻ hơn gần 2000 đô la…Ô, hóa ra những người bỏ tiền đầu tư lại phải chịu thêm thuế…đầu tư nữa.
60 gia đình chạy đôn chạy đáo tìm câu trả lời đâu là công lý. Hôm 13 tháng 11 cả 60 gia đình đã họp với gia đình trung gian người Việt, những người đã thu tiền của họ, với 4 người đại diện của sứ quán: nào trưởng ban công tác cộng đồng, nào đại diện phòng lãnh sự, nào đại diện ban 5, nào thường trực ban công tác cộng đồng. Lại một lần nữa người ta được nghe những lời hứa rất chắc chắn là sẽ khắc phục sự việc bất công này trong vòng hai tuần, nếu tiếp tục ở lại bán hàng sẽ trả lại 15 ngàn đô la cho mỗi nhà…
Nhưng hai, rồi ba tuần đã trôi qua nhưng vẫn không có gì thay đổi. Các nhân viên sứ quán bắt các đương sự phải giải quyết và báo cáo cho sứ quán biết kết quả, nhưng kết quả ra sao dân chúng vẫn hòan tòan mịt mờ. Đầu tháng 12 trong khi các dãy khác chỉ phải đóng 80-90 ngàn rúp tiền thuê chỗ thì riêng dãy AH 13 “được ưu tiên” nộp 130 ngàn rúp. “Ưu tiên” vì đã có tiền nộp mua chỗ, “ưu tiên” vì dám đòi công lý giữa cái thời mà chỉ có sức mạnh của đồng tiền.
© Bùi Lan Hương
Va hay co gang lam sao de nhung y kien phan hoi nay cua toi khong bi xoa di nhu nhung phan hoi cho cac bai khac, chung ta huong den tu do ngon luan co ma!!!!
Va toi nghi khi chi keu goi moi nguoi hay co chinh kien, thi lieu ban than chi da bao gio dam noi len chinh kien cua minh chua? Hay chi biet nup bong nguoi khac, su dung y kien cua nguoi khac, va lum nhat thong tin via he chua co xac thuc de danh bong ban than minh?
Tac gia khi viet nen tim hieu ky truoc khi cam but. Dung tu bien minh thanh con vetva dua nhung thong tin ma ban than minh khong biet va khong nam duoc- do la cach lam cua nhung nguoi kem nang luc.