WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Chào em, Sydney

Người Việt đi du lịch thường nghĩ đến Athenes, Bangkok, Bejing, London, Moscow,  Paris, Roma… thanh lịch và văn minh, thiêng liêng và trí tuệ. Nhưng vĩ đại quá nên không thuộc về ai.

Châu Úc “riêng một góc trời” rón rén lùi lại đằng sau. Nhưng chính ở đấy, nhiều tuyệt vời vướng chân khách lữ hành. Những con chim đùa nghịch dấu mỏ hôn nhau, tóc vàng tươi gót khua vang phố Rocks, khăn lụa trên vai tường vi cài áo tràn ngập nhà hát con sò Opera House, bên trái hương nồng ngày nắng Stadium bên phải cánh rừng Tràm rợp mát, vú hồng trên bãi Bondi cát đẫm lưng gió cuốn mùi em thơm theo sông chảy tuôn ra bể…

Sydney cuối mùa hoa, Jacanranda man mác tím đẹp như giấc mơ của khách lữ hành. Người Úc vẫn giữ lấy cảnh quang ngày 29/4/1770 khi thuyền trưởng James Cook 42 tuổi rời con tầu Endeavour đặt chân lên lục địa. Nơi ông đến, một bãi biển vắng bóng người, vô số vỏ sò hoá vôi và những nhánh rong biển như chuỗi ngọc bích vắt ngang hốc đá sóng biển soi mòn. Một đài nhỏ trên bờ nơi bưóc chân James Cook đặt lên, ghi tên ông. Những cây bạch đàn thân trắng dọc theo lối đi quanh co. Bao la và im lặng. Điều kỳ diệu nhất nếu khách du cảm đưọc trong không gian là tính mạo hiểm của người da trắng và từ đó chạnh lòng khao khát thêm nhiều chuyến viễn du. Theo vết chân James Cook, người Anh nhoài ra khỏi thành phố lạnh lẽo sương mù, lướt trên đầu ngọn sóng đi xây dựng một lục địa, ngoại trừ tì vết đối xử sai trái với thổ dân, còn thì cái gì cũng đẹp như vỏ sò Nautilus dù phơi mình trên cát vẫn ôm ấp niềm bí mật của biển khơi.

Khác Nautilus, người Úc không giữ bí mật. Viện Bảo Tàng Quốc Gia Canberra trưng bày những tấm ảnh chụp năm 1909 xích thổ dân, chưng cả xiềng xích lẻng xẻng đã từng xâu cổ dẫn họ đi như súc vật. Những thổ dân này, theo sách vở, cùng 1 chủng với ngươì Hòa Bình ở VN. Một trăm năm trước, còn đen đúa như thế, thì sáu ngàn, mười ngàn năm trưóc, không biết diện mạo con người thế nào? Nếu thấy “tổ tiên” mình xấu xí thế, không rõ mấy nhà sử học có nhận không, hay chỉ nhận trống đồng Đông Sơn.

Người Úc cũng giữ lại tên địa phương, mà âm thanh lạ lẫm làm đôi chân ưa chuyện mạo hiểm phải ghé thăm. Từ ngàn năm, thổ dân có riêng con đường Burrawang xuyên qua nơi bây giờ là Kamay Botany Bay National Park. Mảnh rừng đó cung cấp đồ ăn, dược thảo, dụng cụ và nơi trú ẩn cho thổ dân Gweagal, cây địa phương là Banksia, Eucalyptus và Illawarra.

