Con Mèo hay con Thỏ?
Từ nhiều năm nay, cứ mỗi lần Tềt đến thì làng báo Việt Nam lại có những bài viết về các con vật tượng trưng cho địa chi của năm mới. Tuy nhiên, chưa thấy có ai giải thích tại sao năm Tý lại là con chuột, năm Dần lại là con cọp, … Đặc biệt là năm nay – năm Mão, không ai lý giải tại sao người Việt lại nói năm Mão là năm con mèo mà người Tàu thì cho là năm con thỏ.
Người Tàu thì luôn cho rằng văn hoá Đông Á cổ là văn hoá Tàu nên con thỏ mới đúng, người Việt thì nói rằng Mão và mèo gần đồng âm với nhau nên Mão phải là con mèo mới đúng. Thực hư ra sao? Con nào thì đúng, con nào thì sai? Ai phải, ai trái?
Giữa người Việt và người Tàu có một thứ chữ chung là chữ Nho 儒, thứ chữ của người đi học, chữ cần dùng hàng ngày, mà người Tàu gọi là Hoa văn hay là Hán văn. Nếu người Việt căn cứ vào thứ chữ viết theo lối La-tinh còn người Tàu căn cứ vào chữ Hán thì sẽ không có cùng một cơ sở để tranh luận đưọc. Thế nên xin dùng cái chung này để giải quyết tranh chấp giữa hai bên Tàu-Việt về con mèo hay con thỏ. Vấn đề gọi là chữ Nho hay chữ Hán thì chúng tôi xin bàn lại trong một bài khác, nay xin tạm gọi là chữ Nho. Và, dù gọi là chữ Nho hay chữ Hán thì chữ Mão nghĩa là năm Mão cũng được viết bằng môt trong hai cách:
- Cách thứ nhất là viết với bộ Tiết 卯. Hầu hết sách vở hiện nay viết cách này và hầu hết mọi người cũng chỉ biết chữ Mão này.
- Cách thứ hai viết với bộ Hộ 戼 . Cách này chỉ thấy ghi trong Hán Việt Tự Điển của Thiều Chửu (nhà xuất bản TP HCM, bản in tháng 3/1999, trang 222) còn những quyển như Hoa Việt Tân Từ Điển (Lý văn Hùng, nhà Xuất bản Vĩnh Hoa, Hương Cảng, bản in 1971, và Từ Điển Hán Việt – Hán ngữ cổ đại và hiện đại (Trần Văn Chánh, nhà xuất bản Trẻ, bản in quý 1/2005) đều không thấy ghi.
Bản Thiều Chửu ghi chú: 戼 nguyên là chữ 卯
Như vậy, chữ mão viết với bộ Hộ và chữ mão viết với bộ tiết là hai chữ có cùng nghĩa chỉ khác nhau cách viết. Tôi cho rằng chữ 戼 phải có trước, sau mới đổi lại thành 卯 viết với bộ Tiết, vì hiện nay người ta dùng cách viết với bộ tiết này. Chính vì cái chuyện đổi cách viết này mà việc tranh cãi con mèo và con thỏ không có kết luận. Ai đã đổi cách viết và tại sao thì xin được bàn trong một bài khác, nay chỉ xin nói đến chữ Mão trước.
Tiết 卩là cách viết tắt của 節 có nghĩa là đốt tre, nhịp, … thế nhưng đốt tre hay nhịp có dính dáng gì đến con mèo hay con thỏ gì không thì không thấy ai giải thích. Các từ điển đều ghi Mão 卯 là: Chi thứ tư trong mười hai chi; từ năm giờ sang đến bảy giờ sang là giờ mão.
Hán Việt Tự Điển ghi thêm các chữ: điểm mão (gọi tên), ứng mão (trả lời khi được gọi)
Hoa Việt Tân Từ Điển ghi: mão nhi (món đồ hình méo)
Từ Điển Hán Việt ghi: mão chuẩn (mộng âm và mộng dương trong nghề mộc)
Hộ 戶có nghĩa là cửa ngõ, cái ngăn (Thiều Chửu), cánh cửa (Lý Văn Hùng), cửa (Trần Văn Chánh). Tại sao Mão lại viết với bộ Hộ?
