WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Một Chút gì để nhớ

Ảnh: Getty

Buổi tối, dãy phố bên kia đường đèn sáng trưng. Những chiếc xe khách dừng lại bên nay cầu, những người đàn bà và con nít chạy đến mời mọc khách trên xe để bán những thứ mà họ đem tới. Một buổi tối như mọi buổi tối ồn ào cho tới khuya. Vũ nói với tôi như thế, khi  ngồi uống trà với Vũ trước hiên nhà bên ngôi chùa cũ mà những ngày còn bé, Vũ sống trong ngôi chùa này. Ngôi chùa tôi đã đến thăm mỗi khi có dịp về thị trấn thăm em. Thăm chùa và thăm vị sư còn rất trẻ. Ông thích làm thơ, ngoài những giờ sớm chiều tụng kinh và gõ mõ.

Tôi thích cảnh u tịch trong ngôi chùa khi ngồi hàn huyên với ông bên tách trà nóng sau hậu liêu. Ngồi với ông, tôi quên đi những năm tháng buồn bã mà tôi đã dấn thân vào trong cuộc chiến  này. Chẳng thấy có cường độ giảm. Mà ngày càng khốc liệt hơn.

Nhưng hôm nay, về lại đây, em đã ra đi. Chỉ còn lại Vũ, sống âm thầm, như một nhân chứng để nhìn lại khoảng thời gian đã qua. Ðể nhìn lại những thay đổi từ một thị trấn nhỏ ngày xưa mất an ninh, đường xá vẫn là những con đường cát nóng bỏng. Nhưng với tôi, thị trấn này vẫn là một nơi rất gần, và còn mãi trong trí nhớ những ngày qua. Bạn bè, em và ông sư.

Buổi chiều, Vũ hỏi tôi có ra biển không? Tôi nói có. Chị Vũ cười: một kỷ niệm khó quên phải không? Tôi rít mạnh hơi thuốc lá, nói với chị biển lúc nào cũng có trong tôi mà. Tôi biết, chị cười cười…nhìn tôi với Vũ đi về phía những đồi cát. Biển không xa, chỉ qua vài ngọn đồi cát là gặp. Như ngày xưa, em thường rủ tôi ra ngồi dưới chân đồi cát, nhìn biển. Những con sóng vẫn đuổi nhau, ngày này qua ngày khác. Có những buổi sáng trời im, gió lặng, nước biển rút ra xa và những con dã tràng đang se cát dưới chân hai đứa. Em rượt đuổi và những dấu chân trần in trên cát như ngày nào trên bãi biển quê em. Ðẹp lắm!

Sau đồi cát, một vài ngôi nhà Tây còn bỏ lại, một nơi nghỉ mát của những người dân trên phố thị xuống, những cây sứ trắng lâu năm, như những gốc cổ thụ cho hoa thơm ngát chung quanh. Những bông sứ thật dễ thương, màu trắng pha ít vàng, mà có hôm gió mạnh, tôi đưa em lên ngồi trong sân của khu nhà Tây này. Mùi hoa sứ thoang thoảng như mùi con gái ngày nào, lần đầu đưa em dạo chơi trên bãi biển Nha Trang, khi tôi có được vài ba ngày nghỉ, đến thăm khi em mới ra trường chọn về làm việc nơi thị trấn này. Em bảo, em sợ tiếng chân người và tiếng chó sủa. Những đêm có tiếng súng bắn nhau bên kia những ngọn đồi, Vũ thường nói với tôi, đêm nào chẳng thế. Chiến trận lớn thì không có, nhưng nhỏ thì lai rai, hai bên đều giành giựt.