Illawarra còn có tên Christmas tree, gần đến ngày giáng sinh lá hoa và quả một màu đỏ rực. Viễn khách mải đếm những ngôi nhà bằng gạch nung màu đỏ, mái ngói cũng đỏ thấp thoáng dưới hoa, tự hỏi mái nhà ấy đã ấp ủ bao mảnh đời ly xứ, bao chuyện tình đổi trao, để từ một nơi nhốt tù, Úc trở thành một lục địa an bình nhất trên thế giới? Nơi nào khí hậu cho phép cả hai cây rụng lá và trổ hoa một lượt, người Úc trồng xen kẽ Illawarra và Jacaranda, mỗi năm từ tháng 10 đến tháng 12, thiên nhiên tô hai màu đỏ và tím, một tương phản vô cùng diễm lệ in trên nền trời xanh trong vắt, một trời chỉ mù mịt khói khi có cháy rừng. Các chuyên viên thời tiết say công việc như say huyền thoại tình yêu, thường xuyên báo tin về cấp gió, cấp bão, nồng độ Carbon monoxide, Nitrogen dixoxide… đôi khi cũng bối rối vì trời đất Sydney cũng giống phụ nữ: một ngày hè nhưng có tới bốn mùa, thoắt lạnh thoắt ấm, thoắt nắng thoắt mưa, cách vài km nắng chang chang, trên núi có tuyết rơi.

Trời cho xứ Úc cây bạch đàn Eucalyptus, cho luôn hai em kangaroo và kaola ăn lá Eucalyptus. Hai con vật này tuy vậy không được kể như chó mèo. Người Úc hiếm thi sĩ nên không có anh trai khói lửa nhớ nhà dắt chú kangourou lang thang châm điếu thuốc khói um đường phố. Họ thực tế, biến kangourou thành kỹ nghệ du lịch và lấy thịt. Thịt kangourou gần giống thịt bò, sớ mềm nhưng hơi kém vị, dẫu vậy kangaroo-steak cũng giúp đời di tản đỡ buồn khi bận bịu nhai nuốt. Không ai nói tới ăn thịt kaola, chắc tại nó nhỏ xíu dễ thương dành cho mấy cô bé dưới 10 tuổi hôn môi chụp hình, cả hai đứa cười toe toét. Không thấy các cô lớn hôn kaola. Chắc các cô dành đôi môi san hô cho người khác. Miền Nam mình gọi bạch đàn là khuynh diệp, loại làm dầu Bác Sĩ Tín trước 1975, có lẽ lúc đó trồng tại thành phố sư tử-Singapore. Ở VN giờ không rõ có trồng làm cây kỹ nghệ chưa? Dầu BS Tín phổ biến tới nỗi nhà nào cũng có vài lọ. Báo hại quí bà quí cô nhè Channel số 5 cũng theo thói quen quẹt ngang mũi. Về sau này có dầu gió xanh “hiệu Con Ó” rất phổ biến ở VN, cũng làm từ Eucalyptus Singapore, leo lên xe đò về miền Tây nực mùi dầu con Ó giống như vào nhà bảo sanh.

Nhà thảo mộc học Joseph Banks, người Anh, đến Australia một lượt trên tàu Endeavour  với James Cook năm ông 27 tuổi. Joseph Banks và Daniel Solander, người Thụy Đìển, liệt kê/phân loại tới 132 loại cây trong đợt đổ bộ Kamay Botany Bay, đặc biệt giới thiệu với phương Tây cây Eucalyptus, Mimosa, Acacia và Banksia. 11 năm sau, Banks đuợc trào đình Anh phong nam tước. Người Úc có vẻ ái mộ Banks, nên ngoài đặt tên cho cây Banksia, Sydney còn có Bankstown, Café Banksia, Banksia Adventures, Banksia Railway Station… Người xa nhưng hoa lá còn ở lại, vài cánh hoa khô, lá ép của họ còn trưng bày ở National Herbarium/Sydney. Banksia chiụ được khô hạn, mọc chen với đá tảng. Ở Úc, vào mùa khô, nắng rọi lá khô làm thành cháy tự nhiên, hạt Banksia nhờ cháy, nứt mầm cho thêm những cây con. Hạt khô Banksias là nguồn thức ăn cho chim, thỏ, sóc, dơi, ong… Cành Banksia ở tiệm hoa cho những bó hoa mạnh khoẻ nhờ nhiều mầu chói lọi và thân cứng.