Chữ viết thuở sơ khai là những hình vẽ hay ký hiệu dùng để ghi lại ý nghĩ hay nhận xét của con người về những gì có hoặc xảy ra chung quanh. Chữ nho cũng vậy. Thoạt đầu, đó là những ký hiệu ghi lại hình ảnh của các thứ xuất hiện chung quanh con người, rồi dần dần đi đến diễn tả âm thanh, ý tưởng bằng cách ghép các ký hiệu này lại với nhau.
Đấu tiên, người ta dùng vòng tròn có tia sáng chiếu ra để chỉ mặt trời ☼ rồi đơn giản hoá đi biến thành 日tức là chữ nhật. Để chỉ mặt trăng người ta cũng vẽ gần giống như vậy để phân biệt Ͽ rồi sau đó mới biến thành 月 tức là chữ nguyệt. Chính vì vậy chữ mão 戼 viết với bộ Hộ nghiã là mặt trời và mặt trăng đang ở cửa ngõ, hay là mặt trời và mặt trăng đang đi ra đi vào cũng thế. Xếp chữ mão vào bộ tiết tôi cho là không chính xác vì xem kỹ thì chữ mão 卯 cũng là hình vẽ của hai vật trái hướng nhau mà ra.
Ta hãy xem lại chữ mão chuẩn 卯 榫 : mộng và ngàm âm dương trong nghề mộc. Như vậy, rõ ràng chữ mão chỉ âm và dương, hay mặt trăng và mặt trời, ở cùng một chỗ hay cùng một lúc. Nói cách khác, mão cũng có nghĩa là không tối mà cũng chưa sáng, ta gọi là tranh tối tranh sáng, bảo là tối thì không phải mà bảo là sáng cũng không đúng, chưa có gì rõ rệt.
Trong tiếng Việt, chữ mão còn thấy trong cách nói của những người làm vườn: mua mão, bán mão. Một người buôn trái cây đến nhà vườn để mua thì người ta không đến vào lúc trái cây đã chin hay là lúc cây chưa ra hoa, mà người ta đến vào lúc hoa đã bắt đầu ra thành trái non và đặt mua tất cả trái cây trong vườn dù chưa biết đích xác số lượng trái cây sẽ thu hoạch ra sao, lối mua này gọi là mua mão, và lối bán này gọi là bán mão. Như vậy, mão cũng chỉ một việc gì chưa xác định.
Tự điển Thiều Chửu trang 545 có ghi chữ lữu 茆 là rau lữu, có một âm là mao đồng nghĩa với mao 茅 là cỏ tranh. Rau lữu là rau gì thì tôi chưa bao giờ nghe nói đến, xin các bậc cao minh chỉ giáo. Chữ mao là cỏ tranh thì dễ nhận ra vì nó viết với bộ thảo 艹 chỉ các loại cỏ, và chữ mâu 矛 nghĩa là cái giáo (gươm giáo). Cỏ tranh có lá nhọn như cái giáo thì ai cũng biết. Chữ cỏ mao茆 viết với bộ thảo và chữ mão rõ ràng chỉ một loại cỏ mọc khác với cỏ tranh.
Từ điển Hán Việt của Trần Văn Chánh ghi chú chữ lữu này là Brasenia schreberi. Nếu đúng như vậy thì đây là một loại bông súng (gần giống sen) và nếu ghi rằng chữ này đồng nghĩa với chữ mao là cỏ tranh thì tôi cho là không đúng.
Theo Đại-Thanh Nhất Thống Chí (tức bộ sách địa-dư của Trung-quốc dưới đời nhà Thanh), ở biên giới Lĩnh Nam và nhà Hán có núi Phân-Mao (Phân Mao Lĩnh) ở động Cổ-Sâm, cách Khâm-Châu khoảng 3 dặm về phía tây. Tương-truyền trên đỉnh núi Phân-Mao có thứ cỏ mà ngọn ngả theo hai hướng Bắc và Nam cho nên mới có tên gọi là núi Phân-Mao, nếu như vậy thì loại cỏ này ph ải gọi là mao và viết bằng chữ mao 茆 mới đúng, bởi vì nó viết bằng chữ mão 卯chỉ hai vật quay về hai hướng khác nhau và bộ thảo 艹, chứ không thể viết chữ mao 茅 là cỏ tranh. Người Tàu đã tìm cách phá huỷ và thay đổi rất nhiều chi tiết trong các sách vở để bôi xóa chứng tích xâm lược của họ đối với Bách Việt nên rất có thể họ đã ghi chữ mao 茅 thay vì mao 茆 khi nói đến núi Phân Mao [1]. Dù thế nào đi chăng nữa, ta có thể thấy rằng thật sự có một loại cỏ mọc về hai hướng khác nhau và có một chữ mao viết với chữ mão và bộ thảo.
