Tôi đi xem bói
Mấy tháng trước, trong một lần nhậu nhẹt đã hơi xỉn xỉn, chúng tôi có khoe là đã từng đi xem bói, xin sâm và cầu cơ, lại còn hứa là sẽ kể hầu quý vị khi có dịp. Nói là “đã từng” cho nó oai, chứ thực ra mỗi thứ cũng chỉ có một lần thôi, với lại một lần cũng đủ quá rồi, chứ cần gì nhiều, phải không quý vị? Hôm nay dịp ấy đến rồi, vậy chúng tôi xin kể ra đây hầu quý vị, xem như trả nợ một lời đã hứa!
Theo thứ tự trước sau thì tôi được “coi tướng” trước nhất. Thuở ấy tôi mới chừng 9 – 10 tuổi, đang học lớp Ba hay lớp Nhì gì đó ở trường làng thì được một ông cụ là bạn vong niên với thầy tôi xem bói cho. Thú thực ngày còn nhỏ tôi học dốt lắm, thầy tôi cũng bảo thế! Học trước quên sau, nhưng những chuyện ấm ớ thì nhớ thật dai, chả thế mà cho tới hôm nay tôi vẫn còn nhớ như in cách ăn mặc, nét mặt và những điều ông cụ đã phán về tôi. Ngày đó chính tôi cũng không biết tại sao tôi lại học dốt như thế, nhưng bây giờ thì tôi nghiệm ra rồi, cũng chỉ tại tôi “mê” những thứ khác hơn mê học, thí dụ như mới học lớp Nhất trường làng thôi mà đã biết “nhớ nhung” một vị cô nương học cùng lớp đấy các cụ ạ! Chết thật, thế thì bảo làm sao mà học hành cho khá được chứ?
Hôm ấy, vào một buổi chiều Chúa Nhật, ông cụ đến nhà tôi chơi. Cũng phải nói rõ rằng: Kể về tuổi tác thì ông cụ hơn tuổi thầy tôi nhiều, lại là người khác làng, nhưng không hiểu tại sao hai người lại chơi thân với nhau. Lần nào đến, tôi cũng chỉ thấy ông cụ mặc một cái quần trắng cháo lòng và cái áo the thâm đã rách vai, trên đầu đội cái khăn xếp đã bị gián nhấm mất vài chỗ. Một lần tôi có hỏi thầy tôi cụ là ai thì thầy tôi bảo: Cụ làm nghề Thầy Bói và để hướng cửa, hướng nhà cho người ta, hay lắm! Hôm ấy, sau khi đưa ấm nưới sôi cho thầy tôi để Người pha trà đãi khách, tôi đang định phóng đi chơi tiếp thì cụ bảo đứng lại cho cụ coi. Cụ hỏi kỹ càng bu tôi về giờ và ngày sinh, tháng đẻ của tôi rồi bấm đốt ngón tay lẩm bẩm: Tí, Sửu, Dần, Mão, Thìn… Sau đó cụ bắt tôi quay bên phải, quay bên trái, quay đằng trước, quay đằng sau, đi tới, đi lui cho cụ coi. Quan sát đã đời rồi cụ mới gật gật đầu, phán:
- Xét về tướng số, thằng này cũng tàm tạm, sau này không đến nỗi nào, nhưng phải cái dài mồm ăn người và có tới ba đời vợ!