Người Úc có thói quen tốt cuả ngươì da trắng: đánh giá và giữ gìn những gì thuộc về môi trường hay quá khứ. Năm 2000, công trình Olympic Stadium đang xây dựng phải ngưng ngang và chuyển hướng vì khám phá ra một hồ nước có loài Green Frog, đang trên đà tuyệt chủng, sinh sống.  Hồ đuợc khoanh vùng, bảo vệ cẩn mật. Nước hồ thức ăn cỏ hoa tạo điều kiện sinh thái cho mấy chú chàng Green Frog chỉ chuyên viên mới đuợc phép xuống. Trên mặt hồ, du khách tò mò dạo trên Ring Walk, có vòng tròn 550 mét cao hơn mặt hồ 18 mét, nhìn xuống duới hồ tìm kiếm vô vọng mặt nước xao động may ra có 1 chú nhái màu xanh.

Tính giữ gìn bản sắc của người Việt ở Úc tỉ mỉ và sâu lắng ăn vào kẽ tóc chân tơ, có thể chính người trong cuộc cũng bất ngờ, không hề đặt câu hỏi xem lòng mình đã biến tan chưa hay vẫn giữ làn hơi ấm cũ. Tượng Phật, tranh Đông Hồ, tranh sơn mài, vài cụm bạc hà dấp cá ngò gai tía tô húng quế húng cây… Cây ăn trái không bưởi cũng chanh không hồng cũng khế dù lâu lâu dối dá qua loa về VN nếm khế ngọt khế chua nhà hàng xóm.

Khu Cabramatta-Little Asia có nhiều cửa tiệm người Việt. Đủ thứ hoa quả như chợ Long An. Nếu rau trái có linh hồn sẽ hết sức vui khi hiểu ra có những người lái xe gần tiếng đồng hồ chỉ đến ngó màu xanh khổ qua màu tím trái cà màu đỏ trái ớt… Không hay trong lòng có nỗi nhớ không tên gượng cười “nấu bậy tô canh ăn cho nó mát”. Xoài chín hột vịt lộn chuối sứ hiệp màu tô đậm bức “Quê Nhà”. Quầy bán chè đủ món cứ như má nấu ở nhà, chè đậu chè chuối cốm dẹp nước dừa cho những tấm tha hương mượn chút ngọt ngào. Ở Cabramatta, tiệm ăn Hương Xưa có món Mì Quảng ngon hơn Mì Quảng Đà Lạt, bánh dẻo rau thơm nước dùng ngọt, có lẽ vì tôm cua tươi.

Những thức ăn tưởng là lặt vặt nhưng sắm vai cây Tràm cây Đước thời khai sinh Nam Bộ, Sơn Nam mô tả trong Hương Rừng Cà Mau, lãnh trọn khó khăn giữ đất bồi nơi nưóc ngọt nước mặn gặp nhau khó cây nào sống nổi. Ở Cà Mau hiện nay, “rừng Tràm vàng” biến thành “rừng Tràm nghèo”: vỏ cây Tràm xuất cảng sang Trung Quốc làm giấy giá rẻ rề, nông dân mình trồng Tràm bậm môi nuốt nước mắt thay cơm. Cây Mangrove/Tràm ở Úc vừa làm kiểng vừa giữ gìn môi sinh, giữ vững bờ biển, nguồn cung cấp cá nước lợ. Giữa lòng Sydney Olympic Park, con đường Tràm thơ mộng Mangrove Boardwalk quanh co bên sông Parramatta, in hệt mấy lối mòn lá nâu vàng miền Mid-West bên Mỹ cuối thu.

Giữa xanh thẳm Mangrove ngàn chim nước ríu rít cất khúc thanh ca, vỗ về tâm hồn bận rộn mấy giọt nghỉ ngơi. Chim chóc xứ Úc còn giữ tánh nguyên sinh, dạn dĩ tới sát xin ăn. Chim đủ màu, đầu và gáy màu đen ngực đỏ chói cánh xanh. Chim chào mào rủ nhau tắm nắng, chim sáo dắt tay nhau chạy dưới mưa. Có loài chim tên Laughing Kookaburra, dài tới 42cm, chuyên viên bắt cá, tiếng kêu như tiếng cười cốt nhắc nhở mấy bồ khác về không phận “xin miễn oanh tạc, vượt qua binh sĩ sẽ nổ súng”.