Người Việt cũng gọi năm mão là năm mẹo. Chữ mẹo ta có thể nghe trong mưu mẹo, đố mẹo, mẹo vặt,…
Mưu mẹo hay mưu mô thường được dùng như nhau. Chữ mưu 謀 do chữ ngôn 訁(có nghĩa là lời nói) và chữ mỗ 某 (có nghĩa là nào đó, đâu đó, gì đó [2]) ghép lại. Chữ mô, trong mưu mô mà người việt hay nói, khi qua chữ nho thì ý nghĩa khác đi. Mô 謨 mà người Tàu viết trong mưu mô là chữ ghép từ chữ ngôn 訁(lời nói) và chữ mạc 莫 (nghĩa là không, chớ, chẳng, như chữ mạc trong câu thơ “tuý ngọa sa trường quân mạc tiếu” [3] vậy ). Mô 謨 được dịch nghĩa là mưu định hẳn rồi (Thiều Chửu). Xem ra cách giải thích này không có lý gì mấy. Tại sao chớ cộng với nói mà lại thành mưu định sẵn? Chúng tôi nghỉ rằng phải dịch là mưu không nói rõ ra được, hay là không giải thích rõ ràng được thì đúng hơn.
Nhân đây xin mở một dấu ngoặc để nóì qua về chữ mỗ 某 . Chữ mỗ này, theo tôi, chính ra phải đọc là mô. Nó là một từ tiếng Việt mà nay ta vẫn thấy người Huế hay dùng như: Đi mô rứa, mô nà, biết chi mô,… Chữ mô ở đây diễn tả một điều chưa chắc chắn, một điều người ta không biết rõ. Như vậy mưu là những tính toán có thể nói rõ ra được, còn mô là những gì chưa thể nói ra được. Chính vì vậy nên mưu mô và mưu mẹo mới được dùng giống nhau. Và như vậy mưu mẹo có nghĩa là một cái mưu không chính thức, đố mẹo là câu đố mà người ta phải suy nghĩ một cách không bình thường một chút, mẹo cũng là cách để giải quyết một vấn đề gì đó bằng một cách không chính thức. Bảo đúng thì không đúng mà bảo sai cũng không sai.
Như vậy, xin nhắc lại, mão có nghĩa là lúc tranh tối tranh sáng, chưa sáng mà cũng không tối. Chính vì vậy nên Mão mới (xung) đối với Dậu. Chúng tôi sẽ xin bàn đến Dậu trong một bài khác để làm rõ chuyện này.
Thế tại sao mão lại là con mèo?
Như đã nói ở trên, chữ nho là thứ chữ của người ta cần dùng hàng ngày. Nó được ghép bởi chữ nhân 亻 nghĩa là người, và nhu 需 nghĩa là thứ cần dùng. Chữ nho tương đối rắc rối và cần phải học mất thời giờ. Trong khi đó thì người nông dân, vốn là đa số rất lớn trong xã hội thời cổ, không có thời giờ và cơ hội để học, và do đó không biết chữ. Khi làm lịch để giúp cho người nông dân có thể hiểu được, cách dễ nhất là tượng hình, dùng hình ảnh để diễn tả. Ngay trong thế giới hiện đại, khi dạy ngôn ngữ người ta vẫn dùng hình ảnh minh hoạ để người học dễ hiểu và hiểu nhanh hơn.
Chính vì vậy, từ chữ mão hay mẹo người ta liên tưởng đến miêu (猫 hoặc 貓) tức là con mèo bởi vì mấy chữ này gần vần với nhau. Vẽ hình một con mèo thì dễ nhớ hơn là viết chữ mão. Từ đó, năm Mão thành năm con mèo.
Tại sao người Tàu lại vẽ con thỏ?
Chữ Thỏ 兔 còn được đọc là thố. Tự điển Hán Việt của Thiếu Chửu ghi âm thỏ. Chúng tôi tạm dùng âm thỏ để người đọc dễ theo dõi.