Lời phán này của cụ tôi nhớ suốt đời không bao giờ quên. Về câu “Sau này không đến nỗi nào” thì có phần đúng vì không kể thời gian phải đi ở tù cải tạo của Việt Cộng là thê thảm nhất, còn lúc nào tôi cũng kiếm đủ sống cho gia đình, không đến nỗi để cho đói. Riêng về mục “Dài mồm ăn người và có tới ba đời vợ” thì sai, sai đứt đuôi con nòng nọc đi rồi. Tôi chẳng ăn không của ai cái gì bao giờ, hễ có đi tất có lại, có khi tôi còn chịu thiệt thòi là đàng khác! Còn ông cụ bảo tôi “dài mồm” là bởi ngày còn nhỏ tôi nghịch quá, suốt ngày chạy nhảy, đánh đinh đánh đáo nên ăn bao nhiêu cũng không lại, người cứ gầy đét nên cái mồm nó mới vêu ra, chứ mồm tôi có dài thật đâu! Còn dĩ nhiên có nhiều vợ thì ai lại chẳng thích? Nhưng mà là có nhiều vợ cùng một lúc cơ, chứ vợ này mất đi rồi mới lấy vợ khác thì lại là một sự đại bất hạnh. Ngoài ra cũng chẳng nên quên câu mà người ta thường nói: “Một vợ thì nằm giường Lèo, hai vợ thì nằm chèo queo, ba vợ thì ra chuồng heo mà nằm”! Tôi có ngu đâu mà lại muốn “nằm chèo queo” hay là “ra chuồng heo mà nằm” chứ? Lại nữa tôi năm nay đã quá tuổi “Cổ lai hi” rồi mà bà xã thầy bu tôi cưới cho từ ngày tôi còn rất trẻ vẫn còn sống nhăn. Nói dại đổ xuống sông xuống biển, chẳng may bây giờ mà bà ấy mất đi thì cũng đành chịu thôi, chứ già thế này rồi ai mà thèm lấy nữa? Với lại “rước” về để làm gì, làm ăn gì được nữa đâu, thế thì rước về để mà thờ à?!
Đấy, lần duy nhất trong đời được coi tướng, coi số thì Thầy Bói đã nói sai toét toè loe ra rồi, thế thì bảo tin vào tướng số làm sao được chứ?
Thứ đến là xin sâm: Năm ấy tôi học ở Nha Trang, vào một buổi chiều Chúa Nhật tôi theo mấy thằng bạn lên Tháp Bà chơi. Tháp Bà chẳng những là một thắng cảnh mà còn được kể là một nơi rất linh thiêng. Vào những ngày Rằm, Mùng Một hay những ngày lễ nghỉ khách thập phương đến vãn cảnh hoặc cúng bái đông lắm. Trong tháp lúc nào cũng khói nhang nghi ngút, chỗ này người xì xụp lạy, chỗ kia người kính cẩn lắc sâm. Vì sắp đến kỳ thi Trung Học Đệ Nhất Cấp nên tôi cũng muốn thử xem Thánh dạy đậu rớt thế nào. Bắt chước mấy thằng bạn, tôi cũng miệng khấn, tay lắc. Một que sâm rớt ra khỏi ống, tôi nhặt đem ra ngoài nhờ một thầy bàn sâm xem dùm. Thầy cầm thẻ sâm lẩm nhẩm đọc rồi mặt thầy tươi lên, thầy nhìn tôi cười, bảo:
- Chúc mừng cậu, kỳ thi này cậu đậu chắc rồi, đây này Thánh dạy rõ ràng “Công thành danh toại, bảng Hổ đề danh”!
Thầy nói thế thì tôi biết thế, chứ chữ trên thẻ sâm là Chữ Nho, tôi có đọc được đâu. Chúc mừng xong, thầy còn nhìn tôi nheo nheo một con mắt:
- Trông mặt mũi sáng sủa thế này thì thi đậu là cái chắc chứ còn gì nữa?
Nghe thầy nói mà tôi nở ruột, nở gan bèn biếu thầy 5 đồng. Ngày đó ở Việt Nam 5 đồng cũng trị giá bằng 5 Đô La Mỹ bây giờ, có khi còn giá trị hơn. Nghĩa là nếu vào tiệm phở thì cũng xơi được một tô phở ngon lành, vì giá một tô phở ngày đó cũng chỉ 3 hoặc 5 đồng thôi, gọi là phở ba hay phở năm mà lại chẳng phải típ, tiếc gì. Tôi ra về mà mặt mũi cứ vênh vênh lên, bạn bè cùng lớp đứa nào học dở hơn tôi một chút là tôi coi bằng nửa con mắt, vì trong bụng cứ đinh ninh rằng “ông” thi đậu là cầm chắc rồi, Thánh đã dậy thì làm sao mà sai được? Thế nhưng mà các cụ ạ, năm ấy tôi trượt vỏ chuối. Lúc coi bảng kết quả không thấy tên mình, tôi giận ông thầy “bàn sâm” rồi giận luôn cả Thánh. Nhưng sau bình tĩnh nghĩ lại thì thấy nếu năm ấy tôi thi đậu mới là chuyện lạ, chứ rớt là đương nhiên thôi, vì học hành có ra gì đâu mà đòi thi với cử, đầu óc lúc nào cũng chỉ hình ảnh mấy vị cô nương! Có điều giá Thánh cứ bảo ngay là tôi rớt đi thì tôi cũng đỡ tức, hay là Thánh thấy tôi lấc cấc bèn “trác” tôi cho bỏ ghét, nếu mà thật thế thì cũng đáng đời tôi. Tuy vậy dù thế nào đi nữa thì cũng là… Thánh nói sai!