Biển Úc nước ấm, mỗi năm cá mập trốn lạnh tung tăng cả trăm con không mấy xa bờ. Cá sông cá biển, ăn ở nhà hay nhà hàng đều ngon hơn cá… đông lạnh. Miếng cá chắc, ngọt và không có vướng mùi tanh. Tôm Sydney tươi rói, làm món pò pía gỏi ngó sen hay gỏi cuốn ăn đâu mát đấy. Tiệm ăn Úc thịnh hành món Fish & Chips chiên bột ròn tan. Món này bị tuyệt chủng ở Mỹ. Dân Mỹ khoái thịt bò, tay cầm thưốc cao máu tiểu đường rưng rưng hai hàng lệ thảm tay kia bốc hamburger nhanh như gió cuốn. Sydney tháng 12, giá tôm càng lobster đang từ $40/kg, thình lình xuống 20, rồi 15, vì Trung quốc khi không xoá hợp đồng nhập cảng. Anh Hai chi tiền lâu lâu làm khó bà con. Hèn chi mấy nước có buôn bán với Trung quốc lo canh chừng thị trường, lờ béng món nhân quyền, thỉnh thoảng bấm nút cho sinh viên non tay ấn hay nghị viên dân biểu mỵ dân, biểu tình cho vui đời… dân chủ-khoa học giả tưởng. Anh Hai không mua chừng nửa năm, ắt bỏ mạng sa tràng lấy kho đâu mà chứa, chưa kể ảnh hưởng giây chuyền. Đi đến đâu cũng nghe tin vui giữa giờ tuyệt vọng. Tinh thần ăn uống lên cao. Nhà nhà gọi nhau mời mọc, tình lân lý nghĩa… tôm càng. Quí ông tử vi có sao Nấu Nướng chiếu mạng nhân dịp trổ tài “tay ngọc bếp hồng”. Ngọc thật hay ngọc giả, lobster vẫn ngon như chưa ngon thế bao giờ.

Người Việt ở Sydney có đôi điều hơi khác. Ở California, quí bà lái xe quí ông ngồi cạnh tỉnh bơ là thường. Ở Sydney, “ông lái bà la”, chỉ chỏ khan tiếng, nhưng quí ông không bao giờ mất mặt ngồi cho đàn bà lái. Mà họ lái rất giỏi, có nghĩa không làm người ngồi bên nghiến răng ken két vì sợ hãi, dù đưòng xá Sydney lái bên trái, vòng vèo như sắp leo lên lề, khiến lâu lâu tái xế đi lạc nẻo niết bàn, vòng tới vòng lui như Lục Vân Tiên cõng mẹ đi ra đụng phải cột nhà cõng mẹ đi vô. Quan sát bãi đậu xe, thấy đa số bác trai thuộc chi chủng “Thong Thả Đi Ra Cửa”. Chàng xuống xe, rút chìa khóa đút túi, anh dũng đi thẳng một lèo “đường ta ta cứ đi nhà ta ta cứ xây ruộng ta ta cứ cầy…” Không mở/đóng cửa xe, không cầm tay, không chờ đợi, không ngừng lại, không dắt qua đường, không giúp khoác áo, không để tay lên eo ếch, không bỏ valise lên/xuống xe, cũng không quay laị xem có cần giúp vợ/đào/chị em/bạn gái/con gái khiêng vác bao lớn bao nhỏ. Nhiều khi đi xuống thang cuốn, quay lại không thấy khúc xương suờn chạy theo, chàng cũng không nhăn nhó. Ung dung chàng nhịp chân hát hết liên khúc mùa thu; hay vừa thiền vừa ngó tóc vàng nhún nhảy trên hè phố mà không cần phải đến thiền viện mắc mỏ như ở California. Quí ông đóng tròn vai chủ gia đình lương hảo, “family man”, sửa gara sửa nhà lót gạch thay ngói sơn tường… Không biết ít nhiều có giống quí Việt kiều bên Mỹ, đa số thuộc đại chủng “Đang Sửa Lăn Ra Ngủ.”