Bóng đêm và nỗi sợ hãi trên từng gương mặt của mọi người. Còn tôi thì ở xa và quen rồi. Và cứ thế, giữ mối liên hệ quen em, hẹn hò nhưng vẫn giữ một khoảng cách im lặng trong suốt cuộc đời của tôi. Để rồi sự im lặng ấy cũng như những đồi cát mênh mông, những ghềnh đá nơi bãi biển, những gốc hoa sứ cằn cỗi trong khuông viên của những ngôi nhà Tây mà tôi và em hay ngồi. Sự im lặng của mỗi người cứ thế kéo dài cho đến tận hôm nay ra biển một mình với Vũ. Nước lớn. Gió lớn. Những con sóng bạc đầu cứ xô nhau đuổi vào bờ không làm chùng bước của em và những người đã đưa em đi. Và, em đã ra đi.

Anh đến và em đã đi xa  rồi, như chiếc bóng ngày hôm nay anh đuổi mãi chắc không bao giờ bắt được. Bây giờ chỉ còn là kỷ niệm. Nuôi dưỡng nó phải không, tôi nói với Vũ. Nhiều khi tôi muốn quên đi để còn phải sống và tìm việc làm để sống. Và, lỗi tại ai? Vũ hỏi. Tôi chịu. Chờ đợi. Vâng, chờ đợi, biết đâu ngày nào đó gặp lại em ,  như trên bãi khuya, nơi bờ biển quê em ngày nào lang thang uống rượu trở về ngôi nhà trọ của người bạn ở  đường Phan Ðình Phùng hát nghêu ngao: Nha Trang, ngày về, mình tôi trên bãi khuya…Không, không phải trên bãi khuya mà còn trên những con đường khuya khác nữa, dưới ánh đèn vàng vọt có mấy người bạn cùng một màu áo trận lang thang, đá những lon bia của ai đó uống vất bừa bãi. Tiếng kêu leng keng khô khốc trên đường khuya, hay nằm ngủ dưới bóng những cây bàng trong khuông viên của viện Pasteur, nghe thời gian trôi qua trong đêm và tiếng sóng vỗ  bên kia đường Duy Tân mà buồn ứa nước mắt. Bây giờ Vũ hỏi tôi, tại ai? Tôi nào biết. Có thể tại tôi không dám nói; vì nói ra sợ em tan biến như bọt biển, cho nên tôi im lặng suốt đời.

Cũng như hôm được về, đón chuyến xe đò trên đường về quê. Xe dừng lại dưới chân đèo, đón chuyến xe lam để vào thành phố. Hy vọng sẽ gặp lại em cũng trở về quê cũ, sau tháng 4 năm 1975 . Nào ngờ, tất cả đã đổi thay. Bạn bè cũng ra đi, những con đường đã qua, vắng ngắt. Lang thang mãi chẳng gặp ai để hàn huyên, nhắc lại một thời đã qua, nó như một kỷ niệm. Dù, không là gì cả, chẳng ai vượt được thời gian qua để làm sống lại. Nhưng ít ra, nó vẫn còn đọng lại trong tâm của mỗi người một chút gì để nhớ, phải không? Như ngày nào, em nhớ khói thuốc lá tôi thường hay hút, bastos xanh. Em bảo, em ghiền khói thuốc ấy.

Tôi nói với Vũ điều ấy, như nhắc lại một hình ảnh đẹp . Vũ cười, lãng mạn đấy. Chị Vũ ngồi bên cạnh cũng cười và phụ họa: ít có cô nào nhớ khói thuốc lá của người mình yêu. Tôi vội đính chính.

Bưng tách trà nóng áp vào lòng hai bàn tay, nghe ấm áp vô cùng. Chị Vũ cười pha thêm nước sôi vào bình, hỏi: khi chiều ra biển anh nhớ gì không? Nhớ chứ chị. Một kỷ niệm đẹp mà, khó quên. Vừa nói, tôi vừa nhìn chị. Chị mập thêm ra và đẫy đà dù đã năm mặt con. Ba  đứa ở bên trời Tây, cuộc sống ổn định khi tuổi về già không như ngày nào còn lận đận.