Tôi cũng đã được nghe nói đến “Cầu Cơ” nhiều rồi nhưng chưa hề được thấy bao giờ, mãi đến sau ngày 30/4/1975 khi đã vào trại tù cải tạo của Việt Cộng rồi thì chẳng những được thấy mà còn đích thân tôi được “ngồi Cơ” nữa. Dân Vũng Tàu chúng tôi, trừ những người bị bắt hoặc vì một lý do gì đó mà bị Việt Cộng nó đưa đi nhốt ngay sau ngày 30 tháng Tư, còn hầu hết thì hơn một tháng sau ngày mất nước mới có lệnh tập trung để được đưa đi học tập cải tạo, đem theo một tháng tiền ăn cùng với những vật dụng cần thiết như mùng, mền, quần áo v.v. Việt Cộng nó chở chúng tôi đến trại Thanh Hoá, Hố Nai, Biên Hoà. Nơi đây trước kia là trại gia binh của một đơn vị Biệt Động Quân, gồm khoảng 7-8 dẫy nhà tôn và chung quanh không có hàng rào chi cả. Phải thành thật mà nói những ngày đầu tập trung cải tạo thoải mái lắm, chỉ ăn chơi chả phải làm gì lại muốn ra, vào trại lúc nào cũng được, vì thế mà chúng tôi đã có thể tổ chức cầu cơ ngay trong phòng của mình.
Phòng chúng tôi ở gồm có 6 người là các anh: Lê Minh Đạt, Hà Hữu Đức, Nguyễn Phước Thành, Lê Đình Nhuận, Đắc (anh này tôi không nhớ họ) và tôi. Hôm đó chúng tôi nấu một nồi chè đậu xanh, anh em ăn rồi còn dành lại một chén nhỏ để tối hôm đó cầu cơ. Cách cầu và bài “thiệu” (Thần Chú) thì do anh Chẩn, có biệt danh là “Chẩn Cánh Cụp Cánh Xoè” ở phòng bên chỉ cho. Sở dĩ anh em gọi anh là Chẩn Cánh Cụp Cánh Xoè vì một cánh tay anh có tật không duỗi thẳng ra được, nhái theo kiểu nói của Việt Cộng kêu máy bay F111 của Mỹ là cánh cụp cánh xoè vì khi muốn bay nhanh thì nó cụp cánh lại, lúc cần bay chậm nó lại xoè cánh ra. Sau khi ra tù, anh Chẩn và gia đình vượt biên, nay đang ở Thuỵ Sĩ.
Bài “Thần Chú” đó như thế này:
Hồn này ở chốn Non Bồng
Qua đây hồn cũng vui lòng ghé chơi
Hồn bay, bay bổng về trời
Là hồn vũ tướng hay hồn danh nhân
Là hồn của kẻ trai tân
Hay hồn thiếu nữ muôn phần xinh tươi
Nén hương thơm ngát đốt rồi
Nước trong sẵn có xin mời hồn lên
Hồn lên cho khắp bốn bên
Làm cho Cơ động Cơ đi dần dần
Kìa Cơ đã động ba chân
Hồn còn làm lại nhiều lần cho coi
Kìa Cơ đã sẵn nhích rồi
Nhích cho thật mạnh mọi người đều trông!
Có bài “thiệu” rồi, còn phải có một số dụng cụ cần thiết nữa là: Một tấm bìa khổ giấy lớn ở giữa vẽ hình trái tim, phía trên cùng tấm bìa là hàng chữ: Thánh, Thần, Tiên, Phật, Ma, Quỷ. Hàng kế là 24 chữ cái ABCD… Hàng kế nữa là các chữ và dấu: Ă, Â, Ô, Ơ, Ư, sắc, huyền, hỏi, ngã, nặng. Hàng cuối cùng là 10 số: 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 0. Thêm một miếng gỗ gọt giống hình trái tim lớn khoảng 4 đốt ngón tay, nếu được miếng gỗ ván hòm chôn người chết thì càng tốt.