Nếu quí ông hồn nhiên thiền, quí bà tự tin qua cách ăn mặc còn vương nét “y phục xứng kỳ đức”. Trang điểm nhẹ nhàng, giờ nào áo đó, không thấy đeo kim cương 2 carat ra hồ bơi, hay xách ví Louis Vuitton 3 ngàn đi chợ mua mắm tôm mắm ruốc. Sự đơn giản này có thể do môi trưòng sống: Sydney quen tiết kiệm. Chỉ được tưới cây 2 ngày 1 tuần; nhà nào cũng có giây phơi quần áo; chỉ dùng máy sấy khi trời mưa liên tiếp; chính phủ đang tài trợ chương trình Solar System dùng năng lượng mặt trời, bàn cầu có 2 nút, nhấn phân nửa hay toàn thể số lượng nước tuỳ nhu cầu. Ý kiến này tuyệt hay, không hiểu sao những tiểu bang khô hạn như California, Arizona, Las Vegas… ở Mỹ thích xài đã điếu, rồi cha con mếu máo khai vỡ nợ, dân biểu nghị sĩ hy sinh làm thinh cho chắc.

Người Huê Kỳ ưa làm nhiều quả bất ngờ làm dân Úc bảo thủ ngạc nhiên. Tháng 11, ngoại trưởng Hillary Clinton qua thăm Melbourn. Bà làm con sò Opera House trố mắt khi nhận xét về Vegemite, món bơ mặn người Úc ăn mỗi ngày “Các bác trét Vegemite vô chi cho hư cả bánh mì”. Tháng 12, Oprah Winfrey cùng tùy tùng từ Mỹ sang Sydney hô hào bà con du lịch Úc Châu. Oprah ký ngay chi phiếu $250.000 tặng gia đình Kristian Anderson bị ung thư. Oprah còn tuyên bố sẽ cung cấp máy computer cho toàn thể học sinh thầy giáo. Nói về tính bảo thủ, không thể không nhắc tới đầu thế kỷ 20, tiêu chuẩn đưọc làm công chức của Úc vẫn phải là “da trắng/theo Tin Lành” (White Anglo-Saxon Protestant, viết tắt là WASP). Cho đến những năm 1960, giới “thượng lưu” hầu hết là WASP.  Người theo Ki-tô La Mã bị kỳ thị trong ngành hành chính và nhiều ngành khác. Từ 1940-50, chính phủ (liên bang/tiểu bang) mới bắt đầu tuyển người Ki-tô Irish làm công chức. Đảng Lao Động/đa số thành viên Ki-tô giáo lần đầu cầm quyền năm 1910. Từ 1970-80, nhiều sắc dân nhập cư khiến nước Úc có bộ mặt “đa văn hóa”. Nhiều luật chống kì thị ra đời, các ngành nghề không phân biệt chủng tộc, tôn giáo, giới tính…Tuy vậy, ở Sydney không thấy đón giáng sinh tưng bừng. Cuối tháng 12, thấy mỗi một căn nhà trang hoàng giăng mắc đèn đóm.

Sự bảo thủ còn thấy ở đám học sinh tiểu học trung học mặc đồng phục hết sức dễ thương, quần xanh aó trắng, váy trắng áo hồng… có thêu huy hiệu từng trường. Lên đại học, các em gái nhí nhảnh mới mặc váy mini/maxi/sandal La Mã, thiên thần trên trời thở dài muốn xuống làm người trần gian. Các nữ sinh viên Sydney có vẻ nữ tính hơn sinh viên những thành phố bên Mỹ, ngay cả Boston, ưa quần Jeans, trông bụi đời nhưng thiếu vẻ mềm mại.

Dùng xe điện đi Pitt Street Mall, du khách tấp nập. Chỉ một đọan đường ngắn có tới 600 cửa hàng lộng lẫy. Trước đây đa số du khách Á Châu là người Nhật. Nay người Trung Hoa thay thế, mua sắm linh đình. Trong tủ kíếng nữ trang bày một viên ngọc trai cực lớn, khoảng 16mm, màu vàng đậm cực hiếm như vàng 22karat, loại Golden South Sea Pearl, ngọc trai nưóc mặn tỏa màu ngũ sắc nưóc bóng êm như lụa có thể soi như soi kiếng. Ngọc màu vàng đưọc cấy từ loaị sò Gold-Lipped Pinctada Maxima. Viên ngọc trai này có thể từ Broome, trại nuôi sò rất nổi tiếng của Úc nhưng trên thị trường ít nghe tên. Giá có thể từ $6.000-10.000 nếu do sò tự nhả nưóc dãi – trong phản ứng tự vệ chống lại vật lạ (tức là một hạt xà cừ 6 hay 8mm) do ngươì ta cấy vào thịt chúng – trong vòng từ 10 đến 12 năm, hoặc $300 nếu được các chuyên viên trong phòng thí nghiệm sơn bằng tay cũng với nước dãi con sò, đại khái giống như quí bà sơn móng tay, lớp này chồng lên lớp khác.