Tiếng ồn từ bên kia đường bắt đầu lắng xuống dần. Ngôi chùa cũ ẩn dưới vòm cây về khuya thật âm u. Ông sư ngày xưa đã tịch, Vũ còn giữ lại những bài thơ ông làm như một kỷ niệm mà tôi đã gặp, đã được đọc thơ ông. Một ông sư có tính nghệ sĩ. Biết buồn khi nhìn lá rơi. Và, biết vui khi thấy một đứa bé chào đời. Dù biết đời là khổ. Tôi trở lại đây, sư đã ra đi, em cũng ra đi. Sư ra đi không trở lại. Ông đã vào cõi vĩnh hằng. Có còn chăng là những bài thơ viết trên những trang giấy đã úa vàng . Còn em, thì ở xa vạn dặm. Với tôi, như nhìn về một phương trời xa nào đó, để tưởng nhớ  mà thôi. Tôi nói hoài với Vũ như thế.

Trời về khuya, gió biển thổi qua những đồi cát hơi lạnh. Tôi bưng tách trà nóng trong đôi tay như để tìm chút hơi ấm, hỏi Vũ: bên kia đường, tôi nhớ ngày xưa đâu có nhà cửa nhiều như thế? Vũ kéo dài hơi thuốc lá: chỉ vài ba ngôi nhà tôn lánh cư. Phía sau những ngôi nhà đó là đồi cát, ông biết mà, quê tôi toàn cát với đồi. Đi sâu vào trong đó là rừng và núi. Con đường giao liên từ trên núi xuống. Ngày nào, đêm nào cũng có người ngã xuống. Hai bên đều cố giữ nó. Súng nổ. Như em từng nói với tôi, em sợ bóng đêm, tiếng chó sủa và chân người…

Vũ ngồi duỗi chân ra, thoãi mái: bây giờ tiếng súng đã im, người ta về cất nhà mở quán. Bỗng nhiên từ chân cầu đổ xuống thành nơi hội tụ cho những chiếc xe khách đường dài chạy thâu đêm. Cuộc sống có đổi thay.

Nhưng, ngôi chùa cũ vẫn như ngày nào. Những ngôi nhà Tây trên đồi cát vẫn như ngày nào. Những gốc sứ cằn cỗi kia vẫn như ngày nào. Và, chỉ có tôi là thay đổi, già đi với thời gian. Ðêm về khuya, tiếng sóng vỗ vào ghềnh đá nghe càng rõ, một thứ âm thanh đều đều không ngắt quãng, nghe sao buồn quá đỗi đêm nay.

© Phạm Văn Nhàn

1 Phản hồi cho “Một Chút gì để nhớ”

  1. VHT says:

    CHÚT GÌ ĐỂ NHỚ

    Chút gì để nhớ ngày xưa
    Còn nghe tiếng pháo lưa thưa, đoành đoành
    Máy bay rà, thấy rành rành
    Con trong cái thúng, mẹ nhanh chạy càn !

    Giữa đồng thiên hạ kêu vang
    Nhiều người quay lại, chạy càn, ngược xuôi
    Giờ đây nhớ lại bùi ngùi
    Ai làm lịch sử, ai cười, ai than ?

    Chín năm, rồi lại đàng hoàng
    Nào hay vẫn tiếp một tràng chiến chinh
    Ai còn ai mất, điêu linh
    Ai than ai khóc, dân mình đấy thôi !

    Giờ đây mọi chuyện cũng rồi
    Ai người ở lại, ai người ra đi
    Biển khơi còn nói những gì
    Núi ngàn còn nhớ những khi thảm sầu ?

    Thời gian rồi cũng qua mau
    Vết thương chiến cuộc cũng hầu đi qua
    Trăng lên rồi lại trăng tà
    Con đường lịch sử cũng là khác xưa !

    NON NGÀN
    (13/8/11)

Leave a Reply to VHT