Chữ thỏ 兔 chỉ viết khác chữ miễn 免 (nghĩa là: từ bỏ, mất) có một cái chấm. Trong chữ nho có rất nhiều chữ viết bằng chữ thỏ này cộng với một chữ khác. Ví dụ: miễn 堍 tức là cái vệ cầu, cái mố cầu; oan 冤 có khi viết là oan 寃 nghĩa là oan ức. Nhiều chữ viết với chữ miễn cũng đọc với âm miễn (ví dụ: 俛 hay 勉) hoặc vãn (ví dụ: 娩 hay 晚). Ngoại trừ chữ thỏ (thố) 菟 trong thố ti tử (giây tơ hồng), không thấy chữ nào khác ghép chung với chữ thỏ hay chữ miễn đọc với âm ỏ, ố, hoặc thỏ, thố, cả. Và, những chữ này không có vẻ gì dính dáng đến hay vần với chữ mão cả.
Như vậy, năm Mão phải là năm con mèo thì hợp lý hơn. Nói tóm lại, chữ mão hay mẹo thuộc chữ Nôm, thứ chữ hay cách ghi lại tiếng nói của người nước Nam, phương Nam, không phải của người phương Bắc, tức là người Tàu [4].
Khi vẽ con thỏ thay vì con mèo, có lẽ người ta muốn xoá dấu vết của các chủ nhân đích thực của thập nhị địa chi. Vì không hiểu tại sao các con vật khác nhau lại được đem vào để chỉ địa chi nên người đánh tráo mới lấy những con vật của các dân tộc nông nghiệp thay bằng những con vật gần gũi với dân tộc săn bắn. Trong mười hai địa chi có bốn bị thay đổi là năm Sửu (con bò thay vì con trâu), Mão (con thỏ thay vì con mèo), năm Mùi (con cừu thay vì con dê), và năm Hợi (con heo rừng thay vì heo nhà).
Tại sao chúng tôi nói là đánh tráo? Bởi vì nếu xem xét kỹ mười hai địa chi người ta sẽ dễ dàng thấy rằng tên gọi của các địa chi Tý, Sửu, Dần, Mẹo, …, và các con vật tượng hình của các địa chi này, gần với cách nói của người Việt hơn người Hán rât nhiều.
Chú thích:
[1] Nhà Thanh, đời Càn Long, đã cho thu thập sách vở để soạn Tứ Khố Toàn Thư và các thư tịch khác như Tử Vi Đại Toàn, đồng thời ra lệnh huỷ tất cả các sách vở khác không được triều đình cho phép. Nhà Minh khi sang xâm lược và đô hộ Đại Việt đã chở các sách vở trong thư khố của triều đình Đại Việt về Tàu, đồng thời tiêu huỷ các sách vở khác. Ngay từ đời Tần Thuỷ hoàng, việc đốt sách chon học trò (phần thư khanh nho) đã bắt đầu tiến hành, đời hán cũng thế.
[2]: Ví dụ như mỗ ông 某 翁 , người Việt nói là ông mỗ nghĩa là một ông nào đó; mỗ sự 某
Từ thời nhà Thương (cổ Trung Hoa) thiên can địa chi được dùng để ghi lịch từng ngày mà thôi, như trong sách Xuân Thu. Còn cách ghi lịch năm không dùng thiên can địa chi, mà tính theo đời vua (năm thứ xx, đời vua xx). Đến thời nhà Đông Hán (Hán Chương Đế) thiên can địa chi mới được áp dụng thành lịch đánh dấu từng năm theo chu kỳ 60 năm. Còn về lịch dùng 12 con thú thì không rõ từ đâu ra, tuy nhiên có 1 thuyết cho rằng lịch này là của các dân tộc thiểu số vùng tây bắc Trung quốc. Sách Đường thư có ghi lại: “xứ Kyrgyz dùng 12 con thú để đánh dấu năm, nếu là tuổi Dần thì thuộc năm Hổ”. Hoặc trong sách Tống sử cũng viết: “Thủ lĩnh xứ Thổ Phồn dùng thú để đánh dấu năm khi kể chuyện xưa, năm Thỏ thế này, năm Ngựa thế kia”.
Mặt khác, các bộ lạc vùng Trung Á thời cổ (turkic) trước khi chịu ảnh hưởng Hồi giáo cũng có cách dùng lịch 12 con thú, tuy không có liên hệ gì với thiên can địa chi. Theo các học giả khoa chiêm tinh, rất có thể lịch thú đã du nhập vào Trung Hoa và được phối hợp vào nhóm thập nhị địa chi. Do đó không có gì đáng ngạc nhiên khi cách đọc của 12 địa chi không có liên hệ gì đến cách đọc 12 thú. Dĩ nhiên người Trung Quốc chỉ thích nhận là mình chế ra lịch thú và các bộ lạc du mục kia đã vay mượn sáng kiến này và truyền sang các vùng Trung Á.