Xuân thì mua sắm nữ trang thích chọn Mikimoto, Tahitian Pearl và South Sea Pearl. Tất cả là ngọc nhân tạo. South Sea Pearl thường màu trắng, lớn hơn 10mm, do năm nguồn cung cấp: Úc-Indonesia-Myanmar (Burma)-Philippines và Papua/New Guinea). Úc cung ứng nhiều nhất, với doanh số bán AUS $200 triệu/1 năm.  Úc và Bahrain (vịnh Ba Tư) là hai nơi cuối cùng trên thế giới còn tìm thấy ngọc trai thiên nhiên. Năm 1930, nước vịnh Ba Tư bị kỹ nghệ dầu hoả làm ô nhiễm, tiêu diệt cả loài sò. Vì vậy, Úc là nơi duy nhất còn có ngọc trai thiên nhiên. Nhưng trong hàng trăm hay ngàn con sò, may ra mới có 1 con có ngọc. Quí bà nội trợ mua sò làm món ăn nên coi kỹ, biết đâu! Dù không đủ tiêu chuẩn làm nữ trang, cũng là một bất ngờ lý thú. Nếu bị nấu sôi, viên ngọc trai hư hoàn toàn không cứu chữa được.

Museum khoe Opal là loại đá quí đưọc Úc công nhận là đá quốc gia. Opal có độ cứng Mohs từ 6-6.5, so với kim cương 10.  Opal đặc biệt hơn hết thẩy gemstones ở chỗ có đủ màu sắc vô cùng lộng lẫy, từ xanh như Jade, tím như Amethyst, trắng như Moonstone, đỏ như Ruby, xanh như Saphir, từ trong suốt đến đặc. Tuy nhiên, hình như người Việt không có duyên với opal, cho rằng… xui. Một suy nghĩ rất huyền bí Đông Phương, có nghĩa… miễn bàn.

War Memorial ở Canberra không chỉ là một bức tường ghi tên tử sĩ như ở Washington DC. Nơi đây trưng bày hình ảnh của quân nhân Úc tham chiến cạnh Đồng Minh suốt từ Chiến Tranh Lạnh 1946 đến bây giờ… Địa đạo, súng đạn, tóc bết máu, tập vở rách nát, dao nĩa gẫy gục… Một bức tượng gây xúc động, ngườì lính mình mẩy toàn bùn, tạm nghỉ bên chiến hào gục đầu vào hai tay. Đôi bàn tay tạm sạch nhờ rửa vào vũng bùn đặc quánh kế bên. Kích thước bằng người thật, nhọc nhằn cũng thật và hy sinh cũng thật. Từ Flanders, chiến trường và nghĩa trang tử sĩ biên giới Pháp/Bỉ thế chiến I, những bông hoa poppy màu đỏ thắm nở đầy. Tin rằng hoa thắm máu người vừa giã từ vũ khí, Đồng Minh chọn poppy cho ngày tưởng nhớ. Người lính John McCrae chứng kiến cái chết đồng đội 22 tuổi, lặng lẽ khóc bạn, bài thơ “In Flanders Fields” viết tay nắn nót trong tập vở. Xin dịch thoát “Bạn ơi, từ tối đêm khuya đến đầu sương sớm-Mình đã sống. Rồi mình sẽ mãi nằm xuống nơi bến Flanders-Dù mình đang yêu và cũng đưọc yêu”. Có 520 quân nhân Úc tử trận tại chiến trường VN từ 1962-1975. Ở VN, tính cho đến ngày hôm nay, đài Kỷ Niệm Chiến Sĩ Trận Vong do quân nhân Úc dựng tại đồn điền cao su Long Tân là đài duy nhất còn được VN lưu giữ, dù ở đâu cũng vậy, chỉ lính là người mỏi mệt nhất và chết đúng nghĩa “hy sinh” nhất. Nobel Văn Chương 2005 Harold Pinter đau đớn hỏi “Có ai hôn xác chết, có ai vuốt mắt cho xác chết, có ai chôn xác chết?” Trả lời ông, trên hồ nước, một ngọn lửa loang loáng cháy suốt ngày đêm, tượng trưng linh hồn tử sĩ không bao giờ diệt.