Hôm ấy vào khoảng 8-9 giờ tối, chúng tôi lấy mùng mền che kín tất cả các cửa sổ lại, thắp nến rồi bầy Cơ ra. Đồ cúng gồm: Mấy cây nhang, 1 chén nước lạnh, 1 chén chè đậu xanh và 2 cái bánh ú. Lê Đình Nhuận và tôi ngồi Cơ. Cứ theo như người ta nói thì “ngồi Cơ” phải là “một Đồng Nam và một Đồng Nữ” thì Cơ mới linh. Không biết chữ “Đồng” đây có phải là “đồng trinh” nghĩa là người chưa “nhuốm bụi trần” không? Trong khi Lê Đình Nhuận đã 9, 10 đứa con, còn tôi thì 5 đứa!
Hai chúng tôi đặt hờ hờ ngón tay trỏ lên con Cơ rồi đọc “Chú”. Đọc đi đọc lại hoài, lát sau Cơ nhúc nhích. Tôi hỏi: Thánh, Thần, Tiên, Phật hay Ma Quỷ? Cơ nhích dần đến chữ Quỷ. Hỏi tiếp: Trước kia hồn làm gì? Cơ đi vòng vòng, ráp lại thành chữ: Bộ Đội. Hỏi tiếp: Tên gì? Đáp: Phan Bê! Sao mà chết? Bom! Chết ở đâu? Trường Sơn! Hồn có biết bao giờ chúng tôi được về với gia đình không? Cơ ngập ngừng, giật giật, khựng khựng y như là không biết hoặc biết mà không dám tiết lộ thiên cơ. Cà rịch cà tang mãi mới ráp được thành chữ 6 tháng! Lại hỏi tiếp: Sao cách mạng bảo 1 tháng mà lại là 6 tháng? Cơ ì ra, không động đậy, thế rồi hỏi gì cũng không nói nữa! Nhuận và tôi ra để Thành và Đức vào thế. Hai anh đọc “Thần Chú” đến mờ người, văng nước miếng cũng không thấy Thánh, Thần, Tiên, Phật hay Ma Quỷ nào “giáng” nữa cả, thế là đêm ấy dẹp tiệm, đi ngủ. Đêm sau lại cầu tiếp, nhưng chè và bánh ú để lâu sợ thiu nên ăn mất rồi chỉ còn chén nước lạnh và mấy miếng kẹo đậu phọng. Cũng làm như đêm trước, Nhuận và tôi ngồi Cơ. Đọc Thần Chú mỏi mồm Cơ mới lại giật giật rồi nhích đi từ từ, lại cũng Quỷ nữa, sau đó hỏi gì Cơ cũng chỉ đi vòng vòng, có khi ráp lại không thành chữ gì, y như hồn không biết chữ vậy! Tôi bực mình đuổi: Cút, chỉ bố láo bố lếu! Hồn thăng, cuộc cầu Cơ hoàn toàn thất bại, từ đó chúng tôi không bao giờ cầu Cơ lại nữa. Ở trại Thanh Hoá, Hố Nai, Biên Hoà đến hơn một năm rồi chuyển đến trại Suối Máu, Biền Hoà. Sau đó ít lâu chúng tôi lại bị Việt Cộng chuyển đi tứ tung, người tù cải tạo 3 năm, người 6 năm, người 12, 13 năm, riêng tôi được 6 năm 4 tháng.
Kính thưa quý vị, tôi thật tình không dám nói bói toán là bố lếu bố láo, nhưng cả ba thứ mà tôi đã trải qua đều như thế đấy! Hay là chỉ tại tôi gặp toàn một thứ “Thầy” chẳng ra gì? Cũng cần thưa ngay là ngay cả “Hồn Ma” mà chúng tôi gặp trong lúc cầu Cơ tôi cũng coi là một thứ Thầy Bói: Thầy Bói Ma! Vâng, có thể là chúng tôi gặp toàn loại chẳng ra gì! Chứ còn như Tổng Thống Thiệu, sách bói gối đầu giường cả đống, còn chung quanh lúc nào cũng đầy những Thầy Bói thứ xịn nhất, lại còn xây cả Hồ Con Rùa để trấn yểm, sao rút cục cũng chẳng ra gì thế? Thế thì bây giờ các vị bảo sao nào?
Nguồn: Hưng Yên, Mạch Sống