Ai mượn của ai, bây giờ rất khó xác định được. Tùy theo mỗi dân tộc mà các con thú cũng thay đổi theo. Ví dụ trong lịch thú của xứ Kazakhstan beo thế hổ, ốc sên thế rồng; người Thái Lan dùng Naga (1 loại rắn biển thần thoại) thế cho rồng; lịch cổ Bulgar, sói thế hổ, thằn lằn thế rồng, nhím thế khỉ. Một chi riêng của dân tộc Lê (mao đao thiểu số tại đảo Hải Nam) dùng côn trùng thế hổ, mèo thế thỏ, cá thay rắn, “thịt” thay ngựa, người thay dê! Dân tộc Thái trong vùng Sipsongpanna tại tỉnh Vân Nam sát biên giới Lào và Miến Điện, dùng voi thế heo, giao long hay rắn lớn thế rồng, kiến thế dê. Dân tộc Di (tức người Lô lô) trong vùng Quảng Tây Tự Trị dùng lịch thú theo thứ tự như sau: rồng, phụng, ngựa, kiến, người, gà, chó, heo, chim sẻ (tước), ngưu, hổ, rắn.
Riêng phần Việt Nam thì dùng trâu, mèo, và dê thế cho bò, thỏ và cừu. Xin mở ngoặc tại đây, ngưu trong chữ Tàu là 1 từ chung chỉ trâu bò, vì thủy ngưu = trâu; tương tự là chữ dương (miên dương = cừu lông, sơn dương = dê núi). Còn việc dùng con mèo có lẽ do đọc trại từ âm mão thành mèo, hoặc con thỏ không phổ thông với người Việt ngày xưa bằng con mèo, tương tự như cách dùng của dân tộc Lê nói trên.
Lầm rồi anh bạn Nguyễn Hữu Viện ơi ! Nên đính chính càng sớm càng tốt vì gây hiểu lầm cho người
khác.Đó là vì anh bạn lộn nhà văn Nguyễn Quang Thân (với văn học bán nước) thành ra NQ.Lập chủ blog Quechoa.
Thập nhị chi, phát âm theo tiếng Quan Thoại.
Tse Chau Yin Mau Shin Se Wu Wi Shin Yu Siuh Hai,
子丑 寅卯辰巳午未 申酉戌亥
Tí Sửu Dần Mão Thìn Tỵ Ngọ Vị Thân Dậu Tuất Hợi
Tí cũng còn đọc là Tử, nghĩa là đứa con hay mầm giống của thực vật động vật. Sửu, là con trâu nhưng còn có nghĩa là các vật giống nhau.
Sửu đọc theo âm Tầu là Chau, cũng có nghĩa là xấu. Thay vì gọi là mùi, người Tầu gọi là vị . Vị có nghĩa là chưa chấm dứt, chưa xong. Mùi hay vị cũng cùng nghĩa.
Tính theo giờ thì Tí là lúc nửa đêm từ 11 giờ đến 1 giờ. Chính tí là 12 giờ đêm. Sửu là từ 1 giờ đến 3 giờ, Dần là từ 3 giờ đến 5 giờ, Mão là từ 5 giờ đến 7 giờ. Theo phương hướng thì cung Mão thuộc Chấn, Đông Nam. Cái lúc mà mặt trời mới mọc, ánh sáng chiếu về hướng Đông Nam. Cùng làm quan với nhau gọi là “đồng dần” 同寅 [Thiều Chửu]. Lệ các quan làm việc từ gìờ mão, cho nên điểm tên gọi là “điểm mão” 點卯, xưng đến tên dạ lên gọi là “ứng mão” 應卯, sổ sách gọi là “mão bạ” 卯簿. Lập ra kì hẹn để thu tiền lương và so sánh nhiều ít gọi là “tỉ mão” 比卯. [Thiều Chửu].
Mão là lúc mầm cây đã ra lá, như theo tượng hình 卯.
So sánh thập nhị chi với vòng Trường Sinh trong Tử Vi đẩu số:
Tràng Sinh, Mộc Dục, Quan đới, Lâm quan, Đế Vượng, Suy, Bệnh, Tử, Mộ, Tuyệt, Thai Dưỡng.