So ra trong trăm ngàn gặp mặt rồi chia tay, trên bến nước nhân gian nghiêng mình ngắm nghía kẻ ở người đi tô vẽ trăm điều não nuột. Sao không đơn giản yêu lấy cả hạnh ngộ lẫn chia ly? Để dành “Con thuyền ngọn gió chia phôi. Bạc đầu sóng bạc đầu người ra đi” cho những người chiến sĩ.

Tạm biệt Sydney. Tạm biệt Jacaranda.  Hẹn ngày này. Năm nao? Ai nào biết?

Cuối mùa hoa Jacaranda tháng 12, 2010, Sydney

© Trần Thị Vĩnh-Tường

© Đàn Chim Việt

 

 

 

 

 

3 Phản hồi cho “Chào em, Sydney”

  1. D.Nhật Lệ says:

    Bài viết này có nhiều chi tiết không đúng nhưng cũng không thể trách một du khách như tác giả TTVT.thăm viếng Sydney một cách lướt thoáng qua kiểu “cỡi ngựa xem hoa”.
    Tuy thế cũng cần nói lại cho rõ,ngõ hầu những du khách khác khỏi bỡ ngỡ.Sau đây là vài ví dụ:
    -Koala thay vì Kaola.
    -Quán Việt mới có Mì Quảng,thay vì Hương Xưa (phở Bắc).
    -Khuynh diệp ở đây phần lớn thuộc loại lemon-scented gum (Euc.citriolosa) có thân cây màu xám bạc,chứ không phải loại có lá nhỏ như cây khuynh diệp ở VN.mà Bs.Tín chế dầu kd/Bs.Tín.
    -Kangaroo cấm xẻ thịt bán ở nhiều tiểu bang,trừ phi tiểu bang nào có nhiều qúa gây hại mùa màng
    mới bị phép giết v.v.Kangaroo không phải chỉ ăn lá khuynh diệp như Koala.
    Đáng tiếc là tác giả đến Cabramatta mà không thăm tượng điêu khắc 2 người lính Việt-Úc của điêu khắc gia Đổ Trọng Nhơn đặt trong công viên Cabravale Park.

  2. Nguyen Duc An says:

    Chào các bạn,

    Trước hết thì tôi muốn post link tôi đọc được từ vietnamnet.vn, một tờ báo mạng có uy tín ở Việt Nam.

    Tất cả thông tin mà tác giả cho rằng đã bị đục bỏ bởi kiểm duyệt thì tôi đã được biết cách đây gần 1 tuần, thông qua vietnamnet.vn. vietnamnet.vn đã đăng khá chính xác và đầy đủ bức thư của ông Hà Minh Thành. Do đó tôi mong tác giả kiểm tra tính xác thực của bài viết mình. Qua đây, tôi không muốn chia xẻ quan điểm của chính tôi, nhưng tôi thấy cách thức bôi nhọ sự thật của chính tác giả khi chê trách vnexpress.net bằng chính cách mà tác giả phê phán thì thật không đáng tôn trọng.

    Xin chân thành cảm ơn.

    • Nguyễn Mãi Quốc says:

      Trước hết góp ý của bạn đã đăng …..lộn chỗ!! Kế tiếp là người ta đang phê bình tờ VnExpress thì đâu có ăn nhậu gì đến Vietnamnet.vn???? Bộ một tờ báo đúng, thì các báo khác dù có sai cũng không được “đụng” đến hay sao???? Cho em nhờ tí …………

Phản hồi